DÒNG SÔNG THANH TẨY (4)

 

3. Thanh tẩy điều mình nghe

“Kẻ nói tức là gieo, kẻ nghe tức là gặt” (Plutaroue). Cần phải xem người anh em đang gieo giống gì? Và ta đang gặt hoa quả gì? Người khôn ngoan thường nghe biết chứ không nghe theo, nghe người khác nhưng còn phải biết nghe chính mình. Nghe người khác hay chính mình thì còn phải có khả năng lắng nghe chân lý. Chân lý không phải là người khác, cũng không phải là mình, nhưng chân lý tiềm ẩn nơi nhau: phía sau của những ngôn từ, cách thế và hình thức đối thoại; phía dưới những quan niệm, cá tính và quan điểm dị biệt; trong tấm lòng và trên những lý lẽ.  

Câu chuyện trong Kinh Vathupama cho ta biết cách thanh tẩy những điều mình nghe.

“Có vị Bàlamôn đến ngồi cạnh Thánh Nhân và hỏi:

- Thưa Gautama kính mến, phải chăng ngài sắp xuống tắm dưới sông Bahuka?

- Hỡi vị Bàlamôn, tại sao lại là con sông Bahuka? Bahuka để làm gì vậy?

- Thưa Gautama kính mến, bởi vì tôi nghe rằng, Bahuka được nhiều người thừa nhận là linh thiêng, được nhiều người thừa nhận có tác dụng tẩy sạch. Nhiều người gột rửa những hành động xấu xa của mình ở sông Bahuka.

Thánh Nhân bèn đọc những câu kệ này cho vị bà-la-môn:

Dù ở sông Bahuka hay ở sông Adhikakka,

Dù ở sông Gaya hay ở sông Sundariaka,

Dù ở sông Payaga hay ở sông Sarassati,

Dù ở sông Banumati,

Một kẻ điên khùng có những hành động đen tối dù thường tắm ở đó, cũng không tự tẩy sạch được.

Sundariaka, Payaga hay Bahuka sẽ làm được gì?

Không sông nào tẩy sạch được một người hằn học từng phạm nhiều hành động xấu xa.

Đối với kẻ nào tinh khiết, bao giờ cũng có đền Phaggu.

Đối với kẻ nào tinh khiết, ngày nào cũng là thiêng liêng.

Đối với kẻ nào tinh khiết và hành động tinh khiết, thì bao giờ cũng có lề luật.

Hỡi vị bà-la-môn kia, người hãy tắm ở đây đi,

Tỏa rộng ý thanh bình cho mọi sinh linh,

Và nếu người không nói lời sai lạc,

Nếu người không làm hại cuộc đời,

Nếu người không lấy những gì không phải của mình,

Nếu người có lòng tin và không có lòng đố kỵ,

Thì việc gì người phải đến Gaya?

Giếng của người đã là Gaya!”

Thanh lọc điều mình nghe vẫn là chuyện khó, vì ta dễ bị choáng ngợp trước dư luận và hay xu hướng theo đám đông, cũng như dễ dựa theo những người có thế giá. Nhưng “thế giá” nhiều khi cũng chỉ là “dàn giá” bề ngoài. Phải để cho mình luôn có sự cân nhắc và phân định thực hư từ những tình tiết. Phải lắng nghe bằng cả lý trí và con tim chứ không chỉ bằng lỗ tai. Lỗ tai chỉ là đường vào, còn sự thật thế nào thì phải để đôi mắt kiểm chứng, lý trí sàng lọc, và con tim cảm nhận một cách trung thực.

Có những người nói rất hay, nhưng hãy coi chừng!“Hữu đức giả tất hữu ngôn, hữu ngôn giả bất tất hữu đức” (Người có đức ắt có tài ngôn ngữ, người có tài ngôn ngữ chưa chắc là có đức).

Trong quan hệ với mọi người, dù là người thân thích đi nữa, thì nghe không bao giờ đi liền với tin, nhập nhằng hai điều này thành một khiến ta dễ thành kẻ hồ đồ. Đành rằng, sống với nhau thì phải tin nhau, nhưng không có nghĩa là nhắm mắt để tin. Theo thói thường, đứng trước sự tình, tâm tưởng người ta dễ bị dao động và tâm lý biến chuyển rất phức tạp. Người khác nói cho ta nghe sự thật, nhưng nhiều khi sự thật đã bị biến dạng, đổi mầu, bị thổi phồng hoặc co rút lại do cảm xúc chủ quan hay thành kiến.

Hơn nữa, để hiểu sâu xa điều người khác nói, không phải chỉ hiểu ngôn từ, lý lẽ hay biện luận, mà phải hiểu được tâm ý của họ. Những kẻ có hậu ý thường rất ma mãnh trong những điều họ nói để chài mồi và lôi kéo ta về phía họ. Thánh Phaolô đã cảnh giác chúng ta như sau: “Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Kitô.” (Cl 2, 8).

Điều tai hại là có khi lời nói mưu mô hay vô tâm của người khác lại phù hợp với định kiến và mong muốn của lòng mình. Có khi người ta cũng rất thành ý nhưng đã đánh mất đi sự phận định của lý trí, vì quá tin vào những điều huyền bí. Để gột rửa những điều mình nghe, ta cần lắng đọng thâm tâm và vượt ra ngoài sự kiện, nghĩa là nghe mà không bị vọng động, không bị đẩy đưa, không bị dây dưa theo những cảm xúc nhất thời của người khác. Tâm tĩnh khí hòa phải là phẩm chất của một tâm hồn siêu thoát, luôn tỏa ngát hương thơm của sự thật, sự thiện và cái đẹp,

4. Thanh tẩy việc mình làm

Làm và sống

Làm để sống, hay sống để làm? Chắc hẳn là làm để sống, nhưng ta đang làm hay đang sống? Sống và làm không thể tách rời nhau, mà là hai trong một, nghĩa là vừa làm vừa sống. Sống là phải có cảm nếm và làm phải có cảm nhận, nghĩa là phải thưởng thức được việc mình đang làm trong từng giây phút sống. Đó là cách làm việc của người sống siêu thoát, luôn có một trải nghiệm mới.

Không cần phải đợi đến ngày mai hay tương lai để có thành công hay sự nghiệp, thì ta mới thảnh thơi “thơ túi rượu bầu”, nhưng ngay trong chính hiện tại, ta đã cảm được hương vị của hạnh phúc. Đợi ngày mai biết có hay không? Mỗi ngày là một món quà (present) trong giây phút hiện tại (present) mà Thiên Chúa ban tặng cho ta. Sao lại phải đợi đến ngày mai điều mà mình có thể làm và thưởng thức hôm nay? Tương lai nằm trong tay Chúa, chỉ có hiện tại là được trao vào tay chúng ta. Ai cũng ham muốn làm cho có thật nhiều để vun đắp tương lai, được sung túc rồi mới sống an vui, vì vậy mà đã bỏ đi bao điều tốt đẹp ngay trước mắt. R. Tagore chia sẻ cho ta cảm nghiệm này:

“Tiêu hao năm tháng

Du ngoạn khắp vùng

Thấy bao núi cao

Thấy bao biển rộng

Sao ta không thấy

Ngay trước sân nhà

Giọt sương lấp lánh

Trên cành cây ngô”.

Giọt sương trên cành ngô thì có gì là quan trọng, nhưng thấy nó một cách sinh động từ bên trong, nghĩa là cảm nhận được sự sống đang diễn ra lại là sự kiện quan trọng. Hạnh phúc chẳng đâu xa, chính trong hiện tại, ngay trong tầm với, mà ta cứ mãi mộng tưởng đến tương lai hoặc tìm về quá khứ. Thực tại với bao điều kỳ diệu vẫn đang diễn ra mà ta lại thường bỏ lỡ.

Làm việc gì ta cũng muốn làm cho mau, xong cho sớm, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Đi đâu cũng vậy, đi cho nhanh, về cho kịp. Chẳng lúc nào ta cảm thấy thảnh thơi, thanh thản, cứ phải tất bật, vội vàng để hướng đến điều mình muốn có. Cuối cùng, có mà lại không, được mà lại mất.

Ta giống như người đi trên con đường dài, cứ mong ngóng tới cuối con đường thì mới có hạnh phúc, nhưng thật ra “Không có con đường nào đi tới hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường.” (Đức Phật). Từng bước đi trên con đường không cảm thấy hạnh phúc thì cuối con đường cũng chẳng có gì khác hơn. Hơn nữa, cuối đường có thể là cuối đời, chẳng còn gì nữa để mà mong, tinh thần và thể chất cũng đã cạn kiệt. Ta không nhận ra rằng, ngay khi được đi, được làm, được nói, được nghe, được nhìn, được ngửi… được sống trong giây phút này là hạnh phúc rồi, chờ hạnh phúc nào nữa? Mỗi giây phút đều là ân ban, ta có bao nhiêu tiền bạc cũng không thể mua thêm một phút để sống. Thế sao ta cứ phải bồn chồn, đứng ngồi không yên?

Ta không hạnh phúc không phải vì không có gì để hạnh phúc, mà chỉ vì ta không cảm nhận cái gì là hạnh phúc. Tâm ta có quá nhiều vọng động, nhiều mong cầu và đòi hỏi, nên mọi sự trước mắt đều trở nên nhàm chán. Vì vậy mà ta không thấy được ý nghĩa việc mình làm, chỉ có cảm giác mà không hề cảm nếm. Làm và sống không có sự liên kết nên sự chết đã phát sinh từ trạng thái đó.

Sự sống luôn có mặt nhưng sự chết luôn len lỏi vì ta vắng mặt. Mọi cái đang hiện hữu, nhưng nếu ta không hiện diện thì tất cả là hư vô. Hiện diện là có mặt với toàn tâm toàn ý ngay trong việc mình làm. Không thể có mặt theo kiểu của triết gia Descartes: “Tôi suy nghĩ nên tôi có mặt” (I think therefore I am). Đã suy nghĩ hay suy tư thì không thể có mặt, vì ta đang hướng đến đối tượng khác, hoặc đang bị cuốn vào những tư tưởng nào rồi.

Phải thanh tẩy mọi rác rến trong đầu thì ta mới có mặt đích thực. Đang muốn thưởng thức một món ăn ngon mà ta lại đăm chiêu tưởng nghĩ về hương liệu hay cách chế biến thức ăn đó, thì còn gì là cảm giác ngon lành. Đang gặp người này mà cứ mường tượng đến người kia; đang làm việc này mà cứ nghĩ tới việc nọ, khiến ta xa rời với thực tại. Chẳng lạ gì có những cái ta nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, hoặc thấy sai hiểu lạc. Ta bị bệnh lo âu nên lúc nào cũng thấy mình có nhiều điều quan trọng để làm, và muốn làm cho xong, nhưng xong cái này lại đến cái nọ.

Ta muốn làm để có được mọi sự. Mọi sự có thể có, nhưng có bình an và cảm nhận hạnh phúc không? Ta muốn làm nên những công trình và thành quả to tát, nhưng có phải vì yêu thương và ích lợi cho tha nhân, hay chỉ để khoe mẽ bản thân mình? Bỏ cái này, dẹp cái nọ, trừ khử cái kia… có phải vì thấy có những điều tiêu cực, hay chỉ vì cảm xúc nhất thời và lợi lộc trước mắt? Nếu sự rời rạc đã hình thành từ bên trong, không thể nối kết với toàn thể bên ngoài thì cuộc sống vẫn vô hồn.

Cần đi vào toàn thể với thái độ tích cực nhất, ta mới ngộ ra ý nghĩa thâm sâu và thưởng thức cái huyền nhiệm đang diễn ra. Nên nhớ rằng, Chúa đang hiện diện trong mọi sự nên Ngài mời gọi ta hiện diện trong mọi cái. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói lên điều đó: “Hiện diện cách thanh bình với mỗi thực tại, cho dù nó nhỏ bé thế nào, đều mở ra cho chúng ta những chân trời hiểu biết và hoàn thiện bản thân. Linh đạo Kitô giáo đề nghị một sự trưởng thành mang dấu ấn tiết độ và hạnh phúc với những gì bé nhỏ.” (Laudato Sì s. 222).

Dù sao đời Kitô hữu vẫn là một cơ may lớn nhất, vì là người mang Đức Kitô trong mình. Ngài chính là hạnh phúc trong ta, khi ta sống và hành động trong Ngài. Hạnh phúc đúng là một sự phát khởi đơn thuần từ thâm tâm, nhưng đó cũng chính là ân ban của Đấng là suối nguồn hạnh phúc. Cuộc sống không phải là một tiến trình nhân quả ngẫu nhiên một cách máy móc, mà trước hết nó thuộc về Đấng làm chủ sự sống và nắm trong tay vận mạng của con người. Không thể loại trừ hay phớt lờ Thiên Chúa trong cuộc đời mà có thể nếm trải hạnh phúc đích thực.

Tuy nhiên, cách thức mà Thiên Chúa làm nên nơi mỗi người rất mầu nhiệm, bằng tình yêu sâu nhiệm của Người, điều mà ta không sao lý giải được, và Phật giáo gọi là “duyên”. Vạn sự tùy duyên - cưỡng cầu vô ích. Nói như thế không phải là buông trôi, mặc tình thế sự, nhưng hiểu được mình phải sống với Chúa như thế nào để đón nhận hạnh phúc như một ân ban trong mọi hoàn cảnh. “Có Trời mà cũng có ta”, ân sủng của Thiên Chúa vẫn luôn mở ra cho mọi nỗ lực và thiện chí của con người.

Lm. Thái Nguyên

 


Tu Đức