MIỀN ĐẤT HỨA (1)

 

    Đi thăm Israel và Palestine.

    Miền đất “chảy sữa và mật”, nơi vẫn hái ra tiền.

    Về phương diện tâm linh, vùng đất hứa này mang một dấu ấn văn hoá, đã bao đời, là niềm mong mỏi hy vọng vào một giải pháp cứu độ, giải thoát nhân sinh khỏi kiếp lầm than.

    Bạn sẽ đưa bàn tay chạm vào di sản độc đáo của thế giới, rảo chân giữa “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo; nền cũ lâu đài bóng tịch dương”( Huyện Thanh Quan) để chiêm nghiệm về cái hư thực và lẽ tất định của cuộc sống.

 

    Nơi đây ta sẽ thấy sự giao thoa, không nơi nào có.

    Giữa không thời gian:

    Là ngã tư giao lộ từ Tây phương sang Đông phương, vùng đất này đã từng nhộn nhịp những đoàn lạc đà chất đầy hàng hoá băng qua sa mạc. Dưới nước thì thuyền bè, những con tàu đầy ắp vàng bạc, gỗ quý và hương liệu, giao thương như trẩy hội.

    Một quá khứ lịch sử, với những công trình kiến trúc đồ sộ mà con người đã sinh sống, hàng nhiều ngàn năm. Còn đó thành Giêricô 10.000 năm, cổ xưa nhất thế giới.

    Chinh chiến và sinh tồn:

    Đây miền đất tranh hùng của những đế chế Babilon, Roma, Ottoman… Ta chỉ còn thấy những địa khai chồng lên nhau. Muốn nghiên cứu di tích 2.000 năm về Chúa Giêsu, thời Roma cai trị, thì ta phải đào xuống đất vài thước. Vì khi một đế chế xâm chiếm thành công, liền bắt dân làm nô lệ, thu thuế, phá huỷ các công trình của đối phương và xây trên đó những công trình mới.

   Cho đến bây giờ, bạn vẫn còn thấy những cô gái mắt nai, lăm lăm bồng súng trên tay đe doạ, cạnh những bức tường cao vút.

    Ta sẽ hiểu được khát vọng của dân chúng, theo Chúa rần rần, khi nghe Ngài giảng: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” ( Lc 4, 18)

    Dân Do Thái không được như ý vì Chúa Giêsu đâu làm chính trị.

    Sự thật và những nghịch lý:

    Trung Đông, vùng đất Israel và Palestine cái nôi của đời sống tâm linh, nơi khai sinh 3 tôn giáo Do Thái, Ki tô Giáo và Hồi Giáo. Vùng đất của suy tư triết học, hầu như định hướng con đường tiến hoá của nhân loại qua nhiều thế hệ.

    Nơi đây thể hiện rõ nét những đối nghịch giữa đời thường và linh thánh, những đối chọi đầy kịch tính giữa tàn nhẫn và nhân đạo, thiện và ác, hữu hạn và vô hạn, giữa nghịch lý và sự thật.

  Ta tự nghĩ, sống vào thời Chúa Giêsu, bạn và tôi chắc cũng hùa với đám đông dân Do Thái kia, giơ cao nắm đấm đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Ai đời, người trần mắt thịt, con bác thợ mộc Giuse, sống ở làng Nazareth nghèo nàn, mà lộng ngôn xưng mình là con Thượng Đế cao cả. Quá sức phi lý, nghe làm sao được!

   Nếu ta không biết rằng vũ trụ này và cả đời sống của bạn là tuyệt phẩm tình yêu của Thượng Đế.

   Nếu ta không cảm nhận được nỗi lòng của thi sĩ Lamartine, trong một tình yêu dù chỉ mang tính hữu hạn :“ Bạn chỉ cần thiếu một người thì cả vũ trụ đều hoang vắng” ( un seul être vous manque et tout est  dépeuplé  ). Hay như Napoléon Bonaparte, đánh nam dẹp bắc, chinh phục các nước, thống trị cả vùng rộng lớn. Tất cả, với ông, đều vô nghĩa nếu thiếu một tình yêu của Joséphine .

   Không ngụp lặn trong tình yêu đất trời, ta sẽ không lý giải được hiện tượng Giêsu Cứu Thế và sẽ không hiểu được ơn cứu độ và lịch sử của nó qua chương trình của Thượng Đế, nơi dân tộc Do Thái: “ Đức Giêsu Ki Tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” ( Phil 2, 6-8)

   Và ta cũng không cảm nhận được cái hữu lý trong những nghịch lý  của lời giảng trên núi:

-                 Phúc cho ai có lòng khó nghèo vì nước trời là của họ.

-                 Phúc cho ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

-                 Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ.     

( Mt 5, 3- 12)

 

    Thánh Địa, nơi bộc lộ những nghịch lý của cuộc đời, là bản tóm lược tất cả lịch sử và ý nghĩa thực của hiện hữu. Núi vẫn cao, sông vẫn chảy, biển hồ vẫn lai láng, nhưng rồi, cả chúng nữa cũng sẽ lụi tàn, như lời phán “ Trời đất sẽ qua đi…”(Lc 21, 33 ) vì lẽ tự nhiên có sinh thì có diệt.

    Và sẽ đến một ngày …

    Sống là chọn lựa, không cách nào khác, là “chiên” hay là “dê”, là được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Quyền tự do của bạn.

 

 

Tiếng Sa Mạc ( Mùa vọng 2021)


Mục Lục Thoáng Suy Tư