“Một Hội Thánh Nghèo và Vì Người Nghèo”

(dongten.net) 22/03/2013

 

Khi kể chuyện về giây phút cái danh hiệu PHANXICÔ đi vào lòng ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả chương trình hành động của ngài, không phải bằng một lời tuyên bố long trọng, nhưng bằng cách bộc lộ  một nỗi khao khát: “Ôi, tôi mong ước biết bao có được một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”. Lời tâm sự của ngài làm tôi liên tưởng tới lời tâm sự của Chúa Giêsu: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bừng lên” (Lc 12,49) .

Nhưng khi nghe đến “một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo”, có người hỏi tôi: “Thế còn người giàu thì sao?”

Câu hỏi thật chí lý! Có lần tôi đã phải bút chiến với một người anh em trong Dòng Tên ở châu Mỹ Latinh, vì anh ấy viết một cách rất xác tín: “Bạn hữu và những người thân tín quanh Chúa Giêsu luôn luôn là người nghèo”. Đọc một câu này đã thấy là người anh em của tôi “lọc” sách Thánh với cái “sàng” của ý thức hệ hơn là để cho Lời Chúa dạy dỗ và mở mắt cho mình.

1- Trong các môn đệ của Chúa Giêsu, có cả giàu lẫn nghèo

Trước hết, trong số bạn hữu và những người thân tín quanh Chúa Giêsu có nhiều người giàu: sách Tin Mừng Lu-ca kể ra trước hết là các phụ nữ: “Cùng đi với Người, có nhóm Mười Hai và mấy người phu nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mac-đa-la, người đã được giải thóat khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,1-3).

Ba chị em Mac-ta, Maria và La-da-rô (Lc 10,38-42 và Ga 11,1-44; 12,1-8) hẳn không phải là nghèo, vì có thể tiếp đón Chúa Giêsu và các môn đệ tại nhà mình, và Maria cầm nguyên chai dầu thơm, mà Giu-đa đánh giá tới ba trăm quan tiền, trút lên chân Chúa Giêsu (Giu-đa bán Chúa được có một phần mười!). Ông Da-kêu, “giám đốc sở thuế” (đúng hơn, là chủ thầu thu thuế) của thành phố Giê-ri-khô, chắc chắn không phải là người nghèo! được đón Chúa vào nhà và được nghe lời tuyên bố: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9); Cả bốn sách Phúc Âm kể về ông Giu-se A-ri-ma-thê: “người giàu có… và cũng là môn đệ Đức Giêsu” (Mt 27,57) “thành viên có thế giá của Hội Đồng” (Mc 15,43) “một người lương thiện, công chính” (Lc 23,50), “Ông đã mạnh dạn đến gặp Tỏng Trấn Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giêsu”(Mc 15,43). Nếu không có ông môn đệ “chui” vừa giàu vừa có thế giá, lại mạnh dạn, một mình đến gặp Phi-la-tô mà xin xác Chúa Giêsu để mai táng thì xác của Chúa đã bị quăng xuống hố cùng với cây gỗ như các tử tội khác! “Khi ông Giu-se đến hạ thi hài Người xuống thì ông Ni-cô-đê-mô cũng đến. ông này trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” (Ga 19,38-39). “Ông là thủ lãnh của người Do Thái” (3,1). Khi cuộc tranh luận trong nội bộ giới lãnh đạo vế việc giết Chúa Giêsu tới hồi quyết liệt thì ông đã dám một mình chống lại tất cả (Ga 7,50-52). Ngay trong nhóm Mười Hai thì ít là ba ông không phải là người nghèo: Mat-thêu người thu thuế; hai người con ông Dê-bê-đê “bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền cùng với những người làm công, mà đi theo Người”. Thế là rõ, trong hàng bạn hữu, thân tín chung quanh Chúa Giêsu có cả người nghèo và người giàu.

2- Trong cộng đoàn tín hữu ban đầu ở Giêrusalem và ở các thành phố dân ngọaikhác do thánh Phaolô qui tụ cũng có đủ người giàu và người nghèo. Chỉ cần đọc sách Công Vụ Tông Đồ và các thư của thánh Phao-lô là thấy. Ông Phi-le-mon, người đựơc thánh Phaolô viết riêng một bức thư, không phải là nghèo. Chương 16 trong thư gởi tín hữu Rôma kể ra bao nhiêu người có đủ khả năng tiếp đón cả một cộng đoàn tín hữu qui tụ tại nhà mình, chắc chắn không phải là những người nghèo…

3- Thế nào là giàu, thế nào là nghèo.

Vậy phải hiểu thế nào lời Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng Lu-ca: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em” – “Khốn cho các người là những kẻ giàu có, vì các người đã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,20.24)? Phải chăng một “Hội Thánh nghèo” là một Hội Thánh gồm toàn những người nghèo?

Sách Tin Mừng Mat-thêu đã giải quyết bằng cách giải thích: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Người giàu có thể có tâm hồn nghèo khó, người nghèo lại có thể không có tinh thần nghèo khó. Trong một cuốn sách của Đức Hồng Y Carôlô Maria Martini, có câu chuyện về một vị ẩn tu sống rất nghèo, chỉ có một tấm áo rách trên mình và một cái vò đựng nước đã bể… Một hôm ông hỏi Chúa: “Lạy Chúa, con có phải là người nghèo nhất trên thế gian này chưa?” Chúa sai thiên thần đưa ông đến trước một lâu đài sang trọng và bảo: “Người sống trong lâu đài này mới là người nghèo nhất trên thế gian”. Vị ẩn sĩ rách rưới ngẩn người hỏi Chúa: “ Sao lại như thế được?” Chúa trả lời: “Người sống trong lâu đài sang trọng này có đủ mọi thứ, nhưng lòng không dính bén chút gì, còn con, con dính bén với chính cái áo rách và cái vò đã bể của con”.

Sách Tin Mừng Lu-ca dạy cho cả người giàu và người nghèo biết làm sao vào được Nước Thiên Chúa: các môn đệ đã được gọi vào nhóm Mười Hai thì “bỏ mọi sự mà theo Chúa”, còn các phụ nữ giàu có thì đem theo của cải mà “giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ”. Ông Da-kêu chia phân nửa gia tài cho người nghèo (Lc 19,8). Vậy thì vấn đề ihông phải là giàu hay nghèo mà là thái độ đối với của cải vật chất cũng như quyền lực và cách sử dụng. Sách Tin Mừng Lu-ca dùng nhiều dụ ngôn và các nhân vật để giải thích điều này sau lời tuyên bố có tính khiêu khích mà người nào muốn đọc Tin Mừng theo ý thức hệ cũng có thể “sàng” ra để giải thích theo chủ nghĩa Mac-xít. Dụ ngôn “người phú hộ ngu ngốc” (Lc 12,16-21) nêu bật tính “phù vân” của sự giàu có về vật chất và chỉ có Thiên Chúa mới tồn tại và đáng cho ta tìm kiếm để khi nhắm mắt lìa đời không phải trắng tay. Dụ ngôn “người quản gia bất lương” (Lc 16,1-9) đưa tới bài học về cách sử dụng của cải: “Hãy dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Có người thắc mắc, vậy tiền của ngay chính thì sao? Câu trả lời có thể tìm thấy ở dụ ngôn tiếp theo: “ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo”. Ông nhà giàu chết được chôn táng, nhưng lại bị cực hình dưới hỏa ngục. Chúa chẳng nói lý do nào cả. La-da-rô nghèo cũng chết (không ai chôn!) và “đuợc thiên thần đem vào lòng ông Ap-ra-ham”. Chính tổ phụ Ap-ra-ham giải thích lý do: “Con ơi, hãy nhớ lại, suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn bất hạnh. Bây giờ La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con có một vực thẳm lớn…”(Lc 16,25-26).

Chúng ta như nghe tổ phụ giải thích mối phúc thứ nhất và mối họa thứ nhất. Nước trời thuộc về người nghèo. Của cải thuộc về người giàu. Mỗi người lãnh phần của mình. Muốn chung chia với nhau thì phải chung chia ngay bây giờ. Chết rồi thì không chung chia được nữa, vì có vực thẳm ngăn cách hai bên. Phải chi ông nhà giàu chia phần của mình với La-da-rô và nhận phần La-da-rô chia lại cho ông là những vết lở lóet đầy mình, lấy dầu và rượu lau chùi băng bó như người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,29-37), thay vì để cho những con chó đến liếm, thì đâu phải chịu cảnh này. Chương 18 cho chúng ta chuyện “người thật việc thật” chứ không phải dụ ngôn nữa: người thủ lãnh giàu có đến xin Chúa Giêsu chỉ giáo: “Tôi phải làm gì để được  sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa Giêsu nhắc cho ông ta rằng chỉ có Thiên Chúa là “TỐT”, đáng cho ông ta tìm kiếm. Rồi Chúa nhắc con đường thông thường, là giữ các diều răn. Ông ta trả lời: “Tất cả những điều ấy, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Chúa đáp: “Ông chỉ còn thiếu có một điều là hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi. Nghe vậy ông ta buồn lắm, vì ông rất giàu”. Chúa Giêsu thấy ông có thiện chí, mách cho ông một con đường an toàn: đóng thùng tất cả những gì ông có, rồi nhở người nghèo đem ký gởi vào Nước Thiên Chúa trước, để có sẵn kho tàng ở trên trời. Nhưng ông buồn lắm, vì ông muốn được cả hai: giữ nguyên của cải và được cả sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Nhìn ông buồn rầu bỏ đi, Chúa Giêsu ngao ngán thốt lên: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa bíết bao!… Những người nghe Đức Giêsu nói liền hỏi: “Thế thì ai có thể được cứu?” Người đáp: “Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa”.

Lập tức chúng ta được thấy những nhân vật minh họa cho quyền năng của Thiên Chúa, ông Phê-rô và nhóm Mười Hai: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ hết mọi sự mà theo Thầy”.

Giàu hay nghèo đều có thể được cứu nhờ quyền năng Thiên Chúa.

Trước khi Chúa Giêsu lên tới Giêrusalem, ở trạm nghỉ cuối cùng là Giê-ri-khô, chúng ta được chúng kiến một trường hợp điển hình: ông Da-kêu, một người chắc chắn là rất giàu có, nhưng ông là người khôn, ông chia liền phân nửa gia tài cho người nghèo, nên bảo đảm là sẽ được chia phân nửa Nước Thiên Chúa với người nghèo. Chính Chúa xác nhận khi tuyên bố: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.

4- Một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo

Một Hội Thánh nghèo không phải là một Hội Thánh gồm toàn người nghèo. Hội Thánh không phải là Bang Hội của Cái Bang (ăn mày) trong kiếm hiệp Trung Hoa. Hội Thánh gồm tất cả những ai tìm kiếm và tin nhận Thiên Chúa là hạnh phúc duy nhất và vĩnh cửu và “Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2). Chính khi kêu gọi các tín hữu quyên góp để chia sẻ với cộng đoàn Giêrusalem đang lâm cảnh khó khăn mà thánh Phaolô nại đến gương Chúa Giêsu: “Quả thật anh em biết Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của minh mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cor 8,9). “Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân…”(Pl 2,7) để cho chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.

Thánh Gio-an trong thư thứ nhất cũng nói rõ: “Căn cứ vào điều này chúng ta bíêt được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được.” (I Ga 3,16-17). “Thí mạng” nghe cao cả và xa vời; “thí của” là chuyện hàng ngày, nhưng lại không dễ vì “đồng tiền liền khúc ruột”.

“Thí mạng” hay “thí của” đều phải xuất phát từ con tim: mở rộng con tim thì tất cả sẽ mở theo. Trong bài giảng lễ nhậm chức hôm 19/3, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến lòng yêu thương âu yếm đối với những người cùng khổ. Lúc ra quảng tường đi chào đám đông, ngài cho ngừng xe để bước xuống ôm hôn một người bất tọai. Khi mới làm Tổng Giám Mục, ngài đã ôm hôn và rửa chân cho 12 người bệnh. Siđa.

Một Hội Thánh nghèo là một Hội Thánh sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, không dính bén với của cải vật chất, không chạy theo thói thế gian, không đặt của trọng hơn người.Một Hội Thánh vì người nghèo là một Hội Thánh theo gương người Sa-ma-ri nhân hậu, cúi xuống săn sóc cho bất cứ ai cần được giúp đỡ.

Thánh Gia-cô-bê nói rất thiết thực trong thư của ngài: “Lòng đạo đức tinh tuyền và không tì ố trước mặt Thiên Chúa Cha là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian” (Gc 1,27). “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được không? Giả như có người anh em hay chị em khong có áo che thân và không đủ ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ:”Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2,14-16). Trong sách Tin Mừng Mat-thêu, dụ ngôn về ngày phán xét, Đấng Phán Xét chỉ đề cập tới những gì đã làm hay đã không làm cho những người anh em bé nhỏ nhất của Ta” trong cảnh đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù: làm cho họ là làm cho Ta,  không làm cho họ là không làm cho Ta (x. Mt 25,31-48).

Trong “cuộc họp tại Giêrusalem”, ba vị cột trụ của Hội Thánh tại Giêrusalem là Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an bắt tay thỏa thuận với hai vị tông đồ dân ngọai Phaolô và Banaba: ba vị trụ cột tiếp tục  lo cho dân Do Thái, hai vị tông đồ dân ngọai tiếp tục lo cho dân ngọai đón nhận Tin Mừng, “chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm” (Gl 2,10).

Chung một đức tin và một lòng yêu mến người nghèo, đó là ấn tín để nhận ra nhau giữa các môn đệ của Chúa, không phân biệt nguồn gốc. Đức Thánh Cha Phanxicô đưa Hội Thánh trở về cội nguồn: một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo hôm nay là Hội Thánh vẫn có từ thời các Tông Đồ và có thể làm chứng cho Tin Mừng. “Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”.

L.m. Nguyễn Công Đoan, S.J.

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư