“ĐỐI VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KITÔ”

(Học hỏi về kinh mân côi)

Lm Phêrô Trần Đình, Dalat

 

Dẫn nhập

Chúng ta học tập chương III Tông Thư “Kinh Rất Thánh Mân Côi” của ĐGH Gioan-Phaolô II. Chương này có tiêu đề : “Đối với tôi, sống chính là Đức Kitô”.

Nếu đọc kỹ, chúng ta thấy Đức giáo hoàng  đề cập đến hai điểm :

1/ Phương pháp đọc kinh mân côi;

2/ Cấu trúc của kinh mân côi.

 

I. PHƯƠNG PHÁP ĐỌC KINH MÂN CÔI

Chúng ta đọc kinh này biết bao nhiêu lần, nhưng không để ý đến phương pháp mà lời kinh muốn giới thiệu. Phương pháp này gồm bốn điểm : lặp đi lặp lại;  chiêm ngưỡng ; lắng nghe và  thinh lặng.

Nghĩa là khi đọc kinh, chúng ta phải vận dụng mọi yếu tố của con người : “Ngươi phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn ngươi”. Thông thường, người ta chỉ vận dụng miệng lưỡi mà thôi.

 

1. lặp đi lặp lại

Đây là điểm đầu tiên của phương pháp đọc kinh mân côi. Cũng không thiếu người cảm thấy nhàm chán. Quả thật, nếu chỉ nhai đi nhai lại bằng miệng một điều, thì nhận xét đó là đúng. Tuy nhiên, đây không phải là ý hướng của kinh mân côi.

 

a/ Lặp đi lặp lại, trước tiên, diễn tả một tình yêu dạt dào phát xuất từ con tim. Yêu thương ai, chúng ta nói về họ mãi không ngơi. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã để cho Thánh Phêrô diễn tả lòng mến của Ông đối với Người bằng cách thế này, khi hỏi Ông ba lần : “Phêrô, ngươi có yêu mến Ta không ?”. Chúa không cảm thấy nhàm chán khi Phêrô ba lần nói rằng Ông yêu mến Người.

 

b/ Lặp đi lặp lại còn diễn tả sự nài nẵng của chúng ta, đồng thời diễn tả sự khiêm tốn của chúng ta rằng chúng ta cần đến Chúa. Và đây là phương pháp mà bà goá kia vận dụng khi xin xử kiện, hoặc anh kia đi vay bánh ban đêm.

 

c/ Sau cùng, lặp đi lặp lại có mục đích khác là làm cho chúng ta được đồng hoá với chính lời kinh, đồng hoá với chính Chúa : “Đối với tôi, sống chính là Đức Kitô”.

 

2. vai trò của thân xác

Chúng ta đừng ngạc nhiên khi nói rằng mối tương giao của chúng ta với Đức Kitô cũng cần có một phương pháp. Thiên Chúa thông ban chính mình cho chúng ta mà vẫn tôn trọng bản tính nhân loại. Điều này thể hiện rõ ràng trong phụng vụ. Các bí tích và á bí tích được cấu trúc như một chuỗi các nghi thức dựa trên các chiều kích của con người : quì, đứng, ngồi. Quì diễn tả thái độ khiêm tốn trước Đấng Tối Cao. Đứng diễn tả sự cung kính. Ngồi diễn tả thái độ của người môn sinh.

Trong Giáo Hội Đông Phương, lời cầu nguyện : “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con là kẻ có tội”, thường được liên kết với nhịp thở, biểu hiện lòng khao khát muốn Đức Kitô trở thành hơi thở, linh hồn và tất cả của đời sống.

 

3. chiêm ngưỡng

Theo ĐGH Gioan-Phaolô II, kinh mân côi là một lời kinh chiêm ngưỡng. Ngài lặp lại lời ĐGH  Phaolô VI : “Không có sự chiêm ngưỡng, kinh mân côi chỉ là một cái xác không hồn, và việc lần chuỗi có nguy cơ trở nên một việc nhai đi nhai lại một số công thức có tính máy móc, và như thế là vi phạm giáo huấn của Chúa Giêsu : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6, 7).

Tự bản chất, việc đọc kinh mân côi đòi hỏi một nhịp độ thanh thản và kéo dài, để giúp mỗi người chiêm ngưỡng các mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa (s.12).

 

Cũng theo ĐGH, Đức Maria là mẫu gương chiêm ngưỡng cho chúng ta, và ngài đã phân tích những cái nhìn của Mẹ (s.10) như sau :

 

 

4. lắng nghe

Khi lắng nghe những mầu nhiệm trong kinh mân côi, chúng ta xác tín rằng Lời Thiên Chúa được công bố cho ngày hôm nay và cho tôi. Vấn đề không phải là nhắc lại một thông tin, cho bằng là để cho Lời Chúa nói, để cho Lời Chúa âm vang trong tôi.

ĐGH Phaolô VI gọi Đức Maria là “Trinh Nữ lắng nghe” : “Đức Maria trong tư cách là vai chủ chốt và chứng nhân đặc ưu của mầu nhiệm nhập thể, đã ôn lại các biến cố xảy ra trong thời thơ ấu của Chúa Kitô bằng cách khắc ghi chúng trong lòng” (MC 17).

 

5. thinh lặng

Lắng nghe và suy ngắm được nuôi dưỡng bằng thinh lặng. Sau khi xướng lên mầu nhiệm và công bố Lời Chúa, quả là thích hợp việc ngừng lại một thời gian thích hợp để tập trung vào mầu nhiệm liên hệ, trước khi chuyển sang việc đọc kinh.

ĐGH Gioan-Phaolô II nhận xét : trong một xã hội bị nền công nghệ và truyền thông đại chúng thống trị, sự thinh lặng ngày càng khó thực hiện hơn. Cũng như những thời gian thinh lặng được khuyến cáo trong phụng vụ, trong việc suy niệm kinh mân côi cũng vậy, quả là thích hợp việc ngưng lại một lát sau khi nghe Lời Thiên Chúa, đang khi tâm trí tập trung vào một mầu nhiệm” (s. 31).

 

II. CẤU TRÚC KINH MÂN CÔI

 

1/ Kinh lạy cha

Trong mỗi mầu nhiệm, Đức Giêsu luôn luôn dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Cha, vì Người ở trong cung lòng của Cha (x.G 1, 18), Người không ngừng hướng về Chúa Cha. Người muốn chúng ta chia sẻ đời sống thân mật của Người với Chúa Cha, đến nỗi chúng ta có thể cùng Người thân thưa : “Abba, Cha ơi” (Rm 8, 15). Nhờ mối tương giao với Chúa Cha, Người làm cho chúng ta trở nên anh chị em của Người, đồng thời trở nên anh chị em của nhau.

 

2/ Kinh Kính Mừng

Phần đầu của Kinh kính mừng được rút ra từ lời sứ thần Gabrien và Thánh nữ Eâlidabét nói với Đức Maria, là một sự chiêm ngưỡng và thờ lạy đối với mầu nhiệm được thực hiện nơi trinh nữ  làng Nadarét. Lời này cho chúng ta thấy sự kinh ngạc của chính Thiên Chúa khi chiêm ngắm kiệt tác của Người, nếu chúng ta nhớ lại trong sách Sáng thế, Thiên Chúa “thấy mọi sự Người đã làm ra “ như thế nào (St 1, 31). Việc lặp đi lặp lại kinh kính mừng cho chúng ta chia sẻ sự kinh ngạc và vui thích ấy của Thiên Chúa. Ở đây, lời tiên tri của Đức Maria được thực hiện trọn vẹn : “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1, 48).

Trọng tâm của kinh kính mừng, ví như bản lề nối kết hai phần, là Danh Chúa Giêsu. Đôi khi vì nguyện kinh hấp tấp mà chúng ta đánh mất trọng tâm này, và vì thế không còn liên kết với mầu nhiệm Đức Kitô đang được chiêm ngưỡng, một Danh duy nhất được ban cho chúng ta hầu chúng ta có thể hi vọng được cứu rỗi (x. Cv 4, 12).

 

3/ kinh sáng danh

Vinh tụng ca Ba Ngôi là mục tiêu của mọi chiêm ngưỡng kitô giáo, bởi vì Đức Kitô là đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Kinh sáng danh quả là cao điểm việc chiêm ngưỡng của kinh mân côi, nhấn mạnh đến cấu trúc Ba Ngôi của mọi lời kinh kitô giáo. Kinh vinh danh Ba Ngôi ở cuối mỗi chục kinh như nâng tâm hồn lên chiều cao của thiên đàng và giúp chúng ta cách nào đó sống lại kinh nghiệm tại núi Tabo : “Chúng tôi ở đây quả là tốt đẹp” (Lc 9, 33).

 

4/ Tượng thánh giá

Một điều chúng ta cần lưu ý là các chuỗi hạt đều đổ về tượng thánh giá. Thánh giá vừa mở ra vừa đóng lại chuỗi kinh. Cuộc sống của người kitô hữu được tập trung vào Đức Kitô. Mọi sự bắt  đầu từ Người, dẫn đến Người, trong Chúa Thánh Thần,  đến với Chúa Cha.

 

Kết luận

Nếu cầu nguyện theo cách ấy, kinh mân côi đích thực trở thành con đường thiêng liêng, nơi đó Đức Maria hành động trong tư cách là Mẹ, Thầy dạy và người hướng đạo, khi phù trợ các tín hữu bằng lời chuyển cầu đầy quyền năng của Mẹ. Đáng ngạc nhiên chăng, khi linh hồn, sau khi lần chuỗi và kinh nghiệm sâu xa tình mẫu tử của Người, cảm thấy nhu cầu cất cao lời ca ngợi Đức trinh Nữ. Đó là sự hoàn thành của một cuộc hành trình thiêng liêng nội tâm dẫn đưa các tín hữu tiếp xúc cách sống động với mầu nhiệm Đức Kitô và Mẹ Người.


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà