Giáo Dục Con Cái

Còn gì là con, kẻ người cha không dạy. (Dt12:7b)

 

Vũ Hồng

 

CON CÁI TRONG GIA ÐÌNH

       

Con cái trong gia đình là tình yêu của cha mẹ do ân huệ Thiên Chúa ban. Mọi gia đình đều hân hoan đón nhận. Từ chối con cái bất cứ dưới hình thức nào cũng làm thương tổn tình yêu vợ chồng.

       

Nhưng con cái không phải là những con búp bê, đặt đâu nằm đó. Chúng có ăn có uống, có mạnh khỏe có ốm đau, và chúng sẽ lớn lên thành con người đầu đội trời chân đạp đất. Có ích cho xã hội, hay họa tai cho xã hội? Việc tương lai ai đoán biết được?

       

Nhưng cái biết được, là hôm nay chúng có được giáo dục không? Và chúng được giáo dục tốt hay xấu? Bởi vì theo lẽ bình thường, con trẻ được giáo dục như thế nào, thì lớn lên chúng sẽ trở thành như thế ấy. Không hẳn là 100%, nhưng cũng được bảy tám mươi. Vì thế việc răn dạy con để tâm trí chúng hướng vế điều thiện, và hành động chúng quen với việc tốt, là bổn phận của cha mẹ. Trong thư Dothái, thánh Tông đồ viết: "Còn gì là con, kẻ người cha không dạy." (Dt 12:7b)

 

DẠY CON: MỘT QÚA TRÌNH ÐẦY CAM GO

       

Nói chung, đối với con cái các bậc cha mẹ luôn bao bọc trong tình thương mến, và đã hy sinh cho con bằng tất cả cuộc đời. Tuy vậy trong cá biệt vẫn có những cha mẹ bỏ bê con cái, và có nhiều trẻ em bị hành hạ ngay trong gia đình.

 

Cho nên việc dạy con là cả một qúa trình hết sức cam go, phải xuất phát từ chính tâm của cha mẹ. Có những nhà qúa nghèo, lầm than lao động suốt ngày không kiếm đủ hai bữa no, thậm chí con cái chưa đến tuổi trưởng thành đã phải làm việc, mà chúng vẫn nên người. Ngược lại có những gia đình giàu có, con cái được ăn học đầy đủ, nhưng vì nuông chiều con cái qúa mức, khiến chúng trở thành kiêu căng hư đốn.

 

Những điều dạy về giáo dục trong các sách luân lý giáo khoa là những điều tốt, xuất phát từ bao kinh nghiệm và kiến thức của người viết, nhưng vẫn chỉ là lý thuyết tương đối. Bởi vì trẻ em là những con người tự do, tự trong tâm trí chúng có khả năng theo hoặc chống lại những điều răn dạy ấy. Bởi vì trong chúng cũng như trong mọi người chúng ta đều phải mang gánh nặng rất bí nhiệm: "Bí nhiệm của tội lỗi".

 

Ðã có những đứa nhỏ khi còn bé đi lễ đi nhà thờ ngoan ngoãn dễ thương, khi đến tuổi lớn lên thì đổi hẵn tính nết. Có những cha mẹ rất đạo hạnh mà con cái lại không nên thân. Có cháu của linh mục, em Ðức Cha, chị của ma sơ làm gương xấu, mà con cái của hàng lê dân ít học lại trở thành thánh nhân. Ðiều bí nhiệm trong con người là thế.

 

Cho nên việc dạy dỗ con cái trong gia đình, giáo dục trẻ em trong các lớp giáo lý, không phải chỉ mấy bài học thuộc lòng, mấy lời đàn áp khi chúng quậy phá mà tưởng đã là giáo dục. Bởi vì sức con người thì hạn chế, nhãn quan con người chỉ nhìn thấy hiện tượng bên ngoài. Cho nên ngoài những cố gắng của riêng mình, cha mẹ, những nhà giáo dục, còn phải trông nhờ vào một sức thần thiêng của Ðấng đã làm nên cả thân xác linh hồn con người. Ðấng đã nhìn thấu suốt tận tâm can. Ngài mà còn phải nhẫn nại đeo đuổi con người từ đời nọ đến đời kia để dụ dỗ dẫn dắt nó trở về với Chính Ðạo, huống hồ sức của chúng ta.

 

DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ

 

Dạy con từ thuở còn thơ.

Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.  

 

Câu dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về đối với gia đình Việtnam thời phong kiến trước đây, thời mà người ta thường nói: "Thuyền theo lái, gái theo chồng"; hoặc: "Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử", thì đúng là khuôn vàng thước ngọc. Nhưng hôm nay không còn có ý nghĩa gì, nếu không nói là qúa lỗi thời. Bởi vì không những nó ngược với nhân bản, mà còn sai với luật hỗ tương của tình yêu. Ngoài ra, trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, hai người đều đi làm có tiền lương, nên người chồng tuy là chủ gia đình, vẫn bàn hỏi với người vợ để chung lo trách nhiệm. Ít còn thấy cảnh chồng chúa vợ tôi trong gia đình.

 

Mặt khác qua cuộc sống gia đình, chúng ta thấy đã có kẻ làm chồng được nên thân là nhờ vợ dạy. Nhiều người trong chúng ta đã đọc chuyện Giết chó Dạy chồng trong Cổ Học Tinh Hoa. Mặt khác Kinh thánh lại nói: "Người nam sẽ bỏ cả cha mẹ mà khắn khít với vợ mình." (Mt19: 5). Còn thư Côrinthô nói: "Vì chồng ngoại thì được thánh hóa nhờ vợ." (1C7:14) .

 

Dạy con từ thuở còn thơ, câu này vẫn rất đúng cho mọi thời, nhưng chưa đầy đủ. Bởi vì khi trồng một cây qúi, người ta phải lao công từ khi lựa hạt, chọn giống rồi mới đem gieo, huống hồ là việc xây dựng một con người có thân xác, có trí khôn, có linh hồn bất tử thì càng phải chăm sóc biết bao. Cho nên việc dạy con phải bắt đầu từ khi em bé còn là bào thai trong lòng mẹ. Việc giáo dục ấy được gọi là Thai Giáo.

 

THAI GIÁO

 

Việc này đối với một số cha mẹ cho là còn qúa sớm, hoặc chưa quan tâm, nhưng thực sự rất quan trọng. Ngay trong Kinh thánh, đã từng nhắc việc Chúa lo đến các thai nhi:

 

Tạng phủ tôi, Thiên Chúa đã gầy tạo cho tôi từ trong dạ mẹ. (Tv139,13;)

Từ dạ mẹ, người đã nên Chúa Trời của tôi. (Tv 22:10).

Người đã mặc cho tôi da thịt. Và đã dệt tôi bằng gân và cốt. Cho tôi gân thịt và máu nóng. Người canh chừng hơi thở của tôi. (Yb 10:11-12).

 

Tuy thế ngay trong các gia đình tại Mỹ, tại Tây Âu, việc chăm lo cho thai nhi về mặt thể lý như khám thai, thăm bác sĩ, chụp siêu âm v.v., thì rất chu đáo, nhưng vẫn ít lưu tâm đến việc thai giáo. Nói chi đến những gia đình nghèo ở những nước chậm tiến, bà mẹ có bầu, vai vẫn gánh hàng đi chợ, tay còn dắt đứa con nhỏ lấp xấp chạy theo. Việc mang thai, sinh nở đành phải xuôi theo tự nhiên, đầu óc nào còn nghĩ đến chuyện tỉ mỉ cho đứa con trong bụng. Chưa kể những trường hợp em bé bị khinh rẻ coi thường, khó thể nói đến việc Thai Giáo:

 

1. MANG BẦU NGOÀI HÔN NHÂN

 

Chúng ta thấy trong xã hội phóng khoáng hôm nay, nhiều con gái đã mang bầu ngoài hôn nbân. Hoàn cảnh đó, đứa bé trong bụng rất bị thiệt thòi, không chỉ bị coi rẻ, mà vì nó là một nỗi ray rứt cho mẹ nó nên mạng sống của nó cũng rất bấp bênh. Ðôi khi cả việc đổi lấy một cái danh dự hão huyền nào đó cho gia đình hoặc do chính ý muốn người mẹ có bầu, hài nhi cũng phải câm nín chịu giết chết. Không tự mình thốt được một tiếng kêu, không một ai bênh vực. Tàn ác hơn nữa, việc giết sinh mạng yếu đuối vô phương tự vệ như thế cũng đã được luật pháp nhiều nước trên thế gian này bảo vệ.

 

Ở Trung Cộng, ở Việtnam, rất nhiều đôi vợ chồng thật, hôn nhân hợp pháp, mà phải cam tâm giết con theo lệnh của nhà nước để giữ được công ăn việc làm. Ngay ở Hoa Kỳ, một nước giầu có, dư ăn dư mặc, chẳng bị ràng buộc gì về kinh tế, chẳng chế tài gì về lễ giáo, khi mang bầu còn được chính phủ giúp đỡ nhiều mặt, thế mà những đôi trai gái khi đú đởn có thai, vẫn cứ đi phá như thường.

 

2. HIẾP DÂM BỊ MANG BẦU

 

Nói đến những trường hợp bị hãm hiếp, em bé có ở trong tử cung ngoài ý muốn của mẹ nó, thì mạng sống của nó càng thê thảm biết bao. Trong ký ức người người con gái bị hãm hiếp, thai nhi đó là một vết chàm in đậm trên thân xác, là nỗi căm hờn tủi hổ trong tâm hồn, không chỉ một ít tháng mà suốt cả cuộc đời. Sự có mặt của nó ở trên cõi đời này là nỗi đau hận của mẹ và ô nhục của con.

 

Tuy nhiên cũng phải nói ra điều này, điều mà rất chói tai cho người bị hiếp dâm, đó là, nhìn về mặt huyền bí siêu nhiên, đứa bé đó cũng như tất cả đứa bé khác, đều được Thiên Chúa yêu thương, nếu Chúa không thương, làm sao nó có thể thành một mạng sống? Và nếu về sau, nó được Thanh tẩy trong Nước và Thần Khí nó vẫn được phúc trở thành thân mình của Chúa Kitô..

 

Thế nhưng đứng ngoài nói thì qúa dễ, không đụng đến bản thân, khuyên gì nghe cũng hay. Thử đặt mình vào hoàn cảnh của người con gái đau khổ, đang mang trong dạ mình một bào thai bị coi như thứ nghiệt chủng, lúc ấy chỉ muốn ai có thể giúp nàng tống khứ nó ra ngoài. Những lời khuyên bảo cho dù là Chân lý, vẫn khó mà lọt tai. Trường hợp qúa bi phẫn này, muốn vượt qua phải có sức mạnh Ơn Trên chỉ dẫn đỡ đần mới giải quyết được trong bình an.

 

LÀM SAO GIÁO DỤC MỘT THAI NHI?

 

Một thai nhi chưa đủ hình hài, chưa biết nhìn, chưa biết nói, chưa biết nghe, làm sao mà giáo dục?

 

Từ bụng mẹ, trước mặt Thiên Chúa, thai nhi đã có giá trị là một con người như mỗi người chúng ta. Mặt khác, vì thai nhi qúa yếu đuối, và hoàn toàn bao kín trong Thinh Lặng, nên ít được để ý đến, chỉ dồn sự chăm sóc vào người mẹ để cho nó được lớn lên trong tự nhiên. Thai nhi trong bụng mẹ, tuy tri thức bị hạn chế nhưng sự thụ cảm đã bắt đầu. Người mẹ mang thai, không chỉ trao đổi máu huyết của mình với đứa con qua cuống nhau, mà giữa mẹ con còn có sư cảm thông huyền diệu. Ðọc Tin mừng theo thánh Luca, chúng ta thấy được sự cảm nhận này của baby:

"Maria vào nhà Zacarya và chào Elizabeth. Và xảy ra là thoạt Elizabeth nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong dạ mẹ". (Lc 1:39tt).

Còn tiếp


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà