NHỮNG ĐIỀU TUYỆT DIỆU NƠI ĐỨC MARIA (3)

“Maria chào bà Isave” (Lc 1, 39)

 

 

Lên đường

Khi truyền tin, sứ thần cho biết người chị họ đã mang thai được sáu tháng trong lúc tuổi già, tức thì Đức Maria thu xếp “vội vã lên đường” đi thăm viếng Bà Elizabeth. Nơi Đức Mẹ đến có lẽ là thành Ain-Karim, cách Jerusalem khoảng 6 km về phí Tây. Tuy nhiên con đường vòng vo, hoang vu, cách trở núi đồi, nhiều nguy hiểm, đi bộ phải mất ba hay bốn ngày. Một thiếu nữ đi một mình như vậy quả là liều lĩnh. Nhưng Mẹ không nề hà, chẳng nghĩ gì đến bản thân mình, chỉ nghĩ đến người chị họ đang cần giúp đỡ. Lòng nhân ái khiến Mẹ quên cả niềm vui riêng, để hướng đến niềm vui của người khác, nên Mẹ dám băng mình qua mọi gian khó, lao nhọc và hiểm trở để ra đi phục vụ.

Cuộc hành trình diễn ra vào mùa xuân, lúc mà vùng Đất Thánh trỗ hoa muôn sắc, lan tỏa hương thơm, và chim chóc tụ về líu lo vang trời. Tất cả thiên nhiên bừng dậy như để đón chào Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa. Mẹ vui mừng và hạnh phúc đi trong ánh quang của mùa xuân cứu độ. Mẹ chìm ngập trong tình yêu Thiên Chúa trên từng bước đi, vì chứng nghiệm những kỳ công Chúa đã làm. Việc lên đường của Đức Mẹ cho ta xác tín rằng: Cuộc thăm viếng nào cũng làm cho ta hiểu hơn về chính mình, ý thức sâu hơn về những ơn mình đã lãnh nhận, thấy rõ hơn về quyền năng và lòng thương xót Chúa, phát triển hơn về đời sống đức tin và lòng yêu mến.

Đức Maria đã lưu lại nhà chị họ chừng ba tháng cho tới khi Gioan Tẩy giả chào đời. Tự nhận là “tôi tớ Chúa”, nên Mẹ cũng muốn làm tôi tớ mọi người. Mẹ chẳng nghĩ gì đến phẩm chức cao trọng làm Mẹ Đấng Cứu Thế, mà đáng lẽ Mẹ phải cảm thấy mình rất sáng giá vì được Chúa chọn trong muôn vàn người nữ; rất xứng đáng để tự hào và hãnh diện về danh phận của mình trước mặt mọi người. Nhưng rồi Mẹ lại rất âm thầm để sống cho một Tình Yêu - Tình Yêu Phục Vụ. Chính vì vậy, Mẹ mới thật là Mẹ của Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.

Đức Mẹ tuyệt vời vì có Đức Kitô trong lòng. Có Đức Kitô trong lòng thì có tất cả, vì Ngài là tất cả. Khi tình yêu Đức Kitô đã dâng tràn, thì tự nhiên trái tim mở rộng, lý trí thông sáng, ý chí kiên cường, hành động cao vượt. Lúc đó người ta mới dám ra khỏi bản thân, dám rời bỏ vị trí của mình để đến với người khác, dám dấn thân và hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Người nào thật sự có Đức Kitô trong tâm hồn thì cũng có một sức sống linh thiêng mãnh liệt và cách thái đẹp ngời giống như Đức Mẹ vậy.

Một sự tương đồng giữa Đức Maria và Hòm bia Giao ước

       Trong cả hai trường hợp đều xảy ra những quang cảnh giống nhau:

- Hai cuộc hành trình đều tiến về Giuđêa (x. 2Sm 6,2)

- Nỗi vui mừng của dân thành Giêrusalem = niềm vui sướng của bà Elisabeth và con bà.

- Sự nhảy mừng của Đavit (x. 2Sm 6, 16 ) =  sự nhảy mừng của  Gioan trong bụng Mẹ.

- Tiếng kêu lên của dân chúng = tiếng kêu lên của Elizabeth.

- Cả hai khi tiến về Giêrusalem, thì Hòm bia được đưa vào nhà của Obededom (x. 2Sm 6, 10) = Đức Maria vào nhà ông Giacaria.

- Trong cả hai nhà, sự hiện diện của Hòm bia và sự hiện diện của Đức Maria đều là nguồn phúc lành (x. 2Sm 6, 11-12 = Lc 1, 41-42)

       Những tương đồng cụ thể như sau:

Tiếng kêu của Đavit                  Tiếng kêu của Elizabeth

(2Sm 6, 9)

Bởi đâu có thể xảy ra           =

là Hòm bia Chúa                 =

đến tại nhà tôi                     =

(Lc 1, 43)

Bởi đâu tôi được thế này

là Mẹ Chúa tôi

đến với tôi

       Sự song đối này bao hàm sự đồng hóa mẹ Chúa với Hòm bia Chúa, cụ thể rõ ràng :

(2Sm 6, 11)

Hòm bia của Giavê            =

ở lại nhà Obededom          =

ba tháng                            =

(Lc 1, 56)

Đức Maria

ở lại với Elizabeth

chừng ba tháng

       Một sự trùng hợp khác với sách Giuđitha:

(Gđt 13, 18-19)

Trong Nữ giới                   =

có bà là diễm phúc            =

và Chúa là Thiên Chúa      =

đáng chúc tụng thay          =

(Lc 1, 42)

Trong nữ giới

có bà là diễm phúc

và hoa quả lòng bà

đáng chúc tụng thay

       Qua vài nét chấm phá, thánh Luca chỉ cho chúng ta thấy Đức Maria là Hòm bia Giao ước mới, là “Mẹ Chúa”, là hình ảnh một Abraham mới. Nhưng tất cả mọi tước hiệu đó chỉ làm nổi bật mầu nhiệm của Đấng mà Mẹ cưu mang trong lòng chính là Đấng Thánh, Con Thiên Chúa.

       Đức Maria gặp bà Isave

       Cả hai phụ nữ đều mang thai lần đầu cách diệu kỳ. Cả hai đều được Thiên Chúa đoái thương tuyển chọn. Cuộc gặp gỡ thật bình thường, nhưng lại rất linh thánh, vì diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần: Thánh Thần luôn tác động trên Đức Maria, trên Đức Giêsu lớn lên từng ngày trong lòng Mẹ, trên thai nhi Gioan nhảy mừng chào đón, trên Elizabeth giúp bà nhận biết Maria thụ thai Đấng Cứu Thế. Không có Chúa Thánh Thần, mọi cuộc gặp gỡ đều trở nên phàm tục, mọi lời nói đều trở nên trống rỗng, mọi ứng xử chỉ còn là hình thức và kiểu cách bên ngoài, mọi lý lẽ và hành động trở nên tầm thường, nhạt nhẻo và vô bổ. Chính Chúa Thánh Thần mới tạo nên sức sống mới, đem lại một ý nghĩa và giá trị linh thiêng, đồng thời đem lại niềm vui chan chứa cho những ai ý thức đặt mình dưới tác động của Ngài trong mọi tương giao và gặp gỡ hằng ngày.

       Trong cuộc gặp gỡ này, Mẹ đã cất cao lời kinh ca ngợi: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1, 46). Qua lời kinh này Mẹ đã nói lên tất cả chương trình sống của mình: Mẹ không đặt mình vào trọng tâm, nhưng hoàn toàn dành chỗ cho Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ gặp gỡ trong kinh nguyện cũng như trong phục vụ tha nhân, chỉ như thế đời sống trần gian mới tốt đẹp. Đức Maria thật cao cả, không phải vì Mẹ muốn làm cho mình cao cả nhưng là Thiên Chúa. Mẹ không muốn gì khác hơn là Nữ tỳ của Chúa (x. Lc 1, 38.48), tin tưởng tuyết đối vào Lời Chúa và sống niềm tin đó bằng tất cả con người mình. Vì vậy, bà Elizabeth mới ca khen Mẹ: “Phúc cho em vì đã tin” (Lc 1, 45).

          Đức Beneđictô XVI đã nói về kinh Magnificat như sau: “Có thể xem đó là tấm ảnh linh hồn của Mẹ - được dệt bằng các sợi chỉ rút từ Thánh Kinh, từ những sợi chỉ của Lời Chúa. Điều này cho thấy rõ, Mẹ luôn ở trong Lời Chúa, ra vào thật tự nhiên. Mẹ nói và suy tư với Lời Chúa ; Lời Chúa trở thành lời của Mẹ và lời của Mẹ đến từ Lời Chúa. Điều này cho thấy, tư tưởng của Mẹ là đồng suy nghĩ với tư tưởng của Thiên Chúa ; ao ước của Mẹ cùng khao khát với ý muốn của Thiên Chúa. Vì Mẹ đã thấm nhuần Lời Chúa, nên Mẹ có thể trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập thể.

Cuối cùng, Đức Maria là một người đang yêu. Làm thế nào có thể khác đi được? Như một người tin và suy nghĩ trong đức tin với tư tưởng của Thiên Chúa, ao ước với ý muốn của Thiên Chúa, nên Mẹ chỉ có thể là một người đang yêu mà thôi.

Chúng ta nhận ra điều này qua những cử chỉ thầm lặng mà lịch sử thời thơ ấu trong Phúc Âm tường thuật cho chúng ta.

Chúng ta nhìn thấy điều đó qua sự tế nhị: Mẹ nhận ra những nhu cầu của đôi tân hôn ở Cana và đã nói lại với Đức Giêsu.

Chúng ta nhìn thấy điều đó trong sự khiêm nhường: Mẹ chấp nhận sống âm thầm trong suốt thời gian công khai của Đức Giêsu, biết rằng Con mình sẽ thiết lập một gia đình mới và giờ của người mẹ chỉ đến vào lúc đứng dưới chân thánh giá, cũng là giờ đích thực của Đức Giêsu (x. Ga 2,4 ; 13,l). Khi các môn đệ trốn chui trốn nhủi, Mẹ vẫn đứng bên thánh giá (x. Ga 19,25-27) ; sau đó, vào giờ Hiện Xuống, các môn đệ vây quanh Mẹ trong sự chờ đợi Chúa Thánh Thần” (x. Cv 1,14[1]).

Đức Maria – người Mẹ tuyệt vời của mỗi người chúng ta

       Với lòng tôn sùng đặc biệt Mẹ Maria, thánh Bênađô đã nhận định về lời trối phú của Chúa Giêsu trên thập giá : Nếu Chúa Giêsu gọi Đức Mẹ là Mẫu thân, thì Đức Mẹ chỉ là Mẹ duy nhất của Ngài. Nhưng để tỏ ra Đức Mẹ sẽ trở nên hiền mẫu của mọi kẻ Ngài cứu chuộc, nên Ngài đã tôn phong Đức Mẹ là , với ý nghĩa là Mẹ chung cả loài người, rồi Ngài phán tiếp: “Đây là con Bà”. Sau đó, Ngài nhìn về phí Gioan, không nêu tên ông, vì coi ông như đại diện cả nhân loại, để cho tất cả được làm con của Đức Mẹ, với lời phán: “Đây là Mẹ con”.

       Đó là một chúc thư tối quan trọng đối với từng người Kitô hữu. Ở bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã trối lời thứ nhất: “Đây là mình Ta; Đây là là máu Ta”. Ở đây, trên thập giá, Ngài trối lời thứ hai: “Đây là Mẹ con”.

       Vì tình yêu khôn tả, Chúa Giêsu muốn hợp nhất toàn thể nhân loại trong Ngài, bằng cách thiết lập bàng hệ mới, theo đó Mẫu Thân của Ngài trở thành Mẹ mỗi người chúng ta. Đây không phải là bàng hệ huyết nhục, nhưng bàng hệ tâm linh.

       Máu đặc hơn nước, tinh thần thì quan trọng hơn huyết nhục. Trong Đức Kitô, không còn phân biệt màu da chủng tộc, dòng máu chỉ còn là Một trong Chúa Thánh Thần. “Vì ai vâng theo ý Chúa Cha trên trời, kẻ ấy đối với Ta là anh em, chị em, thân mẫu” (Mt 12, 50). Trên thập giá, Chúa Giêsu xin Mẹ nhìn biết mình trong mọi Kitô hữu. Ngài xin Mẹ yêu thương mình trong mọi kẻ Ngài đã cứu chuộc. Như vậy, dưới chân thập giá, nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô, Đức Mẹ đã sinh ra chúng ta trong đau khổ, và mỗi người trở thành quí tử của Mẹ.

        Cũng như lời thứ ba của Chúa Giêsu, lời thứ ba của Đức Mẹ cũng liên quan tới bàng hệ mới. Dù Thánh sử không ghi rõ ràng lời Đức Mẹ chào bà Isave, nhưng lời chào của Đức Mẹ vừa thốt ra, lập tức mối dây bàng hệ được thiết lập. Chính Thánh Thần đã tác động để bà Isave không còn nói với Đức Mẹ như với người bà con của mình, nhưng như là Mẹ của nhân loại: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? (Lc 1, 43). “Thân Mẫu Chúa tôi” là thân mẫu của Đấng cứu thế, Đấng là “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29).

       Qua liên hệ mật thiết này, quả là không sai lầm khi nói rằng, ai không tôn sùng Mẹ Chúa Kitô, tức là không tôn thờ Chúa Kitô. Đức Mẹ đã nuôi dưỡng Đức Kitô trong đời sống tinh thần, thì chỉ có Đức Mẹ mới có thể nuôi lớn và làm tươi đẹp cuộc đời Kitô hữu theo ý muốn của Thiên Chúa. Chuỗi Mân Côi là phương tiện hữu hiệu nhất để phát triển mối tình huynh đệ thiêng liêng với Chúa Giêsu, và trong tình Mẫu tử với Đức Maria. 

Cần phải suy gẫm và hướng về Đức Mẹ hằng ngày để trở thành cái nôi của Chúa Giêsu. Cho dù có những khi chúng ta mệt mỏi và thất vọng, không còn hơi sức nữa thì lại càng phải cận kề bên Mẹ mình, chẳng cần nói gì, chỉ kêu lên “Mẹ ơi”, và phơi mình dưới sự phản chiếu ánh sáng của Đức Mẹ. Nếu chúng ta ở trong nguồn chiếu sáng của Đức Mẹ thì không thể nào chúng ta lại không hoàn toàn chìm ngập trong trong ánh sáng của Chúa Giêsu.

       Cuối cùng, theo cha Zundel, chúng ta tôn vinh hay tôn sùng Đức Mẹ, điều chủ yếu là trở nên giống Mẹ, không phải chỉ giống trên tính cách mà còn giống trên tính chất : nghĩa là làm Mẹ Chúa như Đức Mẹ. Thật vậy, ơn gọi của chúng ta cũng là làm Mẹ Thiên Chúa. Đây là một điều gây sự kinh hoàng, nhưng rồi chúng ta đọc thấy trong phụng vụ lễ Giáng sinh : “Một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta”.

       Thiên Chúa muốn sinh ra từ chúng ta cũng như chúng ta sinh ra từ Ngài. Điều bí ẩn sâu sắc nhất của Phúc Âm, đó là Thiên Chúa muốn sinh ra từ lòng mến của chúng ta. Người ta chỉ tin vào Thiên Chúa, tin vào Phúc Âm khi bộ mặt của Chúa Giêsu lộ rõ trong đời sống của chúng ta. Nếu không như thế, thì mọi hoạt động tông đồ đều vô ích. Mỗi lần khuôn mặt người khác được sáng lên do sự tiếp xúc với lòng bác ái của chúng ta, thì đó là nét mới của khuôn mặt Thiên Chúa được lộ ra.

       Mỗi Kitô hữu cần đặt mình trước sự chiếu giãi của mầu nhiệm linh thánh từ Đức Maria, để rồi đến lượt chúng ta trở thành Mẹ Thiên Chúa.

 

       Lạy Mẹ Maria, là Mẹ con

        Xin cho con  được lòng tha thiết yêu mến Mẹ.

       Xin cho con được mãi mãi cận kề bên Mẹ, được nép mình vào lòng Mẹ, được nghe hơi thở và nhịp đập của Trái Tim Mẹ, được Mẹ dạy bảo và dẫn dắt con đi trên đường ý Chúa.

       Xin tình yêu thương của lòng Mẹ sưởi ấm trái tim con.

       Xin bầu sửa ân sủng của Mẹ nuôi con khôn lớn.

       Xin vòng tay nhân ái của Mẹ chở che con tháng ngày.

       Xin tâm tình thánh thiện của Mẹ làm nên tấm lòng con.

       Xin thái độ dịu hiền của mẹ thấm nhuần tâm trí con.

       Xin ánh mắt trong sáng của Mẹ cho con sự tinh khiết và khôn ngoan.

       Cuối cùng, xin toàn thể cuộc sống tuyệt mỹ của Mẹ làm nên cuộc đời đẹp ngời của con để dâng hiến Chúa. Amen.


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu



[1] Đức Benedicto XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 41.