LÒNG NHIỆT THÀNH TÔNG ĐỒ

CỦA CHA SỞ ARS

 

Kính thưa quý cha,

Nói tới Cha Sở Ars – tên thật là Jean Marie Vianney (1788- 1859) – là chúng ta hình dung ngay được một vị linh mục vừa thánh thiện vừa nhiệt thành tông đồ.

Thánh nhân là một linh mục sống giữa trần gian mà không thuộc về thế gian, nhưng thuộc vè dân Chúa, luôn luôn sẵn sàng phục vụ, biết cảm thông với mọi nỗi đau khổ thể xác và tinh thần của con chiên bổn đạo ; ngoài ra còn tìm cách giúp đỡ các giáo xứ lân cận, và hình như không để ý gì đến các lời chỉ trích, lăng mạ, vu oan do những người khác và cả do ngay một trong những người cộng tác thân cận nhất. Với trách nhiệm mục vụ nặng trĩu trên vai, nhiều lần Cha Sở Ars cũng bị cám dỗ trốn khỏi nhiệm sở, nhưng ý thức bổn phận của một chủ chăn và lòng nhiệt thành đối với các linh hồn đã kéo cha trở lại vác thập giá hằng ngày trong niềm yêu mến. Thánh lễ và sự hiện diện của Thánh Thể nơi nhà Tạm là trung tâm điểm đời sống thiêng liêng của thánh nhân. Thêm vào đó là đời sống hoạt động thấm nhuần đức tin, nên nhờ đó thánh nhân đã lôi kéo được các giáo hữu trong xứ cũng như khách hành hương tới Ars trở về với Chúa Kitô”.

Lời giới thiệu của cha Ferdinand Lacretelle trong cuốn “Linh mục giữa Dân Chúa” đã nói lên tâm tư của chúng ta, đồng thời cũng nói đúng được động lực khiến chúng ta từ lâu vẫn mộ mến cha sở Ars. Và trong dịp mừng lễ vị Bổn mạng các cha quản xứsắp tới, chúng ta  cùng nhìn lại tấm gương ngời sáng của cha sở họ Ars, lắng nghe con tim yêu mến của ngài và nhìn kỹ những hoạt động hăng say của ngài, để chúng ta cũng có thể kiện cường hơn sứ mệnh mục tử của chúng ta.

Dựa vào ba tài liệu : 1/ “Linh mục giữa Dân Chúa” của cha A. Ravier sj ; 2/ “Pauvre et saint curé d’Ars” của cha Daniel Pezeril ; 3/ Thông điệp Sacerdotii nostri primordia của Chân phước giáo hoàng XXIII.

Từ những tài liệu này, xin được trình bày ba điểm :

I. Cha sở Ars nhiệt thành với Nhà Chúa như thế nào ?

II. Những khó khăn cha đã gặp.

III. Bí quyết nhiệt thành của cha.

I. Cha sở Ars nhiệt thành với Nhà Chúa như thế nào ?

1. Bối cảnh lịch sử : Để biết lòng nhiệt thành của Cha Sở Ars như thế nào, trước tiên cũng nên xét đến bối cảnh và môi trường mà Ngài đã hết lòng yêu mến và phục vụ.

a) Bối cảnh chính trị : nước Pháp vào cuối thế kỷ XVIII có cuộc Cách Mạng, tuyên truyền chống đạo. Có những linh mục theo hiến pháp cách mạng và còn đi đến chỗ phản đạo. Nhờ lòng nhiệt thành của các linh mục coi xứ, sau “hòa ước” hòa bình giữa chính phủ cách mạng và Đức giáo hoàng, tình hình sáng sủa hơn.

b) Bối cảnh xã hội : họ đạo Ars vùng Dombes còn lưu lại vết thương của cuộc cách mạng với tệ nạn nào là nhảy nhót, nào là rượu chè và nhất là nạn dốt nát.

c) Bối cảnh tôn giáo : giáo dân làm việc cả ngày chủ nhật, bỏ bê việc đạo, nhà thờ vắng bóng giáo dân, xứ đạo vắng bóng linh mục. Thật đúng như lời cha Chính địa phận Lyon nói với Cha Sở Ars khi ủy thác xứ đạo này cho cha : “xứ đạo này không kính mến Chúa mấy đâu. Nhưng cha về sẽ làm cho họ biết mến yêu”.

Trong một bối cảnh như thế, Cha Sở Ars đòi mình phải có môt lòng nhiệt thành không được an nghỉ mới có thể canh tân và thánh hóa xứ đạo.

2. Nhiệt thành tông đồ trong mục vụ thăm viếng và tiếp xúc. Được đầy Chúa Kitô, Cha Sở Ars luôn luôn muốn lôi kéo người khác về với Chúa Kitô trong những lần tiếp xúc và thăm viếng. Cha luôn chú ý tới những lo lắng của người gần gũi mình.

a) Đối với người nghèo, cha chăm sóc đặc biệt, luôn dịu dàng, kính trọng đáp ứng điều họ xin. Người nghèo là bạn của cha, dù cả khi họ nói dối. Cha nói : Chúng ta thật hạnh phúc được người nghèo đến với chúng ta ; nếu họ không đến, chúng ta phải đi kiếm họ.

b) Đối với bệnh nhân bao giờ cha cũng vui vẻ đến gặp gỡ khi họ cần đến, dù khi ấy cha đã mệt mỏi rã rời. cha hăng say đặc biệt giải thích về ý nghĩa kitô-giáo của khổ giá, về giá trị cứu rỗi của khổ đau và phần thưởng của thừ thách. Các bệnh nhân sung sướng nghe cha giảng dạy và họ muốn được chết trong tay cha.

c) Đối với các tội nhân, cha luôn sẵn sàng đón tiếp trong bất cứ lúc nào và giúp họ trở lại với Chúa.

d) Đối với các linh mục đồng nghiệp : cha luôn tôn kính, yêu thương các ngài và kêu gọi giáo dân cầu nguyện cho các ngài. Dù khi giải tội đã mệt, nhưng thấy anh em linh mục tới, cha vui vẻ mời các ngài ngồi hàn huyên và sau đó còn tiễn các ngài tới cổng.

- với cha phó : ngài luôn săn sóc vui vẻ. Có lần sau khi cha phó đi nghỉ một thời gian trở về, ngài đã cầm lấy tay vui vẻ nói : A, kìa bạn đã về, thật mừng quá ! Tôi thường nghĩ rằng những kẻ bị đày đọa sẽ phải khổ sở nhiều vì xa cách Thiên Chúa, bởi vì tôi cảm thấy đau khổ nhiều khi xa cách bạn là người tôi yêu. Lần khác chính cha phó xác nhận rằng một buổi tối sau khi cha sở cầu nguyện, cầm đèn sáng trong tay, dù trời lạnh đêm khuya, người cũng đến phòng tôi và nói : Này cha, tôi để ý thấy cha ho nhiều. Tôi không mệt, nếu cha đồng ý thì tôi sẽ dâng thánh lễ thứ nhất thay cha và tôi sẽ thay cho cha để dạy giáo lý cho trẻ em.

- với các cha khách : ngài cũng nhiệt tình săn sóc. Cha Monnin được mời tới giảng, dù bị đau chân cũng gắng tới. Cha Sở Ars ra khỏi tòa giải tội, đến dưới chân tòa giải tội và nói : Tôi đã xin với thánh nữ Philomène để cho tôi chịu bệnh thay cha. Và lần khác khi thấy trời mưa mà cha khách không có dù để che, ngài đã cấp tốc đi mua mộ chiếc để tặng.

e) Thăm viếng : cha đã dành thời giờ để thường thăm viếng các gia đình vào buổi sau trưa. Cha hỏi han về công việc làm ăn, về mùa màng đất đai, về lo âu may rủi của mỗi người… “Cha đối xử với các con chiên như người cha trong gia đình và không ngại làm hài lòng họ, cả trong những điều nhỏ nhặt”. “Cha sống đời lịch thiệp và rất chân tình. Cha không học hỏi ở đời, mà ở lòng mến Chúa yêu người”. Trước khi kết thúc câu chuyện trong các lần thăm viếng, cha luôn nói về Thiên Chúa.

g) Cầu nguyện sau khi tiếp xúc thăm viếng : nhờ tiếp xúc và thăm viếng, cha biết rõ ràng tình trạng của mỗi người, và trong những lúc cầu nguyện, cha đã cầu nguyện cho họ, nhất là khi cha nghe thấy có những gương xấu ở đâu đó hoặc danh Chúa bị xúc phạm thì cha lại thức khuya để cầu nguyện.   

3. Nhiệt thành tông đồ trong việc rao giảng Lời Chúa. Cha Sở Ars say mê rao giảng và dạy giáo lý, vì đó là bổn phận hàng đầu và sứ mạng lớn lao của linh mục.

a) Dọn giảng : vì ý thức như thế nên cha cố gắng chuẩn bị bài giảng rất cẩn thận. Cha thường dùng phòng áo để dọn giảng cho yên tĩnh. Cha nghiên cứu các tác giả, có khi xem tới 7 tác giả. Cha đánh dấu những đoạn cần phải chép lại và lắm khi phải phiên dịch tới 40 hay 50 trang sách. Học thuộc lòng trước vào thứ bảy và buổi tối sau khi bổn đạo về nhà, cha đi chung quanh nghĩa địa để lập lại những đoạn khó. Cha lại biết cầu nguyện trước khi giảng.

b) Giảng : cha giảng rất hùng hồn. Có người hỏi : Tại sao lúc cầu nguyện thì cha nói nhỏ mà khi giảng cha lại nói to thế ? Cha trả lời : Khi giảng phải nói to vì người nghe họ buồn ngủ và nặng tai, nhưng khi cầu nguyện với Chúa thì nói nhỏ vì Ngài không nặng tai.

Cha giảng rất có hồn, điệu bộ gây chú ý, khuôn mặt như muốn bay bổng lên không trung. Cha dạy với uy quyền. Giảng rất cụ thể với đời sống Dân Chúa và chỉ bảo phải làm gì hay làm như thế nào.

Đức Piô XII lấy Cha Sở Ars làm gương cho các nhà giảng thuyết ở Kinh thành muôn thưở : “Cha Sở Ars thánh thiện chắc không có tài thiên phú như Đức Giêsu hay nhà hùng biện Bossuet, nhưng ngài có những xác tín sống động, rõ ràng, sâu xa, từ trong tâm hồn rung động ra lời nói, chói sáng trong đôi mắt, khêu gợi trì tưởng tượng và gây xúc động bằng những tư tưởng, hình ảnh, so sánh một cách thích hợp đúng lúc và hấp dẫn. những nhà rao giảng như thế chắc chắn sẽ chinh phục được các thính giả”.

Vào cuối đời, khi tiếng nói có yếu đi không đủ sức để Dân Chúa lắng nghe rõ ràng, thì cha còn giảng bằng những ánh mắt sốt mến, những giọt nước mắt, những tiếng kêu lên vì yêu Chúa và những cách diễn tả đau khổ khi nghĩ tới tội lỗi. Năm ngày trước khi qua đời, cha vẫn còn giảng dạy trên giường bệnh.

Cha Sở Ars luôn nhiệt thành và kiên nhẫn sửa dạy những tật xấu dưới mọi hình thức, lúc thuận cũng như lúc nghịch. Chúng ta thử tưởng tượng lòng kiên nhẫn của ngài tới mức nào khi mà ngài phải mất 14 năm (từ khi về nhận xứ năm 1818 cho tới năm 1832) mới có thể làm cho người ta chấm dứt khiêu vũ ở sân sau nhà thờ và trong giáo xứ, và phải mất 29 năm (tới năm 1847) mới có thể làm cho con chiên của ngài không còn đi khiêu vũ nhảy nhót ở những làng lân cận. Đồng thời cha cũng phải mất 8 năm mới có thể lôi kéo một số đông con chiên trong xứ vẫn bỏ lễ ngày chủ nhật để đi làm và cũng chính họ bỏ lễ để đi khiêu vũ vào buổi chiều với những bộ quần áo thật bảnh bao.

4. Nhiệt thành với việc giải tội. Nói tới Cha Sở Ars là chúng ta thường nghĩ ngay đến việc ngài chăm chỉ giải tội. Có thể nói tội nhân đã chiếm đoạt tất cảm tâm tư, lời cầu nguyện, hãm mình và mọi hành động của ngài.

- cha thường ngồi tòa 15 giờ mỗi ngày : bắt đầu từ 1 hay 2 giờ sáng và kết thúc vào lúc đêm khuya… Người ta nối nhau để chờ xưng tội. Có thể nói là Cha Sở Ars ngồi tòa liên tục, bởi vì giáo dân xứ Ars xưng tội thường xuyên, lại có các khách hành hương từ các nơi xa kéo đến (lên tới 80.000 người hằng năm) ;

- cha giải tội cả lúc đêm về, bất cứ lúc nào cha cũng sốt sắng với việc giải tội khi có người xin vào những lúc bất thường ; trước ngày qua đời 5 hôm, người ta còn thấy các tội nhân chen chúc bên giường bệnh của cha để lãnh nhận ơn tha thứ ;

- cha còn được ơn thấu suốt tâm tư và tâm hồn của người khác và ngài biết khôn ngoan đưa dẫn họ vào việc xưng tội, cả khi họ không có ý đi xưng tội khi gặp ngài.

- Đặc biệt cha còn làm việc đền tội với tội nhân. Cha nói : tôi ra cho họ việc đền tội nhẹ nhàng và tôi làm thay cho họ việc đền tội còn lại.

5. Lòng nhiệt thành không bị giới hạn.

a) Biết kêu gọi sự cộng tác của người khác để phục vụ các linh hồn, vì cha thấy mình không thể làm hết được. Cụ thể như : chọn anh Jean Pertinand, cháu của cha Renard, làm giáo lý viên khi anh mới chỉ 17 tuổi ; mời các cha xứ lân cận như cha Raymond, Monnin … đến giảng giải ; nhận cha phó Toccanier …

b) Giúp đỡ các xứ lân cận khi được mời và khi cha xứ ấy vắng mặt : giúp đỡ việc mục vụ, thăm viếng các bệnh nhân và người nghèo.

c) Lo lắng đến việc truyền giáo :

- Trong địa phận : tình yêu Chúa thúc đẩy cha muốn giúp đỡ các linh hồn ở khắp nơi. Dấu hiệu rõ rệt nhất nói lên lòng nhiệt thành truyền giáo của cha là mối thiện cảm sống động đối với các phong trào truyền giáo của địa phận. Trong những năm đầu sống tại Ars chính cha bao lần đích thân tham gia vào các hoạt động tông đồ vì thiếu các cha phó. Nhưng sau này vì nhu cầu mục vụ trong giáo xứ không cho phép cha vắng mặt thì cha đã nở các cuộc lạc quyên để giúp đỡ các miền truyền giáo, tức là cung cấp cho Tòa Giám Mục những món tiền cần thiết để điều động công việc này. Cha lại còn bớt tiêu pha và bán nhiều đồ đạc để giúp việc truyền giáo. Cha nói : “nếu tôi có thể bán được cả thân xác tôi để giúp đỡ một nmiền truyền giáo thì tôi chẳng từ nan”.

- Nơi dân ngoại lòng nhiệt thành của cha vô bờ bến. Cha biết đến và khen ngợi công trình của chị Pauline Jarricot, rồi cha tổ chức trong giáo xứ những nhóm-mười-người để truyền bá đức tin ; cha lại dâng thánh lễ cầu nguyện cho các vị thừa sai. Nhiều khi cha muốn biến thành nhiều linh mục một trật, tức là có được đặc ân hiện diện cùng một lúc ở nhiều nơi để cứu nhiều lương dân.

II. Những khó khăn thử thách cha đã gặp trong chức vụ mục tử.

Lòng nhiệt thành của Cha Sở Ars không phải là một điều bẩm sinh, cũng không phải là dễ dàng trôi chảy, nhưng thực sự đã bị thử thách.

1. Những hiểu lầm của người khác, của con chiên bổn đạo, của anh em linh mục …

a)  Một số người đã đổ vạ cáo gian cho cha về lỗi điều răn thứ sáu “de sexto” mà người ta gọi là “gương mù xứ Ars”, vì cha can đảm sửa dạy những tật xấu trong xứ đạo dẫn đến chỗ chạm tới quyền lợi của người khác. Đối lại, cha đã không tự bào chữa, cha lại còn hãm mình nhiệm nhặt …

b) Trước việc cha bị cáo gian, một số người trong xứ tưởng ngài cũng đê tiện … nên bắt đầu chống đối. Họ còn khó chịu về sự nghiêm nghị và im lặng của cha và bắt đầu tìm cách đẩy cha đi khỏi xứ Ars.

c) Vài anh em linh mục cũng trách móc, lăng nhục ngài, lại còn cấm đoán giáo dân trong xứ gặp gỡ Cha Sở Ars.

2. Trước những khó khăn thử thách gặp phải, cộng thêm ý thức trách nhiệm mục tử nặng nề, đã có ít là 3 lần làm cha chạy trốn, nhưng rồi cha đã trở lại. Lần đầu tiên vào khoảng năm 1940 khi chưa vượt qua chỗ dựng cây thập giá miền Combes, không cách xa xứ Ars bao nhiêu, thì cha đã tự ý trở về nhà xứ. Lần thứ hai, sau cơn bệnh năm 1843 và lần thứ ba vào khoảng năm 1849, 1850.

Cha từng viết : “Nếu như tôi biết được tất cả những đau khổ một cha sở phải chịu thì tôi sẽ chết đi được vì buồn nản” hay “Ôi, làm linh mục, sợ biết bao : nào là ngồi tòa giải tội, cử hành các bí tích ! Trách nhiệm nặng nề biết mấy !”… “Bạn không biết những gì xảy ra từ nhà cha sở tới Tòa thẩm phán Thiên Chúa đâu !”.

III. Bí quyết nhiệt thành của cha.

Cha Sở Ars đã lướt thắng được những khó khăn vì sự khô khan cứng đầu của bổn đạo, vì gánh nặng của trách nhiệm mục tử và ý thức giới hạn con người, vì cám dỗ trêu chọc của ma quỷ … để lúc nào cũng hăng say nhiệt thành trong chức vụ linh mục là nhờ ở những phương thế sau đây :

- Ý thức Thiên Chúa cao cả và sứ mạng cứu rỗi các linh hồn. Một nhân chứng đã ghi lại : “Chính đức tin sống động nơi cha đã thôi thúc cha ước muốn làm linh mục để làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn”. Cha đã biểu lộ đức tin sống động đặc biệt trong việc liên lỉ cầu nguyện, yêu mến bí tích Thánh Thể.

- Ý thức sâu xa về trách nhiệm mục tử.

- Quyết tâm và kiên nhẫn cải hóa xứ đạo bằng đời sống kết hợp với Chúa và chấp nhận mọi nỗi đau khổ, hy sinh, hãm mình trong cuộc đời linh mục … vì lợi ích của đoàn chiên.

 


Kết luận

Chân phước giáo hoàng Gioan XXIII trong thông điệp Sacer-dotii nostri primordia đã lấy gương Cha Sở Ars để khuyên dụ các linh mục phải nên thánh thiện :

1/ Về mục vụ thăm viếng tiếp xúc :

- xét lại cách cư xử với Dân Chúa để có tình bác ái thực sự ;

- Chúa nhân từ luôn phù hộ sự yếu hàn của ta ;

- ý thức trách vụ của mình, đừng lười biếng vì biếng nhác là điều tai hại nhất ;

- đừng nhắm mắt hay an tâm khi thấy người khác trong tình trạng tội lỗi ;

- số phận của các linh hồn liên kết chặt chẽ với lòng nhiệt thành và gương mẫu đời sống của linh mục.

2/ Về mục vụ Lời Chúa :

- phải trung thành với bổn phận, rao giảng khắp nơi và mọi thời ;

- phải có những cách trình bày thích ứng với các hoàn cảnh ;

- bắt chước Cha Sở Ars, phải có đời sống thánh thiện để làm chứng cho Chúa một cach trung thực qua lời rao giảng.

3/ Về tòa cáo giải :

- phải chăm chỉ giải tội và giải tội thành thạo ;

- linh mục là thừa tác viên của bí tích Cáo giải, phải là người trước tiên trung thành lãnh nhận thường xuyên bí tích này và lãnh nhận với lòng sốt sắng.

Sau cùng, phải sống kết hiệp với Chúa, Đấng đã phán : “Không có Thầy, anh em không làm gì được” (Ga 15,5b)

 

 

Kinh tuyên xưng tình yêu của cha sở họ Ars, Thánh Gioan Maria Vianney

Con yêu mến Ngài, lạy Thiên Chúa của con, và ước vọng duy nhất của con là yêu mến Ngài cho đến hơi thở cuối cùng của đời con.

Con yêu mến Ngài, lạy Thiên Chúa đáng yêu vô cùng và con muốn chết đang khi yêu Ngài hơn là sống một giây phút nào mà không yêu Ngài.

Con yêu mến Ngài, lạy Thiên Chúa của con, và con không ao ước điều gì khác ngoài Nước Trời để có được niềm vui khi yêu mến Ngài cách hoàn hảo.

Con yêu mến Ngài, lạy Thiên Chúa của con, và con sợ hoả ngục, bởi vì nơi đó sẽ không có niềm an ủi dịu ngọt là yêu mến Ngài.

Lạy Thiên Chúa của con, nếu miệng lưỡi con không thể thốt lên trong mọi giây phút rằng Con yêu mến Ngài, con muốn trái tim con nói lên điều đó vào mỗi nhịp đập. Xin ban cho con ơn được chịu khổ vì yêu mến Ngài, yêu mến Ngài đang khổ đau và một ngày kia chết đi đang khi yêu mến Ngài và cảm nhận rằng Con yêu mến Ngài. Và khi con tiến gần đến cuối đời, xin Ngài gia tăng và hoàn thiện tình yêu của con đối với Ngài.

(Lời kinh trích từ huấn thị “Linh mục, mục tử và lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ” của Thánh Bộ giáo sĩ ngày 04/8/2002)

 

Lm. Phaolô Lê Đức Huân

Tổng Đại Diện GP Đàlạt

 

 

 

 


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu