MÙA CHAY 2010,

THỰC HÀNH SỰ CÔNG CHÍNH

theo Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Sự công chính của Thiên Chúa được tỏ hiện qua đức tin vào Chúa Kitô” (xem Rm 3, 21-22)

***

Ngày 30 tháng 10 năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố Sứ điệp Mùa Chay năm 2010. Ngày 4 tháng 2 năm 2010, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, Vaticanô, Đức Hồng Y Josef Cordes, Chủ Tịch Hội đồng Tòa Thánh “Đồng Tâm” (Cor Unum), đã giới thiệu và trình bày Sứ điệp này trước các ký giả. Cùng hiện diện trong buổi giới thiệu Văn kiện này, có Giáo sư Hans Gert Potering, Chủ tịch Nghị viện Âu Châu, từ năm 2007-2009, và Đức Ông Giampiero Dal Toso, Phó Tổng Thư Ký Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum.

Chủ đề của Sứ điệp Mùa Chay năm 2010 là: Sự công chính, theo câu nói của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu tại Rôma: “Sự công chính của Thiên Chúa được tỏ hiện qua đức tin vào Chúa Kitô” (xem Rm 3, 21-22).

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào trưa ngày Chúa Nhật, 14-2-2010, ba ngày trước Thứ Tư Lễ Tro, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc lại Sứ điệp Mùa Chay và mời gọi các tín hữu đọc và suy niệm Sứ điệp trong Mùa Chay này. Ngài nói như sau: “Về chủ đề sự công chính, năm nay, tôi đã dành Sứ điệp Mùa Chay, sẽ bắt đầu vào thứ tư Lễ Tro sắp tới, để trình bày về chủ đề này. Vì thế hôm nay tôi muốn trao gửi Sứ điệp này, trong tâm trí của tôi, tới tất cả mọi người và mời gọi tất cả hãy đọc và suy niệm Sứ điệp này” [Báo L’Osservatore Romano, số ngày 15-16 tháng 2 năm 2010, trang 8].

Qua sứ điệp này Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu hãy “xây dựng các xã hội công bằng”, trong đó mọi người “nhận được những gì cần thiết để sống theo đúng phẩm giá con người” và trong đó “sự công chính được làm cho sống động bởi tình yêu”. Đó là các phận vụ cụ thể Đức Thánh Cha ủy thác cho con cái mình trong Mùa Chay Thánh này. Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta cùng nhau đọc Sứ điệp Mùa Chay năm 2010.

1. Giới thiệu Sứ điệp Mùa Chay

Để hiểu thêm về Sứ điệp này chúng ta hãy đọc hai bài giới thiệu Văn kiện cho ký giả. Hai vị đã được mời để giới thiệu Sứ điệp Mùa Chay Năm 2010, đó là Đức Hồng Y Josef Cordes, Chủ tịch Hồi đồng Toà thánh “Đồng Tâm” (Cor Unum) và Giáo sư Hans Gert Potering, Chủ tịch Nghị viện Âu Châu, từ năm 2007-2009.

Bài giới thiệu của Đức Hồng Y Josef Cordes giúp chúng ta đọc Sứ điệp này theo một cái nhìn tôn giáo và kitô giáo về việc thực hành sự công chính, nhất là trong bối cảnh Mùa Chay năm 2010, mà chủ đề chính là việc thực hành đức công chính. Đức Hồng Y Josef Cordes nhắc lại cảm tưởng khá rõ rệt và cảm động của các giám mục Phi Châu dịp họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới, khóa đặc biệt thứ 2 cho Phi Châu (từ 4-22 tháng 10 năm 2009), với chủ đề rất thời sự mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề ra cho các Giám Mục Phi Châu suy tư trong thời gian họp này. Chủ đề là: “Giáo Hội tại Phi Châu trong sứ vụ hòa giải, công bằng và hòa bình”. Trong các bài phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu khóa đặc biệt này, các vị mục tử của Châu lục này đã thường xuyên nói tới những nỗi đau khổ và sự khốn cùng của dân chúng sống tại lục địa này, và hầu như trở thành đề tài chính của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần này. Các ngài cũng tìm nguyên cớ cho hoàn cảnh đau thương này, như lời Đức Cha Abegunrin, giám mục giáo phận Osogbo bên Nigeria phát biểu: “Việc quản trị xấu gây ra do những hành vi tham nhũng, thái độ thiên về các bộ lạc và việc thiếu tôn trọng luật lệ làm cản trở sự công bằng và hòa giải. Tại Phi Châu, từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, các người trẻ của chúng tôi [...] là những nạn nhân thứ nhất của những bạo lực do chủng tộc, việc diệt chủng, cướp phá, tội phạm, buôn bán người, tham nhũng và việc cai trị xấu xa”.

Trước những hiện tượng tiêu cực và phá hoại hòa bình và công bằng này, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra những sáng kiến để cải thiện tình trạng đau thương này. Nhưng kết quả không đạt mức khả quan mong muốn. Có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do đó là thiếu công bằng. Khắp nơi, người ta kêu gọi thực hiện công bằng, trong sinh hoạt chính trị, giữa các tôn giáo, giữa các nhóm khác nhau và trong sinh hoạt thường ngày.

Trong bối cảnh đặc biệt này và trong tình cảnh chung của toàn thế giới và của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi Sứ điệp Mùa Chay Thánh năm nay với chủ đề về công bằng. Giáo Hội luôn bênh vực cho công lý, lưu ý tới việc thăng tiến nhân sinh, việc phân phát công bằng các tài nguyên tự nhiên và đưa ra các giáo huấn xã hội liên hệ tới các sinh hoạt này.

Lịch sử của Giáo Hội chứng minh rõ điều này. Ngay từ đầu, theo gương Chúa Giêsu, Giáo Hội lưu ý tới các nhu cầu của con người, thực hiện công bằng và bác ái. Đức Hồng Y nhắc lại các gương sáng trong Giáo Hội từ xưa tới nay về vấn đề này. Đức Giáo Hoàng Callisto I (qua đời khoảng năm 222), một người nô lệ được giải phóng, rồi làm giáo hoàng, là vị đầu tiên lập ngân hàng cứu giúp các cô nhi quả phụ, tránh cho họ không bị bóc lột bởi những người cho vay nặng lãi và dã tâm bóc lột người nghèo. Thánh Basilio, được mệnh danh là “nhà thần học” (qua đời năm 379), là người đầu tiên đã thiết lập các nhà thương, và trong nhiều vụ tranh chấp, đã dùng uy tín của mình mà bênh vực các trường hợp bị xử bất công. Vào thời Trung Cổ, các giám mục cũng đã hết sức bênh vực người nghèo khó; Giáo Hội cũng giữ gìn tài sản của họ khỏi cảnh bóc lộc bất công. Vào thời kỳ hiện đại Giáo Hội phát động phong trào truyền giảng Tin Mừng đi khắp nơi, tại các nước xa Âu Châu. Các nhà truyền giáo không chỉ mang Đức Tin mà thôi, nhưng còn cố gắng làm cho đời sống của người dân địa phương thêm tốt đẹp hơn và thăng tiến hơn. Phải công nhận là trong thời gian các nước Âu Châu thực hiện phong trào thuộc địa, một số người, có khi cả các nhà truyền giáo nữa, đã có những hành động bóc lột, bất công và triệt hạ dân bản xứ. Về những điều này, trong Năm Thánh 2000, Tôi tớ Chúa, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã xin lỗi tất cả mọi người, vì những điều nghịch với Phúc âm, với công bằng và bác ái, mà con cái của mình đã làm cho con người và các dân tộc. Ngày nay cùng với xã hội, Giáo Hội cũng đã dấn thân tranh đấu cho công bằng và hòa bình. Nhưng khi suy tư về những hoạt động này, người ta nhận ra rằng, các hoạt động bên ngoài xã hội, lo cho công bằng, không chỉ nằm trong tầm mức bình thường, giữa con người với con người, giữa chủng tộc với chủng tộc, giữa dân tộc với dân tộc, nhưng hoạt động này đòi hỏi một nguyên lý chỉ đạo cao hơn, một lý do siêu nhiên ở trên, thúc đẩy các hoạt động của con người thực hiện công bằng và bác ái. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI muốn diễn giải cách khá sâu sắc trong Sứ Điệp Mùa Chay năm 2010: “Sự công chính của Thiên Chúa được tỏ hiện qua đức tin vào Chúa Kitô” (xem Rm 3, 21-22).

Còn bài giới thiệu của giáo sư Hans Gert Potering, một nhà chính trị công giáo, cho thấy sự công bằng trong đời sống xã hội và chính trị. Các nhà chính trị nhìn vào mối liên hệ giữa các khái niệm về công bằng, bác ái, bình đẳng, tự do và huynh đệ (tình huynh đệ mà các nhà chính trị gọi là liên đới). Họ nhìn vào thực tế chung quanh mà họ đang sống và sống trong tương quan với người khác. Năm khái niệm: công bằng, bác ái, huynh đệ, tự do và liên đới này gắn liền với nhau. Giáo sư nhắc lại quan điểm của triết gia Plato, người Hy Lạp (sống vào khoảng 427 – 347 trước Chúa Kitô), coi công bằng như là một ý niệm không thay đổi, siêu việt mà mỗi linh hồn con người là một mảnh của ý niệm này. Còn triết gia Aristote (sống khoảng 384-322 trước Chúa Kitô), người Hy Lạp, thì nhấn mạnh: sự công bằng không chỉ thể hiện như một nhân đức bên trong của mỗi người, nhưng luôn được nhìn trong tương quan với người khác. Ngày nay người ta nói tới “công bằng có tính cách sửa trị”, vì ai làm điều lỗi, thì theo công bằng phải sửa lại, và “công bằng trong việc phân phát” tài nguyên thiên nhiên. Cả hai loại công bằng này đều gồm tóm tương quan giữa các chủ thể. Thánh Tôma tiến sĩ cũng cùng quan điểm về hai hình thức thể hiện sự công bằng này. Vì thế người ta phải nhắm vào tâm thức công bằng luôn ẩn hiện nơi con người và nhìn tới cái thực tại bên ngoài trong tương quan với người khác. Nhưng phải nhớ rằng, nếu chỉ nói tới các ý niệm về công bằng, bác ái và liên đới trong phạm vi tương quan giữa các chủ thể mà thôi thì không đủ, và rồi người ta sẽ dựa vào chúng mà tạo thành các ý thức hệ độc ác khác nhau, nhưng sau cùng thì các ý thức hệ đó cũng tan đi, như trong lịch sử các Nước Đông Âu trong những thập niên gần đây. Các giá trị về công bằng, liên đới này được coi như nền tảng cho sinh hoạt của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, vì chúng bao gồm trách nhiệm phổ quát phải bảo vệ và gìn giữ phẩm giá con người ở khắp nơi và trong mọi hoàn cảnh. Nếu chúng ta muốn gìn giữ tự do và nếu chúng ta muốn thăng tiến công bằng, thì phải đặt tâm thức huynh đệ hay liên đới ở giữa các hoạt động chính trị. Liên hiệp các Nước Âu Châu đã đạt được tâm thức liên đới một cách mạnh mẽ, từ sau thế chiến thứ II và sau chiến tranh lạnh giữa khối tự do và khối cộng sản. Từ đây họ chiến đấu chống lại sự nghèo đói và chống lại mọi hình thức loại trừ các quốc gia, các chủng tộc, các cá nhân. Từ suy tư trên đây về hiện tình các Nước trong khối Liên Hiệp Âu Châu, giáo sư Hans Gert Potering nghĩ rằng các nhà chính trị phải đón nhận Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và cần theo đó mà hành động trong các sinh hoạt chính trị: vì Âu Châu đang cần một tình thần liên đới ở mức cao độ hơn. Càng ngày Âu Châu càng cảm thấy cần phải liên đới với các dân tộc khác và các nền văn hóa khác trong hành tinh duy nhất này. Để thực hiện điều này, Âu Châu phải ý thức tới công bằng, vì ở đâu người ta cảm nghiệm được công bằng, thì các giá trị của tự do cũng được tăng cường. Việc tranh đấu cho công bằng có gốc rễ luân lý, đó là gốc rễ của giá trị liên đới và huynh đệ mà Kitô giáo gọi là bác ái. Nhưng không phải là chuyện dễ đâu. Vì vẫn còn tình trạng cụ thể là các nước giầu lại giầu thêm và các nước nghèo thì càng nghèo thêm và người ta không thể can thiệp vào thể chế chính trị của các quốc gia. Theo thống kê thì có hai tỉ người trên thế giới sống mỗi ngày chỉ với 1,5 mỹ kim mà thôi. Để thực hiện tình huynh đệ liên đới này, các tổ chức quốc tế đã thành hình để giúp các nước nghèo về giáo dục, y tế, môi sinh. Ngoài ra chúng ta phải đào sâu tâm thức về liên đới, về công bằng, là những điều nằm sẵn cách nào đó trong con người tự nhiên và qua các tôn giáo. Ngay từ Sedaqah (= công chính) của Do Thái cũng hàm ý về bổn phận với tập thể, tha nhân, từ đây cá nhân có quyền lợi từ tập thể và cá nhân cũng có bổn phận với tập thể. Sách Coran của Hồi giáo cũng có ý niệm công bằng xã hội này. Còn Âu Châu mang nặng ấn tích của Kitô giáo vào trong xã hội, và trong quan niệm của công bằng. Như vậy chúng ta cần khám phá ra ý niệm công bằng nằm sẵn trong tâm thức mỗi cá nhân và trong các nền văn hóa và tôn giáo, và nhìn nhận ra ảnh hưởng lớn lao của văn hóa và tôn giáo trong khi quan niệm và thực hiện công bằng, nếu không, chúng ta sẽ rơi vào thái độ quá khích và ý thức hệ bất khoan dung. Chúng ta cần đối thoại về tình liên đới giữa các tôn giáo và giữa các nền văn hóa khác nhau. Chỉ có liên đới mới mở ra con đường dẫn tới tự do và công bằng được thực hiện mỗi ngày tại nhiều nước hơn, nhiều dân tộc trên thế giới hơn. Để thực hiện công việc này, Đức Thánh Cha nhắc nhở mọi người, các nhà chính trị là phải từ bỏ thái độ tự mãn, tự cho mình là đủ và phải có thái độ khiêm nhường đón nhận sứ mệnh được trao phó để hoàn thành. Đó là trách nhiệm của các nhà chính trị, các người làm công tác xã hội, mà Sứ điệp Mùa Chay năm 2010 gợi ra cho họ. Đó là cách đọc Sứ điệp Mùa Chay năm 2010 từ quan điểm của một nhà chính trị gửi tới các nhà chính trị.

2. Đọc Sứ điệp Mùa Chay năm 2010          

Trên đây chúng ta ghi lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha gửi tới các tín hữu để họ đọc và suy niệm Sứ điệp Mùa Chay năm 2010. Chúng ta cũng được giới thiệu hai hướng nhìn giúp đọc Sứ điệp Mùa Chay năm 2010: cái nhìn theo đức tin Kitô giáo và cái nhìn của một nhà chính trị công giáo.

Bây giờ chúng ta lần lượt đọc bản văn [Bản văn tiếng Ý được đăng trong Nhật Báo l’Osservatore Romano, số ngày 5-2-2010, trang 8] Sứ điệp của Đức Thánh Cha và nhận ra giáo huấn của Ngài để giúp thăng tiến đời sống tu đức và sinh hoạt cộng đoàn xã hội, nơi chúng ta đang sống và làm việc tông đồ. Tôi chỉ đưa ra một vài điểm để suy tư và mỗi người đọc lại chính Sứ điệp và đào sâu thêm.

Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã theo phương pháp phân tích và diễn giảng để trình bày giáo huấn công giáo về công bằng. Để dễ hiểu, tôi xin trình bày giáo huấn cửa Sứ điệp theo hai điểm: những lỗi phạm về đức công bằng và việc sống đức công bằng do tín hữu công giáo.

A. Những lỗi phạm về đức công bằng

Nói tới những lỗi phạm về đức công bằng, Đức Thánh Cha viết như sau: “… Quả thật Giáo Hội lên án thái độ hờ hững, dửng dưng mà cả trong thời đại ngày nay nữa vẫn bắt buộc hàng trăm triệu người phải chết vì thiếu thực phẩm, nước uống và thuốc men…” Đó là sự thiếu công bằng xét về phương diện phân chia các tài nguyên thiên nhiên, mà khoa luân lý gọi là “công bằng phân phối” (la justice distributive). Nhưng sự thiếu công bằng này là hậu quả của một thái độ căn cốt bên trong con người mà đôi khi con người không khám phá ra và không lưu tâm đề phòng. Sứ điệp nói: “Sự bất công từ đâu tới? Thánh sử Marco ghi lại những lời sau đây của Chúa Giêsu, được lồng vào trong cuộc tranh luận thời đó về những điều thanh sạch và những điều ô uế: “Không có gì từ bên ngoài con người vào nơi họ, có thể làm cho họ ra ô uế. Nhưng là những điều từ bên trong con người đi mới làm cho họ ra ô uế. Vật đi ra từ con người là điều làm cho con người ra ô uế. Quả vậy phát xuất ra từ bên trong, nghĩa là từ cõi lòng con người, từ đó phát xuất ra những ý định xấu xa” (Mc 7,14-15.20-21). Từ đây, Đức Thánh Cha cho thấy, đối với những người Biệt phái, thì căn nguyên của sự dữ, sự ác, của bất công, đến từ một căn cớ bên ngoài con người. Theo quan điểm này, bao nhiêu ý thức hệ đã nhận ra một loại căn nguyên nào đó của sự bất công trong xã hội, và họ tìm mọi cách để loại bỏ, có khi dựng nên một chế độ, một ý thức hệ và một cơ cấu quyền lực để chống lại bất công và loại bỏ những áp bức xã hội. Một điều thật trớ trêu, đó là có khi con người lại dùng cả bạo lực nữa để chống lại cái mà gọi là bất công. Nhưng Sứ điệp Mùa Chay khẳng định ngay: “Cách thế suy nghĩ này, –Chúa Giêsu đã cảnh cáo– thật là ngây thơ và ảo tưởng. Sự bất công, hậu quả của sự dữ, không chỉ có nguyên nhân bên ngoài mà thôi; nó có nguồn gốc từ cõi lòng con người - (nhấn mạnh là của tôi), - từ đó nảy sinh mầm mống của một cung cách sống chung với sự dữ”. Sứ điệp nhắc lại kinh nghiệm đau thương sâu thẳm của tác giả Thánh vịnh 51 (50): “Này đây, chính trong tội lỗi mà tôi đã sinh ra, chính trong tội mà mẹ tôi đã hoài thai tôi” (Tv 51 (50), 7). Rồi Sứ điệp giải thích thêm về cái căn gốc bên trong của sự dữ và của mọi hành động bất công: đó là con người bị xô đẩy mạnh mẽ vào trong một thái độ làm mất đi khả năng hiệp thông với người khác, mà theo bản tính, con người hướng về sự chia sẻ, nhưng họ cảm thấy nơi mình một mãnh lực thật lớn lao, làm cho họ quay trở về với chính mình, khép lại sống cho mình, và có thái độ thật là nguy hiểm là muốn sống trên người khác và chống lại người khác. Từ đây nảy sinh ra tính ích kỷ, là hậu quả của tội nguyên tổ. Con người cảm thấy tự đủ cho mình và không cần hướng tới NGƯỜI KHÁC, nghĩa là Thiên Chúa và người anh chị em chung quanh. Nói về điều này Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc lại câu chuyện ông bà nguyên tổ phạm tội mà Sách Sáng Thế thuật lại (St 3, 1-6). Ông bà không muốn ở trong tư thế lãnh nhận, tư thế tùy thuộc Thiên Chúa, mà muốn tự làm lấy tất cả cho mình. Từ thái độ này, con người sống trong tình trạng lo lắng, bấp bênh, thiếu ổn định, sống theo tính ích kỷ và không sẵn sàng mở lòng mình ra cho tình yêu đến từ Thiên Chúa, cũng như từ tha nhân.

Tới đây chúng ta thấy một phân tích thật sâu xa của Đức Thánh Cha về nguyên nhân của sự dữ nói chung, và nguyên nhân của các hành vi lỗi đức công bằng nói riêng.

B. Thế nào là công chính?

Bây giờ chúng ta đọc tiếp Sứ điệp Mùa Chay năm 2010 để tìm ra ý nghĩa đích thực của sự công bằng.

Trước tiên Sứ điệp đề cập tới công bằng trong phạm vi pháp luật của xã hội loài người. Sứ điệp nói tới sự công bằng qua câu định nghĩa thời danh của nhà luật học Domizio Ulpiano người Rôma, sống vào thế kỷ thứ III [Nhà luật học Domizio Ulpiano, qua đời năm 228 sau Chúa Kitô. Ông là một trong những học giả về pháp luật và tác giả thời danh vào thời của ông, đứng sau ông Palpiano, và cùng với ông Paolo, Gaio, và Modestino. Các tác phẩm của ông là nguồn cho bộ luật Giustiniano (Corpus iuris civilis iustiniani), mà bộ Pandette là một phần của bộ luật này. Bộ Pandette thu thập các tác phẩm về luật của các tác giả thời danh thời cổ xưa. Ông sáng tác rất nhiều, đặc biệt hai bộ: 81 cuốn Libri ad aedictum praetoris urbani, và 50 cuốn Libri ad Sabinum. Ngoài ra ông còn chuyên về pháp luật công cộng và hành chánh]: “Công bằng là trả lại cho người ta điều gì là của họ” (iustum est dare cuique suum). Trong mọi phạm vi, người ta đã lấy tiêu chuẩn này mà nhìn, mà phán đoán và giải quyết mọi tranh chấp, cãi cọ giữa các cá nhân, tập thể. Nhưng trong chính câu định nghĩa này, Đức Thánh Cha cho thấy một cái thiếu và một điểm yếu của câu định nghĩa này: đó là không cho biết đâu là “cái thuộc về mỗi người”, “cái gì là cái thuộc về mỗi người” (suum), mà người khác và xã hội phải trả cho họ và phải bảo vệ nơi người khác. Do đó Sứ điệp Mùa Chay năm nay đã cho thấy nội dung của “điều gì là của họ”, hoặc “cái thuộc về mỗi người”.

Trước tiên, “điều gì là của họ”(suum) không do luật pháp ấn định, không hệ tại sự công bằng phân phối của cải cho mỗi người, cho dù của cải vật chất, như cơm bánh, nước uống, khí thở, đồ dùng, sức khoẻ vẫn cần thiết, vì chính Chúa Giêsu đã làm thỏa mãn các nhu cầu vật chất của con người, như Ngài đã làm phép lạ cho bánh hóa nhiều, như việc Ngài chữa bệnh tật cho người thời đó, như việc Ngài dạy chúng ta xin có cơm bánh ăn hằng ngày trong Kinh Lạy Cha. Chắc chắn Chúa Kitô lên án thái độ dửng dưng của con người trước tình trạng đói kém, thiếu thức ăn, nước uống, thuốc men để chữa trị bệnh tật. Tuy nhiên con người còn có một cái gì khác sâu thẳm hơn và cao đẹp hơn, linh thiêng hơn, chính yếu hơn, điều mà Thiên Chúa phú bẩm cho họ khi dựng nên con người “giống hình ảnh mình”. Chúa Kitô nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).

Điều con người thiếu, Đức Thánh Cha khẳng định trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2010, đó là tình yêu, đó là con người cần Thiên Chúa. Con người chỉ sống trọn vẹn và được hạnh phúc, khi họ sống vớisống nhờ cũng như sống trong tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho họ, khi tạo dựng nên họ. Con người chỉ sống hạnh phúc khi nhận ra Thiên Chúa ở bên cạnh mình và sống với mình: con người cần Thiên Chúa. Đó là tất cả cái làm thỏa mãn con người và làm cho cuộc sống của họ nên trọn vẹn và được hạnh phúc. Đức Thánh Cha trích dẫn câu nói của Thánh Augustinô như sau: “Nếu sự công bằng là nhân đức đem trả lại cho con người điều thuộc về họ... thì không thể gọi là công bằng, khi người ta kéo họ ra khỏi và xa Thiên Chúa chân thật” (De civitate Dei, XIX, 21). Như vậy thật là bất công khi không đem cho con người tình yêu và Thiên Chúa và khi làm cho con người không nhìn nhận tôn thờ Thiên Chúa. Làm như thế, là không trả lại cho họ “cái thuộc về họ”, mà lại là cái chính yếu.

Từ đây Sứ điệp Mùa Chay năm 2010 quảng diễn thêm về sự công bằng theo cái nhìn ở trên. Đức Thánh Cha trở lại với quan niệm Do Thái của Cựu Ước. Ngài phân tích từ “công bằng” mà tiếng Do Thái diễn tả bằng từ “Sedaqah”. Ngài nói như sau: “Ở trung tâm sự khôn ngoan của Dân Israel, chúng ta nhận ra một sự nối kết sâu đậm giữa đức tin vào Thiên Chúa, Đấng nâng kẻ yếu đuối lên (Tv 113 (112), 7) và sự công bằng đối với người thân cận. Chính từ ngữ dùng trong tiếng Do Thái chỉ nhân đức công bằng, sedaqah, diễn tả điều đó. Quả vậy sedaqah, về một phía, có nghĩa là việc chấp nhận một cách trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa của Israel, đàng khác, từ ngữ này cũng chỉ sự bình đẳng trong các mối tương quan với người thân cận (xem Xuất Hành, 20, 12-17), một cách đặc biệt là đối với người nghèo khó, ngoại kiều, kẻ mồ côi và quả phụ (xem Đệ nhị luật, 10, 18-19), nhưng cả hai ý nghĩa của từ này gắn liền với nhau, bởi vì việc bố thí cho kẻ nghèo khó, đối với người dân Israel, không có nghĩa gì khác, đó là đổi chác lại với điều họ đã nhận từ Thiên Chúa, là Đấng đã dủ lòng thường xót tới dân của Ngài”. Từ đây Sứ điệp nhắc lại biến cố Thiên Chúa ban Lề Luật cho Israel, sau khi Ngài đem họ ra Ai Cập, qua Biển Đỏ. Ý nghĩa của biến cố này là: việc Dân lắng nghe Lề Luật giả thiết niềm tin vào Thiên Chúa Đấng đã nghe tiếng Dân than van và Thiên Chúa xuống để giải thoát họ khỏi ách người Ai Cập” (xem Xuất Hành, 3, 8). Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu van của Dân Israel, nhưng Ngài cũng đòi hỏi họ phải lắng nghe Lời của Ngài: tức là xin họ hãy cư xử công bằng với người nghèo khó (xem Sir 4, 4-5. 8-9), với khách ngoại kiều (xem Xuất Hành 15, 22, 20), với người nô lệ (xem Đệ nhị luật, 15, 12-18).

Như vậy Thiên Chúa đòi họ phải nghe Lời Ngài mà thực hiện một cuộc xuất hành (exodus) tận căn ra khỏi cái tự mãn, tự đủ của mình để có thể sống công bằng đích thực. Cuộc xuất hành này còn mạnh mẽ và sâu xa hơn cuộc xuất hành vượt qua mà Israel đã thực hiện qua sự hướng dẫn của ông Maisen: đó là cuộc xuất hành ra khỏi lòng mình, ra khỏi cái tự mãn, tự đủ của mình, là căn nguyên của mọi hành động bất công.

Từ những suy tư trên đây, Sứ điệp Mùa Chay năm 2010 đã cho thấy đâu là sự công bằng: Công bằng là nhận ra thái độ không đúng nơi mình: đó là tự mãn, tự đủ của con người và từ đây con người không nhìn tới Thiên Chúa và người khác. Bất công là đặt cái “của tôi” (le mien) vào chỗ chính của “cái của Ngài” (của Thiên Chúa) (le Sien). Đức Thánh Cha nói: “Đứng trước sự công chính của Thập giá, con người có thể nổi loạn, bởi vì sự công chính này cho thấy rõ ràng rằng con người không phải là một người tự quản lý chính mình nhưng cần một Người Khác để có thể trở nên trọn vẹn là chính mình. Quay trở về với Chúa Kitô, tin vào Tin Mừng, tự căn gốc có nghĩa là như thế này: là ra khỏi ảo tưởng cho mình là tự đủ để khám phá ra và chấp nhận nhu cầu của mình – nhu cầu cần tới người khác và cần tới Thiên Chúa, nhu cầu đỏi hỏi có sự tha thứ và tình bạn thân thiết”. Điều này cần có sự khiêm nhường thẳm sâu để nhận thức rằng mình cần tới một Người Khác để cứu chúng ta khỏi “cái của tôi”, “cái thuộc về tôi” và tự nguyện nhường chỗ cho “cái của Ngài”, “cái thuộc về Ngài”. Nhưng làm sao chúng ta có được thái độ cao cả và tận căn này? Đức Thánh Cha giới thiệu và hướng chúng ta tới hai bí tích: Thánh Thể và Thống Hối. Vì “nhờ hành động của Chúa Kitô trong hai bí tích này, chúng ta có thể đi vào trong sự công chính “lớn lao hơn”, đó là sự công chính của tình yêu (xem Rm 13, 8-10), sự công chính của những ai luôn cảm thấy trong mọi hoàn cảnh mình là người mắc nợ chứ không phải là chủ nợ, bởi vì họ đã lãnh nhận được nhiều hơn là điều họ mong muốn”.

Và sự công bằng chính thực này là sự công bằng của Chúa Kitô, hay sự công bằng của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Kitô. Sứ điệp đã trích lời Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma như sau: “Nhưng ngày nay sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Maisen… chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, đối với tất cả những ai có lòng tin. Quả thế không còn có sự khác biệt nữa, bởi vì tất cả đều đã phạm tội và tất cả đều thiếu vinh quang của Thiên Chúa, nhưng tất cả được nên công chính hóa một cách nhưng không nhờ ơn sủng, qua sự cứu chuộc trong Chúa Kitô Giêsu. Chính Ngài là Đấng Thiên Chúa đã thiết định rõ ràng nên việc tẩy xóa tội lỗi, nhờ đức tin, trong máu của Ngài” (Rm 3, 21-25).

Ở đây Sứ điệp còn cho chúng ta một định nghĩa khác của sự công chính, hay một khía cạnh khác của sự công chính: đó là sự công chính do ân sủng, sự công chính của Chúa Kitô. Vì tự mình, con người không thể sửa lại được điều gì, không thể chữa trị, nơi chính mình hay nơi người khác. Bởi vì như Thánh Phaolô xác quyết: tất cả được cứu rỗi nhờ máu của Đức Kitô. Kiểu nói nhờ máu của Đức Kitô, điều này có nghĩa là không lễ vật nào hay công việc gì có thể đem lại cho con người sự công chính, có thể đem lại ơn tha thứ tẩy sạch mọi tội. Nhưng hành động hiến tế của Đức Kitô trên Thập Giá mới có sức tẩy xóa tội lỗi. Qua hành động này Chúa Kitô nhận lấy cho mình “lời chúc dữ” (maledictio) mà con người đáng nhận, và ban cho con người “lời chúc phúc” (benedictio), mà chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi (xem Gl 3, 13-14). Đó là sự công chính của Thập Giá.

3. Những dấn thân cụ thể từ Sứ điệp Mùa Chay

Sau khi trình bày một số điểm từ Sứ điệp Mùa Chay năm 2010 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, chúng ta đưa ra một số dấn thân cụ thể trong Mùa Chay này để sống sự công chính.

a) Một thái độ căn bản phải có từ Sứ điệp này, là phải dành cho “điều thuộc về Người” (Thiên Chúa), “điều của Người” ở đúng chỗ trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải khiêm nhường đặt mình vào cung cách của người lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa và từ đó biết loại bỏ đi thái độ “tự cho mình là đủ”, thái độ “tự mãn”, một thái độ đã ăn sâu vào trong con người chúng ta, và ngày nay trong xã hội tiến bộ về khoa học và kỹ thuật, thái độ “tự đủ” này càng có cơ hội phát triển mạnh, đi tới hành động chối bỏ cả Thiên Chúa và chối bỏ tha nhân. Phải có tác động thờ lạy chân chính mà Thiên Chúa đang muốn tìm kiếm (xem Ga 4, 23). Hằng ngày trong kinh nguyện và trong việc tập luyện tu đức, mỗi người phải cầu xin ơn cần thiết này là biết dành cho Thiên Chúa chỗ nhất, chỗ đúng, chỗ trên hết dành cho Ngài, và biết chấp nhận “những gì của Ngài” và trả về cho Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Điều này không dễ, nhưng cần một sự khiêm nhường thực sự, như lời Đức Thánh Cha nói trong Sứ điệp: “Do đó người ta hiểu rằng như đức tin là điều gì hoàn toàn khác với hành động tự nhiên, dễ dàng, hiển nhiên: vì thế cần có sự khiêm nhường để chấp nhận là phải cần tới Người Khác để cứu ta ra khỏi “cái của tôi”, và lãnh nhận lấy cho tôi “cái của Ngài”.

b) Một dấn thân cụ thể khác được Đức Thánh Cha nêu ra, đó là đóng góp vào việc kiến tạo các xã hội công bình. Ngài nói như sau trong Sứ điệp của Ngài: “Chính vì ý thức mạnh mẽ về cảm nghiệm này, người Kitô hữu được thúc đẩy để đóng góp vào việc kiến tạo những xã hội công bình, trong đó tất cả nhận được những gì cần thiết để sống theo phẩm giá riêng của con người và trong đó sự công chính được làm cho sống động bởi tình yêu”. Lời mời gọi và đề nghị này thật rõ ràng. Sứ điệp nói tới “các xã hội công bình”, điều này áp dụng cho mọi nơi và mọi thời đại. Các xã hội này được kể ra một cách tượng trưng như sau: đó là cộng đồng quốc tế, giữa các quốc gia với nhau; đó là cộng đồng quốc gia; các cộng đồng dân sự khác. Rồi phải kể, và nhất là các cộng đoàn tôn giáo, Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội địa phương, các họ đạo, các cộng đoàn dòng tu, các hiệp hội tông đồ, cộng đoàn các gia đình... Trong tất cả các cộng đoàn này, sự công chính của Chúa Kitô phải được tỏ hiện. Không một ai bị loại bỏ, không một quyền lợi nào bị khước từ cho mỗi phần tử, cũng như một bổn phận nào bị quên lãng. Không một tiếng nói chính đáng nào, dù của người hèn kém nhất, mà không được lắng nghe. Vì trong tất cả, Thiên Chúa phải ở trên hết; trong tất cả, “điều thuộc về Ngài” phải được tôn trọng trên hết.

c) Trực tiếp liên hệ tới Mùa Chay thánh, Đức Thánh Cha cũng nhắc lại việc sống Mùa này trong cái nhìn về sự công chính. Ngài nói ở phần mở như sau: “Anh Chị Em thân mến, mỗi năm trong dịp Mùa Chay, Giáo Hội mời chúng ta hãy kiểm điểm lại đời sống chúng ta dưới ánh sáng của giáo huấn từ Tin Mừng (nhấn mạnh là của tôi). Năm nay Tôi muốn giới thiệu với Anh Chị Em một vài suy tư về chủ đề thật lớn lao rộng rãi là sự công chính, khởi đầu từ lời Thánh Phaolô gửi tín hữu tại Rôma: Sự công chính của Thiên Chúa được tỏ hiện qua đức tin vào Chúa Kitô” (xem Rm 3, 21-22). Đó là việc phải làm trong Mùa Chay: kiểm điểm lại đời sống nhất là những lỗi phạm về đức công bằng.

Rồi trong phần kết luận, Sứ điệp gợi lại cách vắn tất các việc làm thông thường trong Mùa Chay: “Anh Chị Em thân mến, Mùa Chay đạt tới tột đỉnh trong Tam Nhật vượt qua, trong đó cả năm nay nữa, chúng ta cử hành sự công chính của Thiên Chúa, đó là sự trọn vẹn của đức ái, của ơn huệ, của việc cứu rỗi. Chớ gì thời gian thống hối này trở nên cho mỗi kitô hữu thời gian của việc trở về đích thực và thời gian hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Chúa Kitô, đến để hoàn tất mọi sự công chính”(nhấn mạnh là của tôi). Với hai đoạn văn mở đầu và kết thúc Sứ điệp Mùa Chay năm 2010, chúng ta có được lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha về việc sống Mùa Chay theo truyền thống vẫn có trong Giáo Hội, qua việc thực hành một số việc và có một số thái độ siêu nhiên, đó là:

- kiểm điểm lại đời sống

- thời gian thống hối

- trở về đích thực

- chuyên cần cầu nguyện

- sống trọn vẹn đức ái

- hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Chúa Kitô: nhất là qua việc đọc Kinh Thánh và thực hành hình thức Lectio divina (đọc Kinh Thánh với cầu nguyện) [Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI với các linh mục giáo phận Rôma, ngày 18-2-2010, đầu Mùa Chay tại Vaticano, đã diễn ra dưới hình thực một buổi Lectio divina, trong đó Đức Thánh Cha đã cùng với các linh mục tại Rôma đọc, suy niệm và cầu nguyện theo 3 đoạn của Thư gửi tín hữu Do Thái, 3.7 và 8].

Riêng việc trở về đích thực, Đức Thánh Cha đã quảng diễn một cách sâu rộng hơn vào buổi tiếp tín hữu hàng tuần vào thứ tư, 17-2-2010 vừa qua. Ngài nói như sau: “Lời kêu gọi đầu tiên khi linh mục bỏ tro trên đầu chúng ta là: Hãy thống hối (trở về) và tin vào Tin Mừng. Đây là một lời nói phải được đón nhận một cách nghiêm chỉnh khác thường của nó, đón nhận cái mới lạ khác thường gây bỡ ngỡ mà nó diễn tả ra. Lời mời gọi thống hối trở về quả vậy, phải lột trần và tố cáo cái giả tạo dễ dàng thường đánh dấu lối sống thường ngày của chúng ta. Thống hối trở về có nghĩa là chuyển hướng đi trong cuộc sống của chúng ta: tuy nhiên, việc này không chỉ là một việc ráp nối sửa lại nhỏ nhặt thôi, mà là một việc đổi chiều đúng nghĩa và của riêng chúng ta. Thống hối trở về là đi ngược dòng đời, nơi có “dòng” đang tuôn chảy là một lối sống giả tạo, hời hợt, không đồng thuận với lý tưởng và đầy mơ ảo, đó là dòng sống thường chà đạp chúng ta, thống trị chúng ta và biến chúng ta thành nô lệ của sự dữ hoặc có khi nên tù nhân của sự tầm thường trong phạm vi luân lý. Việc thống hối trở lại nhắm tới một mức thật cao của đời sống Kitô hữu, với việc này chúng ta phó thác cho Phúc âm sống và mang tính cách nhân vị, là chính Chúa Giêsu Kitô (nhấn mạnh là của tôi). Con người của Ngài là đích điểm sau cùng và ý nghĩa sâu xa của việc thống hối trở về, chính Ngài là đường mà mọi người được kêu mời đi trên con đường này trong cuộc sống của mình, để cho ánh sáng của Ngài chiếu soi chúng ta và được nâng đỡ bởi sức mạnh làm khơi động các bước chân chúng ta đi. Theo cách thế này, thì việc thống hối trở về tỏ lộ bộ mặt của Ngài thật sáng ngời và hấp dẫn; việc thống hối trở về này không chỉ là một quyết định có tính cách luân lý nhằm sửa lại một số điều sai lệch trong đời sống chúng ta, nhưng là một sự chọn lựa của đức tin, nhằm lôi kéo toàn thể con người đi vào sự hiệp thông thân tình với Con người sống động và cụ thể của Chúa Kitô” [Báo L’Osservatore Romano, số ngày 18-2-2010, trang 1].

Đi theo với các lời nhắn nhủ này, phụng vụ trong Mùa Chay cũng nhắc nhở rõ ràng các việc phải làm để sống Mùa Chay sốt sắng. Chúng ta đọc lại Thánh Thi Giờ Kinh Sách cho Mùa Chay tóm gọn các việc làm trong Mùa Chay như sau: “Đây truyền thống thiêng liêng Giáo Hội, sống một mùa sám hối ăn năn, Nức lòng ta hãy lo toan, Bốn mươi ngày chẵn chuyên cần thực thi. Sách Lề Luật Môisen truyền dạy, Ngôn sứ hằng thúc đẩy không ngơi, Kitô Vua Cả muôn đời, cũng từng trai tịnh bốn mươi đêm ngày. Ta hãy giảm mê say vui sướng, Từ nói năng, ăn uống ngủ nghê, Tâm hồn thể xác đôi bề, Tập quen khắc khổ thiết gì xa hoa. Phải cương quyết tránh xa hiểm họa, đã bao người nhẹ dạ tiêu vong, Luôn luôn cảnh giác đề phòng, Kẻo sa chước quỷ mắc vòng Satan” [Sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, 1995, trang 351] . Thánh thi này có tựa đề tiếng Latin Ex more docti mystico, [Bản văn latinh của thánh thi: Ex more docti mýstico / servémus abstinéntiam, / deno diérum círculo / ducto quater notíssimo. / Lex et prohétae prímitus / hanc praetulérunt, póstmodum / Christus sacrávit, ómnium/ rex atque factor témporum. / Utámur ergo párcius / verbis, cibis et pótibus, / somno, iocis et árctius / perstémus in custódia. / Vitémus autem péssima / quae súbruunt mentes vagas, / nullúmque demus cá1lido / hosti locum tyránnidis / (Praesta, beáta Trínitas, / concéde, simplex Unitas, / ut fructuósa sint tuis / haec parcitátis múnera. Amen), trong Liturgia Horarum, vol., II, editio typica altera Libreria Editrice Vaticana, 1986, trang 33] được coi là của Thánh Giáo Hoàng Gregorio Cả (540-604) và là thánh thi đầu tiên của Mùa Chay. Thánh thi cho chúng ta biết ý nghĩa Mùa Chay, thời gian Mùa Chay kéo dài 40 ngày như truyền thống Kinh thánh đã có, ngay từ thời ông Môisen và các Tiên tri và chính Chúa Kitô đã thánh hóa truyền thống này qua việc Ngài ăn chay 40 ngày trong sa mạc. Hành động của Chúa là gương cho chúng ta sống, như Thánh Tôma tiến sĩ nói: “Mọi hành động biến cố của Chúa Kitô là lời giáo huấn cho chúng ta”. Các việc phải làm trong Mùa Chay là: kiêng khem, chay tịnh trong lời nói, việc dùng của ăn, thức uống, thời giờ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Thời gian này phải được tập luyện để chiến thắng các cám dỗ lăng loàn do thù địch ma quỷ bày ra.

Đó là một vài điểm của Sứ điệp Mùa Chay năm 2010. Mỗi người có thể tìm đọc và suy niệm thêm, như lời mời gọi của chính Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã trao phó hành trình Mùa Chay của Giáo Hội cho Đức Trinh Nữ rất thánh Maria. Trong buổi gặp gỡ tín hữu ngày thứ tư, 17-2-2010, Ngài nói như sau: “Các bạn thân mến, trong khi chúng ta đang sẵn sàng thực hiện hành trình khắc khổ của Mùa Chay, chúng ta muốn lấy lòng tín thác đặc biệt mà cầu xin sự bảo trợ và giúp đỡ của Đức Trinh Nữ Maria. Xin Mẹ, người đầu tiên tin vào Chúa Kitô, cùng đồng hành với chúng ta trong 40 ngày, với việc cầu nguyện chuyên cần và với việc thống hối chân thành này, để sau khi được thanh luyện và hoàn toàn đổi mới trong tâm trí và trong tinh thần, chúng ta tiến tới việc mừng mầu nhiệm lớn lao là lễ Phục sinh của Người Con của Mẹ. Chúc tất cả Mùa Chay thật tốt đẹp và sốt sắng!” [Báo L’Osservatore Romano, số ngày 18-2-2010, trang 1]

Lời nguyện nhập lễ (Thánh lễ cầu xin ơn hòa bình và công lý)

Lạy Chúa, Chúa đã mặc khải cho nhân loại

rằng những ai xây dựng hòa bình

sẽ được phúc gọi là con cái Chúa.

Xin giúp chúng con luôn kiếm tìm công lý Chúa đã dạy

vì chỉ có thế, chúng con mới được hưởng

một nền hòa bình đích thực và trường cửu.

Chúng con cầu xin.

(Sách lễ Rôma, ấn bản mẫu năm 1992, trang 931, nhấn mạnh là của tôi).

Rôma, ngày 19-2-2010

Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả


Mục Lục Sống Ơn Gọi Kytô Hữu