MỘT THOÁNG SUY TƯ VỀ HÌNH ẢNH NGƯỜI LINH MỤC

TRONG THỜI ĐẠI HÔM NAY

 

T

rong bối cảnh của thời đại hôm nay, khi phải nói, phải diễn tả, phải suy nghĩ về “chân dung người Linh mục” có lẽ thực khó biết bao. Bởi trong xã hội mà mọi thứ gần như đang bị đánh đồng, đang bị các trào lưu tục hóa gặm nhấm và xâm chiếm mọi góc cạnh … ta không biết phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào để nói về “con người của Chúa” này. Tuy vậy, với những cố gắng suy tư vụn vặt, tôi  xin mạn phép để chia sẻ đôi dòng suy tư về hình ảnh người Linh mục dưới lăng kính của thời đại hôm nay.

1. Tự bản chất, Linh mục là người của Chúa

Toàn thể truyền thống Kitô giáo phát xuất từ Kinh Thánh đều nói về Linh mục như là “người của Chúa”, người được thánh hiến cho Thiên Chúa. Nói đúng ra, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu Kitô đều tiếp nhận một sự thánh hiến cơ bản, được giải thoát khỏi sự dữ và bước vào tình trạng được thuộc về Thiên Chúa một cách đặc biệt. Tuy nhiên, việc chịu chức Linh mục lại là một hồng ân vô cùng đặc biệt và quý giá, bởi nơiqua Bí tích truyền chức, Linh mục được xức dầu Thánh Thần, được trở nên “in persona Christi”, mà theo bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân dịp chuẩn bị kết thúc năm thánh Linh mục ngày 16.04.2010, ngài nói: linh mục là người thực thi sứ vụ của mình “in persona Christi”, nghĩa là linh mục có chức năng “chiếu rọi ánh sáng của lời Chúa, ánh sáng vốn là chính Đức Kitô, trong thế giới của chúng ta, giữa tình trạng xáo trộn và mất phương hướng của thời đại này”.  Điều này chứng tỏ qua Bí Tích Truyền Chức, người Linh mục đặc biệt thuộc về Chúa Kitô và do đó hành động của Linh mục phải phù hợp với hành động của Chúa Kitô. Giống như Ngài, Linh mục phải có cùng tâm tình và ý hướng, cùng tinh thần dâng cho Chúa Cha và phục vụ anh em mình trong việc mục vụ. Trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis số 12 nói: “Linh mục, nhờ vào sự thánh hiến đã lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức Thánh, được sai đi bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, và một cách đặc biệt được nên đồng hình đồng dạng với Ngài, Đấng là Đầu và Mục Tử của Dân Ngài, để sống và hoạt động trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ Giáo Hội và cứu thế giới”.

Hơn nữa, chức Linh mục không phải là sáng kiến do con người làm ra, nhưng chức Linh mục phát sinh từ nơi thẳm sâu Mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa, nghĩa là từ tình yêu của Chúa Cha, từ ân sủng của Chúa Kitô và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Người Linh mục qua Bí tích Truyền Chức sẽ được biến đổi tận căn để trở nên “người của Chúa”“người của muôn người”. Về điểm này, hơn ai hết Thánh Phaolô đã cảm nhận cách sâu sắc và cũng là tấm gương cho hàng Linh mục hôm nay noi theo. Bởi khi được ân sủng của Đức Kitô biến đổi, thánh nhân đã sống triệt để cho ân sủng và không ngần ngại thốt lên “tôi sống, nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20). Còn các Linh mục khi được ân sủng của Chúa Kitô biến đổi, các ngài được mời gọi nối dài sự hiện diện của Chúa Kitô, vị Mục Tử Duy Nhất và tối cao, bằng cách noi theo lối sống của Ngài, làm cho mình “như thể được Ngài xuyên thấu” ngay giữa đoàn chiên được trao phó cho mình.

Linh mục được tuyển chọn từ loài người và được đặt ra cho loài người, để lo việc Thiên Chúa hầu dâng những hiến vật và hy tế đền tội, đồng thời để sống với người khác như với anh em. Có thể nói, Linh mục là người “mắc nợ mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm” mà các ngài đã nhận được nơi Chúa. Ngoài việc “mắc nợ” mọi người trong việc rao giảng Tin Mừng, Linh mục vì là người của Chúa, còn phải trở nên “dấu chỉ” sự hiện diện của Chúa qua việc ra sức thực thi bác ái, kinh nguyện, gương lành và việc sám hối … hầu có thể thánh hóa được bản thân và góp phần làm cho cộng đoàn dân Chúa ngày một thánh thiện, trở nên cộng đoàn chứng nhân cho Đức Kitô giữa lòng thế giới hôm nay. Tuy nhiên, để có thể làm được công việc trọng đại này, đòi hỏi người Linh mục phải vượt thoát ra khỏi cõi riêng tư của mình để đồng hành với Dân Chúa.

 

2. Linh mục người đồng hành với dân Chúa

Chúa Giêsu trao ban chức Linh mục cho các Tông đồ năm xưa không phải để các ông lên mặt dạy đời, nhưng là để “phục vụ Hội Thánh”. Ý hướng của Đức Giêsu đã được các Tông đồ lưu truyền cách trung thực và nguyên tuyền trong Hội Thánh. Trải qua bao thăng trầm cùng với lịch sử, thánh chức Linh mục mà Chúa Kitô qua Hội Thánh trao ban cho một ai đó cũng không đi ra ngoài mục đích này, tất cả để “vinh danh Thiên Chúa và phục vụ cho ơn cứu rỗi của Dân Chúa”. Vì vậy, Linh mục không bao giờ được phép tách mình ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa, nhưng là người đồng hành, chia sẻ, nâng đỡ và cùng đồng lao cộng khổ với dân Chúa, “được tuyển chọn từ loài người và được đặt ra cho loài người để lo việc Thiên Chúa hầu dâng những hiến vật và hy tế đền tội, các Linh mục sống với người khác như với anh em”(LM 3d). Vì vậy có thể nói cách mạnh mẽ rằng: Linh mục không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu không là người chứng nhân, nếu lại sống xa cuộc sống và những hoàn cảnh của nhân loại. Chính thừa tác viên Linh mục đòi các ngài sống trong thế gian giữa loài người và cho loài người.

Cha thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, là một mẫu gương sống động cho các linh mục hôm nay, bởi ngài là con người sống hết tình với Chúa và sống hết tình với anh em, điều này đã được ngài cụ thể hóa trong việc làm và đặc biệt qua đời sống cầu nguyện: “Lạy Chúa, con ao ước thà chết vì yêu mến Chúa còn hơn sống mà chỉ dù một khoảnh khắc không yêu mến Chúa … con yêu mên Ngài, lạy Chúa là Đấng Cứu Độ, bởi vì Ngài đã chịu đóng đinh vì con, bởi vì Ngài đã cho con chịu đóng đinh để phục vụ Ngài… Lạy Chúa xin ban cho con ơn này, là cho xứ đạo của con được ơn hoán cải. Con chấp nhận chịu đau khổ nào Chúa muốn, dù tất cả đời con”.

Qủa thực, qua những tâm tình cầu nguyện tận thẳm sâu cõi lòng, thánh Gioan Maria Vianney đã bộc bạch cho người thế, đặc biệt cho các linh mục hôm nay về tấm lòng “người mục tử nhân lành” như Chúa Giêsu đã sống “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(Ga 10,10).

Cha Gioan Maria Vianney đã cùng đồng hành với Dân Chúa, dù ngài thấy rõ và biết trước bao đau thương thử thách đang chờ đón ngài, nhưng ngài vẫn can đảm tiến bước. Chính do lòng nhiệt thành quảng đại, hy sinh vì Chúa Kitô và vì phần rỗi các linh hồn đã thúc bách ngài, cha đã vượt thắng chính mình và nhờ đó cha đã cảm hóa được bao tấm lòng tan nát, bao trái tim khô khan nguội lạnh về với tình yêu Chúa, làm thắp sáng lên niềm tin yêu nơi xứ Ars, một nơi từ trước tới giờ vẫn bị coi là “khỉ ho cò gáy”.

Vì vậy, người Linh mục hôm nay cần học lấy, mặc lấy tấm gương của ngài, “sống hết tình với Chúa và hết mình với Dân Chúa”. Tuy nhiên, đây lại là một thách đố quá sức lớn lao cho đời sống Linh mục hôm nay. Tại sao?

 

3. Những thách đố cho đời sống Linh mục giữa lòng thế giới hôm nay

Để có thể sống “hết tình với Chúa và hết mình với Dân Chúa”, đòi hỏi người Linh mục phải làm một cuộc “lội ngược dòng”, hầu trở nên “tấm bánh bẻ ra” cho thế giới. Nhưng giữa một thế giới nhiễu nhương, đầy dẫy những thú vui hấp dẫn, mọi thứ đó như là những mũi tên nhọn đang nhằm bắn vào mỗi con người, nó như những chiếc thu lôi có tần sóng cực lớn đang muốn hút tất cả những gì vận hành xung quanh nó; đôi khi nó còn trá hình như những ngọn hải đăng cho người ta soi mình vào mà không biết họ đang đi sai đường lạc lối … Người Linh mục của Chúa Kitô cũng không đi ra khỏi những hấp lực ấy, đôi khi những hấp lực ấy lại tấn công các Linh mục cách mạnh mẽ và khốc liệt hơn ai hết. Bởi Linh mục một mặt lo đối diện với thế gian, một mặt lo đối diện với những con người là đối tượng người Linh mục phải yêu thương và yêu thương đến cùng (X. Ga 13,1).

Để có thể thoát ra được những vòng xoáy của cuộc đời này, có lẽ một lần nữa người linh mục phải tìm về với gương sáng của Cha sở họ Ars và tự hỏi: Tại sao cha Vianney lại có được một tâm hồn thanh thoát trước mọi cám dỗ của thế gian, để có thể phục vụ Chúa và Giáo Hội một cách thiết thực và hữu hiệu nhất như vậy?

Qua những gì mà Giáo Hội ghi nhận được nơi con người và sứ vụ của Cha thánh Gioan Maria Vianney, Giáo Hội nhận thấy một trong những điều giúp ngài vượt qua mọi rào cản để có thể yêu Chúa hết tình và yêu người hết mình đó là “cầu nguyện”. Cha thánh Gioan Maria Vianney không chỉ bằng lòng với việc chu toàn thừa tác vụ của mình, mà ngài còn ra sức làm cho con tim, cho đời sống của ngài nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”.

 

4. Đời sống cầu nguyện là bảo chứng giúp người Linh mục vượt qua thách đố trong đời sống và sứ vụ

Là người kitô hữu và đặc biệt là Linh mục của Đức Kitô, không đòi hỏi ta phải tách mình ra khỏi thế gian, tránh xa những ồn ào náo động … nhưng người Linh mục được Chúa Giêsu kêu gọi giữa thế gian, để sống cùng, sống với và sống cho thế gian. Tuy dù sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, người Linh mục thuộc về Thiên Chúa và làm công việc của Ngài muốn. Vì vậy, đời sống người Linh mục phải gắn liền với cầu nguyện. Hay nói cách khác “cầu nguyện phải là lẽ sống của người Linh mục”.

Chúa Giêsu khi xuống thế gian để thi hành ý Chúa Cha, Ngài luôn tìm gặp ý Chúa Cha trong đời sống cầu nguyện. Từ sáng tinh sương hay tới khi chiều về, Ngài luôn sống trong tâm tình cầu nguyện, đặc biệt những lúc thuận tiện, Ngài thường tìm đến những nơi thanh vắng để có thể kết hiệp với Cha, tìm gặp Chúa Cha. Nhờ vậy, Ngài đã chu toàn trọn vẹn thánh ý Chúa Cha, làm đẹp lòng Cha.

Khi nhìn vào đời sống Linh mục ngày hôm nay, ta nhận thấy một trong những nguyên do khiến một số Linh mục thất bại cách này hay cách khác trong đời sống mục vụ, đa phần là do thiếu cầu nguyện hoặc bê trễ trong việc cầu nguyện. Tại sao lại như thế? Có lẽ nguyên nhân nội tại của việc thiếu cầu nguyện là do “thiếu chiều kích nội tâm với Chúa”, mọi công việc mục vụ “bị” diễn ra theo kiểu một công chức: làm cho được, cho xong, cho hay … mà quên hay xem nhẹ phải thổi vào đó một “lòng yêu mến, và mong cứu rỗi các linh hồn”. Vì vậy, để có thể sống “là người của mọi người” một cách thực thụ, đòi hỏi người Linh mục phải can đảm vượt qua những hấp lực của thế gian, coi tất cả những thứ đó như là những phương tiện thứ yếu nâng bước cho “bước chân người rao giảng Tin Mừng”.

 

Qua một thoáng suy tư về hình ảnh người Linh mục trong thời đại hôm nay, có lẽ mới chỉ diễn tả được một phần nào rất nhỏ về sự cao cả của Thiên chức Linh mục và thực trạng của con người linh mục. Thiết nghĩ, để có thể đứng vững trước những thách đố của thời đại hôm nay người Linh mục phải là con người của cầu nguyện. Nhờ đời sống cầu nguyện, Linh mục được nối với “NGUỒN GIÊSU”, được đi vào trong “giao ước tình yêu”, được hiện diện, được gặp gỡ, trò chuyện, được ở bên Đấng là nguồn mạch yêu thương, lúc đó người Linh mục mới có đủ nội lực vượt qua những thách đố trong đời sống mục vụ. Bởi chỉ nơi đời sống cầu nguyện và qua đời sống cầu nguyện, Linh mục mới có thể lắng nghe được tiếng thổn thức của bao trái tim đang cần đến tình thương, hầu có thể tìm ra phương thế tốt nhất, hữu hiệu nhất mà dấn thân giúp họ đạt tới ơn cứu độ và hơn nữa chính bản thân Linh mục cũng được nên thánh trong đời sống mục vụ.

Để kết luận cho “một thoáng suy tư” này, xin mượn lời Thánh Gioan Kim Khẩu khi phác vẽ về chân dung người Linh mục như sau:

“Hỡi Linh mục, Ngài là ai

Ngài không phải bởi Ngài, vì Ngài bởi hư vô

Ngài không phải cho Ngài, vì Ngài là trung gian dẫn tới Thiên Chúa

Ngài không thuộc về Ngài, vì Ngài phải sống cho một mình Thiên Chúa

Ngài không phải là của Ngài, vì Ngài là tôi tớ của mọi người

Ngài không phải là Ngài, vì Ngài là một Kitô hữu khác

Thế thì Ngài là gì vậy? Chẳng là gì cả nhưng lại là tất cả.”

Cầu chúc bạn và tôi, những người đã là linh mục hay đang trên đường tu luyện để tiến dần tới chức thánh Linh mục, luôn nối cuộc đời mình với NGUỒN GIÊSU, vì chỉ trong tình yêu Giêsu, chúng ta mới vượt thắng được mọi sóng gió của cuộc sống, để có thể trở nên tất cả cho mọi người.

 

Linh mục Giuse Phạm Sơn Lâm

Nhà thờ Chúa Kitô Vua

Tháng 1, 2019

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư