GIAI ĐIỆU CỦA THỨC TỈNH

 

Trong một cuộc thử nghiệm đi tìm lời giải  liệu cái đẹp có vượt qua đựơc sự tầm thường của tình huống và thời điểm thuận lợi hay không?”,  nghệ sĩ vĩ cầm đương đại lừng danh thế giới Joshua Bell đã được các tác giả thử nghiệm chọn làm nhân vật chính trong cuộc thử  nghiệm này. Trong suốt 45 phút ở trong một toa xe điện ngầm ở Washington, Bell đã biểu diễn sáu tiểu phẩm của Fritz Kreisler, Bach, Franz Schubert, Jules Massenet, Manuel Ponce trên chiếc đàn vĩ cầm do chính Antonio Stradivari chế tác năm 1713 mà Bell đã mua với giá 3,5 triệu USD. Kết quả đến một cách bất ngờ ngoài dự kiến của các tác giả thử nghiệm: trong 1070 khách bộ hành lướt qua anh, chỉ có 27 người vừa đi vừa ném tiền cho anh, trong đó có duy một người đàn ông “ văn hoá” ( là người ưa thích nhạc cổ điển) dành ra 9 phút để đứng nghe Bell biểu diễn và hào phóng ném vào hộp đàn 5 USD, và chỉ duy một người nhận ra Bell là Stacy Furukawa vì trước đó cô này đã đi nghe Bell biểu diễn với giá vé 100 USD. Tổng cộng số tiền Bell kiếm được tại đây chỉ vỏn vẹn 31,27 USD!

Sự kiện trên muốn nói gì với chúng ta? Phải chăng là con số ít ỏi của cái được vứt vào hộp đàn của nghệ sĩ vĩ cầm nọ? Có lẽ không phải thế! Bởi cái quan trọng hơn chính là thái độ của những người khách bộ hành, họ đã đi qua anh, nghe thấy tiếng đàn của Bell nhưng chẳng nhận ra người nghệ sĩ đó. Việc không nhận ra người nghệ sĩ có thể có nhiều nguyên do, nhưng xét một góc cạnh khác, dường như ta thấy có một sự mù loà nào đó của một nhóm người trong sự kiện thực này.

Khi đặt để con người vào giữa vũ trụ, Thiên Chúa đã tặng ban con người trái tim và khối óc để con người sống hoàn thiện hơn, nhạy bén hơn trong ơn gọi của mình “ Ngài thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật” (St 2, 7b). Sinh khí ấy, sinh khí của Thiên Chúa đã được con người nhận lãnh và trở nên một tạo vật sống động và hoàn thiện. Do đó, con người mang trong mình một sự linh thánh, sức sống của Thiên Chúa. Con người được hoàn thiện mỗi ngày, trong ân sủng của Thiên Chúa với nhịp sống của chính mình. Vua Salomon đã ca tụng và cầu xin cho được ơn khôn ngoan “ Quả vậy, nơi Đức Khôn Ngoan, có một thần khí tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ, minh mẫn và tinh tuyền…”(Kn 7,22a). Như thế, con người đầy ân sủng Thiên Chúa sẽ trở nên nhạy bén, có đôi mắt sáng trước những thực tế của hiện tại mình đang sống. Những người này có đôi mắt của niềm tin, của yêu thương, của cảm thông và chia sẻ. Họ dễ nhận ra dấu hiệu của thời đại, của sự kiện và những thông điệp bên trong của từng người họ tiếp xúc. Cảm thức của họ tinh tế và trong sáng trong lối nhìn hướng đến một yêu thương, một hành động mang tính cụ thể và sẵn sàng chia sẻ với mọi người trong ơn gọi là Kitô hữu.

Ngày hôm nay, đứng trước những phức tạp của đời sống, dường như con người đang đánh mất dần những cảm thức về nhiều khía cạnh trong tâm khảm lòng mình. Đôi mắt thể lý không mù loà nhưng sự lạnh băng của trái tim đã trở nên vô hiệu hoá cho một sự cảm thông, chia sẻ. Từng thế hệ, từng cá nhân bị lây lan bởi những trào lưu cá nhân chủ nghĩa, đóng băng mình trong lối sống riêng tư khiến họ không nhìn thấy những gì đang diễn ra xung quanh mình. Họ trở nên lạnh lùng, khô cứng, chai lì cảm xúc và làm ngơ trước những gì xảy đến. Có thể do nhịp sống của thời đại quá vội vã khiến người ta thiếu thời gian để quan tâm lẫn nhau, để nhìn và để thưởng thức những cái đẹp đang có đó. Vội đến rồi vội đi, chẳng để lại một dấu ấn. Thời đại của thông tin, của tiến bộ dần dần đang làm cho những cảm xúc con người khô dần và có nguy cơ bị sa đà hoá vào những sự ngắn gọn tối thiểu quá độ. Người ta có thể làm cho khối lượng người đông dần lên chỉ vì sự tò mò, hiếu kỳ hơn là để tìm một giải pháp cho một sự kiện, một sự giúp đỡ nhằm đỡ nâng người đồng loại. Đứa bé bán vé số bị tổn thương bởi trò đùa của một người lớn tuổi; người đàn ông loay hoay với hàng đống hàng lật nhào xuống đường trong khi đám đông vẫn đi qua như thể chẳng có gì đặc biệt, và … Tất cả là sự thật bởi ai đó đã quên “ nhìn”, đã quen với lối sống cá nhân mà quên đi cộng đồng con người mà họ cần phải sống với; họ đánh mất cảm thức về sự chia sẻ và đôi mắt không còn tinh tường để nhìn rõ đời và nhìn rõ chính mình nên thực tế vẫn còn đó những cảnh sống mang nhiều xót xa và phản cảm. Con người tự đánh mất chính mình trong một thế giới ích kỷ cá nhân, ngủ quên giữa một thế giới đang sôi sục khao khát sự chia sẻ, hiệp thông của con người đồng loại.

Sự mù loà tinh thần sẽ chẳng thể nhìn rõ được những cái đẹp thực của cuộc đời. Vì thế, mới có sự trớ trêu trong việc tôn thờ thần tượng một cách mù quáng của cô Dương ( Trung Quốc)… mà cho đến giờ, không biết cô có nhận ra cái tệ hại của một tinh thần không tinh anh mà chính cô đã tự mù hoá chính mình . Hoặc những cái nhìn phiến diện, mang tính chủ quan đã xoá đi cái đẹp chân chất trong mỗi người chúng ta gặp gỡ. Có thể cuộc sống mang đến nhiều nghi kỵ khiến chúng ta khó tìm thấy một dấu chấm pha trộn nhiều màu sắc và đầy ý nghĩa đang có đó. Dòng đời nhiều gian nan làm cho chúng ta khó nhận ra những hoa văn ẩn giấu trong mỗi bức tranh đời người. Có cái gì đó đau xót và mệt mỏi khi chúng ta trở thành những người vô cảm trước những điều rạng rỡ nhất của cuộc sống. Chúng ta không dễ nhận ra được cái đẹp trong mỗi người anh chị em mình bởi chúng ta đã bị ảnh hưởng những lý luận có hệ thống của một chủ nghĩa hoài nghi. Chúng ta dò xét để lên án hơn là khen ngợi và thán phục. Chúng ta tiết kiệm lời khen để rộng rãi hơn với ánh mắt chê bai, lời nói châm chọc. Chúng ta quen dần lối nhìn trên bề mặt sự kiện để đánh giá hơn là đi vào tận bên trong hiện tượng để cảm thông, để hiểu. Chúng ta không đủ kiên nhẫn để đứng ngắm nhìn cảnh mặt trời dần mọc phía chân trời hoặc lặng thầm chờ đến khi ánh hoàng hôn lịm tắt. Chúng ta vội vã quá mức đến độ không còn cảm thụ được cái đẹp của cuộc sống và của chính mình.

Cách nào đó, chúng ta đang dần đi vào chỗ chết của một tinh thần vô cảm. Cái vô cảm không chỉ dành cho thiên nhiên, nhưng còn dành cho người đồng loại của chính mình. Sống trong một thế giới mà con người luôn đề cao thặng dư của một nền kinh tế phát triển và hiện đại và thụ hưởng sẽ dễ dàng dẫn đưa con người đến một thế giới tiêu diệt dần sự hiệp thông đồng loại. So ra, ta vẫn thấy sự thông hiệp của thế giới toàn cầu hoá vẫn chậm chân hơn những cuộc bạo lực, thanh trừng lẫn nhau dưới nhiều hình thức. Không có sự hiệp thông, con người trở thành những người khiếm khuyết về tâm linh và những gì mang tính nhân văn nơi chính mình.

Kết luận cho cuộc thử nghiệm tìm lời giải đáp trong câu chuyện đề cập phần đầu bài viết, tác giả Genen Weingarten đã kết luận trên tờ  báo The Washington Post (8/4/2007) rằng “ Nếu trong đời mình chúng ta không thể dừng lại trong khoảng khắc để lắng nghe một trong những nghệ sĩ lừng danh nhất trên Trái đất chơi những giai điệu hay nhất từng được viết, nếu cuộc sống hiện đại quá chế ngự ta khiến ta trở nên mù điếc trước những thứ như thế, thì ta còn bỏ qua những thứ gì nữa trong đời?”

Thiên Chúa không muốn chúng ta sống trong thế giới của mù loà tinh thần, câm điếc của yêu thương, Ngài muốn chúng ta sống với một tinh thần rạng ngời ánh sáng của chân lý “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng” (Mt 6,22). Một cái nhìn minh anh, thông suốt và nhận chân được sự thật, biết rõ những nhu cầu của anh chị em, thấy được dung mạo thật của người xung quanh mình chỉ phát xuất từ một trái tim thương yêu “ Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với Phêrô “ Chúa đó!” (Ga 21,7a). Đôi mắt và trái tim được trải nghiệm qua cuộc biến đổi sâu xa, được tái sinh để có một sự nhạy bén và sống với những gì Thiên Chúa muốn trong nhiệm cục cứu rỗi của Ngài “ Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).

Đức Kitô đến trần gian là để giải phóng con người khỏi tình trạng của sự nô lệ mù loà. Sự Phục sinh của Ngài chính là để đưa con người được hồi sinh, sống trong ân sủng của Thần khí biến đổi. Giá trả quá đắt của một vị Thiên Chúa làm người chính là để con người sống trong hiệp thông lẫn nhau, được trở nên con cái của Thiên Chúa với những ân ban như thưở đầu tạo dựng. Và vì Thiên Chúa mời gọi và không ngừng kêu gọi chúng ta cộng tác với Ngài trong công cuộc cứu rỗi nhân loại, làm cho bộ mặt thế giới được biến đổi trong tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa, thì lẽ nào, chúng ta lại không làm cho giai điệu của thức tỉnh được du dương trong chính tâm hồn mình.

Lạy Chúa,

Xin cho con đôi mắt của Chúa,

để con nhìn rõ anh chị em con như chính Chúa đã tạo dựng nên.

Xin cho con đôi mắt của yêu thương,

để con biết nhìn mọi người và mọi việc trong chân lý và giải thoát.

Xin cho con đừng trở nên mù loà, câm điếc trước những nhu cầu, những đau khổ, những hiểu lầm anh chị em con đang gánh chịu,

để cách nào đó,

con có thể đỡ nâng nỗi đau của họ,

 cùng sẻ chia

 để cùng sống cùng một nhịp đập của con người

để con thấy được,

cái đẹp trong chính tâm hồn anh chị em con và trong chính cuộc đời quanh con  đang sống bằng cái nhìn của chính Chúa. Amen.

 

 

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ

 

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu