Ngẫu tượng,

Thờ và truyền bá ngẫu tượng

 

 

   Thiên Chúa thì chân thật, đó là bản chất của Ngài.

   Điều Thượng Đế không thể làm là lừa dối. Ngài không ưa sự gian trá, coi ngẫu tượng như một thần tượng để tôn thờ.

   Chẳng thế mà điều đầu tiên trong mười điều răn, truyền dạy cho dân, Chúa phán:

   “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với ta…

    Vì ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương”. (Xh 20, 3-5)

    Lịch sử dân Do Thái xưa là một nỗ lực không ngừng đấu tranh chống ngẫu tượng, để tôn thờ một Thượng Đế chân chính duy nhất.

    Thời nay cũng y hệt dân Do Thái xưa. Phải thừa nhận, ngay cả ở những kẻ thường xưng mình là Ki Tô Hữu, thì ngẫu tượng vẫn là điều phải bàn.

    Bạn thử ngẫm nghĩ lại những điều dưới đây: có bao giờ bạn đang sùng kính ngẫu tượng thay vì một Đức Chúa Trời chân chính?

 

Tiền và vật chất

   Nhiều phật tử chân chính thường phàn nàn về thời kỳ mạt pháp của Phật Giáo ở Việt Nam hiện nay. Cái gọi là “hoằng pháp” bằng cách xây dựng những những đình chùa hàng ngàn tỉ, nguy nga tráng lệ, những kỷ lục guiness Á Châu và Thế Giới.

  Cái gọi là du lịch tâm linh, với tầng tầng lớp lớp người bái lạy thần phật mà đầu óc thì rỗng tuếch, một lời dạy của Phật cũng không, thậm chí làm ngược lại những gì ngài dạy. Tâm không là phật mà toàn chứa đựng nhưng mưu mô đen tối. Nói không ngoa là buôn thần bán thánh. Họ đang bị bọn kinh doanh lèo lái, đánh lừa: tất cả quy ra tiền và tiền

  Lắm người tín hữu cũng có não trạng đua đòi như thế, họ nghĩ xây dựng những công trình đồ sộ, vĩ đại, hình thức lộng lẫy bề ngoài cho Chúa ngự trị, không phải là ta đang làm vinh danh Thượng Đế đó sao.

  Tôi trộm nghĩ Chúa tạo dựng vũ trụ còn tươi đẹp muôn vàn: “Hãy xem bông huệ ngoài đồng, nay còn mai mất…mà ngay Salomon, trong tất cả vinh quang của vua, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 28-2). Há Chúa Trời lại thích thú thoả mãn với những công trình của ta.

  Ngược lại, thân xác ta mới thật là nơi Chúa ngự trị. Như thánh Phao Lô đã nói: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần sao?” ( 1 Cor 6, 19 ).

  Hãy quay về với tâm của mình, cải tạo nó làm thành đền vàng cho Thượng Đế ngự trị.

  Chúa Giêsu đã thấy mãnh lực to lớn của đồng tiền và căn dặn các môn đệ: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13). Vật chất tuy cần thiết nhưng nó cũng là con bò vàng, là ngẫu tượng độc tôn của nhiều người.

  Chạy theo hình thức bên ngoài quá đáng, tôn thờ vật chất là tôn thờ ngẫu tượng.

 

Đạo đức bình dân “quá bình dân”

   Đây là thứ đạo đức rất phổ biến ở ta, một nền đạo đức cảm tính và nông cạn. Chúng không phải là đức tin đơn sơ mộc mạc như nhiều người lầm tưởng mà là sự mê muội, dốt nát, ấu trĩ.  

  Con người hơn con vật nhờ có trí khôn nhận biết. Lý trí cho ta nhận thức đúng sai, hướng dẫn hành động, ứng xử phù hợp với lẽ phải. Đức tin của ta dựa trên lý trí hiểu biết chứ không mù quáng kiểu bản năng, mê tín. Cảm tính thì thuộc bản năng.

   Đành rằng đức tin do mạc khải, nhưng được soi sáng bởi lý trí.

   Có không ít nhà thờ trưng bày ảnh tượng các thánh loạn cả lên, tệ nhất là bên cạnh còn có các thùng tiền xin “khấn”. Giáo dân thì kháo nhau chỗ này chỗ nọ, vị thánh này thánh kia rất là “linh”. Những người này chỉ tìm và chỉ tin vì phép lạ.

   Điều này rất nguy hiểm. Tiên tri giả có thể làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Rồi họ sẽ tin ai đây, khi Thiên Chúa thì thường im lặng. Thánh Phao Lô đề cập trong thư gởi giáo hữu Thê-xa-lo-ni-ca:”Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của satan, có kèm theo đủ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng và đủ mọi mưu gian chước dối…” ( 2 Tx 2, 4-10).

   Phải chăng, họ đang thờ tà thần, mà cứ nghĩ mình đang là con chiên ngoan đạo.

   Đừng biến tôn giáo thành thuốc phiện, ru ngủ, huyễn hoặc, như Karl Marx đã từng phê phán.

   Ngẫu tượng nô lệ hoá con người, ngẫu tượng biến tấu đa dạng dưới nhiều hình thức:

   Thô thiển thì buôn thần bán thánh, coi Thượng Đế như quan toà trần thế tham lam quyền hành và lợi lộc, chia chác. Có thể hối lộ, mua chuộc bằng vật chất, cúng bái, đền bù.

   Thậm chí Ngài có vai trò như thiên lôi, dưới quyền sai khiến của con người, khi Ngài được nghe mách lẻo thì tự ái thích trả thù, vì có người dám làm điều bất ưng. Thượng Đế này rất vui thú khi thấy người ta hy sinh vì mình. Hàm ơn vì danh mình được bảo vệ, cho dù có người chết.

    Hoặc nhẹ nhàng hơn: Ngài chỉ mủi lòng khi thấy được người ta cầu khẩn khóc lóc; háo danh khi được ca tụng, ton hót, xu nịnh; và chỉ ban ơn huệ cho ai biết điều, cầu cạnh Ngài.

    Đó hoàn toàn là ngẫu tượng, là báng bổ Thượng Đế chân thật.

 

Khoái Lạc và Khắc Kỷ

-                 Chủ nghĩa Khoái Lạc: Ngẫu tượng là ma quỷ ra mặt.

   Đạo Satan: hình thành là do sự phản kháng lại những giá trị Ki Tô Giáo. Satan hiện nguyên hình là thế lực sự ác và chết chóc. Ngẫu tượng này chủ trương thoả mãn khát vọng tự do cá nhân. Cá nhân muốn làm gì thì làm: buông thả bản năng tình dục, hoàn toàn sống theo bản năng thú tính, thoả mãn đam mê, nghiện ngập... Tiếc thay, không ít người theo nó, bán linh hồn cho quỷ.

-                 Chủ nghĩa Khắc Kỷ: Ngẫu tượng dấu mặt.

  Ngẫu tượng loại này núp dưới những chiêu bài rất đạo đức, lôi kéo được nhiều người. Chúng lộng hành trong lòng Giáo Hội.

   Họ tưởng rằng khắc khổ, hành hạ bản thân là đẹp lòng Chúa. Có những phái chủ trương nửa đêm phải thức dậy, hãm mình đọc kinh cầu nguyện.

  Đây là những ngôn sứ giả chính hiệu mà Chúa Giê su đã cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em ”( Mt 7, 15 )và :”Thật vậy, sẽ có những Ki Tô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn”( Mt 24, 24).

   Ngày nay, có rất nhiều ngôn sứ giả, gọi là mặc khải tư, chẳng hạn phong trào “Sứ điệp từ trời” do bà Maria Divine Mercy chủ trương, đang lôi kéo thành công nhiều giáo sĩ và giáo dân, chống lại giáo hoàng, phá hoại sự hiệp thông trong giáo hội.

 

Ngẫu tượng công nghệ

   Bạn đã sẵn sàng cho trận chiến khốc liệt sắp tới: giành giật các linh hồn, trước tiên là linh hồn các con cháu thân yêu của bạn, đang sa đà tôn thờ ngẫu tượng thay vì Chúa thật.

   Chẳng phải đâu xa. Những ngẫu tượng ghê gớm này đang lù lù trước mắt bạn.

   Ngẫu tượng hình thành từ ”những vật trên trời, dưới đất, và trong nước” như trong thánh kinh Cựu Ước nói, đều “xưa rồi diễm”, những “ông kẹ” này sẽ chẳng lừa được ai nữa, rồi thì mọi người đều sẽ rõ.

   Thay vào đó là những thần tượng kỳ cục. Tôi cực sốc khi thấy có bạn trẻ quỳ hôn chiếc ghế mà thần tượng ca nhạc của nó vừa ngồi. Hàng triệu bạn trẻ đang mê đắm thần tượng ca nhạc, thể thao, minh tinh màn bạc của họ mà quên cả nhà thờ, tế lễ Đức Chúa, xa dần Giáo Hội.

   Chưa kể đến những robot công nghệ tình dục đầy ma mị mê hoặc, những ngẫu tượng trí tuệ nhân tạo vô hình thiên biến vạn hoá. Chúng lại thường dấu mặt, dựa trên những chiêu bài chính đáng mĩ miều như nhân quyền, khai phóng, dân chủ, tiến bộ, nhưng kỳ thực là thoả mãn bản năng.

   Các ngẫu tượng này được hình thành phần nhiều dựa trên tâm lý thực dụng, hiện sinh, theo kiểu “không có con đường dẫn đến hạnh phúc mà hạnh phúc là chính con đường”. Sống không có mục đích, không biết đến cứu cánh tối hậu của cuộc đời.

   Bạn nỗ lực cung phụng vật chất nhung lụa hay hư nát cho con cháu để mà làm gì, nếu không cứu được linh hồn của chúng ?

 

Một Thượng Đế chân thật

   Thiên Chúa thì nhân từ công chính.

   Để diễn tả hình ảnh chân thực của Thượng Đế, không thể nào dùng ngôn ngữ được. Chúa Giê Su ví von qua dụ ngôn, để các môn đệ hiểu được đại khái tính cách của Ngài. Dụ ngôn đi vào cụ thể cuộc sống, để thực hành chứ không là nguồn tri thức khoa học. Tính cách Thượng Đế rõ nhất là hình ảnh người cha trong câu truyện đứa con hoang đàng:

   Gia đình kia có hai đứa con trai. Người em út không chịu làm ăn. Một hôm đòi cha chia gia tài và đi phương xa tiêu pha, ăn chơi đàng điếm. Hết tiền phải đi chăn heo khổ cực. Không có gì ăn, liền quay về với ý định xin lỗi cha và xin làm gia nhân trong nhà. Nhưng người cha thương con, thứ tha hết tội lỗi của nó, ôm nó vào lòng và đãi tiệc ăn mừng vì nó trở về. Anh cả, lâu nay cung cúc tận tuỵ, tỏ ra không bằng lòng. Người cha ôn tồn giảng giải: nó là em con, đã chết nay sống lại; đã mất nay lại tìm thấy.

    Dĩ nhiên, người cha trần thế không giống như Cha trên trời được, nhưng qua đó, các môn đệ mường tượng ra Chúa Trời cùng với những tính cách của Ngài.

    Người ta hay nại ra lòng nhân từ vô biên của Chúa để biện minh cho lối sống buông thả, lười biếng của mình: rồi Chúa cũng xuề xoà cả mà, Ngài có muốn phạt ai đâu.

    Nhưng Chúa trời rất nhân từ thì Ngài cũng công chính tự bản chất.

    Ngài chính trực, ngay thẳng, liêm khiết đối nghịch hoàn toàn và không chấp nhận sự ác và tội lỗi. Thiên Chúa là đấng thánh. Hầu như toàn bộ thánh kinh Cưu Ước đều nói lên sự cao cả và chí thánh của Yaveh, Đức Chúa.

    Thân phận con người thì mỏng dòn, yếu đuối, Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”(1 Tm 2, 4). Nhưng trước hết, ta phải có lòng sám hối và hợp tác với chương trình cứu độ như lời thánh Augustin: Thiên Chúa dựng nên con không cần có con. Nhưng muốn cứu độ con thì cần có con.

 

     Nói tóm lại, Thiên Chúa là thần trí và sự thật, tuyệt nhiên không phải là vật vô tri mà xì xụp khấn vái. Thiên Chúa của trí tuệ và lòng nhân hậu vô biên. Ngài không phải là siêu phẩm triết học để mà suy luận và bàn cãi.

   Ngài là Chủ Thể Sáng Tạo khôn sánh. Ngài siêu việt lên tất cả.

   Ngài chủ động đến với con người, tạo vật Ngài yêu mến và tỏ lộ cho ta qua Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, như lời thánh Phao Lô viết trong thư gởi tín hữu Do Thái:”Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ.” ( Dt 1, 1-2 )

   Phao Lô thậm chí còn xác tín mạnh hơn:“Tôi coi mọi thứ là rác rến, để được chúa Ki Tô” ( Pl 3,8)

   Đây là tiêu chí cần thiết và duy nhất để phân biệt Thiên Chúa chân thật và các loại ngẫu tượng, đó là: tuyên xưng Chúa Ki Tô là cứu chúa duy nhất, trung tâm lòng người và vũ trụ.

   Tôi tự hỏi: bạn và tôi có lúc nào giật mình, có bao giờ ta lại đem ngẫu tượng: hình ảnh một Thượng Đế không thật, một Thương Đế méo mó thảm hại như vài phân tích nhận diện ở trên. Rồi nhiệt tình đem đi rao truyền cho mọi người, nhất là cho lớp trẻ thời nay. Tức điên lên vì chúng không chịu đọc kinh, đến nhà thờ thờ phượng Chúa.

   Một Thượng Đế chúng chê là “dỏm”. Hãy nghe chúng nói: Chúa đâu mà như thế.

 

  Tiếng Sa Mạc

 

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư