-CHÚNG CON Ở NƠI KHÓC LÓC, THAN THỞ KÊU KHẨN BÀ THƯƠNG-

LÒNG MẾN TRONG GIA ĐÌNH  VII (tiếp theo)

Vũ Hồng

 

 

PHỤC TÙNG

        Cái ý tưởng đàn bà phải phục tùng và phục vụ đàn ông đã ăn sâu vào đầu óc nhiều thế hệ loài người. Trong cuốn phim Video ‘Vua Thời Nay’, kể về một ông vua nhà Thanh, khi đã phải xuống làm dân rồi, mà vẫn còn tưởng như đang tại vị giữa đám cung nữ, ông nói: “Ý nghĩa sinh tồn đàn bà chỉ có một, đó là lấy lòng đàn ông”.

Đàn ông nghĩ thế đã đành, mà tư tưởng này lại còn ăn sâu vào cả tâm não đàn bà nữa. Đến độ cho dù người chồng đối xử hung bạo thế nào, nếu người vợ cam chịu phục tùng thì vẫn là một thứ đức hạnh, (xem bài 29, số báo 73). Còn về phần đạo thì người ta cứ khuyên chịu khó vác thánh giá Chúa gửi đến. Chúa của chúng ta là Đấng xót thương, đâu có nhiều thánh giá thế, chỉ có một cây, không phải của Ngài, mà đó là tội của chúng ta, thì Chúa đã đặt trên Con của Ngài để chết thay cho chúng ta rồi.

 

NHỮNG LỜI KHUYÊN

Xin ngoài đề một chút. Trong những lời khuyên đạo đức, có một lời khuyên vô trách nhiệm và phản Tin Mừng nhất, đó là khuyên người ta chịu khó vác thánh giá Chúa gửi đến. (xem 1P 5: 7 & Is 53: 4). Sau vụ tt Bill Clinton và Monica Lewinsky, đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Hillary Clinton rất khó chịu, không phải chỉ vì Xì Căng Đan của ông chồng, mà vì những lời khuyên của những kẻ thân thuộc, bà nói: “Rõ ràng là người ta đang muốn nhốt tôi vào cái hộp . . . nó sẽ chẳng bao giờ vừa với tôi cả” -It was becoming clear that people who wanted me to fit into a certain box . . . would never be entirely satisfied with me as me.” (TIME, June 16, 2003, page 5).

 

LÒNG MẾN THÌ KHOAN DUNG NHÂN HẬU. (1C 13: 1tt)

 Trong lòng thương xót của Thiên Chúa, khi Đức Giêsu đến, Ngài tức khắc ghé mắt thương xem tất cả mọi số kiếp lao đao, nam cũng như nữ, và đã “ân xá cho kẻ tù đầy, mở mắt cho người mù được thấy và giải oan cho những kẻ bị áp bức”. (Lc 4: 18 & 13: 15-17).

Giữa trưa nắng gắt vùng bán sa mạc Samari, Đức Giêsu đã đến gặp một người đàn bà đi kín nước bên bờ giếng Giacob, bà ta tránh lấy nước buổi sáng, buổi chiều lúc qúa đông người, bà này đã năm đời chồng, mà không ai trong năm người ấy, kể cả người đàn ông đang ở với, là chồng của bà ta cả.  (Yn 4: 1tt)

 

Trong hừng hực sát khí của đám đông, đủ mọi hạng người, lứa tuổi, hung hăng đòi ném đá chết người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang, Đức Giêsu đã yên lặng nhìn vào sự điên cuồng của họ, rồi nói: “Ai không có tội thì ném đá người này trước đi.” (Yn 8: 1tt).

 

NHỮNG TRÁI TIM PLASTIC !

Sau khi rời bỏ vườn Địa Đàng, thì nỗi bất hạnh triền miên đã giáng xuống trên hai người đàn ông đàn bà đầu tiên của nhân loại. Mỗi người đau một cách, đàn ông thì “mồ hôi đẵm mặt mới có bánh mà ăn”, đàn bà cũng chẳng thảnh thơi gì, vừa phải vất vả làm việc, lại còn thêm “trong đau đớn, ngươi sẽ sinh con đẻ cái. Với chồng ngươi . . . nó sẽ thống trị ngươi.” (Kn 3: 16).

 

Như bài trước đã nói, đây không phải là án phạt của Thiên Chúa, mà chỉ là hậu qủa của tội. Tội của người này làm khổ cho người kia. Hậu qủa bia rượu của người chồng, có thể dẫn đến hư gan hại thận và điên loạn tánh tình cho anh ta, mà còn dẫn đến sự khổ đau triền miên cho vợ cho con và lối xóm. Hậu qủa của buông tuông sắc dục đàn ông dẫn đến nhiễm HIV cho mình, cho những người đàn bà khác, và cho cả vợ con anh ta nữa.

 

Trong tờ Chính Luận số 333 phát hành cuối tháng Năm 2003, nơi trang 34 viết: Theo phúc trình của LHQ cho biết, ít nhất 250 ngàn phụ nữ Rwanda bị cưỡng hiếp tập thể trong cuộc diệt chủng 100 ngày, một số rất lớn đã bị giết sau khi bị hãm hiếp . . . 70% phụ nữ sống sót trong vụ hiếp dâm ghê tởm đó đã nhiễm siêu vi khuẩn HIV đưa đến bệnh liệt kháng (AID).

 

Ở Việt Nam tuy chiến tranh đã hết, nhưng lại có kiếp nạn mới của phụ nữ: đó là bị nhiễm HIV. Báo ĐMHCG số 203, có nói đến trại Mai Hòa gần Saigòn, trung tâm săn sóc cho các cô gái bị bệnh Sida thời cuối. Số phận của họ bị gia đình xã hội bỏ rơi đã đành, mà chính những kẻ gieo mầm bệnh cho những người đàn bà con gái cũng chẳng hề bị xã hội lên án, chẳng bị pháp luật chế tài. (Có một cô giáo lý viên, tên Mỹ Dung, bố làm ông trùm 4 khóa liền, cậu ruột là linh mục dòng Phanxicô, anh ruột là linh mục dòng Đaminh, mà chết tức tưởi cô đơn một mình vì bệnh AID. Cha mẹ anh chị em không ai để ý!)_  (ĐMHCG tháng 6, 2003, trg 18. Nguyễn đức Thông CSsR).

 

KÌA BÀ NÀO ĐẸP NHƯ MẶT TRĂNG (Dc 6:10)

Chỉ có Thiên Chúa là Đấng xót thương, nên khi thời viên mãn của Ơn Cứu Độ đến, người đầu tiên được Thiên Chúa nâng lên hàng cao sang trên các thần thánh, không phải người nam, mà là một người nữ: Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria là tạo vật đầu tiên được Chúa trân trọng gửi thần sứ đến chào mừng: “Bà đầy ơn phúc!” (Lc 1: 28). Thiên Chúa không chỉ ban cho Bà “tràn đầy ơn phúc” mà thôi, mà còn nâng Maria lên tuyệt đỉnh cao sang, với chức vị làm cả thiên đàng và trần thế phải sửng sốt, đó là: Mẹ Thiên Chúa.

 

Maria, Mẹ Đức Chúa Trời, không chỉ các người nam người nữ trần gian nhìn lên để “kêu đến cùng Bà”, thì sẽ “được sống, được vui, được cậy”, mà còn chính nơi Bà đã làm cho Thiên Chúa được hân hoan vui mừng, vì nơi Đức Maria Vô Nhiễm, Thiên Chúa đã làm mới lại được tình yêu của Ngài với nhân loại (So 3: 17). Suy nghĩ về ơn lạ này, đã làm các Nghị Phụ Công Đồng Vaticanô II phải tuyên xưng “Maria là Đấng toàn thánh- Totam Sanctam” (Lumen Gentium Ch VIII, 56).

 

Trong vườn Địa Đàng, Eva mẹ các sinh linh (Kn 3: 20), đã bị thua con Rắn Satan lưu manh lừa đảo. Từ đó tấm lòng của Eva bị thương tích nặng nề không thể cưu mang tình thương cho mình và cho muôn đời con cháu. Nhưng nơi Maria, con Rắn Satan không thể dở trò, Bà đã đạp giập đầu nó dưới gót chân, (Kn 3: 15).

 

Những người mẹ, người vợ của nhân loại, cho dù các bà có tài ba sang qúi thế nào, thì “chúng ta vẫn là con cháu yếu đuối của Eva”, con Rắn Satan vì ganh ghét, nó cứ quẩn quanh để phá hoại hạnh phúc các bà và gia đình các bà bằng đủ mọi mưu mô xảo trá. Xin các bà mỗi khi đã hết lòng phục vụ chồng con với một tấm lòng yêu mến chân thành, mà các bà vẫn bị hành hạ tinh thần, vẫn bị khinh rẻ thân xác, xin đừng nản lòng, vì đó là lúc con Rắn Satan đã ló đầu, hãy bằng lời cầu nguyện thiết tha, kêu lên Đức Maria, một “Đức Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”, Mẹ sẽ trị được nó và có cách lo cho hạnh phúc các bà và gia đình các bà.

 

CHÚNG CON Ở NƠI KHÓC LÓC

Đức Maria, một người Mẹ, mà Thiên Chúa đã gửi đến cho nhân loại và các bà mẹ trần gian. Đức Mẹ cũng đã mang thai con chín tháng trong lòng dạ mình, đã nuôi con bằng hai bầu sữa như các bà mẹ trên thế gian. Đã trải qua chuỗi ngày khó nghèo đạm bạc, từ sanh con không có một cái nôi, cái tã, cho đến ôm con thơ bé trên lưng lừa ngày đêm chạy trốn kẻ thù. Đã thao thức tâm can vì lạc mất con mình ba ngày. Lòng Mẹ còn tan nát biết bao khi thấy con mình, vì tội chúng sinh, mà đầy thương tích trần truồng treo trên thập giá. Nỗi đau đớn khủng khiếp mà Kinh thánh gọi là mũi giáo xuyên qua trái tim. Mẹ Maria, một người Mẹ tinh tuyền không có tội lụy gì, không có tội thì không có khổ. Thế nhưng cũng như Đức Giêsu con của Mẹ, trong Ý Thiên Chúa, có nỗi đau nào Mẹ đã không trải qua. Mẹ đã cảm nghiệm rất sâu xa mọi khó khăn của các bà về mang nặng đẻ đau, về trằn trọc lo âu khi nuôi dạy con cái; Đức Maria đã thao thức xót thương các bà mẹ vô cùng. Suy niệm như thế Hội thánh mới hết lòng kêu cầu Mẹ qua những tước hiệu: Mẹ là Trạng Sư, Đấng Phù Hộ, Đấng Bảo Trợ v.v. (Lumen Gentium Ch. VIII, 62)

 

Đức Maria người mẹ duy nhất Thiên Chúa đã cho nhìn thấy nỗi thiếu thốn cùng cực của hôn nhân không có tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu mà Adam Eva đã làm đổ vỡ trong vườn địa đàng, nên dục tính và đam mê xấu đã chỗi dậy rất mạnh. Trong những ngày đầu cuộc rao giảng của Đức Giêsu, nơi tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói với Đức Giêsu: “Họ không có rượu nữa.” (Yn 2: 3). Rượu đây là Thần Khí Tình Yêu của Thiên Chúa, thiếu vắng tình yêu đó, lòng thương con người với  nhau ngoài xã hội, tình yêu vợ chồng với nhau trong hôn nhân, chỉ giống như nước lã lạnh tanh trong những chum vại bằng đá. Qua lời yêu cầu của Mẹ, Đức Giêsu đã làm cho nước lã thành rượu ngon nồng ấm. 

 

Từ ngày đó, Mẹ đã chỉ cho những đôi hôn nhân một chân lý là, chỉ có tình yêu từ Thánh Tâm Chúa Giêsu Con Mẹ mới là rượu ngon nồng ấm, mới làm cho các gia đình biết yêu nhau đích thật, thoát cảnh ‘chồng chúa vợ tôi’. Nhờ tình yêu đó họ mới chia sẻ với nhau trong mọi gian nan vất vả. Nhờ tình yêu đó, thời gian, không gian, tuổi tác, bệnh hoạn, già nua, không thể làm họ xa cách chia lìa, trái lại càng khắn khít gắn bó để lo cho nhau. Bởi vì hai người đã được gắn liền với nhau bằng thừng chão tình thương của Thiên Chúa nơi Trái Con Ngài: Trái Tim Chúa Kitô Giêsu. (Hs 11: 4).

 

   “NÀY LÀ MẸ CON” (Yn 19: 27)

Thiên Chúa xót thương, đã nhìn thấy những nỗi đau khổ, những bất công, những gian lao các người nữ phải cam chịu, không chỉ trong cuộc đời làm vợ làm mẹ, và trong cả biết bao thân phận tang thương tất bạt khác nữa, nên Chúa đã ban cho nhân loại, cách riêng cho các phụ nữ, một người Mẹ. Hãy kêu lên Mẹ. Dưới chân thập giá, nơi nguồn suối Cứu Độ từ Trái Tim Đấng bị đóng đinh tuôn chảy, Đức Mẹ đứng ở đó và dẫn theo hai người nữ, một là bà Maria người mẹ đáng kính của gia đình, hai là Maria Mađalena, một phụ nữ giang hồ mà Chúa Giêsu đã trừ cho khỏi bảy qủi.  Nơi nguồn an bình hạnh phúc vô biên của Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Mẹ dẫn họ đến để được cư ngụ trong đó. (Yn 19: 25).


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà