BÓC TRẦN SỰ THẬT “NHÓM TRỪ QUỈ BẢO LỘC” QUA ÁNH SÁNG LỜI CHÚA

Kính thưa quí vị đọc giả!

Có lẽ thời gian gần đây trên mạng xã hội không ngừng xôn xao về việc liên quan đến “Nhóm trừ quỉ Bảo Lộc”, người tin, kẻ ngờ không biết đâu là thật, đâu là giả vì ngày càng có nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ, giáo dân sẵn sàng từ bỏ tất cả: hội dòng, giáo xứ, gia đình... để đến ở và làm chứng cho việc làm, hành động của “nhóm” là đúng đắn.

Trước biến cố trên, chúng ta không có gì cần phải băn khoăn, bàn cãi. Lý do rất đơn giản là việc tranh luận, bàn cãi chỉ xảy ra khi chưa có kết quả. Trong khi với vụ việc này, đã có kết luận của giáo quyền là Đức Giám mục đương nhiệm giáo phận Đà Lạt ra thông báo ngày 07/10/2020 trên trang web simonhoadalat.com của giáo phận nhà cũng như tất cả các giáo xứ trực thuộc giáo phận Đà Lạt về việc làm của “nhóm trừ quỉ” là bất hợp pháp theo giáo luật. Như vậy, đây hoàn toàn không phải là một cơ sở hoạt động tôn giáo hợp pháp, cũng đồng nghĩa đó là một cơ sở phi tôn giáo. Hơn nữa, đây cũng không phải là một cơ sở y tế được cấp phép hoạt động dưới sự chỉ định của Nhà nước. Với hai lý do trên, đã đủ cho tất cả những ai đang băn khoăn cần tìm câu trả lời.

Tuy nhiên, mặc dù không được phép, nhưng “nhóm” vẫn liên tục hoạt động và ngày càng kêu gọi nhiều người tham gia làm chứng để bành trướng cho hoạt động của mình, cũng như để chống đối lại kết luận của giáo quyền đương nhiệm. Với tư cách là một tín hữu công giáo, tôi xin được trình bày quan điểm của mình dưới ánh sáng đức tin, để bóc trẩn sự thật về “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc” này qua ánh sáng Lời Chúa. Vì: “Lời Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (1 Pr 1, 23), “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 118, 105)Thư Do Thái cũng đã khẳng định:“Lời Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt 4, 12) Tin mừng chính là Lời của Chúa nói với con người qua con người bằng ngôn ngữ của loài người:“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính.” (2 Tm 3, 16)

Tôi thiết nghĩ đây không chỉ là tiếng nói đòi lại chân lý, đòi lại sự thật của Tin Mừng mà còn là một tuyên tín hùng hồn về niềm tin: “Chúng ta là người nhà của Thiên Chúa bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kytô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa” (Ep 2, 19-21), mà chúng ta đã được đánh đổi bằng chính giá máu của Đức Giêsu Kytô: “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em.” (1Cr 7, 23)

I.            Không có “lời Chúa Cha”nào phán qua chị Thương

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo trải dài đã qua hơn 2021 năm, đó là chưa kể đến mốc thời gian trước công nguyên. Đây là một chiều dài lịch sử có bề dày và bề sâu mà không phải ai ai cũng có thể tháo cởi được: “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa.” (Ga 1,1) Niềm tin đó đã cắm rễ sâu trong đời sống tín hữu: “Chúng ta chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kytô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu.” (1Cr 8, 6)

Lịch sử là những trang sách ghi lại những điều có thật, những việc làm thật và những con người thật. Đức Giêsu Kytô là nhân vật lịch sử có thật được sách sử ghi lại: “Đức Giêsu Kytô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” (Dt 13, 8) Ngài đã chết và sống lại để chứng minh cho thế giới biết rằng Ngài là Con Một Thiên Chúa, Ngài được Chúa Cha sai đến cứu độ trần gian: “Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.” (Ga 3, 34) Ngài cũng là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người: “Người là trung gian của giao ước mới.” (Dt 9, 15) Trước Ngài, thời Cựu Ước, Thiên Chúa có dùng các ngôn sứ, tiên tri để phán dạy chúng ta, nhưng đến thời sau hết, thì Thiên Chúa đã dùng chính Con Một của Ngài đến nói với chúng ta: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử, Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” (Dt 1, 1-2)

Như vậy, Đức Giêsu là mặc khải tròn đầy, trọn vẹn nhất của Thiên Chúa, sau Ngài không cần một vị ngôn sứ nào khác nữa cả, điều này đã được thư Do Thái nhấn mạnh rất nhiều lần: “Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.” (Dt 7,27) “Người đã vào cung thánh với chính máu của mình, Người chỉ vào một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” (Dt 9, 12) “Đức Giêsu Kytô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” (Dt 10, 10) “Người đã xuất hiện chỉ một lần để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình. Đức Kytô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, để cứu độ những ai trông đợi Người.” (Dt 9, 28)

Thánh Phaolô tông đồ cũng đã từng nói: “Chỉ trong Đức Kytô, tấm màn che phủ mới được vứt bỏ.” (x. 2, Cr 4, 14) Chính Ngài đã đến để mặc khải cho chúng ta tất cả những sự thật về Thiên Chúa Cha và về tình yêu của Ngài với nhân loại.“Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kytô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1Tm 2, 5-6)

II.         Lời chứng của Đức Giêsu là lời chứng chân thật và có sức thuyết phục nhất vì:

 

1. Lời đó được Chúa Cha xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời người.” (Mt 17, 5) Và chính Ngài cũng đã khẳng định: “Nếu tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi và tôi biết lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.” (Ga 5, 31-32)

Thư Do Thái cũng đã nhấn mạnh: “Không phải Đức Kytô tự tôn mình làm thượng tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.” (Dt 5, 5)Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Côlôxê cũng đã nói: “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái. Trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.” (Cl 1, 13-14)

“Đức Kytô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính, Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân. Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển.” (1 Tm 3,16)

1. Chị Thương đã tự làm chứng về mình là “xướng ngôn viên của Chúa Cha”, tự mình loại bỏ vai trò của Đức Giêsu trong công trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Trong khi Tin mừng dạy chúng ta: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3, 17) Hơn nữa, lời chứng ấy là đơn phương, không được Chúa Cha xác nhận, không được kiểm chứng qua Giáo Hội, vậy lời chứng ấy tự bản chất đã không thật.

2. Chỉ có Đấng ở trên trời mới có thể nói đúng và xác thực những chuyện trên trời, chị Thương là người dưới đất làm sao biết những chuyện trên trời: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.” (Ga 3,31) Nơi khác, Đức Giêsu cũng đã khẳng định rất rõ ràng: “Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Chúa Cha mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.” (Ga 6, 46) Cho dù chị Thương có biết về Chúa Cha đi chăng nữa cũng không thể nào nói xác thực được những chuyện trên trời, bởi những lời nói ấy không dựa trên kinh nghiệm sống thật, tiếp xúc thật mà chỉ là sự hoang đường, giả tạo: “Kẻ ở đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người, Người làm chứng về những gì Người đã thấy, đã nghe.” (Ga 3, 31)

3. Hơn nữa đạo lý Đức Giêsu có giảng dạy điều gì cũng đều do Thiên Chúa Cha chứ Ngài không tự mình giảng dạy: “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi. Ai tự mình giảng dạy, thì tìm vinh quang cho chính mình. Còn ai tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình, thì là người chân thật.” (Ga 7, 16.18) Điều này hoàn toàn khác biệt với chị Thương. Khi giảng dạy Đức Giêsu cũng chẳng bao giờ tự mình nói điều gì mà không đến từ Cha: “Không phải tôi tự mình nói ra nhưng chính Chúa Cha, Đấng sai tôi truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.” (Ga 12, 49)

4. Con đường cứu độ của Đức Giêsu chính là con đường vâng phục: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi thánh ý Ngài.” (Dt 10, 7) “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành công chính.” (Rm 5, 19) Vâng phục là một nhân đức, không phải ai ai cũng có thể dễ dàng thực hiện được. Bởi khi vâng phục cũng chính là lúc con người sống tận cùng với giá trị làm người của mình, khi hoàn toàn tự hủy chính mình, biến mình ra không để chỉ còn sống theo thánh ý Thiên Chúa mà thôi: “Dầu là Con Thiên Chúa, nhưng Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” (Dt 5,8)

Nhóm của chị Thương hoàn toàn không vâng phục. Nếu như đã không vâng phục Giáo hội, không vâng phục Đấng giáo quyền đương nhiệm cũng chính là không vâng phục Thiên Chúa: “Tên ác thần đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2,2) thì làm sao còn được gọi là mặc khải tư, mặc khải của Chúa Cha được nữa: “Từ cùng một cái miệng, làm sao vừa phát xuất ra lời chúc tụng, vừa lời nguyền rủa?  Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt lẫn nước chua sao? Làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ô liu hoặc cây nho sinh trái vả? Nước mặn không thể sinh ra nước ngọt.” (Gc 3, 10-12)

5. Đức Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất: “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu, kẻ trộm chỉ đến ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần tôi, tôi đến cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10, 7.9.10) Như vậy ngoài Đức Giêsu Kytô ra, chúng ta không có một con đường cứu độ nào khác hơn nữa, một mình Ngài đã đủ: “Một khi Đức Kytô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa.” (Rm 6, 9-10) Vì Ngài là Đấng vô tội: “Người không hề phạm tội. Chẳng ai thấy miệng Người, nói một lời gian dối” (1 Pr 2, 22) mới có đầy đủ tư cách để chuộc tội cho người khác: “Ta được cứu chuộc là nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ky tô” (1 Pr 1, 19), còn tất cả chúng ta đều là tội nhân sao ta có đủ tư cách mà sánh ngang bằng với Con Một Thiên Chúa.

Chị Thương cho dù có thánh thiện thế nào, chị cũng chỉ là một phàm nhân, mà tự cho mình ngang hàng với Con Một Thiên Chúa. Giả như chị có ơn ngôn sứ thật đi chăng nữa thì dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa chính là sự hiệp nhất: “Quyền hành Chúa ban cho là để xây dựng chứ không phải phá đổ.” (2 Cr 13, 10) hay “Chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ… cho đến khi đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin.” (x. Ep 4, 11-13)

Nhóm chị Thương đã không hề hiệp nhất trong đức tin với Giáo hội mà còn tùy tiện giải thích, cắt nghĩa Kinh Thánh trong khi Tin mừng đã khẳng định: “Không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh.” (2 Pr 1, 20) Chị không hề biết rằng: “Ai khinh thường những lời dạy trong Kinh Thánh thì không phải khinh thường người phàm mà là khinh thường Thiên Chúa, Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người.” (1 Tx 4, 8)

Nhóm của chị cũng bất chấp tất cả, ngang nhiên chống đối lại Giám mục bản quyền thì sẽ phải chịu hậu quả với việc làm của mình: “Chúa cứ việc anh làm mà trả báo oán.” (2 Tm 4, 14) Như thế việc làm của “nhóm”chẳng khác gì: “Tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa và đã công khai sỉ nhục Người.” (Dt 6, 6)

III. Lời cảnh báo của Tin mừng

Tin mừng đã có rất nhiều lời cảnh báo về một thứ thần khí xấu, đối nghịch lại Thiên Chúa:

1. Phải coi chừng với những học thuyết xa lạ, không thuộc về Giáo Hội: “Đức Giêsu vẫn là một, hôm qua, hôm nay cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời. Đừng để cho mọi thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em.” (Dt 13, 8-9)

2. Có một thứ thần khí xấu:“Tên gian ác xuất hiện là do tác động của Xatan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. Vì thế Thiên Chúa gửi đến một sức mạnh mê hoặc làm cho chúng tin theo sự dối trá; như vậy, tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác, thì sẽ bị kết án.” (2 Tx 9-12) Sách Khải huyền cũng đã chép: “Nó làm những dấu lạ lớn lao, khiến cho ngay cả lửa từ trời rơi xuống đất trước mặt người ta. Nhờ các dấu lạ mà nó được quyền làm trước mặt các Con Thú, nó mê hoặc những người sống trên mặt đất.” (Kh 13, 13-14)

3. Xuất hiện ngôn sứ giả: “Sẽ có những thầy dạy giả hiệu, đó là những kẻ sẽ lén lút đưa ra những tà thuyết dẫn tới diệt vong.” (2 Pr 2,1) “Có nhiều người mê hoặc đã tràn lan khắp thế gian, họ là những kẻ không tuyên xưng Đức Giêsu Kytô là Đấng đã đến và trở nên người phàm. Đó là kẻ mê hoặc và là tên phản Kytô. Phàm ai đi quá xa, không ở lại trong giáo huấn của Đức Kytô, thì không có Thiên Chúa.” (2 Ga 7.9)

4. Có những nạn nhân của Xatan: “Thật vậy, đã có kẻ lạc đường đi theo Xa tan.” (1 Tm 5, 15) “Vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin mà theo những thần khí lừa dối và những giáo huấn của ma quỉ: đó là vì trò giả hình của những tên nói dối mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung. Họ cấm không được kết hôn và bắt phải kiêng một số thức ăn: thật ra những thức ăn này là những thứ Thiên Chúa tạo dựng để các tín hữu, những kẻ nhận biết chân lý, được dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ. Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình cảm tạ, vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện thánh hóa những thứ đó.” (1 Tm 4, 1-5)

5. Kẻ phản bội là những người được tuyển chọn: “Cả những người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con.” (Tv 41, 10) Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Côlôxê cũng đã khuyên dạy: “Anh em đã chết cùng Đức Kytô và được giải thoát khỏi các yếu tố của vũ trụ, tại sao lại rập theo những quy luật, như thể anh em còn sống lệ thuộc vào thế gian? Chẳng hạn: Đừng ăn cái này, đừng nếm cái kia, đừng đụng vào cái nọ, toàn những cấm đoán về những cái dùng đến là hư. Đó chỉ là những giới luật và giáo huấn của người phạm. Những điều ấy có vẻ khôn ngoan: nào là sùng đạo tự ý, nào là khiêm nhường, nào là khổ hạnh nhưng không có giá trị gì với tính xác thịt lăng loàn.” (Cl 2, 20-23) Họ quên rằng Chúa Giêsu cần tấm lòng, cần tình yêu của ta hơn là lễ vật: “Ta cần lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 12, 7) và “Nơi nào đã có ơn tha tội thì đâu cần lễ đền tội nữa.” (Dt 10,18)

IV. Hậu quả của việc quay lưng với Giáo hội

1. Hoạt động của “nhóm” hoàn toàn không thuộc về Hội thánh vì: “Họ tuyên bố là biết Thiên Chúa nhưng trong hoạt động họ lại chối Người.” (Tt 1, 16) Đó là tay sai của ma quỉ, họ là: “Những con người đã quay lưng lại với chân lý.” (Tt 1, 14) “Họ đã chối bỏ đức tin.” (Dt 3, 19) Họ là: “Những kẻ khinh dể chủ quyền của Chúa” (2 Pr 2, 10) vì không vâng phục: “Tên ác thần đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục.” (Ep 2,2) Chúng ta nên nhớ: “Xatan cũng đội lốt các thiên thần sáng láng.” (2 Cr 11, 14) Thánh Phaolô đã từng cảnh báo: “Nếu có ai loan báo cho anh em một Tin mừng khác với Tin mừng anh em đã lãnh nhận thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi.” (Gl 1, 9)

2. “Nhóm” là một hoạt động: “Tìm lợi ích cho mình chứ không tìm lợi ích cho Đức Kytô Giêsu.” (Pl 3, 21) Vì đã lôi kéo, mê hoặc, dụ dỗ người ta bỏ Giáo Hội, bỏ gia đình, bỏ người thân: “Đó là những trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỉ để làm cho kẻ khác lầm đường” (Ep 4, 14). Chỉcó Xatan và thế lực chống phá mới đối nghịch với Thiên Chúa như vậy: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” (Lc 11, 23)

3. “Nhóm” không có sự khiêm nhường, vâng phục, luôn cho mình là có ơn riêng, tự cho những lối diễn giải Kinh thánh theo chủ quan cá nhân là mặc khải tư: “Họ chìm đắm trong thị kiến của mình, vênh váo vì những suy tưởng theo lối người phàm. Họ không gắn chặt với Đức Kytô là Đầu.” (Cl 2, 18-19)

4. “Nhóm” chắc chắn sẽ chịu hậu quả với những việc đã làm:“Làm sao chúng ta thoát được, nếu chúng ta quay lưng lại không chịu nghe Đấng tuyên sấm từ trời.” (Dt 12,25)

 

V. Bổn phận của người tín hữu công giáo trước thế lực sự dữ

1. Đứng trước thế lực sự dữ, hãy hành động theo như đức tin chỉ dạy, kiên cường làm chứng cho chân lý, anh em hãy hành động như những người tự do: “Nhưng không phải như những người lấy sự tự do làm màn che sự gian ác.” (1 Pr 2, 16)

2. Không công tác vào tội lỗi của người khác: “Đừng cộng tác vào tội lỗi của người khác.” (1 Tm 5, 22) Không thông đồng với những kẻ không vâng phục: “Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục. Vậy anh em đừng thông đồng với họ.” (Ep 5, 5-7)

3. Phải luôn luôn tỉnh thức: “Đừng để cho lời lẽ hấp dẫn mê hoặc anh em.” (Cl 2, 4) “Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mối triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kytô.” (Cl 2, 8)Phải sống tiết độ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5,8)

4. Phải luôn khôn ngoan: “Điều tốt thì giữ, còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào cũng phải lánh cho xa.” (1 Tx 5,21) “Nếu có ai bảo rằng chúng tôi được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào. Trước đó, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng. Tên đối thủ tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí còn ngồi trong Đền thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa. Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành. Chỉ đợi người cầm giữ nó bị gạt ra một bên, bấy giờ tên gian ác sẽ xuất hiện, kẻ mà Chúa Giêsu sẽ giết chết bằng hơi thở từ miệng Người và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng khi Người quang lâm.” (2 Tx 2-8)

5. Nương tựa vào sức mạnh của Lời Chúa để chiến đấu: “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỉ.” (Ep 6, 10-11) Lấy sự công chính làm kim chỉ nam: “Chúng ta lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ.” (2 Cr 6,7)“Khí giới mà chúng ta chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt nhưng là những khí giới nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn lũy.” (2 Cr 10,4)

6. Không được khiếp sợ vì: “Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Mt 10, 26). Hơn nữa “Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu.” (Gl 6, 7)

7. Kiên vững trong đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11, 1) “Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự.” (1 Pr 5, 9)

8. Chuyên cần cầu nguyện, hy sinh:“Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kytô Giêsu.” (Pl 4, 6-7)

9. Hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện: “Lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.” (Gc 5, 16) “Kẻ nào làm cho tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn người ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.” (Gc 5, 20)

10. Kiên trì, nhẫn nại: “Phải lấy lòng hiền hòa mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý, và họ sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẫy ma quỉ đã dùng để bắt giữ họ và khiến họ làm theo ý nó?” (2 Tm 2, 25-26)

11. Làm nhân chứng: “Đừng hổ thẹn vì làm chứng cho Chúa.” (2 Tm 1,8) Noi gương Đức Giêsu: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 19, 37) “Thiên Chúa đã mặc khải cho các ngài biết là các ngài có phận sự truyền đạt thông điệp ấy, không phải cho chính mình, mà là cho anh em. Đó là thông điệp mà nay các người giảng Tin Mừng đã loan báo cho anh em, nh tác động của Thánh Thần là Đấng đã được cử đến từ trời. Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy.” (1 Pr 1, 12)

12. Phải vạch trần những việc làm của sự ác: “Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. Tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra.” (Ep 5, 11.13)

13. Phó thác cho quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa: “Khi bàn cãi và tranh luận với quỉ về thi hài ông Môsê, ngay cả tổng lãnh thiên thần Micaen cũng không dám đưa ra một phán quyết nào phạm đến nó, mà chỉ nói: Xin Chúa trừng phạt ngươi!” (Gđ 9)

Những chia sẻ nhỏ bé trên đây trước là củng cố niềm tin cho chúng ta, những người môn đệ chân chính của Đức Kytô đang bước trên con đường lữ hành còn nhiều cám dỗ và cạm bẫy của ba thù, sau là một thông điệp để gửi gắm đến tất cả những ai chưa quan tâm đến việc làm chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa giữa lòng thế giới, biết ý thức sâu xa hơn trách nhiệm của mình phải là muối, là men giữa thời đại ngập tràn bóng tối sự ác. Chúng ta hãy can đảm để bước theo Vị Thầy chí thánh của mình với niềm xác tín: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16, 33)

 

            M. Hoàng Thị Thùy Trang.


Mục Lục Thoáng Suy Tư