Giáo Dục Con Cái (tiếp theo)

Vũ Hồng

 

Tập Thói Quen Tốt

 

"Từ phút đầu hãy dạy cho trẻ thơ biết đường lối phải theo, cho đến tuổi già nó không lạc đường của nó." (Cn21:6)

Tại sao hôm nay khi mặc áo, chúng ta lại xỏ tay phải trước? Ðó là thói quen. Vậy đối với em bé, chúng ta không nên lý luận dài dòng, chúng chẳng hiểu gì. Hãy tập thói quen tốt cho chúng,như:

 

-       Ăn ngủ tiêu hóa đúng giờ.

-       Lớn lên một chút, độ trên hai tuổi, tự đánh răng rửa mặt, rửa tay dơ trước khi ăn.

-       Tập làm dấu Thánh Giá một cách nghiêm chỉnh.

-       Cám ơn Chúa trước khi ăn, khi đi ngủ, và khi thức dậy.          

-       Tập chào hỏi theo lễ phép Việtnam, biết cám ơn, biết xin lỗi. Hiện nay có một số ít người Việt ở Mỹ đã lâu mà vẫn không biết nói hai chữ cám ơn. Trong đó có cả nữ tu và một số linh mục nữa.

-       Trong gia đình luôn luôn xử dụng tiếng Việt với các em.

 

Những gia đình Việt đang ở Mỹì, đừng sợ con em mình không biết nói tiếng Anh. Khi đến tuổi đi học, các em sẽ phải học chung với trẻ em Mỹ. Hiện nay nhiều trẻ em Việtnam nói tiếng Mỹ lưu loát hơn tiếng Việt. Một số ít cha mẹ đã không thấy đó là một mối lo, mà lại lấy làm hãnh diện về việc đó. Về sau mới thấy bất đồng ngôn ngữ là một trở ngại rất lớn cho việc giáo dục, cho tình liên kết trong gia đình và gia tộc, cho lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

 

* Tập cho em biết nói xin lỗi khi làm điều gì sai.

-       Tập cho em biết thương yêu anh chị em trong nhà, biết thương yêu giúp đỡ bạn bè.

-       Tập cho em biết ngăn nắp trật tự, chơi xong cất đồ chơi vào chỗ cũ.

-       Tập cho em biết tươi vui nét mặt khi nói chuyện, không nhăn mặt, không gay gắt, nhất là khi nói với cha mẹ.

-       Tập cho em biết qúy trọng môi trường, cây cối chim cá cỏ hoa v.v.

 

* Những điều nên tránh:

-       Cha mẹ chửi thề, cãi lộn trước mặt con cái.

-       Cha mẹ chỉ trích nói xấu người khác trước mặt con cái.

-       Cha mẹ ghét ai thì cũng bắt con cái phải ghét người đó.

-       Dụ khị em bé, hứa cho cái này, hứa làm cái kia rồi không giữ lời hứa. Việc này rất nguy hiểm, vì sau này em sẽ nghi ngờ lời hứa của cha mẹ.

-       Hù dọa em bé, như: ông kẹ bắt, con ma bắt, v.v.

-       Không nên để em bé gần vật dụng nguy hiểm như, lửa, nước, thuốc uống, dao kéo, bao nilông, v.v.

-       Không nên luôn nhậu nhẹt chè chén, say sưa trước mặt em bé.

-       Tuyệt đối không hút thuốc lá trong nhà, vì hơi khói thuốc lá, hại cho trẻ em hơn là cho chính người hút thuốc.

-       Không bao giờ sửa phạt em theo cơn nóng giận của mình. Khi em bé làm hư hỏng sai lỗi dù nặng nhẹ, nên bình tâm sửa chữa, nhẹ nhàng chỉ dạy.

 

Khi em bé đang lên cơn hờn dỗi đừng la mắng hoặc đánh đập, hoặc bắt phải im nín ngay, hoặc dằn vặt em, bắt phạt em qùi, hoặc phải khoanh tay phải xin lỗi tức thì. Như thế là đàn áp, ức hiếp, bắt nạt, cho thỏa cơn tức của mình, chớ không phải giáo dục. Cứ kiên nhẫn để em hờn dỗi bướng bỉnh, ít phút sau em sẽ dịu lại, trẻ em mau quên lắm. Lúc ấy sẽ nhẹ nhàng chỉ dẫn cho em, bắt em xin lỗi. Em sẽ tỉnh trí vâng nghe và tin tưởng yêu mến cha mẹ. Nếu chính người mẹ người cha không tự chế được sự nóng nảy bản thân thì làm sao mà đòi dạy dỗ con nhỏ.

 

Có chuyện xảy ra như thế này, ban đêm đứa con sáu tuổi khóc làm mất ngủ, người bố nóng giận xách con quăng từ trên giường xuống đất, đứa nhỏ bất tỉnh phải mang đi cấp cứu. Sau đó thằng bé luôn luôn sợ hãi.

 

Một anh chồng vì ghen với vợ, thấy đứa con gái 4 tuổi đang ngồi viết trên bàn, bèn ấn đầu con bé xuống mắng: "Mày lớn lên cũng giống con mẹ mày thôi". Chẳng may mắt em đụng vào cán cây viết em đang cầm, phải đem đi bệnh viện. Tội nghiệp con bé, lớn lên xinh ơi là xinh, nhưng bị hư một mắt.

 

Phương pháp giáo dục trẻ em có hai mặt: "Dạy và Dỗ", mà chúng ta thường nói tắt là: "Dạy Dỗ ". Cho nên có lúc phải dạy, và có lúc phải dỗ. Chỉ dạy mà không biết dỗ, sẽ thui chột lòng yêu mến của con cái. Chỉ dỗ mà không biết dạy, sẽ làm cho đứa trẻ trở nên hư đốn. Phép Giáo Nhi là thế.

 

Hãy xem, Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong cuộc đời mỗi người chúng ta, Ngài dỗ dành chờ đợi chúng ta nhiều hơn là răn dạy xử phạt. Nếu cứ mỗi lần tôi phạm tội là Chúa trừng phạt thì làm sao tôi còn sống yên ổn trên cõi nhân gian này. Suốt đời chúng ta, Chúa chỉ hàn gắn sửa chữa. Còn chúng ta thì suốt ngày chỉ soi mói hành hạ lẫn nhau, Ðối với người công giáo, cụ thể rõ ràng nhất của việc sửa chữa, hàn gắn, dạy dỗ của Thiên Chúa cho chúng ta, đó là các Bitich. Nếu các bậc cha mẹ, các chủ chăn trong đạo có được tấm lòng yêu thương chịu đựng đích thực, (không phải như Chúa Giêsu), mà là của Thánh Tâm Chúa Giêsu, thì gia đình, xứ đạo sẽ là thiên đàng dưới thế.

 

-       Không nên cho em bé xem phim bạo hành hoặc phim hở hang.

-       Không nên cho em bé chơi những đồ chơi như gươm giáo, súng đạn.

-       Không nên cho em bé tham dự vào những cuộc karaokê của người lớn, rồi tập cho em nhảy nhót uốn éo theo các bài hát điệu múa tình tứ, mà lắm khi người lớn cũng thấy ngượng ngùng.

-       Không nên so sánh con cái mình với con cái người khác để khen em hoặc chê bai em, như vậy tập cho em tính kiêu ngạo tự tôn, hoặc làm cho em bị mặc cảm tự ti. Chúa đã ban cho con người chúng ta, mỗi cá nhân có một đặc tính khác nhau, không ai giống ai. Người có khuyết điểm này thì có ưu điểm kia. Phát huy ưu điểm của con cái và chỉ dẫn khuyết điểm để nó biết mà sửa chữa. Ðừng bắt con mình phải giống con người khác. Chẳng có con ai hoàn hảo trọn lành cả, chỉ có ÐKT Con Thiên Chúa mới trọn lành trọn hảo mà thôi.

-       Ðừng thiên vị con trai con gái, đừng thương con này hơn con khác.

 

Trẻ em hay bắt chước những gì người lớn làm. Lòng trẻ em như tờ giấy trắng, nó sẽ copy tất cả những gì nó thấy được nơi người lớn. Người lớn ấy là cha mẹ, là anh chị trong gia đình, là cha, là sơ trong nhà thờ, là thấy cô giáo ở trường v.v. Nhưng trước hết và gần nhất là cha mẹ trong gia đình.

 

Cha mẹ tập thói quen cho con nhỏ nhưng đừng quên rằng em bé cũng có thể tự tập thói quen bằng mắt bằng tai của nó. Những điều nó nghe cha mẹ nói và thấy cha mẹ làm hàng ngày, cứ âm thầm in vào trí khôn nó. Những cách cư xử của cha mẹ trong gia đình, tùy gương sáng gương xấu, sẽ là những bài giáo dục tốt hoặc tồi đối với con cái.

 

Người cha buổi sáng đứng trước thánh giá Chúa mà cầu nguyện trước khi đi làm. Người mẹ nhìn lên ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp than thở khi gia đình gặp cơn khốn khó. Ðó là những gương lành tuyệt vời, nhiều lần hơn những lời khuyên đạo đức lê thê. Và lời người bố chửi rủa người mẹ khi nóng giận, người mẹ nói lại những lời cay chua, là độc tố thấm vào tim vào óc con cái, thương tổn suốt đời, không thể chữa lành.

 

Còn tiếp


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà