Đi Đâu Loanh Quanh Cho Đời Mỏi Mệt

 

   Có người hỏi mục đích cuộc sống là gì. Hầu như ai cũng trả lời: đi tìm hạnh phúc.

   Nhưng hạnh phúc là gì thì không dễ trả lời.

   Phải chăng hạnh phúc là có sức khoẻ, tri thức, của cải, danh vọng, chức quyền, lạc thú, đam mê, tình yêu…Có gì để liệt kê nữa không?

   Là được tất cả như trên, cộng thêm “trường sinh bất tử”.

   Từ cổ chí kim, rất ít người được thoả mãn các điều kiện trên, hoạ chăng có vua Salomon trong lịch sử, người được Chúa Trời hứa ban cho đặc quyền. Nhưng ông chỉ sống khoảng 80 tuổi rồi chết. Chưa có một ai trường sinh bất tử.

   Vậy hạnh phúc như trên chỉ là ảo vọng.

 

   Khắc khoải sầu đưa.

   Chẳng phải thời nay, nhưng đã từ rất xa xưa, khi trí óc con người mới trưởng thành: biết phân biệt thiện ác, biết xấu hổ, biết tự do và trách nhiệm, biết vì sao mà thiên đàng đã mất, người ta đã khắc khoải thao thức không ngơi: đâu là nguồn cội và một cõi đi về cho đời sống ngắn ngủi của mình?

   Đã từng thấm thía giọng hát liêu trai của Khánh Ly, mấy ai trong chúng ta mà không có lúc đồng cảm, thổn thức với tâm trạng xót xa của Trịnh Công Sơn về cái thân phận làm người của ta: man mác một nỗi buồn của vô thường, của cuộc đời mộng ảo, của cơn mê này, những hạt bụi, mộng mị, mỏng manh.

   Thôi kệ, cuộc đời là một cuộc rong chơi, vô định. Đời chẳng là gì cả, tất cả chỉ “để gió cuốn đi”.

   Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì khác hơn, ông là một nhà tu hành, thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo đã thừa kế hệ tư tưởng Đông Phương 2-3 ngàn năm trước và đã được bồi đắp, gạn đục khơi trong bởi nhiều nhà hiền triết uyên bác qua các thời đại.

    Những “Đường Xưa Mây Trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh, với hằng trăm tác phẩm giá trị và cả cuộc đời giảng dạy, thực hành tu tập của ông, đã minh chứng cho mọi người sự uyên thâm, nghiêm túc của cái mà ông gọi là “Tiếp Hiện”, là thực hành”Chánh Niệm”.

   Trên đời này không có gì mới sinh ra và mất đi. Tất cả chỉ là sự tiếp nối, từ thế hệ này đến thế hệ khác của cái đã có sẵn. Chúng ta phải quán chiếu, vượt qua những biểu kiến để thấy chân tướng sự vật mà ứng xử. Thiền sư thường dùng ví dụ đám mây và hạt bắp để minh hoạ cho sự biến hoá và tiếp nối của sự vật, của cái vô thường.

   Như đám mây kia chỉ là sự tích tụ của hơi nước. Một lúc nào đó sẽ thành mưa, thành dòng suối, ao hồ, sông biển rồi lại thành mây. Người ta thấy cây bắp, đâu biết trước đó nó chỉ mang hình hài hạt bắp.

  Phải lấy yêu thương mà đối xử, cảm hoá nhau. Đó là hạnh phúc. Hạnh phúc thì ở trong hiện tại, không xa xôi “không có con đường dẫn đến hạnh phúc mà hạnh phúc chính là con đường”.

  Thiền sư Nhất Hạnh có thực sự quán chiếu được chân tướng sự vật, có vượt qua được vô minh, lầm tưởng, hay ông  lại bước vào một đường đi không đến, rồi chỉ loanh quanh ?

 

  Con người và những giới hạn.

   Theo tôi nghĩ, cái gọi là ”thân phận”con người, với những suy nghĩ tiêu cực như trên, thật ra ngược lại, phải là một lời cám ơn chân tình về một ân huệ, một món quà tuyệt vời mà Thượng Đế ban cho bạn.

    Không có gì đáng trân quý hơn là sự sống của bạn và tôi. Bạn sẽ lại vui mừng không kể xiết, khi biết rằng thân thể và cuộc sống của bạn không phải là sự vô tình của ngẫu nhiên mà là tuyệt phẩm độc nhất vô nhị của Thượng Trí.

    Trong cuốn The language of God (Đã được dịch ra tiếng Việt, tựa đề là “ Ngôn ngữ của Chúa” do nhà xuất bản Lao Động), Francis S. Collins đã chứng minh bằng những chứng cứ khoa học:”Đức tin và niềm tin khoa học có thể hoà hợp trong một thế giới quan”( The language of God).

     Francis S. Collins, bác sĩ y khoa sinh học phân tử và là tiến sĩ vật lý cơ học lượng tử, là người phụ trách đứng đầu dự án quốc tế giải mã gene người. Ông là một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về ADN.

     Ở toà Bạch Ốc, ngày ra mắt bản đồ gene người, 26-6-2000, đứng cạnh Francis S Collins, tổng thống Bill Clinton phát biểu :”Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là tấm bản đồ quan trọng và kỳ diệu nhất mà nhân loại từng khám phá”.

    Theo xác suất sinh học, bạn là kết quả của một trong hàng triệu cơ hội mà thành. Chỉ cần một sơ sót nhỏ nhặt là bạn sẽ là con số không.

    Trong đại dịch Covid 19, nhiều người cần đến bình oxy để thở, chỉ cần vài phút thôi thì họ đã thấy hạnh phúc lắm. Trong khi ta có cả bầu trời để hít thở suốt cuộc đời. Chúa nâng niu ta, vỗ về, ấp ủ ta như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Cho ta tất cả từ không khí, nước, đến ánh nắng mặt trời, thiên nhiên phong phú và cả thân xác ta cùng các giác quan để tận hưởng.

    Thấy bầy chim sẻ ríu rít gọi nhau đi kiếm ăn, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng” ( Mt 6, 26 ).

    Tại sao ta không cám ơn Thượng Đế mà lại than van.

    Có phải bạn không được “hạnh phúc”? Cuộc đời đem đến cho bạn nhiều đau khổ, ốm đau bệnh tật, nghèo đói? Bạn bị muôn vàn giới hạn?

    Theo suy nghĩ chủ quan của tôi: nhiều khổ đau đến từ ý chí tự do của bạn và lực tương tác của bạn với đồng loại.

    Nhiều bất ưng là do bạn đã không hiểu hết ý nghĩa của nó. Bạn như con trẻ chỉ biết cái gì đem lại thích thú, có lợi trước mắt, thoả mãn giác quan.

    Có những vô minh do bạn u mê lầm lạc; có những vô minh cần thiết nhưng chưa thích hợp với sự tiến bộ, với thời đại; cũng có những điều bạn không nên biết vì sẽ không hữu ích cho bạn.

    Điều gì sẽ xảy ra, khi bạn có được con mắt tinh tường hơn để thấy hàng triệu con bọ mát đang nằm trong chăn của bạn, đang ăn da thừa của bạn và thải ra phân làm nhiều người bị dị ứng, hàng tỉ con vi trùng và vi khuẩn nhung nhúc trong chén cơm của bạn. Bạn có thích thú với những mùi hôi thối khắp nơi khi bạn có được khứu giác tinh tường như con chó.

    Nhiều người khổ luyện để mong có được giác quan thứ sáu. Nếu có thứ giác quan này, bạn có sẽ giao tế tốt, thoải mái với mọi người, khi hiểu rõ chân tơ kẻ tóc tâm tưởng của họ đối với bạn.

   Vậy thì giới hạn không phải luôn luôn là điều xấu. Ngay lập tức bạn sẽ không còn hoan lạc, tận hưởng hạnh phúc cuộc sống, nếu bạn đi ra ngoài cái gọi là ”thân phận”.

 

  Đi tìm tuyệt đối.

  Thời xưa đi học, thầy giáo giảng: hai đường thẳng song song gặp nhau ở vô cực. Suy cho cùng, vô cực đồng nghĩa ”không bao giờ”, làm gì có vô cực mà gặp ? Với thế giới vô cùng lớn, định đề Euclide này không áp dụng được, nó là sản phẩm của tưởng tượng, phi thực tế.

   Với hình học Phi Euclide, theo thuyết tương đối của Einstein, vô cực này lại có và được khoa học chứng minh là đúng, trong nghiên cứu không gian.

   Nhà thơ Lý Bạch vì say mà lầm tưởng bóng trăng dưới nước là thật. Ông đã nhảy xuống sông một đêm trăng sáng, mong được ôm lấy trăng. Phải chi nhà thơ đã ngửa mặt lên trời mà với lấy mặt trăng, tuy xa vời vợi, không thể tới được, nhưng còn là một chút hiện thực và ít ra không chết đuối.

   Mộng hay ảo đều bắt rễ từ hiện thực. Dù Thượng Đế là vô hạn, con người chỉ có thể cảm nghiệm Ngài như một giềng mối không thể thiếu để giải thích mọi sự.

   Thượng Đế là một thực tại.

 

  Tiếng Sa Mạc

 

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư