TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC

 

            Tự do và hạnh phúc là niềm mơ ước muôn thủa của con người. Nhưng đâu là bản chất, là giải pháp, và đâu là con đường của tự do và hạnh phúc. Nhiều triết thuyết xưa nay đã lý giải và giải quyết vấn đề, nhưng dường như nó vẫn còn bỏ ngõ chưa có đoạn kết, qua sự tranh luận với nhiều quan điểm, dưới nhiều góc độ khác nhau, có khi đi tới mâu thuẫn hoặc có sự khác biệt thật xa lạ với nhau. Vấn đề này đã trở thành cương lĩnh, thành mục tiêu cho các chính trị gia và các thủ lãnh chính trị, dù vô thần hay hữu thần, dùng làm chiêu bài cho những động cơ hoạt động. Đây là một thách đố lớn lao cho con người, nó cần một ánh sáng của một chân lý cội nguồn chiếu soi, để con người không phải mò mầm đi trong bóng đêm hay bóng mây mù của sự hỗn độn vây hãm.  

            Thực trạng cho thấy con người còn quá nhiều vướng mắc, quá nhiều sự ràng buộc, từ tinh thần cho tới vật chất, ràng buộc trong những tổ chức đời sống cá nhân, gia đình và xã hội, nên tự do và hạnh phúc chẳng thấy, cũng chẳng có cách giải quyết, nó chỉ là ước mơ mang tính lý tưởng. Từ đó có những quan niệm về tự do và hạnh phúc mang tính nửa vời, tạm bợ, phiến diện.

            QUAN NIỆM XÃ HỘI:

            Với xã hội, người ta đã quá quen với từ “tự do”, còn từ “hạnh phúc” thì nó nhuốm màu tôn giáo hay một triết thuyết nào đó. Thực ra tự do là nền tảng, còn hạnh phúc là mục đích, nên tôn giáo hay dùng cụm từ “tự do và hạnh phúc”, hoặc “tự do và giải thoát”, để mang nghĩa trọn vẹn và triệt để nhất, nó chân nhận xác thực của nghĩa tự do, trên nền tảng bất di dịch, đã được Tạo Hóa ban tặng cho con người mà không một ai có quyền và có thể lấy mất được.

 Khi nói đến tự do, con người thường hay liên tưởng tới một sự thoải mái, không bị ràng buộc hay bị một sự áp bức nào. Cảm giác con người lúc đầu thường hướng về sự thô thiển mang tính bản năng, tìm đến sự thoải mái hưởng thụ, phục vụ cho chính bản thân theo như bản năng đòi hỏi. Qua quá trình nhận thức, qua văn hóa và giáo dục, con người đã nhận ra những yếu tố cơ bản của vấn đề tự do, được đúc kết trong bản “Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền”, cũng như trên Hiến pháp của nhiều quốc gia, trên tiêu đề trong đường lối làm việc của những tổ chức chính trị và xã hội trên khắp thế giới. Nhưng thật trớ trêu, mỗi định chế xã hội, mỗi thể chế chính trị lại có quan điểm và đường lối thực hành về tự do khác nhau, khiến con người luôn luôn bất đồng và tranh cãi liên tục giữa mọi thời đại. Cũng là “tự do tín ngưỡng”, cũng là “tự do ngôn luận”, nhưng mỗi nơi, mỗi nước hiểu và áp dụng khác nhau, khiến cho mỗi người dù đồng ý hay không, có cảm tưởng rằng, tự do và hạnh phúc chỉ là là cái bóng hoặc như cái bánh vẽ, hình như nó không hiện diện trên đời. Dù vậy, qua mọi thời đại, mọi thể chế chính trị xã hội, con người vẫn khao khát và đi tìm kiếm nó.

Trong lịch sử, từ các nước theo chế độ lấy tôn giáo làm quốc giáo, như Nho giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Thiên Chúa giáo (một số nước phương Tây thời trung cổ)…, cho đến những thể chế chính trị, như chế độ vua chúa, Quân Chủ, Dân Chủ, Cộng Hòa, Chủ Nghĩa Xã Hội…, con người đã áp dụng đủ cách để tổ chức xã hội cho có tự do và hạnh phúc. Nhưng tất cả vẫn chỉ là lý tưởng, ngay tự trong thâm tâm của mỗi người dù thời đại nào, cũng đều cảm thấy tự do và hạnh phúc nó không hiện diện đúng nghĩa như ước mong của mình. Rồi người ta tự an ủi mình và an ủi nhau: “tự do và hạnh phúc chỉ tương đối thôi”, để rồi lại một lần nữa, mỗi người lại hiểu tự do và hạnh phúc theo cái “tương đối” của mình. Bóng mây mù của vấn đề lại tiếp tục phủ lấp ở đây. Sự đau khổ và bất hạnh của con người vẫn chồng chất giữa cuộc đời, đến nỗi Đức Phật gọi: “đời là bể khổ”.

Đối với cá nhân, con người thường nghĩ đến tiện nghi vật chất, sắm xe cộ, nhà cửa, đồ dùng, máy móc, trang phục… hoặc chức vụ, lương tháng, bề thế xã hội, học thức… là có hạnh phúc. Trong hôn nhân, thì chỉ dựa vào những cảm xúc yêu đương là đủ hạnh phúc. Nhưng thực tế cho thấy, mọi sự đều mau chán và mau qua, tâm trạng lại thèm khát cái mới, cái hơn, để rồi nỗi bất hạnh vẫn triền miên dai dẳng.

DƯỚI GÓC ĐỘ ĐẠO HỌC:

Đạo học ở đây mang nghĩa đạo lý Á đông, mà Phật, Lão, Khổng xưa nay vẫn được chọn làm tiêu biểu cho Đạo học Đông phương, gọi là “Tam giáo Đồng nguyên”.

Đức Phật thấy đời người là bể khổ, nên đi tìm con đường giải thoát bằng cách thoát khỏi mọi nô lệ của dục vọng và sự dữ (diệt dục), nó có mầm mống xuất xứ từ chính nơi mỗi người, gỡ bỏ được sự ràng buộc đó thì sẽ tìm được tự do và hạnh phúc… Con người có tính tham lam ích kỷ, ham hưởng thụ, chiều theo dục vọng, có tính thù hằn, đố kỵ, ghét ghen, vì vậy chủ thể lại trở thành một tên nô lệ, bị những thứ đó sai khiến, quấy rầy, gây bao phiền muộn bất an, tạo nên nghiệp chướng đau khổ. Ngay khi “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai” (một ý hằn thù ghét ghen nổi lên, thì cả trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra), nói chi đến những vũng lầy đen tối của dục vọng và mầm mống sự dữ nơi con người. Nếu con người bám vào sự vật để tìm tự do và hạnh phúc thì không bao giờ gặp được, vì tất cả chỉ là “vô thường” (không có tự tánh thường hằng nên luôn thay đổi, vì nó không phải là chính nó, chỉ do con người gán cho nó cái gì đó thôi). Tự do và hạnh phúc chính là giải thoát khỏi vòng nô lệ đó, cũng là giải thoát khỏi cõi “vô minh” trong vòng xoáy của Tham-Sân-Si.

Lão tử cũng không khác, cũng lấy sự từ bỏ để gặp được Đạo, nói cách khác, Đạo cũng chính là sự từ bỏ. Từ bỏ ở đây tạm hiểu là “vô vi”, chính là bản thể của Đạo. Vì: “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn. Tổn nhi hựu tổn, dĩ chí vô vi. Vô vi nhi vô bất vi” (theo học thì mỗi ngày một tăng, theo đạo thì mỗi ngày một giảm. Giảm rồi lại giảm cho tới mức vô vi. Không làm mà không gì mà không làm). Vô vi có thể hiểu là không hành động theo dục vọng và đấu tranh theo khí huyết (thần khí con người). Vì tự những điều đó nó nghiêng về sự dữ, sinh muôn điều tai hại, nên cứ thuận theo lẽ của Đạo thì biết phải làm như thế nào, và tự nó sẽ thuận xuôi, có được sự an nhiên tự tại (tự do), an lành và hạnh phúc. Và khi đã có được Đạo rồi thì: Cam kỳ thực, mỹ kỳ phục, an kỳ cư, lạc kỳ tục” (thức ăn đạm bạc mà thấy ngon, quần áo tầm thường mà cho là đẹp, nhà ở thô sơ mà thích, phong tục giản phát mà lấy làm vui). Nếu không biết từ bỏ (vô vi) mà cứ ôm lấy cho đầy, “nhân dục vô nhai” (lòng người không đáy) thì “họa mạc đại ư bất tri túc” (không có họa nào lớn bằng lòng không biết đủ). Tự do và hạnh phúc chính là ở nơi Đạo (rũ bỏ) vậy.

Khổng giáo lấy sự tu thân làm nền, để có được sự an vui hạnh phúc:”Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (từ vua cho đến thứ dân, ai cũng lấy việc tu thân làm gốc). Tu thân con người sẽ trở nên người quân tử, chất chứa đầy hoan lạc: “Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích” (quân tử trong lòng bằng an lồng lộng, tiểu nhân lo buồn ngay ngáy). Cũng như: “Quân tử bất ưu bất cụ” (người quân tử không buồn không lo sợ). Muốn có tự do và hạnh phúc thì phải biết tuân theo trật tự của trời đất, đó là lễ, như hình ảnh 3 con khỉ ngồi bó gối, con bịt mắt, con bịt tai, con bịt miệng, nghĩa là: “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” ( không phải lễ thì chớ nhìn, chớ nghe, chớ nói, chớ hành động). Đó là sự từ bỏ những đam mê, những kích thích của dục vọng. Người quân tử luôn vui vì đạo, không lo vì giàu nghèo: “Quân tử ưu đạo bất ưu bần”. Lúc đó, “đạo” là niềm vui và hạnh phúc, chứ không phải cái thế lực của người ngoài: “Lạc kỳ đạo, nhi vong nhân chi thế”.

Như vậy, dưới góc độ của Đạo học thì tự do và hạnh phúc được khởi sự trong ý niệm, được diễn ra trong tinh thần, biểu hiện và sống động nơi tâm hồn, mà chỉ có chủ thể mới có thể cảm thức được, vì nó hiển hiện, sống và hòa nhập với người hội đủ yếu tố để kết nạp nó, chung quy vào sự tu thân và sự từ bỏ. Cũng như: “Để được tự do, không cần phải thêm gì nhưng cần phải bớt đi” (S. Peck), hoặc: “Tôi học được cách tìm thấy hạnh phúc của mình, bằng cách giới hạn những ước vọng hơn là cố thỏa mãn chúng” (John Stuart Mill).

Vì vậy tự do và hạnh phúc hiện diện và xuất phát từ trong con người, chứ không phải từ bên ngoài, như Platon nói: “Người ta không thể bắt một người tự do trở thành nô lệ được, vì ngay cả khi ở trong tù, người tự do vẫn cứ tự do”.

DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KITÔ GIÁO: 

Qua mạc khải, Kitô giáo nhận ra rằng, con người không còn tự do và hạnh phúc nữa chỉ vì bị nô lệ vào vòng tội lỗi. Tự do là quà tặng cao quý nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người, mà mãi mãi không bao giờ Người lấy lại, còn hạnh phúc là hệ quả của sự tự do, vì mất tự do cũng có nghĩa là mất hạnh phúc (nô lệ làm sao có hạnh phúc). Mạc khải Kinh Thánh cho thấy, từ khi con người phạm tội, vườn Địa đàng biến mất, tự do và hạnh phúc không còn, lúc đó xuất hiện đau khổ và bất hạnh, với những dục vọng và yếu hèn, những đam mê và sự xấu hoành hành. Khi phạm tội, sự dữ hiện diện, dẫn con người vào sự nô lệ mù tối, đến nỗi họ chỉ thích đắm mình trong cõi mê muội lầm lạc, để được ngủ yên trong cái vỏ ốc, quên đi và tìm cho mình một thứ hạnh phúc giả tạo, một cách để tự bào chữa, tự đánh lừa nỗi bất lực và sự yếu hèn của mình.

Ai theo đạo cũng đều biết rằng, vào thời gian trong lịch sử, với tình yêu muôn thủa của Thiên Chúa, Đức Kitô xuất hiện để tái tạo sự bình an, tự do và hạnh phúc cho con người, bằng cách chuộc lại những sa ngã, đồng thời giải thoát cho con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Người đã minh chứng bằng cách chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự dữ và sự chết. Để từ đó, ai theo Người sẽ được tự do, hạnh phúc từ đời này cho đến hạnh phúc viên mãn đời sau. Theo Đức Kitô là đi theo con đường Người đã đi, con đường đó ai cũng biết, là con đường từ bỏ, con đường thánh giá (đau khổ), “Ai muốn theo thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 24). Nhưng lại là con đường tìm được tự do, bằng an và hạnh phúc, “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14, 27), một sự nghịch lý mà chỉ có được nơi những chân lý trong đạo, “chính ngôn nhược phản” (lời hợp đạo nghe như ngược đời) là vậy. Đi theo Đức Kitô để được tự do và hạnh phúc thì phải trải qua một cuộc giải phẫu thật đau đớn để cắt bỏ những khối u, là cái giá phải trả, đó là sự từ bỏ như Người đã khẳng định: “ Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 26). Từ bỏ đây là dứt bỏ sự nô lệ chứ không phải theo nghĩa đen kiểu “ly dị”.

Bài giảng trên núi của Đức Giêsu về Tám Mối Phúc Thật, được mệnh danh là Hiến Chương Nước Trời, là những điều nghe có vẻ ngược đời, nhưng lại là sự giải thoát để có được hạnh phúc. Điều đầu tiên, giống như “của lễ nhập môn” là: “Tinh thần nghèo khó”. Tinh thần này là sự từ bỏ triệt để nhất, bỏ đi hết thì lại có tất cả. Về mô thể nó cũng gần giống như “vô vi” của Lão tử. Tinh thần đó là: “Có vợ như không có vợ, khóc lóc như không khóc, vui như chẳng vui, mua sắm như chẳng có gì, hưởng dùng của cải như chẳng hưởng” (1Cr 7, 29-31). Cũng như: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3) .

Tinh thần này giải thoát con người khỏi mọi ràng buộc, nhất là sự nô lệ vào tội lỗi, vào vật chất, vào những cảm xúc của dục tình, của sự chiếm hữu vốn tinh thần, vốn tri thức, vốn đạo đức v.v…“Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, vì thầy và vì Tin Mừng mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không được gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời sau” (Mc 10, 29). Khi tâm hồn trở nên trống rỗng, thì sự sống phong phú của chân lý sẽ lấp đầy, và sẽ được dư tràn sự bằng an và hạnh phúc. Thật lạ kỳ, tinh thần khó nghèo này có đặc tính như đức khiêm nhường, nếu ai thấy nắm bắt được nó thì lập tức nó biến mất, vì lúc đó không còn là nghèo khó nữa. Không ai được phép sở hữu nhân đức này, vì nó xuất phát và thuộc về Thiên Chúa, nên các thánh hơn người chính là mọi sự đều quy chiếu về Thiên Chúa chứ không quy chiếu về mình, và các ngài bỏ tất cả thì lại được tất cả. Tinh thần khó nghèo chỉ hiện diện khi nội tâm có được sự tự do, có sự yên bình thẳm sâu nơi linh hồn, có bầu trời trong sáng chìm sâu và tan biến trong sự hư không, trong sự tĩnh lặng êm ả khi đối diện với Thiên Chúa.  

Đó là sự tự do và hạnh phúc đích thực mà chính Thiên Chúa đã ban tặng cho những ai không bị nô lệ vào thế gian, vào “cái thần tôi”, vào sự chiếm đoạt, vào dục vọng, vào tội lỗi và những sự dữ. Đây cũng là: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…” (Phanxicô Assisi), nghĩa là tìm lại được chính mình đã mất khi còn bị nô lệ vào cái vị kỷ, cái tôi của mình, cho nên lúc quên mình là lúc giải thoát khỏi ách nô lệ, không còn bị “vong thân” bất hạnh nữa.

PHẦN  KẾT

Mọi vấn đề đã được sáng tỏ, dù là Tinh Thần Khó Nghèo của Kitô giáo, dù rằng Vô Vi như Đạo giáo, Hữu Vi làm người quân tử như Khổng giáo, Diệt Dục như Phật giáo, và có thể thêm nhiều hệ luân lý của các tín ngưỡng và tôn giáo khác, chúng ta đều nhận thấy rằng, các tôn giáo và đạo lý đều gặp nhau ở hệ luân lý (nhưng cứu cánh khác nhau), dẫn dắt con người đến tự do và hạnh phúc, chính là sự tu thân, là sự từ bỏ, là sự khắc kỷ, là cởi trói cho mọi ràng buộc, là sự dấn thân quên mình (cái tôi) để tìm lại cái “bản thể” hồn nhiên như nhiên của thủa ban đầu khi con người chưa bị nô lệ vào dục vọng và tội lỗi.

Nhưng thực tế cho thấy, con người lại hay đi tìm tự do và hạnh phúc ở những hình thái bên ngoài, là nơi không có nó. Họ quên rằng tự do và hạnh phúc xuất phát từ bên trong, nơi tâm hồn mỗi người. Người ta tổ chức xã hội, xây dựng xã hội thật hiện đại, biến mỗi người thành một con Robot làm việc, theo một nguyên tắc chặt chẽ , hợp lý và đắc dụng. Rồi mỗi người lại tổ chức cho mình một “thế giới” thật tiện nghi, sống theo một công thức đã được lập trình, rồi yên tâm và hãnh diện với những ràng buộc (lập trình) chặt chẽ bất di dịch đó. Con người luôn có một cảm giác rằng, càng vơ vào cho mình nhiều thì sự an toàn và hạnh phúc càng được bảo đảm. Chân lý lại dạy rằng, càng ôm nhiều thì sự ràng buộc và nô lệ càng lớn, nó tỷ lệ nghịch với sự tự do và hạnh phúc. Khi cái Tôi của con người được nhập thân với vật thể nào đó, hoặc với danh lợi, hoặc với những ý niệm về giá trị sự vật nào, là lúc cái tôi lập tức bị nô lệ, từ đó sẽ phát sinh sự lo lắng và bất an, vì luôn phải chay theo sự biến động của nó, phải bảo vệ vì sợ mất nó. Và như thế là tự do và hạnh phúc biến mất. Cũng như nếu con người hưởng dùng một đồ vật thô sơ không đáng giá thì sẽ ung dung chẳng lo sợ gì, nhưng với một đồ vật đắt tiền lên tới nhiều triệu, thì luôn bị nó sai khiến, phải gìn giữ, chăm sóc, nương nhẹ, vuốt ve, xót xa, tiếc nuối, sợ hư hại, sợ mất nó… và còn thờ ngắm nó, lại còn phải khoe khoang (chia sẻ) cho càng nhiều người biết càng tốt. Ôi thôi một chuỗi ràng buộc luẩn quẩn nhiễu nhương phức tạp, chỉ mang đến sự lo lắng và bất an, biến chủ thể trở nên kẻ nô lệ. Ngày nay không phải một thứ mà mọi thứ đều như vậy.

Xã hội hiện đại luôn được ca tụng bởi sự tiện nghi và hào nhoáng, nhưng liệu nó có đưa lại tự do và hạnh phúc cho con người hay không thì phải xem lại. Tội ác, mafia, nạn ly dị, nạn tự tử, phá thai (trên 50 triệu thai nhi bị giết mỗi năm), hợp thức đồng tính luyến ái, kỹ nghệ sex, hiệp hội trao đổi vợ chồng, bạo lực trong gia đình và xã hội, kích dục trong phim ảnh và quảng cáo, những trang Web đen, vũ khí hủy diệt hàng loạt, ô nhiễm và tàn phá thiên nhiên, hàng ngàn giáo phái thần bí phi nhân bản ra đời, chủ nghỉa cực đoan, “văn hóa sự chết” (Đức Gioan Phaolô II), vô minh văn hóa (Phật), khủng hoảng và tha hóa tinh thần (không tìm thấy niềm tin và ý nghĩa của cuộc sống), sự tục hóa tâm linh, làn sóng bỏ đạo, chủ nghĩa thực dụng, duy hưởng thụ… Toàn cảnh đã tạo cho thế giới một bức tranh ảm đạm, xám xịt, lên tới báo động đỏ, như đang sống trên vùng hỏa diêm sơn, nhưng mấy ai quan tâm.

Con người ngày nay có thấy được tự do và hạnh phúc hơn các xã hội truyền thống (chưa công nghiệp) không?

Câu trả lời đã có sẵn, xin để dành suy gẫm.

Hàn Cư Sĩ

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư