TÌNH YÊU KẾT TRÁI VÀ TRÁCH NHIỆM

Bài thuyết trình của Ðức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II,
khi Ngài còn là Hồng Y KAROL WOJTYLA,
Tổng Giám Mục thành phố Cracow,
tại Ðại Hội Ðồng Quốc Tế ở Milan, Ý, vào tháng 6 năm 1978.

1. Kỷ niệm Năm Thứ 10.

Ðại Hội Ðồng này là dịp để kỷ niệm năm thứ 10 sự xuất hiện của Thông Ðiệp Humanae Vitae ( Sự Sống Con Người ) được Ðức Thánh Cha Phao-lô VI ban hành ngày 25 tháng Bẩy năm 1968.

Centro Internationale Studi Famiglia -C.I.S.F.- (Trung Tâm Quốc Tế Tìm Hiểu Ðời Sống Gia Ðình) mời chúng tôi để cùng nhau tái thẩm định chủ đề chính yếu của thông điệp: Tình Yêu Kết Trái và Trách Nhiệm. Chúng tôi thảo luận nó không những chỉ như một chủ đề của một văn kiện của Giáo Hội, vang lên giáo huấn của giáo quyền tối cao, mà còn đồng thời như một vấn nạn mục vụ, trong đó toàn thể Dân Thiên Chúa tham gia bằng nhiều cách khác nhau. Ðiều này được nhấn mạnh cách rõ ràng trong phần thứ 3 và phần cuối của Thông Ðiệp Humanae Vitae, và cả ở thời điểm sơ khởi của Hiến Chế Gaudium et Spes ( Vui Mừng và Hy Vọng ), Hiến Chế Mục Vụ của Công Ðồng Vatican II. Văn kiện của Ðức Thánh Cha đã triển khai những đường hướng mục vụ cách mạch lạc, thúc đẩy các thế quyền chung và các khoa học gia, trực diện với những ai liên quan trực tiếp đến vấn đề - đó là: những cặp vợ chồng Ki-tô hữu và gia đình - và với cả những ai , một cách gián tiếp quan tâm đến trách niệm của bậc làm cha mẹ: như quí bác sĩ và quí vị liên quan đến ngành y tế, và sau hết là quí cha sở, quí linh mục và Giám mục của toàn thể Giáo Hội trong thế giới hôm nay.

Buổi hội họp của chúng ta hôm nay, ở một mức nào đó, cũng là câu trả lời cho những thỉnh nguyện khác nhau của Giáo Hội - của Ðức Thánh Cha Phao-lô VI, và của Công Ðồng Vatican II. Nó là câu trả lời được đưa ra sau 10 năm, và cũng từ quan điểm của chính 10 năm đó, 10 năm của triển khai dọc theo những tiếng nói phản kháng và chống đối, là một nỗ lực có phương pháp để đưa ra mức khả thể của việc tôn trọng thiên luật trong cuộc sống lứa đôi đã được Ðức Thánh Cha Phao-lô VI nhấn mạnh rõ ràng trong Thông Ðiệp Humanae Vitae # 20

. Nỗ lực này, được mổ xẻ từ nhiều phía, tự nó là một luận cứ được đưa ra từ một phạm vi rộng lớn của kinh nghiệm và nói lên trong việc bênh vực sự thật của tín lý chứa đựng trong Thông Ðiệp Humanae Vitae và trong giá trị căn bản của nó.

Trên hết, vì sự thật và sự công chính liên quan đến chính vấn đề, cùng điều hợp sự hài hoà của tình yêu vợ chồng và của sự tạo sinh, nên rất là thích hợp để chúng ta đặt trọng tâm vào đề tài này trong buổi Ðại Hội này.

2. Thông Ðiệp Humanae Vitae và Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes.

Ðể được như thế, chúng ta phải trở về chính nguồn gốc của nó. Rất nhiều người biết là Thông Ðiệp có liên hệ mật thiết với Hiến Chế Mục Vụ của Công Ðồng Vatican II, trong đó đoạn thứ nhất của phần thứ hai mang tựa đề: Nuôi Dưỡng sự Thanh Cao của Hôn Nhân và Gia Ðình, nói đến một trong những điểm chính là: Hài Hoà Tình Yêu Vợ Chồng với việc Tôn Trọng Sự Sống Con Người ( GS # 51). Chúng ta cũng biết rằng một số vấn đề trong lãnh vực này, những vấn đề cần được tìm hiểu và kiểm xét kỹ lưỡng hơn nhiều, đã được trao cho Ủy Ban Ðặc Nhiệm ( Vấn Nạn Dân Số, Gia Ðình và Di Giống ) mà Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thành lập năm 1963 và được Ðức Phao-lô VI mở rộng thêm vào năm 1964. Ủy Ban này chỉ có tính cách tham vấn mà thôi; quyết định tối hậu trên sự việc thì trực tiếp thuộc về Ðức Giáo Hoàng trên cương vị giáo quyền cá biệt của Ngài. Ðó là lý do tại sao chúng ta không thể tìm được trong văn bản của Hiến Chế Mục Vụ những giải đáp cụ thể, trong khi lại rất cần thiết phải đối chiếu với văn bản ấy, bởi vì chính tác giả của Thông Ðiệp đã làm như thế, - khi dùng đến hình thức văn kiện của quyền bính tối cao - nhắc lại điều gì đã được chuẩn nhận mới đây trong việc này bởi Công Ðồng Vatican II trong Hiến Chế Mục Vu Gaudium et Spes( HV # 7 ).

Trong thực tế, việc giải thích của Gaudim et Spes về đề tài tình yêu vợ chồng ( # 49) và rồi về hoa trái của hôn nhân ( #50 ) còn bao quát hơn Thông Ðiệp Humanae Vitae nhiều. Nó còn có vẻ nặng phần phân tích hơn, trong khi Thông Ðiệp nói về đề tài tình yêu vợ chồng một cách nặng về phần qui nạp hơn. Hiến Chế Mục Vụ xử dụng phương pháp diễn tả, nhấn mạnh đến khía cạnh Ki-tô luận và Bí-tích học của hôn nhân và phong phú hóa văn bản bằng nhiều câu "trong ngoặc". Nó hàm chứa như là toàn thể ngành giáo dục và luân lý Ki-tô giáo vậy. Việc giải thích của Humanae Vitae thì lại cô đọng hơn, mang tính chất rất mực thần học và có hệ thống. Nó nhấn mạnh đến sự kiện là tình yêu vợ chồng thì "bắt nguồn" từ "Thiên Chúa", Ðấng vừa là "Tình Yêu" vừa là "Cha"; và sự kiện là " vì nhờ vào quà tặng hai chiều đúng đắn và độc chiếm cho nhau, mà chồng và vợ hướng tới việc kết hợp bản thể của mình dưới ánh nhìn tới sự hoàn thiện hỗ tương cá nhân, để cộng tác với Thiên Chúa trong việc truyền sinh và giáo dục những mầm sống mới" ( #8 )

Thế nên Ðức Phao-lô VI đã liệt kê ra những đặc tính của tình yêu vợ chồng. "Tình yêu này trước hết phải là hoàn toàn nhân bản, trọn vẹn, thủy chung và độc quyền, và đơm hoa kết trái". Mỗi đặc tính này đều được diễn tả rất mạch lạc. Tình yêu là hoàn toàn nhân bản, do đó, "cùng một lúc nó vừa mang cảm tính vừa thuộc tinh thần", được khởi động và hình thành do một người nam và một người nữ không phải chỉ như "một chuyển vận đơn thuần của bản năng và cảm tính", nhưng còn là "một hành động chính yếu phát sinh từ ý chí tự do". Khi định nghĩa về sự trọn vẹn của tình yêu vợ chồng, tác giả Humanae Vitae nhấn mạnh rằng "đó là dạng thức rất đặc biệt của tình bạn cá nhân, trong đó chồng và vợ chia sẻ với nhau mọi sự một cách vô cùng quảng đại, không chừa lại một chút quan ngại hoặc toan tính cá nhân nào. Khi ai yêu người phối ngẫu của mình, thì không phải yêu chỉ vì những gì mình nhận được mà còn yêu vì chính bản thể của người bạn đời nữa, người ấy vui mừng vì rằng mình làm cho người bạn đời thêm phong phú bằng món quà là dâng tặng chính bản thân mình". Sự trọn vẹn của tình yêu vợ chồng nếu được hiểu như thế sẽ nối liền với phẩm chất tiếp theo: đó là "thủy chung và độc chiếm đến chết. Ðiều này, trong thực tế, cô dâu và chú rể đã lĩnh hội trong ngày mà họ tự do và ý thức chấp nhận trách nhiệm của ràng buộc hôn nhân". Và vị tác giả của Humanae Vitae thêm rằng:." Lòng chung thủy , điều mà đôi khi rất là khó khăn, nhưng luôn luôn là điều có thể ..vì không ai có thể chối từ. Sự chung thủy không những chỉ phù hợp với bản tính của hôn nhân, nhưng nó còn là cội nguồn của niềm hạnh phúc sâu xa và lâu bền" ( #9 ).

Một tình yêu như vậy, tương ứng với món quà độc quyền chiếm giữ giữa hai con người đến tận cùng của cuộc sống của họ, phải được quyền trở nên một tình yêu đơm hoa kết trái. Ðây là đặc tính thứ tư, đặc tính chung cục làm ấn tín cho tất cả các đặc tính trên: "Tình yêu này rất phì nhiêu vì nó không thể kiệt quệ do sự kết hợp vợ chồng, nhưng như một định mệnh để tiếp nối, tạo dựng những cuộc đời mới". Như chúng ta đã đọc trong Gaudium et Spes # 50 " con cái . món quà tuyệt đỉnh của hôn nhân và làm tăng phần rất lớn lao vào mối an sinh của cha mẹ".

Như chúng ta thấy, hình ảnh tổng hợp của tình yêu vợ chồng, trong đó những phẩm chất chính yếu được đề cao và hệ thống hóa, hướng về việc đơm hoa kết trái như một tóm kết của sự kết hợp giữa cá nhân mà Gaudium et Spes # 48 định nghĩa như là một "giao ước hôn nhân". Nơi khác Gaudium et Spes còn nói rằng " vợ chồng, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, đồng thời vui hưởng phẩm giá đích thực như những con người . từ những hoan lạc và những hy sinh do ơn gọi của mình, và xuyên qua tình yêu đầy hoa trái của họ . trở thành nhân chứng cho mầu nhiệm tình yêu mà Chúa đã mạc khải cho thế gian bằng cuộc tử nạn và bằng việc Ngài trỗi dậy để sống lại ( # 52 ).

3. Tình Yêu và Trách Nhiệm.

Như thế Thông Ðiệp Humanae Vitae, thường xuyên trích dẫn Hiến Chế Gaudium et Spes, là một tài liệu đặc biệt, đưa ra giáo huấn của Giáo Hội hôm nay về tình yêu vợ chồng. Trước khi đề cập đến chủ đề chính của tài liệu này, nói rõ ra là vấn đề trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, cũng cần nói sơ qua về chiều kích căn bản của trách nhiệm mà người vợ và người chồng phải tự mình lãnh lấy, đó là, trách nhiệm đối với chính tình yêu của mình. Bởi vì chính tình yêu này, như những phẩm tính đặc thù trình bầy trong Humanae Vitae nhắc nhớ chúng ta, là căn bản rất tốt cho hôn nhân, cũng như nó là căn bản rất tốt cho bản chất con người và cho cả nhân loại. Nó đã được chính Ðức Ki-tô mạc khải như thế, cùng với nguyên nhân đích thục của nó phát sinh từ Thiên Chúa: "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta ( Rom. 5:5 ). Sự tốt lành này, mà vợ chồng tham dự một cách chuyên biệt và đặc thù, là đối tượng căn bản cho trách nhiệm của họ. Chỉ những ai đủ khả năng để lãnh nhận một tình yêu trách nhiệm trong hôn nhân mới thấm nhuần được trách hiệm sâu đậm của chính món quà tình yêu. Vì trên tất cả, tình yêu là quà tặng, là dung lượng căn bản cho kinh nghiệm lần đầu cũng như mãi mãi về sau. Cho dù mọi sự xem ra như xác định rằng tình yêu là điều gì "thuộc về thế gian", nhưng nó thực sự được phát sinh từ trong tâm hồn cũng như thể xác, như là kết quả của tri giác đầy cảm tính và sự hấp dẫn nhục thể, để tiến tới chiều sâu bí ẩn của sự kiến tạo tình dục trong cảm giác sướng ngất tột cùng. Tuy thế, xuyên qua tất cả và vượt trên tất cả những chuyện trên, tình yêu vẫn là quà tặng nhưng không. Nó như món quà biếu tặng những người đang yêu, cho phép họ tìm hiểu và chuẩn định lẫn nhau để phát triển cho tới lúc họ đạt được mức điểm đã trưởng thành đủ, đồng thời phù hợp với điều mà Công Ðồng Vatican II gọi là "giao ước hôn nhân", mà theo Thánh Phao-lô, thì đó là một nhiệm tích cao cả, giống như tương quan giữa Ðức Ki-tô và Giáo Hội của Ngài ( xem Eph. 5: 32 ) .

Trách nhiệm về món quà tình yêu này được diễn xuất trong ý thức trường tồn của việc chấp nhận món quà ấy, nhưng đồng thời cũng phân biệt và trân quí những bổn phận kèm theo món quà đó nữa. Trách nhiệm về tình yêu không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng được liên kết với một tổng hợp của những giá trị, mà chỉ có tình yêu cho phép chúng ta cảm nghiệm được đầy đủ. Những giá trị này đến với chúng ta vừa như là món quà vừa như là bổn phận. Như thế, một nhãn quan mới về cuộc đời và sinh hoạt được khai mở, hướng về việc thể hiện và thành toàn những giá trị này. Nếu như chúng chỉ là tặng phẩm suông thì chúng không thể thành toàn được, nhưng chúng chỉ vẫn ở trong trạng thái của một dự án tuyệt vời và hấp dẫn mà thôi. Ðời sống phải chứng nghiệm được thực tại đầy đủ của nó. Vì thế, trách nhiệm về tình yêu đã trở thành trách nhiệm trong cuộc sống. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng tình yêu tạo nên trách nhiệm, rằng tình yêu là cội nguồn đặc biệt của trách nhiệm.

Giá trị chính yếu, mà mọi giá trị khác của tình yêu dựa vào, là giá trị của con người nhân linh. Chính vì con người nhân linh mà những giá trị này nhắm tới. Những văn bản của Công Ðồng Vatican II xác định nhiều lần rằng, tình yêu theo nghĩa tổng quát và tình yêu vợ chồng theo nghĩa đặc thù, bao gồm tặng phẩm của cá nhân mình lẫn cho nhau, tặng phẩm thâu gồm toàn thể bản thể con người, cả hồn lẫn xác. Một tặng vật như thế giả định rằng, người này mang lại được một giá trị đặc thù cá biệt cho người kia, điều mà có thể nói cách chính xác là, qua mức độ và nồng độ của nó, tự nó diễn đạt ra trong trách nhiệm đặc biệt cho giá trị ấy. Xuyên qua trách nhiệm được hiểu như thế, thì một cấu trúc căn bản của hôn nhân, một ràng buộc tức thời cả tinh thần lẫn đạo đức, đã được tạo thành. Ràng buộc này thâu gồm và thẩm thấu mọi sự, tạo nên tài nguyên tinh thần và thể lý của nó, và mọi sự đã được ấn định trong nam tính và nữ tính của những người kết hợp trong hôn nhân, giống như tặng dữ chuyên biệt về tinh thần và thể chất của họ vậy. Ðiều này liên quan đến cả khối lượng của nhiều tầng lớp giá trị, mà mỗi một giá trị lại theo đường hướng riêng của mình mà đi vào trách nhiệm căn bản giữa người chồng và người vợ. Trách nhiệm về tình yêu cũng còn là trách nhiệm cho con người với tất cả những gì là riêng tư đối với họ. Trách nhiệm về tình yêu được thai nghén như thế sẽ tự nó lại trở thành căn nguyên cho sự thăng tiến của tình yêu này, cả hai cùng xuôi trong một dòng hiệp nhất bất khả phân ly giữa hai con người, và trong những chi tiết và hoàn cảnh khác nhau được nảy sinh từ những cá nhân riêng lẻ cuả nam nhân hay nữ giới, mà tất cả đối với họ thì thanh cao và mỹ miều, nhưng cũng khó khăn, xung đột và nhiều khi còn là thảm trạng nữa.

Như chúng ta đã nói ở trên, Hiến Chế Mục Vụ dùng cách diễn tả để liệt ke, có lẽ còn nhiều nguyên tố giãi bầy và những giải thích tường tận chiều kích này của tình yêu và trách nhiệm đối với tình yêu hơn nữa:

" Lời Chúa trong Sách Thánh nhiều lần thúc giục những người đã đính hôn hoặc đã kết bạn để vun bồi và thăng tiến hôn nhân của họ bằng một tình yêu vợ chồng tinh tuyền và bằng một tình mến không thể phân chia. Nhiều người trong thời đại chúng ta cũng tôn vinh tình yêu đích thực giữa vợ chồng như nó tự chứng tỏ qua nhiều dạng thức khác nhau tùy thuộc vào những phong tục cao quí của các dân tộc và của từng thời điểm. Tình yêu này là tình yêu rất nặng phần nhân bản vì nó được hướng định từ một người sang người khác qua một cảm mến của ý chí tự do. Nó liên quan đến sự tốt lành của toàn thể con người đó. Chính vì thế mà nó làm giầu thêm những diễn đạt của thân xác và trí tuệ với một phẩm cách duy nhất, và thăng hoa những diễn đạt này bằng những dữ liệu và dấu chỉ đặc biệt của tình bạn rất đặc thù của hôn nhân. Tình yêu này được Chúa xét là xứng đáng được hưởng những ân huệ đặc biệt, chữa lành, toàn thiện và những ân huệ cao vời của thánh sủng và đức ái. Tình yêu như thế, hoà lẫn giữa nhân linh và thần linh, đưa dẫn vợ chồng tới việc họ nhận được ân huệ tự do và tương giao cho chính bản thân mình, một ân huệ tự chứng minh qua mối ái tình êm dịu và qua những hành động cụ thể. Thật thế, qua những hành động bao dung, tình yêu đó phát triển mỗi ngày mỗi tốt đẹp thêm lên. Vì thế, nó vượt qua giới hạn của hướng chiều nhục thể, là điều mà nếu theo đuổi cách ích kỷ, sớm muộn gì cũng sẽ tàn theo đổ vỡ" ( # 49 ).

4. Trách Nhiệm của Bậc Làm Cha Mẹ.

Xem ra như là không thể hiểu được trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, theo như Ðức Phao-lô VI đề cập đến một cách rất điêu luyện trong Thông điệp Humanae Vitae của Ngài, bằng bất cứ cách nào khác, nếu không hiểu bằng cách gắn liền trách nhiệm của bậc làm cha mẹ với trách nhiệm đối với tình yêu vợ chồng. Như một hình thức luân lý tách biệt, nguyên tắc về trách nhiệm của bậc làm cha mẹ thì vừa phải đúng thật vừa phải xác tín, mặc dù được hiểu theo một cách trừu tượng. Tiềm lực ban phát sự sống bất khả miễn trừ là cần thiết cho một nguyên tắc tạo nên đời sống của những cá nhân cụ thể phát xuất từ tình yêu, một tình yêu trách nhiệm được hiểu rõ và sống qua, trong cách thế mà chúng ta đã phác họa trên kia.

Chính vì thế mà tại sao tác giả Humanae Vitae đã đặt việc diễn tả chi tiết về trách nhiệm của bậc làm cha mẹ trên tính chất thần học của tình yêu, và trên cả định đề về viễn ảnh toàn bộ của con người, một viễn ảnh chỉ trở nên hoàn toàn vững chắc và cô đọng trong tình yêu và qua tình yêu. Nếu tình yêu nêu rõ lên trách nhiệm đặc thù của người này đối với người kia, trong mối liên hệ tương quan giữa người đàn ông và người đàn bà, thì từ trách nhiệm này, cũng sẽ phát triển đời làm cha mẹ trong hình thái trách nhiệm như là vấn đề đương nhiên.
Tình yêu vợ chồng được thành toàn qua việc được làm cha mẹ. Trách nhiệm đối với tình yêu này, từ thuở ban đầu cho đến ngày cuối hết, thì đồng thời cũng là trách nhiệm đối với việc làm cha mẹ. Trách nhiệm này tham dự vào với trách nhiệm kia, và cả hai cùng kiện toàn lẫn nhau. Làm cha mẹ là ân huệ đến với con người, đến cho một người nam và một người nữ, khi cùng nhau, do tình yêu, mà tạo được một nhãn quan về tình yêu trong chiều kích của hiến thân để tạo sinh nối tiếp đời sống mình, và đó là điều kiện để thực hiện cách tiệm tiến cái nhãn quan kia, qua cuộc sống và nếp sinh hoạt của mình. Do đó, việc được làm cha mẹ, một ân huệ, thì đồng thời vừa là một trách vụ phong phú được đón nhận, vừa là tiếp nối sự thành toàn đồng nghĩa với việc lãnh nhận một ân huệ. Ngoài ra, như một ân huệ là khi người ta tự biến mình thành người khác trong hôn nhân: đàn bà cho chồng mình và đàn ông cho vợ mình. Việc hiến dâng hai chiều qua lại giữa họ với nhau, như đàn ông và đàn bà, tiến tới tột đỉnh ý nghĩa qua việc được làm cha mẹ, qua sự kiện rằng họ trở thành cha mẹ như một vợ chồng. Và đây mới chính là chiều kích và ý nghĩa của trách nhiệm tương xứng với món quà tình yêu một cách căn cơ.

".Trong khi không làm cho những mục đích khác của bí tích hôn phối kém đi phần quan trọng, việc thể hiện đích thực của tình yêu vợ chồng và, do từ tình yêu ấy, của toàn bộ ý nghĩa cuộc sống gia đình, thì nhắm vào mục đích này là: một cặp vợ chồng với đôi tim dũng cảm để cộng tác với tình yêu của Ðấng Tạo Thành và của Ðấng Cứu Thế, mà qua họ, sẽ nới rộng ra và làm cho chính gia đình mình mỗi ngày mỗi phong phú thêm lên" ( GS # 50 ).

Như thế, nếu chiếu theo cùng một lý luận, lý luận của khoa học nhân bản, cũng như của niềm tin Ki-tô, thì chúng ta chấp nhận trách nhiệm của bậc làm cha mẹ như là một yếu tố, hoặc nói rõ hơn, như là một nguyên tố, tạo nên trách nhiệm cho tình yêu đôi lứa theo hình thái và ý nghĩa vợ chồng. Chúng ta còn đọc được thêm trong Hiến Chế Mục Vụ:

" Cha mẹ phải coi là sứ mệnh riêng biệt của mình trong việc sang truyền đời sống con người và giáo dục những kẻ mà họ đã truyền giống. Họ phải ý thức rằng họ là những cộng tác viên với tình yêu Thiên Chúa, Ðấng Tạo Thành, và cũng có thể nói, họ là những người đã chuyển đạt được tình yêu ấy. Vì thế, họ đã hoàn tất trách vụ của mình qua trách nhiệm nhân sinh và Ki-tô của họ. Với lòng tôn kính ngoan hiền phục tùng Thiên Chúa, họ sẽ đạt được một quyết định đúng, vì họ cùng chung nhau bàn hỏi và cố gắng. Họ sẽ quan tâm cặn kẽ tới mối an sinh của cá nhân họ cũng như của con cái họ, những con trẻ đã được sinh ra hoặc sẽ được sinh ra sau này. Vì sự quan tâm này mà họ phải tính đến những điều kiện, cả về phần vật chất lẫn tinh thần, hiện tại cũng như ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Sau hết, họ phải bàn thảo về mối phúc lợi của gia tộc, của xã hội tạm thời và của chính Giáo Hội nữa. Chính những người làm cha mẹ phải tự mình đưa cái quyết định cuối cùng trong ánh sáng soi dẫn của Thiên Chúa" ( GS # 50 ).

Trong cách này, được khởi sự bằng ý niệm về trách nhiệm của bậc làm cha mẹ - hình thức đặc thù và ý nghĩa rất phùhợp với tình yêu vợ chồng - chúng ta tiến tới vấn đề cụ thể được nêu lên dưới nhãn hiệu "trách nhiệm của bậc làm cha mẹ". Ðây là chuyện bất khả miễn trừ, cả trên phương diện lý thuyết của khoa học và giáo dục, lẫn phương diện áp dụng thực tế, để bảo toàn được trong vấn đề này một lập trường vững chắc, bởi vì chỉ có sự kiên trì mới cho phép chúng ta hiểu được nó cách đúng đắn, để nhận xét và giải quyết vấn đề mà thôi. Ðây là chuyện kiên trì trong lập trường cũng như trong chương trình hành động: trách nhiệm của bậc làm cha mẹ phát sinh từ tình yêu vợ chồng, được thông suốt và nghiệm sinh với trách nhiệm, nghĩa là phù hợp với tất cả sự thật nội tại của nó, trong việc thỏa mãn tri giác và ý nghĩa của tình yêu ấy. Nếu được hiểu và nghiệm sinh như thế, thì trách nhiệm của bậc làm cha mẹ cho phép người chồng và người vợ đặt thành vấn đề cách đúng đắn về mối trách nhiệm của bậc làm cha mẹ ngay trong suy tư của họ, trong lượng định và quyết đoán của họ, và nó cũng còn cho phép họ giải quyết vấn đề đúng theo cuộc sống và lối hành xử của họ nữa. Nếu như việc chuẩn định đúng đắn này rơi vào qũy đạo của phương pháp được mệnh danh là việc kiểm soát sinh sản, thì ngay cả ở đây, vợ chồng cũng không thể bỏ qua được điều gì đã trở thành cân thước đo lường trách nhiệm cho tình yêu, nghĩa là cả về giá trị nhân bản thiết yếu của một con người, lẫn phẩm giá được gắn liền với nó là sự kiện được làm cha làm mẹ. Nói cách giải dị hơn thì: họ không được dựa vào việc ngừa thai, vì tự bản chất nó đối chọi với tình yêu và bậc làm cha mẹ".

Ðây là cứu cánh và đòi buộc của Giáo Hội đã đề ra trong Thông Ðiệp Humanae Vitae, đồng thời chúng ta đọc thấy trong Hiến Chế Mục Vụ như sau: " Trong khi hành sự, vợ chồng không được tự tiện tiến hành bừa bãi. Họ phải luôn luôn được hướng dẫn bởi một lương tri được chuyên cần uốn nắn theo đúng với chính thiên luật, và họ phải phục tùng quyền bính giáo huấn của Giáo Hội, là những thẩm quyền giải thích thiên luật trên trong ánh sánh Tin Mừng. Chính thiên luận này đã mạc khải và bảo vệ ý nghĩa vẹn toàn của tình yêu vợ chồng, và thúc ép nó đến sự viên mãn rất mục nhân bản" ( GS # 50 ).

5. Một Lương Tâm Ngay Thẳng.

Giáo huấn hiện đại của Giáo Hội về trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, như chúng ta thấy, đã dựa vào thiên luật, vào cảm tính đích thực của tình yêu vợ chồng, và vào viễn ảnh toàn bộ của con người. Xuyên qua những điểm trên, nó cố gắng để trực diện với lương tâm con người, đích điểm mà mọi sự đều quy tụ về, và cũng từ đó đưa ra những phán đoán để hành động, và kể cả chính những hành động nữa, trong hình thái đầy hiểu biết và tự nguyện. Trụ điểm của chính vấn đề là lương tâm. Nó tự hiển hiện rất rành mạch trong mọi lãnh vực luân lý của con người, cũng như nó là mối phân tích cuối cùng của yếu tố quyết định, và những giá trị nhân bản của việc con người làm, trực tiếp lệ thuộc vào nó. Vậy mà trong chính phần đoạn về luân lý này, lương tâm lại trở thành điểm quyết định của một thời trang đặc thù. Chúng ta hiện đang nói ở đây về một phạm vi của hành động và hợp tác, trong đó hai người, một nam một nữ, hoàn toàn một mình với nhau, chứng tỏ tất cả những gì họ là, không phải chỉ trong tư thế của nam tính và nữ tính thể chất, nhưng còn trong tư thế của cảm nghiệm nội tâm người này đối với người kia, và trong cuộc nghiệm sinh ấy, mà chính bản tính tự nhiên của nó đã mang một đặc tính mật thiết, được giấu nhẹm khỏi thế gian và khỏi sự xét đoán của người khác. Trong trạng huống như vậy, lương tâm của người ta xem như đã quyết định một phần: một lương tâm ngay thẳng và trưởng thành, một lương tâm vừa nhân bản vừa đạo đức Ki-tô sẽ nêu lên, ở đây và bây giờ, mức độ hợp thời của phần trách nhiệm. Chúng ta đã đọc trong Gaudium et Spes # 50: "chính những người làm cha mẹ phải tự mình đưa ra cái quyết định cuối cùng trong ánh sáng soi dẫn của Thiên Chúa". Trách nhiệm đối với tình yêu và trách nhiệm của bậc làm cha mẹ cuối cùng được thâu tóm vào trong những quyết định của lương tâm của vợ chồng, vào những quyết định mà cả một hệ thống giá trị được diễn tả đúng đắn hay sai lầm, và còn vào cả toàn bộ hệ thống giáo dục chứa đựng trong mỗi hành động đó nữa. Mỗi lần hành động như thế là một lần khơi mở lương tâm, để chứng thực nó, củng cố nó hay hạ yếu nó, tìm lại được nó hay phá hủy nó đi.

Ðó là lý do tại sao tất cả những gì chứa đựng trong Hiến Chế Gaudium et Spes, trong Thông Ðiệp Humanae Vitae, vàtrong hàng loạt những thông tư khác nhau như: thư luân lưu, thông báo, tông thư và rất nhiều nữa trong báo chí, sách vở, thư mục, và dĩ nhiên, trong các buổi đại hội và thuyết trình - tất cả những gì chứa đựng trong chúng để truyền đạt giáo huấn của Giáo Hội, thì cuối cùng, cũng đều nhắm tới việc đào luyện một lương tâm ngay thẳng và trưởng thành nơi người chồng và người vợ.
Gaudium et Spes ) lập lại nhiều lần rằng bậc làm cha mẹ, có thể nói, là để giữ vững tình yêu vợ chồng. Tình yêu vợ chồng chân chính thủ đắc đặc tính và đặc quyền của việc truyền sinh. Qua ngôn ngữ của Ðức Giáo Hoàng và của Công Ðồng, Giáo Hội hoàn trả công lý lại cho những cặp sống đời hôn nhân, khi họ chấp nhận cách quảng đại, là lãnh nhận trách nhiệm có nhiều con cái. Tuy nhiên Giáo Hội cũng quan tâm đến những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau: " Vì thế, nếu có nhiều lý do nghiêm trọng mà không thể sanh nở được, xuất phát từ những điều kiện thể lý hay tâm sinh lý của chồng hoặc vợ, hoặc từ những điều kiện ngoại tại, thì Giáo Hội dậy rằng, thật làhợp pháp để xét đến sự nhịp nhàng nội tại tự nhiên trong phận vụ truyền sinh, mà chỉ xử dụng việc chăn gối trong những thời kỳ không thể thụ thai mà thôi, và với phương pháp điều hòa sinh sản này, thì không phạm đến những nguyên tắc luân lý đã được đề cập tới trước đây" ( HV # 16 ).

Ý nhgĩa mà Ðức Phao-lô VI qui cho trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, song song với Công Ðồng Vatican II và toàn bộ truyền thống và giáo huấn Ki-tô về đức tin và luân lý thì, tự căn bản, là rất đạo đức. Nhờ như thế, Ðức Phao-lô VI đã hết sức nhấn mạnh để phân biệt cách chính xác giữa hình thức "kiểm soát sinh sản" mà Giáo Hội chấp nhận là phù hợp với thiên luật, khác hẳn với chuyện mà thường được gọi là "ngừa thai", chuyện mà văn kiện tòa thánh định nghĩa là "kiểm soát sinh sản cách nhân tạo". Trong trường hợp thứ nhất, vợ chồng tự hiến cho nhau trong cách thế đúng đắn như một sở hữu đặc thù chắc chắn được ban tặng cho họ theo bản tính của hôn nhân; trường hợp thứ hai, họ cản trở cuộc tiến hành của một diễn trình tự nhiên liên quan đến việc truyền sinh đời sống, cho dù đúng là trong cả hai trường hợp , với sự đồng ý rõ ràng giữa hai người là vợ chồng đều muốn tránh việc truyền sinh, và muốn được bảo đảm là một thai nhi không thể được thành hình. " Thật rất đúng là trong cả hai trường hợp, cặp vợ chồng đã cưới, đồng ý với nhau trong sự tự do quyết định tránh có con vì những lý do chính đáng, tìm cách thế chắc chắn nhất để mầm non sẽ không xuất hiện. Tuy nhiên lại cũng rất đúng là, chỉ ở trong trường hợp trước, họ mới có thể từ bỏ hành động gối chăn trong thời kỳ có thể thụ thai, vì những động lực chính đáng mà họ không muốn việc truyền sinh, trong khi họ lại ăn nằm trong thời kỳ không thể thụ thai để chứng tỏ tình thương yêu của mình và để bảo toàn tính chất thủy chung hỗ tương vợ chồng của họ. Vì làm như thế, nên họ nêu lên được chứng tích của một tình yêu chân thật và tuyệt đối thành tâm" ( HV # 16 ).

Tác giả của Thông Ðiệp ý thức được những khó khăn tâm sinh lý, và có lẽ cả những khó khăn tinh thần, như mấu chốt mà Giáo Hội có thể sẽ phải đối diện. Chính vì thế mà bất cứ ai đối diện với điểm mấu chốt này phải có một sự hiểu biết tỏ tường, không phải vì chỉ để tự mình quyết định, mà còn vì tất cả các lý lẽ mà họ dựa vào để quyết định nữa. Ðặc biệt là trong thực tế, họ không thể để tính chất luân lý của hành động lẫn lộn với kỹ thuật của hành động, hay để nguyên tắc lẫn lộn với phương pháp. Một trong những sai lầm căn bản trong việc diễn dịch Humanae Vitae phát xuất từ chính từ sự lẫn lộn này. Tâm thức thời thượng về "kỹ thuật" chỉ muốn thấy phần "kỹ thuật" ( thao túng ) vượt trên mọi thứ khác, kể cả trong khi chỉ có hai người, một nam một nữ như vợ chồng, phải đối diện với nhau trong sự thật toàn bộ về món quà của họ biếu tặng cho nhau, dưới sự hướng dẫn của một lương tâm ngay thẳng và trưởng thành. Giáo Hội muốn dành lại tri thức đích thực của tình yêu và phẩm giá trưởng thành trong lối hành xử xứng đáng với con người, cho họ. Ðó cũng là lý lẽ đích thực của lương tâm, được tạo nên như một điều kiện không thể không có, không phải chỉ vì trách nhiệm của bậc làm cha mẹ, mà còn vì trách nhiệm đối với chính tình yêu vợ chồng.

Một trong những nguyên tố căn bản của tình yêu này, một tình yêu mà chính Ðức Ki-tô là vị tôn sư không thể thay thế được, là khả năng của đòi hỏi và chấp nhận những yêu sách như thế, mà nếu không có chúng, thì tình yêu không còn là tình yêu nữa. Quan tâm về một hình thái chân truyền như thế về tình yêu nhân loại cũng đã định đặt ra những đòi hỏi, mà Ðức Phao-lô VI đã viết trong Humanae Vitae, hợp với truyền thống và giáo huấn Công Giáo. Chẳng lẽ chúng ta không cảm nhận được mối quan tâm này sao? Hãy xem như phần trích đoạn sau đây:

"Thật là dễ sợ nếu người chồng, khi lớn lên đã quen với các tập quán xử dụng việc chống thụ thai, cuối cùng sẽ đánh mất sự kính trọng đối với vợ, và khi không còn lo lắng cho sự bình đẳng cả về thể lý lẫn tâm sinh lý của vợ nữa, thì một lúc nào đó, sẽ tới điểm họ coi vợ như một dụng cụ để hưởng thụ ích kỷ cá nhân, mà không còn coi như một người bạn đời đáng kính và được yêu nữa" ( HV # 17 ).

6. Mối Quan Tâm Chung

Tất cả chúng ta hiện diện nơi đây hôm nay, tề tựu lại với nhau vì cùng một mối quan tâm, đã được các vị Giáo Phụ của Công Ðồng Vatican II diễn đạt bằng những lời lẽ đề cao phẩm giá của hôn nhân và gia đình, và được Ðức Phao-lô VI nói lên trong Humanae Vitae, mà không để ý tới những tiếng nói phản kháng và chống đối dễ dàng nhận thấy. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm sự xuất hiện của văn kiện này, khi đọc lại nó theo văn mạch của Hiến Chế Gaudium et Spes, chúng ta sẽ tìm gặp những lời văn thích đáng một cách đặc biệt như sau: "Ðể cứu được thế hệ này và để phân biệt những thực tại đời đời khỏi những hiển lộ mau qua của chúng, Ki-tô hữu phải tích cực đề cao những giá trị của hôn nhân và gia đình, cả bằng gương sáng của nếp sống cá nhân mình và bằng sự cộng tác với những người thành tâm khác. Như thế, khi những trở ngại nổi lên, Ki-tô hữu sẽ cung ứng được, trên danh nghĩa của nếp sống gia đình, những nhu cầu và hỗ trợ phù hợp với thời hiện đại. Ðể đạt mục đích này, trực giác Ki-tô của các tín hữu, lương tâm luân lý ngay thẳng của con người, và sự khôn ngoan cùng kinh nghiệm của mọi người, được sử dụng trong những môn khoa học thánh, sẽ phải đóng góp rất nhiều" ( GS # 52 ).

Nguyên nhân kêu gọi chúng ta họp lại với nhau đây thì thật xứng đáng cho một mối quan tâm chung, và cũng xứng đáng với sự cố gắng và dấn thân hết mình của chúng ta. Hôn nhân và gia đình là bất định ngay tự căn nguyên cho mọi hoạt động của con người và xã hội. Có thể nói là, mặc dù tự bản tính, đó là mối quan tâm rất mực riêng tư, một chuyện của riêng hai người, của vợ chồng, của nhóm xã hội nhỏ nhoi nhất, gồm có họ và con cái, nhưng số phận của quốc gia và lục địa, của nhân loại và của Giáo Hội cũng lại lệ thuộc vào nó. Có lẽ đối với một số quí vị hiện diện ở đây, thì vấn đề kiểm soát sinh sản đạo đức là quan trọng, vì mức sinh sản ở quốc gia của mình khá cao; trái lại, cũng có những vị lại lo lắng đến tiến trình thụt lùi, hoặc không đồng đều theo từng địa phương tại quốc gia họ. Rất rõ ràng thấy được là, những diễn biến chính trị và kinh tế lớn lao tạo nên nền tảng đích thực, cho cả từ khởi điểm lẫn mục tiêu, cho từng cặp vợ chồng và cho mỗi gia đình. Nếu Công Ðồng Vatican II nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải nuôi dưỡng phẩm giá của nếp sống hôn nhân và gia đình, thì đó là đưa ra một phương pháp căn bản và một hướng dẫn để giải quyết vấn đề trong lãnh vực này. Phương pháp và hướng dẫn này, tiên vàn, không nhắm tới số lượng, nhưng căn bản là nhắm vào phẩm chất, bởi vì công chuyện này được gắn chặt rất sau xa vào trong ý nghĩa của cuộc sống con người: chúng nêu lên chính giá trị của con người, đồng thời cũng tạo nên giá trị đó nữa.

Tất cả những điều này đang là, và phải là, đối tượng cho một mối quan tâm lớn lao, một mối quan tâm chung. Vì mối quan tâm này mà chúng ta hội họp nơi đây. Nguyện xin Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Chúa Giê-su Ki-tô, qua lời cầu bầu của Mẹ Thánh Ngài, Mẹ thiêng liêng của tất cả mọi người, đồng hành với chúng ta khi thảo luận. Chớ gì buổi họp của chúng ta, buổi hội họp của những người thành tâm, của tâm thành tuyệt hảo, được thông chia vào với "cảm tính Ki-tô", với "lương tâm ngay thẳng", với " khôn ngoan và kinh nghiệm" mà tài liệu Công Ðồng nói tới.

Những ân sủng của Chúa Thánh Thần, những đóng góp của trí tuệ, của lòng thành và của con tim thì không thể thiếu được trong công cuộc này, công cuộc nhắm tới việc " nuôi dưỡng phẩm giá của hôn nhân và của gia đình".


Trở về trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà