VẤN ĐỀ ĐÓNG GÓP TÀI CHÁNH CHO GIÁO HỘI

 

 

Nhật báo Los Angeles Times số phát hành ngày Thứ Tư 26 tháng 05, 2004 (The Nation section, p. A18) trích tin từ hãng Thông Tấn AP là Đức TGM Patrick O’Malley Tổng Giáo Phận Boston tuyên bố sẽ đóng cửa 65 giáo xứ từ nay cho đến cuối năm 2004. Nhiều người Công Giáo đã “shock” khi nghe tin này. Nhất là lý do chỉ vì những vụ tai tiếng sách nhiễu tình dục của một vài linh mục trong Tổng Giáo Phận của Ngài từ hơn 2 năm nay. Điều đó đã khiến tiền dâng cúng trong các Thánh lễ Chúa nhật sút giảm trầm trọng và Tổng Giáo Phận đã không còn đủ ngân quĩ để yểm trợ các chi phí của các giáo xứ.

 

        Tổng Giáo Phận Boston với hơn 2 triệu giáo dân và 357 giáo xứ, đứng hàng thứ tư tại Hoa Kỳ và từng được coi là một trong các Tổng Giáo Phận có nguồn vốn phong phú nhất. Tuy nhiên, để bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho nạn nhân những vụ tai tiếng sách nhiễu tình dục trong hơn hai năm qua, Tổng Giáo Phận đã phải chi tiêu 85 triệu dollars. Đức TGM O’Malley phát biểu: “Những ngày này quả thật khó khăn đối với tất cả giáo dân của TGP Boston, chúng tôi cảm nghiệm sự liên tục xuống dốc ở một vài khu vực của TGP, các giáo xứ, trường học và các chương trình mục vụ ngoại vi (outreach) phải đóng cửa hay hủy bỏ”. Tờ tuần báo The Tidings của TGP Los Angeles phát hành ngày 28 tháng 05, 2004 trong trang News In Brief viết rằng số tiền 85 triệu dollars được trang trải bằng số tiền bán Toà TGM cũ và phần đất chung quanh ở vùng Brighton. Đức TGM O’Malley cũng cho biết là TGP không còn gì để bán trong tương lai, ngân quĩ rất eo hẹp và chỉ còn trông chờ sự đóng góp của giáo dân, để duy trì sinh hoạt cho những xứ đạo đang còn hoạt động. Tiến trình co cụm các hoạt động hiện tại là điều phải làm, để duy trì các sinh hoạt mục vụ cơ bản của TGP. Đức TGM cũng kêu gọi giáo dân hãy đừng quay nhìn  lại quá khứ, mà phải hướng về sứ mệnh tương lai của Giáo Hội. Chúng ta học từ các khuyết điểm để canh tân và nhìn nhận lỗi lầm để sám hối và nên thánh chứ không nên tiếp tục dậm chân  tại những vết xe xưa cũ.

 

        Nhiều giáo dân cho rằng việc đóng góp tài chánh cho Giáo Hội Hoa Kỳ nói chung và cho Tổng Giáo phận Boston nói riêng vào thời điểm hiện tại là một sự phí phạm và vô nghĩa. Họ lập luận rằng làm như thế là chỉ để nuôi béo nhóm luật sư thừa nước đục thả câu và khuyến khích những kẻ bán rẻ lương tâm lợi dụng thời cơ nhảy vào ăn có. Lập luận này không sai. Bởi lẽ trong hơn 1200 hồ sơ được thiết lập tại tòa án tố cáo các linh mục sách nhiễu tình dục trẻ em, có lẽ chỉ khoảng 1/3 là đúng sự thật. Nhiều hồ sơ tố cáo các linh mục đã qua đời cách đây hàng chục năm. Có những hồ sơ hoàn toàn là sự vu cáo để làm tiền, nhưng Giáo Hội Hoa Kỳ vẫn lên danh sách và công khai hoá như trường hợp của ĐHY Roger Mahony, TGP Los Angeles. Dĩ nhiên, trong hơn 1200 hồ sơ tố cáo, cũng có những trường hợp các linh mục sa ngã và phạm tội thật sự, nhưng nếu so với con số trên dưới 46,000 linh mục đang thi hành thừa tác vụ của mình tại Hoa Kỳ, thì chỉ là một con số rất nhỏ. Rất tiếc, dù là rất nhỏ, nhưng dưới lăng kính “anti-Catholicism” của giới truyền thông Hollywood, sự tình đã trở nên vô cùng tồi tệ và gây hoang mang cho rất nhiều người Công giáo yếu kém lòng tin. Nói như thế không có nghĩa chúng ta hoàn toàn đổ lỗi cho giới truyền thông Hoa Kỳ vốn rất có ác cảm với đạo Công Giáo. Họ có làm quá, nhưng cũng vì chính chúng ta đã vô tình gây nên trước. Chúng ta có thể hình dung những chiếc áo cưới trắng tinh treo trong tủ kính cho khách hàng chọn lựa. Chiếc áo cưới tuyệt đẹp và tinh tuyền, không ai nhận ra được từng sợi vải trắng trên ấy đã kết hợp thành chiếc áo hoàn mỹ.  Tuy nhiên, chỉ cần một vài chấm mực đen nhỏ bằng đầu tăm vấy lên trên chiếc áo trắng ngần ấy, khách hàng sẽ nhận ra ngay và coi như cả chiếc áo tuyệt đẹp bị nhơ bẩn.

 

        Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo điều 867 dạy rằng; “ Giáo Hội thì thánh thiện: Thiên Chúa, tác giả của Giáo Hội là Đấng rất thánh; Chúa Kitô, Hôn Phu của Giáo Hội, đã tự nộp mình để thánh hoá Giáo Hội; Thần Khí của sự thánh thiện làm cho Giáo Hội sống động. Và mặc dù Giáo Hội gồm những người tội lỗi, Giáo Hội là “người-không-tội-lỗi gồm những tội nhân”. Thực vậy, các vị lãnh đạo tinh thần trong Giáo Hội cũng là những con người yếu đuối như mọi giáo dân, vì thế, chúng ta hãy đối xử với các ngài bằng sự yêu mến, khoan dung, tha thứ và nâng đỡ lẫn nhau để cùng nên thánh. Giáo Hội không chỉ bao gồm các Giám Mục, linh mục hay tu sĩ nhưng là cả tập thể Cộng Đồng Dân Chúa. Các Giám Mục, linh mục hay tu sĩ cũng chỉ là những thành viên trong tập thể Cộng Đồng ấy. Không thể chỉ vì một số linh mục sa ngã mà chúng ta quay lưng lại với Giáo Hội. Những tai tiếng và những vụ kiện cáo trong suốt hơn hai năm qua, thiết nghĩ, đã là những tiếng chuông cảnh báo và đủ để thức tỉnh những người anh em yếu đuối và sa ngã. Chúng ta không nên ‘dập tắt một tim đèn còn le lói”, nhưng hãy là cánh tay nâng đỡ khi người anh em quị ngã.

 

        Nói như thế không có nghĩa là chúng ta dung dưỡng và làm ngơ đối với những người phạm lỗi. Người phạm lỗi phải được sửa sai để nên tốt hơn. Đây chính là dịp để Giáo Hội canh tân và thánh hoá con cái mình. Chắc chắn khi phải thanh lọc và sửa sai, Mẹ Thánh Giáo Hội sẽ có những mất mát và đau khổ. Đau khổ để nên hoàn thiện là việc phải làm và nên làm như  Đức Kitô, Đầu của Giáo Hội đã phải bước qua cuộc khổ nạn để tới sự phục sinh vinh hiển. Vì thế, chúng ta không nên sợ hãi nhưng hãy vui mừng vì đây chính là dấu chỉ Chúa Thánh Thần đang hành động trong Giáo Hội. Đây cũng chính là lúc Giáo Hội cần sự đóng góp của chúng ta để sửa chữa những chỗ mục nát hay sứt mẻ. Nói tóm lại, việc đóng góp cho Giáo Hội là do lòng yêu mến Đức Kitô và Giáo Hội, hiền thê của Ngài, và là chu toàn một phần trách nhiệm truyền giáo mà mỗi người Kitô hữu đã mang trên mình khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta không nên tự bỏ việc đóng góp tài chánh như một biện pháp trừng phạt các vị Bề Trên trong Giáo Phận, như một số người đang nghĩ, vì có những người con bất toàn, bởi chính chúng ta là những kẻ bất toàn. Hành động ngừng đóng góp tài chánh, tự nó, đã là hành động không đúng vì chúng ta thiếu bổn phận trong trách nhiệm truyền giáo.

 

        Nhà bỉnh bút danh tiếng của báo The New York Times, Thomas L. Friedman, khi viết về kế hoạch giải giới và dân chủ hoá Iraq của Tổng thống George W. Bush đã viết bài nhận định trong trang Their Opinions của tờ nhật báo Daily News hôm thứ Ba ngày 01 tháng 06, 2004 trang 19 với tựa đề “Forget the Wrongs, What’s needed: A commission on doing things right”. Trong bài nhận định, Friedman không hoàn toàn đồng ý với Tổng Thống Bush về năm giai đoạn trong chiến lược giúp bình định và dân chủ hoá Iraq. Có vài điểm ông cho là sai lầm. Tuy nhiên, Oâng vẫn thẳng thắn góp ý về những điều ông nghĩ là tốt hơn và kêu gọi Quốc Hội nên rộng rãi trong vấn đề ngân sách hoặc có những kế hoạch tăng thu nhập, để chính phủ của Tổng Thống Bush mau hoàn thành sứ mệnh đối với Iraq và nhất là có đủ ngân khoản mở các thư viện Hoa Kỳ trên toàn thế giới, hầu mọi người có thể tìm hiểu về Hoa Kỳ nhiều hơn. Hi vọng trong tương lai, với tầm hiểu biết lẫn nhau cách sâu xa, có thể giúp hoá giải nhiều mâu thuẫn không cần thiết. Bài báo không hề đề cập Friedman là người cùng Đảng hay phe đối lập với Tổng Thống Bush, nhưng lối lập luận của Ông thật là đại lượng và hiểu biết. Lấy việc chính trị của ông Bush và bài nhận định của Friedman để so sánh với công tác truyền giáo của Giáo Hội là điều không chỉnh. Tuy nhiên, tinh thần bao dung và quảng đại của Friedman đối với chiến lược mà ông coi là sai lầm của Tổng Thống Bush, khiến người Công Giáo phải xét lại thái độ của mình đối với việc đóng góp tài chánh trong công tác truyền giáo của Giáo Hội, khi Giáo Hội đang phải đương đầu với những thử thách thời đại. Chúng ta không nên nghoảnh mặt làm ngơ khi các Giáo Phận lâm bước ngặt nghèo, mà còn nên rộng rãi hơn, để giúp các vị lãnh đạo trong cơn cùng bĩ. Đồng ý luật pháp có nhiều kẽ hở, để kẻ gian lợi dụng, nhưng những nạn nhân thật sự, cần được bồi thường xứng đáng. Hơn nữa, những người anh em khác, không thể không đến nhà thờ để cử hành phụng vụ. Việc đóng cửa 65 nhà thờ trong một TGP là điều thiệt hại lớn lao cho rất nhiều anh chị em giáo dân khác. Chúng ta “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Người là Đầu” (Ep 4: 16).

 

        Tóm lại, Giáo Hội Hoa Kỳ đang phải đương đầu với những thách đố thời đại đầy cam go, và những công việc trước mắt còn chồng chất gánh nặng. Là những người Công Giáo tại đất nước này, trước những thử thách đức tin, chúng ta cần bày tỏ sự dũng cảm, tính cương trực và lòng trung thành tuyệt đối với Giáo Hội, qua tất cả những hành động cần thiết, để bày tỏ niềm xác tín vào Đức Kitô phục sinh. Ước mong lời của Thánh Phaolô Tông Đồ là động lực thúc đẩy mỗi người chúng ta, cùng góp tay vào công tác xây dựng Giáo Hội Chúa, ngay tại Giáo Hội địa phương của mình. “Việc phục vụ này là một bằng cớ cho họ tôn vinh Thiên Chúa, vì thấy anh em vâng phục và tuyên xưng Tin Mừng của Đức Kitô, và vì thấy anh em có lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẻ với họ và với mọi người” (2Cr 9: 13).

 

JB. Đào Ngọc Điệp


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà