TÔI LÀ…

 

Sau vài ba lần chơi thả xúc xắc với nhóm bạn, đứa nhỏ bỗng giận dữ đứng dậy và tuyên bố “ Tớ chẳng chơi nữa, nghỉ!”. Nó gằn giọng, dứt khoát.  Những đứa khác đồng thanh ngạc nhiên, tròn mắt lạ lẫm trước sự kiện bất thường ấy. Là vì…vì… các cậu chơi ăn gian… Không phải bạn nó đã chơi xấu, không trung thực với nó, nhưng thực ra nó không muốn là kẻ thua bại trong cuộc chơi. Nó phải thắng. Nó phải được chúc tụng, được bầu làm thủ lãnh, được những ánh mắt khác thán phục, coi nó là thần tượng… Đơn giản, thằng bé đang muốn khẳng định chính mình.

Chẳng cứ gì chú nhóc nọ, mà nơi mỗi người chúng ta vẫn có những giai đoạn, những thời điểm sống với cái nhu cầu nằm bên trong chính mình: nhu cầu khẳng định bản thân. Trải dài trong nhịp đời luân chuyển, thỉnh thoảng, ta lại muốn tìm cho mình một chỗ đứng giữa đám đông, với một con người dưới nhiều góc độ khác nhau. Ngôn ngữ, hành vi sẽ chất chứa, mang đầy sự nhạy cảm, âm lượng và màu sắc của cái nhu cầu bình thường, nhỏ nhoi ấy.

Người ta bảo đó là nhu cầu bình thường của con người, nhưng nhiều khi, nó lại trở nên bất thường với những xung động lạ khi con người muốn nói với người khác về “cái tôi”của mình.

Nhiều lúc, ta thấy mình thật ngây ngô khi cố gắng đi tìm một vị thế cho mình giữa một đám đông, với một con người cụ thể. Tìm một chỗ đứng, tìm một ảnh hưởng… ta loay hoay vất vả để tìm những phương tiện có thể đạt mục đích. Chẳng muốn đứng phía sau mọi người, ta cố tình xô đẩy, dạt anh chị em để len lên hàng đầu, vào chỗ nhất để tìm một lời khen, sở hữu một ánh mắt, để xoá đi hình ảnh của người quanh ta bằng những hiệu ứng mà ta có thể “ xử lý ảnh” với kỹ thuật tinh vi và hiện đại.

Cái mê cung đi tìm bản thân, tìm một ảnh hưởng, tìm sự khẳng định ấy khiến ta như rơi vào cõi mê cung quái qủy, ranh mãnh… để rồi không thể tìm được lối ra, thoát khỏi những ràng buộc ích kỷ, nhỏ nhoi nhất. Bằng những lý luận vốn có, bằng những kỹ năng gạn lọc, ta có thể bài bác người anh em với những lập luận, chứng minh mang nhiều sự chủ quan nhất. Ta khôn ngoan lật úp thế cờ của người anh em mà đôi tay dường như vẫn sạch trong, không vương bẩn sự xấu xa như thiên hạ vẫn thường làm.

Còn với con người Giêsu,

Khi Ngài đưa ra câu hỏi dành cho các tông đồ “ Người ta bảo Thầy là ai?... Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”, dường như Ngài đang thách đố các tông đồ khi đặt các ông trong hoàn cảnh đương thời và ngữ nghĩa trong câu hỏi của Ngài. Nếu chẳng phải là Chúa Giêsu, có lẽ, các tông đồ sẽ phản ứng mạnh mẽ, gay gắt trước câu hỏi mang đầy “ cái tôi” ấy. Tuy nhiên, khi đối diện với con người Giêsu, các ông đã bị Ngài cuốn hút và đẩy ngược thế cờ, vì Đức Giêsu không đi tìm mình để được tán tụng, nhưng trong tình yêu của sự cứu độ, Ngài muốn đẩy các ông đến gần hơn tương quan với Ngài, để các ông hiểu được sứ mạng và con người của Ngài, nhờ đó, các ông được lớn lên trong ân sủng, có thêm được những trải nghiệm khi sống với con người Giêsu, được can đảm dấn thân, tin tưởng, ra đi trong sứ mạng Ngài sẽ trao phó.

Lạy Chúa,

Nhiều khi con dại khờ, mệt mỏi trong những cuộc chiến nội tâm khi cố đi tìm cho mình một chỗ đứng. Con bị mê hoặc bởi danh vọng, con lệ thuộc vào lời chúc tụng của những người xung quanh. Con như quân cờ bị xoay tít bởi ảo vọng, bởi những chiến thuật con bày ra nhằm đạt được mục đích nhỏ nhen, vị kỷ đến nỗi đánh mất chính mình và làm tổn hại đến những người xung quanh con.

Xin thanh tẩy trong con những dại khờ hoang tưởng,

Xin thúc đẩy trong con lối đi của sự khiêm hạ, để anh em con được lớn lên và được lớn lên mãi. Amen.

 

Têrêsa Ngọc Lễ.

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu