Cho Tròn Chữ Hiếu

 

( trích “GIA PHẢ DÒNG HỌ PHẠM CÔNG LỘC”,

Phạm Công Phương, Đà Lạt 1998, trang 261-299)

 

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

             Một đứa bé vừa mở mắt chào đời đã nghe văng vẳng câu hát ấy bên tai. Vũ trụ thiên nhiên hùng vĩ bao la, sánh ví công ơn cha mẹ như thế không có gì là qúa. Mỗi người chúng ta sinh ra và lớn lên dưới mái ấm gia đình, có ông bà cha mẹ, có tình thương yêu đậm đà nhất. Làm sao chúng ta có thể kể hết công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ tổ tiên ! Còn gì cao qúi hơn khi tình thương đáp lại tình thương ! Đó là hiếu đạo.

             Thế nhưng bẵng đi một thời gian dài những cử chỉ hiếu kính ấy đã có sự thay đổi cung cách khi đạo Công Giáo được rao giảng tại Việt Nam, mà ngay cả người lương cũng không hẳn đã tường tận các tập tục thờ cúng tổ tiên. Ngày nay hoàn cảnh môi trường đã thay đổi nhiều, chúng tôi muốn trở về nguồn, tìm lại bóng dáng thân quen của cái nhà mà ông cố ông cha đã lập ra, tìm lại sự dịu dàng tươi mát vẫn có nơi ‘ao nhà’ mà vẫn không hổ mặt với người sau khi đã gạn đục khơi trong.

 

I - Thờ cúng tổ tiên có phải là một tôn giáo không?

             Thật là một khó khăn và tế nhị để làm sáng tỏ về tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam, chúng ta hãy nghe ý kiến của một số nhà nghiên cứu về phong tục và tập quán Việt Nam:

             Các tác giả như Toan Aùnh, Phạm Côn Sơn, Tân Việt… đều khẳng định mạnh mẽ việc thờ cúng tổ tiên không phải là một tôngiáo song là một tâm tình hiếu kính được biểu lộ bằng những nghi thức cụ thể, dĩ  nhiên phải bao hàm lòng tin nào đó nhưng không loại trừ các tôn giáo:

“Là một đạo giáo thì phải có giáo chủ, có người trung gian hành đạo, thuyết giảng đạo lý là các nhà truyền đạo, tu sĩ và phải có cơ sở hành đạo như chùa, nhà thờ. Thờ ông bà không có điều kiện đó mà do lòng tự phát của con người. Thờ ông bà cũng không phải là một tín ngưỡng, vì tín nguỡng thì có thể tin hay không tin trước một lý thuyết tôn giáo. Thờ ông bà không thể tin mà phải có lòng tin trước những vị có thật ở trước mắt đã thật sự sống, và luu truyền lại huyết mạch. Oâng bà hữu hình chứ không phải vô hình như các đấng thiêng liêng trong các tôn giáo. Người có tín nguỡng đặt niềm tin vào một tôn giáo, có thể đồng quan niệm với một tôn giáo khác, nhưng vẫn phải đặt lòng tin  nơi sự hiện hữu của tổ tiên, ông bà cha mẹ mình và vẫn phải thờ kính ông bà cha mẹ mình.  (PHẠM CÔN SƠN & TRƯƠNG SĨ THĂNG, “Gia phả – Biểu mẫu và lược biên hướng dẫn”, nxb Đồng Tháp, HCM 1997, trang 227)

“Dân Việt Nam thờ kính tổ tiên, nhưng việc thờ phụng tổ tiên không thể kể là một tôn giáo được, vì không có giáo chủ cũng như không có giáo điều. Việc thờ cúng tổ tiên chỉ là một hành động chứng tỏ lòng hiếu thảo của con cháu, bởi vậy người ta thờ cúng tổ tiên và song song với việc thờ cúng này – nhiều người ngoại quốc gọi nhầm là đạo ông bà – người ta vẫn theo một tôn giáo riêng, có người theo một đạo, có người theo hai ba đạo, miễn là giữa hai ba đạo này không có gì là mâu thuẫn với nhau… Không như các tôn giáo, việc hành lễ phải có trung gian giữa tín đồ và giáo chủ, trong việc thờ cúng tổ tiên thì chính gia trưởng lo lấy việc hành lễ. Đồ lễ thường gồm trầu rượu, hoa quả, vàng hương và nước lạnh nhưng có thể giảm xuống mức tối thiểu, chỉ cần một chén nước lạnh, một nén hương thắp lên bàn thờ là đủ.” (TOAN ÁNH, “Nếp cũ – Tín nguỡng Việt Nam”, quyển thượng, HCM 1992, trang 21 & 28.)

“Việc thờ cúng tổ tiên, ông bà , cha mẹ, việc tổ chức tang tế, giỗ chạp trong các gia đình, các chi họ, gọi tắt là gia lễ, là việc hiếu, từ ngàn xưa đã in sâu trong tâm linh của con người. Gia tiên là một danh từ gọi chung cha mẹ, chú bác, ông bà, cụ kỵ tổ tiên đã khuất, nói nôm na gọi là ‘Ônng Vải’. Theo phong tục, thờ phụng gia tiên là thể hiện đạo hiếu. Dân tộc ta, theo phong tục cổ truyền, dầu thuộc tôn giáo, đạo giáo nào cũng thờ phụng tổ tiên. Còn gia thần, thì có nhà thờ thần này, có nhà thờ thần khác, cũng có nhà không thờ. Điều đó thuộc tự do tíng ngưỡng.” (TÂN VIỆT, “Tập văn cúng gia tiên, phong tục cổ truyền Việt Nam”, nxb Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội 1991, trang 4 & 8.)

             Các giáo sĩ  ngày xưa khi truyền giáo tại Á Đông đã nhận ra ngay nét đặc biệt của tập tục kính nhớ những người đã qua đời, nhất là đối với ông bà cha mẹ. Thế nhưng các nhà truyền giáo đến sau lại cho đó là một hình thức tôn giáo tự nhiên với ít nhiều nét mê tín dị đoan, không dung hợp với niềm tin độc thần của Kitô giáo.

             Cũng nhờ có tập tục tôn kính tổ tiên, mà đối với người chết, chúng ta có sự kính trọng đặc biệt, không bao giờ xâm nhập tới mồ mả cũng như không bao giờ nhắc tới người đã qua đời với sự oán hận. Việc đào mồ mả để tru di tam tộc của các vua chúa ngày xưa là một việc làm chẳng hay chẳng đẹp chút nào và sẽ không còn thích hợp với não trạng tiến bộ ngày nay.

             “Nghĩa tử nghĩa tận”, chết là bỏ qua tất cả dù người chết có là kẻ thù. Đó là điều mà tác giả nước ngoài – A. Pazzi – nhận xét cách thán phục về lòng bao dung của người Việt phát xuất từ tập tục thờ cúng tổ tiên mà ra:

  Người Việt nam “vẫn giết chết kẻ thù, bởi vì họ quan niệm rõ một sự cách biệt giữa cái giá trị thuộc về sự sống với cái giá trị thuộc về sự chết.”

Khi kẻ thù đã chết,”kẻ thù không còn là cái đối tượng lúc trước cần phải tiễu trừ. Bây giờ là cái tinh anh của một con người đã có tài năng, đã có sự nghiệp, có một cuộc sống nào đó. Cho nên khi người Việt Nam giết chết Sầm Nghi Đống rồi lại lập miếu thờ họ Sầm, không phải trọng vọng một tên giặc cướp, mà chính là hoài niệm một kẻ có bản lĩnh bị họ trừ khử vì sự tự vệ chính đáng. Trả lại cho kẻ bị thiệt hại kia một chút an ủi tinh thần, đó là một thứ nghi lễ của một dân tộc có nền văn minh độc đáo.” (A. PAZZI, “Người Việt cao qúy”, (Hồng Cúc dịch), nxb Cảo Thơm, Sài Gòn 1965, trang 44-45.)

             Đối với kẻ thù đã chết, chúng ta còn có lòng bao dung kính trọng cái tinh anh của họ, huống chi là đối với tổ tiên , ông bà cha mẹ là những nguời sinh thành dưỡng dục mình. Bái lạy là một thái độ cử chỉ cung kính, lễ độ, biết tự nhận thứ bậc của mình trước người trên. Hành vi quỳ xuống và lạy gia tiên không phải là một cử chỉ tôn thờ theo nghĩa tôn giáo nhưng là biểu lộ cách hạ mình thiết thực và thiết thân trước người đã góp phần tạo tạo nên sự sống của mình mà bây giờ đã khuất. Đó là một hành vi chính đáng, một thái độ biết ơn, một cử chỉ kính trọng dành cho những đấng bậc tổ tiên và cho cả nhau nữa. Đây là một cách thực hành mà người Tây Phương không có, vì họ quan niệm thờ lạy là một hành vi tôn giáo chỉ dành riêng cho một Đấng tối cao. Xưa kia nhiều thương gia và giáo sĩ Tây Phương vào Á Đông giao dịch, khi yết kiến nhà vua họ đâu có chịu sụp lạy như dân Á Đông ta nhưng vẫn tỏ lòng cung kính đức vua. Biết nói sao được, mỗi dân tộc có một quan niệm và một cung cách sống khác nhau, tạo nên một bản sắc văn hóa riêng biệt mà mọi người phải tôn trọng.

             Phong tục tôn kính tổ tiên đã có từ ngàn xưa, không ai biết nguồn gốc, từ đời này truyền sang đời kia, từ nơi này lan sang nơi khác. Cho dẫu tập tục ấy có được du nhập từ nứơc ngoài chăng nữa thì nó cũng đã trở thành lẽ sống tự nhiên ở đời, trong gia đình ngoài xã hội, đối với tâm thức của người dân Việt. Bản sắc văn hóa ấy đã trải qua nhiều giòng lịch sử với nhiều biến động, tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, thử hỏi làm sao không tránh khỏi sự pha trộn lai tạp. Chuyện “gạn đục khơi trong” luôn phải được đặt ra đối với dòng chảy của lịch sử.

             Như vậy chúng ta có thể khẳng định cách mạnh mẽ như tác giả Phạm Côn Sơn:

“Đã từ muôn ngàn đời, người Việt Nam vẫn luôn ý thức rằng thờ cúng tổ tiên là ghi nhớ nguồn gốc, chứ không phải là tin theo một đạo giáo.” (PHẠM CÔN SƠN, “Nền nếp gia phong”, nxb Đồng Tháp , HCM 1996, tr 113.)

 

II - Đạo Công Giáo và việc thờ cúng tổ tiên

             Việc thờ cúng tổ tiên có phải là mê tín dị đoan mang tính tôn giáo hay không là một vấn đề tranh cãi cả mấy thế kỷ mới có đáp án.

             Trước hết, vấn đề hội nhập văn hóa Á Đông bắt nguồn từ Trung Hoa ( Xem NGUYỄN VĂN TRINH, “Lịch sử Giáo hội Việt Nam, II”, ĐCV Giuse, HCM 1994, trang 95-126) . Năm 1631, các thừa sai thuộc dòng Đaminh và Phanxicô vào hoạt động truyền giáo ở Trung Hoa đã không theo đường lối hội nhập của các thừa sai dòng Tên. Họ kịch liệt tấn công việc thờ cúng tổ tiên và Khổng Tử mà họ cho là ngẫu tượng. Hậu quả dẫn đến là việc các vua quan Trung Hoa ra lệnh cấm giảng đạo và cử hành lễ nghi Công Giáo vì họ cho rằng đạo Công giáo đi ngược lại nền luân lý Trung Hoa. Thế là cuộc truyền giáo ở Á Châu gặp khủng hoảng lớn về việc cấm các nghi lễ Trung Hoa, trong đó có Việt Nam.

             Vấn đề tranh cãi giữa các thừa sai có thể tóm tắt trong ba vấn đề chính yếu:

·         Phải dùng từ ngữ nào của ngôn ngữ bản xứ để chỉ Thiên Chúa của người Kitô giáo ? (Thiên, Thượng Đế, Thiên Chủ ?)

·         Các giáo sĩ có thể cho phép các tân tòng tham dự vào các cuộc lễ có tính xã hội hay gia đình đến mức nào, vì những việc ấy không rõ tính tôn giáo và không hẳn là nhuốm mùi ngoại giáo.

·         Trong khi ban các bí tích, các giáo sĩ có được phép lưu ý đến một số những cấm kỵ hay kiêng cữ của người Á Đông để bỏ điều này hay điều kia trong các nghi lễ Công Giáo không ?

             Tóm lại, đâu là ý nghĩa nguyên thủy của một số tập tục của những người chưa biết đến Tin Mừng ?

“Nhóm truyền giáo đến Á Đông trước là các giáo sĩ dòng Tên. Các vị này chú trọng việc tận dụng các yếu tố có sẵn trong văn hóa địa phương để diễn tả Kitô giáo, dĩ nhiên là sau khi đã loại bỏ những khía cạnh không phù hợp với đức tin. Họ đi từ việc kính Thiên để dẫn đến đức tin vào Thiên Chúa, họ dùng cả chữ Thiên và Thượng Đế để chỉ Thiên Chúa. Họ coi việc tôn kính Đức Khổng Tử cũng như việc thờ cúng tổ tiên là lễ tục tôn kính và thảo hiếu theo truyền thống dân tộc chứ không thuộc phạm vi tôn giáo, nên chỉ cần loại bỏ những nét lệch lạc là có thể duy trì.

Về sau các giáo sĩ dòng Đaminh cũng đến truyền giáo ở Á Đông. Những vị này có một cái nhìn khác. Giàu kinh nghiệm về các lễ tục dân gian, họ thấy rằng những điểm không chính xác trong các việc kể trên rất dễ gâynguy hại nặng cho đức tin Kitô giáo. Đó không phải là những lễ tục thuần túy dân sự, nhưng đượm tính cách tôn giáo, khó điều chỉnh và có hại cho việc thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất.”  (VÕ TÁ KHÁNH, “Tin Mừng cho người muốn nghe”, bài 29, phụ lục 1, Dà Lạt 1978.)

             Chắc chắn không có giáo sĩ  nào lại muốn tổng hợp Kitô giáo với các tôn giáo địa phương nhưng trong đời sống người dân Á Đông có những tập tục tự nó trung lập mà ý nghĩa của nó cần được nghiên cứu và qui chiếu. Việc tôn kính Khổng Tử hay thờ kính tổ tiên, theo những người chủ trương thích nghi, là biểu hiện truyền thống dân tộc có lòng cung kính biết ơn những người dạy dỗ mình và lòng hiếu thảo đối với người sinh thành ra mình. Còn giới chống đối cho rằng những lễ nghi ấy có những điều trái ngược với giáo lý Công Giáo. Thực ra, những sai trái ấy chỉ xảy ra đối với tầng lớp bình dân, còn đối với giới học thức thì không ai xem những lễ nghi ấy có tính tôn giáo.

             Cuộc tranh luận ấy cứ tiếp diễn ngay trên mảnh đất truyền giáo và không làm sao giải quyết được các mâu thuẫn giữa các giáo sĩ  với nhau. Vấn đề đã được trình lên Tòa Thánh Vatican nhưng ở Toà Thánh (bộ Thánh Vụ), vấn đề lại được nhìn dưới viễn tượng khác hơn là ở địa phương nên chẳng giải quyết dứt khóat được vấn đề.

             Năm 1645, bộ Truyền Giáo kết án các lễ nghi địa phương ấy, còn năm 1656, bộ Thánh Vụ (Đức Tin) lại có thiên hướng ủng hộ các giáo sĩ dòng Tên, không coi đây là mê tín nhưng có tính cách thuần túy dân sự và chính trị. Như vậy vấn đề vẫn như cũ, không giải quyết được vì hai bên đều dựa vào những cách trả lời khác nhau của Tòa Thánh.

             Tại Việt Nam, vào ngày 26/10/1682 các giáo sĩ đã tổ chức Công nghị tại Hội An lần thứ hai, qui tụ 2 giám mục, 8 thừa sai, 4 linh mục người Việt và 83 thầy giảng để bàn về một vấn đề quan trọng mà Công nghị Hội An lần thứ nhất (1672) không dám bàn đến là việc thờ cúng tổ tiên. Kết quả của công nghị này là cấm không được cúng bái tổ tiên nhưng được làm lễ giỗ, và cấm không được đặt tranh thờ tổ tiên trong nhà.

             Năm 1704, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI cấm tham dự mọi nghi lễ liên quan đến Khổng Tử và tổ tiên vì có tính mê tín. Vấn đề đã được khiếu nại và Tòa Thánh đã xem xét lại vấn đề nhưng cuối cùng, vào năm 1792, ĐGH Bênêdictô XIV ban hành trọng sắc “Ex quo” cấm tham dự mọi lễ nghi liên quan đến Khổng Tử và tổ tiên, và tuyệt đối phải chấm dứt mọi tranh cãi đã kéo dài hai thế kỷ. Thêm vào đó, vì hoàn cảnh đặc biệt, các giáo sĩ dòng Tên đã ngưng đảm nhiệm truyền giáo ở Á Đông nên lập trường chống đối thắng thế.

             Phán quyết của Tòa Thánh đã gây phản ứng mạnh mẽ ở triều đình Trung Hoa và Việt Nam. Dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), các giáo sĩ  bị bắt bớ trục xuất với chỉ dụ cấm đạo ngày 24/4/1750 mà nguyên nhân phần lớn cũng do sắc lệnh cấm thờ cúng tổ tiên của Toà Thánh.

( x. “Đại Việt sử ký tục biên”, sđd, trang 244 có ghi:

“Tháng 9/1754 [Cảnh Hưng thứ 15, Lê Hiển Tông]. Cấm đạo Hoa Lang của Tây Dương… Họ cho việc thờ cúng tổ tiên là vô ích, cho ma quỷ là không có”.)

             Thành thực mà nói, vấn đề cấm thờ cúng tổ tiên đã gây nên choáng váng nơi các tân tòng thuở ban đầu, và tạo nên cái nhìn không mấy thiện cảm của vua chúa lẫn thường dân đối với đạo Công Giáo mà hệ lụy là còn kéo dài cho đến ngày nay (theo đạo là bỏ ông bà).

Chúng ta hãy lắng nghe nỗi niềm thao thức của Giám Mục bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), một vị thừa sai lâu năm ở Việt Nam (1767-1799):

“Trong những năm đầu tại xứ truyền giáo, bởi chưa nắm rõ ngọn nguồn, tôi đã là một trong những người nhiệt tình nhất bênh vực sắc lệnh ấy (của Toà Thánh) … Chỉ 20 năm truyền giáo và sau bao cuộc tranh cãi, tôi mới bắt đầu nhận thấy nỗi bất bình chống đối của các bậc đàn anh đã có cơ sở hơn tôi đã tưởng. Tôi nghĩ có bổn phận phải xem xét lại vấn đề kỹ lưỡng hơn; tôi tham khảo các sách vở, các nhà Nho ngoại đạo và Công Giáo am tường vấn đề; tôi không gặp được ở đâu cũng như một điều gì tán đồng sắc lệnh…. Tất cả những gì người ta  (nhóm chống thờ cúng tổ tiên) đã nói về việc lạy người chết như một việc tôn thờ ngẫu tượng, thất hoàn toàn kỳ quặc và không thể chấp nhận được đối với những ai đã sống trong xứ này … Người ta muốn loại bỏ không còn một chút gì có thể nghi ngờ là mê tín dị đoan, nhưng ai muốn đi xa hơn thế sẽ lầm đường và đặt những chướng ngại không thể vượt qua cho việc bành trướng đức tin” 

(GUY MARIE OURY, “Le Vietnam des Martyrs et des Saints”, nxb Le Sacrement-Fayart, 1988 . “Giáo Hội Việt Nam thời các thánh Tử Đạo”, trang 112-113).

Đó cũng là mong mỏi của vua Gia Long lúc còn là chúa Nguyễn Ánh vào năm 1789 đã bày tỏ quan điểm của mình với Giám Mục Bá Đa Lộc như sau:

“Tôi rất mong việc thờ cúng tổ tiên có thể hoà hợp được đạo Công Giáo, vì theo cách nhìn của tôi, không có chướng ngại nào khác ngăn trở cả nước của tôi theo đạo. Tôi đã cấm việc phù phép và bói toán, tôi cũng xem việc tôn thờ các thần tượng là sai lầm và dị đoan, và nếu tôi còn để cho các sư sãi hoạt động, là để khỏi làm mất lòng dân. Việc độc thê cũng không phải là điều không thể chấp nhận. Nhưng tôi quyết duy trì việc thờ cúng tổ tiên, và như tôi đã trình bày với Đức Cha không có gì kỳ quặc trong đó hết, nó là nền tảng giáo dục của chúng tôi. Nó dạy con cái từ lúc còn thơ lòng hiếu kính và ban cho cha mẹ cái quyền cần thiết để ngăn chặn những rối loạn trong gia đình. Lòng thờ kính tổ tiên ăn sâu vào lòng mọi người dân; tuy nhiên, như Đức Cha, tôi cũng muốn nó được xây dựng trên sự chân thật và tránh xa những gì sai lạc … Tôi cũng sẵn sàng sửa đổi những nghi lễ nào mà Đức Cha xét thấy là mê tín, nhưng nếu tôi dẹp bỏ tất cả, tôi càng làm tăng thêm mối nghi ngờ của dân chúng đối với cách suy nghĩ của tôi và có thể rằng, nếu họ nghĩ rằng tôi đã thay đổi tôn giáo, họ không còn trung thành quý mến tôi nữa. Tôi xin Đức Cha quan tâm đến điều đó và để cho người có đạo sống gần gũi hơn với những đồng bào khác của họ. Cách cư xử này, một điều tốt giữa những cá nhân, trở nên cần thiết cho những người nắm giữ những địa vị cao trọng trong nước …” (GUY MARIE OURY, sđd trang 114).

             Phải đợi đến năm 1939, khi mọi sự sáng tỏ hơn, Tòa Thánh mới cho phép Giáo Hội Trung Hoa giữ các tập tục địa phương có tính lễ nghi. Riêng tại Việt Nam phải đợi đến năm 1964, Tòa Thánh mới ban hành Huấn thị “Plane  compertum est” cho phép thờ cúng tổ tiên và các danh nhân. Ngày 14/6/1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới ra thông báo về việc này:

“Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia, tại Việt Nam, có tính tôn giáo, nhưng nay vì tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo Hội Công Giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và còn khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ, và tùy theo trường hợp.

Vì thế những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ thì được thi hành và tham dự cách chủ động.

Trái lại, vì có nghĩa vụ bảo vệ cho đức tin Công Giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp thuận cho người tín hữu có những hành vi , cử chỉ, hoặc tự nó, hoặc do hoàn cảnh, có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.

Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công Giáo (như bất cứ lễ nghi nào biểu lộ lòng tùng phục và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo như là đối với Thiên Chúa) hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự (của các tôn giáo khác)… thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động, như đã ấn định trong Giáo luật khoản 1258…

Đối với những việc mà không rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo) mà chỉ biểu lộ một tâm tình tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin, nên được thi hành và tham dự. Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cần thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động…” ( Trích dẫn của VÕ TÁ KHÁNH trong “Tin mừng cho người muốn nghe”, bài 29, bản rônêô, trang 16-17.)

             Ngày 14/11/1974 HĐGM VN lại nhắc lại thông cáo trên với một số hướng dẫn cụ thể như sau:

“Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: ‘Những cử chỉ, thái độ, lễ nghi (sau đây) có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao để tỏ lòng hiếu thảo tôn kính và tưởng niệm các tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động’.

1) Bàn thờ Gia Tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan như Hồn Bạch…

2) Việc  đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.

3) Ngày giỗ cũng là ngày ‘kỵ nhật’ được cúng giỗ trong gia đình theo phong tục địa phương miễn là loại bỏ những gì là dị đoan, mê tín như đốt vàng mã… và giảm thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính biết ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn.

4)Trong hôn lễ dâu rể được làm ‘lễ tổ, lễ gia tiên’ trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.

5) Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người qúa cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.

6) Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng, quen gọi là ‘Phúc Thần’ tại đình làng để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các ‘yêu thần, tà thần’.

Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có sự hiểu lầm, nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu, khích lệ, thông cảm…

Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ, theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền ‘phải thảo kính cha mẹ’, là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.”  (Trích dẫn của NGUYỄN VĂN TRINH, trong “Lịch sử Giáo Hội Việt Nam”, cuốn II, ĐCV Giuse  1994, trang 126.)

             Nói chung, Hội Thánh muốn đem đức tin của mình thánh hóa các phong tục địa phương, dùng phong tục địa phương để diễn tả đức tin. Còn mối bận tâm của các nhà truyền giáo là rao truyền đức tin một cách thật chính xác và nếu chưa nắm rõ được các tập tục này thì họ vẫn phải dè dặt cân nhắc để không làm phương hại đến đức tin chính thống.

             Như vậy đứng trước vấn đề thờ kính tổ tiên, có thể là giáo quyền chưa hiểu đúng các lễ tục dân gian hoặc tầm nhận thức của dân chúng trước các lễ tục ấy vẫn còn nhập nhằng chưa rõ ràng, hoặc có thể chính các lễ tục ấy có nguy cơ làm cho nhận thức non yếu của dân chúng rơi vào mê tín.

             Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, Hội Thánh chú tâm đặc biệt vào vấn đề hội nhập văn hóa và coi đó là một trong những phương thức truyền giáo: “Nhập thể Tin Mừng vào nền văn hóa bản xứ và cũng là du nhập những nền văn hóa này vào đời sống của Hội Thánh” (ĐGH GIOAN PHAOLÔ II,thông điệp “Slavorum Apostoli”, 1985, số 21.)

 

III - Gạn đục khơi trong

             Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao cuộc biến thiên sao đổi đất dời, một số nền văn hóa của nhân loại bị chôn vùi theo nămtháng vì nó không còn hợp thời hay không được canh cải để thích ứng với thời mới. Phong tục thờ kính tổ tiên của Việt Nam ta có thể được coi là một nền “văn minh tình thương”để biểu lộ cái cốt lõi của đời sống con người đối với nhau là cái tâm qua hình thức lễ cúng. Cho dù con người có bất đồng quan điểm về tín ngưỡng tôn giáo, chính trị, luân lý… thì bất kỳ ở đâu và thời nào, người ta ai cũng khao khát tình thương và mong muốn được đáp trả bằng tình thương.

 “Người Việt Nam thờ phụng tổ tiên chính là hiếu, và vì sự biết ơn các bậc sinh thành, nuôi nấng và tác thành ra mình.

Nước Việt Nam đã trải qua bao cuộc hưng vong  phế chuyển, việc thờ phụng tổ tiên vẫn tồn tại. Người Việt Nam tuy có theo các tôn giáo nhưng vẫn không bao giờ vì tôn giáo mà bỏ các đấng sinh thành ra mình, nghĩa là bỏ tổ tiên được”  (TOAN ÁNH, “Nếp cũ – Tín ngưỡng VN”, sđd, trang 94)

“Nền văn hóa Việt Nam vốn đa dạng, phong phú và có bề dày truyền thống mà ở đây không chỉ biểu hiện là mặt hình thức nghi lễ, nhưng còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa về mặt triết học, nhân sinh, ý thức gia bản, cội nguồn… mà ngày nay mọi gia đình người Việt Nam vẫn còn giữ được.

Trong chiều hướng mới chúng ta còn phải tiếp tục phát huy tốt hơn nữa những mặt tích cực, có ý nghĩa và từng bước hạn chế, khắc phục những khía cạnh tiêu cực không còn phù hợp với nếp nghĩ, nếp sống hiện nay.” (Lời giới thiệu của nhà xuất bản Đồng Tháp trong cuốn “Phong tục thờ cúng trong các gia đình VN” của TOAN ÁNH, HCM 1996, trang 5.)

             Với tinh thần gạn đục khơi trong, chúng tôi muốn phục hồi lại một số tập tục liên quan đến chữ hiếu mà có lẽ những người theo đạo Công Giáo đã quên lãng trong vòng mấy trăm năm qua do việc Tòa Thánh cấm thờ cúng tổ tiên, bây giờ trở lại bình thường xem ra khó hội nhập. Đành rằng trải qua bao đổi thay ấy, người Công Giáo Việt Nam vẫn giữ được nét chính yếu là lòng hiếu thảo, dù có bỏ qua một số cách thực hành của truyền thống dân tộc, như lời nhận xét của tác giả Toan Aùnh:

“Những người theo Thiên Chúa giáo tuy không lập bàn thờ tổ tiên, nhưng không phải là không thờ phụng tổ tiên. Những ngày giỗ chạp họ vẫn làm cỗ và cầu nguyện cho người đã khuất,  và việc không có bàn thờ tổ tiên chỉ là việc chuyển đổi bàn thờ tổ tiên đến bàn thờ Chúa, như vậy nghĩa là vẫn có sự thờ phụng tổ tiên qua bàn thờ Chúa.”  (TOAN ÁNH, “Nếp cũ – Tín ngưỡng VN”, sđd, trang 24.)

         Ngày nay Giáo Hội đã nới rộng, đề cao nền văn hóa địa phương để làm phong phú hóa đời sống Kitô hữu. Những điều xưa kia bị coi là cấm chỉ thì nay “được thi hành và tham dự cách chủ động” đâu thể cứ mãi ‘giạâm chân tại chỗ’cả mấy chục năm nay.

         Thật là hợp lý khi Chúa Giêsu dạy: “Hãy yêu người bên cạnh như chính mình” (Mt 19,19b) ! Người bên cạnh đầu tiên trong đời ta là ai nếu không phải là cha mẹ, ông bà. Bởi thế mà trong 10 giới luật, có một giới luật riêng dạy “thảo kính cha mẹ”. Đối với người đã khuất, chúng ta phải bày tỏ điều gì nếu không phải là lòng yêu mến biết ơn, chúng ta mong muốn điều gì nhất cho các ngài nếu không phải là cõi phúc ngàn thu mà người Công Giáo gọi là Thiên Đàng. Ngoài giới răn thảo kính cha mẹ ra, đạo Công Giáo còn thiết lập các lễ cầu hồn, và hàng ngày trong bất cứ thánh lễ nào cũng nhắc nhớ đến “các bậc tổ tiên và thân bằng quyến thuộc chúng con đã lìa cõi thế” (Kinh nguyện Thánh Thể II). Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8), và cha mẹ được coi là hình ảnh, là thay mặt Thiên Chúa ở trần gian để dạy dỗ, thì đạo Công Giáo không thể xa rời đạo lý làm người, nhất là đạo hiếu.

Nghi lễ cúng tế làm cho con cháu thấy gần gũi ông bà cha mẹ, dường như các ngài đang cảm thông và động viên tinh thần con cháu.

“Đối với người Việt Nam, chết chưa phải là chết hẳn, thể xác tuy chết nhưng linh hồn vẫn còn lui tới với gia đình.

Sự tin tưởng vong hồn ông bà cha mẹ ngự trên bàn thờ có ảnh hưởng nhiều đến hành động của người sống… Người ta sợ mang tội bất hiếu nếu làm cho vong hồn cha mẹ phải tủi hổ qua hành động của mình.”  (PHAN KẾ BÍNH, “Phong tục Việt Nam”, nxb Khai Trí, Sài Gòn 1973, tr 24-25.)

             Điều này rất gần gũi với tín điều các thánh cùng thông công của đạo Công Giáo: Chết không phải là hết nhưng là bắt đầu một cuộc sống mới, giữa người sống và người chết vẫn có sự hiệp  thông nào đó, vẫn chia sẻ cho nhau những phúc lộc thiện hảo.

“Đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ cư ngụ vĩnh viễn trên trời” ( Kinh Tiền Tụng trong Thánh Lễ An Táng) .

 

Việc thờ cúng tổ tiên còn nhắc nhở con cháu nối chí tiền nhân. Tiền nhân đã ăn ngay ở lành, con cháu sẽ noi gương đó.

             Gương các thánh Tử Đạo Việt nam còn đó! “Hãy sống Phúc Aâm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”  (Thư chung của HĐGM VN năm 1980.)

 

IV - Một vài hình thức thờ cúng tổ tiên

HỒN BẠCH LÀ GÌ ?

             Trong thông cáo của HĐGM VN ngày 14/11/1974 có chỉ dẫn:

“Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan như hồn bạch…”

             Vậy việc thiết lập hồn bạch như thế nào mà Giáo hội cho là mê tín dị đoan không nên tiến hành ?

             Theo tác giả Sơn Nam, thiết lập Hồn Bạch là:

“Dùng một giải lụa đặt trên ngực người đang hấp hối, khi tắt thở thì tưởng như hơi thở (sức sống) của người quá cố gom vào miếng lụa. Bèn thắt miếng lụa nọ như hình con người, đại khái phần đầu, 2 tay, đầu giải lụa để lòng thòng như 2 chân, sau khi tẩm liệm thì đặt lên bàn thờ, hoặc treo gần bàn thờ.” (SƠN NAM, “Thuần phong mỹ tục VN, Quan Hôn Tang Tế”, nxb Đồng Tháp, HCM 1994, trang 61.)

             Theo chúng tôi, việc thiết lập Hồn Bạch này có lẽ muốn níu kéo người đã khuất ở lại với người còn sống, muốn kính người đãkhuất như là còn đang sống, “sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn”. Xét về ý hướng là điều tốt nhưng về việc làm dễ gây hiểu lầm, hơi giống kiểu cách ma thuật bùa ngải. Hơn nữa, việc làm này không cần thiết lắm, có thể thay thế bằng những hình thức khác, như là bài vị chẳng hạn, vẫn nhắc nhớ được sự hiện diện của người đã khuất mà không mang tính dị đoan.

 

BÀI VỊ (Thần Chủ)

             “Bài” là tấm gỗ, “vị” là ngôi thứ, như vậy bài vị được hiểu là một tấm gỗ chép tên tuổi, chức tước, thứ bậc của người đã khuất để tôn kính trên bàn thờ tổ tiên. Bài vị còn được gọi là thần chủ (linh vị).

“Thần chủ làm bằng gỗ táo, lấy nghĩa rằng cây táo sống lâu được nghìn năm. Thần chủ dài vào khoảng hai tấc rưõi, ở giữa đề tên họ, chức tước, còn hai bên thì để ngày tháng sinh tử của tổ tiên”  (TOAN ÁNH, “Phong tục thờ cúng trong gia đình VN”, nxb Đồng Tháp, HCM 1996, trang 84.)

“Thần chủ, cũng gọi là bài vị, ghi tên húy, tên thụy và phẩm tước nếu có của thủy tổ với ngày sinh, ngày chết, thường đặt trong một cỗ khám hay một cỗ ỷ, cỗ ngai, trên bàn thờ trong cùng gian giữa. Đằng trước là sập tôn và hương án với những đồ thờ.

Trên bàn thờ hai gian bên đặt thần chủ các vị tổ phân chi. Tổ phân chi có thể là con  hoặc cháu xa đời của thủy tổ. Có khi hai tổ phân chi được thờ riêng mỗi vị một gian, có khi hai, ba, bốn vị được thờ chung một gian, còn một gian thờ hậu nếu có…

Tất cả những thần chủ đủ 4 đời kể từ thế hệ cuối cùng trong nhà trở lên, đều đặt trong khám gian (thờ khám gian để có chỗ bày đưọc nhiều thần chủ), mỗi khi có giỗ vị nào thì rước thần chủ vị ấy ra đặt đằng trước khám, làm lễ xong lại rước vào để nguyên vị”  (NHẤT THANH & VŨ VĂN KHIẾU, “Đất lề quê thói”, nxb Tp HCM, 1992, trang 274-276.)

             Có lẽ bài vị cũng như một tấm bia ghi tên tuổi của người đã chết nhưng thay vì đặt trên mộ thì đặt trên bàn thờ nên cách làm có khác. Bài vị kính Đức Thượng Tổ Phạm Công Lộc hiện còn đặt ở từ đường ngành trưởng, là một mảnh gỗ xẻ đôi có khấc để ráp lại với nhau, một mảnh làm nắp, một mảnh được bào lõm ghi tên tuổi sinh tử, (như chúng tôi đã trình bày ở trang 23), được đặt trong một cỗ khám có màn che.

             Có lẽ ngày xưa không có máy ảnh nên việc vẽ chân dung người qúa cố là qúa khó khăn và hiếm hoi nên thay vào đó là tấm bài vị. Ngày nay nhiều gia đình không lập bài vị nhưng thay vào đó là khung ảnh chân dung người quá cố với một vài hàng chữ ghi tên tuổi đặt trên bàn thờ tổ tiên.

             Theo chúng tôi, trên bàn thờ gia tiên có đặt di ảnh của người quá cố là chuyện đương nhiên nên làm, ở giữa bàn thờ cũng nên có đặt bài vị chung cho mọi người được kính nhớ trên bàn thờ gia tiên. Ngày nay đâu nhất thiết phải lập bài vị bằng gỗ, có thể đánh máy vi tính lên giấy, có thể vẽ trên gỗ sơn mài, có thể khắc trên đá, trên tấm mica…

 

LỄ BÁI (vái lạy)

             Trong một gia đình với nhau, người ta cũng cần một nghi thức tối thiểu được bày tỏ ra bên ngoài bằng những lời nói, cử chỉ nhất định nào đó. Trong một xã hội, những nghi lễ bên ngoài lại càng cần thiết để mọi sinh hoạt chung có nền nếp. Đành rằng cái tâm là quan trọng và nền tảng nhất, nếu không có tấm lòng bên trong thì hình thức bên ngoài chỉ là giả dối che đậy, nhưng cái tâm cũng cần phải được bộc lộ ở  một hình thức tối thiểu nào đó.

             Lễ bái không những là một cử chỉ giao tiếp lịch sự thông thường nhưng nó cũng còn biểu lộ một cái gì linh thiêng, thành kính nhất tận thâm tâm con người, đồng thời cũng biểu lộ thứ bậc của người được giáo dục (thông thường người lớn không lạy người bé vai vế hơn mình). Ngày nay hoàn cảnh xã hội thay đổi nhiều, não trạng con người thời nay cũng khác xưa, nói đến bái lạy cũng thật là phức tạp vì chúng ta được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, dù rằng nội dung vẫn là một còn hình thức thì qúa thay đổi.

             Phải chăng vì thế mà những nghi lễ của cha ông ta ngày xưa đã lỗi thời, không chuyển tải được nội dung cao quý nhất của lòng người chăng ?

             Chúng tôi chỉ xin được lược qua một số những nghi tiết liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên để mỗi người, mỗi gia đình tuỳ nghi ứng dụng.

Các hình thức lễ bái:

             Vái lạy là phép xã giao thời xưa, không chỉ dùng trong cúng tế mà người sống cũng lạy nhau, không chỉ người dưới vái lạy người trên mà người trên cũng lạy đáp lễ.

             Tác giả Sơn Nam đã định nghĩa các hình thức bái lạy như sau:

·         Xá, (theo Huỳnh Tịnh Của) là chắp hai tay đưa xuống, tỏ dấu cung kính.

·         Khấu, (cũng theo học giả trên) là cúi đầu, khấu đầu. Khấu bái là lạy. Như vậy ta có thể suy luận: “xá” chỉ đơn thuần là động tác của tay, còn khấu là động tác của đầu. Nhưng trong thực tế, khi chắp hai tay xá thì mặc nhiên, theo quán tính, phải cúi đầu, không sâu lắm.

·         Vái đồng nghĩa với xá, trong ngôn ngữ người dân miền Nam.

·         Lạy (hay còn gọi là lễ) là kiểu lạy thông thường nhưng đi sâu vào chi tiết thì rất phức tạp, nhất là giải thích theo Bát Quái Âm Dương  với những qui tắc “ngũ thể đầu địa” (2 tay, 2 chân và đầu phải đụng đất) hay “tọa cốt đầu địa” (đàn bà ngồi co 2 chân qua một bên mà lạy). (SƠN NAM, “Nghi thức và lễ bái của người VN”, nxb Trẻ, HCM 1997, tr 208.)

Lạy như thế nào ?

             Bái lạy có nhiều kiểu cách, lạy trong giỗ kỵ, Tết nhất khác nhau, lạy theo kiểu học trò lễ thày thì khác:

             Lạy thường là đứng chắp tay, xá một cái rồi khum người xuống, quỳ gối rồi mọp đầu xuống mà lạy.  (x. PHẠM CÔN SƠN, “Hôn lễ và nghi thức”, nxb Đồng Tháp, HCM 1994, tr 143.)

              Lạy đám tang: hai tay chắp lại, ngón tay để thẳng ngụ ý cầu khẩn, đầu cúi xuống , hai lòng bàn tay mở ra, rồi quỳ xuống mà lạy.  (x. SƠN NAM, “Nghi thức và lễ bái của người VN”, sđd, trang 44.)

             Lạy trong lễ cưới như sau:

“Đứng thẳng người , cách bàn thờ 1 mét. Hai mũi chân ngang nhau, đưa hai cánh tay ra trước mặt làm thành một vòng cung, bàn tay trái áp bộc bàn tay phải, nắm chặt các ngón lại, đưa hai nắm tay lên ngang mày, rồi kéo áp xuống ngang bụng.

Đưa chân trái tới trứơc, hơi khum người đặt hai tay vẫn nắm trên đầu gối trái, hơi ngả người, chân phải qùy gối, chân trái rút lại quỳ tiếp theo, hai tay vẫn nắm kéo sát lên ngực (xong tư thế quỳ).

Hai tay vẫn nắm nhau đưa lên ngang trán rồi cúi mình, hai bàn tay rời nhau áp xuống mặt đất (hoặc vẫn nắm nhau), trán kê trên hai bàn tay.

Ngẩng đầu và người lên, hai tay trở về vị trí quỳ.

Đặt hai tay lên đầu gối chân phải, rút đầu gối lên rồi đứng dậy là xong một lạy.

Trong lúc chú rể lạy thì cô dâu ngồi bẹp xuống chiếu, hai chân vét về phía trái, hai tay chắp lại trước ngực, chờ chàng rể mọp đầu lạy thì cũng mọp đầu theo cùng một nhịp để lạy. Khi chú rể đứng lên thì cô dâu ngẩng người lên và ngồi thẳng chờ lạy kế tiếp.

Sau ba lạy, chú rể và cô dâu cùng đứng dậy, cùng xá nhau một lượt ba cái.”  (PHẠM CÔN SƠN, “Hôn lễ và nghi thức”, sđd, trang 144-145.)

             Bái lạy thông thường có thể thực hiện như sau:

“Đứng thẳng, chắp hai tay giơ cao lên ngang trán, cong mình xuống, hai tay vẫn chắp.

Quỳ gối bên phải rồi gối bên trái xuống chiếu.

Cúi rạp đầu xuống sát đất trên hai tay đang chắp (đến đây là thế phủ phục).

Cất đầu và mình thẳng lên, đồng thời co hai tay vẫn chắp lên trước ngực và co đầu gối bên phải lên, đặt bàn chân phải lên chiếu để sửa soạn đứng dậy.

Đem hai bàn tay vẫn chắp xuống tì vào đầu gối bên phải mà đứng lên, chân trái đang quỳ tự nhiên theo cử động chót này cũng đứng thẳng lên là hết một lạy.” (NHẤT THANH & VŨ VĂN KHIẾU, “Đất lề quê thói”, nxb Tp HCM, 1992, trg 295.)

             Nếu là lễ tế thần, tế tổ thì như sau:

-  Bước lên chiếu tế, tiến tới ba bước, đứng xá rồi lui lại 1 bước.

-  Hai tay chắp giơ lên trước ngực, hai khửu tay khuỳnh ra, hạ gối phải rồi gối trái, (sửa lại vạt áo cho ngay ngắn).

-  Hai tay chắp đưa cao ngang trán, 10 ngón tay đan nhau còn 2 lòng bàn tay thì nằm ngang, 2 khửu tay khuỳnh ra.

-  Từ từ phủ phục sát đất, trong khi đó hai lòng bàn tay trở ngược lại đỡ lấy trán.

-  Cất đầu và mình thẳng lên, hai lòng bàn tay trở ngược lại.

-  Hai tay đan nhau hạ xuống đầu gối lấy thế rồi đứng dậy, lùi ba bước là xong một lạy.    (x. – SƠN NAM, “Thuần phong mỹ tục, Quan Hôn Tang Tế”, sđd, trang 210.

          _ TÂN VIỆT, “Tập văn cúng gia tiên…”, nxb VHDT, Hà Nội 1991, tr 100-1-3.

          _ P.N.K. , “Việt Nam Phong Tục…”, nxb Đại Hành, Sài Gòn 1965, tr 48-51.)

             Tóm lại, theo Á Đông, lạy là nghi thức “ngũ thể đầu địa”, tức là làm thế nào cho 2 tay 2 chân và đầu đụng mặt đất. Giữ nguyên tắc ấy là xong, có kiểu chắp tay mà để thẳng ngón tay, có kiểu nắm chặt hai tay, ngón tay tuân thủ kiểu “bắt ấn”. Có kiểu tiến tới ba bước, xá rồi lui một bứơc và quỳ xuống lạy, hoặc đứng một chỗ quỳ lạy lập tức, không bước tới bước lui. Có kiểu quỳ xuống, không đứng thẳng lưng sau mỗi lạy, cứ “cuốc” liên tục, đủ số lạy thì đứng dậy.

Lạy khi nào và mấy lạy ?

             Lạy khi nào, lạy mấy cái, xá mấy cái và lạy kiểu nào còn tuỳ mỗi trường hợp và tập tục mỗi địa phương: 

             Trong một buổi lễ giỗ, theo tác giả Nhất Thanh và Vũ Nhất Khiếu (‘Đất lề quê thói’, sđd, trang 295) , phải lễ 4 lạy và 3 vái, con phải lạy mẹ lạy cha, cháu phải lạy ông bà, còn chồng chỉ vái vợ (không lạy).

             Tác giả Toan Aùnh cũng nói: “gia trưởng khấn ba vái, và khi khấn xong, gia trưởng lễ 4 lễ thêm 3 vái, ta gọi là bốn lễ rưỡi” (TOAN ÁNH, ‘Phong tục thờ cúng trong gia đình VN’, sđd, trang 10) .

             Theo Tác Giả Sơn Nam (“Thuần phong mỹ tục”, sđd, trang 38) , con cái tạ ơn cha mẹ còn sống 2 lạy 3 xá, nếu cha mẹ đã chết thì 4 lạy 3 xá.

             Theo tác giả Phạm Côn Sơn, “về nguyên tắc thông thường bái lạy gồm có:

- Lạy Trời Đất 4 lạy.

- Lạy người chết 3 lạy.

- Lạy người sống 2 lạy.

            Có nơi theo tập quán tín ngưỡng địa phương thì lạy ông bà cha mẹ cũng 4 lạy, để tỏ lòng nhớ ơn ông bà cha mẹ to lớn cũng như Trời Đất” (PHẠM CÔN SƠN, “Hôn lễ và nghi thức”, sđd trang 143).  

             Trong buổi lễ phúng điếu, theo tác giả Sơn Nam:

“Trường hợp người không bà con,nhưng quen thân, lớn hơn một tuổi thì chỉ thắp nhang. Bằng một tuổi, vẫn lạy, kính trọng người đã ra đi sớm hơn mình, để ghi nhớ mãi ân nghĩa lớn chẳng biết cách nào đền ơn được.

Vợ chồng phải lạy nhau, bất chấp tuổi tác.

Trong tình thông gia, phải lạy, mặc dầu người quá cố nhỏ tuổi hơn.

Thời xưa, nặng về lạy, người phúng điếu lạy mấy lạy thì chủ nhà phải lạy đúng bấy nhiêu lạy (người phúng lớn tuổi thì người đáp lễ củng phải lớn).

Khách lạy 2 lạy là có ý nói còn trở lại, lạy 4 lạy là sẽ không trở lại, còn lạy 3 lạy là vẫn ngụ ý 4 lạy nhưng chừa một lạy dành cho cha mẹ”  (SƠN NAM, “Nghi thức và lễ bái của người VN”, nxb Trẻ, HCM 1997, trang 42-44.)

             Theo tác giả Toan Aùnh, chỉ phải đáp lễ bằng một nửa số lạy của khách phúng. Lạy người chết xong, khách cũng vái lại người đang đứng đáp lễ mình một cái.  (x. TOAN ÁNH, “Nếp cũ – Tín ngưỡng VN”, sđd, trang 311.)

“Khách phúng viếng lễ lạy 2 lạy rưỡi nếu xác còn quàn tại nhà, lạy 4 lạy nếu đã chôn cất xong”  (TOAN ÁNH, “Phong tục Việt nam”, nxb Khai Trí, Sài Gòn 1969, trang 512.

Nên làm thế nào ?

             Về bái lạy thì phức tạp như thế đó, chúng tôi thiết nghĩ phải “nhập gia tuỳ tục”, không nên bắt lỗi nhau. Chẳng hạn trong tang lễ, tang chủ quỳ hoặc đứng đối diện mà đáp lễ, còn khách viếng có thể quỳ lạy, có thể chỉ đứng thắp nhang rồi xá hoặc vái sâu.

             Cũng không nên chủ trương về nguồn là phải tuân thủ mọi qui tắc bái lạy. Ngay như người Trung Hoa, lễ bái của cô dâu chú rể trước bàn thờ gia tiên cũng được thu gọn trong “tam bái”: “nhất bái thiên địa, nhị bái phụ mẫu, tam bái phu thê”, bằng cách cả hai quỳ chắp tay vái sâu thay vì mọp lạy.

             Kiểu bái phủ phục nếu sử dụng phải thao dợt thật nhuần nhuyễn, nếu không, rất lúng túng và ngượng ngịu. Theo ý kiến chúng tôi, có lẽ cũng không nhất thiết phải lạy phủ phục, có thể chỉ đứng, hai tay chắp cao trước mặt rồi cúi thật sâu, khi ngẩng lên thì hai tay vẫn chắp rút xuống ngực là xong 1 lạy.

             Có người đề ra nguyên tắc bái lạy trong phụng  vụ Công Giáo là khi bái Chúa 3 lạy, bái các thánh 2 lạy và bái người chết 1 lạy, còn bái lạy trong các nghi thức khác như cúng giỗ, phúng điếu thì có thể bái lạy người quá cố ba hay bốn lạy cũng được.

             Nói tóm lại là chưa có một nguyên tắc bó buộc nào cả, lạy mấy lạy, lạy kiểu nào cũng được miễn là hiểu bái lạy đây chỉ là tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ và biết ơn, chứ không phải bái lạy một vị thần linh theo nghĩa tôn giáo.

 

CÚNG GIỖ

             Con người sinh ra rồi lớn lên, dựng vợ gả chồng sinh con đẻ cái, xây dựng sự nghiệp rồi cũng có lúc phải nằm xuống trút hơi thở cuối cùng, xa lìa trời xanh đất rộng, chia tay con cháu cùng bằng hữu, để lại bao nỗi tiếc thương cho người còn sống. Việc tổ chức tang tế, giỗ chạp trong các gia đình, các chi họ, gọi tắt là gia lễ, là việc hiếu mà người Việt ta từ ngàn xưa vẫn đều coi trọng.

             Lễ giỗ chỉ cúng từ cao tằng tổ trở xuống đến ông bà cha mẹ (4 đời). Giỗ trọng là giỗ cha mẹ hoặc ông bà, trên 5 đời thì tống giỗ, nhập chung vào lễ tế tổ.

             Buổi lễ giỗ cần hội đủ các yếu tố sau đây:

1- Bàn thờ người quá cố:

             Thường là bàn thờ gia tiên trong nhà có đặt hương ảnh, bài vị của người quá cố cách đặc biệt, thắp đèn hoặc nến, chưng hoa quả trên bàn thờ. Đằng trước bàn thờ là một bàn dài, gọi là hương án, giữa để lư hương hoặc bình cắm nhang, hai bên bày hoa quả và lễ cúng…

2- Lễ cúng:

             Ngoài dĩa hoa quả ra, có thể bày mâm cỗ hoặc có nơi bày tất cả đồ ăn thức uống lên, sau khi cúng xong mới sắp chén dĩa dọn ra bàn ăn. Đây là cúng trọng, còn cúng đơn thì chỉ cần chén cơm, quả trứng, hạt muối, li nước là đủ.

             Khi dọn đồ cúng thì dù chỉ một hạt cơm thừa, một thìa canh dư cũng không được nếm trước, phải cúng xong  mới được dùng, ấy cũng là một lòng rất thành kính của dân Việt ta.

Theo đức tin của người Công Giáo thì người quá cố không cần đến thức ăn vật chất, không cần dùng đến của cải, phương tiện trần thế, nhưng các lễ vật này chỉ nhằm bày tỏ lòng biết ơn và kính nhớ, muốn sắm sửa dâng kính ông bà cha mẹ như khi còn sống. Đó là tâm tình rất thiêng liêng cao quí mà mọi người phải tôn trọng, hiểu cho đúng  để gìn giữ và phát huy trong các nghi lễ gia tiên.

3- Chủ lễ:

             Chủ lễ bao giờ cũng phải là con trưởng nều là giỗ cha giỗ mẹ, cháu đích tôn nếu là ông bà. Ngay như người vợ hay anh chị em ruột của người quá cố cũng không bao giờ được đứng chủ lễ, nhưng luôn là người con trai trưởng. Nếu trưởng nam chết thì con trai cả của người trưởng nam đứng chủ lễ, nếu trưởng nam chết mà không có con trai nối dõi thì quyền lập tự  sẽ thuộc về người thứ nam và con trai cả của ngưới thứ nam này. Trường hợp chủ lễ quá nhỏ tuổûi không cử hành nghi lễ được thì người khác có thể thay thế nhưng vẫn cúng vái nhân danh người chủ lễ nhỏ tuổi này.

4- Tiến lễ:

             Nghi thức cúng lễ tuần tự từng bước như sau:

* Chủ lễ tiến ra chiếu lễ (trước đó đã phải rà soát lại lễ vật và bàn thờ) cùng với hai người chấp sự (giúp lễ, thường là con cháu trong nhà) bái chào di ảnh người quá cố [2 tay chắp cao, cúi mình sâu rồi ngẩng mình lên, 2 tay hạ xuống].

* Người chấp sự đốt nhang (thường là số que lẻ 3, 5, 7 vì số lẻ thuộc về cõi âm) từ ngọn nến hoặc đèn trên bàn thờ, không dùng lửa từ nơi khác, tách nhang để giũ cho tắt  (không nên dùng miệng thổi) rồi đưa cho chủ lễ.

* Chủ lễ nhận nén nhang giơ cao (dùng hai tay đan nhau mà kẹp nén nhang) vái một vái dài rồøi trao cho người chấp sự cắm vào bình. Có thể không dùng nhang mà chỉ bỏ hương vào lư hương có sẵn than đang cháy.

* Người chấp sự thứ hai mở nắp rượu rót vào li để trên đài (có thể bỏ nghi thức này nhưng rót rượu sẵn). Ngườichấp sự  kia cầm đĩa có đựng văn khấn đặt sẵn ở hương án đưa cho chủ lễ.

* Chủ lễ nhận văn khấn và bắt đầu đọc (nếu không có văn khấn viết trước thì khấn tự phát).

* Chủ lễ đọc văn khấn xong, tự tay mình đốt văn khấn hoặc giao cho người chấp sự đốt  rồi bỏ trên đĩa hoặc trong lư hương. Có thể bỏ nghi thức đốt văn khấn.

* Sau đó mọi người lần lựơt theo thứ bậc vào lạy trước bàn thờ người quá cố, và buổi lễ kết thúc (trước lễ và sau lễ có thể hát một vài bài hát cầu cho ông bà tổ tiên  hay nhắc nhớ công ơn sinh thành, có thể cử nhạc, thổi kèn, đánh trống chiêng…).

5*- Văn khấn:

… (địa danh) ngày… tháng… năm…

             Trưởng nam (hoặc…) [họ và tên…] 

             Thừa lệnh mẫu thân (nếu mẹ còn sống)  [Nếu cha còn sống thì nói: “cung thừa phụ mệnh” (thừa lệnh phụ thân]

      Nếu mẹ còn sống thì nói: “cung hiệp mẫu mệnh” (vâng lệnh [hiệp cùng] mẫu thân)

      Chồng cúng vợ: chồng là… suất cac con…)  và chư thúc (nếu các chú còn sống) cùng với anh rể, chị gái và các em trai, gái, dâu rể, con cháu nội ngoại kính bái (hơi cúi đầu).

             Nay nhân ngày giỗ… (bách nhật, giỗ đầu, giỗ mãn tang…) của… (thân phụ…) đã tới, theo nghi lễ cổ truyền có chút lễ vật kính dâng để biểu iộ lòng thành kính (hoặc: theo nghi lễ cổ truyền cùng quây quần tỏ bày lòng hiếu kính)

             Trước linh vị của…  [Hiển khảo (cha), Hiển tỷ (mẹ), Tổ khảo (ông nội), Tổ tỷ (bà nội), Tằng tổ khảo (cụ ông), Tằng tổ tỷ (cụ bà), Cao tổ khảo, Cao tổ tỷ…]

Xin kính cẩn thưa rằng: … (nội dung văn khấn hoặc văn tế).

Trọng kính… (vị cao nhất được kính trên bàn thờ gia tiên) cùng chư vị tiên linh các bậc cao tằng tổ khảo, cô bác cậu dì, họ hàng hai bên nội ngoại cùng chứng giám và chung hưởng.

Cẩn cáo.

6- Nội dung văn khấn (văn tế):

             Văn khấn có thể dùng các loại thể văn vần tứ lục, lục bát, song thất lục bát… kể cả văn xuôi, nhưng phổ biến hơn cả là thể văn biền ngẫu.  (x. TÂN VIỆT, “Tập văn cúng gia tiên…”, nxb VHDT, Hà Nội 1991, trang 10.)

             Văn biền ngẫu cũng là một thể phú. Có những bài phú một vần hay nhiều vần, mỗi đoạn một vần theo thứ tự hạn vận. Trong văn điếu thường chỉ gieo một vần từ đầu đến cuối bài. Văn biền ngẫu có câu ngắn, câu dài, không hạn định số chữ, câu dài thì một câu chia thành nhiều khổ, trắc bằng xen kẽ nhau, khổ cuối cùng của phải hợp vận với cả bài.

             Đặc điểm của văn biền ngẫu là đối nhau giữa câu trên và câu dưới, đối nghĩa, đối vần, đối từng chữ hoặc từng cụm chữ, và phải vận dụng được thanh điệu bằng trắc nhịp nhàng, khi đọc lên xuống bổng trầm thanh thoát.

             Thể tứ lục gồm những câu bốn chữ, xen lẫn câu sáu chữ, hoặc mỗi câu hai vế đối nhau, mỗi vế có hai khổ: trên 4 dưới 6 hoặc trên 6 dưới 4, cũng có thể trên 7 chữ và không đòi hỏi đối chặt chẽ như thể biền văn hoặc thơ Đường luật. Nếu câu ngắn 4 hoặc 6 chữ thì xen kẽ cứ 2 câu vần trắc lại đến hai câu vần bằng.

7- Các bài mẫu để tham khảo:

LỄ GIỖ 

( x. PHẠM NGỌC KHUÊ, “Việt Nam Phong tục”, sđd, trang 81.)

… Nhân ngày húy nhật

Tưởng nhớ chân linh

Cẩn bày lễ lạc

Trà rượu cơm canh

Kính dâng Hiển Khảo

(Nếu giỗ bậc nào thì thay vào: Hiển tỷ (giỗ mẹ), Tổ phụ, Tổ mẫu, Bá phụ, Thác phụ, Cô mẫu, di mẫu, Hiền tỷ, Hiền muội, Hiền tẩu, Hiền thúc, hiền điệt, Huynh trưởng, Nhạc phụ, Nhạc mẫu)

…Cẩn cáo.

 

… Trộm nghĩ:

Đức cả sinh thành

Công tày hóa dục

Một phút bể dâu

Trăm năm sương móc

Tưởng nhớ ân dung

Ngậm ngùi thương  khóc

Đời này ăn quả

Kẻ trước trồng cây

Công ơn để bụng

Kỵ nhật tới ngày

Kính dâng lễ mọn

Xin chứng lòng ngay.

Cẩn cáo.

 

…Xin kính cẩn thưa rằng:

Giữa cõi trần ai

Mấy lần dâu bể

Nhớ xưa:

Nền đức vun dày

Nghĩa nhà lập để

Trăm năm con cháu những thương hoài

Muôn nỗi công ơn   khôn    xiết       kể

Từng trải Đông qua Xuân lại,   ngày     kỵ    tới rày

Gọi rằng lễ  bạc lòng thành, thường nghi kính tế

…Hỡi ôi xin hưởng.

 

…Than ôí !

Tháng lại ngày qua, nay lại đến ngày giỗ mẹ

Nghĩ đến công ơn trời bể, mang nặng đẻ đau.

Ngày đêm nâng niu     mớm, tối  sớm chăm  lo

Gia đường việc nhỏ việc    to,   quên ăn  quên  ngủ,

Trông nom dạy dỗ,  mong sao con cháu thảo hiền

Công ơn ấy chưa chút báo đền, xót xa thương nhớ.

Nay nhân ngày giỗ,

Kính dâng lễ bạc biểu lộ tấc thành.

Hương hồn mẹ anh linh, cúi xin chứng giám

Phù hộ cho con cháu an ninh.

…Thượng hưởng.

 

LỄ NHẬP QUAN, CANH THỨC, DI QUAN

…Thiết nghĩ ! Nhân sinh tại thế,

Hoạ mấy người sống tám, chín mươi.

Đôi ba mươi năn cũng kể một đời

Song vận số, biết làm sao tránh được

Nhớ hồn thuở trước trong buổi xuân xanh

Ơn mẹ cha đạo cả sinh thành, đêm ngày dạy dỗ:

Đường ăn, nỗi ở, việc cửa việc nhà

Lại lo bề nghi thất nghi gia

Cho sum họp trúc, mai mấy đoá

Cương thường đạo cả, lòng những lo hiếu thảo đền ơn

Nếp kiệm cần hằng giữ sớm hôm

May nối được gia đường cơ chỉ

Ba lo bẩy nghĩ, vất vả trăm bề

Cho vẹn toàn đường nọ lối kia

Tuy khó nhọc chưa cam thỏa dạ

Bỗng đâu gió cả, phút bẻ cành mai

Hoa lìa cây, rụng cánh tơi bời

Eùn   lìa tổ,   kêu   Xuân vò 

Tưởng hồn trường thọ, dìu con em, khuyên nhủ nên người

Ai ngờ sao lặn trăng dời, hồn đã biến về nơi Thiên Quốc.

Từ nay   lấy   ai   chăm sóc, ngõ cúc tường đào

Từ nay quạnh bóng ra vào, cỗi Nam cành Bắc

Ngày chày sáu khắc, đêm vắng năm canh

Tưởng phất phơ thoáng hiện ngoài mành

Tưởng thấp thoáng bóng hình trên khói

Hiên mai bóng rọi, vào ngẩn ra ngơ

Hết đợi thôi chờ, nắng hồng giá lạnh, ai hay số mệnh !

Bùi ngùi cám cảnh, tuôn rơi hàng nước mắt dầm dầm

Nhớ nơi ăn chốn ở buồngnằm

Như cắt ruột, xát lòng con, trên trần thế !

Nguyện một lòng chẳng dám bội ơn

Cầu anh linh phù hộ cháu con

Cầu ơn trên độ trì

Cho linh hồn phúc thật chốn trời cao.

…Kính nhớ.

 

LỄ ĐẮP MỘ XONG

…Than rằng:

Mây  bạc,   bay  mù thôn giã,  khôn lường tạo hóa, khéo xoay vần

Biển xanh, đắp đổi ngàn dâu, dễ     tỏ          trời, khi  khép   mở

Cõi    trần ai, sống thác là   thường

Song cơ biến, đổi  thay cũng    dở

Người về cõi   phúc, ngán   nỗi   duyên    do

Con    ơ û miền  trần, chạnh lòng thương nhớ

Aâm dương cách nẻo, bỗng chốc, ngàn thu   trong một phút, nhìn qua đống đất dạ rầu rầu

Trời đất    xa     vời, đã     đành, ba   thước định trăm năm, cảm đến ân   tình lòng bỡ ngỡ

Rày nhân:

Mả  đắp lưng   trâu

Nền xây sườn ngựa

Gối  quỳ   dâng, kim bôi     ba chén, luống những ngậm ngùi

Mắt trông thấy, thổ nhưỡng một gò, lo       còn     lỡ        chỡ

Thôi, thời thôi !

Mộ   phần nay đã  đắp xong, xót thay minh dương  cách   trở,  đành  ngóng

trông ngọn cỏ, biếc rồi xanh

Hương hồn xin hãy trở về,      gọi       khuya sớm  phụng thờ,  đành   hướng

 vọng ngàn mây, than  lại  thở.

 

GIỖ BÁCH NHẬT

…Than ôi !

Mây bạc   xa  ngăn cuộc thế, não nùng thảm cảnh, một  niềm  lo

Trời xanh nỡ để      mối  sầu, ngơ ngẩn buồn  tình, trăm việc rối

Ngậm ngùi trong dạ, luống băn khoăn

Sụt     sùi   bên lòng, thêm  nhức  nhối

Tưởng thừa   hoan, cảnh  muốn còn  lâu

Song   trần  mộng, người đà    lánh khỏi

Than ôi !

Aâm dương cách  biệt, sống gửi thác về

Mưa gió    thảm sầu, sao   dời vật  đổi

Ngày qua tháng lại, năm tuần  (hoặc “trăm ngày”) đọc văn tế       thân

Thỏ   lặn  ác      tà,  chung thất (hoặc “Tốt khốc”)   bầy lễ nghi theo thói

Thảm thiết nhẽ ! Đi    thương về nhớ, bóng tiên linh, đoái thấy những mơ màng

Đau  đớn  thay ! Than vắn    thơ û dài, lòng hậu tự,     biết  bao  chừng cảm  đội

Ngán thay ! Cây  muốn lặng, gió chẳng đừng

Nên    nỗi ! Ngày thêm buồn, đêm   lại      tủi

Thôi, thời thôi !

Người          về quê  tổ, biết    lấy chi   báo   đức, đền  ơn

Con (cháu) ở cõi trần, nguyện cầu được lượng tình, xá tội

Biết tìm  đâu, gót    tiêu dao, hạc  nội mây ngàn

Xin  thấu  rõ, cảnh bần bạc, lưng cơm đĩa  muối

…Hỡi ôi ! Xin hưởng !

 

GIỖ ĐẦU

…Than rằng:

Nhớ thuở trước, một nhà xum họp,  vui   vày những ước, đặng trăm năm

  bấy   nay,  đôi ngả cách   xa,  nông nỗi  nào    ngờ, nên   một  phút.

Ơn    chín   chữ, trời cao biển   rộng,   hiềm chưa  chút    cộng đền nghĩa trả,

 gánh cương thường, nghĩ nặng trên      vai

Đêm năm canh, thở vắn  than   dài,  những    màng    tiếng  nói  điều  ăn,

 lòng tưởng  vọng,     thấm đau trong ruột.

Cõi  trần  thế,     Xuân qua  Thu   lại,  ngày trời   kể,   chẵn một năm tròn (hoặc “hăm bốn tháng tròn”)

Giỗ tiểu tường  (hoặc “đại tường” lễ  bạc lòng thành,  chén rượu dâng, một   vài  tuần  rót.)

Nhà đơn bạc, còn nhiều bề khiếm khuyết,hương thơm, nến đỏ,  việc    lễ  nghi, tạm gọi theo thời

Bài  văn   ai, kể   mấy  khúc nôm    na, tâm    động, thần tri, miền minh phủ, may chi thấu chút.

…Oâi ! Thương ôi ! Thượng hưởng !

 

LỄ GIAO THỪA

… Kính cẩn thưa rằng:

Phút linh thiêng giao thừa vừa tới

Pháo vang lừng đón buổi đầu Xuân

Cầu mong vạn tượng canh tân

Tam dương khang thái, cung trầm lễ nghi

Nguyện ơn trên phù trì bảo hộ

Cầu anh linh tiên tổ lưu ân

Ban cho con cháu hạ trần

An ninh khang thái, muôn phần tốt tươi

Thiều quang chiếu rọi sáng ngời

… Cẩn cáo.

 

TẾT NGUYÊN ĐÁN

… Kính cẩn thưa rằng:

Nay theo tuế  luật

Mồng một đầu Xuân

Mưa móc thấm nhuần

Đón mừng Nguyên Đán

Cháu con tưởng niệm

Nội ngoại tổ tiên

Kính cẩn dâng lên

Lễ nghi vật phẩm

Cúi xin chứng giám

Biểu lộ lòng thành

Thỉnh cáo tiên linh

Cùng về hâm hưởng

Tôn linh tại thượng

Phù hộ độ trì

Năm mới mọi bề

Yên vui khang thái

… Cẩn cáo.

 

HÔN LỄ

Hôm nay ngày… tháng… năm…

             Chủ hôn là… người thôn… xã… huyện… tỉnh…

Có con trai (trưởng, thứ) tên là…

Kết duyên cùng… , trưởng nữ (thứ nữ) của ông bà…,

người xã…, huyện…, tỉnh….

Nay thủ tục hôn lễ đã thành, có chút lễ mọn theo phong tục lễ nghi thành hôn và hợp cẩn, kính dâng trước… (linh vị, liệt vị, gia tiên, chư chân linh).

Xin kính cẩn khấn cầu:

Khấn rằng:

Phúc tổ di lai

Sinh trai có vợ

(sinh gái có chồng)

Lễ mọn kính dâng

Duyên lành gặp gỡ

Giai lão trăm năm

Vững bền hai họ

Nghi thất nghi gia

Cầm sắt giao hoà

Trông nhờ phúc tổ

… Cẩn cáo.

 

Nay gặp:

Ngày lành tháng tốt

Việc cưới đã xong

Nên vợ nên chồng

Đẹp duyên đẹp phận

Vậy nay cáo yết

Cầu khẩn tôn linh

Xin tỏ tấc thành

Giáng ban trăm phúc

Như mai như trúc

Như phượng như loan

Chắp cánh ríu ran

Liền cành quấn quít

Giải đồng khắng khít

Bể ái sâu dày

Trâm lạy anh linh

Cúi xin hâm hưởng…

 

LỄ CÁO GIA TIÊN

(LM. PHẠM CÔNG PHƯƠNG phụng soạn, Sài Gòn ngày 7/5/1997.)


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà