TỘI : MỘT TRỞ NGẠI GIÁO DỤC

Vũ Hồng

 

 

Tuổi vào Ðời

 

Ngày còn bé, nó ngoan nó hiền, nó đi giúp lễ, nó đi hội đoàn, sao hôm nay nó quậy nó phá, bỏ học bỏ lớp đi hoang.

Ngày còn bé, con nhỏ xinh ơi là xinh, nó đi dâng hoa, nó đi Hùng Tâm Dũng Chí, đơn sơ và đẹp như thiên thần, bây giờ lớn lên thì ngang ngang bướng bướng, chẳng nhà thờ nhà thánh gì cả. Tại sao vậy?

 

Ðây là một bí nhiệm, không thể cắt nghĩa được, nó là bí nhiệm của tội lỗi. Như Kinh thánh nói: "Tội cư ngụ trong tôi." Cho nên việc giáo dục tuổi này thật khó vô cùng. Cha mẹ nói gì thì nói, con cái tuy im lặng lắng nghe, nhưng bước chân ra khỏi nhà, thì đường ta ta cứ đi. Có một mãnh lực xấu nào đó lôi kéo, con cái chúng ta khó mà cưỡng lại được.

       

Tội là gì?

 

Khi mở đầu cuộc rao giảng, Ðức Giêsu nói:

"Thần khí Thiên Chúa ở trên tôi. Người sai tôi đem Tin mừng cho người nghèo khó. Ban bố ân xá cho kẻ tù đầy. Cho người đui mù được thấy. Cho kẻ bị áp bức được giải oan. Loan báo năm hồng ân của Chúa". (Lc 4: 18-19).

 

Tội là gì? Tội là giây trói. Tội là gì? Tội là gông cùm. Tội kìm hãm giam tù người ta trong vòng kiềm tỏa của nó. Ngăn cản che mắt không cho đi đường lành. Bắt người ta trở thành mù tối, làm nô lệ cho những đam mê của chính mình như: Rượu chè, cờ bạc, dâm ô, tham tiền, háo danh, giận ghét, dối trá, kiêu căng, nóng giận, ích kỷ, bất nhân, bất hiếu v.v. (Rm 1: 29-30)

 

Cứ thử xem người mê đánh bạc, mê tiền của, mê uống rượu, mê gái, mê chức tước, danh vọng (đạo cũng như đời), họ có cưỡng lại được khi cơn nó lên không? Nô lệ là như thế! Cho nên Kinh thánh đã mặc khải cho chúng ta thấy số phận rất bi đát của con người, đó là: "Tất cả dưới quyền sự tội." (Rm 3:9c).

 

Hoàn cảnh khốn đốn như vậy. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi cảnh trói buộc này? Không ai. Chỉ một Ðức Kitô Giêsu Chúa chúng ta. (Rm 7:25).

 

Cho nên việc giáo dục con cái ở tuổi vào đời, không chỉ bằng sự kiên nhẫn, sự khôn ngoan của kiến thức thế gian, nhưng trên hết phải bằng sự khôn ngoan, bằng sức mạnh của Thần Khí Chúa Giêsu Kitô. Sức mạnh ấy không phải những lời khuyên đạo đức, không phải bắt chúng phải đọc kinh tối sáng dài lê thê, mà là sức mạnh chính cha mẹ phải chịu lấy từ Chúa Kitô trước đã, trong tâm hồn mình, trong đời sống hàng ngày của mình.

 

Tự sức riêng, tôi chống được tội?

 

Tự sức riêng của tôi, vô phương. Bởi vì tội đã được tổ tông loài người ăn vào, (ăn trái cấm), nên nó đã thấm vào máu thịt, lương tri, tâm hồn, thân xác. Nó theo tôi suốt cuộc đời cho tới khi xuống mồ. Muốn diệt trừ được nó tôi phải giết chính mình tôi chăng? Sự đó không bao giờ xảy ra. Mà dù cho có xảy ra cũng vô ích, vì tội vẫn còn đó, trong linh hồn của mình, trong cả xác chết dưới mồ của mình. Tội vẫn hành hạ cho xương hư thịt rữa, thối nát thành đất thành bùn nó mới chịu buông tha. Sự nô lệ tội nó khủng khiếp đến thế . . .

 

Nếu bản thân tôi cứ lấy sự hãm mình ép xác làm sao đè nén tội? Cha mẹ cứ lấy sự la hét làm áp lực để dạy con cái, làm sao mà hoán đổi được tâm hồn nó. Sức người có hạn. Mà sức bật của tội mãnh liệt như cái lò so. Ấn thì nó nép mình xuống, nhưng buông tay nó lại bung lên. Ấn càng mạnh sức bung lên càng cao. Có nhiều người suốt đời tu đức, kìm hãm sự đam mê, đến khi lực kiệt sức mòn, ý chí rã rời, lúc ấy lao vào đam mê còn tệ hơn mấy người khác nữa.

 

Tội là vô hình, điều khiển bởi thứ thần linh hắc ám. Chúng ta (cả cha mẹ và con cái) là hữu hình làm sao chống nổi kẻ thù vô hình. (Ep 6:12t). Kinh thánh nói : "Sự lành tôi muốn, tôi không làm; còn sự dữ không muốn tôi lại làm." (Rm 7:19). Sự bất lực của con người trước sự tội là thế. Ðây thật là một Paradox, một nghịch lý có thật, nghịch lý đó là: "Ðiều tôi muốn tôi lại không làm, nhưng tôi lại làm chính điều tôi ghét." (Rm 7:15b).

 

Chính cái BIẾT điều lành điều tốt, chính cái KHAO KHÁT điều lành điều tốt, mà khả năng làm lại không có, là nỗi bế tắc khôn tả của con người. Cha mẹ nào cũng muốn cho con cái tốt, nên khuyên con cái nên làm việc tốt tránh việc xấu. Con cái biết những lời của cha mẹ là đúng, và chính lương tâm nó cũng biết biện phân tốt xấu, nhưng nó vẫn cứ sa đà, vẫn cứ hư hỏng.

 

Tội lỗi không chỉ hoành hành ở những gia đình lê thứ bình dân, mà nó ngự trị trong tất cả những gia đình quyền qúy cao sang. Con vua cháu chúa vẫn hư hỏng như thường. Con ông cháu cha cũng vẫn sa ngã thê lương. Càng trí thức, phạm tội càng tinh vi. Càng có quyền thế trong tay phạm tội càng ác độc.

Tội cư ngụ trong tôi

 

Kinh thánh nói: "Tội cư ngụ trong tôi." (Rm 7:17). Có nghĩa là ở nơi nào có người, nơi đó có tội. Trong nhà thờ, trong tu viện, chốn chợ đông, trong phòng kín, không đâu có thể tránh được tội. Vì thế đừng ai nên nghĩ mình là "thánh thiện" hơn người khác, và cũng đừng ai nên có cao vọng là mình có thể tự tu luyện mình để "nên thánh". Và cũng không ai có khả năng dạy dỗ ai để "nên thánh" cả.

 

Thánh là một bản chất, không phải là sự khổ công tu luyện, giống như luyện võ, mà thành Thánh được. Muối, bản chất là mặn. Sỏi vàng cát trắng có luyện tập ngàn năm cũng là sỏi cát, không thể thành Muối được. Cho nên trong giáo lý của Tin Mừng có hai chữ Sinh Lại - Be born again, (Yn 3: 3-5).

 

Chúng ta xác tín rằng, trên cõi đời này, chỉ có một con người Thánh mà thôi, đó là Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. Trong lễ Chúa nhật mỗi tuần, chúng ta đã thường cùng nhau đọc: "Lạy Chúa Giêsu Kitô! Chỉ có Chúa là Ðấng thánh- Tu solus Sanctus, Jesu Christe! "

 

Tất cả chúng ta là kẻ có tội. Cho nên tất cả chúng ta đều chung thân phận khốn khó khổ đau. Con người tội lụy đi vào hôn nhân nên gia đình nào cũng đầy nỗi khó khăn đau khổ. Cha mẹ sinh con trong khổ đau, con cái chúng ta cũng là di sản của sự khổ đau, và sự khổ đau lớn nhất và cuối cùng là sự chết. Cho nên sự giáo dục con cái chúng ta bằng sức riêng mình, thật sự hạn chế và bế tắc vô cùng. Lắm bà mẹ đã phải khóc mà nói lên rằng: tôi thương nó quá, tôi chăm sóc cho nó quá, nói gì nó cũng không nghe, mà bạn bè chỉ Ới một cái, là nó bỏ nhà đi theo liền. Sự bế tắc của sức người là thế. Và sự bế tắc của tình yêu con người cũng là thế. Chúng ta phải cậy nhờ một sứcmạnh nào đó, môt tình yêu nào đó. Sức mạnh ấy, tình yêu ấy vượt thời gian không gian, từ ngoài thời gian không gian mà đến, chúng ta mới có thể thành công trong việc giáo dục được. Sức mạnh đó, Tình yêu đó, là Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.

 

Nguyên nhân mọi nỗi khổ đau

 

Nguyên nhân mọi nỗi đau khổ của chúng ta, như Kinh thánh nói, là do: "Tất cả chúng ta đều dưới quyền sự tội." (Rm 3:9c). Vì thế, là kẻ tin, chúng ta phải thấy được rằng, chúng ta phải cần Chúa Giêsu biết bao! Vì chỉ có một Chúa Giêsu mới có quyền năng làm vơi dịu, chữa lành, mọi nỗi khổ đau của cá nhân, của gia đình và của mọi người. Bởi vì chỉ một mình Ngài là Chiên Con bị tế hiến, để gánh tội, tha tội và xóa tội cho mọi người. Và nhờ sự chết Phục sinh của Ngài, chúng ta mới được đổi Bản chất, mà Sinh Lại trong Thần Khí Thiên Chúa.

 

Sự khốn khó của con người

 

Cái khốn đốn của con người là, không biết mình có tội. Có người đã nói một cách rất tự nhiên: Tôi muốn đi xưng tội, mà chẳng thấy có tội gì để mà xưng.

 

Cái mù tối của con người là không thấy tội của mình, chỉ nhìn thấy tội của người khác.

 

Ðây là một kế hoạch rất tinh vi của ma qủi. Một số cha mẹ thường la mắng con những sai lỗi mà chính mình đã hàng ngày làm gương xấu cho chúng. Một số giáo sĩ trong giáo hội cũng vậy (nhất là một số ít đấng Việtnam), trên toà giảng không lấy Lời Chúa soi đường dẫn lối, mà chỉ thích bới tội giáo dân để đày đoạ tinh thần họ. Các ngài lên án, trách phạt giáo dân về những tội mà chính mình phạm còn tệ hại hơn họ. Ðiều này không phải nói xấu các đấng, mà là sự có thật, công khai trống trải đã xảy ra tại một số xứ đạo.

Ðức Giêsu nói với người Pharisêu (Kinh sư): "Giả như các ông đui mù, các ông đã chẳng có tội. Nhưng nay các ông nói: Chúng tôi sáng mắt, thì tội các ông vẫn còn lưu lại." (Yn 9: 41).

 

Gia đình, xứ đạo có Chúa Giêsu, thì cha mẹ, các đấng, không phải là cái loa phát thanh mà là cài đèn tỏa sáng để trên cao. (Mt 5:14)

 

Cái khốn đốn thứ hai là người ta không cần đến Chúa Giêsu, cứ thích cậy vào sức mình. Cho nên cứ đua nhau làm nhiều việc lành phúc đức, cứ đua nhau đi nhà thờ, không phải để yêu mến Chuá Giêsu mà để Lập công Ðền tội. Có rất nhiều Ðấng đã từng nói lên câu này trên toà giảng: "Ðừng cậy vào Chúa qúa lẽ, đừng cái gì cũng ỷ lại vào Chúa". Lời dạy như thế, là rào ngăn vách chắn không cho người ta bám vào lòng thương xót của Chúa. Tư tưởng như thế đi ngược với Tin Mừng của Ðức Kitô Giêsu. Ðức Giêsu đã nói một cách dứt khoát: "Ngoài Ta, các ngươi không thể làm gì." (Yn 15:5b).

 

Sự thực ra là chúng ta trông cậy Chúa chưa tới đó thôi. Nói rõ hơn, chúng đã cậy vào sức mình nhiều hơn sức Chúa, và chúng ta cũng đã quên rằng, ngay cả cài ta làm được một cái gì tốt, cũng là do sức của Thiên Chúa không phải sức của ta đâu.

Bài giáo lý tôi học hồi nhỏ cũng đã từng dạy tôi phải tu thân tích đức, ăn chay hãm mình để lập công và đền tội kiểu này. Rồi thậm chí cả trong kinh đọc ở nhà thờ hôm nay nữa cũng có câu: "Bấy nhiêu tội ấy chúng con quyết chí đền hết thay thảy, và dốc lòng đền chung những tội này . . . Sau hết chúng con xin đền tội chung các nước thiên hạ . . ." Khủng khiếp chưa! Nếu tôi có khả năng quyết chí đền tội cho riêng tôi và cho cả các nước thiên hạ, thì "qủa thật Ðức Kitô Giêsu đã chết một cách vô lối." (Gal 2: 21).

 

Cách sống đạo như thế rất trở ngại cho việc giáo dục con cái vô cùng. Bởi vì người ta sẽ loại Chúa Giêsu ra khỏi việc giáo dục, mà người ta chỉ bằng vào sức của mình, vào khôn ngoan của mình, vào đạo đức của mình, dựa vào sự hãnh diện cá nhân dòng họ: "Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh". Trong thời đại hôm nay, cũng như đọc lại lịch sử các triều đại vua chúa thời xưa, chúng ta sẽ thấy cài mà giống lông giống cánh nó khủng khiếp thế nào. Chúng ta là Kitô hữu, cái mà phải giống lông giống cánh để nên một con người tốt lành hoàn hảo, và con cái chúng ta được được nên tốt lành hoàn hảo là giống như Ðức Kitô Giêsu. Vì ngoài Ðức Kitô Giêsu, chẳng có cái gì tốt cả. Những cái mà chúng ta thấy lấp lánh của thế gian, chưa chắc đã phải là vàng đâu.

(Còn tiếp)


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà