TIN VÀO ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

 

     Biến cố Đức Giêsu sống lại là một sự kiện duy nhất, một việc hoàn toàn mới trong lịch sử nhân loại và trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa : một cuộc sáng tạo mới. Chân lý này mời gọi chúng ta khám phá ý nghĩa nhiệm mầu của con người Đức Giêsu và dấu ấn thần linh cứu độ của Ngài trong mọi loài thụ tạo, và đặc biệt trong chính đời sống mình.

Đức Giêsu – Kitô vẫn là một

     Chân lý chủ yếu là trước khi chết và sau khi sống lại, Đức Giêsu vẫn là một, hoặc nói cách khác, Đức Giêsu và Đức Kitô là một (1Ga 1, 1; Cv 2, 32. 36). Cốt tủy của sứ điệp Phục sinh là tính cách liên tục giữa ba giai đoạn : sống, chết và sống lại của Đức Giêsu (Cv 1, 21-22). Chính “con người Giêsu Nazareth” hiện đang “đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7, 55), chứ không phải là một Đấng đã hoàn toàn thay đổi theo một cách khác.

Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống duy nhất và liên tục

     Sự sống lại là công trình của Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch sự sống. Thiên Chúa hằng sống làm cho sống. Sự sống lại là hành động giao lưu tình yêu giữa Cha và Con (Ga 10, 17-18; Pl 2, 8-9). Vì thế, việc Đức Giêsu phục sinh và việc biểu dương quyền năng của Chúa Cha đi đôi với nhau (x. 2Cor 13, 4; 1Cor 6, 14).

     Biến cố Tử nạn - Phục sinh không những cho thấy quyền năng vô hạn của Thiên Chúa trong cuộc sáng tạo mới, nhưng còn cho thấy sự khôn ngoan vô biên của Người trong phương cách cứu độ cũng hoàn toàn mới (x. 1Cor 1). Không ai có thể tưởng tượng được rằng Thiên Chúa đã biến điên rồ của thập giá thành khôn ngoan của Người, biến thất bại tuyệt đối ra thành công tuyệt đỉnh theo kế hoạch của Người. Chính ở điểm này mà vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện rạng rỡ nhất, và vinh quang đó cũng là sự sống con người đã đạt tới mức độ cao nhất.

     Trong Đức Kitô phục sinh, Chúa Cha đã đặc biệt mạc khải chính mình. Chỉ khi Đức Kitô phục sinh mới phản ánh hoàn hảo dung mạo Chúa Cha, vì lúc đó ta mới thấy được Thiên Chúa là Đấng rất mực trung thành và chung thủy, mọi lời hứa đều được ứng nghiệm, không bỏ xót điều gì. Trong Đức Kitô phục sinh, Chúa Cha đã nói lên tiếng VÂNG đối với mọi lời Người hứa, cũng như đối với mọi nhu cầu của con cái (x. 2Cor 1, 18-22). Tương lai sự sống không còn là ngõ cụt, nhưng rộng mở để dẫn tới hy vọng,

Đức Kitô phục sinh : sự sống mới tuyệt hảo

     Như bất cứ con người nào, Đức Giêsu cũng cần phải triển phát, tiến dần lên để đạt tới mức toàn thiện. Thư Do Thái cho biết, chỉ sau khi hiến dâng chính mình trên thập giá và sống lại, “người Con mới nên thập toàn cho đến muôn đời” (Dt 7, 28). Trở nên “thập toàn” là một quá trình kéo dài suốt cuộc đời, và chỉ hoàn tất trong cuộc khổ nạn, rồi hoàn thành trong ơn được nâng lên (x. Dt 2, 10; 5, 9). Ngài không còn có thể “trở nên” bởi đã “thực sự là”. Sau khi sống lại, Đức Kitô thực hiện chiều kích hoàn vũ, nghĩa là Ngài đang thông hiệp với toàn thể tạo vật trong tư cách là đầu (x. Cl 1, 15-20; Ep 1, 20-21).

     Nét tuyệt vời nhất của Đấng Phục sinh là thân thể mới của Ngài :  Đức Giêsu vẫn là một, mà còn sống lại với chính thể xác của Ngài, thể xác đã bị đóng đinh (x. Ga 20, 27; Kh 5, 6). Vì đã sống lại trong thể xác, nên Đức Kitô mãi mãi hiện hữu trong thể xác, nghĩa là không bao giờ cuộc nhập thể chấm dứt. Tuy nhiên, thể xác mới ấy khác hẳn với tình trạng của thể xác cũ, tựa như hoa so với hạt.

Thần Khí sự sống

     Sự sống lại là công trình đặc biệt của Thần Khí. Như Thần Khí đã làm cho Ngôi Hai trở nên con người (x. Lc 1, 35), thì trong kế hoạch cứu độ, Thần Khí cũng làm cho Đức Giêsu “trở nên” con Thiên Chúa qua việc sống lại (x. Rm 1, 4). Phúc Âm cho thấy là Thần Khí chi phối toàn bộ công cuộc của Đức Giêsu (x. Mc 1, 12; Mt 12, 18.28; Lc 10, 21), và cũng chính Thần Khí làm cho mầu nhiệm nhập thể thành tựu trọn vẹn với biến cố phục sinh.

     Đối chiếu cuộc hiện hữu tạm thời của Đức Giêsu với cuộc hiện hữu bất tử hậu phục sinh, Tân Ước gọi Ngài trong giai đoạn đầu là Đức Giêsu theo xác thể, còn trong giai đoạn sau là Đức Kitô theo Thần Khí (x. Rm 1, 3-4). Qua Đức Kitô, nhờ Thần Khí, Chúa Cha đã biến những kẻ đã chết vì tội lỗi thành người sống: “Nếu Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết ngự trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11). Như vậy, qua nhân tính của Đức Kitô phục sinh, Thần Khí đã thâm nhập vào trong vũ trụ, khai mở thời đại mới, và khởi động cuộc “thần hóa” toàn bộ tạo vật.

Giá trị của thân xác

     Nơi Đức Kitô phục sinh, thể xác đã được thần hóa. “Thể xác thần thiêng” của Đức Kitô (1Cor 15, 44) đang đổi mới thân xác của các chi thể Ngài, đặc biệt qua Thánh Thể (1Cor 6, 15-20). Chính vì thế, thánh Ignatio Antiokia gọi Thánh Thể là “thuốc trường sinh”.

     Xác thể được quí trọng không những vì niềm hy vọng sống lại, mà nhất là vì nó được liên kết với Đấng Phục sinh, như là chi thể của Nhiệm thể, trở thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x. 1Cor 3, 16.17; 6, 9...). Do đó, xâm phạm đến thể xác là phạm đến Đấng Phục sinh và Thần Khí Ngài (x. 1Cor 6, 15-19). Tự nó, xác thể vẫn hướng theo đàng xấu (x. Rm 7, 21-25), nhưng nhờ ơn của Đấng Phục sinh, xác thể không còn gây trở ngại, song đã trở thành khí cụ phục vụ vinh quang Thiên Chúa (x. Rm 6, 12-14), cả về phương diện sinh lý, bởi xác thể là mầm giống của một tương lai phục sinh : như phẩm chất của hạt giống tiên định phẩm chất của cây và trái, thì cũng thế, mức độ “Kitô hóa” của sinh hoạt thể xác sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến mức vinh quang cánh chung.

Phục sinh trong cuộc sống Kitô hữu

     Đức Kitô phục sinh không chỉ nhằm cho bản thân Ngài, nhưng còn là một Ađam mới, nghĩa là hàm chứa trong Ngài tất cả loài người, và Phục sinh là sự báo trước niềm hy vọng của tất cả mọi thành phần của chi thể Ngài. Bởi vậy thánh Phaolô mới khẳng định : “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, chúng ta là những người khốn khổ nhất trong mọi người” (1Cor 15, 19).

     Thật vậy, mọi đau khổ sẽ trở nên vô ích, nếu nó không phải là con đường đưa tới vinh quang. Cái chết sẽ là một xúc phạm lớn nếu nó không phải là điều kiện của cuộc sống hiển dung. Chính vì vậy mà niềm vui của người Kitô hữu phát sinh ngay từ thập giá khi họ coi đó như một dấu chứng của tình yêu tha thiết. Chúng ta chọn thập giá không phải như một đích điểm nhưng là một cuộc vượt qua. Đích điểm chính là phục sinh. Cái chết – cái chết từng phần mỗi ngày mà chúng ta gọi là hy sinh – chính là điều kiện để đạt tới sự sống hoàn toàn khác. Đó là sự sống của chính Thiên Chúa, mà không thụ tạo nào có thể chiếm hữu được, nhưng được ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Nếu Đức Giêsu Kitô đã sống lại thì chúng ta cũng đã được và sẽ được sống lại với Ngài (x. Cl 3, 1). Vì thế, đời sống thiêng liêng của chúng ta trước hết không chỉ là một cuộc sống luân lý, nhưng là một cuộc sống thần hóa, theo đó hy tế mà sự vâng phục đối với lương tâm bắt phải có trong cuộc chiến đấu hằng ngày để chiến thắng mọi giá trị, đưa chúng ta nhập vào cung lòng Thiên Chúa. Bởi vì “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cor 4, 17). Đó là sự hoán chuyển lạ lùng được thực hiện trong Đức Kitô phục sinh, Ngài là điểm hẹn của một sự sống mới (x. Mt 28, 10) mà ta đang hướng tới :

     - Chỉ sau khi thanh tẩy khỏi những ký ức đen tối bản thân mình, mới có khả năng đón gặp Ngài trong một vùng không gian mới của tâm hồn.

     - Điểm hẹn phát xuất ở ngoài ngôi mộ trống, nghĩa là sau khi đã vét cạn đáy lòng mình bằng tất cả tình yêu thương.

     - Ngôi một trống là dấu chỉ của một sự tạo dựng mới : chính Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự từ hư không, thì trong Đức Kitô phục sinh, chính Ngài cũng đang làm mới lại mọi sự từ một tâm hồn dâng hiến không còn gì lại cho bản thân mình.

     - Ngôi mộ trống còn là dấu hiệu của sự chuyển hóa. Đó là dấu chỉ của sự chôn vùi, của sự chết đi, không làm ta hoang mang, nhưng vui mừng hân hoan trong một niềm tin đang hướng đến sự gặp gỡ và thông hiệp trọn vẹn.

     Mầu nhiệm phục sinh nội tại trong hành động tự do của chúng ta: vì thế cái chết là đối tượng của kinh nghiệm; còn phục sinh là đối tượng của đức tin. Tuy nhiên, trong đời sống thiêng liêng, ai đã từng nếm trải qua sự chết, thì cũng đều đón nhận được sự sống; ai không từng chết, thì cũng chưa hề sống. Chỉ khi sống trong sự chết thì người ta mới biết rằng mình cần chết đi cho sự sống. Trong ý nghĩa đó, niềm vui phục sinh ngày mai đã chớm nở ngay từ cái chết hôm nay, điều mà người ta cảm nhận được từ chính tâm hồn mình, chứ không phải chỉ dựa vào niềm tin mai hậu mà thôi. Niềm tin có như một khởi đầu, và tình yêu đến như một sự chuyển vận vươn lên, trong đó chết đi và sống lại như một tiến trình liên tục để đi đến sự “thành toàn” của việc phục sinh trong Đức Kitô, Đấng thôi thúc và tác động không ngừng để làm thành sự sống mới nơi mỗi người chúng ta qua từng nhịp sống của thời gian và biến cố.

 

     Lạy Đức Kitô phục sinh, Ngài là Đường để con bước đi, là Sự Thật để con tín thác, là Sự Sống để con no thỏa, và là Điểm Hẹn để con gặp gỡ trong niềm vui muôn đời. Tin vào sự phục sinh của Chúa cũng chính là tin vào sự phục sinh của con, để con không quản ngại trên Đường thập giá, không nao núng dấn thân cho Sự Thật, không sợ chết đi cho Sự Sống, không dừng lại trước khi tới Điểm hẹn. Xin cho con cảm nhận được niềm vui đang bừng lên trong chính tâm hồn và thân xác con, đang luân chuyển trong từng biến cố, đang sinh động trong từng quan hệ, đang thấm nhiễm vào mọi ngỏ ngách của cuộc sống con người… để con mạnh dạn tiến bước đến cùng trong niềm Tin, Yêu, Hy vọng vào Sự Sống mới mà Chúa đang chờ đợi con. Amen.

Lm Thái Nguyên

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu