Phân Tích: Các Quan Điểm Chính Trị Trong Giáo Triều Rôma Có Thể Chặn Đứng Một Vụ Xét Xử Tài Chính Của Vatican không?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói chuyện với Ngoại trưởng Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin trong chuyến viếng thăm Nhà thờ Lima vào ngày 21 tháng 1 năm 2018. Vincenzo Pinto AFP qua Getty

Bài: Ed Condon

Washington DC, ngày 13 tháng 5 năm 2020 / 06:00 chiều MT ( CNA ) .- Khi chi tiết về một loạt các vụ bê bối tài chính tại Phủ Quốc Vụ Khanh Vatican tiếp tục được đưa ra, một số nhà quan sát đã thắc mắc về sự thiếu khẩn cấp hoặc thiếu quan tâm rõ ràng trong phản ứng của Tòa Thánh. 

Trong khi các cập nhật mơ hồ về các cuộc điều tra đang diễn tiến được đưa ra, việc gia tăng áp lực chính trị và ngoại giao đằng sau hậu trường có thể làm chậm lại các động thái nhằm buộc tội các nhân viên bị đình chỉ.

Một số quan chức tại Phủ Quốc Vụ Khanh lo lắng trong riêng tư rằng, trong khi người ta mong chờ các nhân viên giáo sĩ ​​sẽ lặng lẽ chịu trách nhiệm về hành vi sai trái, thì các nhân viên giáo dân đang đối mặt với việc truy tố, họ có thể bắt đầu lên tiếng. Một số người sợ rằng nếu họ lên tiếng như vậy, họ có thể làm cho các vụ bê bối tồi tệ hơn theo cấp số nhân, và họ sẽ ám chỉ các nhân vật cấp cao hơn. 

Trong nhiều tháng, các chi tiết và cáo buộc về các quan chức tại Phủ Quốc Vụ Khanh cố gắng ngụy trang các khoản nợ và tài sản trên bảng cân đối kế toán của Vatican và giả mạo mối quan hệ với các cá nhân và tổ chức liên quan đến cáo buộc tham nhũng, lừa đảo và rửa tiền, các chi tiết và cáo buộc đó đã xuất hiện đều đặn. Đồng thời, các nhà điều tra đã thực hiện một loạt các cuộc đột kích vào các văn phòng tại Phủ Quốc Vụ Khanh, dẫn đến một số đình chỉ.

Một quan chức giáo dân tại Phủ Quốc Vụ Khanh, Fabrizio Tirabassi, chịu trách nhiệm giám sát các khoản đầu tư tại bộ phận này. Trong khi Phủ Quốc Vụ Khanh đầu tư hàng trăm triệu đô la vào một tài sản ở Luân Đôn, Tirabassi được bổ nhiệm làm giám đốc của một công ty cổ phần tại Luxembourg do doanh nhân môi giới buôn bán tài sản làm chủ.

Trong bất cứ quyền tài phán nào khác, người ta mong đợi các chi tiết như thế này có thể ​​sẽ kích động hành động nhanh chóng và quyết đoán. Thay vào đó, Tòa Thánh chỉ đưa ra các bản cập nhật mờ nhạt, và nói rằng các biện pháp đã được thực hiện đối với một số cá nhân, nhưng từ chối cho biết các biện pháp đó là gì, hoặc áp dụng cho ai. 

Nói tóm lại, có thể không có vụ xét xử nào vào cuối cuộc điều tra của Vatican. Và có khả năng những người quan sát từ bên ngoài Roma sẽ tự hỏi lý do tại sao.

Một yếu tố có thể là chính trị, đặc biệt là loại chính trị bị nhấn chìm trong các truyền thống mù mờ của Tòa Thánh. Các công tố viên có thể thấy mình xung đột với Phủ Quốc Vụ Khanh về việc nộp đơn tố cáo, hoặc thậm chí về việc sa thải công khai các nhân viên có liên quan, vì lo ngại không biết một vụ xét xử có thể dẫn sự việc đi đến đâu.

“Nếu bạn nộp đơn tố cáo, bạn phải ra tòa”, một nguồn tin thân cận với Bộ kinh tế nói với CNA. “Nếu bạn ra tòa, bạn phải trình bày bằng chứng và quy kết trách nhiệm. Một khi bạn làm điều đó, thì mọi người đều có thể bị quy kết trách nhiệm và ai biết được những ngón tay sẽ bắt đầu chỉ vào đâu”.

Một nguồn tin đưa ra giả thiết với CNA rằng các giáo sĩ cao cấp bị cuốn vào cuộc điều tra, như Đức Ông Alberto Perlasca và Đức Ông Mauro Carlino - cả hai từng phục vụ ở các vị trí cấp cao trong Phủ Quốc Vụ Khanh, có lẽ các vị này đã được cậy nhờ cố tuân thủ luật omerta[1] của Phủ Quốc Vụ Khanh về các vấn đề nhạy cảm, và thậm chí chấp nhận hình phạt. 

Nhưng một số người trong Phủ Quốc Vụ Khanh có nhận thức rằng nếu các quan chức giáo dân, như Tirabassi, đang phải đối mặt với cáo buộc, đối mặt với thất nghiệp trong tương lai hoặc thậm chí là nhà tù, họ có thể dùng tới biện pháp phá sạch để tự vệ. Trong trao đổi của Phủ Quốc Vụ Khanh, chỉ cần một kiểu rủi ro như thế đã là đủ để ngăn chặn một vụ truy tố. Hoặc ít nhất là để xúi dục một số quan chức tranh luận nhằm có một giải pháp im ắng hơn cho toàn bộ vụ việc. 

Một nguồn tin của Vatican cho biết, “mọi người đều nhớ những gì đã xảy ra trong năm 2016, liên quan đến phiên tòa được gọi là phiên tòa Vatileaks 2.0, trong đó có ba quan chức của Phủ Quốc Vụ Khanh, bao gồm một phụ nữ giáo dân, bị buộc tội chuyển tài liệu bí mật cho các nhà báo”.

“Cha Chaouqui [dòng Phan sinh] đã đứng lên và chuyện kinh hồn đã xẩy ra – các tin nhắn bẩn thỉu, bôi nhọ tên tuổi, đó là một rạp xiếc. Bạn có thể tưởng tượng điều tương tự như vậy không, nhưng là với một người biết đến chi tiết hàng tỷ euro đầu tư bí mật trong nhiều năm và có thể bắt đầu chỉ tay vào các hồng y đương chức?”

Trong khi Hồng y Parolin, với tư cách là Quốc Vụ Khanh, đã chịu trách nhiệm cá nhân đối với một số dự án gây tranh cãi tại bộ phận mà ngài lãnh đạo, thì Tirabassi, Carlino và Perlasca, tất cả đã dành nhiều năm để báo cáo trực tiếp với Hồng y Angelo Becciu, là người từ năm 2011 đến năm 2018, từng làm việc với tư cách sostituto[2] của Phủ Quốc Vụ Khanh.

Việc miễn cưỡng khơi dậy vụ bê bối hoặc miễn cưỡng phơi bày nó công khai hơn nữa có thể cho thấy nó là yếu tố định đoạt trong các quyết định có nên buộc tội hay không và có thể giải thích tại sao Tòa Thánh tiếp tục miễn cưỡng thừa nhận vụ việc, chưa nói đến những tiết lộ gần đây. 

Đồng thời, một quyết định không truy tố các hành vi sai trái rõ ràng về tài chính có thể gây ra những hậu quả ngoại giao nghiêm trọng.

Những nỗ lực của Vatican trong việc chống rửa tiền và các tội phạm tài chính khác hiện đang được Moneyval, cơ quan giám sát chống rửa tiền của Hội đồng Châu Âu, tiến hành đánh giá trước khi đưa ra báo cáo vào tháng 12.

Một đánh giá thuận lợi từ Moneyval là rất quan trọng nếu Vatican muốn được coi là một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng tài chính quốc tế. Một báo cáo gây tổn hại vừa đủ cũng có thể dẫn đến việc Vatican phải quay trở lại danh sách đen quốc tế và, trong tình trạng cực chẳng đã, có thể dẫn đến việc tắt máy thẻ tín dụng trong các cửa hàng và bảo tàng của Vatican.

Một phiên tòa xét xử tội phạm tài chính công khai đối với các quan chức cấp cao của Tòa Thánh thuộc bộ điều hành quan trọng nhất của Tòa Thánh có thể trở thành một minh họa cho thấy một số vấn đề hành chính tồi tệ đang được xử lý như thế nào trong hậu trường.

Nghịch lý thay, một phiên tòa có thể là điều duy nhất có thể thỏa mãn Moneyval rằng Vatican đang có hành động thực sự.

Tại thời điểm báo cáo cuối cùng, vào năm 2017, cơ quan giám sát lưu ý rằng Vatican vẫn chưa khởi tố một vụ án rửa tiền nào tại tòa án - Vatican chỉ khởi tố vụ án thành công đầu tiên vào năm 2018.

Báo cáo đã kết luận, “Tính hiệu quả tổng thể của việc Tòa Thánh cam kết chống rửa tiền phụ thuộc vào kết quả đạt được của cơ quan công tố và tòa án”.

Ngoài mối quan tâm ngoại giao còn có câu hỏi về nhận thức của các tín hữu. 

Người Công giáo đã kêu gọi sự minh bạch hơn trong việc lãnh đạo giáo hội, đặc biệt là sau những tiết lộ của Theodore McCarrick[3] và các vụ bê bối lạm dụng gần đây. Một cuộc xử án sẽ được một số người coi là bằng chứng cho sự chuyển động hướng tới sự minh bạch đó. Nhưng những người vẫn còn chìm sâu trong trường phái cũ sẽ có khả năng gây ảnh hưởng cho một nghị quyết nhằm giữ thể diện, tôn trọng một vị thế có từ lâu đời để tránh tai tiếng. Căng thẳng giữa những phe phái đó là có thật. 

Vatican có thể sớm phải quyết định xem có sẵn sàng cho phép các công tố viên cam kết thực hiện một quy trình pháp lý đầy đủ hay không, quy trình pháp lý này có thể đưa đến bất cứ nơi nào và bất cứ ai mà nó có thể hàm ý. Sự lựa chọn đó có thể quyết định sự mâu thuẫn giữa tự bảo tồn và cải cách thực sự, đối với các cấp cao nhất của giáo triều Rôma.

https://www.catholicnewsagency.com

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.

 



[1] ND: luật giữ im lặng, giữ kín các bí mật nội bộ.

[2] ND: người thế chỗ.

[3]ND:  nguyên là một Hồng Y người Hoa Kỳ.