Lời Hứa Hôn Nhân

Vũ Hồng

 

Anh (em) nhận em làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng nhu lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).

 

Lời thề lời hứa của nhân gian

 

Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, khi muốn làm một điều gì cho ai trong tương lai hoặc trong hiện tại, mà hoàn cảnh lúc đó không thể, hoặc không thích hợp để làm, nên đã có lời hứa.

 

Trên cõi nhân gian này, sự hứa hẹn giữa cá nhân trong giao dịch xã hội với nhau thì rất nhiều, nhưng giữ được lời hứa thì lại rất ít. Ðây chỉ nói đến lời hứa đúng đắn, không nói đến lời hứa nhăng hứa cuội của những kẻ cái gì cũng hứa, nhưng rồi không làm cái gì cả. Những kẻ họ Hứa này ở giai tầng xã hội nào cũng có.

 

Không giữ được lời hứa, cái đó có thể do lỗi của chúng ta, hứa rồi không làm. Cũng có thể do chúng ta muốn làm, nhưng đến lúc đó lại không đủ sức, đủ tài, đủ tiền để làm, nên đành thất hứa.

 

Hứa mà giữ tròn được lời mình đã hứa thật khó vô cùng, ngay cả đến một quốc gia đối với một quốc gia, lời hứa viết thành văn bản hiệp ước, mà vẫn bội hứa như thường. Trường hợp này trong lịch sử Việtnam và thế giới đã xảy ra rất nhiều.

 

Ðó là lời hứa của đời thường, nếu nói đến lời hứa của đời tình thì lại càng thảm thương. Ngàn ngàn trái tim đã tan nát vì hứa. Hứa đủ thứ, nhưng khi con ong đã tỏ đường đi lối về, hoặc gặp được một nhân tố khá hơn, thì mất hút mất tăm không còn ngoái cổ lại. Vì thế, chúng ta thấy các bài thơ bài hát về tình có bài nào vui đâu! Mười bài thì 9 bài rưỡi có nước mắt. Những người ở thế hệ tiền chiến, không ai là không nghe những lời ray rứt trong trong Hai Sắc Hoa Tygôn của TTKH: Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời. Ái ân lạt lẽo của chồng tôi. Rồi mùa thu chết, mùa thu chết. Vẫn giữ trong tim một bóng người. Hoặc những lời ai oán của Nguyễn Bính trong Lỡ Bước Sang Ngang: Người ta pháo đỏ rượu nồng, mà trong lòng chị một vòng hoa tang. Hoặc: Ai đem nhuộm lá cho vàng, Nhuộm đời cho bạc cho nàng phụ ta.

 

Và hôm nay không bạn trẻ yêu nhạc nào đã chẳng từng một lần nghe lời than trách tình nhân trong Bảy Ngày Ðợi Mong của Trần thiện Thanh: Anh hẹn em cuối tuần chờ anh nơi cuối phố. Biết anh thích bầu trời, em đã bồi hồi chọn màu áo xanh. Chiều thứ bảy người đi, sao bóng anh chẳng thấy. Rồi nhẹ đưa gót hài, chiều nghiêng bóng dài, áo em dần phai. Sáng Chủ nhật trời trong, nhưng trong lòng dâng sóng, chẳng thấy bóng anh sang . . .

 

Và còn tức tưởi hơn nữa, là những lời hận trong bản Tình Phụ của Ðỗ Lễ:

Tuy anh đã phụ lòng em, đau thương anh để lại, xót xa vô vàn . . . Những lời hẹn thề mà lòng tái tê. Thôi nhé anh! Còn hận tình này, bao nhiêu đắng cay . . . cho em cô đơn mãi mãi mà thôi. . . .

Và còn rất nhiều, rất nhiều bài ca ai oán não nề khác nữa. Thề hứa đó rồi nuốt lời đó.

Vì hứa dối thề gian qúa nhiều nên Việtnam ta có câu mỉa mai: "Thề cá trê chui ống".

 

Tuy nhiên nhìn về mặt tích cực, lời thề hứa của chúng ta lắm khi dù có thực tâm có chân thành đến mấy, cũng vẫn thấy nó vẫn cứ mong manh làm sao!Vì chúng ta, con người trần thế không một ai làm chủ được tương lai của mình. Tương lai của mỗi người đều nằm trong bàn tay một Ðấng nào đó. Chính vì thế có người suốt đời rong ruổi cũng vẫn không thực hiện được lời của mình đã thề hứa. Nhìn thấu sự hạn hẹp của khả năng con người, nên Ðức Giêsu đã nói:

"Anh em đã nghe bảo người xưa: Anh chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Chúa. Còn Ta, Ta bảo anh em. Ðừng thề thốt chi cả; Ðừng thề trời vì là ngai Thiên Chúa; Ðừng thề đất, vì là bệ dưới chân người. Ðừng lấy đầu anh mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời của anh em phải: Có, có! Không, không! Còn ngoài ra là tự Ác tà mà ra cả." (Mt 5: 33-37)

 

Lời thề lời hứa của Hôn nhân

 

Mưa chiều nắng sớm người ta bảo,

Cả đến ông Trời cũng đổi thay. (N.B.)

Trời đất còn đổi thay, huống hồ lòng người.

 

Vì cuộc sống có nhiều bất trắc, nên lời thề hứa của nhân gian nó mong manh vô cùng, vậy thử hỏi lời thề hứa của đôi hôn nhân trong nhà thờ, có gì vững chắc hơn? Và hôm nay thử hỏi những cặp vợ chồng đã ly thân ly dị, xem họ có thấy khả năng lời thề ngày lễ cưới, có sức mạnh gì giữ họ lại với nhau không?

 

Lời thề hứa hôn nhân trong lễ cưới, như ghi lại nơi đầu bài trên đây, chúng ta thấy, chẳng có gì đậm đà hơn, tha thiết hơn, hoặc bảo đảm hơn những lời thề hứa của đôi tình nhân bình thường, bởi vì nó cũng chỉ là lời thốt ra từ miệng hai con người mà thôi. Có khi còn thấy khô khan nhạt nhẽo, bởi vì nó đã trở thành công thức in vào giấy vào sách. Ðôi nào cũng phải cũng phải đọc như thế. Có khác chăng là khung cảnh của lễ cưới. Nhưng cảnh đó chỉ tăng thêm phần long trọng và làm vui lòng hai họ, chẳng có bảo đảm gì cho lời hứa của hai người. Lễ xong, tiệc tàn, ai về nhà nấy. Việc của đôi hôn nhân, ai để ý làm chi. Và như thế...

 

Tại sao phải có lời thề hứa trong lễ cưới?

 

Tại sao phải thề hứa trong lễ cưới? Thưa: bởi vì hôn nhân là một Bitich và cũng là một hôn ước nên phải có lời thề hứa. Giáo luật số1055-2 cũng đã viết như thế. (Quare inter baptizatos nequit matrimonialis contractus validus consistere, quin sit ep ipso Sacramentum).

 

1- Hôn nhân là Bí tích. Ðã là Bí tích nói chung thì không chỉ liên quan đến con người mà còn liên quan đến Thiên Chúa, và Chúa Giêsu, chính ngài là Ðấng làm chủ. Riêng Bí tích hôn nhân lại có một tính đặc thù, đó là hai người nam nữ làm Bí tích cho nhau, và khi họ ban Bí tích cho nhau, Chúa Giêsu có mặt ở giữa họ và ở trong họ, Ngài tác thánh cho họ để thành vợ chồng. Bí tích hôn nhân khác với các Bí tích khác, ví dụ Bí tích Giải tội, tuy Chúa Giêsu tha tội cho người xưng thú, nhưng phải có linh mục nhân danh Chúa Giêsu để nói lời tha tội. Còn Bí tích hôn nhân thì, khi đôi tân hôn trao ban Bí tích cho nhau, linh mục không dính dự gì cả, chỉ chứng giám và chúc lành. Mà Chúa Giêsu là Ðấng trực tiếp ban tình yêu của Ngài làm họ sẽ trở nên một với nhau suốt đời với Ngài và trong Ngài.

Sự nên một này rất thánh thiêng. Một hôn nhân bình thường, không Bí tích, hai người vẫn là vợ chồng thật sự suốt đời, nhưng dù có chung giường chung gối, ban cho nhau trọn vẹn thân xác mình, họ cũng vẫn cứ là hai, chưa nói đến sự đồng sàng dị mộng, hoặc khi gặp gian nan, vẫn rã rời tơi tả, không thể nên một như cành liền cây, chim liền cánh. Chỉ có trong Thánh Tâm Chúa Giêsu mới làm cho hôn nhân nên một với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nguy, khi tươi trẻ cũng như khi già yếu, cứ yêu mến nhau, tôn trọng nhau, khăng khítnhau suốt đời. Bi tích là thế.

 

2- Hôn nhân là một Giao ước. Là giao ước, nên về mặt pháp lý tự nhiên thì phải có lời hứa, có chữ ký, và có người làm chứng.Còn về những kẻ tin đã chịu Bí tích Rửa tội, thì cuộc sống của họ như thánh Phaolô nói: "Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi." (Gal 2: 20). Hiển nhiên họ đã được ơn nên một với Chuá Giêsu, thì khi thề hứa yêu nhau, họ không thề hứa bằng trái tim hạn hẹp của họ mà bằng Trái tim Chúa Giêsu ở trong họ. Chính lúc ấy Chúa Giêsu lấy tình yêu của Trái Tim Ngài bảo hiểm cho lời giao ước của họ được bền vững suốt đời. Cho dù đời có lúc đổi thay, Trái Tim Chúa Giêsu lúc nào cũng trung tín. (2Tm2:13). Ngài sẽ chữa lành họ trong mọi cơn sóng gió của gia đình, để hạnh phúc của họ luôn tươi vui ấm áp. Chính vì mầu nhiệm này, (mầu nhiệm ám chỉ về Ðức Kitô và hội thánh), mà lời thề hứa của đôi tân không còn là một công thức nhạt nhẽo, hoặc suông miệng qua cầu gió bay, mà sẽ tồn tại vĩnh hằng trong quyền năng Ðấng hằng có. Do đó câu: "Sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân ly" Không còn là một lời răn đe, một luật buộc dễ sợ, để dù có cay đắng trăm bề cũng phải cắn răng chịu đựng nhau đến hết đời. Mà là một lời khuyến cáo đầy yêu thương: "Hãy cứ ở lại trong tình yêu của Trái tim Ta. Ta sẽ bảo đảm cho hai con, dù qua khó khăn nào, tuổi tác nào, hai con vẫn được sống trong mật ngọt của Thiên Chúa trong Trái Tim Ta đến hết đời." (xem Yn 15: 9tt).

 

Mầu nhiệm này người dạy Giáo lý Hôn nhân phải thấm nhuần trước đã, phải cầu nguyện liên lỉ, và phải chỉ dẫn cho các đôi nam nữ, rồi cùng với họ cầu nguyện suốt trong thời gian học giáo lý để được ơn chuẩn bị hôn nhân ở trong Chúa Giêsu. Ðến khi họ làm Bí tích cho nhau, họ mới ý thức, sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận tình yêu của nhau trong tình yêu của Chúa Giêsu. Vì khi họ tuyên đọc lời hứa và trao nhẫn cho nhau không phải nhân danh 2 người, mà là nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà