Suy nghĩ  về “Vatileaks” – Biến cố thời sự mở đầu cho Năm Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo

Posted on  by Xuân Bích Việt Nam

Tháng 10 năm 2012 này, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ khai mạc Năm Đức Tin cho Giáo Hội Công Giáo toàn cầu. Đây là một cơ hội được mở ra không chỉ nhằm cho người Ki-tô hữu tái khám phá nền tảng đức tin trong đời sống của mình, nhưng còn là một lời mời gọi giới thiệu và thông truyền đức tin ấy cho mọi người chung quanh nữa.

Thế nhưng, cũng trong thời điểm này, giới truyền thông xã hội một lần nữa làm nóng dư luận bằng sự kiện được gọi là “Vatileaks” (http://tuoitre.vn/The-gioi/513904/Vatican-xet-xu-%E2%80%9Cvu-Vatileaks%E2%80%9D.html) với nhiều tình tiết nhạy cảm khiến cho những ai quan tâm cũng có cảm giác như đang bị đánh lừa và hụt hẫng. Giáo Hội là thế đó sao ? Rõ ràng bất cứ một sự kiện nào xảy đến trong thế giới này luôn mang một ý nghĩa nào đó. Vấn đề con người chúng ta chọn góc độ nào để nhìn, chọn loại “ngôn ngữ” nào để đọc, chọn định hướng nào để hiểu một sự kiện để điều ấy thật sự mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho bản thân và mọi người chung quanh. Trong suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng sự kiện này cũng là một sự kiện không ngoài ý Chúa và mang đầy tính tích cực.

Nếu tôi không lầm thì cũng vào thời điểm khai mạc Năm Linh Mục 2009, không chỉ Giáo Hội mà xã hội nữa cũng chấn động bởi những vụ kiện cáo scandals liên quan đến các linh mục lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Khó mà biết được thực hư sự việc cũng như mức độ ảnh hưởng thật sự của biến cố này nhưng qua các phương tiện truyền thông, đã có người nghĩ rằng “ngày tận thế” của Giáo Hội Công Giáo đã đến. Tuy vậy, biến cố đó cũng có thể gọi là một biến cố hồng ân để các Linh Mục trên toàn thế giới trong nỗ lực chữa lành vết thương đã gây ra nơi những người trẻ, cũng biết tự soi rọi chính mình theo con đường của Thầy Giêsu Chí Thánh – Đấng là mục tử nhân lành đầy lòng thương xót, đến để chiên được sống và sống dồi dào. Đồng thời. các nhà đào tạo Linh Mục cũng được đặt trước một trách nhiệm vừa nặng nề nhưng cũng hết sức khẩn thiết, đó là được mời gọi lưu ý và hướng dẫn những người thụ huấn đi đến sự trưởng thành trong đời sống độc thân Linh Mục vô cùng cao quý và làm triển nở những đặc sủng của đời sống độc thân này để mưu ích cho các linh hồn. Và như thế, biến cố đau đớn về các Linh Mục sa ngã cũng trở thành một tiếng chuông cảnh tỉnh mà nhờ đó, hàng Linh Mục càng trở nên ý thức về ơn gọi và sứ vụ của mình hơn, sống thánh thiện và siêu thoát hơn, can đảm dấn thân làm chứng tá đời sống yêu thương phục vụ theo mẫu gương của Đấng là Mục Tử Nhân Lành hiến mình vì đàn chiên. Phải nói rằng, đó là một tín hiệu lạc quan.

Cũng thế, sự kiện “Vatileaks” trong những ngày gần đây cũng dần bộc lộ một khuynh hướng đả kích Giáo Hội nhân những tai tiếng đồn đoán trong Thánh Đô của Giáo Hội Công Giáo. Ta có thể có một cái nhìn sơ lược về biến cố này, đó là việc những thông tin, thư từ nội bộ của Đức Giáo Hoàng, của các nhân vật đứng đầu những Thánh Bộ … đã lọt vào tay một người giúp việc thân cận và người này đã tiết lộ cho các nhà báo. Thật khó để có thể đánh giá cho đúng mức hành vi này nếu chưa nắm rõ động cơ thật sự cũng như những hoàn cảnh xảy ra sự việc. Tuy nhiên, dưới một góc độ khác, phải chăng biến cố này khích lệ chúng ta kiện cường đức tin chân chính của mình. Đó là một đức tin được đặt nền móng nơi Đức Ki-tô là Đấng chân thật, tốt lành vô cùng ; đức tin này cũng được truyền đến cho mỗi người từ thời các tông đồ mà đứng đầu là Thánh Phê-rô, người đã khẳng khái được Chúa Cha mặc khải cho biết và công khai tuyên tín : “Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống”. Đó cũng là đức tin mà các bậc tiên tổ cha ông trên đất Việt đã xả thân hy sinh để đón nhận, bảo vệ từ hàng trăm năm nay. Đó cũng là đức tin chân chính mà hôm nay những tín hữu, cách riêng là giới trẻ đang được hạnh phúc thừa hưởng và những hoa trái của đức tin đang ngày một triển nở làm cho đời sống đức tin ngày thêm phong phú viên mãn trong ơn thánh.

Như thế, dưới ánh sáng đức tin, sự kiện Vatileaks có chăng cũng là một lời nhắc nhở phải cầu nguyện thật nhiều cho Người Cha Chung của Giáo Hội Công Giáo. Thật khó mà tưởng tượng được một cụ già với độ tuổi trên 80 mà vẫn còn làm việc với một cường độ lớn như Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI của chúng ta. Một ngày của ngài là những chuỗi công việc, những cuộc họp, những buổi gặp gỡ các phái đoàn, những giây phút cầu nguyện, suy tư và chia sẻ … Đó là một khối lượng công việc khổng lồ mà nếu không có ơn Chúa thì không ai có thể cáng đáng được. Có lẽ dưới triều đại Giáo Hoàng của ngài, Giáo Hội phải đương đầu với nhiều cơn thử thách dữ dội : nạn kỳ thị tôn giáo, tệ đoan ấu dâm, sự bành trướng của các giáo phái cực đoan, những “bí mật” được tiết lộ qua các tài liệu mật mà khó có ai nắm được tính xác thực của chúng … Bấy nhiêu đấy đủ cho thấy bộ mặt của thế giới hôm nay và cũng vì thế, việc cầu nguyện liên lỉ cho Đức Thánh Cha cũng là một điều cần được thực hiện.

Tiếp đến, sự kiện Vatileaks tưởng chừng vạch trần những mảng tối của Giáo Triều Rôma, nhưng thiết nghĩ, dù thế nào đi nữa cũng không thể xóa nhòa những mảng sáng trong thế giới ngày nay mà Giáo Hội đã, đang và sẽ luôn cổ võ. Người ta không thể quên được vai trò của ánh sáng Tin Mừng trong thế giới phẳng hôm nay, một thế giới mà mọi sự đều bày ra trên các máy vi tính xách tay đời mới, trên Iphone, Ipad … Hơn bao giờ hết, người sử dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật cần phải được định hướng nhờ các chân lý của Tin Mừng. Các giá trị Tin Mừng ngay giữa những thời điểm tăm tối vẫn luôn là ánh sáng duy nhất đưa con người đến ơn cứu độ nơi Thân Mình Đức Ki-tô là Giáo Hội. Chúng ta có quyền tự hào về Giáo Hội Công Giáo không chỉ vì những điều đã làm được nhưng ngay cả những gì chưa làm được cũng là một lời mời gọi chính mình thực thi một cam kết dấn thân nên muối nên men ướp mặn cuộc đời. Trong những nỗ lực ấy, vai trò của Chúa Thánh Thần cũng cần được suy tư trong chiều kích đức tin và những dấu chỉ thời đại. Chúa Thánh Thần từ lâu vẫn đang hoạt động trong Giáo Hội và xã hội và cũng từ lâu được biết đến như một vì Thiên Chúa bị lãng quên. Hôm nay, trong bối cảnh của Năm Đức Tin, cần tái khám phá vai trò của Chúa Thánh Thần trong lịch sử và trong công trình sáng tạo vẫn còn đang tiếp diễn nơi chính mỗi người. Vatileaks một lần nữa đã là một dịp may để nhận ra những công trình Chúa Thánh Thần đang cộng tác với mỗi con người.

Vatileaks cho thấy một thực trạng không bình thường đang diễn ra, đó là những quyền lợi căn cơ nhất của con người đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng : quyền được sống, quyền được bày tỏ ý kiến cá nhân, quyền riêng tư về thư tín … Xa hơn nữa, đó cũng là một dấu hiệu đáng buồn có nguy cơ xâm phạm quyền được theo một tôn giáo, quyền được tỏ bày niềm tin của mình và quyền được sống niềm tin ấy trong cuộc sống mỗi ngày. Ánh sáng đức tin vẫn đang rọi chiếu nhưng vẫn có những người không được tiếp cận ánh sáng ấy. Tệ hại hơn nữa, đó là có những người cũng đang cộng tác vào việc che giấu, cản trở làm cho người khác không đến được với niềm tin chân chính. Tất cả những dấu chỉ ấy cho thấy một Năm Đức Tin như một cánh cửa được mở ra không chỉ cho ta bước vào mà còn là cơ hội ta làm những việc thật cụ thể để mời gọi những ai chưa biết đến để cùng vào trong niềm tin và tình thương của Thiên Chúa.

Ngày 11.10.2012 sắp tới, tại quảng trường Thánh Phê-rô, cùng đồng tế trong thánh lễ với các nghị phụ, các chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục, Đức Thánh Cha sẽ long trọng tuyên bố khai mạc Năm Đức Tin. Cần làm gì để thời gian hồng ân này không trở nên vô ích nhưng thật sự mang lại sức sống và kiện toàn hơn nữa đức tin sống động nơi mỗi người ? Dường như những điều thánh Phao-lô đã viết cách đây gần 2000 năm cũng vẫn còn hợp thời :

-  Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng Đức Ki-tô, luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em (Pl 1,27).

-  Anh em phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khi làm cho chúng ta trở nên nhút nhát nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ. Vậy anh em đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta (2Tm 1,6-8a)

Thánh Gia-cô-bê Tông đồ cũng nhấn mạnh: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có lợi ích gì ? Đức tin có thể cứu được người ấy chăng ? Đức tin không có hành động là đức tin chết. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin (Gc 2,14.17.18b). Đức tin thật sự sẽ dẫn chúng ta đến đức mến toàn vẹn. Để rồi đến ngày chung thẩm, mỗi người chúng ta sẽ được phán xét về đức mến (Mt 25). Như thế, đức tin cũng không kém phần quan trọng vì là chìa khóa đưa ta bước vào ngôi nhà đức ái của Thiên Chúa, ngôi nhà tràn ngập ánh sáng tình thương.

Cụ đồ Chiểu ngày xưa đã chép : “Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm”. Phải chăng đức tin của Giáo Hội cũng giống như con thuyền sẽ ôm trọn toàn thể nhân loại vào trong đó. Logo của Năm Đức Tin dường như chưa bao giờ gần gũi với những nét văn hóa mộc mạc rất Việt Nam đến như vậy. Con thuyền đức tin của Giáo Hội phải chăng là con thuyền cụ đồ Chiểu đã liên tưởng đến ? Hình ảnh những con thuyền nhẹ trôi bên dòng sông Hương trước mặt Chủng Viện Huế phải chăng đã gợi hứng cho người thiết kế logo Năm Đức Tin ? Suy cho cùng, những hình ảnh đầy chất thơ ấy đang diễn tả một sứ mạng cũng rất thi vị nhưng cũng rất cấp bách, đó là thông truyền niềm tin về ơn cứu độ mà Đức Ki-tô Con Thiên Chúa nhập thể mang lại cho con người ở mọi nơi, hết mọi thời.

Sự kiện “Vatileaks” tại Vatican đã khép lại với án tù giam 18 tháng cho thủ phạm. Tuy kết thúc nhưng đây vẫn là một sự kiện mang đến nhiều suy nghĩ trước thềm Năm Đức Tin. Ước gì Năm Đức Tin không phải là một sự kiện rình rang trong một thời gian rồi biến mất hẳn như bao nhiêu sự kiện trên thế giới, nhưng Năm Đức Tin cũng được gồm tóm và kéo dài trong suốt cuộc đời người tín hữu, bởi lẽ người “tín hữu” là ai nếu không phải là người có đức tin và sẵn sàng thông chia đức tin ấy cho mọi người chung quanh. Một lần nữa, những cơ hội và cả những thách đố đang được mở ra đàng sau cánh cửa Năm Đức Tin. Với ơn Chúa Thánh Thần, ước chi tôi và bạn, tất cả chúng ta không bỏ lỡ cơ hội quý báu này để thực thi sứ mạng căn bản mà mỗi người đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội, sứ mạng loan báo Tin Mừng với đức tin công giáo, duy nhất, thánh thiện và tông truyền.

THƯƠNG HUYỀN

 


Suy nghĩ về “Vatileaks” – Biến cố thời sự mở đầu cho Năm Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo