CHỮ TÂM TRONG HUYỀN NHIỆM HÔN NHÂN

Bài X

Vũ Hồng

         

Như Trẻ Nhỏ (tiếp theo)        

 

Nên thánh và lên thiên đàng là hai ước muốn thường có của người công giáo, cho nên có những lời khuyên cố gắng hãm mình ép xác lập công đền tội.

Căn cốt của người theo đạo Công Giáo nếu chỉ là luyện tập cho mình được tốt lành thánh thiện hoặc lập công đền tội để được lên thiên đàng, thì chẳng có gì là mới lạ, từ cổ xưa các bậc hiền nhân quân tử Hy Lạp, Trung Hoa đã từng tu thân như thế.

Về phần Kitô hữu, áp dụng phương pháp tu đức tự lực cánh sinh để nên thánh, để lên thiên đàng, thì có thể nói đó là một cách tu đức vị kỷ, và nếu chúng ta theo đường tu đức như thế, qủa thật chúng ta đã đang làm điều vượt sức của chính mình. Bởi vì ‘Thánh và Thiên đàng’, cả hai đều không thuộc phạm vi khả năng của người trần

 ‘Thánh’là bản chất của Thiên Chúa, không ai có thể luyện tập mà trở thành Thánh được. Lên thiên đàng chỉ có một đường duy nhất là nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu. “Ta là Đường.” (Yn 14: 6). Ngoài con đường đó không có lối đi nào có thể làm thánh hoặc đi tới thiên đàng cả. Vì bản chất Thánh đã là của riêng Thiên Chúa, thì con người trên thế gian không ai có thể có bản chất ấy, một người cũng không, (Rm 3: 12b). Chúng ta hẳn nhớ, trong thánh lễ chúa nhật, mọi người đã chẳng luôn đọc lớn tiếng câu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô Giêsu, chỉ có Chúa là Đấng Thánh.” trong kinh Vinh Danh đó sao? ( Quoniam tu solus Sanctus -  For you alone are the  Holy One.)

Trong Kinh nguyện Thánh Thể, giáo hội công giáo luôn mượn lời sứ thần Seraphim, trong thị kiến của ngôn sứ Isaia, mà tung hô Thiên Chúa: “Thánh! Thánh! Thánh!”(Ys 6: 3). Ba lần thánh, có nghĩa là vô cùng thánh. Sau lời tung hô: Thánh! Thánh! Thánh! thì tiếp theo là lời ca ngợi: “Trời đất đầy vinh quang Chúa!”

Vinh quang Thiên Chúa là gì? Thưa: là lòng Yêu Mến. “Trời đất đầy vinh quang Chúa”, là trời đất tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chết thập giá và đã phục sinh, Đấng hằng thi thố lòng yêu mến tột độ và tuyệt đỉnh cho thế gian, theo ý Thiên Chúa Cha.

Thánh và lòng Yêu Mến luôn là một.

Thánh là ơn từ trời ban xuống cho nhân loại, qua thập giá và phục sinh của Đức Kitô Giêsu. Những đôi trai gái sắp kết hôn, muốn có tình yêu đích thật với nhau thì phải gặp gỡ Đức Kitô Giêsu. Những đôi vợ chồng muốn có tình yêu bền vững đầm ấm trong gia đình suốt đời, thì hàng ngày phải đón nhận Chúa Kitô trong cuộc sống hôn nhân của mình.

Mỗi ngày chúa nhật, qua Lời Chúa, chúng ta thấy Đức Kitô Giêsu, chính Ngài, không có dạy ai tu đức để nên thánh, hoặc đi đạo để lên thiên đàng. Bởi vì thánh không phải là một phẩm trật để phân biệt người này cao hơn người khác, nơi trần thế cũng như khi qua cõi vĩnh hằng bên kia. Thiên đàng không phải là một nơi chốn.

[Xin nói ra ngoài đề một chút về chuyện đạo, phép lạ, thiên đàng, xảy ra bên Úïc. Gần đây có vụ phép lạ tượng Đức Mẹ chảy dầu, tượng Chúa Giêsu chảy máu ở Inala, Brisban, Uïc Châu. Linh mục Trần công Nghị VietCatholic đã vội vã cho phát hành DVD để bán. Ngoài bìa DVD phía trên in hình Đức Mẹ, phía dưới in hình 2 lm Trần công Nghi và Nguyễn thanh Liêm vị quản nhiệm cộng đồng Inala, và hình ba cô ca sĩ và xướng ngôn viên. Nhưng Đức Cha John Bathersbay, Tổng giám Mục Brisban, cho điều tra, và đã tuyên bố hiện tượng đó không có nguồn gốc gì là siêu nhiêu và cho lệnh rời các tượng đó ra khỏi nơi thờ kính. Cùng lúc ở  Robina Gold Coast, nơi cách Inala độ 80 cây số, tại nhà ông Avo và bà Suzy Vardanian, chính thống giáo, cũng có tượng Đức Mẹ chảy dầu thơm, nhiều người đến kính viếng, trong đó có cả hai linh mục Công giáo đến dâng thánh lễ. Hình ảnh được đưa lên trang của VietCatholic News ngày 19/7/04. Mỗi lần có người đến viếng tượng, ông Avo thường giảng thuyết, và một lần ông Avo đã giảng rằng: “Thiên đàng hiện nay có trồng rất nhiều cây Ô liu.” (DĐGD số 34, tháng 9/2004, trg 30-39).]

Chúng ta hãy nghe lời Đức Giêsu nói với các nhà biệt phái về Nước Thiên Chúa: “Người ta sẽ không nói được: Này ở đây hay ở đó, vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông.” (Lc 17: 21).

Thánh và thiên đàng có ngay từ lúc tâm hồn con người được an nghỉ hoan lạc, bình an, trong Chúa Kitô Giêsu. Ai ở trong Đức Kitô, kẻ ấy là thánh, kẻ ấy đang ở thiên đàng. (xem 2C 5: 17).

Về phần chúng ta, thánh là một sự chịu lấy, một sự mở lòng đón nhận, bằng van xin khẩn cầu. Một ông thánh, bà thánh mà chỉ biết tu đức cho riêng mình, mặt mày nghiêm túc, chẳng đem niềm vui cho ai, gặp ai cũng khuyên cũng bảo, đó là loại thánh giả, sống gần thánh ấy người ta cảm thấy khó chịu lắm.

Đặc tính đích thật của thánh là:

         Yêu mến-Vui mừng -Bình an. (Gal 5: 22).

Trong suốt bốn Tin mừng, không có đoạn nào Đức Giêsu nói hãy chịu khó thức khuya dậy sớm đi nhà thờ cả. Việc thờ phụng Chúa trong nhà thờ chỉ là một trong rất nhiều việc thờ phụng khác. Việc thờ phụng Chúa trong nhà thờ đích thật, xuất phát từ những việc thờ phụng Chúa trong gia đình, ngoài xã hội, trong tâm hồn và cách đối xử với tha nhân.

Trong cộng đoàn Kitô hữu, các xứ đạo cũng như nơi tu trì, cuộc sống không có bầu khí “Yêu mến-Bình an-Vui mừng”, thì không có Chúa Kitô ở đó, sẽ cãi cọ, tranh chấp, giận hờn. Trong gia đình, cuộc sống vợ chồng thiếu ba yếu tố: “Yêu mến-Vui mừng-Bình an” trong tâm hồn hai người, cho dù nhà cao cửa rộng, tiền của dư thừa, cho dù chăm chỉ nhà thờ nhà thánh, cho dù quen biết nhiều cha nhiều sơ, cho dù con cháu đầy đàn, cũng không cách nào hạnh phúc được.

BÌNH AN ĐÍCH THẬT

Sự bình an vui vẻ đích thật nơi trần gian này, chỉ có thể tìm gặp được nơi con người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. Nếu không có tình yêu của Chúa Kitô nơi trái tim mình, thì cho dù giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, ngay cả vợ chồng chung chăn chung gối, khi đụng chuyện là thấy lộ ra cái lòng ích kỷ ngay tức khắc.

Chúa Giêsu chỉ dạy chúng ta một điều căn bản: “Yêu mến”. Lòng yêu mến ấy từ Thiên Chúa đổ xuống, làm cho ta biết yêu Thiên Chúa và yêu đồng loại như yêu chính bản thân mình.” (Rm 5: 5).

Ai có được hai điều Yêu mến Thiên Chúa và Yêu mến tha nhân trong tâm hồn, trong cuộc đời, là trở thành ông thánh bà thánh lớn rồi. Chẳng phải tập tành. Và cũng không ai có thể tập tành được. (Mt 22: 37tt).

          LÀM SAO CÓ ĐƯỢC ?

Vì Yêu Mến là một Ơn, cho nên chỉ có “Van Xin, Khẩn Cầu”. Xin Thần Khí Chúa mở lòng, xin sức mạnh tình yêu Chúa đập vỡ cái vỏ cứng bao kín trái tim tôi, để ít ra nó có được một kẽ nứt, tình yêu của Chúa Giêsu mới thấm được vào trái tim bằng đá của tôi, để nó trở thành trái tim bằng thịt, lúc ấy tôi thấy được Thiên Chúa yêu tôi và tôi cần phải cậy nhờ vào Chúa thế nào, và cùng lúc ấy, trái tim tôi mới xót xa được những nỗi đau thương của vợ tôi, chồng tôi, con cái tôi và của những đồng loại chung quanh. Để nếu tôi không có khả năng làm cho họ hạnh phúc, thì cũng đừng tàn nhẫn làm họ đau thêm. Và lúc ấy trái tim của tôi mới hiểu được lời tha thiết của Đức Giêsu nói với tôi: “Con hãy biết thương xót , như Cha các con là Đấng thương xót.” (Lc 6: 36).

          Van Xin, Khẩn Cầu luôn đi đôi với sự Cậy trông. Cậy trông hết lòng. Cậy nhờ tuyệt đối. Cậy nhờ như trẻ bé trong nôi cậy nhờ vào mẹ nó. Cái đạo lý duy nhất để nên thánh và lên thiên đàng chỉ nằm trong hai chữ Cậy nhờ mà thôi.

Xin đọc lại chính lời Chúa Giêsu trong đoạn 18 của Tin Mừng theo thánh Matthêô, Chúa nói chúng ta phải cậy nhờ cách nào?

         

          Thật sự, tất cả chúng ta không muốn là trẻ nhỏ, chúng ta là trưởng thành, là người lớn. Ngay cả trẻ nhỏ cũng thích làm người lớn. Cái đó là sự tự nhiên. Không có tội lỗi gì cả. Bởi vì trên trần thế này, không ai có thể nhờ vào hai bàn tay của ai mà sống cả, mình phải nhờ vào chính hai bàn tay mình. Trong cuộc sống đạo, cũng thường được nghe lời khuyến cáo: “Đừng trông cậy Chúa qúa lẽ. Phải nỗ lực, đừng có cái gì cũng ỷ lại vào Chúa.” Tuy vậy, dù nói thế nào chăng nữa, chúng ta cũng phải công nhận rằng, ngay cả cái nỗ lực của con người, cũng vẫn là sức của Chúa.

Cho nên về ơn cứu độ thì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Ngoài Ta, anh em không thể làm gì.” Đọc bài Tin Mừng theo thánh Matthêô trên, chúng ta thấy rõ đạo lý này. Chúa Giêsu muốn chúng ta hoán cải nên như con trẻ, để cậy nhờ vào Ngài. Ngài mới có thể đưa chúng ta vào Nước Trời.

Từ Adam Eva, nhân loại đã là người lớn, người lớn thì không nhờ cậy, nên tất cả nhân loại bị kẹt lại, không ai lọt qua được cửa hẹp Nước Trời. Hôm nay Con Thiên Chúa phải đến, làm người bé nhỏ nhất trần gian. Ngài đã cậy nhờ tất cả vào Cha. Vì thế Ngài là con Đường, để những ai nhờ Ngài hoán cải nên trẻ nhỏ, mới có thể cùng với Ngài đi trên con đường đó, mà vào Nước Thiên Chúa.                     

Còn tiếp


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà