NUÔI DẠY CON CÁI

Để xây dựng thế giới, Giáo Hội, Nước Trời

Thiên Chúa nói với tổ tông loài người: Hãy sinh sản cho đầy mặt đất (St 1,23). Lời Chúa truyền ngày xưa nhân loại chúng ta đã tương đối hoàn thành. Hiện nay, số lượng người đã trở nên viên mãn, khiến người ta phải nghĩ tới việc hạn chế hay kế hoạch hóa sinh sản. Nhưng đó mới chỉ là bổn phận về số lượng.

Còn bổn phận về chất lượng thì sao? Chúa nói : Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em (Mt 28,19-20). Bổn phận này chúng ta còn thiếu xót nhiều lắm. Chất lượng của nhân loại quả rất đáng lo ngại. Thế giới hiện nay đang bị đảo điên, đau khổ vì tội lỗi, chiến tranh, bất công, bạo hành, người bóc lột người, nạn đói, nạn mù chữ, mãi dâm, ma túy, buôn bán trẻ em, v.v... Tội lỗi, chiến tranh, bất hòa, ghen ghét, hận thù đã đi vào thế giới ngay từ khi xuất hiện những con người đầu tiên : Ađam, Evà, Cain, Abel... Và chất lượng của thế giới từ xa xưa đến giờ vẫn chưa tiến triển được bao nhiêu.

Nhiều khi chúng ta than phiền về thế giới, về những người đang điều hành thế giới này. Nhưng ít khi chúng ta ý thức rằng : Gia đình của chúng ta là một thế giới nhỏ. Hai thế giới - lớn và nhỏ - ảnh hưởng và phản ảnh lẫn nhau. Thế giới này thay đổi thì thế giới kia cũng sẽ thay đổi. Là cha mẹ, chúng ta đang làm chủ, đang điều hành cái thế giới nhỏ bé là gia đình của chúng ta. Nếu chúng ta không làm cho cái thế giới nhỏ bé mà chúng ta đang làm chủ ấy trở nên tốt đẹp hơn, nếu trong cái thế giới nhỏ bé của chúng ta vẫn còn có những điều không tốt đẹp, những điều xấu, thì chúng ta không có quyền than phiền về thế giới, hay trách cứ những người đang điều hành thế giới. Vì chính chúng ta cũng phải chia sẻ trách nhiệm với họ, khi chúng ta không làm cho thế giới nhỏ bé của chúng ta tốt đẹp, hạnh phúc, hòa bình hơn. Do đó, chúng ta phải xây dựng thế giới bắt đầu từ chính gia đình của chúng ta.

Là người Kitô hữu, chúng ta không chỉ có bổn phận xây dựng thế giới, mà còn xây dựng Giáo Hội và Nước Trời, trong hiện tại và tương lai, nghĩa là làm sao để Chúa Kitô thống trị thế giới và mọi tâm hồn. Cách tốt nhất và căn bản nhất vẫn là bắt đầu từ chính gia đình của chúng ta. Vì gia đình chính là một giáo hội nhỏ mà chúng ta có bổn phận phải biến thành một Nước Trời nhỏ, trong đó, có tình yêu ngự trị, và mọi sự đều tốt đẹp. Chúng ta phải Phúc Âm hóa gia đình của chúng ta, làm sao để mọi người trong gia đình chúng ta sống tốt đẹp, yên vui, hạnh phúc.

...     hãy nuôi dạy con cái cho tốt đẹp

Đi vào cụ thể, để góp phần xây dựng thế giới, Giáo Hội, các bậc cha mẹ phải sống tốt đẹp, phải hoàn thiện bản thân, đồng thời làm cho con cái mình cũng sống tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Trong hai việc đó, nuôi dạy con cái là việc hết sức quan trọng và có rất nhiều khó khăn, đòi hỏi các bậc cha mẹ không những phải đầy thiện chí mà còn phải đầy khôn ngoan, không những phải chính mình sống tốt đẹp làm gương mà còn phải giỏi nghệ thuật nuôi dạy con nữa. Sau đây là một vài điểm cần thiết để việc nuôi dạy con thành công.

1.      Hãy cầu nguyện, phó thác, và vững tin vào Chúa

Chúng ta có bổn phận phải nuôi dạy con cái, nhưng kết quả công việc đó không hoàn toàn tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta, mà còn tùy thuộc ở Thiên Chúa nữa. Chúng ta chỉ giống như người trồng cây, tưới, bón phân, chăm sóc cây... nhưng chỉ Thiên Chúa mới làm cho cây lớn lên (Xem 1 Cr 3,6-7). Vì thế, để nuôi dạy con cái cho kết quả, chúng ta cần cầu nguyện, phó thác và vững tin vào Chúa. Không có Ngài, chúng ta không làm được việc gì (Xem Ga 15,5b). Chúng ta đừng quá cậy dựa vào sức mình, vào khả năng dạy dỗ của mình. Nhiều khi chúng ta đem hết tâm hồn và nỗ lực ra để khuyên lơn, dạy điều hay lẽ phải cho con cái, nhưng chúng vẫn chứng nào tật nấy. Tại sao ? Vì ý chí của con người đã bị tội lỗi làm cho yếu đuối. Ai trong chúng ta cũng đều cảm nghiệm được sự yếu đuối ấy như thánh Phaolô đã diễn tả : Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm... Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi (Rm 7,15.18b-20). Con cái chúng ta cũng yếu đuối như chúng ta, chúng rất hiểu những gì là tốt đẹp phải làm, những gì là xấu xa phải tránh, nhưng cũng như chúng ta, chúng không làm nổi, không tránh nổi. Và theo thánh Phaolô, Đức Kitô chính là người có thể giải thoát chúng ta và con cái chúng ta khỏi sự yếu đuối ấy : Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này ? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Rm 7,24-25). Vì thế, trong việc nuôi dạy con cái, chúng ta phải nhờ cậy vào Đức Kitô rất nhiều. Không có sự giúp đỡ và thêm sức của Ngài, việc dạy dỗ của chúng ta sẽ thất bại.

Thêm vào đó, không phải chúng ta như thế nào, hay muốn con cái chúng ta như thế nào thì chúng sẽ ra như thế ấy. Tục ngữ có câu : Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Hãy xem lại chuyện cổ : Lưu Bị, Quang Trung... cha mẹ đều là những bậc anh hùng cái thế, luôn cố công dạy dỗ con cái với đủ mọi phương tiện trong tay, thế mà con cái chả ra làm sao : bố anh hùng mà con thì hèn nhát ! Nhiều người dạy dỗ con cái người khác thì thành công, nhưng dạy dỗ con mình thì thất bại : Dao sắc không gọt được chuôi. Vì thế, chúng ta đừng chỉ cậy vào khả năng dạy dỗ của mình, mà hãy trông cậy vào Thiên Chúa, bằng cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, và vững tin. Cũng đừng bao giờ thất vọng khi thấy con cái không được như ý mình. Còn ai đáng thất vọng về con cái hơn bà thánh Monica, thế mà nhờ cầu nguyện, hy sinh, hãm mình và vững tin, con của bà cho dù hết sức tội lỗi, đã trở về với Chúa, không những thế, còn trở nên một giám mục, và hơn nữa, một vị thánh, là thánh Âu-Tinh.

2.      Hãy giúp con cái sống đời Kitô hữu tốt đẹp

Lệnh truyền của Chúa Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ... dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em (Mt 28,19-20) phải được áp dụng trước tiên trong gia đình. Trước khi Phúc Âm hóa xã hội, thế giới, ta hãy Phúc Âm hóa chính mình và gia đình mình đã. Hãy biến con cái của chúng ta thành những Kitô hữu tốt. Làm sao để chúng thật sự tin, yêu và dấn thân theo Chúa. Khi chúng thật sự tin và yêu Chúa, việc giáo dục chúng coi như đã thành công.

Vì thế, phải làm sao để đời sống tâm linh của chúng đi vào chiều sâu, nghĩa là có tương quan thân thiện với Chúa, có đời sống cầu nguyện, biết hy sinh bản thân cho Chúa và tha nhân. Hãy tập cho chúng ngay từ hồi còn nhỏ có thói quen đọc Kinh Thánh, và bày tỏ với Chúa những tư tưởng, tâm tình có trong đầu. Tất cả những việc đó là thức ăn cần thiết cho đời sống tâm linh của chúng.

Những cha mẹ nào có đời sống tâm linh vững vàng sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc đào luyện đời sống tâm linh cho con cái. Thật vậy, người ta chỉ có thể cho đi những gì người ta có, và không thể cho những gì người ta không có. Vì thế, muốn con cái có đời sống nội tâm sâu xa, thì chính cha mẹ phải có trước đã. Khi con cái đã có tương quan thân thiện với Thiên Chúa rồi, thì việc giáo dục chúng trở nên nhẹ nhàng, vì không phải ta giáo dục chúng, mà chính Thiên Chúa giáo dục chúng.

3.      Hãy biểu lộ tình thương cho con cái

Con người luôn luôn cần tình thương. Không tình thương, con người không thể sống và phát triển được. Con cái chúng ta cũng thế. Tình thương chính là thức ăn, là cơm bánh chúng phải dùng hàng ngày để có thể phát triển bình thường về tâm linh, tâm ý, để có thể trở nên tốt lành, xả kỷ, vị tha... Những đứa trẻ không cảm nhận được tình thương của cha mẹ thường dễ trở nên ích kỷ, khó thương và khó dạy. Các bậc cha mẹ tuy rất yêu thương con, nhưng lại hay ngại tỏ ra cho chúng thấy, cứ sợ chúng ỷ lại, nhõng nhẽo, mà không nhìn thấy tai hại của việc ấy. Nhiều đứa trẻ than phiền với chúng bạn, hay với hàng xóm rằng cha mẹ không hiểu và không yêu thương chúng. Ý nghĩ đó khiến tâm hồn chúng càng ngày càng trở nên cằn cỗi, chua cay, co mình lại, và tệ hại nhất là chúng không thể tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa.

Thật vậy, đối với con cái, cha mẹ là hình ảnh cụ thể nhất của Thiên Chúa, và tình yêu của cha mẹ là hình ảnh cụ thể nhất của tình yêu Thiên Chúa. Chính qua tình thương của cha mẹ mà con cái hiểu và cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa. Có điều gì chúng ta cảm nhận được về Thiên Chúa mà không xuất phát từ những kinh nghiệm cụ thể đâu ? Vì thế, muốn con cái mình cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, để đáp lại tình yêu của Ngài, để saün sàng hiến thân cho Ngài, trước hết chúng ta phải làm sao để chúng cảm nghiệm được chính tình thương của chúng ta, rồi mới nói về tình yêu của Thiên Chúa sau.

4.      Không những dạy mà còn phải dỗ

Như đã nói trên, con cái của chúng ta cũng gặp tình trạng yếu đuối như chúng ta: Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm.... Chúng cũng cần một sức mạnh bên ngoài nào đó tác động vào trợ giúp cho ý chí yếu đuối của chúng. Và không có sự trợ giúp nào hữu hiệu, vô hại và hữu ích cho bằng tình thương, được biểu lộ qua sự dỗ dành. Tiếng Việt của chúng ta thường ghép hai từ dạydỗ lại với nhau : dạy dỗ . Muốn dạy thì phải dỗ, không dỗ không dạy được.

Thật vậy, cổ nhân nói : Giáo đa thành oán. Dạy nhiều, nói nhiều, răn đe nhiều, roi vọt nhiều mà không biết khéo léo dỗ dành, con cái của chúng ta sẽ khó chịu với những lời dạy đó, thậm chí chúng không thèm nghe nữa. Khi ta dạy nhiều quá, chúng có thể im lặng mà không lắng nghe, và có thể bỏ ngoài tai tất cả. Dỗ bao hàm nhiều nghĩa : có thể là vỗ về, an ủi, dẫn dụ, có thể là khuyến khích, van lơn, hứa điều tốt đẹp, có thể là bảo chúng làm điều mình dạy làm để đạt được điều chúng đang mong ước, v.v... Nhưng dỗ luôn luôn là một biểu lộ êm ái, ngọt ngào của tình thương, của sự mềm dẻo, ân cần. Dỗ cách này không được thì dỗ cách khác, dỗ đủ cách không được mới nên dùng tới đe dọa, hình phạt. Thay vì nói : Con học đi, không học là bố đánh đòn đấy ! thì nói thật ngọt ngào : Con ráng học đi, học xong bố sẽ chở con đi chơi một vòng, hay Ráng học nhe con, hôm nọ bố nghe cô giáo khen con trước mặt các phụ huynh khác làm bố hãnh diện về con lắm !.

5.      Năng nói chuyện tâm tình với con cái

Con cái và cha mẹ chỉ thông cảm nhau, hiểu được tình thương của nhau khi đối thoại với nhau thường xuyên. Không đối thoại, tình thân giữa cha mẹ và con cái không thể có được. Sở dĩ một người nào đó trở thành bạn thân của ta là vì ta và người ấy năng nói chuyện tâm tình, tâm sự với nhau, nên hiểu được lòng ruột nhau. Vì thế, cha mẹ phải cảm thấy thích thú khi nói chuyện với con cái, khi lắng nghe chúng tâm sự, và làm sao để chúng cũng thích thú khi nói chuyện với mình. Hãy coi chúng là những người bạn hơn là người dưới mình. Hãy bắt chước thái độ của Đức Kitô đối với môn đệ : Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Ga 15,15). Chỉ khi con cái ta saün sàng bầy tỏ tất cả những gì chúng nghĩ trong đầu, không dấu diếm vì sợ hãi hay ngại ngùng, ta mới có thể dạy dỗ chúng đúng hướng và hữu hiệu.

Kết luận

Mỗi gia đình là một thế giới nho nhỏ, một giáo hội nho nhỏ, một xứ đạo nho nhỏ mà chúng ta, những bậc cha mẹ, phải làm chủ, hướng dẫn, làm mục tử. Là mục tử của gia đình, chúng ta hãy trở nên mục tử tốt lành theo gương Đức Giêsu (Xem Ga 10, 11.14). Hãy làm sao để nói được như Ngài : Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10b), Tôi biết các chiên tôi và các chiên tôi biết tôi (Ga 10,14), Tôi hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên (Ga 10,11b.15b).

Cái thế giới hay giáo hội nho nhỏ ấy tốt hay xấu, có biến thành một Nước Trời nho nhỏ hay không, tùy thuộc vào chúng ta rất nhiều, vào sự điều khiển gia đình và nuôi dạy con cái của chúng ta. Nuôi dạy con cái cho tốt, chính là góp phần làm tăng chất lượng của thế giới và Giáo Hội lên. Và đó cũng là góp phần xây dựng Nước Trời, biến trần gian thành Vương Quốc của Thiên Chúa (Kh 11,15).

 

NGUYỄN CHÍNH KẾT


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà