HÔN NHÂN, MỘT HUYỀN NHIỆM

 

BÀI 26

 

Lòng Mến trong Gia Đình III (tiếp theo)

Vũ Hồng

 

 

VỢ PHẢI PHỤC TÙNG CHỒNG NHƯ THỂ

ĐỐI VỚI CHÚA (Ep 5:22)

Trước khi sang bài thứ III nói về ‘Lòng Mến trong Gia Đình’, xin được kể thêm câu chuyện nữa về một người đàn bà bất hạnh.

“Theo báo Tiền Phong cho biết, trưa 13/1/2003, Hoàng văn Thuý phát giác người vợ tên Phạm thị Thanh đã chết do thắt cổ tự tử bên cửa sổ. Trước đó Thúy đã đánh đập vợ, khóa cửa nhốt chị Thanh ở nhà. Công an CSVN Hànội đã khẩn cấp bắt giữ người chồng để điều tra làm rõ vụ việc. Báo Tiền Phong cho biết, vợ chồng chị Thanh sống cùng cậu con trai 7 tuổi tại khu “tập thể ôtô số 8”, thôn Tứ Kỳ, xã Hoàng Liệt, Thanh Trì, Hànội. Cuộc sống gia đình thường xuyên bất hòa, bởi Thúy hay chửi vợ, đánh vợ sau khi uống say.

 

Qua kết qủa điều tra ban đầu, khoảng 11giờ 30 ngày 13 tháng 01 năm 2003, khi Thúy tỉnh giấc buổi sáng cũng là lúc vợ đi bán hàng rong về. Thúy bắt chi Thanh phải nấu bữa trưa. Trong khi chờ cơm chín, y sai vợ đi mua phở. Ăn đến bát thứ hai, Thúy chê ít thịt nên đổ đi và thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chị Thanh, vì không biết mua phở.  Sau đó Thúy nhốt vợ ở nhà. Lúc trở về thì chị Thanh đã chết”. VBMN số 385, 25/ 01/ 03.

 

Sự bạo hành trong gia đình, bằng lời cộc cằn mắng chửi hay cử chỉ vũ phu, tuy cường độ không giống nhau, nhưng ở đâu cũng có. Hànội, Sàigòn, ở Tây ở Mỹ gì cũng đã và đang xảy ra. Công giáo hay không Công giáo gì cũng vậy. Xin trích ít dòng trong 1 tờ báo CG: “The release of the first 2,000 Pages, covering six (cases) included one, who allegedly (e) beat a housekeeper and sexually abused the child of his mistress, another who allegedly fathered two children and may have contributed to their mother’s death.” (Trích Catholic Sentinel Dec 20, 2002).

Đây là nỗi bế tắc từ thâm căn cố đế của con người, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chính vì thế mà Con Thiên Chúa mới có mặt trên thế gian này. Chính vì thế nhân loại cần có Chúa Kitô biết bao!

 

‘Vợ phải phục tùng chồng như thể đối với Chúa’ Lời này làm chói tai nhiều người, trong số đó có cả một số vị đáng kính trong Giáo hội Công giáo. Chói tai là lẽ tự nhiên, bởi vì nếu chỉ dùng phương cách thế gian để mưu hạnh phúc hôn nhân, thì những đau thương của xã hội, cách riêng của người đàn bà làm vợ gia đình vẫn còn đó. (Xin xem VBMLV số 69, bài 25).

 

CHỒNG HÃY YÊU MẾN VỢ NHƯ ĐỨC KITÔ ĐÃ

YÊU MẾN HỘI THÁNH (Ep 5:25).

Hôm nay, lại nói về Lòng Mến trong gia đình, vậy tiêu chuẩn phải nhắm vào đâu?

Phải chăng là người chồng trong gia đình muốn được người vợ phục tùng như thể đối với Chúa, thì phải có quyền uy, có kiến thức, tài ăn nói, hào hoa lịch thiệp? Nói tóm lại là về mọi mặt, tiền tài, sức vóc, đều trổi vượt hơn vợ mình.

 

Không phải như thế. Biết bao nhiêu gia đình có người chồng giỏi giang quyền qúy, mà vẫn tan vỡ thê lương. Điển hình là gia đình qúy tộc vào bậc nhất thế kỷ 20: Công nương Diana và ông Hoàng Charles, Anh Quốc. (Diana được nhiều người yêu mến, nhưng rất đau khổ trong hôn nhân, nàng đã qua đời thg 8/97)

 

 Lời Chúa là quyền năng. Và tiêu chuẩn hạnh phúc gia đình là Lời Chúa. Nhưng Lời Chúa luôn luôn là tiêu chuẩn tuyệt đối. Loài người không thể với tới được. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng vô tận. Ngài Tốt lành vô cùng. Quyền năng vô cùng.  Trung tín vô cùng. Nhưng quyền năng vô cùng vô tận ấy chỉ chứa đựng trong một bản chất mà thôi: đó là Tình Thương, là Lòng Yêu Mến. (1Yn 4: 8b). Tình Thương ấy không chỉ là vô hình vô ảnh bao bọc chúng ta, nhưng còn tỏ hiện rõ ràng, còn gần sát bên chúng ta, còn đến gõ cửa từng tâm hồn chúng ta. (Kh 3:20).

 

Vì thế, Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm, và đang ở giữa chúng ta. (Yn 1: 14).

 

CHÚA KITÔ GIÊSU

Đức Kitô, Lời Thiên Chúa đến trong thế gian, ai đón nhận Ngài, thì mới hiểu được và thi hành được Lời Chúa. Ngài sẽ làm cho tình yêu qúa hạn hẹp, qúa mong manh, và hết sức tương đối, tuơng đối theo chiều suy thoái của con người (Rm8: 19-23), được dìm vào tình yêu phong phú vô biên của Thiên Chúa.

 

Cho nên “Chồng hãy yêu mến vợ như Đức Kitô yêu mến Hội thánh”, thì trong Đức Kitô Giêsu, Lời này không còn khó hiểu nữa. Và lời này là một tiêu chuẩn phải có cho mọi người chồng. Lời này mọi gia đình muốn hạnh phúc phải nhắm tới. Phải đạt được. Nhưng không phải với sức mình mà với sức Thần Khí của Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.

 

ĐỨC KITÔ YÊU HỘI THÁNH NHƯ THẾ NÀO?

 “Ngài đã yêu mến hội thánh, và đã phó nộp mạng sống mình đi, để tác thánh, tẩy sạch và tắm rửa cho hội thánh bằng nước và lời, hầu tự hiến cho Ngài một hội thánh quang vinh, không một vết nhơ hay một nét nhăn, hay chút gì như thế; trái lại để hội thánh thực là thánh thiện, vô tì tích”. (Suy niệm kỹ câu này, chúng ta thấy, từ A đến Z toàn là Đức Giêsu làm, hội thánh chỉ chịu lấy).

 

Và “Cũng vậy chồng phải yêu mến vợ như chính bản thân mình. Mà yêu mến vợ thì khác gì là yêu mến mình.”(Ep 5: 25-28).

 

Đây là tình yêu mà những người chồng phải có được mới xứng đáng làm đầu, làm chúa của vợ: Yêu mến đây là yêu mến suốt mọi hoàn cảnh thời gian, lúc nào cũng cho đi, lúc nào cũng hiến dâng, không phải chỉ những lời ve vãn, những cơn hối thúc của dục tình mà tưởng là đã yêu hết lòng.

Nhưng với sức của con người, không ai có thể hiến dâng tình yêu như thế, mà phải bằng nguồn sung mãn của Thánh Tâm CKT, người chồng mới có thể ‘Yêu mến vợ như chính bản thân mình’. Được hồng ân đó thì lúc có danh có lợi không vênh vang ưỡn ngực. Khi gặp khó khăn, không hề né tránh để cho sự khó rơi vào vai người vợ. Còn khi gặp thất bại thì vẫn được ơn bình an trông cậy, không la lối gây khiếp đảm không khí gia đình, có khi còn đổ lỗi đổ thừa cho vợ cho con.

 

Tôi là người chồng, tôi hãy kính túc nhìn lên Đức Giêsu, Đấng không hề có tội, mà Ngài đã lãnh hết cả tội và hình phạt của tôi vào chính bản thân Ngài. Không la lối. Không trách than. “Ngài chịu đựng như cừu bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm không hề mở miệng. (Ys 50: 6 & Ys 53: 7). Tình yêu vô cùng vô hạn là như thế.

 

Mà thật sự nếu có một người chồng (người vợ) đáng kính nào đó, mà khi đã nói ra tiếng: Tôi đã phải hy sinh . . . (theo nghĩa thụ động- passive), thì đã là kể công với nhau, hết ý nghĩa của tình yêu mất rồi. Và khi đã kể công, thì mầm ganh tị, sự rạn nứt bắt đầu có trong đó. Khi yêu thật sự, thì dù có phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, ngay cả máu, cũng chỉ thấy một niềm vui. Không than thở. Không kể công. Trong KT chưa một lời nào của Đức Giêsu nói có hai chữ hy sinh. Ngài chỉ nói: “Tự hiến mình” (Yn 17: 19).

Những người chồng, hãy nhìn lên thánh Giuse, sự thinh lặng phục vụ của ngài thật sâu thẳm, giống như cành nho trong Kinh thánh.

 

ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT CỦA VỢ CHỒNG

Điều quan trọng nhất của vợ chồng là Lòng Yêu Mến. Đặc tính của lòng Yêu Mến ấy là thế này: “Không phải vì ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là chính Người đã yêu mến ta và sai Con của Người đến để chịu chết đền tạ tội lỗi ta.” (1Yn 4: 10).

 

Vợ chồng muốn có hạnh phúc, phải dìm tất cả tình yêu hạn hẹp của mình vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Với sự mỏng dòn của sức mình, với những khó khăn của đời, không ai tự cố gắng được đâu.

 

Tình yêu Thiên Chúa là sự sống, sự vui mừng, và sự bình an. (Yn 1: 3). Chúng ta, tuy đang sống nhưng mầm chết đã có sẵn trong máu thịt chúng ta rồi. Mầm chết ấy gây ra những lo âu, ích kỷ, nóng giận, kiêu căng, hận thù, v.v. (Mc 7: 20tt & Rm 1: 29-31). Với tâm hồn chứa đầy bất an như thế làm sao có chỗ cho tình yêu đích thật. Ngay cả những phút sôi động trên thân xác của hai người hôn phối, chưa hẳn đã là tình yêu, có thể mới chỉ là tác động của tình dục. Không yêu người ta vẫn cứ làm được những cái đó, nhất là về phía người nam. Qua cơn mê là hết.  Trong hôn nhân nếu sự việc luôn xảy ra như vậy, (do tác động của rượu, của phim ảnh dâm ô v.v.), chắc chắn sẽ đưa đến sự mất hạnh phúc, và có thể làm cho người đàn bà sợ hãi, thậm chí còn ghê tởm nữa.

 

Như đã nói ở trên “Chồng hãy yêu mến vợ như  Đức Kitô đã yêu mến Hội thánh”. Cho nên Quan Trọng Nhất trong việc vợ chồng, không phải là quyền giao hợp. Cũng không phải là sự sinh con. Mà là lòng Yêu Mến. Chỉ có lòng yêu mến từ Thánh Tâm Chúa Kitô Giêsu, mới kéo hai tâm hồn lại với nhau. Có lòng mến, mới có sự tôn trọng nhau trong lúc ái ân, và mới có sự tôn trọng nhau mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh khắc nghiệt trong cuộc sống. Và từ lòng yêu mến ấy mới kéo mọi sự lên cùng Thiên Chúa. (Ep 4: 15).

 

Cho nên trong khi làm Bítích cho nhau, lời hứa hôn nhân đã có hai vế song song: “Yêu Nhau và Tôn Trọng Nhau”.

 

Một khi 2 người không còn tôn trọng nhau trong lời nói, trong việc làm, trong cách cư xử hàng ngày với nhau, thì đừng nên nhắc đến chữ YÊU. Nghe ghê lắm. Và còn có thể nói: Đã vi phạm Hôn Ước và đã Bội Thề rồi.    Bởi vì Hôn nhân Công giáo không chỉ là một Bitich và còn là một Hôn ước được thánh hóa nữa. (Can 1055-2).

CÒN TIẾP


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà