Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II với Đức Hồng y Joseph Ratzinger trong lễ nhậm chức giáo hoàng ngày 22 tháng 10 năm 1978 tại Thành Vatican. Đức Nguyên Giáo hoàng Biển Đức đã viết một lá thư cho các giám mục Ba Lan nhân dịp một trăm năm ngày sinh của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II, ngày 18 tháng 5 năm 2020 (© L'Osservatore Romano qua Vatican Media / Công giáo Quốc gia)

Ngày 18, tháng Năm, 2020

Cha Raymond J. de Souza

 

Liệu Chúng Ta Có Thể Gọi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II Là Thánh Cả Không?

 

NHẬN XÉT: Trong bức thư gửi các giám mục Ba Lan nhân dịp một trăm năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II, Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã viện dẫn lý do gọi “Thánh Cả” như một sự công nhận ảnh hưởng của Đức Thánh Cha quá cố đối với lịch sử.

 

Thánh Cả Gioan Phao-lô II.

 

Vụ việc hiện đã được thực hiện cách đầy đủ - do Đức Giáo Hoàng Phanxicô và vị tiền nhiệm của Ngài - rằng những người muốn thì có thể mạnh dạn sử dụng danh hiệu đó. Theo thời gian, danh hiệu đó có thể sẽ được thông qua trong các tài liệu chính thức của Giáo hội.

 

Trong bức thư của mình gửi cho các giám mục Ba Lan nhân dịp một trăm năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng. Đức Biển Đức cũng lập luận rằng Đức Gioan Phao-lô II không chỉ thay đổi thế giới mà còn “hồi phục” Giáo hội tại thời điểm mà chính sự tồn tại của Giáo hội cũng bị nghi ngờ. Bức thư cũng làm rõ Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vốn vô cùng phổ biến đã có hình thức như hiện nay bằng cách nào.

 

Đức Gioan Phao-lô II Cả

 

Trong bức thư của mình, Đức Biển Đức XVI đưa ra câu hỏi liệu Đức Gioan Phao-lô II có nên được gọi là “Cả” hay không.

 

Ý tưởng về Đức Gioan Phao-lô II như là một nhân vật có ảnh hưởng lịch sử hiếm có - một “Vĩ Nhân” - đã từng có ở nước ngoài khi Ngài vẫn còn sống. Vào năm 1996, khi còn là sinh viên Đại học Cambridge, tôi đã tham dự một bài giảng được trình bầy bởi tổng thống mới nghỉ hưu của Ba Lan, Lech Wałesa vào ngày này, 18 tháng 5. Tôi đã có thể gặp ông ấy sau đó tại một buổi tiếp tân, và, vì đó là ngày sinh nhật lần thứ 76 của Đức Gioan Phao-lô II, tôi hỏi ông nghĩ gì về vai trò của Đức Thánh Cha trong việc giải phóng Ba Lan và sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô.

“Tôi không nghĩ gì cả”, Wałesa trả lời, làm tôi ngạc nhiên. Người phiên dịch đã sớm thêm lời giải thích: “Bởi vì Đức Thánh Cha giống như mặt trời. Tôi không nghĩ về mặt trời, nhưng không có mặt trời, sự sống sẽ không thể xảy ra”.

 

Nếu lời khen ngợi này dành cho người đồng hương Ba Lan yêu nước của mình là quá đáng thì ngay cả từ “Vĩ Nhân” có thể cũng quá khiêm tốn.

 

Ngay lập tức sau khi Ngài qua đời vào năm 2005, có một nỗ lực để trao cho Đức Gioan Phao-lô II danh hiệu “Vĩ Nhân”. Chỉ 13 giờ sau khi qua đời, Đức Hồng Y Angelo Sodano, cử hành Thánh lễ Chúa nhật Lòng Thương Xót tại Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô, đã nói về Giovanni Paolo II, anzi, Giovanni Paolo il Grande – “Đức Gioan Phao-lô, thực vậy, Đức Gioan Phao-lô Cả”.

 

Những lời đầu tiên của Đức Biển Đức XVI trên ban công của Đền thờ Thánh Phê-rô sau cuộc bầu cử của Ngài là, “Dopo il grande papa...” – “Sau khi Đức giáo hoàng vĩ đại...”

 

Tuy nhiên, ngay sau đó, người ta có một cảm giác rằng điều đó còn quá sớm – rốt cuộc, Đức Gioan Phao-lô vẫn chưa phải là một vị thánh được liệt vào hàng các thánh. Đức Biển Đức đã không sử dụng tên gọi grande sau đó.

 

Bây giờ, từ “Vĩ Nhân” đã quay trở lại. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát hành một cuốn sách phỏng vấn vào tháng hai dành cho dịp một trăm năm sinh nhật của Đức Gioan Phao-lô. Được viết với Luigi Maria Epicoco, cuốn sách có tựa đề San Giovanni Paolo Magno. Trong tiếng Ý, grande và magno đều được sử dụng để dịch tiếng Latinh magnus, được diễn tả trong tiếng Anh là “vĩ đại.”

Đức Biển Đức XVI giải thích rằng “vĩ đại” liên quan đến chiều kích con người trong ảnh hưởng của một vị giáo hoàng, và Ngài lưu ý rằng nó có một “ý nghĩa chính trị” đối với hai vị giáo hoàng duy nhất có danh hiệu đó – Đức Lê-ô Cả (440-461) và Đức Grê-gô-ri-ô Cả (590-604).

 

Đức Biển Đức viết, “Nếu chúng ta so sánh cả hai câu chuyện [của Đức Lê-ô và Đức Grê-gô-ri-ô] với câu chuyện của Đức Gioan Phao-lô, thì sự tương đồng là không thể nhầm lẫn”. Trong khi “bỏ ngỏ” liệu tính ngữ ‘vĩ đại’ có thuyết phục hay không, thì Đức Biển Đức đã viện dẫn lý do một cách thuyết phục, lưu ý rằng Đức Gioan Phao-lô là một ‘nhân tố thiết yếu” trong việc giải thể một cách hòa bình đế chế cộng sản Xô viết. Chắc chắn là hợp lý khi lập luận rằng “đế chế tà ác” của Mátx-cơ-va là một mối đe dọa lịch sử nghiêm trọng hơn nhiều so với các đế chế mà cả Đức Lê-ô và Đức Grê-gô-ri-ô phải đối mặt.

 

Danh xưng “vĩ đại” sẽ không được ban bố chừng nào nó chưa được triển khai một cách có tổ chức. Bây giờ, với sự hỗ trợ của cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Biển Đức XVI, người Công giáo nào ủng hộ danh hiệu này được tự do sử dụng nó.

 

Phục hồi Giáo Hội

 

“Đức Phao-lô VI đã đưa Công đồng [Vatican thứ hai] đến kết thúc bằng nghị lực và quyết tâm”, Đức Biển Đức viết. “Tuy nhiên, sau khi Công đồng kết thúc, Ngài phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách hơn mà cuối cùng đặt nghi vấn về sự tồn tại của chính Giáo hội. Vì vậy, một nhiệm vụ gần như bất khả đang chờ đợi vị Giáo Hoàng mới”.

 

Đức Biển Đức lập luận, Đức Gioan Phao-lô sẽ trở thành người “phục hồi và giải phóng” Giáo hội khỏi tình trạng suy yếu của mình trong sự hỗn loạn về văn hóa, chính trị và giáo hội thập niên 1960 và 1970. Thuật ngữ “phục hồi” có một tẩm quan trọng lịch sử với Đức Biển Đức; trong cuốn sách phỏng vấn “Báo cáo Ratzinger” năm 1985, Đức Biển Đức, bấy giờ còn là hồng y, đã kêu gọi một sự phục hồi cho đời sống của Giáo hội 20 năm sau khi Công đồng Vatican II kết thúc. Cho dù điều đó là cần thiết, đời sống đó sẽ như thế nào và làm thế nào nó có thể được hoàn thành là vấn để gây tranh cãi ồ ạt vào thời điểm đó.

“Các suy nghĩ cân nhắc của Công đồng đã được người ta trình bày trước công chúng như là một tranh cãi về chính Đức tin, điều này dường như làm Công Đồng mất đi tính bất khả ngộ và sự vững chắc không thể lay chuyển của Công Đồng”, Đức Biển Đức viết trong lá thư trăm năm của mình.

 

Không lâu sau lời kêu gọi phục hồi của Ngài vào năm 1985, dự án cho một giáo lý mới đã được đưa ra. Sự hợp tác phi thường đó giữa Đức Gioan Phao-lô và Đức Hồng Y Ratzinger trở thành Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, sáng kiến ​​quan trọng nhất của các Ngài. Sáng kiến đó làm cho vấn đề trở thành rõ ràng: “chính Đức tin” không còn là vấn đề tranh cãi nữa.

 

Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa

 

Như một món quà cho Giáo hội nhân một trăm năm ngày sinh của Thánh Gioan Phao-lô Cả, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ra sắc lệnh rằng ngày lễ Thánh Faustina Kowalska, người có tầm nhìn xa trông rộng về Lòng thương xót của Thiên Chúa, giờ đây sẽ được thêm vào lịch Công giáo Rô-ma. Chính Đức Gioan Phao-lô đã phong thánh cho Thánh Faustina trong Đại lễ Năm Thánh 2000, là vị thánh đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba. Ngày lễ của Thánh Faustina là ngày 5 tháng 10 và sẽ được coi là một lễ nhớ tùy ý.

 

Trong các lần hiện ra của Lòng Thương Xót Chúa, Thánh Faustina đã được Chúa Giêsu yêu cầu thiết lập một ngày lễ Lòng Thương Xót Chúa vào Chủ nhật ngay sau Lễ Phục Sinh. Đức Gioan Phao-lô muốn thực hiện yêu cầu này, nhưng Chủ nhật đó rất quan trọng về mặt phụng vụ. Nó kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh, một phần mở rộng của chính lễ Phục sinh. Về mặt phụng vụ nó là một phần của Chúa nhật Phục sinh, như nó vốn là từ trước. Liệu Tuần Bát Nhật Phục Sinh có thể được sửa đổi không?

 

Đức Gioan Phao-lô nghĩ là có, nhưng bây giờ Đức Biển Đức tiết lộ rằng Đức Gioan Phao-lô đã tiến hành việc đó cách “khiêm nhường”.

 

“Tuy nhiên, trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra, Đức Gioan Phao-lô đã yêu cầu Bộ Giáo lý Đức tin bày tỏ quan điểm xem ngày này có phù hợp không”, Đức Biển Đức viết. “Chúng tôi đã phản ứng tiêu cực bởi vì một ngày lễ cổ xưa, truyền thống và có ý nghĩa như Chủ nhật 'áo Trắng' kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh không nên để cho những ý tưởng hiện đại làm thành gánh nặng. Chắc chắn không dễ để Đức Thánh Cha chấp nhận câu trả lời của chúng tôi. Tuy nhiên, Ngài đã làm như vậy với sự khiêm tốn và chấp nhận phản ứng tiêu cực của chúng tôi lần thứ hai. Cuối cùng, Ngài đưa ra một đề nghị cứ để Chủ nhật thứ hai sau Lễ Phục sinh dưới hình thức lịch sử của nó nhưng đưa thêm Lòng Thương Xót Chúa vào trong sứ điệp ban đầu của nó”.

 

Giải pháp này được công bố vào Chủ nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa

năm 2000 - trong Thánh lễ phong thánh cho Thánh Faustina – nghĩa là Chúa nhật trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh sẽ vẫn như vậy, không có thay đổi trong những lời nguyện. Nhưng nó cũng sẽ được gọi là Chúa nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa. Các bài đọc trong Thánh lễ này nói về lòng thương xót của Chúa, vì vậy nó rất phù hợp. Như thế, Đức Gioan Phao-lô đã thực hiện các thị kiến của Thánh Faustina nhưng vẫn kính trọng Truyền thống của Giáo hội.

 

Lòng đạo đức của Dân Chúa theo sau quyết định này đã trở thành phổ quát và nhất trí ủng hộ việc sùng kính ấy. Chính Thiên Chúa đã chấp thuận việc sùng kính vào năm 2005, khi Ngài gọi Đức Gioan Phao-lô về nhà Cha. Đức Biển Đức lưu ý rằng sự phù hợp của lễ mới này đã trở nên rõ ràng vào giờ chết của Đức Gioan Phao-lô. Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II qua đời trong những giây phút đầu tiên của Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa mới được thiết lập.

 

Chính Đức Biển Đức - người phản đối yêu cầu của Đức Gioan Phao-lô hai lần với tư cách là hồng y - đã được thay đổi. Trong tang lễ cử hành dành cho Đức Gioan Phao-lô, lời trích dẫn duy nhất Đức Biển Đức sử dụng là từ các tác phẩm lớn của Đức Thánh Cha quá cố liên quan đến Lòng Thương Xót Chúa. Đức Biển Đức cũng làm điều tương tự trong lá thư trăm năm của mình.

 

Đức Biển Đức sau đó đã chọn Chúa nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa vào năm 2011 để phong chân phước cho Đức Gioan Phao-lô. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn Chúa nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa vào năm 2014 để phong thánh cho Đức Gioan Phao-lô.

 

Có một điều gì đó đẹp đẽ trong sự kết hợp giữa “vĩ đại”, nói về ảnh hưởng tầm mức thế giới, và “lòng thương xót”, mà thế giới thường coi là yếu đuối. Cuộc đời của Đức Gioan Phao-lô dạy rằng sự vĩ đại của Thiên Chúa không nằm trong sự toàn năng của Ngài, mà là trong lòng thương xót của Ngài.

 

Xin Thánh Cả Gioan Phaolô cầu cho chúng con!

 

Cha Raymond J. de Souza là tổng biên tập của tạp chí Convivium.

 

https://www.ncregister.com/

 

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.


Mục Lục Thoáng Suy Tư