Hôn nhân: Một Huyền Nhiệm

Vũ Hồng

 

Bài 1

 

Chuyện Dài Kể Mãi Không Hết

 

Nói đến hôn nhân, khởi đầu người ta nghĩ đến thế giới riêng của hai người nam nữ dưới một mái nhà, quanh một bàn ăn, và gần hơn nữa, trên một cái giường. Cho nên khi dạy về hôn nhân nói chung, người ta thường nói về những thứ như: Tâm lý bạn trai. Tâm lý bạn gái. Sinh hoạt phái tính,- Sexuality. Kế hoạch hóa gia đình, ngừa thai, thuốc men v.v. Rồi hy sinh chịu đựng, nuôi dạy con cái, kinh tế... Và nếu là lớp Giáo lý hôn nhân thì thêm phần Giáo luật và GL/Bítích.

       

Chuẩn bị hôn nhân với những cái đó và có giảng viên đúng, kể cũng là qúa tốt cho các bạn trẻ lắm rồi. Nhưng, thử hỏi chỉ những cái đó đã đủ là chất keo hạnh phúc gắn liền hai người với nhau suốt đời không? Nói cụ thể hơn, khi cơm không lành canh không ngọt, đĩa bay chén bể, thử hỏi có thể đem những thứ đã học trong lớp - kể cả Giáo luật - ra để cứu nguy sự tan vỡ gia đình không? Khó vô cùng. Giá thú còn xé chia đôi, huống hồ những lý thuyết nói rồi gió bay đi.

       

Bởi vì, nếu chỉ những cái đó đã đủ làm nên hạnh phúc hôn nhân, thì các nhà làm luật trên thế giới đã không phải mở cho hôn nhân một cái cửa sau để họ thoát ra: Ðó là cửa Ly Dị.

 

Tại sao vậy? Bởi vì những bài học tự nó không có quyền năng, còn lề luật chỉ là chữ chết,(2C3:6), mà hôn nhân lại là sự sống huyền nhiệm sâu thẳm tự con tim, là một sự liên kết sinh động trong từng đường gân thớ thịt giữa nam và nữ để nên một với nhau. Nên một trong đau buốt, và nên một trong hân hoan. Nên một cho đến chết. Sự nên một này nó mãnh liệt bên trong, không phải chỉ là cái hời hợt, vuốt ve, lãng mạn bên ngoàiỳ. Sự nên một do công trình hoàn hảo tuyệt mỹ của Ðấng Tạo Thành, đến độ người đàn ông đầu tiên khi nhìn vợ mình phải sững sờ reo lên: Qủa thật, nàng là xương của xương tôi, là thịt của thịt tôi.ọ Kn2:23. Và thánh kinh Tân Ước nhắc lại sự nên một mà hai người phải nâng niu trân trọng nhau, bằng lời: Có ai lại đi ghét xác thịt mình, trái lại người ta nuôi dưỡng mặc ấm nó. Ep 5:29.

 

Hôn nhân xuất phát tự Ðấng Tạo Thành

 

Chân lý này không riêng cho tôn giáo, mà chung cho nhân loại. Như vậy thì những ai đi vào Hôn nhân phải cùng nhau lấy cái Tâm của mình đi vào trong huyền nhiệm của tình yêu Ðấng Tạo Thành trước đã.

 

Kiến thức của con người dù giỏi đến đâu chỉ làm vui cái đầu, không đổi được con tim. Khoa học kỹ thuật cao đến đâu cũng không thể làm nên máu thịt. Biết bao người tài năng bác học, mà hôn nhân của họ vẫn lận đận lao đao. Biết bao đôi vợ chồng thế giá, giường êm nệm ấm, mà vẫn chưa được nếm biết một chút ấm áp của tình yêu. Cuộc hôn nhân vương giả của công nương Diana mới đây là một điển hình thê thảm.

 

Hôn nhân: Bí nhiệm & Hiện thực

 

        Bước vào hôn nhân là bước vào cuộc đời bí nhiệm và bước vào cuộc đời hiện thực.

 

1. Bí nhiệm là gì? Bí nhiệm trước hết là cái lòng. Cái lòng của con người nó bí nhiệm vô cùng. Lấy một ví dụ rất đơn giản: Anh chồng trẻ thấy vợ mới cưới mặt buồn rười rượi, bèn hỏi:

-Em nghĩ gì đó?

Cô vợ trẻ cố tươi mặt:    - Không gì.

Nghe trả lời vậy, anh chồng cũng đành chịu.

 

Bí nhiệm, là thân xác bên nhau nhưng lại không biết lòng nhau nghĩ gì.

Bí nhiệm là thân xác xa nhau nhưng lòng lại vẫn kề sát bên nhau.

Trong Cựu Ước nói về sự bí nhiệm của cái lòng người yêu: Hôn thê của anh! Em là vườn khoá chặt; Em là suối niêm phong.Dc 4:12.

 

Còn cái lòng của người không yêu cũng khủng khiếp khôn cùng: Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời. Ái ân lạt lẽo của chồng tôi. Rồi mùa thu chết, mùa thu chết. Vẫn giữ trong tim một bóng người. TTKH

Bí nhiệm là những kỳ công của Ðấng Toàn Năng hoạt động trong hôn nhân. Mang thai được ba tháng, đặt tay trên bụng vợ anh chồng hỏi:

- Trai hay gái em?

Vợ:    - Em cũng không biết nữa.

 

Trong Kinh thánh Cựu Ước, kể chuyện một bà mẹ đạo hạnh và bảy người con bị bắt đem ra pháp trường vì không chịu bỏ đạo Chúa. Bà mẹ đã nói lời này với các con:Các con của mẹ, mẹ không được biết làm sao các con đã xuất hiện trong lòng dạ của mẹ; không phải mẹ đã tặng cho các con sinh khí và sự sống; cũng không phải mẹ làm ra các yếu tố và hoà nhịp các yếu tố ấy để xây đắp nên mỗi đứa chúng con. Chính Ðấng Tạo Thành vũ trụ, Ðấng đã nắn ra con người khi sinh ra 2 M 7:22t

Ðối với kẻ tin, còn bí nhiệm rất quan trọng nữa là tình thương của Thiên Chúa hằng bao phủ trên hôn nhân để giúp họ liên kết với nhau, và hạt giống tội lỗi và Satan lại luôn tìm cách gieo bất hòa để chia rẽ hai người.

Vì tội ác ứa đầy, thì lòng yêu mến nơi nhiều người nguội mất.

Mt 24:12

 

2. Hiện thực là cái gì sờ mó được, cầm nắm được. Bởi vì hôn nhân là một người lấy một người chớ không phải một người lấy một cái bóng. Một người ôm ấp nhớ nhung một người, chớ không ôm ấp nhớ nhung một cái bóng. Một người hy sinh cho một người chớ không phục vụ một cái bóng. Và còn phải nói lên thực tế chua chát này: một người hành hạ, chửi mắng một người chớ không phải hành hạ chửi mắng một cái bóng. Còn con cái, nhà ở, tiền của, việc làm, v.v. nó là những cái bóng sao?

 

Tình Yêu Và Phái Tính (Love & Sex)

 

Rất nhiều bạn trẻ bước vào hôn nhân dễ bị lẫn lộn giữa Tình Yêu và Phái Tính. Ham muốn cao độ cứ tưởng là yêu thắm thiết, rồi thề rồi hứa đủ thứ, xong chuyện thì lời thề cá trê chui ống. Vì thế khi lớn tuổi phái tính đã nhạt phai, lại cho rằng Tình yêu cũng nhạt phai. Khi họ ít chăm sóc đến nhau thậm chí còn đối xử bất tương kính với nhau nữa, thì bào chữa bằng câu: Vợ chồng lớn tuổi rồi, tuy không còn tình nhưng còn nghĩa. Tự an ủi thôi! Không có tình thì làm gì có nghĩa.

 

Tình yêu không phải là Phái Tính: Tình yêu tổ quốc. Tình yêu tha nhân. Tình yêu mẫu tử phụ tử. Tình yêu chết trên thập giá của Ðức Giêsu. Tình yêu đổ máu của các thánh tử đạo. Thế nhưng trong Tình yêu nam nữ lại có hoạt động Phái tính (Sexuality) và rất cần Phái tính, cần đến độ không có nó thì hôn nhân không thành.

 

Tình yêu là tuyệt đối, không bao giờ tan biến nhạt phai. Phái tính là tương đối, nên có thể thay đổi đậm lợt theo tâm lý, hoàn cảnh, thời gian.

 

Phái tính mà có tình yêu làm cho 2 người yêu mến kính trọng nhau suốt đời. Phái tính chỉ theo nhu cầu mà không có tình yêu, dễ nhàm chán, rồi khinh rẻ nhau, còn có thể dẫn đến ghê tởm nhau.

 

Trong Tin mừng Chúa Giêsu theo thánh Yoan, có một chuyện về một phụ nữ Samarita, chị ấy bị đau khổ vì phái tính rất đáng thương. Chuyện kể như sau: (Xem Yn 4:1tt), Bữa đó bên giếng Giacob gần thị trấn Sykhar, có một phụ nữ Samari đến lấy nước. Bà ấy xin Ðức Giêsu nước uống đời đời không khát. Ðức Giêsu bảo bà ấy:

Hãy đi gọi chồng chị, rồi đến đây!

Người phụ nữ trả lời: "Tôi không có chồng.

 

Ðức Giêsu bảo: Chị nói phải: Tôi không có chồng!õ Vì chị đã năm đời chồng, còn người hiện có không phải chồng chị. Ðiều này, qủa chị đã nói thật.

 

Tội nghiệp cho người phụ nữ này, đã chăn gối với năm người đàn ông, mà trái tim vẫn lạnh băng, chưa nếm biết dù chỉ một giọt mật của tình yêu.

 

Chúng Ta Có Yêu Không?

 

Ðã là con người, ai cũng muốn Yêu và muốn được Yêu. Ai không Yêu là một quái vật. Những quái vật trên thế gian này từ sau Adam phạm tội thì nhan nhản khắp trái đất: Giết người, cướp của, gian dối, bép xép, đốt nhà, hiếp dâm, ngoại tình, bất trung, bất hiếu, bất nghĩa, giết vợ, giết chồng, phá thai, v.v. Những quái vật trên chỉ là điển hình xa. Còn những quái vật gần trong gia đình, là say sưa, nóng giận, lăng nhục, chửi mắng, đánh đập người hôn phối của mình v.v.

Những cái trên đã làm đau khổ người hôn phối, sói mòn tình yêu, lâu dần đi đến phá vỡ hạnh phúc gia đình. Tại sao con người phải đối xử với nhau vậy?

 

Bởi vì trái tim mọi người đã bị thương tổn do tội Adam và tội riêng mình. Tội phá vỡ lòng yêu mến, mà hôn nhân lại rất cần tình yêu. Vì thế khi con người tội lụy đi vào hôn nhân, tuy được muôn lời chúc Trăm Năm Hạnh Phúc, nhưng thật cái Hạnh Phúc trăm năm ấy nó khó khăn vất vả vô cùng, vì tội vẫn còn đó.

 

Tình yêu là quyền năng chữa lành và tha tội, sách vở đạo đức thế gian có thể nói về tình yêu chớ không có thể cho ai tình yêu. Tình yêu, chỉ mình Thiên Chúa có và chỉ Ngài trao ban. Ngài đã ban bằng trái tim chảy máu của Con một Ngài chết trên thập giá. Hôm nay Thiên Chúa mời gọi tất cả ai đang sống thiếu tình yêu thương nhau, nhất là trong đời hôn nhân, hãy tìm đến cùng Chúa Giêsu để có được tình yêu đích thật. Ngoài Chúa Giêsu, vô phương. Nhưng người ta không tin, mà còn rất ngại nói về Chúa Giêsu. Ngay cả trong nhiều bài giảng hôn nhân, hai chữ Giêsu thôi cũng ít được nói đến, mà chỉ khuyên luân lý đạo đức thế gian, cái mà người nghe rành hơn người nói. Cho nên nỗi bế tắc hôn nhân vẫn còn đó.

 

Nỗi bế tắc còn đó, bởi vì nếu tôi nói: Hạnh phúc hôn nhân của tôi, chỉ cần nhẫn nhịn chịu đựng lẫn nhau, hoặc chỉ cần nuông chiều vuốt ve nhau, không cần có tình yêu Ðức Giêsu thật là chuyện hão huyền hoang tưởng.

 


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà