Bài học cuộc sống của Đức Gioan Phaolô II

(dongten.net) 04/04/2014 – Trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã để lại một di sản quý giá cho Giáo hội về mặt giáo huấn. Ngài đã viết 14 thông điệp, 14 huấn dụ tòa thánh, 11 tông hiến, 42 tông thư và 28 lá thư được công bố dưới dạng tự sắc (motu proprio), không kể hàng trăm các lá thư khác. Sau đây là một vài trích dẫn ngắn gọn và hữu ích cho đời sống của mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.

Đức Tin là một đòi hỏi

Làm sao chúng ta có thể tuyên xưng niềm tin vào lời Chúa, mà chúng ta lại không để lời ấy gợi hứng và hướng dẫn suy nghĩ chúng ta, hoạt động, quyết định cũng như trách nhiệm của chúng ta hướng đến người khác? Đức tin là một sự đòi hỏi vì đức tin dẫn chúng ta vượt qua chính bản thân mình. Đức tin cho chúng ta biết mục đích của đời sống chúng ta và khích lệ chúng ta hành động.

Trung tâm của đời sống

Cầu nguyện không phải là một mối bận tâm giữa biết bao nhiêu mối bận tâm khác, cầu nguyện phải là trung tâm của đời sống chúng ta trong Đức Ki-tô. Cầu nguyện giúp chúng ta không còn bận tâm đến bản thân mình và hướng mối bận tâm đó về Thiên Chúa. Cầu nguyện giúp đổ đầy tâm trí chúng ta với chân lý và trao ban hy vọng cho trái tim.

Đời sống là một quà tặng

Đời sống là một tài năng được giao phó cho chúng ta để chúng ta có thể biến đổi nó và làm cho nó lớn lên, trở thành một quà tặng dành cho người khác. Không ai là một tảng băng trôi dạt trên đại dương của lịch sử. Mỗi người chúng ta thuộc về đại gia đình, nơi ấy, mỗi người có một vị trí và vai trò riêng.

Gương mặt đích thực của Đức Ki-tô

Đức Giê-su nói: “Thầy sai anh em đến với các gia đình, giáo xứ và các đoàn thể, tổ chức, các quốc gia, các nền văn hoá cổ xưa cũng như đương đại, để anh em công bố phẩm giá của mỗi con người, như thầy đã mặc khải cho anh, là con của Con Người”. Nếu bạn bảo vệ phẩm giá không có gì xâm phạm được của mỗi con người, bạn đang tỏ cho thế giới thấy khuôn mặt đích thực của Đức Ki-tô, Đấng là duy nhất của mỗi người nam, người nữ, trẻ em dù họ nghèo khó, yếu đuối hay bệnh tật.

Ước gì đức tin của chúng ta trở nên mạnh mẽ

Xin cho đức tin của chúng ta trở nên mạnh mẽ, ước gì đức tin ấy đừng ngập ngừng và dao động trước những điều không rõ ràng mà hệ thống triết học và trào lưu hiện đại đề nghị cho chúng ta. Ước gì đức tin của chúng ta luôn kiên vững. Ước gì đức tin ấy được đặt nền tảng trên Lời Chúa; trên sự hiểu biết sâu sắc của sứ Điệp Tin Mừng, và đặc biệt là trên đời sống, con người và công việc của Đức Ki-tô, và cũng như dựa trên chứng tá nội tâm của Chúa Thánh Thần.

Các lĩnh vực của đời sống

Trong cuộc đời của họ không thể có hai lối sống song song: một bên là “thiêng liêng” với những giá trị và những bó buộc riêng; bên kia là “trần thế ‘, nghĩa là gia đình công việc làm ăn, tương giao xã hội, dấn thân làm chính trị, sinh hoạt văn hoá. Nhánh nho được ghép vào cây nho là Chúa Kitô mang hoa trái trong tất cả các lãnh vực sinh hoạt và cuộc sống. Thật vậy, tất cả các lãnh vực của đời sống giáo dân đều quy hướng vào ý định của Thiên Chúa, Ngài muốn tất cả chúng ta phải là “môi trường lịch sử” để Đức ái của Chúa Kitô được mặc khải và thể hiện cho vinh danh Chúa Cha, và phục vụ anh em mình.

Quà tặng bình an

Hãy làm bạn với những ai không có bạn. Hãy trở thành gia đình cho những ai không có gia đình. Hãy trở thành cộng đoàn cho những ai không có cộng đoàn. Nếu chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải đến với những người nghèo khó. Ước gì những người nghèo và người giàu trong thế giới này nhận ra họ là anh chị em của nhau. Ước gì tất cả chúng ta biết chia sẻ điều chúng ta có cho nhau như là những người con cái Thiên Chúa, Đấng yêu thương mỗi người và tao ban cho mỗi người món quà bình an.

Sự sống là một quà tặng

Hãy bảo vệ cuộc sống của những người già và người tàn tật, hãy chống lại những nỗ lực đẩy mạnh việc tự tử và trợ tử. Hãy bảo vệ hôn nhân và đời sống gia đình. Hãy bảo vệ sự thanh sạch. Hãy chống lại những áp lực và cám dỗ của thế gian vốn luôn cố gắng lờ đi những chân lý nền tảng: chân lý về đời sống con người là một quà tặng từ Thiên Chúa, là Đấng Sáng tạo của chúng ta và chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về cách thức chúng ta sử dụng mọi sự, tốt cũng như xấu.

Chuyển ngữ: Minh Triệu, SJ

 


Mục Lục Thoáng Suy Tư