ĐỨC TIN THỬ THÁCH

Tôi vừa mất một người bạn.

Anh là gia trưởng Khôi Bình, một phong trào Công Giáo Tiến Hành khá lớn. Tổ chức đang rất cần thời gian sống của anh, để đào tạo cấp tốc một lớp kế thừa tiếp tục lãnh đạo phong trào. Cách đây vài ngày, tôi có điện thư khuyến dục anh phải cẩn thận ở trong nhà, tuyệt đối không tiếp xúc ai. Chỉ cần qua vài ngày nữa thôi, là sẽ có thuốc chích ngừa covid.

Mà sao tôi thấy nhiều người đã được chích rồi? Tôi hỏi và anh trả lời: đang chờ tới lượt.

Chỉ còn cách là cầu xin ơn trên phù hộ.

Những người đã chích ngừa sớm, phần nhiều là do chạy vạy quen biết, không xếp hàng. Họ đã an toàn…

Anh nghe lời tôi, cẩn thận hết sức. Nhưng không biết do nguồn lây nhiễm nào mà cơ sự đã xảy ra. Tôi chưng hửng và không thể hiểu nổi việc Chúa làm.

Lại nhớ khi xưa, vào ngày 1/1 hằng năm, giáo xứ chúng tôi cũng cùng chung cả giáo phận, tập trung dự lễ cầu cho hoà bình. Một anh bạn tôi buột miệng: năm tới không đi nữa, cầu hoài chẳng được…

Với những điều ta cho là tốt đẹp hết sức, lời cầu nguyện của ta phỏng có hiệu quả gì? “L’impossible priere.” (cầu xin bất khả).

Chẳng phải riêng ta mà các thánh, đều có lúc rơi vào tâm trạng như vậy. Đức tin được Chúa thử thách, những “đêm tối linh hồn” khô khan nguội lạnh, nghi ngờ và thất vọng.

Muốn tin đâu có dễ, chưa nói đến thực hành đức tin…

1/ Đức tin trưởng thành đòi dấn thân và thử thách.

Đức tin trưởng thành đòi hỏi phải qua thử thách. Rõ ràng là Chúa muốn như vậy. Ta không nghi ngờ gì về điều này.

Thánh kinh kể lại vô vàn minh chứng hiển nhiên, sinh động.

Đây là một vài thí dụ:

·                Dân Do Thái phải trải qua thanh lọc và thử thách trong sa mạc suốt 40 năm, mà đáng lẽ chỉ mất 11 ngày đàng là đến đất hứa. Bởi vì “Đó là một dân cứng đầu cứng cổ” (Xh 32,9) .

·                Được phép Đức Chúa, satan hành hạ ông Gióp: từ là ông chủ giàu có khoẻ mạnh đến tán gia bại sản. Thân xác thì ghẻ chốc ghê tởm “phải lấy mảnh sành mà gãi” (G 2,8). Cùng cực đến nỗi vợ ông phải chê trách ông ”Hãy nguyền rủa Thiên Chúa mà chết đi cho rồi”( G 2,9).

·                Đến thủ lãnh Môisê, người được Đức Chúa tỏ lộ qua ngọn lửa trong bụi gai, ban cho chiếc gậy làm bao nhiêu sự lạ lùng trên đất Ai Cập, đem dân Do Thái qua biển đỏ ráo chân, gặp gỡ Đức Chúa trên núi Sinai, để lãnh nhận tấm bia mười điều răn Chúa cho dân.

Vậy mà có lúc vẫn nghi ngờ: Đức Chúa bảo Môisê lấy gậy đánh vào tảng đá để nước vọt lên cho dân và súc vật dùng. Ông gõ đến hai lần. Môisê được Đức Chúa cho thấy đất hứa, nhưng ông không được vào vì biểu hiện kém lòng tin.

·                Phêrô, tông đồ cả của Chúa Giêsu, đã chứng kiến những phép lạ Chúa làm nhiều không kể hết. Đã từng được Chúa cho xem cuộc hiển dung trên núi Tabor. Đã đi trên biển, rồi vì một thoáng nghi ngờ mà chìm nghỉm xuống nước.

·                Và đây là thử thách đức tin đầy kịch tính Đức Chúa thực hiện nơi Abraham, người được mệnh danh là cha những kẻ tin. Với phép thử này, cầm chắc mấy ai qua khỏi.

 “Thiên Chúa thử lòng ông Abraham. Ngài gọi ông: “Abraham”. Ông thưa: “Dạ con đây”.

Ngài phán:Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm của lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi mà Ta sẽ chỉ cho.” (St 22,1-2).

Abraham nghĩ bụng: chỉ có Isaac là con thừa tự duy nhất, vợ ông sinh con lúc tuổi đã già hết thời sinh nở. Mà làm sao Đức Chúa lại có thể hứa hậu duệ mình đông như sao trời được, nếu không có nó.

Suy nghĩ mông lung và không hiểu nổi, Abraham vẫn vâng phục lệnh truyền của Đức Chúa.

Lòng cha đau như cắt, đưa Isaac lên núi. Định bụng sát tế đứa con cưng bằng lưỡi dao mổ súc vật của mình.

Vượt qua thử thách, Abraham được Chúa chọn, làm cha già nhiều dân tộc: “Nhờ ngươi, muôn dân sẽ được chúc phúc” (Gl 3,8), là cha kẻ có đức tin: Những ai dựa vào đức tin, những người ấy là con cái ông Abraham” (Gl 3,6) và là: “bạn của Thiên Chúa” (Gc 2,23).

Thật là một thử thách lòng tin cam go. Thử thách còn khó khăn hơn khi phải đối diện với một Đấng vô hình.

2/Một Thiên Chúa ẩn mình:

Chúng ta là người trần mắt thịt. Chỉ cảm nghiệm thế giới bằng ngũ quan, tai nghe mắt thấy. Thiên Chúa thì khác, Ngài sáng tạo mọi sự, làm chủ thời gian, nhưng Ngài thuộc thế giới thần linh.

Thiên Chúa thì siêu việt, Ngài là thần trí, chẳng ai thấy được Ngài.

Để tỏ cho dân Do Thái sự hiện diện của Ngài, Chúa nói cùng Môisê khi chuẩn bị giao ước: Này Ta sẽ đến với ngươi trong đám mây dày đặc, để khi Ta nói với ngươi thì dân nghe thấy và cũng tin vào ngươi luôn mãi. (Xh 19,9).

“Ông Môisê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa: họ đứng dưới chân núi, Cả núi Sinai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống. (Xh 19,17-18)

Trong lịch sử Do Thái, có khi vài trăm năm, Đức Chúa thinh lặng và không sai một ngôn sứ nào nói điều gì với họ.

Ngài ẩn mình và thinh lặng: “Lạy Thiên Chúa của Israel, lạy Đấng cứu độ, Ngài quả thật là Thiên Chúa ẩn minh.” (Is 45,15).

Câu chuyện vua Saun thất nghĩa với Chúa và Đức Chúa đã không đoái hoài, đáng cho ta suy nghĩ:

“Vua Saun thấy trại của người Philitinh thì sợ và tim ông đập mạnh. Ông thỉnh ý Đức Chúa nhưng Đức Chúa không trả lời, dù bằng giấc mộng, bằng thẻ urim hay qua trung gian ngôn sứ. Vua Saun bảo triều thần: “Hãy tìm cho ta một bà đồng bóng, để ta thỉnh ý bà ấy. (1 Samuel 28, 5-7).

Không hiếm người trong chúng ta thất vọng như Saun, khi thấy Chúa im lặng thì đi tìm bói toán, đồng cốt, thầy bùa thầy ngải. Ma quỷ thì thích thú lắm, chỉ chờ cơ hội.

Tưởng chừng ngoài vùng phủ sóng, Thiên Chúa vẫn luôn ở bên cạnh ta. Gần gũi hơn bao giờ hết. Mặc dù ta không thấy Ngài.

Ngài không phải là ngẫu tượng để ta xì xụp khấn vái, như những tượng thần vô tri vô giác, hoặc tà thần nhố nhăng dùng tà thuật mà lôi kéo.

Đức Chúa thinh lặng nhưng Ngài có hành động không?

3/ Đường lối của Chúa:

Thiên Chúa có kế hoạch của Ngài và chương trình của Ngài thì siêu việt:

“Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của ta.” (Is 55,8).

“Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy. (Is 55,9).

Thiết nghĩ: Thiên Chúa đã cho con người trí tuệ, để hiểu biết sự hiện hữu và quyền uy của Ngài và cho nó tự do để nhận lấy trách nhiệm hành xử vận mệnh mình. Ngài không xuất hiện để thị uy hay can thiệp vào quyền tự quyết vốn rất cần sự tôn trọng, để nó còn có ý nghĩa.

Tầm nhìn của ta thì cục bộ và ngắn hạn. Trái với cái nhìn tổng thể và dài hạn của Thiên Chúa.

Sách Châm Ngôn cũng nói: “Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con.” (Cn 3,5)

Cái gian lao nhất của cuộc chiến này, không là gì khác, ngoài giữ vững đức tin kiên định vào chiến lược vô cùng khôn ngoan của Thượng Đế, Cứu Cánh tối hậu của ta và là Đấng Quan Phòng kỳ diệu của ta.

Kinh nghiệm cho thấy, thường thì phải lâu dài về sau của một sự kiện, ta mới cảm nhận được tính hữu lý của nó và phần nào cảm nghiệm được sự khôn ngoan của một Thượng Trí xếp đặt.

 

Nói như cụ Phan Bội Châu: “ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai.” Để chiếm lấy vòng nguyệt quế của kẻ chiến thắng, không thể không kinh qua gian lao cuộc chiến.

Chúa Giêsu đã làm gương trước cho ta thấy điều ấy.

Tôi hình dung một Thượng Đế là cha nhân từ khả ái.

“Vậy nếu các con, dù là kẻ xấu, còn biết lấy của tốt mà cho con cái, thì huống chi cha các con, Đấng ở trên trời, sẽ ban những sự lành biết bao cho kẻ cầu khẩn Người.” (Mt 7,11)

Ngài thoắt ẩn thoắt hiện sau cánh cửa. Theo dõi từng bước chân ta chập chững, trông chừng ta như trẻ nhỏ tập đi và sẵn sàng ôm ta vỗ về mỗi khi vấp ngã.

“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài thấy rõ,

Biết cả khi con đứng con ngồi.

Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa.

Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,

Thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.

Kỳ diệu thay trí thức siêu phàm,

Quá cao vời, con chẳng sao vươn tới.” (Tv 139,1-6)

Nhiều khi ta ngang bướng, Ngài muốn ta té ngã nhè nhẹ, học kinh nghiệm bản thân, để từ đó mà trưởng thành. Ngài khôn khéo, chứ không như vài bà mẹ Việt Nam, xoa cục u trên trán đứa con rồi rủa sả cái bàn làm con đau.

Trưởng thành là vậy: là tự quyết định, là làm việc, là sáng tạo và tự nhận lấy trách nhiệm.

Khi tôi nói chuyện với bạn đây, thì tôi cũng xác tín mình đang lữ hành trên đường về quê trời: con đường trầy trụa, gập ghềnh, con đường hy vọng, con đường của lời hứa… Bạn đừng mong thoả mãn cái gì tuyệt đối, ở cái cõi tạm này… Như thánh Augustin viết trong Confessions: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.

Phận người là như vậy…

 

Tiếng Sa Mạc


Mục Lục Thoáng Suy Tư