Suy Nghĩ Tản Mạn Từ Một Bức Họa Kiểu Tàu

L.M.Nguyễn công Đoan S.J.

Ngày 5 tháng 9 năm 2019

 

Viết tặng các nữ tu tôi đã có dịp phục vụ 50 năm qua ở khắp năm châu

 

Mười lăm năm trước, nhân một chuyến đi Macau, tôi được tặng một tờ lịch treo tường, với hình Đức Mẹ kiểu Tàu : Đức Mẹ trong y phục nữ hoàng Tàu, hai tay bồng con, đứng dưới bóng một cây tùng với tư thế “mẹ bồng con” êm ái. Năm 2004 đã qua lâu rồi, nhưng vì cái hình Đức Mẹ, nên tôi vẫn trân trọng treo tờ lịch trong phòng.

Mãi gần đây tôi mới để ý tới cách bố trí hai cành cây tùng tỏa xuống thành như một mái nhà. Tôi chợt nhớ tới mấy chữ Hán đã học được từ thời Trung Học, hai chữ kết bởi chữ NỮ : Một chữ NỮ dưới mái nhà là chữ AN (bình an), ba chữ NỮ chụm lại thành chữ THỊ (cái chợ).

Tôi ngộ ra ý nghĩa của bức họa : Nữ Vương Bình An, Nữ Vương Hòa Bình.

Từ đó tôi suy nghĩ về hình ảnh người NỮ TU.

Dưới mái nhà NỮ TU VIỆN tôi gặp ở khắp năm châu lục thì không chỉ có một chữ NỮ, cũng không chỉ có ba chữ NỮ, mà có nhiều. Thế thì ra chữ gì ? Thầy dạy văn chương của tôi đã về chầu Chúa lâu rồi nên tôi không hỏi được. Tôi đành tự nghiền ngẫm.

Một chữ NỮ dưới một mái nhà là chữ AN. NỮ tu viện thì thường chỉ là một cái mái nhà, bên dưới mái nhà này có nhiều người NỮ.

Nhưng thường là mỗi người có một phòng riêng. Nên cũng có thể coi như dưới mỗi mái nhà vẫn chỉ một có một chữ NỮ, nữ tu viện tập hợp nhiều chữ AN, để thành ĐẠI AN, dĩ chí thành TOÀN AN. Ôi tuyệt vời ! Giữa cái thế giới đầy đố kỵ, bạo lực, chiến tranh này lại có những mái nhà ĐẠI AN, TOÀN AN, giãi tỏa BÌNH AN, như ánh sáng dịu êm, xuyên vào bóng đêm chết chóc của hận thù.

Tôi có mơ không ?

Thực tế trước mắt mà tôi hay thấy, có vẻ như đánh thức, kéo tôi về thực tại của con người, chẳng bao giờ toàn vẹn. Có những chữ “nữ dưới mái nhà” bị đè bẹp bởi “ba chữ nữ” ở giữa trời, không có gì che bên trên. Mái nhà tu viện nhiều khi lại thành như bầu trời mênh mông, ba chữ NỮ thành chữ THỊ, nên nhiều chữ NỮ thì thành nhiều chữ THỊ.

Mà đã là chợ thì có đủ mùi cạnh tranh, từ kiểu “hàng thịt nguýt hàng cá”, đến “om sòm như cái chợ” hay “hội chợ”, rồi đến cảnh “tan chợ”, “chợ chiều”, “chợ chồm hổm” ; rồi chợ Tân Định chê chợ Bến Thành, chợ Thị Nghè chê chợ Bà Chiểu…

Ai sống ở Saigon thuở xưa thì biết chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh, là chợ đầu mối, phân phối hàng từ Miền Tây đưa lên bằng đường sông, cũng là nơi làm ăn của các tay anh chị và của những kẻ “đá cá lăn dưa” : đi ngang sạp cá, bất ngờ khều cho con cá rớt ra ngoài, lấy chân đá văng ra xa ; hay làm bộ vấp chân, thậm chí làm bộ đùa giỡn xô nhau té vào sạp dưa, làm một vài trái dưa lăn ra xa, cho đồng bọn lượm. Chủ vựa chỉ lắc đầu nhìn theo, cùng lắm chửi vài câu cho hả giận, hơi đâu mà bỏ vựa đó để chạy đi lượm một con cá, một trái dưa… cả bọn nó súm lại ôm dưa, xúc cá chạy thì lỗ to !

Hình ảnh có vẻ bi đát quá phải không.

Xin trở lại chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Mẹ Nữ Vương Bình An, Nữ Vương Hòa Bình.

Trên nền Thân cây tùng xu xi phía sau lưng, Đức Mẹ bồng Chúa Giê-su con yêu dấu trong hai tay, nét mặt thanh thản bình an, đôi mắt xếch dịu dàng nhìn xuống. Chúa Giê-su trẻ thơ, an bình, vững dạ trên tay Mẹ (x. Tv 131/130), một tay tì vào cánh tay Mẹ, một tay giơ ra như chào đón mọi người, hai mắt xếch mở to, nhìn xuống như tỏa chiếu bình an. Bên trên là màu xanh mướt của lá tùng, như tô thêm bầu khí an bình.

Đức Mẹ thanh thản bình an, vì ẵm Con Yêu Dấu trên hai tay, lòng chẳng còn chi vương vấn. Chúa Giê-su là sự bình an đầy trên tay và trong lòng Mẹ. Mẹ chẳng có gì khác trong tay để trao cho chúng ta ngoài chính “Hoàng Tử của Bình An” (Is 9,5) mà Mẹ đã sinh ra cho chúng ta.

Ngày khấn trọn đời, các nữ tu thường nhận được chiếc nhẫn, như là nhẫn cưới, vì đã trở thành “hôn thê” của Chúa Giê-su, theo nghi thức Phụng Vụ. Cũng như chiếc nhẫn cưới làm chứng rằng hai người đã nên một, chim đã chập cánh rồi ; chiếc nhẫn khấn này đánh dấu, nhắc nhớ rằng nữ tu đã thuộc trọn về Chúa Giê-su, cả hồn lẫn xác, mọi sức lực và tài năng.

Hãy nhìn những cặp vợ chồng hạnh phúc, mới cưới, trẻ trung, tươi mát, tay trong tay tung tăng dạo bước ; hay nhìn những cặp đầu bạc răng long, run run dựa vào nhau, chậm rãi từng bước… Họ bình an như thế, vì lòng họ hoàn toàn đầy nhau, chẳng còn gì để mơ ước, chẳng có gì làm họ xa nhau, dù đông tây cách trở.

Xin kể một chuyện mình họa từ trong gia đình tôi. Mấy năm trước đây, tôi có dịp gặp lại một người em bà con. Xa cách mấy chục năm tôi cũng chẳng bao giờ biết câu chuyện tình của hai đứa. Thời còn ở Việt Nam, hai đứa đã thương nhau, nhưng vì chuyện xích mích giữa cha mẹ đôi bên, nên chưa cưới được nhau. Rồi cậu em họ của tôi vượt biên, lập nghiệp ở tại một nước Bắc Âu. Nó vẫn ôm nặng mối tình bị cách ngăn, hình ảnh người yêu vẫn đầy trong lòng, chẳng có bóng hồng nào khác chen vào được. Năm năm sau, nó đánh bạo viết thư về Việt Nam, tưởng người xưa đã yên bề gia thất, “tay bồng tay mang”. Nó vui lắm khi bất ngờ được người xưa bắn tín hiệu : “em vẫn chờ anh”. Thế là nó mạnh bạo làm thủ tục cho người xưa qua thăm, dù chưa biết kết cục sẽ ra sao. Gia đình của người xưa thì hăm cô ấy : biết đâu nó có vợ rồi, mày qua làm gì cho thêm tủi cái thân. Cô ấy nhất quyết đi, dù chỉ để gặp lại nhau một lần, hay “nói một lời làm tan nát lòng nhau”. Thế là hai đứa gặp lại nhau và từ đó thành một cặp vợ chồng thật hạnh phúc và một gia đình ấm cúng ở cái xứ Bắc Âu giá lạnh này ; họ hàng chẳng ai ở gần, cũng chẳng ai qua thăm được. Nhưng Chúa đã làm nên người đàn bà từ cái xương sườn của người đàn ông, “bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Có mình có ta là đủ rồi.

Hai người nam nữ cam kết với nhau “suốt đời” và trao nhẫn cưới cho nhau thì đã chấp nhận mọi hoàn cảnh có thể xảy ra… lúc khỏe mạnh cũng như khi đau yếu, khi vui cũng như khi buồn. Trời nắng hay trời mưa cũng vẫn cùng nhau bước đi trong cuộc đời, biết rằng gian truân thử thách luôn đợi chờ trên mọi nẻo đường, chứ không phải lúc nào cũng “sóng yên, biển lặng”, hay lúc nào cũng như tuần trăng mật.

Cái khác trong thân phận người nữ tu so với cuộc sống lứa đôi là chỉ gần Chúa Giê-su “hôn phu của mình” bằng “đức tin, đức cậy, đức mến” thôi, chứ chẳng bao giờ thấy “tay trong tay”. Thực tế hàng ngày chạm vào mắt, cọ vào da thịt, nhiều khi đầy gai, làm cho lòng chẳng bình an. Sự mệt nhọc vì công việc, nỗi cô đơn của “thân gái giữa chợ” trời, hay giữa cái chợ có mái che, nhiều khi làm cho chán chường… Đó lại là “lương thực hàng ngày” mà mình đã chấp nhận, nhưng nhiều khi sự mệt mỏi làm cho mình quên rằng mình đã chấp nhận thực tế “con người” đó từ khi bước chân vào tu viện, chấp nhận dâng mình làm của lễ toàn thiêu… nên chỉ muốn nhảy xuống khỏi đống củi trên bàn thờ cho yên.

Tổ tiên chúng ta đã rất thực tế khi xếp hạng ba lối “tu” : Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Tu chùa được xếp hàng thứ ba, vì người ta cho rằng nơi cửa phật yên tịnh, ngày đêm tụng kinh cho lòng thanh thản, thoát tục, nên chẳng có gì làm xáo trộn, lo lắng, buồn phiền. Tu chợ khó hơn, vì giữ được lòng thanh thản giữa cái ồn ào, bon chen ngoài chợ thật là khó. Tu tại gia đứng hàng đầu, vì nó là khởi đầu và đặt nền cho mọi kiểu tu.

“TU” nói đây là tu tâm dưỡng tínhthu thân tích đức, nghĩa là rèn cho chính lòng mình thanh thản bình an, và biết biểu lộ ra trong cách cư xử bên ngoài, nên tiến trình tu được diễn tả thế này : “Tiên tu kỳ thân”. Vì “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Cái bước tu đầu tiên vẫn là “tu thân”. Có làm cho cái “thiện căn” ngụ trong lòng mình, thì mới có thể tề gia, rồi trị quốc, bình thiên hạ.

Tu viện, nhà tu, là nơi để tu tâm dưỡng tính trước khi học biết nhiều điều khác. Đời tu theo con đường Tin Mừng thì bao giờ cũng để làm chứng, để loan báo Tin Mừng, dù là “tu kín” trong bốn bức tường, chẳng rao giảng, chẳng dạy dỗ ai, hay là tu để làm việc tông đồ, thì trước tiên vẫn là “tu tâm dưỡng tính” cho Tin Mừng thấm vào lòng mình, “ngự” trong lòng mình, trong con người của mình, trong cuộc sống của mình, vì Tin Mừng của Chúa là Tin Mừng Bình An. Không có thì lấy gì đem cho người khác. Khi tôi ở khám Chí Hòa, có ông bạn đọc cho nghe bốn câu thơ : Hơn hẳn thầy tu một dấu huyền - ăn no ngủ kỹ sướng như tiên – đêm nằm sẵn có người canh gác – chẳng phải lo chi nước, gạo, tiền. Trớ trêu là có khi “nhà tu” lại bị người khác cho thêm hay chính mình tự quẹt thêm dấu huyền, thật là khổ.

Khi mình “tự phân thân làm ba” để thành cái chợ ngay trong lòng mình, thì rao giảng Bình An chỉ là như người bán thuốc dạo, chính mình không bao giờ tin thứ thuốc mình bán và cũng không bao giờ dùng.

Thánh Gia-cô-bê đã vạch rõ : Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em ? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao ? 2 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết ; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. (Gc 4,1-3).

Tu thân, tu tâm dưỡng tính là để diệt “tham, sân, si”, cho lòng được an bình thư thái, thoát tục. Thánh Phê-rô dạy người mới chịu Phép Rửa :

Vậy, anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tuông cùng mọi lời nói xấu gièm pha. 2 Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ, 3 nếu anh em đã nghiệm thấy Chúa tốt lành.” (1 Pr 2,1-3).

Nếu đã nghiệm thấy Thiên Chúa tốt lành thì đương nhiên cũng muốn nên giống Cha trên trời, “anh em hãy có lòng nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). “Cha nào con ấy” !

Tôi hay cười mỗi khi nghe câu hát “em hiền như ma xơ”. Đúng là như vậy với đa số “ma xơ”. Nhưng tôi cũng hỏi đùa : Chắc không đấy ? Ai đặt ra câu hát kia thì chắc là đã có một kinh nghiệm, một kỷ niệm đẹp, hoặc chỉ được gặp “ma xơ” ở bên ngoài, chứ có được thấy “ma xơ” ở nhà dòng. Ra ngoài thì “ma xơ” là “họa ảnh” của “hiền”, về nhà, trong cộng đoàn thì có khi “nói vậy mà không phải vậy”, nhưng là bản sao của bà Sa-ra vợ ông Áp-ra-ham trong tương quan với nữ tỳ Ha-ga, mà bà đã nhờ “sinh con” cho bà (x. St 15,3-14 ; 21,8-21), khi bà nóng ruột vì đợi hoài mà chẳng thấy sinh được mụn con như Thiên Chúa đã hứa.

Mái nhà tu viện có thể chứa ĐẠI AN, TOÀN AN, nhưng cũng có thể là bãi chiến trường cho một cuộc “đại chiến” với bom đạn ầm ầm, hay cánh rừng của chiến tranh du kích, lâu lâu bắn tỉa vài phát bằng cái đuôi con mắt hay bằng cái lưỡi uốn dịu dàng. “Ở trong chăn mới biết chăn có rận !

Vào tu viện, khi lòng mãn nguyện, đầy sự ngọt ngào của Chúa thì người ta triển nở và có thể quên mình. Nhưng khi lòng cứ đói khát một cá gì đó thì người ta lại co vào chính mình như thể mùa đông miền Bắc mà chỉ đắp cái chiếu ngắn… Đó là tâm trạng “gái già”. “Chẳng thiếu chi nhiều, chỉ thiếu tình yêu”. Lúc nào cũng nhăn nhó khó chịu, chẳng ai làm vừa ý được.

Lại kể chuyện trong gia đình tôi. Tôi có một đứa cháu gái. Năm 17 hay 18 tuổi nó nói với tôi là rằng “Chú ơi, con muôn đi tu”. Tôi giới thiệu cháu với một nữ tu lo việc đào tạo trong một dòng nữ, xin chị nói chuyện với cháu về đời nữ tu.

Sáu tháng sau, tôi về thăm nhà, không nghe nó nhắc đến chuyện đi tu nữa. Tôi hỏi. Nó liếc mắt về phía cái tu viện gần nhà, ngay bên kia đường, tủm tỉm cười và trả lời : “Con đã thấy những gì diễn ra trong nhà đó rồi. Con vẫn muốn dâng mình phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh. Nhưng con ở nhà cũng phụng sự được, khỏi cần chui vào rọ cua, chú há”. Ở nhà quê, nó dùng hình ảnh “rọ cua” dễ hiểu : ra ruộng lúa bắt cua đồng để về giã nấu canh, ngươi ta bỏ vào cái rọ. Về nhà thì đổ cua ra cái chậu để “làm” sạch, rồi bỏ vào cối giã và lọc lấy nước cốt, nấu riêu cua hay canh rau đay, ngon tuyệt ! Cái cảnh trong chậu khi đổ cua từ trong rọ ra thì “vui mắt” : cua dính chùm kẹp lẫn nhau, con nào cũng sứt càng gãy gọng, chẳng con nào lành. Từ đó tới nay đã gần bốn mươi năm, cháu gái tôi vẫn chỉ là “một chữ NỮ dưới mái nhà”, đi làm nuôi thân, giúp tập hát, điều khiển ca đoàn ở nhà thờ, dạy giáo lý… Cháu rất hạnh phúc.

Nếu mỗi người con gái bước vào nữ tu viện đều chiêm ngắm Đức Mẹ, nhận Đức Mẹ làm Mẹ và Mẫu của mình và nên giống Đức Mẹ, đầy Chúa Giê-su trong lòng và trong tay, thì hẳn mỗi tu viện sẽ là bến bình an và giãi tỏa bình an xuyên qua cả bốn bức tường Nhà Kín. Hội Thánh và thế giới sẽ được nhờ to.

Và lúc ấy khỏi cần đi rao, đi tìm, đi cổ võ… cứ mở cửa chờ sẵn. Con gái vốn thính mũi, nghe mùi hương dầu cam tùng quí giá sực nức đầy nhà của Ma-ri-a làng Bê-ta-ni-a (x. Gio-an 12,3), nhận ra đây là nội cung của “Quân Vương” : “Lúc quân vương ngự giữa nội cung, dầu cam tùng của tôi tỏa hương thơm nức” (Diễm ca 1, 12,3), sẽ kéo đến xin vào hầu hạ Vua Trời.

Mong thay !

Giê-ru-sa-lem, ngày lễ Sinh Nhật Đức Me 2019

Linh mục Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.

 

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư