NĂM THÁNH 2010  BÁC ÁI VÀ YÊU THƯƠNG (bài 6)

 

Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Jn 13:34-35)

Vào một ngày, khi thầy khổ tu kia bắt đầu cầu nguyện, thầy thấy một bà mẹ nghèo tàn tật cõng trên lưng một đứa con thiếu dinh dưỡng, gầy gò ốm yếu, em là nạn nhân của sự ruồng bỏ và đánh đập. Nhìn thấy thế, thầy ngước mặt lên thân thưa với Chúa: Lạy Chúa chí ái, tại sao Chúa Sáng Tạo yêu thương có thể nhìn cảnh khổ đau và đáng thương như thế mà không làm chi và sao Chúa vẫn cứ lặng thinh? Và trong tận đáy sâu thẳm tâm hồn, thầy nghe tiếng Chúa trả lời: Cha đã làm một vài điều, Cha đã dựng nên con.

1.      Yêu Thương

Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Chúa. Chúa cho mỗi người chúng ta một số nén bạc khác nhau và hy vọng mỗi người tự sinh hoa kết quả. Chúng ta được sinh ra làm người, được dưỡng nuôi trong tình yêu thương của Chúa, của gia đình và đồng loại. Mỗi người đều có trách nhiệm chung được mời gọi chia sẻ và cùng nhau xây dựng cuộc sống xã hội tốt đẹp để mai sau cùng chung hưởng hạnh phúc thiên đàng.

Chúng ta cần phải nhận diện hình ảnh của Chúa nơi những người anh chị em chung quanh và mỗi người trở thành Kitô với người khác. Thánh Thần bên trong mỗi tâm hồn sẽ biến mọi sự thành sự thật và sự có thể. Trong xã hội, nơi chúng ta đang sinh sống có rất nhiều người nghèo, người kém may mắn, họ rất cần sự giúp đỡ. Nếu chúng ta biết mở mắt tâm hồn trong tình yêu, chúng ta sẽ nhận ra chính Chúa Kitô đang hiện diện nơi những người cùng khốn nhất. Xã hội hiện nay vẫn có rất nhiều người tốt chung quanh. Truyện kể rằng: Trong cuộc đại khủng khoảng kinh tế tại Nước Mỹ, các cơ quan chính phủ đã phân tán khắp các vùng đồi núi để tìm kiếm các gia đình nghèo để họ có thể giúp cho chút vốn sửa sang nhà cửa và hạt giống để gieo trồng. Cơ quan từ thiện đến gặp một bà cụ già sống trong một mái nhà không sàn và nghèo nàn. Cửa sổ bị vỡ và được che đỡ bằng những miếng giấy cứng. Bà chỉ có những thứ đồ dùng căn bản và kiếm ăn từng ngày trên mảnh đất cằn khô. Một nhân viên nói với bà: Nếu chính phủ cho bà 200 đô, bà sẽ làm gì với số tiền này? Bà trả lời ngay: Tôi sẽ giúp cho người nghèo. Có rất nhiều người tốt thật giầu có nhưng lại ít tiền bạc.

2.      Phúc Lộc Chan Hòa

Đôi khi chúng ta đòi hỏi phải có công bằng về phần mình, nhưng chúng ta quên đi việc bác ái chúng ta cần phải thực hiện. Thử suy nghĩ xem chúng ta đã góp được góp bao nhiêu cho xã hội nơi chúng ta đang sinh sống. Khi chúng ta được sinh ra hoặc chúng ta đến cư ngụ nơi đây, thì hầu như mọi cái đã có sẵn. Chúng ta chẳng có công lênh gì cả, nhưng đôi khi chúng ta đòi hỏi thật nhiều. Chúng ta biết rằng ngay cả những cái chúng ta đang dùng như quần áo mặc trên người, đồ trang sức, những phương tiện cuộc sống đều là do sự cống hiến của rất nhiều người khác và từ đời này qua đời khác. Chúng ta không thể sống sót hay phát triển được nếu chúng ta không biết nhận lãnh và cho đi.

Chia sẻ sẽ có niềm vui và cho đi thì không bao giờ cạn. Truyện kể về lòng tốt đã cảm hóa được người xấu trở về. Thánh Phanxicô Salêsiô nổi tiếng là vị thánh hiền lành và có lòng tốt. Ngài có một người giúp việc rất nghiện rượu. Một hôm anh ta trốn chủ nhà ra quán nhậu say. Anh ta về khuya gõ cửa và không ai mở cho. Anh ta nằm lăn ra trước cửa và ngủ. Nghe tiếng động, thánh Phanxicô ra mở cửa và thấy anh ta nằm đó, ngài liền nhẹ nhàng bồng anh ta lên phòng và đặt trên chính giường của ngài. Còn ngài đi ngủ chỗ khác. Giường êm, nệm ấm khiến chàng ngủ say một giấc tới sáng. Vừa thức dậy, thấy mình nằm trên giường của chủ, anh ta hoảng hốt vội chạy đi tìm thánh nhân và sấp mình xin tha thứ và hứa cải thiện. Và anh đã giữ được lời hứa.

3.      Yêu Là Cho Đi

Từng giây, từng phút trong đời sống là từng giây phút chúng ta đón nhận hồng ân của Chúa. Từ khi chúng ta hiện hữu và có hơi thở cho tới khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sống trong biển hồng ân. Truyện kể về việc bác ái: Có một người đàn ông giầu có, thắc mắc về lời giảng của Chúa Giêsu về việc bố thí. Ông cảm thấy rất buồn nản bởi lời dạy này. Ông cầu nguyện và cầu nguyện để có thể chấp nhận lời dạy của Chúa nhưng càng cầu nguyện, ông càng cảm thấy buồn hơn. Một ngày, khi ông gần thất vọng, Thiên thần hiện đến an ủi ông và hỏi: “Tại sao ông lại buồn thế? Ông trả lời: Tôi buồn vì rằng tôi cứ phải cho, phải cho mãi không ngừng. Thiên thần nói: Ô, không, không phải thế đâu! Thiên Thần tiếp: Ông chỉ phải cho, khi Chúa còn cho ông. Nếu Chúa ngừng cho ông, rồi ông sẽ không phải tiếp tục cho người khác nữa. Giờ đây, Chúa vẫn tiếp tục cho ông mà – Chúa cho ông một cách dồi dào hơn cả ông có thể cho người khác. Chúa ban cho chúng ta khả năng, thời gian và gia sản, không phải cho chính chúng ta mà chúng ta dùng các khả năng Chúa ban sinh lợi cho đồng loại.

Yêu thương không có giới hạn. Một trái tim biết rộng mở yêu thương là một trái tim vĩ đại. Vĩ đại như trái tim của Đức cha Jean Cassaign và cha Đamien, tông đồ người hủi, trái tim của mẹ Têrêxa thành Calcutta và trái tim của không biết bao nhiêu linh mục , tu sĩ nam nữ và giáo dân đã chia sẻ cùng những kẻ nghèo nàn khốn khó. Hình ảnh mẹ Têrêxa, một nữ tu già nua tuổi tác, bệnh tật và yếu đuối. Làm sao mẹ có thể ôm ấp những thân xác ghẻ lở hôi thối, những vết thương rỉ máu và những quần áo dơ bẩn. Bởi đâu mẹ đã tiếp nhận những thây ma lạnh ngắt, mẹ ôm ẵm và mẹ chăm sóc. Người ta đâu phải là người thân hay ruột thịt của Mẹ. Mẹ đã đón nhận họ và yêu thương họ với một trái tim rộng mở và không so đo tính toán. Mẹ chỉ biết cho đi và cho đi. Thánh Matthew đã ghi lại lời Chúa Giêsu mời gọi cho đi: "Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."(Mt. 10:42).

Không phải chúng ta chỉ cho, khi chúng ta có dư hoặc cho đi cái chúng ta không dùng. Cho đi chính cái mình đang cần, đang quí và đang xài mới là đáng qúi. Mẹ Têrêxa kể câu truyện, ngày nọ có một thiếu phụ và 8 đứa con nhỏ đến gỗ cửa nhà dòng xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con không có được một hạt cơm trong bụng. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà nhận gạo, cám ơn mẹ rồi chia gạo ra làm hai phần. Ngạc nhiên về cử chỉ ấy. mẹ Têrêxa hỏi tại sao bà lại phải chia làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn. Sống tình bác ái là thế đó. Bà cho chính cái cần thiết để sống. Trong phúc âm, Chúa đã khen một bà góa cho hai đồng bạc vào thùng tiền. Bà cho chỉ có hai đồng xu nhưng đó là tất cả những cái bà có và bà cần dùng. Chúa đã khen lòng từ ái của bà.

4.      Cho Đi Là Có Thêm.

Chúng ta nhận lãnh thì nhiều nhưng cho đi thì ít. Nhìn lại mình, tất cả những cái chúng ta đang có đều là nhận lãnh. Chúng ta nhận lãnh sự sống con người từ Thiên Chúa và sự cộng tác của cha mẹ. Chúng ta nhận lãnh sự hiểu biết và khôn ngoan nơi người khác. Chúng ta lãnh nhận của ăn, thức uống, đồ dùng và mọi phương tiện của cuộc sống từ nơi những người xung quanh. Hầu như cái gì chúng ta cũng nhận.Chúng ta đã cống hiến được gì cho gia đình, xã hội và con người? Nhận lãnh cần phải trao ban. Nếu chúng ta không biết trao ban, chúng ta sẽ trở thành ao tù. Giống như khi chúng ta thở ra hít vào, khi chúng ta hít vào khí Oxy và thở ra thán khí, giúp con người sống còn. Cho và nhận trở thành quy luật của cuộc sống. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Chúng ta biết cho thì không mất, mà còn được thêm và thêm dư giả. Thánh Luca nhắc nhở cho quý hơn là nhận:"Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận"(TĐCV 20:35).

Mỗi người có những nhận thức và hành xử khác nhau trong đời sống. Người ta nói rằng: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Chúng ta không biết những người tính tình hà tiện và sống keo kiệt ở đâu ra. Người ta thường chia ra ba hạng người làm phúc bố thí theo ba lối khác nhau. Nhóm người thứ nhất được ví như cục đá. Hễ muốn được gì, thì phải lấy búa mà đập. Song chỉ được đá vụn và tia lửa nẩy ra mà thôi. Nhóm người thứ hai ví như bọt biển. Nếu muốn được phải vắt và bóp. Nhóm người thứ ba ví như mật ong, không cần đập hay bóp, tự nhiên cũng được mật ngon chảy ra từ tàng ong. Chúng ta có thể hiểu được rằng: Nhóm thứ nhất là những kẻ cứng lòng và hà tiện, nếu không ép thì không chịu cho chút gì. Nhóm thứ hai là kẻ có lòng tốt, hễ ai quyên góp thì cho, càng quyên càng cho. Nhóm thứ ba là người vui lòng mà cho một cách ngọt ngào, chứ không đợi ai phải hỏi. Vậy chúng ta muốn gia nhập vào nhóm nào?

5.      Cho Qúy Hơn Nhận

Cho đi thì quý hơn nhận nhưng hàng ngày chúng ta nhận quá nhiều mà cho đi chẳng bao nhiêu. Từ khi mở mắt thức dậy chào đón một ngày mới là chúng ta bắt đầu nhận ơn. Không biết bao nhiêu thứ chúng ta nhận trong một ngày, chúng ta không thể kể hết. Chúng ta đóng góp được bao nhiêu cho xã hội và con người. Thật là quá ít ỏi. Câu truyện của một thi sĩ nằm mơ thấy ông thợ giầy đến nói với chàng: Từ nay xin ông tự đóng giầy lấy mà đi. Rồi người bán bánh đến nói: Tôi nghĩ, ông hãy tự làm bánh lấy mà ăn. Bác hàng thịt cũng thế nói rằng: Ông hãy nuôi heo mà giết thịt. Cô giúp việc thưa rằng: Từ nay ông tự dọn bữa, quét nhà, giặt quần áo, em xin nghỉ. Anh thi sĩ toát mồ hôi hột thầm nói: Trời ơi, mọi người nghỉ việc thì tôi sẽ chết mất. Thức giấc, à đây là giấc chiêm bao, mừng biết mấy. Từ đó, anh nhận ra mọi người đều là ân nhân của mình. Đây là bài học cho hết mọi người chúng ta. Chúng ta chịu ơn quá nhiều, nếu không có tha nhân, chúng ta sống đơn côi hay đã chết từ lâu.

Người ta vẫn nói: Lòng tham không đáy. Chúng ta nói rằng chúng ta không tham, nhưng ước muốn của chúng ta cũng không có cùng. Muốn có rồi lại muốn có thêm nữa. Chúng ta chắt chiu, thu quén của cải tiền bạc càng nhiều càng tốt. Chúng ta ai cũng muốn có chút gì để phòng cơ tích trữ hay chút vốn dự tính cho ngày mai. Nó là công lao mồ hôi nước mắt làm ra chứ đâu phải nhặt không ngoài đường. Cái gì của mình cũng qúy, nhất là tiền bạc. Đồng tiền nối liền khúc ruột mà. Đâu ai nỡ cắt đứt ruột mình. Nói thế thôi nhưng trên thực tế chúng ta thấy có rất nhiều tấm lòng hảo tâm và quảng đại. Họ sẵn sàng xả thân giúp đỡ và hy sinh cho đồng lọai. Có những người dám hy sinh cho đại nghĩa, lo việc chung trước và việc nhà sau. Nhìn xã hội chung quanh, chúng ta thấy sự cống hiến khả năng của biết bao nhiêu con người. Mỗi người được mời gọi góp phần của mình để xây dựng một xã hội và giáo hội tốt đẹp. Hãy cứ cho đi sẽ nhận lại gấp trăm. Chúa Giêsu đã hứa: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."(Lc 6:38)

6.      Đức Ái là Yêu Thương

Đức bác ái được thể hiện qua lời nói, cách cư xử và hành động giúp đỡ. Chúa Giêsu chú trọng đến những hành vi bác ái và cho đó chính là những hoa qủa để được lãnh phần thưởng quê trời. Người ta thường nói: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Câu truyện kể:  Nơi góc hè phố, có một bác hành khất tê bại nằm co quắp, thấy một ông ăn diện bảnh bao đi qua, ông mở miệng xin bố thí. Người đó xỏ tay vào túi nhưng tìm mãi chẳng được gì. Rồi thành kính nói với bác ta: Này bác, tôi muốn biếu bác một chút, nhưng bất ngờ tôi chẳng có đồng nào trong túi mình cả. Xin lỗi. Người hành khất nói: Cám ơn ông, ông đã cho tôi nhiều hơn mọi của bố thí. Ông đã gọi tôi bằng “Bác”, thật chưa bao giờ trong đời tôi nhận được danh xưng đó trên môi miệng của một ông lớn nào cả.

Thật là giật mình. Nhìn lại thái độ của chính mình, nhiều lần chúng ta cũng đã cư xử thiếu lễ độ và có khi vô phép với những người kém may mắn. Chúng ta tìm cách tránh xa những người ăn xin và sợ bị phiền hà. Chúng ta khinh thường họ vì họ bị mù, bị què quặt, bị câm điếc và bị ngồi lê lết trên các vỉa hè. Đã biết bao lần chúng qua chỉ lướt nhìn qua rồi giả vờ như không trông thấy họ. Có khi nào chúng ta mở lời chào họ hay gọi họ là cô, chú, bác, hay ông bà chưa? Chúng ta thường thiếu xót trong việc bác ái này. Là con cái của Chúa, Chúa mời gọi chúng ta bước thêm một bước đến với tha nhân, thánh Matthew viết: Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt. 5:47-48).

7.      Đón Nhận Anh Em

Ai là anh em của chúng ta. Chúa Giêsu đã kể cho chúng ta một câu truyện ngụ ngôn: "Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết (Lc 10:30). Các thầy tư tế, thầy Lêvi đi qua, giả lơ và tìm đường khác. Có một người ngoại nhìn thấy, động lòng thương xót: Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc (Lc 10:34). Chúa Giêsu đã lấy gương của một người ngoại giáo để dạy cho các tông đồ và cho chúng ta bài học về bác ái chính thực. Không chỉ bằng lời nói mà bằng chính việc thực hiện, dám xả thân cứu vớt anh em đồng loại. Có lẽ trái tim của chúng ta chưa mở rộng đủ để đón nhận anh chị em.

Ngày kia người ta kể câu truyện về Chúa giả làm bác hành khất đi ăn xin. Chiều đến, bác rảo qua các biệt thự, xin trú ngụ qua đêm. Kẻ thì bảo bác ra nhà sau ngủ, người thì nói bác xuống vựa lúa và kẻ khác thì cho một chỗ dưới gầm cầu thang. Nhưng xem ra bác hành khất không muốn nhận những tấm lòng tốt đó. Bác ra xóm lao động xin trọ và được lối xóm tiếp đãi tử tế. Họ cho bác ăn và cho ngủ cùng phòng. Sáng hôm sau thức dậy, bác ta biến đâu mất, nhưng chủ nhà thấy một bức thơ để lại, trong đó ghi câu: “Các con là bạn hữu của Đức Kitô”. Sau này, mấy kẻ nhà giầu nghe biết, lấy làm hổ thẹn. Thật vậy, càng có nhiều tiền của, càng có nhà cửa sang trọng càng khó đón tiếp khách nghèo hèn. Khi có của cải giầu sang, chúng ta lại muốn yên tĩnh, xây nhà lớn, tường cao, cổng kín và có chó giữ nhà. Chúng ta từ từ tránh xa những người hành khất sợ bị quấy rầy.

8.      Sống Bác Ái.

Truyện thường xảy ra tại các nhà xứ. Chúng ta phải đối xử thế nào? Một chiều nọ, khi cha quản sở đóng cửa nhà thờ, cha gặp một đứa bé đang ngủ ở hàng ghế sau cùng. Cha đánh thức cậu bé dậy và xin lỗi vì cha phải đóng cửa nhà thờ. Cậu bé liền thố lộ: Đêm nay con không có chỗ nào để trú ngụ và mong được lưu lại trong nhà thờ này. Cha trả lời là cha hy vọng cậu bé hiểu dùm, vì ngủ trong nhà thờ là không thể được. Thế là cha mời cậu tạm vào phòng tiếp tân chờ gọi điện thoại cho mấy trung tâm cư trú trong thành phố cố gắng kiếm một chỗ cho cậu bé qua đêm. Rủi thay đêm đó không có trung tâm nào còn chỗ trống cả. Vị linh mục liền xin lỗi cậu. Cậu bé biết mình phải ra đi và đã lầm lũi bước vào bóng đêm lạnh lẽo.

Về nhà xứ, ngồi vào chiếc ghế bành êm ấm, cầm Thánh Kinh lên đọc đoạn dành riêng cho ngày. Đó là bài dụ ngôn “Người Samaritanô nhân hậu”. Bỗng dưng vị linh mục nhận thấy cậu bé giống hệt như người bị thương tích trong dụ ngôn, cậu đang cần sự giúp đỡ. Cha nhận ra mình giống như các thầy tư tế và Lêvi đã bước qua một bên mà chẳng giúp được gì. Nói đến đây, tôi lại nghĩ đến chính mình. Rất nhiều lần, tôi đã gặp cảnh này trong nhà thờ sau lễ chiều Chúa Nhật. Một ông homeless hay một ông say rượu đang nằm ngủ ghế cuối nhà thờ, tôi chỉ đánh thức ông ta dậy và nói nhà thờ chuẩn bị đóng cửa, hãy đi ra. Tôi cũng chẳng hỏi han hay giúp đỡ gì cả. Tôi nghĩ, còn nhiều sự cố xảy ra như vậy trong tương lai. Tôi sẽ làm gi?

Quyết Tâm

Lạy Chúa, Mùa Chay sắp qua, chúng con đã có nhiều cơ hội suy gẫm về bản thân và về cách sống đạo. Chúng con đã bỏ qua biết bao nhiêu cơ hội để chia sẻ và giúp đỡ người khác. Chúng con dựa vào nhiều lý do để tránh khỏi phải giúp đỡ anh chị em kém may mắn hơn chúng con. Chúng con chẳng thiếu chi cả, chỉ thiếu tấm lòng bác ái và sự quảng đại. Chúa đã cho chúng con dư tràn phúc lộc, chúng con đã lãnh nhận quá nhiều. Đặc biệt trong Năm Thánh 2010 này, xin Chúa mở lòng chúng con để chúng con biết đón tiếp, chia sẻ và giúp đỡ những người anh chị em chung quanh chúng con. Chúa đã hứa Chúa chỉ chúc phúc cho những ai biết cho đi. Chúa Giêsu dạy rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9:41).

Lm. Giuse Trần Việt Hùng - Bronx, New York.

 

Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu