Giáo Sĩ Trị, Bởi Đâu Mà Khó Trị
“Anh em đừng dùng quyền mà thống trị những người mà Thiên
Chúa đã trao phó cho anh em” (1 Pr 3, 5)
Giáo sĩ trị là một ung nhọt đau đớn, phản tiến
hoá. Đức thánh cha Phanxicô gọi nó:” Một điều thực kinh khủng, một phiên bản mới
của sự dữ xưa”( Bài giảng tại nhà trọ thánh Marta, 13/12/2016)
Não trạng
giáo sĩ trị, thâm căn cố đế trong lịch sử Giáo Hội, đang gây ra những hệ luỵ lớn,
cản trở bước tiến của phúc âm hoá, cần phải loại bỏ nếu muốn Giáo Hội Chúa Ki Tô
song hành với thời đại và có tầm ảnh hưởng phổ quát vào nhịp sống đương đại.
Người ta đã phân tích rất nhiều, về đủ mọi
khía cạnh và đưa ra những phương thuốc đặc trị.
Giải pháp thực ra rất đơn giản, Chúa Giêsu đã
chỉ vẽ cho ta trong phúc âm, nếu chúng ta biết nghe và thực thi lời Ngài.
Giáo
sĩ trị, điều tự nhiên.
·
Quyền bính và quyền hành:
Một
xã hội muốn ổn định và phát triển phải có trật tự, phải đi theo một đường lối.
Nếu bát nháo mạnh ai nấy làm, tuỳ hứng, xã hội sẽ suy thoái và diệt vong. Cái
giúp ổn định, giúp phát triển đó gọi là quyền bính. Quyền bính ắt sẽ dẫn tới sự
hình thành hai lớp người: kẻ ra lệnh và người tuân hành. Để dễ dàng thực hiện
quyền bính, người ta viết nên luật pháp.
Giáo Hội là một cơ cấu xã hội, nên phải có
quyền bính để duy trì tổ chức và giúp phát triển. Giáo Hội phải có lớp lang thứ
tự, phải có kẻ điều hành và người thi hành, kẻ trên người dưới; phải có nội quy
gọi là giáo luật, để mọi người tuân theo. Người điều hành, cai quản trong Giáo
Hội là tầng lớp giáo sĩ.
·
Ân huệ và biệt đãi:
Ở xã
hội nguyên thuỷ và chế độ chủ nô, quyền lực đến từ sức mạnh cơ bắp. Tầng lớp thống
trị và bị trị cách biệt rõ rệt. Pháp luật là của kẻ mạnh. Đến thời phong kiến,
quyền bính nằm trong tay vua chúa, nhiều khi được thần thánh hoá để hợp pháp nguồn
gốc quyền lực. Vua được coi là “thiên tử”, là con của trời, thay trời mà cai trị.
Giáo Hội kế thừa truyền thống Do Thái với
chế độ thần quyền. Thiên Chúa chọn chi họ Lêvi chuyên lo việc phụng tự, tế lễ,
giải thích luật pháp. Chi tộc này được hưởng 10% đóng góp của dân. Đến nay người
Do Thái vẫn giữ truyền thống đó.
Được Chúa chọn là một hồng ân ( Đnl 4,
31-40), là một ân huệ, một biệt đãi.
·
Tri thức và kinh nghiệm:
Xã hội phong kiến tuyển lựa người tài, có
tri thức làm quan qua các cuộc thi cử. Họ cũng đề ra những tiêu chuẩn cần thiết
về đạo đức, gọi là người hiền, để tuyển lựa kẻ cầm cân nảy mực làm quan cai trị.
Giáo Hội cũng vậy. Muốn làm giáo sĩ phải
có học vấn cao, được đào tạo bài bản và nhất thiết phải đi kèm với phong cách đạo
đức. Muốn giữ chức vụ quan trọng cần phải có kinh nghiệm mục vụ lâu năm.
Giáo sĩ, gương Chúa Giê Su.
Chúa Giêsu dạy ta điều
gì trong phúc âm ?
·
Quyền bính, quyền hành :
Như trên đã nói, không thể không có quyền
bính trong cơ cấu Giáo Hội. Vấn đề là ở chỗ bản chất quyền lực là gì và phải
hành xử nó như thế nào.
-
Nguồn gốc của quyền lực : Quyền lực đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu trả lời cho Philatô: “Ông có quyền
trên tôi, đó là bởi vì Thiên Chúa đã trao cho ông quyền ấy” (Ga 19,11).
-
Bản chất của quyền lực: Người được trao quyền là để phục vụ, chứ không phải để thống trị.
“Giữa
anh em ai làm lớn hãy phục vụ mọi người. Cũng như Con Người đến không phải để
được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10,44-45 ).
Thánh
Phao Lô nói: “Tôi khẩn nài anh em hãy chăn dắt đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao
cho anh em và hãy nhiệt thành săn sóc đàn chiên ấy. Hãy làm công việc của anh
em không phải để chỉ nhận thù lao, nhưng từ khao khát thực sự muốn phục vụ.
Đừng thống trị những người được ủy thác cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng
cho đàn chiên” (1Pr 5, 2-3).
Thế là đã rõ, mọi quyền lực ta có là để phục
vụ cộng đoàn chứ không phải áp đặt cho mục đích cá nhân. Nếu không, sẽ là lạm quyền.
Hàng
giáo sĩ, hơn ai hết, phải nêu gương phục vụ như một bổn phận mà mình nhận lãnh.
Tất cả
cho bổn phận, không
màng tới lợi danh. Nếu ngược lại, là thực sự tiếm quyền và lạm dụng quyền hành.
Phải trả lẽ trước Chúa, là người trao quyền hành cho mình.
Đừng
như thói đời, nói một đường làm một nẻo. Nói:”cán bộ là đầy tớ” mà thực chất là
ông chủ chứ không phải đầy tớ. Không ai lừa phỉnh Chúa được, khi không thực hiện
những gì mình đã cam kết lúc nhận nhiệm vụ.
·
Ân huệ và biệt đãi:
“Không phải anh em đã chọn Thầy,
nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em, để anh em
ra đi, sinh được hoa
trái.”( Ga 15, 16 ).
Chính Chúa đã chọn hàng giáo sĩ và đó là một
ân huệ.
Biệt đãi và lợi lộc :
“Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu: Thầy coi,
phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?
Chúa Giêsu đáp: Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy… phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em,
cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì Danh Thầy, thì sẽ được gấp bội, và còn được sự
sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19, 27-29).
Theo Chúa không thua thiệt. Chúa không hứa
suông. Nhưng phần thưởng không phải là của cải phù vân, tiện nghi vật chất,
vinh hoa phú quý hay hư nát đời này nhưng “sự sống đời đời làm gia nghiệp”.
Được tuyển chọn là một ân huệ nhưng không.
Người giáo sĩ không nghĩ mình phải là cái gì Chúa mới chọn lựa. “Từ bụi tro
Chúa nâng con lên hàng khanh tướng”, bài hát của cha Kim Long nghe thật thấm
thía. Suy cho cùng, giáo sĩ cũng đến từ bụi tro như bao người khác. Nếu muốn, Chúa
có thể biến những cục đá thành con cái Abraham như lời Ngài nói, chứ đừng nghĩ
mình là người được tuyển chọn, phải có cái gì hơn người khác. Mình cũng chỉ như
người mù bẩm sinh chẳng làm được gì, nếu hoàn cảnh ta là họ. Tất cả chỉ để vinh
danh Thượng Đế.
·
Tri thức và kinh nghiệm :
Thời xưa, khi dân trí còn thấp kém, người
ta coi hàng giáo sĩ là kho tàng của tri thức về đủ mọi phương diện: từ
khoa học, kinh tế, chính trị, xã hội thậm chí cả gia đình, hôn nhân và tình dục.
Điều này rất đúng từ thời Trung Cổ. Giáo Hội
là người đầu tiên thành lập các trường đại học: Bologna ( 1088 ), Oxford ( 1069
), Cambridge ( 1209) . Nhiều giáo sư đầu ngành là các linh mục, tu sĩ. Giáo sĩ
là thầy, là “magister”. Muốn làm thầy phải hơn người khác 3 lần ( magis – ter )
Trong cơ cấu giáo quyền, hàng giáo sĩ được trọng
vọng không những về tri thức mà còn tính chất công việc được giao. Linh mục là alter
Christus: giảng dạy, tha tội, truyền phép mình thánh…Cả Chúa cũng nghe theo,
ngay khi linh mục ấy đang trong tình trạng tội lỗi. Giáo dân mà không vâng lời
giáo sĩ sao được. Nhiều giáo dân cung kính giáo sĩ vì lẽ này. Họ làm cho giáo
sĩ ảo tưởng mình thật lớn mà không biết rằng, sở dĩ mình lớn là do người khác
quỳ xuống.
Ngày
nay thì khác, huấn quyền chỉ là một kênh tham khảo mà thôi. Thưc vậy, biết bao chuyên ngành khác mà các vị ấy mù tịt. Kể
cả trong lãnh vực thần học và mục vụ, dù có nhiều tri thức và kinh nghiệm, thì
đã chắc giáo sĩ luôn luôn đúng.
Vậy thái độ đúng đắn của giáo sĩ là nên biết
lắng nghe, tìm hiểu một cách hết sức khiêm tốn. Khiêm tốn như lời Chúa dặn:“Hãy
học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”( Mt 11, 29 ). Khiêm tốn
thật sự từ nội tâm, bởi vì giáo sĩ ngày nay không còn là nguồn tri thức và kinh
nghiệm cho mọi người tham chiếu, học hỏi.
Câu nói của thánh Gioan Tiền Hô :”Ngài cần
được lớn lên, còn tôi thì nhỏ bé đi” ( Ga 3, 30 ) là châm ngôn của đời giáo sĩ.
Giáo sĩ là đại diện Chúa Ki Tô. Nhiều người lầm tưởng như mình là Chúa, rồi
sinh ngạo mạn, xem thường người khác. Như con lừa chở vua: thấy người ta tung
hô vua mà cứ tưởng họ đang tung hô mình.
Tìm an nhàn và vinh hoa, lợi lộc vật chất
trong nếp sống tu trì, chỉ có thể là người làm thuê chứ không phải là mục tử:
“Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” ( Ga 10, 11). Đời tận
hiến là biết quên mình mà vác thập giá, chết cho chính mình. Chân tu quả là khó,
nếu không tự nguyện và chấp nhận hy sinh thật lòng.
Nạn giáo sĩ trị chỉ kết thúc khi giáo sĩ dẹp
được tính kiêu căng, coi sứ vụ là sự hy sinh và tận tâm phục vụ.
Tiếng Sa Mạc