Luận Giải Về Sự Phục Sinh

Tôn Vinh Thân Xác

 

  Không có đời sau thì không có tôn giáo. Không có nhân quả, không còn Phật Giáo.

    Không có phục sinh thì Ki Tô Giáo không có lý do tồn tại. Thánh Phao Lô quả quyết:”Nếu Chúa Ki Tô không sống lại thì đức tin của ta là điều vô ích… Chúng ta là những người ngu dại nhất, vì chúng ta tin tưởng vào điều hão huyền” ( 1 Cor  15, 12…19)

    Biến cố Chúa Giêsu sống lại là điều cốt lõi của niềm tin Ki Tô Giáo.

    Chúa phục hồi sự sống, đem lại cho thân xác một ý nghĩa cao quý.

    Đối với thân xác, chúng ta thường hay đi tới hai cực đoan:

-          Dung túng quá mức: nuông chiều theo dục vọng bản năng đòi hỏi, sống phóng túng, đam mê  thấp hèn, truỵ lạc.

-          Hoặc hành hạ thân xác: coi nó như một trở ngại của thăng hoa tinh thần. Quan niệm này ít hơn, thường rơi vào các nhà khắc kỷ, muốn tiến bộ nhanh trên đường tu luyện.

    Cả hai đều làm mất phẩm giá cao quý của con người.

    Dục vọng thân xác phải được kiềm chế, có kỷ cương và đồng thời, thân xác phải được coi trọng, tôn tạo xứng với nhân phẩm.

 

·         Tái sinh theo quan niệm của Phật Giáo:

 

    Chủ trương luân hồi và tái sinh. Phật giáo cho rằng: khi chết đi thân xác tan biến và chỉ còn cái nghiệp của mỗi người là còn tồn tại. Tuỳ nghiệp lực tốt xấu mà người ta đầu thai vào kiếp khác cao hay thấp. Chỉ khi trả hết nghiệp báo thì ta mới thoát khỏi vòng luân hồi và vào cõi niết bàn.

    Như thế, với đạo Phật, không còn nói chuyện thân xác hữu hình này nữa vì nó không còn tồn tại sau khi chết.        

                  

·         Phục sinh giải thích theo thánh kinh:

 

    Mặc khải không cho ta biết nhiều về sự sống ở đời sau. Theo tôi nghĩ, không hẳn vì Chúa không muốn chúng ta biết, mà vì có lẽ những ý niệm mà ta đang dùng để diễn tả thực tại ở trần gian không thể diễn giải và không thể lĩnh hội được đời sống trên linh giới. Vì thế thánh Phao Lô mới nói:” Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” ( 1 Cor 2, 9).

    Ki Tô Giáo cho rằng: đời người chỉ sống có một lần và dĩ nhiên một lần chết. Không có cơ hội để sống lần thứ hai. Tuỳ đời sống tốt xấu của mình mà được gặt phúc hoặc gặp hoạ.

    Khi chết thì có cuộc phán xét riêng: công tội được minh định để được hưởng phúc hoặc bị luận phạt. Thân xác tạm thời trở về bụi đất.

    Thánh Phao Lô viết trong thư 2, gởi tín hữu Cô-rin-tô:” Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki Tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác”( 2 Cor 5, 10).

    Đến ngày tận thế sẽ có ngày phán xét chung, hồn và xác sẽ kết hợp trở lại để cùng hưởng vinh phúc thiên đàng hoặc cùng chịu phạt dưới hoả ngục.

    Đó là ngày phục sinh của mọi người. Vậy, khi phục sinh thân xác ta sẽ như thế nào?

 

    Thân xác phi vật lý:

    Ta có thể lượm lặt đây đó trong phúc âm, để minh hoạ phần nào cho sự biến đổi của thân xác sau ngày cánh chung.

    Chúa Giêsu có thân thể, hình hài con người như ta, cũng ăn uống, cũng khổ đau, vui buồn như ta. Sau khi phục sinh vẫn là cái thân xác của Ngài trước khi chịu khổ nạn.

    Tám ngày sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đến với các môn đệ, Người nói với Tô-ma:” Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”(Ga 20, 27).

     Lần khác, Ngài cũng hiện ra với các ông. Các môn đệ, người trần mắt thịt, không phân biệt được thân xác đã được thánh hoá sau khi phục sinh khác xác phàm như thế nào. Tưởng là ma thoắt ẩn thoắt hiện. Chúa đến với các ông lúc cửa phòng đóng kín. Ngài phán:”Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây” ( Lc 24, 39). Rồi như để chứng thực :”Người  cầm lấy (khúc cá nướng) và ăn trước mặt các ông.” (Lc 24, 43)

   Thân xác cũ nhưng tính vật chất của nó đã thay đổi, khiến nhiều người nhận không ra, nếu không có những tiếp xúc và kinh nghiệm trước đó.

    Hai môn đệ trên đường Emmaus, đi với Chúa Giêsu trên quãng đường dài, nghe Người giảng giải “ Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người biến mất”. ( Lc 24, 31).

    Thân xác phục sinh không giống như xác phàm vật lý của chúng ta hiện nay, mà Đông y gọi là trược khí: trì trệ, chậm chạp “tinh thần thì mau lẹ, xác thịt lại nặng nề”( Mt 26, 41 ). Mà ngược lại, thuộc thanh khí nhẹ nhàng mau lẹ. Thân xác sau khi phục sinh có thể đi xuyên qua tường, lúc cửa phòng đóng kín; khi thì chỗ này, chỗ nọ cùng lúc.

    Thi thoảng, ta thường nghe nói những bậc thánh cũng có khả năng này. Như trường hợp thánh Martin de Porres. Có người thấy ngài cùng lúc ở nhiều nơi, khi thì ở Peru, cùng lúc, thánh ấy đang chăm sóc người bệnh ở các nước khác. Thánh Martin cũng được Chúa ban cho phép”đằng vân” vào nhà lúc cửa đóng, xuyên qua tường. ( Truyện thánh Martin de Porres, chương 10. Tác giả Mary Fabyan Windeall)

   Nhiều vị thánh khi cầu nguyện thì xuất thần, thân thể bay bổng lên, không bị trọng lực kéo xuống.

 

Thân xác đã được thánh hoá:

   Theo diễn giải của các nhà thần học có uy tín, thì thân xác sau khi phục sinh không còn chịu đau khổ, nhưng hiển linh đẹp đẽ, mang nhiều thần tính, toả sáng, nhanh nhẹn, bất hoại, không úa tàn theo thời gian.

   Ta thấy khi Chúa biến hình trên núi Tabor “Diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng” ( Lc 9, 29).

    Khi được hỏi về cuộc sống đời sau, Chúa  Giêsu trả lời:“ Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” ( Mc 12, 25)

    Nói chung là một thân xác biến đổi từ hình thái hay hư nát, bất toàn, thấp hèn của vật lý hữu hạn, thành bất hoại, hoàn hảo, đầy thần tính, vinh quang và vĩnh cửu.

    Thánh Phao Lô luận giải cho những người không tin vào sự phục sinh của thân xác, trong thư thứ 1 Corintô đoạn 15 từ câu 35- 58.

    Ngài nói: thân xác phục sinh cũng giống như hạt giống gieo trồng. Mục nát và chưa có hình hài, mọc lên sẽ trở có hình thể tuỳ theo ý muốn của Thiên Chúa. Không phải ai cũng giống ai, nhưng biến đổi tuỳ theo điều kiện.

    “Cũng vậy về sự kẻ chết sống lại: gieo xuống trong hư hoại, sống lại trong bất hoại; gieo xuống trong ô nhục, sống lại trong vinh quang; gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong quyền năng; gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng! Nếu có xác khí huyết, thì cũng có xác thần thiêng.”  ( 1 Cor 15,  42-44)

 

Một giải thích theo quan điểm khoa học hiện nay

  Thân xác phục sinh vẫn còn là một điều khó hiểu và không thể, đối với nhiều người. Nhưng thử bình tâm mà suy xét dưới góc nhìn kiến thức khoa học tiến bộ hiện nay, thì vấn đề không còn là huyền thoại hoặc hoang đường, mà lại là điều ngược lại.

  Trước tiên, dựa trên sự quan sát. Hình hài con người luôn biến đổi, diễn tiến theo lịch sử từ trẻ thơ đến già lão rồi chết. Các nhà khoa học gần đây ước tính cơ thể người có khoảng 30 nghìn tỉ tế bào. Các tế bào này liên tục chết đi và thay bằng tế bào mới. Nhưng ta vẫn là ta mà không là người khác, từ tuổi thơ cho đến khi chết.  

   Những điều ta nhận thấy bằng giác quan, trong một quãng ngắt, đều rất tương đối và biểu kiến, chứ hoàn toàn không phải là chân tướng sự vật. Nhìn một mỹ nhân mà ta cho là đẹp, thì chỉ là một bà lão hom hem vài chục năm sau. Lại nữa nếu soi vào kính hiển vi, thì khuôn mặt cô ấy quả là rất kinh khủng. Giác quan và nhận thức đánh lừa ta.

   Cũng thế, thân xác phục sinh là chân tướng sự vật là cái nhìn của sự bất biến, của trí huệ. Nó vượt ra ngoài quy định của vật lý mà ta đang sống.

   Ngày nay, tri thức con người mới dò dẫm bước chân vào thế giới mênh mông vi diệu của cơ học lượng tử và đã có những ứng dụng khoa học đúng, chính xác. Đến lúc ta phải đánh giá lại tri thức cổ điển lỗi thời mà ta vẫn cho là đúng, là không thể nào khác.

  

     Chúa phục sinh trong thân xác đã được thánh hoá. Cũng chính là Ngài trong hình hài con người trần thế đã được Đức Mẹ cưu mang.

     Thánh Phao Lô viết:”Chúa Giê su Ki Tô, Đấng sẽ biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên như thân xác vinh hiển của Người” ( Phil 3, 20).

     Như thế sự phục sinh đem đến cho thân xác ta một ý nghĩa thật lớn lao. Từ nay, thân xác con người không còn là tù ngục tối tăm của sự chết mà trái lại là vầng hào quang của sự sống vĩnh cửu.

     Chính thánh Phao Lô căn dặn chúng ta phải đối xử đúng mực với thân xác, xứng đáng với nhân phẩm được chuộc bằng giá máu của Chúa Giêsu :”Anh em lại chẳng biết rằng, thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần sao?… Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa nơi thân xác anh em.”(1 Cor 6, 19-20)

 

Tiếng Sa Mạc

     

 

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư