ĐỐI THOẠI

“Mở rộng và làm phong phú hóa gia sản tinh thần

 bằng việc tìm hiểu và đối thoại.” (GE 11)

 

       Tinh thần đối thoại là hướng mở của tình hiệp thông. Con người của hiệp thông không dựa trên chính mình, nhưng dựa vào chân lý, đặc biệt là chân lý của sự sống và tình yêu. Không phải bất cứ sự sống hay tình yêu nào, nhưng là sự sống đang triển nở và một tình yêu đang rộng mở. Đó là con đường của Thiên Chúa đã đến với nhân loại, và là con đường mà mọi người đến với nhau.

1. Ý Nghĩa

       Ngay từ xa xưa, đối thoại đã được sử dụng để truyền đạt một sứ điệp, một chân lý. Rất nhiều kinh điển của các tôn giáo là những cuộc đối thoại giữa Thượng Đế với các vị “Thiên sai” hay các “ngôn sứ”. Chẳng hạn Ấn Độ giáo có kinh Veda, kinh Bhagavad Gita, đặc biệt là kinh Upanishads (Áo Nghĩa Thư), gồm ba chữ kép: Upa (gần); ni (xuống); shad (ngồi). Đại ý là ngồi xuống gần thầy, lắng nghe lời tâm truyền để nắm lấy mật ngôn, thông suốt áo nghĩa, tiếp cận chân lý tuyệt đối. Upanishads được viết bằng thể văn đối thoại giữa thầy trò, vua tôi, bằng hữu, cha con vợ chồng...

       Lịch sử cứu độ cho ta thấy một sự đối thoại liên tục giữa Thiên Chúa và dân Người: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1, 1).

       Kinh Coran của Hồi Giáo cũng được Muhammad đón nhận từ lời truyền của thiên sứ Gabriel, trong tư cách là Sứ giả Thánh Allah.

       Nhiều bậc thầy thời cổ đại cũng dùng đối thoại như một phương pháp chuyển đạt kiến thức cho môn sinh, như triết gia Socrate và Platon. Đối với Socrate, đối thoại là thái độ dấn thân tìm kiếm chân lý, xây dựng sự cảm thông giữa người với người. Đường hướng triết lý giáo dục của ông nhằm soi sáng, khai mở, hướng dẫn, giúp đỡ, chứ không chụp lên đầu óc môn sinh những quan niệm tiền chế, cho dù là những tri thức khách quan. Có như thế mới làm triển nở chân lý tiềm ẩn nơi mỗi người.

       Ngày nay, đối thoại đã trở thành biểu hiện tích cực của mọi con người, mọi thành phần, mọi thời đại. Từ “đối thoại” được dùng để dịch chữ “dialogos” của Hy Lạp. Tiếp đầu ngữ “dia” vừa có nghĩa tách rời và phân biệt, vừa có nghĩa liên thông. Trong khi đó, “Logos” là lời nói, diễn ngữ, lý luận, trí huệ, nhưng còn hướng đến chiều sâu của ngôn từ và ý niệm. Đối thoại là ngỏ lời, là nói với và nói cùng người khác. Điều đó không có nghĩa là nói bằng bất cứ kiểu nào, nhưng là nói trong tinh thần liên kết với tha nhân; nói để thể hiện tình bằng hữu, để cảm thông, để hiểu biết và cùng nhau xây dựng tình liên đới. Những ai có tinh thần cởi mở và cầu tiến đều ưa chuộng đối thoại, vì là phương cách để triển nở đời sống và đưa đến sự hòa hợp sâu rộng hơn giữa mọi người và giữa mọi thành phần. Hòa bình an vui chỉ có trong tinh thần đối thoại. Đối thoại như nhịp cầu nối liền giữa những nỗi niềm, khúc mắc, ưu tư, nguyện vọng... là tiếng nói của trái tim gởi đến một trái tim: “Cor ad cor loquitur”. Chính từ đó, mọi hiểu lầm, nghi kỵ, chống báng, hận thù, chia rẽ... được tẩy xóa để làm nên một tương quan mới.

2. Điều kiện đối thoại

       Trong thế giới hiện đại, điều kiện tiên quyết của một cuộc đối thoại đích thực là phải chấp nhận đa nguyên, đa diện, đa tôn giáo, đa văn hóa, đồng thời chấp nhận và tôn trọng những khác biệt cơ bản của người khác. Chính trong sự khác biệt mà ta tìm thấy căn tính và đặc thù của họ, làm cho họ là họ. Khai trừ những khác biệt của tha nhân sẽ dẫn đến thái độ độc đoán, độc tôn, độc quyền, là cách thái ngang nhiên dẫm lên nhân phẩm của người khác. “Đâu cần người khác mang hạnh phúc đến cho ta, nếu người khác từ chối nhân phẩm của ta”. (Jean Guéhenno). Vì vậy, trong đối thoại, con người cụ thể phải được quan tâm hàng đầu, vì đó là sự gặp gỡ của các nhân vị, với cá tính, trình độ, quan niệm, điều kiện xã hội và sắc thái riêng biệt.

       Muốn đối thoại, trước hết phải biết lắng nghe: lắng nghe những điều người khác muốn nói chứ không phải những điều mình muốn nghe; lắng nghe điều người ta muốn nói hơn là điều mình muốn nói cho người ta nghe. Lắng nghe không phải mong tìm những sơ hở hay khiếm khuyết của đối phương để biện bạch hay chống trả, nhưng để khám phá và tiếp nhận những điều hay lẽ phải, cả những điều không hay không phải. Cái dở của người có khi là chính cái dở của mình. Lắng nghe là cơ sở của những điều mình muốn nói. Muốn lắng nghe người khác phải có khả năng lắng nghe chân lý. Chân lý không phải là người khác, mà cũng không phải là mình, nhưng chân lý tiềm ẩn nơi nhau: phía sau của những ngôn từ, cách thế và hình thức đối thoại; phía dưới những quan niệm, cá tính và quan điểm dị biệt; trong tấm lòng và trên những lý lẽ.

       Từ việc lắng nghe, ta mới xác định đối thoại là một sự trình bày và trao đổi với nhau để tìm ra phương hướng, ý nghĩa, và giá trị của vấn đề. Tuy nhiên, ngôn ngữ có những giới hạn của nó, hiểu được nhau mới là điều quan trọng. Chính sự hiểu biết lẫn nhau dẫn chúng ta vào sự thật của ngôi vị, và hiệp thông nhân vị, đồng thời cũng là hiệp thông với Giá Trị vô biên. Trong vấn đề tôn giáo cũng vậy, việc truyền đạt nội dung chân lý cũng phải nhường bước cho việc cảm nghiệm tâm linh và thần bí, là khả năng có thể đưa dẫn con người đến chỗ kết hợp sâu xa với Thực Tại Siêu Việt. Không thể chống chọi hay thúc ép người khác đón nhận chân lý một cách miễn cưỡng dưới bất cứ hình thức nào. Khi lòng họ chưa ưng, chưa cảm nhận được thì mọi ước muốn chinh phục trở thành hão huyền. Tham vọng chinh phục người khác phải được loại trừ trong mọi cuộc đối thoại. Hơn nữa, đối thoại đòi hỏi phải vượt thắng cảm xúc, thiên kiến, lề thói, để hình thành một tương quan giao hảo, hầu có thể bình thản nêu vấn đề trong sự kiên nhẫn lắng nghe, thấu hiểu, và sáng suốt lãnh hội quan điểm của người khác.

       Cuộc đối thoại đích thực cũng đòi hỏi ta hướng về người khác bằng một tâm trí cởi mở, khoáng đạt, tránh sự dè dặt nào đó nơi bản thân mình. Chính sự dè dặt cản ngăn, không cho người khác người khác tiết lộ cái tôi đích thực của họ. Sự tín thác vào chân lý là điều trọng yếu để lướt thắng nỗi dè dặt này, và để tiến sâu vào các quan hệ giữa người với người. Sự tín thác như thế được đặt căn bản trên niềm xác tín rằng: Thiên Chúa là nguồn mạch và điểm trụ của cuộc đời ta trong mọi cuộc tương giao.

       Sự thất bại của chúng ta trong đối thoại hay giáo dục là muốn nắn đúc người khác theo quan niệm và khuôn khổ của mình. Điều tệ hại hơn nữa là dựa trên những tiêu chuẩn chủ quan để phê phán, đánh giá và xếp loại người khác theo từng cấp độ: ai càng phù hợp với khuôn của mình thì càng tốt, ai càng ít phù hợp thì càng xấu; ai càng giống mình thì càng hay, ai càng khác mình thì càng dở. Đây là kiểu giảm khinh tha nhân xuống hàng các phạm trù tâm lý, hoặc là các mô hình dự báo về ứng xử. Nhận thức chủ quan này sẽ dẫn ta từ sai lầm này đến sai lầm khác, là mầm mống của kiêu căng và thống trị độc tài, phát sinh từ nhân cách yếu kém và tâm trí non nớt. Cần nhớ rằng, trong tương giao đối thoại và gặp gỡ, giống nhau thì dễ hiểu nhau hơn, nhưng khác nhau thì mới làm cho nhau dồi dào phong phú hơn.

       Ngoài ra, trong đối thoại, chỉ dựa vào tình cảm và thiện chí của mình thôi, mà thiếu sự kính trọng và hiểu biết người khác thì quả là sai lầm. Sự lầm lẫn này cho thấy tình cảm kia là lệch lạc, và thiện chí kia không còn đúng hướng. Điều đó có thể hóa ra một thảm trạng buồn cười như câu chuyện chiếc giường Procuste trong thần thoại Hy Lạp: ai nằm vừa vặn với chiếc giường, Procuste thả cho đi, ai dài hơn, anh ta chặt bớt, ai ngắn quá, anh ta kéo ra cho bằng chiếc giường. Đó là một tai họa vẫn thường xảy ra trong lịch sử nhân loại, không những trên lãnh vực xã hội, chính trị, giáo dục, mà còn lũng đoạn ngay trong tôn giáo, cũng như trong các cộng đoàn tu trì của mọi tôn giáo.

       Đối thoại là con đường dấn thân và chấp nhận thách đố. Trên con đường này người đối thoại phải xóa bỏ định kiến, ra khỏi tháp ngà tự mãn của bản thân mình để can đảm chỉnh đốn hoặc sửa đổi chính quan điểm và lối sống của mình. Hơn nữa, những xác tín của riêng mình cũng cần phải đặt lại vấn đề, nhất là cách thức trình bày và sử dụng ngôn từ. Không thể cứng nhắc trong một hình thức nào đó, làm mất đi tính chất linh hoạt và sinh động của sự hợp nhất trong đa dạng. Sự bất đồng xảy ra nhiều khi không phải do nội dung mà ta muốn truyền đạt, nhưng do cách thái trình bày không được uyển chuyển theo quan niệm của từng giới người, trong từng vùng địa dư và sắc thái văn hóa khác nhau. Có những “phạm trù” tư tưởng và ngữ nghĩa khác nhau, nhưng rồi lại diễn đạt một chân lý như nhau.

3. Một sự đối thoại chân chính[1]

   Đối thoại đích thực luôn đòi hỏi ta tiếp nhận ý kiến của người khác, tôn trọng những nét riêng biệt của họ, mà vẫn không đánh mất căn tính của mình. Alber Camus đã nhận định như sau: “Điều tôi mong muốn nói với quí bạn hôm nay chính là thế giới đang cần cuộc đối thoại chân chính. Thái độ giả dối cũng như im lặng đều tương phản với đối thoại. Chỉ có đối thoại thực sự giữa những người chân thành với chính mình và nói sự thật.” Làm sao có đối thoại nếu ta không trung thực với chính mình, với người khác, với thực tại. Làm như vậy hóa ra những điều mình nói chỉ là giả dối để mua chuộc một lợi lộc hay một lợi thế nào đó. Không thể có thái độ buôn bán hay “chính trị” trong đối thoại. Làm như vậy, sự thật sẽ không còn là sự thật, mà biến nhau thành sự vật.

   Cho dù có nhiều khác biệt giữa hai bên, nhưng điều đó giúp cho cả hai mở rộng tầm nhìn, và phát triển căn tính của mình. Paul Ricoeur đã khẳng định: “Để có thể là mình, hãy đối thoại với người; nhưng để đối thoại với người, mình phải là mình”. Kẻ yếu thì luôn sợ những phát hiện về mình, nhưng trong đối thoại, gặp gỡ, sự thể hiện mình một cách chân thật thì lại là điểm mạnh, tạo nên sự quân bình và triển nở nhân cách. Vì vậy, Martin Buber đã xác quyết: “Tôi trở nên người thành toàn qua tương giao với Anh; khi trở thành Tôi, tôi gọi Anh. Tất cả cuộc sống đích thực bao hàm gặp gỡ”.

   Giữ vững thâm tín của mình và trân trọng quan điểm của người là thái độ lương thiện trí thức, mà người xưa vẫn thường nói: “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”. Bởi thế, không lạ gì khi “cuồng tín có thể được định nghĩa như là thiếu vắng đối thoại.” (Jean de Lacroix). Niềm tin mà thiếu sự rộng mở và triển nở trong đối thoại dễ dẫn đến sự cuồng tín. Mọi thứ cuồng tín đều tạo nên cuồng bạo, vì tâm hồn đã bị bít kín, và trí não bị phủ che. Khi ánh sáng sự thật hồn nhiên đã bị che khuất tự bên trong, thì mọi lời nói và thái độ bên ngoài chỉ còn là mơ hồ và giả dối. Từ đó ta mới hiểu rằng, ngoài thiện chí, hiểu biết, đạo đức... thì đặc biệt cần có một tấm lòng rộng mở để đón nhận linh ứng của Thánh Linh, có thể phát xuất bất cứ từ đâu, hoặc từ bất cứ người nào. Đó là ý nghĩa rất ngoạn mục từ câu nói thời danh của thánh Tôma: “Omne verum, quocumque dicatur, Spiritu Sancto est”: “Tất cả chân lý, bất cứ do ai nói, đều phát xuất từ Thánh Linh”.

Từ đó trong đối thoại, ta mới thấy được người khác có thể dạy cho mình một điều gì đó, và điều này có khi đòi ta phải thay đổi lối nhìn về một số điểm mà từ xưa đến giờ mình vẫn cho là đương nhiên. Đó là một thách đố có tác dụng thanh tẩy những quan điểm không còn phù hợp với não trạng đương thời, khi ý thức nhân phẩm của con người mỗi ngày thêm lớn mạnh, và hiệu quả hay chân lý của sự việc vẫn có những cách thái nhẹ nhàng và tươi mới hơn. Điều đó giúp ta phong phú hóa việc tiếp thu những giá trị và đào sâu những ý nghĩa của một tính cách hay thâm tín của người khác, mà trong quá khứ ta vẫn coi thường hay không màng tới, có những khi còn kết án một cách hàm hồ. Từ đó, ta cần đặt ra vấn đề bao dung trong đối thoại.

4. Bao dung trong đối thoại

       Không phải có những trường hợp chẳng đặng đừng, nên cực chẳng đã đành phải chấp nhận bao dung, vì sợ gây nên những đổ vỡ lớn hơn. Có thể khi triệt tiêu những sự dữ này dẫn đến chỗ phá hủy những điều thiện lớn hơn, hay tạo nên những sự dữ trầm trọng hơn. Nếu bao dung có nghĩa như thế, thì quả là tiêu cực, nói lên tính khiếp nhược và nhát đảm, muốn trốn tránh sự nguy hiểm. Bao dung không phải là nói Amen với tất cả những gì mà hoàn cảnh có thể cho phép nói và làm.

       Bao dung trước hết không có nghĩa là đồng lõa, thỏa hiệp, xuề xòa cho qua, hoặc khỏa lấp chân lý để chọn lựa sự hòa hoãn. Không thể có vấn đề từ bỏ những xác tín cá nhân để trở thành loại người lấp lửng, ba phải. Đừng làm con tắc kè luôn thay màu đổi sắc, với chiêu bài là để thích ứng với người khác. Bao dung đích thực đòi ta phải có lập trường và xác tín riêng, nhưng không áp đặt nó trên người khác. Trái lại, chấp nhận để người khác có những tính cách và lối nhìn riêng của họ. Theo một quan niệm tích cực, bao dung là đường lối xử thế chủ yếu để làm sao người khác được tự do trình bày những quan điểm khác biệt của họ, và nhất là để cho họ được sống theo những nguyên tắc và xác tín riêng. Với ý nghĩa như vậy, bao dung là một cách thế nêu cao tự do, giải thoát cá nhân khỏi những định kiến và thái độ giáo điều.

       Đối thoại luôn bao hàm giữa tình . Hai phương diện này không lấn át và xâm phạm lẫn nhau. Tình không được phép bao che, phủ lấp cho những điều phi lý, và lý cũng không được phép ngang nhiên võ đoán hay lợi dụng sự chân tình. Cả hai song hành và bổ sung cho nhau để hướng mình và người khác đến một tầm nhìn sâu rộng hơn trong sự hài hòa. Trong đường hướng đó, tính khách quan luôn được đề cao, để người bao dung biết làm chủ quan điểm và hạnh kiểm của mình. Trong ý nghĩa đó, bao dung là một nhân đức của những người quân bình, khá uyển chuyển để tránh nóng giận, biết phân biệt “của anh và của tôi”. Lòng bao dung ghê tởm những thứ độc đoán, kỳ thị, hình thức, cũng như mọi tật xấu của tâm hồn, là hệ lụy của việc phế bỏ lý trí. Nói cách khác, lòng bao dung là thắng lợi của lý trí đối với tinh thần phe nhóm, không lập dị, bè phái, cũng chẳng ô hợp.

       Một tinh thần bao dung như vậy mở ra thái độ tiếp nhận, vì bao dung hàm ngụ những phẩm tính căn bản của sự tiếp nhận cuộc đời và tiếp nhận tha nhân: tâm trí cởi mở, quan điểm rộng rãi, con tim sáng suốt với lòng nhân hậu, nhất là kính trọng người khác về những gì không thể giản lược mà cũng không thể phê phán được. Vì thế, hãy biết nhận ra nơi sắc thái đa dạng của mỗi người để giúp ta đi vào quan hệ với họ một cách tốt nhất. Nhưng rồi cũng phải xác định về chính mình: đường hướng và lý tưởng, khả năng và tính cách, vị thế và vai trò, đang là ai, trong môi trường nào, đang tin gì và tin vào ai? Cho dù ở mức độ nào chăng nữa, hoặc có tầm ảnh hưởng và thế giá lớn lao tới đâu, cũng không làm ta trở thành kẻ cao ngạo, hoặc bám trụ chết cứng vào những xác tín của mình. Nhưng còn phải biết để cho người khác đi vào bên trong những tường lũy của mình, để chính mình cũng được củng cố bởi sự tiếp cận của họ.

       Sự bao dung trong đối thoại đòi ta phải biết khiêm tốn, nếu không, sẽ có nguy cơ chìm đắm trong kiêu ngạo. Đó là sự kiêu ngạo của kẻ bị bao bọc bởi những điều hiển nhiên và an toàn, một thứ kiêu ngạo làm phát sinh kiểu niềm tin chiếm hữu chân lý, chôn vùi mọi thiện chí và nỗ lực vươn lên của người khác, cũng như mọi khúc mắc có thể được đặt ra. Lịch sử từ xưa tới nay cho thấy thái độ độc tôn chân lý, độc tôn niềm tin, độc tôn chủ nghĩa... đã gây ra biết bao cảnh tương tàn, “nồi da xáo thịt”. Đã biết bao con người trong nhiều thế hệ đã trở thành nạn nhân thảm khốc của chiến tranh chủ nghĩa cuồng ngạo, niềm tin cuồng tín, chân lý cuồng si, giáo thuyết cuồng dại. Thái độ độc tôn đã biến niềm tin trở thành tuyệt vọng, chân lý trở thành tuyệt mệnh, giáo thuyết trở thành tuyệt tự. Quốc gia, chế độ, chủ nghĩa hay giáo hội nào có thể rửa tay tuyên bố mình vô tội trước những thảm trạng đã từng xảy ra cho đồng loại, vì tính độc tôn vô nhân?

       Chẳng ai, và cũng chẳng có tổ chức đạo, đời nào có thể tự hào mình sở hữu và nắm bắt chân lý. Chân lý chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý của mọi chân lý. Tất cả mọi người và mọi thành phần trong nhân loại đang trên con đường tìm kiếm chân lý, đạt tới mức độ nào tùy thuộc căn cứ trên nền tảng nào, và thể hiện trong cuộc sống tới mức độ nào. Điểm trọng yếu là phải sống và cổ võ chân lý trong thái độ dịu dàng của đức ái, với niềm xác tín rằng, chân lý chỉ có thể chiến thắng bởi chính chân lý mà thôi. Không đạt tới được nhận thức này, người ta dễ đưa mình đến thái độ bất bao dung, gây nên bao nhiêu thảm hại cho đời sống con người.

5. Bất bao dung trong đối thoại dẫn đến hành động bất nhân[2]

       Khi sự bao dung không được ứng dụng triệt để trong đối thoại, người ta sẽ trở thành những kẻ bất bao dung trong hành động. Ngay như Phật giáo được coi là đạo từ bi hỷ xả cũng đã có những trường hợp cưỡng chế các tôn giáo khác, như Trần Nhân Tông đi các nơi kêu gọi phá bỏ dâm từ[3], hay như ở Nhật, chuyện Phật giáo vũ trang là một thực tại lịch sử. Cũng thế, đã có từng mấy thế kỷ, các nhà Nho và các quan lại theo Khổng giáo đã chủ trương loại trừ Phật giáo, rồi tới triều Nguyễn lại chống báng Kitô giáo mạnh mẽ hơn nữa. Đó là chưa nói đến chính sách dân tộc của Nho giáo về lệ “tru di tam tộc”, hay đường hướng trọng nam khinh nữ v.v. Còn về các tôn giáo độc thần như Do thái giáo, Kitô Giáo, Hồi giáo, thì thái độ tuyệt đối hóa và bất bao dung còn diễn ra ở một mức độ cao hơn nhiều.

   Chính vì vậy mà Giáo hội Công giáo đã từng đấm ngực ăn năn, đã công khai sám hối về những lỗi lầm trong quá khứ. Một trong những lỗi lầm đó được nêu rõ là thái độ bất bao dung và bạo động chống lại những người ly khai, chiến tranh tôn giáo, việc dùng vũ lực trong các chiến dịch của nghĩa binh thánh giá, những hình thức tra tấn, cưỡng bức... Giáo hội đã bày tỏ nỗi đau đớn sâu xa về những lần đã sử dụng bạo lực để bảo vệ chân lý, một hành động hoàn toàn đi ngược với Tin Mừng. Bất bao dung chẳng giải quyết được gì, mà còn tạo thêm hằn thù, phản loạn. Chính sách bất bao dung có thể có những thành công tạm bợ bên ngoài, nhưng là một thất bại não nề, và là một vết nhục mãi mãi trong cái nhìn của mọi người.

Từ Công đồng Vatican II, Giáo hội đã mở ra con đường đối thoại với mọi người, như phương thế hữu hiệu nhất để xây dựng một thế giới nhân ái. Chính lòng nhân ái mới nâng cao tâm hồn con người, chứ không phải tài năng chinh phục bằng những lý lẽ, hay giáo thuyết cao siêu. Các Nghị phụ đã lên tiếng như sau: “Niềm ước mong đối thoại đó chỉ do lòng yêu chân lý hướng dẫn và dĩ nhiên vẫn giữ được sự khôn ngoan thích hợp; về phần chúng tôi, niềm ước vọng này không loại trừ một ai hết: từ những người đang tôn thờ những giá trị tinh thần nhân bản cao quí mà chưa nhận biết Đấng Tạo Thành đến những ai chống đối và bách hại Giáo Hội bằng nhiều cách. Vì Thiên Chúa Cha là nguyên lý và cùng đích mọi sự, nên tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm anh em với nhau. Và vì thế, được gọi lãnh nhận thiên chức làm người và làm con Thiên Chúa, chúng ta có thể và phải cộng tác, không bạo động, không xảo trá để xây dựng một thế giới trong hòa bình đích thực.”(GS 92).

Trong tương quan đối thoại tôn giáo cũng vậy, mà cá nhân cũng thế, ta dễ bị tính cao ngạo và thành kiến khống chế, nên cách xử thế trở nên bất bao dung. Khi tìm hiểu người khác, ta dễ chụp mũ lên họ bằng những quyết đoán nông nổi, hoặc “cả vú lấp miệng em”: áp đặt tính cách và quan niệm của mình để phủ bỏ tính cách và quan niệm của họ. Trong quan hệ để giải quyết vấn đề với nhau, ta cũng dễ rơi vào thái độ “vạch lá tìm sâu” để chứng minh mình có lý, là tốt, là đúng, là hơn kẻ khác. Cứ như vậy, trong tiến trình đối thoại, người khác trở thành không, để ta trở thành . Đối thoại như thế là xúc phạm đến nhân phẩm người khác, là biến người khác thành cái phông để mình vẽ rồng vẽ rắn, hay sân khấu để mình mặc sức múa may làm hề. Đối thoại như thế trở thành độc thoại, độc tôn. Bất bao dung trong mọi trường hợp có thể đồng nghĩa với bất nhân, bất nghĩa, bất chính, là một thái độ phi nhân hóa tha nhân.

6. Hướng nhìn về Chúa nơi nhau

Đời sống thì không toàn hảo, và con người cũng không hoàn hảo. Chỉ có lòng bao dung, lòng thương xót mới cải thiện chúng ta. Khi nhân danh tôn giáo hay chân lý, ta đánh mất lòng bao dung, và khi nó bị bỏ quên thì tôn giáo bị lầm lạc, chân lý chẳng còn nghĩa lý, đức hạnh mất gốc. Càng không thể nhân danh luật lệ, nguyên tắc, quyền bính, chức vụ, để hành xử trái ngược với lòng bao dung. Tất cả mọi cái đó trở thành phi lý khi chưa nhận ra chân lý của lẽ sống làm người. Người thật sự chiêm nghiệm và tiếp cận với đời sống của Thiên Chúa là người có đầy Thần Khí Chúa, nên họ cũng sống ở mức độ cao nhất của lòng từ bi Chúa. Chiêm nghiệm là tấm gương cho ta thấy được tấm lòng cao cả của Thiên Chúa. Đó cũng là cái lọc, qua đó ta có thể nhận định được sự nghèo hèn và phẩm cách của mình. Người chiêm nghiệm không tìm sự toàn hảo ngoài Chúa. Họ biết sự nghèo hèn của họ, và cũng biết rằng, chính ở đó là nhu cầu cho họ khao khát và cảm nhận việc Chúa đến để lấp đầy tâm hồn họ.

Nếu phải xét xử hay phân định một con người, cứ xem lòng bao dung của mình và của người đó mà xét thì không thể sai lầm. Tiêu chuẩn tối hậu của ngày phán xét chung cũng là thế thôi (x. Mt 25, 31-46). Chân lý tiềm ẩn trong mỗi người, nơi mỗi tôn giáo. Không ai có quyền giới hạn chân lý hay Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện trong mỗi hữu thể, và ngược lại, mỗi hữu thể là một thành phần tham dự vào hữu thể thuần túy. Cứ tưởng mình hay đạo giáo của mình mới có chân lý, có Thiên Chúa, để từ đó mà “thay Trời hành đạo” thì quả là tai ương. Người ta chỉ có thể theo Trời chứ không thể thay Trời: “Thuận Thiên giả tồn”. Chỉ khi luôn ý thức đặt mình dưới sự hiện diện của Thiên Chúa, ta mới thấy Ngài khắp nơi, gặp Ngài mọi lúc qua mọi con người, để nhận biết rằng chẳng còn ai xa lạ, cũng không còn ai thấp kém. Lúc đó, lòng bao dung trở thành ngọn lửa đốt cháy của tình yêu, mà Chúa Giêsu đã mang đến và đã nhóm trong lòng mọi người bằng Thánh Thần của Ngài. (x. Lc 12, 49).

       Người ta có thể lý luận rằng, bao dung quá hóa ra dại khờ. Đúng thế, Đức Giêsu đã trở nên dại khờ khi quá bao dung. Kitô hữu dễ bị cám dỗ chạy theo lý lẽ và khôn ngoan của thế gian, có mấy khi bình tâm đào sâu lý lẽ và khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì vậy, Galeria cũng nói rằng: “Trop d’indulgence pour les méchants deviendrait de l’injustice pour les bons”: “Quá khoan dung với kẻ hung bạo thành ra bất công với người lương thiện”. Hoặc như Napoléon khẳng định rằng: “Toute indulgence pour les coupables annonce une connivence”: “Sự khoan hồng nào đối với kẻ có tội cũng biểu thị một sự đồng mưu”.

       Nói vậy chẳng lẽ Thiên Chúa bất công và đồng mưu với tội lỗi hay sự ác của con người? Dụ ngôn cỏ lùng là sai lạc? (x. Mt 13, 24-30). Tận diệt bất công hay kẻ tạo ra bất công? Khai trừ tội lỗi hay kẻ có tội? Cho dù sự bao dung có thể thực hiện bằng nhiều phương cách cho mỗi trường hợp, nhưng không có trường hợp nào là không thể bao dung. Sự bao dung khoan nhượng của Thiên Chúa đối với con người, là để con người có cơ hội trở về với Ngài, để khơi động và phục hồi những trái tim đã băng giá và hư hoại do sự bất bao dung của chính con người đối với nhau. Đành rằng làm như vậy là chấp nhận liều lĩnh, có thể có nguy cơ bị phản phúc và tình trạng sẽ trở nên tệ hại gấp bội. Nhưng nếu không như vậy, là tiêu diệt cách ngang nhiên bừa bãi sự sống và tự do của con người. Trái tim Chúa bị đâm thâu là vì thế. Có ai đi vào con đường “cách mạng” của lòng bao dung quyết liệt mà không phải trả giá như Đức Giêsu, như Mahatma Gandhi, Martin Luther King... Ai dám cho mình khôn ngoan và tài giỏi hơn Thiên Chúa?  (x. Is 40, 13-14). “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9, 13; x. Hs 6, 6).

Cái nhìn bao dung cho ta biết nhìn thấy điều chính đáng ngay trong cái không xác đáng, thánh thiện ngay trong tội lỗi, trong sạch ngay trong bợn nhơ, điều lành ngay trong sự dữ, may mắn ngay trong rủi ro, thành công ngay trong thất bại, hạnh phúc ngay trong đau khổ. Chỉ khi nào lòng bao dung rộng mở, mọi sự mới trở nên rõ ràng: không còn luật lệ nào là tuyệt đối; không còn một tội nào mà không được tha; không còn một nhu cầu nào mà không được coi trọng; không còn một đau khổ nào bị bỏ quên; không còn yếu hèn nào mà không được nâng đỡ; không còn một phủ nhận nào mà không được đón nhận.

 

       Lạy Chúa, con cứ khư khư nắm giữ kiểu suy nghĩ một chiều, nên con cứ cầm giữ mình và cản lối người khác. Không bao dung trong chính tư tưởng của mình được thì làm gì con có thể bao dung trong đối thoại, trong phương hướng hành động. Chính vì vậy, cuộc sống cứ bị thắt chặt mà không thể mở ra.

       Con có thể mở ra nhiều thứ theo đường hướng và ý muốn của mình, nhưng lại đóng vào trước đường hướng và ý muốn của Chúa.

       Con cầu xin Chúa lắng nghe con, nhưng có mấy khi con biết lắng nghe Chúa.

       Trong đối thoại với anh em, con đòi họ hiểu con mà mấy khi con hiểu họ.

       Hóa ra con chỉ biết nghe con và độc thoại với chính con. Những điều con cảm tưởng hóa ra là ảo tưởng.

       Bởi vậy, con vẫn là con, vẫn chưa trở thành con như con phải là. Bao quanh con vẫn là thành kiến, chủ quan, tự mãn, tính bất bao dung và tham vọng chinh phục.

       Xin giải thoát con khỏi chính con, để con có thể trở thành con trong Con: Ngôi Lời nhập thể và nhập thế, là mẫu mực của mọi tính cách đối thoại và là chính sự Đối Thoại. Để từ đó, con biết mở ra một tương quan mới với mọi người trong tình yêu liên kết, giao hòa, hợp nhất, để cùng đón nhận Chân Lý là chính Chúa.

 

Lm. Thái Nguyên

 



[1] [1] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học về tôn giáo, Dấn thân, Houston, 2004, tr. 45-69

 

[2] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học về tôn giáo, Dấn thân, Houston, 2004, tr. 33-41

[3] Dâm từ: các từ đường thờ các thần dâm dục như một thứ tín ngưỡng dân gian, vì coi đó như nguồn phát sinh sự sống. Được ghi nhận trong Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Cao Huy Giu, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972.


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu