Tinh Thần Bỏ Ngỏ Trong Hôn Nhân

 

ĐỨC YÊSU NÓI: “TỰ TÔI, TÔI KHÔNG LÀM GÌ . . . TÔI CHỈ LÀM NHỮNG SỰ ĐẸP LÒNG CHA TÔI MÀ THÔI“

(Yn 8: 28-29)

Vũ Hồng

 


          ĐI ĐẠO LÀ GÌ?

Chúng ta đi đạo (ở đây muốn nói về đạo Công Giáo), không phải là đi theo một lý thuyết cao siêu, cũng không phải để làm việc đạo đức, khi chết được lên thiên đàng. Mà đi đạo là chúng ta đi theo một con người, con người có thật trong lịch sử, con người đó được sinh ra, lớn lên ở Nazareth, và Ngài đã chết thập giá đời Pontiô Philatô. Con người đó yêu chúng ta hết lòng. Ngài là Đức Kitô Giêsu.

Tại sao định nghĩa như vậy? Thưa, vì đạo là đường. Mà đường đời thì loanh quanh muôn ngả, nhưng chỉ có một chính đạo, một con đường duy nhất dẫn đến cùng Thiên Chúa, là Cha chúng ta và là Cha của mọi người. Và trên thế gian này, không ai dẫn được chúng ta đi con đường đó, ngoại trừ Đức Kitô Giêsu. (Yn 14: 6b).

 

ĐƯỜNG LÀ ĐỨC KITÔ

Đức Giêsu Kitô, Đấng Chúa Cha sai đến trần gian, Ngài nói: “Tôi là Đường”. (Yn 14: 6). Vậy định nghĩa đúng nhất, phải nói: Đạo là Đức Giêsu. Không có Đức Giêsu chúng ta không có đạo. Và tất cả chúng sinh trên cõi đời này, muốn đạt đến hạnh phúc an vui vĩnh cửu, đều phải được Đức Kitô Giêsu dẫn dắt trên đường của Ngài, dẫn bằng cách nào đó tùy Ngài với riêng kẻ ấy. (Cv 4: 12). Bởi vì Ơn Cứu Độ của Thập Giá bao trùm từ Adam đến tận thế.

Đức Giêsu nói: “Tôi là Đường.” Động từ LÀ rất mạnh. Có nghĩa, Đức Giêsu không phải là người chỉ đường, mà Ngài chính là con Đường. Đường từ đất lên trời. (Yn 1: 51). Ai muốn đến cùng Chúa Cha, người đó không thể đi trước Ngài, không thể đi sau Ngài, không thể đứng xa bái lạy, hoặc đứng ngoài noi gương bắt chước, mà phải đi trong Ngài: “Anh em hãy ở lại trong lòng yêu mến của Tôi” (Yn 15: 9).

 

Ở LẠI TRONG ĐỨC KITÔ

Kinh thánh nói: “Ai không có Thần khí Đức Kitô, kẻ ấy không thuộc về Ngài.” (Rm 8: 9). Riêng tôi, đi đạo mà không cảm nghiệm được Đức Kitô Giêsu đang ở với tôi, tình thương của Ngài đang thấm vào thịt máu tôi, thì cho dù tôi có chăm chỉ nhà thờ nhà thánh, cố gắng tu thân tích đức, có tích cực tham gia mọi lễ hội linh đình của đạo, mà tôi không thuộc về Ngài, thì, khi khốn khó gian nan ập đến, tâm hồn tôi sẽ cảm thấy cô đơn trống vắng, chán nản lo âu, không biết bám víu vào đâu.

‘Ở lại, ở trong Đức Kitô’ có nghĩa là phú thác tất cả qúa khứ, hiện tại, tương lai, sự sống sự chết, “mọi nỗi lo âu hãy trút cả cho Ngài,” kể cả tội lỗi của tôi nữa, “vì Ngài lo cho tôi.” (1P 5: 7). Và lúc ấy đời tôi sẽ thảnh thơi an bình vô cùng, giống như ‘cành nho dính liền vào cây nho’ vậy. (Yn 15: 5).

 

NÊN MỘT VỚI ĐỨC KITÔ

Trong tu đức có từ ngữ “Noi gương bắt chước”. Noi gương bắt chước các thánh, là điều qúa đúng. Vì các thánh là những người có tội được Chúa Giêsu cứu, cho nên đã trở thành các vị thánh. Chúng ta phải noi gương bắt chước các ngài mà thực hành như vậy.

Còn noi gương bắt chước Chúa Giêsu thì bất khả. Bởi vì Chúa Giêsu không phải là cái gương để chúng ta soi, nhưng Ngài là nguồn tuôn chảy mọi tốt lành chúng ta phải chịu lấy. (Yn 7: 37 & Col 1: 18-20). Vì thế Chúa Giêsu nói: “Hãy ăn thịt và uống máu Tôi”. (Yn 6: 35). Bítích Thánh Thể là thế.

Như vậy đạo chúng ta không phải đứng ngoài mà sì sụp lễ bái, mà phải ‘Nên Một’ với Đấng Phục Sinh, (Yn 17:23). Nếu khi Chúa Cha nhìn vào Chúa Con mà không thấy tôi ở trong, thì dù tôi có là chức tước gì trong hội thánh, dù tôi đi nhà thờ qùi chai đầu gối, ăn chay hãm mình suốt năm, bán hết gia sản để bố thí cho kẻ nghèo khó, vô ích cho tôi. (1C 13: 3).

 

NÊN MỘT TRONG HÔN NHÂN

Đức Giêsu nói: “Người nam sẽ bỏ cả cha mẹ mình và khắn khít với vợ, và cả hai chúng sẽ nên một thân xác” (Mt 19: 5).  Đối với hội thánh (hiền thê của Đức Giêsu, Ep 5: 25-32,) vì yêu mến, Đức Giêsu đã bỏ trời xuống trần gian, để nên một với chúng ta nơi các bitich. Không có vợ chồng nào, dù thương nhau cách mấy có thể làm được như vậy.

Tuy không thể làm được, nhưng Nên Một vẫn là điều cốt yếu của hôn nhân. Vợ chồng không phải chỉ đứng ngoài để chiêm ngắm nhau, âu yếm nhau, khi nồng nàn tột đỉnh thì trao ban thân xác. Nếu chỉ có những chu kỳ đó thôi, thì thật mong manh. Vì cái gì lập đi lập lại hoài cũng nhàm chán. Chưa kể thân xác chúng ta còn lệ thuộc vào định luật sói mòn của thời gian. Lại nữa chúng ta không phải là nguồn vô tận để mỗi ngày bù đắp, mỗi ngày làm mới lại được tình yêu cho nhau.

Hôn nhân là Nên Một, người này là nửa của người kia, ráp vào nhau để thành một người, khít khao vừa vặn (1 + 1 = 1). Đôi nào gượng ép ráp lộn, thì suốt đời cứ cụ cựa hoài, không bao giờ có thể êm ái.

Khi đã nên một lúc ấy mới hết lòng trân qúi, mới cùng chia sẻ được khi thịnh vượng cũng như lúc gian nguy, mới hết lòng tương kính nhau khi thanh xuân tươi trẻ cũng như lúc tóc bạc lưng còng. Lúc ấy hai tâm hồn mới có thể vui cái vui của nhau, buồn cái buồn của nhau, đau cái đau của nhau, tủi cái tủi của nhau. Hạnh phúc hôn nhân là như thế. Và nhất định phải là như thế.

Nhưng 2 người chỉ có thể đạt hạnh phúc ấy khi hai vợ chồng đã Nên Một với Chúa Giêsu. Ngoài Chúa Giêsu, tình yêu mỏng dòn của con người không đạt tới được đâu. Khi đụng chuyện, méo mó ngay. Chính vì biết nỗi cô đơn yếu hèn của chúng ta như vậy, mà Đức Giêsu đã cầu xin Chúa Cha cho chúng ta được Nên Một với Cha trong Ngài, nơi lời nguyện tế hiến:

“Lạy Cha, Con xin hiến thánh mình Con, để tất cả chúng nên một, cũng như lạy Cha, Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong Chúng ta, và thế gian tin là Cha đã sai Con.” (Yn 17: 19-22).

Khi đã nên một với Đức Giêsu, thì người làm chủ đời tôi không phải là tôi mà là Ngài. Đức Giêsu cũng vậy, khi đến trần gian, Ngài luôn Nên Một với Chúa Cha, và đã để Thần Khí Cha dẫn dắt (Lc 4: 18). Ngài chỉ làm những điều ý Cha muốn. Sự Nên Một với Cha là đặc tính lạ lùng của Tình Yêu, đến độ Ngài nói: “Kẻ thấy Tôi, là thấy Đấng sai Tôi.” (Yn 12: 45). Người chồng (vợ) trong gia đình có thể nói với nhau: “Em (anh) thấy tôi là thấy Đức Giêsu, Đấng yêu tôi” không? Các linh mục có thể nói câu đó với giáo dân chăng?

Và qua mầu nhiệm này, chúng ta mới hiểu được Lời Đức Giêsu nói về sự liên kết hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người chớ có phân ly.”

Sự kết hợp ở đây là trước hết kết hợp với Chúa, rồi sau đó mới kết hợp với nhau trong Ngài. Kết hợp không bằng luật (Ep2: 15a), mà bằng dây yêu thương. (Hs 11: 4). Nói đến liên kết hôn nhân, người ta thường cứ dựa vào luật hơn là vào tình thương.

Hôn nhân là hai người nam nữ yêu nhau trong một người là Chúa Giêsu, chớ không phải hai bất động sản cột chặt nhau bằng một khế ước. Không kết hợp với tình yêu Giêsu, nên đã có những bạo hành bằng lời nói, và cả bằng hành động nữa xảy ra trong hôn nhân.

Hai người nam nữ từ khi gặp nhau, mà không biết Chúa Giêsu là ai trong tình yêu của mình, chỉ biết nhau mờ mờ tỏ tỏ, qua nét hào hoa bên ngoài, hoặc vì nhu cầu nào đó mà hai bên phải dựa vào để lấy nhau v.v. Rồi khi đọc lời hứa hôn nhân, chỉ như đọc một công thức sẵn có. Vậy thử hỏi, lễ cưới xong, những khó khăn đời sống nổi lên, từ xã hội bên ngoài, từ cha mẹ ace họ hàng hai bên, từ nỗi niềm riêng mỗi người, lời hứa hôn nhân ngày cưới, còn đủ quyền lực gắn bó hai người để tương kính yêu thương nhau như thuở ban đầu chăng?

 

BỎ NGỎ CHO ĐỨC KITÔ

Bỏ ngỏ là Tin tưởng, là Cậy nhờ là Yêu mến, và mở hết lòng ra, để chịu lấy tất cả những gì Thiên Chúa muốn ban cho, qua Con Một Ngài là Đức Kitô Giêsu, rồi hoàn toàn đầu phục (surrender) Ngài.

Thường nghe nói: Đạo nào cũng giống đạo nào, đạo nào cũng dạy người ta Ăn Ngay Ở Lành, không có đạo nào dạy làm điều ác cả. Nhưng Đức Giêsu đến, Ngài không dạy ăn ngay ở lành theo cách thế gian. Ăn ngay ở lành, cái mà Thiên Chúa đã ban rồi, Ngài đã in vào trong lương tâm từng người từ khi có trí khôn, để biết biện phân phải trái, làm lành lánh dữ. Nhưng sự dữ sự ác thì cứ tràn đầy (Mc 10: 18), không phải ở ngoài tràn vào, mà từ lòng người tuôn ra. (Mt 15: 19). 

Vì thế khi Đức Giêsu đến, Ngài không khuyên dạy, mà đưa chúng ta vượt hẳn giới phàm trần để đi vào giới của Thiên Chúa: “Anh em hãy nên trọn lành, như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành.” (Mt 5: 48).

Đức Giêsu không khuyên dạy ai làm việc lành phúc đức, vì Ngài chính là sự lành, sự phúc mà người ta phải chịu lấy: “Tôi là sự thật. Tôi là sự sống (Yn 14: 6a). Tôi là sự sáng (Yn 8: 12). Tôi là bánh. Ai đến với Tôi sẽ không hề đói (Yn 6: 35). Hãy ở lại trong tình yêu của Tôi. Ngoài Tôi, anh em không thể làm gì.” (Yn 15: 5b & 9).

Chịu lấy Chúa Giêsu. Ngài sẽ đổi hẳn đời tôi, làm cho tôi chết đi con người cũ, để trở thành con người mới trong thân mình của Ngài, Kinh thánh gọi là Tạo thành Mới. (2C 5:17).  Không phải thành một hiền nhân quân tử, mà thành con của Cha trên trời, chi thể thân mình của Chúa Kitô, đền thờ Chúa Thánh Thần, trở thành sự tôn vinh Thiên Chúa không ở trong nhà thờ, mà trong thân mình chúng ta. (1C 6: 19-20).

Khi được như thế thì không còn là tôi đi đạo, mà là tôi sống đạo. Như Kinh thánh nói: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà chính Đức Kitô sống trong tôi. Đời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi.” (Gal 2: 20). Bỏ ngỏ là như thế.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà