VÒNG XOÁY: CŨ VÀ MỚI

 

 

Nếu đã một lần nào đó, thật bất ngờ, ta chứng kiến hoạt động của một cơn lốc xoáy với những âm thanh thét gào, sức gió mạnh mẽ và tổn hại mất mát lớn lao… Khi cơn xoáy đã đi qua, trong ta chỉ còn lại một nỗi sợ và dường như ta mới có được kinh nghiệm rõ hơn về sự sợ hãi, cái phản vệ đi tìm đường sống cho mình  trước sức mạnh và sự tàn phá của cơn gió xoáy.

Trong đời sống tinh thần, khi sự đối kháng giữa hai thái cực của vấn đề đạt đến đỉnh điểm, con người cũng sẽ thấy trong mình hình thành những cơn “lốc xoáy”, bị hút và đẩy vào trong tâm điểm của vòng xoáy vô hình mãnh liệt, gắn liền với một sự mất –còn của bản thân trong hiện tượng phi vật chất này. Những lúc ấy, con người đối diện với những thách đố để tìm con đường sống cho ơn gọi của chính mình.

Mỗi ngày sống là mỗi ngày đối diện với những cái cũ và cái mới, là đối diện với sự thất bại và chiến thắng, là nhìn thấy và cảm nghiệm sự gục ngã và đứng vững trong những băn khoăn, trăn trở của dòng đời, của cái đấu tranh để hiện hữu. Một chồi sống chỉ nảy mầm, bắt đầu sự sống khi cái gieo xuống đã huỷ hoại, tan rã. Hình ảnh của sự chết sẽ gắn liền với hình ảnh của một sự sống, là khởi điểm  một nốt nhạc mới trong bản trường ca của vũ trụ.

Có nghịch lý chăng khi hiện tại và quá khứ luôn chồng chéo, lấn lướt trong tinh thần của người Kitô hữu. Sống hôm nay nhưng lại dùng thước đo cũ, quan điểm cũ để vận dụng quả là bất lợi và phi lý. Cái cũ và cái mới, hai mặt của một thực tại bao giờ cũng chất chứa một sự đấu tranh, một sự mất còn, giữa sự sống và cái chết, của một sự thay đổi liên tục để tìm đến một chân lý, một nguồn sống đích thực.

Thế giới được thay đổi cục diện, được khai sinh và ngập tràn ý nghĩa khi Đức Giêsu nhập thể và sống với con người. Bộ mặt, giá trị truyền thống của con người bị phá vỡ khi Ngài đem đến cho nhân loại một khuôn mặt mới về Thiên Chúa, giải phóng con người ra khỏi tình trạng nô lệ của luật pháp, của thiên kiến, của những giá trị….. “ Anh em đã nghe Luật dạy rằng… còn Thầy, Thầy bảo thật anh em…”để cho Chân lý được thể hiện, để giúp và tặng cho con người sự tự do của con cái Thiên Chúa. Ngài chấp nhận một sự chống đối, một sự hiểu lầm, sự hận thù và thậm chí chấp nhận cả cái chết để làm cho thế giới được hoà quyện trong rượu mới và bầu mới.

Ngày hôm qua, cái ngày của một thời trong quá khứ với biết bao nhiêu giá trị, thước đo, lối nhìn sẽ mãi không thể hoà nhập vào trong một thế giới của hiện tại, khi mà từng giây phút thế giới và tâm linh con người đang biến chuyển, đổi mới từng giây , từng phút vì “Rượu mới đổ vào bầu da mới” (Mt 9,17b).

Đổi mới không có nghĩa là đạp đổ, là chôn vùi và quên lãng, là phủ nhận tất cả những gì của ngày hôm qua, nhưng là đi vào trong một hành trình phân định, gạn lọc để làm cho cái cũ được mới, được đẹp hơn và ý nghĩa hơn. Đôi chân trần rao giảng Tin mừng ngày hôm qua cần có được một nhãn quan mới phù hợp trong một nhịp sống của thời đại hiện tại, để đi đến một sự tự do trong Tin Mừng giữa thế kỷ 21, thế kỷ của thời đại của công nghệ thông tin và của sự bộc phá trong nhiều lĩnh vực.

Sống hôm nay là hướng đến một cuộc sống mới đặt nền tảng trên Đức Kitô và Thánh Thần, đổi mới hoá những gì đã không còn chất sống, là mở to đôi mắt nhìn thẳng vào vấn đề để phân định, để tìm thấy Chân lý cho cuộc sống của mình, để “ trời mới đất mới” được hiện tại hoá, để cuộc sống người Kitô hữu không bị lập trình bởi muôn vàn những điều đã được viết, được xây dựng và nghĩ suy dưới lăng kính của thời đại hôm qua.

Đức Kitô đến là để đổi mới cục diện thế giới. Ngài không muốn nhìn thấy sự già cỗi trong cuộc sống của chúng ta. Ngài mang lửa đến để đốt cháy nhân loại, để ngọn lửa ấy hủy diệt cái cũ nhưng đồng thời tái sinh sự sống mới. Sự phục sinh rạng rỡ đầy vinh quang của Đức Giêsu đã đi qua cái chết, để con người được tái sinh, được đón lấy ánh vinh quang của một tình yêu và tự do thực của Thánh Thần, tiêu diệt thế giới chìm ngập trong ánh màu của già cỗi, cũ kỹ và sự chết.

Sẽ chẳng có ngày mới nếu con người vẫn cố sống trong những mảnh đất bảo thủ, thu mình trong quá khứ mà không bước đi vào một ngày thực của đời mình. Cái thụ động, mệt mỏi hoặc sự cố chấp không muốn thay đổi xung quanh vẫn chỉ là muốn đi lại con đường mòn, với những gì quá quen thuộc. Có thể, trong ta không sở hữu được cái gọi là thức tỉnh, là đứng dậy và chấp nhận cái mới. Cũng có thể, người ta sợ đi đến những dự phóng mới chưa bao giờ chạm đến, lạ lẫm với những giá trị mới chưa từng được trải nghiệm. Điều này dẫn đến việc bỏ lỡ những cơ hội để làm sống lại chính mình và cuộc sống xung quanh. “Anh em hãy cởi bỏ con người cũ… anh em hãy để cho Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4,22a.23).

Chỉ có khi thức tỉnh, con người mới nhìn ra, mới có được sự trải nghiệm linh thánh của Thần Khí trong cái nhìn của chính mình. Sự nhạy cảm trong thức tỉnh sẽ giúp con người có được nhãn quan trong sáng để nhìn và đánh giá vấn đề đúng như nó là. Thức tỉnh để không mê ngủ, để thấy ranh giới giữa cái cũ và cái mới, giữa những đòi hỏi của hôm qua và hôm qua, để nhận rõ giá trị của luật xưa và những đòi buộc của ngày hôm nay. Thức tỉnh để không đánh giá sự kiện, con người hôm nay bằng một lối nhìn của ngày hôm qua. Thức tỉnh để phân định cái phải làm trong nhịp luân chuyển của cái hiện tại bằng phương tiện của thời điểm nó đang sống mà không hô hoán, vênh vang bê vào một trời những thành tích vẻ vang, bằng khen của ngày xưa làm phương án hành động cho hiện tại. Thức tỉnh để dám cắt tỉa những gì đã quá lạc hậu, lỗi thời mà không càm ràm, kêu ca, tiếc xót.

Tuy nhiên, việc đi tìm lời giải và có một cung cách đúng để nhìn thấy, để khai mở, để hành động với những cái mới sẽ không đơn giản khi mà “ nếp cũ” vốn là “ thành trì vững chắc” trong chính những quan điểm của người lãnh đạo, của anh, của chị và của chính tôi … khiến mọi việc trở nên rối beng và chẳng có một kết quả mỹ mãn, chẳng thể xây dựng một cộng đoàn lý tưởng, một công tác tông đồ với những giá trị đích thực mà Chúa muốn.

Và như thế là nảy sinh đấu tranh, là mất mát, là hiểu lầm trong cuộc chiến thầm lặng nhưng mãnh liệt.

Nếu không để cơn gió của Thánh Thần đi qua cuộc đời, thế giới và con người chúng ta không tìm thấy được khái niệm của sự canh tân, để sống với những gì ta phải sống mà không ngủ vùi trong những giấc mộng của ngày xưa cũ. Cố tình ngủ quên là cố tình đào thải chính mình trong nhiệm cục hôm nay, bởi thế giới đang mong muốn và chờ đợi những khuôn mặt mới dám sống và tìm ra con đường của chính mình trong sức mạnh của BA NGÔI THIÊN CHÚA. Và người ta chỉ có thể thực sự sống khi mang trong mình ánh sáng mới, con đường mới trong Thần Khí.

 

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu