Ý nghĩa của chay tịnh trong Kitô giáo

Chay tịnh thực sự cũng chính là sống cho ra người tử tế.

Thực hành khổ chế nói chung và ăn chay nói riêng không phải là độc quyền của Kitô giáo, ngay từ thời xa xưa, người ta đã tìm thấy sự khổ chế và chay tịnh trong tất cả mọi tôn giáo và mọi môn phái thần bí.

Khổ chế bên ngoài Kitô giáo thường được xây dựng trên một quan niệm nhị nguyên nơi con người. Nói cách khác, thân xác cần phải được chế ngự vì nó là một thứ tù ngục giam hãm linh hồn. Một cách nào đó, những người thực hành khổ chế muốn chối bỏ thân phận thể xác của mình. Do sự siêu thoát triệt để mà khổ chế có thể mang lại, con người dần dần đạt đến tình trạng dửng dưng đối với thế tục và cuộc sống trần thế, một ý tưởng như thế thật đáng ca ngợi vì nó luôn luôn hướng con người đến những giá trị thiêng liêng cao quí trong cuộc sống. Tuy nhiên, một thứ khổ chế có tính cách miệt thị đối với thân xác như thế chỉ có nguy cơ khiến cho con người tự mãn, tự kiêu và trong nhiều trường hợp có thể rơi vào những xáo trộn tâm lý trầm trọng.

Ðối với Kitô giáo, ơn cứu rỗi không hệ tại ở những cố gắng thoát tục để đạt đến một tình trạng hoàn toàn cắt đứt thân phận thể lý của mình. Kitô giáo không chủ trương chối bỏ thân xác mà trái lại, bởi vì nền tảng của niềm tin Kitô chính là mầu nhiệm nhập thể, tức sự kiện Thiên Chúa hóa thân làm người. Sự kiện con người cần phải ăn để sống đã được Kinh Thánh xem như một thể hiện rõ ràng nhất của tính có cùng của thân phận con người. Cho dẫu con người đã phải đổ mồ hôi xót con mắt mới có mà ăn, thức ăn tự nó vẫn là một ân ban của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế Ký đã khẳng định điều đó ngay từ những trang đầu tiên, chính Thiên Chúa trao ban mọi thứ trái cây cho ông bà nguyên tổ của loài người.

Trong 40 năm lang thang sa mạc, dân Israel đã cảm nghiệm được rằng thức ăn là ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Ngài đã cho manna từ trời rơi xuống. Ngài đã cho chim cúc từ xa bay lại. Ngài đã cho nước vọt ra từ phiến đá. Giáo ước giữa Ngài và dân Israel lại được xây dựng trên một lời hứa rất cụ thể: họ sẽ được dẫn đến một vùng đất chảy sữa và mật ong.

Trong Tân Ước, khi nhân bánh và cá để nuôi sống trên 5,000 người đói lả.  Khi hóa 6 chum nước thành rượu hảo hạng. Khi cho các môn đệ bắt được mẻ cá gần rách lưới, Chúa Giêsu đã thực sự muốn nói lên sự quan tâm và lòng ưu ái của Ngài đối với sự sống thể lý của con người. Trong Kinh Thánh, những dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và loài người luôn luôn diễn tả ra trong cái cụ thể của lịch sử, trong bề dày của thân phận con người. Sự lệ thuộc của con người về của ăn thân xác đặt nó vào một sự lệ thuộc cơ bản. Ðó là sự lệ thuộc của thụ tạo đối với Ðấng tạo Hóa. Do đó, sự đói khát của ăn nuôi sống thân xác tượng trưng và khơi dậy một sự đói khát cơ bản hơn. Ðó là sự đói khát chính Thiên Chúa. Ðây là điều mà dân Israel đã cảm nghiệm được trong 40 năm lang thang trong sa mạc. Trong cơn đói khát, trái tim con người bừng tỉnh để cảm nghiệm được sự đói khát những giá trị tinh thần.

Quả thực, như lời Kinh Thánh đã nói: con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bởi mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra. Thiếu sự khao khát về Thiên Chúa, chối bỏ thân phận thụ tạo và cắt đứt mọi giây liên lạc với Ngài, con người sẽ đi vào mọi thứ thái quá và lệch lạc. Không là thái quá và lệch lạc là gì khi người ta có thể ăn uống say sưa chè chén mà vẫn có thể dửng dưng trước và bên cạnh những kẻ đói khổ. Không là thái quá và lệch lạc là gì khi người ta có thể tiêu pha phung phí để chăm sóc cho thân xác mà có thể nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của người đồng loại của mình. Con người chỉ có thể sống như thế là bởi vì nó đã chối bỏ thân phận thụ tạo của mình và cắt đứt sự lệ thuộc vào Ðấng Tạo Hóa mà thôi.

Xét cho cùng, con người chối bỏ Ðấng Tạo Hóa cho nên cũng ngoảnh mặt làm ngơ trước nổi khổ của người đồng loại của mình. Như vậy, trong ý nghĩa đích thực của nó, chay tịnh nhắc nhở cho con người về thân phận thụ tạo của nó, đồng thời thúc đẩy nó tỏ tình liên đới với người đồng loại của mình. Ðây chính là ý nghĩa mà các tiên tri trong Cựu Ước không ngừng chỉ rõ cho dân Israel. Ðiển hình là tiên tri Isaia mà Giáo Hội cho các tín hữu Kitô nghe như sau:

Họ hỏi Ta về qui tắc và ước mong đến gần Thiên Chúa. Tại sao chúng tôi ăn chay mà Chúa không thấy? Tại sao chúng tôi hãm mình mà Chúa không hay biết? Phải, trong ngày ăn chay, các ngươi lo dàn xếp công việc làm ăn, các ngươi hối thúc mọi người làm công. Phải, các ngươi ăn chay trong sự cãi vã ẩu đả, v.v... các ngươi đừng ăn chay như xưa nay là cố la lớn tiếng cho người ta nghe. Có phải đó là việc ăn chay mà Ta mong muốn? Có phải như thế là ngày hãm mình không? Gục đầu như bông sậy, mặc áo thô, nằm trên đống tro. Có phải là ngày ăn chay là ngày làm cho Chúa hài lòng không? Nào, ăn chay như Ta mong muốn không phải như thế này sao? Là hủy bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho người bị áp bức, dẹp bỏ mọi gánh nặng, hãy chia cơm bánh cho kẻ đói, tiếp rước những kẻ phiêu bạc không nhà. Nếu ngươi gặp một người trần truồng hãy cho họ áo mặc, người đừng khi bỉ người cùng xác thịt như mình. Ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, những vị chủ chăn trong Giáo Hội đã nêu bật ý nghĩa của chay tịnh như được tiên tri Isaia chỉ rõ trên đây. Ý nghĩa ấy được ngày nay Giáo Hội nhắc nhở cho các tín hữu trong các kinh Tiền Tụng của mùa chay:

“Cha muốn chúng con dùng việc hãm mình để tạ ơn Cha, nhờ đó chúng con là những người tội lỗi giảm bớt được tính kiêu căng và khi giúp nuôi dưỡng những người thiếu thốn, chúng con biết noi theo lòng nhân hậu của Cha”.

Trong một bài huấn giáo hồi tháng 3 năm 1979, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của sự chay tịnh như sau: khước từ khoái cảm, các kích thích lạc thú và ngay cả thức ăn của uống tự nó không phải là mục đích, nó phải mở đường cho những giá trị sâu xa hơn mà con người nội tâm cần phải được nuôi dưỡng. Một sự khước từ, một sự hãm xác như thế phải giúp tạo nên trong con người những điều kiện để có thể sống những giá trị cao cả mà nó hằng khao khát.

Quả thực, con người chỉ thực sự được sung mãn và trưởng thành khi nó biết khao khát những giá trị cao cả ấy. Và sự trưởng thành thực sự mà con người đạt được qua sự chay tịnh không chỉ là thắng vượt được những dục vọng và đam mê thấp hèn của bản thân mà chính là đưa con người đến gần với tha nhân hơn.

Xét cho cùng, chay tịnh thực sự cũng chính là sống cho ra người tử tế vậy.

Đ.Ô. Nguyễn Văn Tài (kinhthanhvn.org) Thứ Sáu, 14/03/2014, 19:19

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu