HÔN NHÂN, MỘT HUYỀN NHIỆM

Bài 29

 

LÒNG MẾN  TRONG GIA ĐÌNH- Bài VI (tiếp theo)

“Nhưng nó, nó sẽ thống trị ngươi.” (Kn 3:16b).

Phải chăng là số kiếp?

 

Vũ Hồng

 

PHỤ NỮ,  MỘT CON NGƯỜI PHỤ?

 

a- Tình cờ được đọc một mảng báo cũ, có lẽ là VNTP, không còn ngày tháng, chỉ còn lại con số 476, lời viết như sau: “Dì Thảo mến, cháu nghe ngoài việc LHQ đã tổ chức một Đại hội để bàn về phụ nữ tại Bắc Kinh (Trung Hoa), các tổ chức ngoài chính phủ (Non Governmental Organizations) cũng có một diễn đàn rộng lớn ở đâu đó tại Trung Hoa. Vậy Dì Thảo có thể cho cháu biết . . . người ta đã bàn những gì có lợi cho người phụ nữ không? Theo cháu được biết thì ở khắp nơi trên thế giới chỗ nào người phụ nữ cũng bị đối xử rất phân biệt. Có nơi người ta đã trắng trợn xử dụng phụ nữ như những món đồ chơi . . .”

 

b- BBC & Hanoi- Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về vấn đề giới tính cho biết tệ nạn hành hung phụ nữ tràn lan tại VN. Theo một tài liệu nghiên cứu thì có 80% phụ nữ VN đã trải qua kinh nghiệm bất hạnh này.

Trong báo cáo về sức khỏe tại VN, LHQ cho biết 60% những người đàn ông bị nhiễm vi khuẩn AIDS (HIV) không dùng bọc cao xu để ngừa bệnh cho vợ. (Đông Phương số tháng 3 năm 2003).

 

c- Ở Việtnam từ khi Cộng sản nắm chính quyền, với chiêu bài ‘Nam Nữ Bình Quyền’, nghe ngon ngọt nhưng thực sự là âm mưu rất tàn ác, bắt người phụ nữ phải lao động vất vả giống như đàn ông: gánh đạn, thồ lương, xẻ đường, phá cầu, đắp ụ. Phải chung đụng với bộ đội nam ở trong các chiến khu bưng biền, nhất là trên cái gọi là Đường Mòn Hồ Chí Minh, một thứ điạ ngục trần gian. Sau đây, là những lời ai oán tận cùng về số phận phụ nữ dưới chế độ Việt Cộng, của nữ văn sĩ Dương thu Hương. Bà viết:

“Về chiến tranh người ta không chỉ khóc than cho những đứa trẻ mồ côi ngơ ngác bên đường, những thiếu phụ giặt áo bên sông ngóng đợi chồng. Mà người ta tìm đến chốn suối thẳm rừng sâu, nơi hàng sư đoàn ‘Lính Cái’ bị dồn vào phục vụ chiến tranh, tóc rụng da xanh, mất kinh nguyệt thường xuyên, lên những cơn điên tập thể và hoài vọng một chân trời dịu dàng vô tăm tích.

 

Văn chương cũng đã theo hàng vạn cô gái lỡ thì sau chiến tranh, bị dồn tụ vào những lâm trường, nông trường hoang vu cằn lụi, nơi đời sống buồn thảm đến mức điên rồ, nơi những người đàn bà hẩm phận, chẳng còn ước muốn nào hơn là ngóng đợi sự xuất hiện bất thần của một gã đàn ông, dù là tên cướp đường, hay gã bán hàng rong, hoặc kẻ tội phạm bị thành phố hoặc đồng bằng xua đuổi, mong được hãm hiếp, và trong lần chung đụng ấy được mang thai. (DƯƠNG THU HƯƠNG Tiếng vỗ cánh của bầy qụa đen 1999).

 

PHẢI CHĂNG LÀ SỐ KIẾP?

Có phải số kiếp của đàn bà là như thế? Có phải đức hạnh của người đàn bà Á đông là ‘Tại gia tòng phụ; Xuất giá tòng phu; Phu tử tòng tử?’. Và đó cũng là một định luật cần thiết của luân lý?

 

Trên thực tế, qua nhiều chế độ, có thể có như thế, nhưng nếu xác quyết nó như một định luật là vô căn cứ.

 

CHÚNG TA LÀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA

Khi Thiên Chúa Yavê dựng nên người “là nam là nữ,” Ngài không đặt người nào quyền cai quản trên người nào; mà Thiên Chúa qúy trọng tất cả, vì “cả hai là hình ảnh của Ngài”, và “Thiên Chúa đã chúc lành cho họ.”(Kn 1: 27-28).

 

Đi vào tiến trình của tạo thành, khi dựng nên người nam, Thiên Chúa dùng đất, rồi ban sự sống (Kn 2: 7). Về người nữì, thì Thiên Chúa làm bằng thịt, tốt lành tinh sạch. Kinh thánh nói: “Yavê Thiên Chúa đã giáng trên người một giấc tê mê, và nó đã ngủ thiếp đi. Và Ngài đã rút lấy một xương sườn của nó, đoạn lấp thịt vào . . . và Yavê Thiên Chúa đã xây thành người đàn bà.” (Kn 2: 21-23). Cuộc sống cả hai lúc ấy, như Lời Chúa nói: “Nào có ai bao giờ lại đi ghét xương thịt mình”(Ep 5: 29), thì thật sự êm ái, hài hòa, thuần nhất. Hạnh phúc biết bao! Trong hạnh phúc ấy: “Mắt không thể bảo tay: Tôi không cần anh! Hay đầu không thể bảo chân: Tôi không cần các anh!” (1C 12: 21).

 

Từ khởi thủy, nam và nữ đã là tương kính, đã là gắn bó như vậy. Vì chưa vướng mắc tội lụy gì, nên chẳng hề có đàn áp khinh khi, không hề có số kiếp gian nan cam chịu, chỉ vui sống trong tiền định an nhàn của chức phận làm con Thiên Chúa mà thôi. (Ep1: 5).

Tình thương của Thiên Chúa siêu vời vượt qúa mọi trí tri, Ngài dựng người nữ. không bằng “đầu” của người nam, cũng không bằng “chân” người nam, mà bằng “xương sườn”. Bên sườn chỉ sự ngang bằng. Sườn gần trái tim, chỉ sự yêu thương. Giavê Thiên Chúa khi tỏ lòng yêu mến chúng ta Ngài cũng nói: “Các con sẽ được bú mớm, được bế bên sườn.” (Is 66: 12b). Khi Đức Giêsu tỏ cho nhân loại biết, Ngài yêu mến họ như thế nào, thì Ngài đã không chỉ tỏ hiện bằng sự chết, mà còn bằng vết thương bên sườn, xuyên thấu trái tim.

 

Cho nên tất cả những đối xử tàn độc giữa con người với nhau, bất cứ ở đâu, trong gia đình ngoài xã hội, đều đụng đến Trái tim của Thiên Chúa.

 

Kinh thánh còn nói về sự yêu thương một cách rất tỉ mỉ và chi tiết hơn nữa: "Những bộ phận trong mình coi như càng yếu đuối, thì lại càng quan trọng cần thiết; và những bộ phận của thân mình coi như càng ít sang, thì lại càng mặc cho sang qúi. Và những bộ phận nơi mình không được trang nhã, thì lại được trang sức nhiều hơn.” (1C 12: 23).

 

Hoàn hảo như thế, tại sao hôm nay mọi sự đã đổi khác, tình người không còn êm đềm, tình chồng vợ không còn khắn khít như thời khởi thủy? Tại sao sự xáo trộn đã lọt vào gia đình? Tại sao lại có cảnh chồng chúa vợ tôi? Rồi phân hóa, rồi ly tan?

 

CHỒNG NGƯƠI, NÓ SẼ THỐNG TRỊ NGƯƠI

Tình trạng xảy ra như thế, bởi vì con người không muốn ở trong sự bao bọc của Đấng tạo thành ra mình. Nói rõ hơn, con người muốn tự mình làm chúa lấy mình, (Kn 3: 5). Cho nên đã ăn trái cấm. Ngay sau đó như Kinh thánh nói: “Mắt cả hai đứa mở ra” (Kn 3: 7), nhưng lập tức sự đau khổ như thác lũ, đã trùm lấp trên họ và trên tất cả nhân loại.

 

Riêng đối với người nữ, thì nàng không còn được nâng niu trân qúi như thời “nàng là xương tự xương tôi, thịt tự thịt tôi”nữa, mà Giavê Thiên Chúa nói cho nàng biết, kể từ đây: “Với chồng ngươi, ngươi hăm hở đon đả, nhưng nó, nó sẽ thống trị ngươi.” (Kn 3:16).

 

Đây không phải là một án phạt của Thiên Chúa, mà chỉ là hậu qủa do lỗi phạm của chính con người.

 

Việc con người bỏ Chúa là tai họa khủng khiếp vô cùng. Bởi vì bỏ Chúa là mất hết tất cả, không phải Chúa lấy lại, mà do con người không có khả năng mang theo. Một cành tách rời khỏi cây, làm sao mà mang được cả nhựa sống thân cây theo mình, (Yn 15: 6). Đau đớn hơn nữa, khi đã tách ra thì cho đến đời đời không thể tự mình quay về với Thiên Chúa được. (Xem Kn 3: 24- Yn 6: 44- 1C 12: 3b).

 

Bỏ Thiên Chúa là bỏ thế giới tình yêu, để đi vào thế giới của sự ghét. Tình thương chỉ có trong Thiên Chúa. Lòng ghét là thế giới của ma qủi. Bản chất của Thần Khí Chúa là Yêu mến- Vui mừng- Bình an. (Rm 14: 16b & Gal 5: 22). Còn Ghen ghét- Buồn sầu- Xao xuyến là bản chất của nước Satan.

 

Khi sự ghét lọt vào thế gian thì mỗi người chỉ còn biết yêu mình, yêu cái ý muốn, yêu cái sở thích của mình, làm mọi cách để đạt được theo ý muốn, theo sở thích, và nếu có thể sẽ dùng hết khả năng để chiếm đoạt, hoặc bằng sức lực để bắt kẻ dưới, kẻ yếu phải phục vụ cho cái sở thích đó. Chính vì thế nên phát sinh mạnh được yếu thua. Người nghèo hèn, bị bóc lột hiếp đáp bởi kẻ giàu sang quyền thế. Con trẻ bị đàn áp bởi người lớn, có khi còn bị đánh đập, bị bỏ rơi bởi chính cha mẹ của mình. Đàn bà con gái bị lấn lướt bởi đàn ông, nhiều trường hợp còn bị cưỡng đoạt thân xác. Người nữ, mẹ các sinh linh trên thế gian mà vẫn coi là vai phụ: Phụ nữ. Trong gia đình thìì Phu xướng Phụ tùy: ý kiến khởi xướng do người chồng, người vợ chỉ có một điều (muốn cho êm cửa êm nhà) là tuân theo. Thậm chí đến việc nóng giận cũng là quyền của người chồng, “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Trong gia đình thì như vậy, ngoài xã hội việc trọng nam khinh nữ vẫn đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Ngay Việtnam ta cũng có câu: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô v.v.

 

Chính trong cái mạnh được yếu thua ấy, mà sau cuộc sống Địa Đàng, số phận đau tủi đã giáng xuống trên người đàn bà đầu tiên của nhân loại. “Với chồng ngươi, . . . nó sẽ thống trị ngươi.” Và Adam đã dám vênh vang ngạo mạn khinh rẻ Eva ngay trước mặt Chúa: “Người đàn bà mà Chúa đặt bên tôi, chính y thị đã hái cây ấy cho tôi ăn.” (Kn 3: 12).

 

Rồi như một truyền kiếp, mọi đàn bà khắp thế gian đều chung một số phận: phục tùng. Chỉ trong Thánh kinh Cựu Ước, chúng ta đủ thấy phận người đàn bà. Chế độ đa thê vẫn được coi như đặc quyền của đàn ông. Thánh vương Đavit có trên một người vợ và biết bao cung phi nàng hầu. (2SM 15: 16 & 20: 3). Còn vua Salômôn, ông có bảy trăm thê thất, và ba trăm hầu thiếp. (2V 11: 3). Thật chẳng kém gì các hoàng đế nước Tàu. Theo đạo Hồi thì “đa thê còn là biểu hiện đức hạnh và sự giàu sang của giới nam. Mỗi người đàn ông phải có ít nhất là hai vợ, và nếu có khả năng vật chất thì phải nhiều hơn nữa. Thiếu nữ tuổi từ 12, 13, đã được huấn luyện thờ phụng chồng cho phải đạo.” (Từ Pearl Harbor đến New York, trg 132).

 

Và cứ khổ đau như thế không ai cứu được ai. Nhưng Thiên Chúa không hề bỏ những tạo thành, nam cũng như nữ, Ngài đã dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Ngài đã sai Người Con Một đến để cứu vớt tất cả, như lời hứa đã có từ vườn Địa đàng. (Kn 3: 9tt). 

(Còn tiếp)


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà