Chia sẻ về cầu nguyện

 

Nguyễn Chính Kết

 

Lời nói đầu: Trong bài này, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ về việc cầu nguyện và cách thức cầu nguyện của tôi. Chúng được hình thành dần dần trong suốt 20 năm qua. Tôi nhận thấy cách cầu nguyện này thích hợp với tôi, và quả thật đã đem lại nhiều tiến bộ trong đời sống tâm linh của tôi. Vì thế, tôi muốn chia sẻ với Quý Độc Giả cách cầu nguyện này cùng với những suy nghĩ đã hình thành nên nó. Cách cầu nguyện này rất thích hợp với tôi, một người có khuynh hướng duy lý khá mạnh. Vì thế, những suy nghĩ và cách cầu nguyện này không hẳn sẽ thích hợp với tất cả mọi Kitô hữu. Và tôi cũng không bao giờ nghĩ cách cầu nguyện này là đúng hay giá trị hơn những cách cầu nguyện khác. Chắc chắn có những Kitô hữu không chấp nhận cách thức cầu nguyện này. Vì thế, xin Quý Độc Giả chỉ nên coi đây như những suy tư và kinh nghiệm riêng tư của tôi để «rộng đường suy nghĩ» thôi. Cuối cùng, tôi cũng rất mong được những bậc cao minh chỉ giáo hoặc bổ túc cho tôi.

 

Trong đời sống tâm linh, điều quan trọng nhất là cầu nguyện. Ai không cầu nguyện thì không còn là người Kitô hữu đích thực nữa! Cầu nguyện theo quan niệm thông thường là tiếp xúc với Thiên Chúa. Quan niệm cao hơn một chút, cầu nguyện là liên kết mật thiết với Thiên Chúa. Cao hơn nữa là hoà nhập và trở nên một với Ngài.

Một trong những cách kết hợp mật thiết với Thiên Chúa là sống trọn vẹn ý thức này: ý thức rằng Ngài là «cái gì đó sâu thẳm nhất» của bản thân mình, đúng như thánh Âu Tinh đã định nghĩa: «Deus intimior intimo meo» (Thiên Chúa còn thân thiết với tôi hơn cả chính bản thân tôi [thân thiết với tôi]). Lúc đó ta có thể cảm nghiệm được như thánh Phaolô: «Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Thiên Chúa sống trong tôi» (Gl 2,20). Và động từ «sống» trong câu trên có thể đổi thành bất kỳ một động từ nào khác: «làm», «ăn», «nói», «ngủ», v.v… Chẳng hạn: «Tôi ‘làm’ nhưng không phải là  tôi ‘làm’, mà là Thiên Chúa ‘làm’ trong tôi», v.v… Lúc đó ta cảm thấy Ngài với ta dường như chỉ là một, không còn là hai.

 

Như vậy, có nhiều cách cầu nguyện, và mỗi người nên cầu nguyện theo cách phù hợp nhất với trình độ tâm linh của mình. Và cách cầu nguyện nào, dù kém hợp lý nhất, cũng đem lại những lợi ích tâm linh nhất định, không nhiều thì ít. Khi trình độ tâm linh lên cao, người ta có nhu cầu thay đổi cách cầu nguyện, vì cách cầu nguyện cũ của họ không còn phù hợp với họ nữa. Tương tự như lúc còn bé, đứa trẻ chỉ cần uống sữa là đủ để nuôi sống đời sống đơn giản của nó; nhưng khi trở thành người lớn, phải hoạt động nhiều hơn, phải đi lại, phải làm việc đôi khi nặng nhọc, thì con người phải ăn đồ cứng – cơm, bánh mì, thịt, rau… – mới đủ chất bổ để sống đời sống của một người lớn (x. Dt 5,12-14). Cũng vậy, những cách cầu nguyện cao cấp hơn sẽ đem lại nhiều sức mạnh tâm linh hơn và giúp con người tiếp tục tiến bộ lên những mức cao hơn.

 

Cầu nguyện là cầu nối giữa Thiên Chúa và con người, tương tự như một ống dẫn nước từ một biển nước bao la đến một bể nước nhỏ bé. Bể này nếu không được cung cấp nước đầy đủ sẽ cạn dần vì nước được sử dụng hằng ngày hằng giờ. Nếu ống dẫn nước quá nhỏ, nước từ bể lớn sẽ không cung cấp đủ cho bể nhỏ khi phải sử dụng quá nhiều. Lúc ấy cần phải nâng cấp ống dẫn nước. Ống dẫn càng lớn, càng cung cấp được nhiều nước. Do đó càng giữ những chức vụ lớn trong Giáo Hội hay xã hội, càng làm những công việc quan trọng, thì càng cần nhiều ơn Chúa và sức mạnh của Ngài. Do đó phải nâng cấp cách cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều mới nhận được đủ ơn và sức mạnh để chu toàn chức vụ và công việc của mình.

 

Xét về khả năng hòa nhập vào thực tế đời thường, các cách cầu nguyện được quy vào hai loại: cầu nguyện độc hữu cầu nguyện thâm nhập.

 

Hai loại cầu nguyện

Một chủng sinh hỏi cha linh hướng:  «Thưa cha, khi cầu nguyện, con có nên hút thuốc lá không Vị linh hướng trả lời:  «Không, khi cầu nguyện, con không nên làm bất kỳ một việc gì khác, phải tập trung hết tâm trí vào cầu nguyện».

Anh chủng sinh hỏi tiếp:  «Còn khi hút thuốc lá, con có nên cầu nguyện không Lần này vị linh mục trả lời:  «Rất nên con ạ! Bất kỳ làm việc gì, con cũng có thể vừa làm vừa cầu nguyện và rất nên như thế».

 

Đọc câu chuyện dí dỏm nhưng đầy tính soi sáng trên, tôi nhận ra có hai loại cầu nguyện:

1) Loại một là thứ cầu nguyện độc hữu (prière exclusive), mang tính loại trừ, độc chiếm, vì nó không chấp nhận một thứ hoạt động nào khác đồng thời với nó. Đây là cách cầu nguyện trong những giờ cầu nguyện chính quy, những giờ dành riêng cho việc cầu nguyện, như khi tham dự thánh lễ, các giờ kinh phụng vụ, phụng vụ cộng đồng, các buổi kinh sáng, kinh tối, v.v… dù cầu nguyện một mình hay với nhiều người khác.

2) Loại hai là thứ cầu nguyện thâm nhập (prière pénétrante ou intégrante), nó len lỏi và thấm nhập vào trong mọi hoạt động thường ngày của người Kitô hữu. Đó là thứ cầu nguyện ta có thể thực hiện khi làm bất cứ việc gì, trong bất kỳ lúc nào: làm việc, viết lách, họp hội nghị, học hành, dạy học, diễn thuyết, nói chuyện, ca hát, chạy xe, đi bộ, chờ đợi, giải trí, nghe nhạc, nghe radio, xem tivi, nấu bếp, ăn uống, nghỉ ngơi, đi vệ sinh, tắm rửa, chuyện chăn gối vợ chồng, v.v… Trong tất cả mọi hoạt động ta đều có thể cầu nguyện theo loại này, hoặc đắm chìm trong trạng thái cầu nguyện. Nếu luyện tập, ta có thể cầu nguyện liên tục theo kiểu này suốt ngày mà đồng thời vẫn làm việc không ngừng. Cầu nguyện khi làm việc không những không làm cản trở công việc, mà còn giúp công việc được thực hiện cách hoàn hảo hơn.

 

Hai cách cầu nguyện trên liên kết chặt chẽ với nhau, bổ túc lẫn nhau và đều liên quan trực tiếp đến cuộc sống. Loại cầu nguyện trước (loại độc hữu) có thể nói là đem đời sống vào cầu nguyện, còn loại sau (loại thâm nhập) chính là đem cầu nguyện vào đời sống. Loại trước nếu thực hiện đúng cách sẽ giúp cho loại cầu nguyện sau thâm nhập sâu hơn, thường xuyên hơn vào từng tình huống cụ thể của đời sống thường ngày. Loại cầu nguyện sau (loại thâm nhập) nếu thực hiện đúng cách tất phải làm cho loại cầu nguyện trước (loại độc hữu) trở nên phong phú, thâm sâu hơn. Nếu không như vậy thì e rằng cả hai loại cầu nguyện chỉ là thứ cầu nguyện xa lạ, độc lập với đời sống cụ thể.

 

Với nhiều người, để có thể cầu nguyện kiểu thâm nhập cách nhuần nhuyễn thì trước đó họ đã phải cầu nguyện kiểu chính quy cách nghiêm túc trong cả một thời gian dài. Cầu nguyện loại sau quả là khó thực hiện – nghĩa là khó thâm nhập vào mọi hoạt động của đời thường – đối với những ai chưa từng cầu nguyện loại trước đúng cách và nghiêm túc.

 

Là một giáo dân luôn bận rộn với cuộc sống, với công việc, với xã hội và những người chung quanh, tôi đã ưu tiên áp dụng cách cầu nguyện thứ hai và lấy nó làm cách cầu nguyện chính, vì nó hợp với khả năng và thì giờ eo hẹp của tôi. Tuy nhiên tôi vẫn không bao giờ bỏ cách cầu nguyện thứ nhất, tuy dù dành rất ít thì giờ cho nó. Áp dụng cách cầu nguyện thứ hai, mới đầu tôi chưa quen, nên việc cầu nguyện trong khi làm việc và trong những sinh hoạt khác của đời sống quả có khó khăn và không thực hiện thường xuyên được. Nhưng với nỗ lực đưa cầu nguyện vào sinh hoạt thường ngày và nâng cấp cách cầu nguyện lên, việc cầu nguyện của tôi ngày càng trở nên dễ dàng và thường xuyên thấm nhập vào mọi sinh hoạt và công việc của tôi hơn, nhất là đem lại hiệu quả tâm linh cao hơn. Cách cầu nguyện càng cao thì lời nói, tư tưởng càng trở nên kém quan trọng, càng đóng vai trò phụ thuộc; ngược lại tâm tình và ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa nơi bản thân mình càng trở nên quan trọng và chính yếu.

 

Cầu nguyện trước hết phải là nghe nhiều hơn nói

Thông thường, khi nói chuyện với ai, tôi rất ít khi muốn nói những gì mà người ấy đã biết rõ từ đầu đến đuôi rồi. Tôi cảm thấy thật vô duyên khi nói – nhất là cứ lặp đi lặp lại – một điều mà người nghe đã biết rồi. Tôi chỉ muốn nói điều nào mà người nghe chưa biết. Tâm lý người nghe cũng không thích nghe những điều mình đã biết quá rõ, mà chỉ muốn nghe những gì mình chưa biết. Cũng vậy, khi cầu nguyện, tôi chẳng mấy hứng thú nói chuyện nhiều với Chúa khi nghĩ rằng mình chưa nói thì Ngài đã biết tỏng điều mình muốn nói rồi. Tôi cảm thấy nói nhiều như vậy thì những điều mình nói ra là không cần thiết. Vì thế, tôi chỉ để cho tâm tình yêu mến, cảm phục, biết ơn dâng trào lên trong lòng tôi thôi, chứ không chủ trương nói lên những tâm tình ấy, trừ khi những tâm tình ấy tràn đầy đến nỗi tự nhiên tôi phải bật thành lời, một lời tán thán nào đấy.

 

Còn những điều cần thiết mà tôi muốn xin Ngài, tôi chỉ có tâm tình phó thác cho tình yêu thương quan phòng của Ngài thôi. Tôi ví mình như đứa con còn nhỏ trong vòng tay cha mẹ, bất kỳ chuyện gì tôi cần mà cha mẹ biết được, thì các vị đều tự động ban cho tôi, không chờ tôi phải nói lên. Có thể nói, suốt 20 năm qua, khi cầu nguyện riêng tư, tôi rất ít khi xin Chúa ban cho tôi điều gì hoặc ơn gì, kể cả những điều hay ơn rất cần cho tôi. Nếu có xin thì chỉ là do những tâm tình tự phát trào dâng lên trong lòng tôi thôi. Dù không ngỏ lời xin, nhưng quả thật Thiên Chúa vẫn ban cho tôi tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống vật chất và tinh thần của tôi cũng như của gia đình tôi.

 

Thiên Chúa luôn biết rất rõ mọi tư tưởng, nhu cầu và những gì tôi mong muốn Ngài làm cho tôi. Ngược lại, tôi chẳng biết nhiều về Ngài, chẳng biết rõ Ngài muốn tôi làm gì, làm thế nào, nhất là trong những hoàn cảnh cá biệt và cụ thể của cuộc sống. Vì thế, tôi cảm thấy mình cần nghe Ngài nói hơn là nói với Ngài. Tôi nhận ra rằng việc lắng nghe Ngài cần thiết gấp triệu lần việc nói với Ngài, và ích lợi từ việc lắng nghe Ngài cũng lớn gấp triệu lần việc nói với Ngài. Tương tự như con cái cần lắng nghe cha mẹ khuyên bảo, dạy dỗ, nhắn nhủ hơn là bày tỏ những điều mà chẳng nói các vị cũng biết rõ. Đôi khi cha mẹ cũng phải nghe con cái nói mới biết chúng cần gì, muốn gì, nhưng Thiên Chúa chẳng bao giờ cần nghe ta nói mới biết ta muốn gì, cần gì. Do đó, khi cầu nguyện, điều chính yếu phải làm là lắng nghe Ngài nói chứ không phải là nói với Ngài.

 

Ban đầu, tôi chưa nghe rõ tiếng Ngài vì lòng tôi chưa đủ im lặng, tôi còn nhiều ngổn ngang và xáo trộn trong lòng. Nhưng sau một thời gian tập lắng nghe Ngài, tôi đã cảm thấy tiếng Ngài nói rất rõ trong lòng tôi. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa thường xuyên im lặng. Ngài có hẳn một ngôi – trong Ba Ngôi – để nói, là Ngôi Lời. Ngôi này là miệng lưỡi, là phát ngôn viên của Thiên Chúa.

 

Đương nhiên Thiên Chúa không mấy khi nói với ta bằng một thứ ngôn ngữ hay ngôn từ cụ thể rõ rệt như khi một người bạn nói với ta, hay khi ta tự nói thầm với chính mình. Ngài nói bằng cách gợi lên hay làm phát sinh trong ta những quan niệm, những ý tưởng soi sáng, những tâm tình tốt đẹp, những động lực vị tha thúc đẩy ta làm việc, hành động hay dấn thân… như thể chính ta quan niệm hay tư tưởng như vậy. Thông thường ta chỉ «nghe» hay cảm nhận được tiếng Ngài rõ ràng khi tâm hồn ta im lặng, thanh thản, không bị những ham muốn, tham vọng, hay những tư tưởng trần tục chiếm lĩnh. Tâm hồn ta càng thanh tĩnh thì tiếng Ngài nói trong ta càng rõ rệt. Tuy nhiên, cũng có khi ta nghe tiếng Ngài vang vọng rõ ràng cả những khi tâm hồn ta vẩn đục nhất, tội lỗi nhất, và nhiều tham vọng trần tục nhất… để cảnh tỉnh ta, để kêu gọi ta sám hối và thay đổi.

 

Về cách cầu nguyện, tôi thường hay nói đùa với bạn bè: «Trước đây, tôi cầu nguyện bằng cách nói với Chúa: “Lạy Chúa, con xin Chúa điều này, Chúa hãy nghe và nhậm lời con”. Còn bây giờ tôi cầu nguyện bằng cách nói với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa muốn nơi con điều gì, Chúa cứ nói, con sẽ nhậm lời Chúa”». Quả thật, khi lắng nghe Ngài và quan tâm làm những gì Ngài muốn thì tôi suy nghĩ và hành động khôn ngoan hơn, đồng thời nhận được ơn lành và sức mạnh của Ngài hơn trước rất nhiều. Nhờ vậy, tôi chứng nghiệm được lời của Ngài: «Hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước đã, còn tất cả những chuyện khác, Ngài sẽ ban cho sau» (Mt 6,33). Trước đây tôi đã làm ngược lại là ưu tiên quan tâm đến chuyện của mình trước, tức những gì mình muốn Ngài làm cho mình; còn chuyện của Ngài, những gì Ngài muốn nơi tôi, nhiều khi tôi chẳng quan tâm, hoặc chỉ coi là chuyện thứ yếu.

 

Khi cầu nguyện, thói quen nói nhiều hơn nghe, quan tâm đến điều mình muốn hơn điều Chúa muốn, sẽ được thể hiện trong cuộc sống đối với người chung quanh một cách tương tự theo định luật tâm lý. Người cầu nguyện theo kiểu ấy, khi nói chuyện với người khác, sẽ thích nói hơn lắng nghe, sẽ muốn người khác làm theo ý mình hơn muốn tìm hiểu xem họ muốn gì nơi mình. Khi phục vụ ai, người ấy sẽ phục vụ theo cách mình muốn chứ không theo cách người được phục vụ cần hay mong muốn. Tính thích áp đặt người khác theo ý mình được huân tập hằng ngày một cách rất vô tình trong cách thức họ cầu nguyện với Thiên Chúa. Đó chính là một hình thức độc tài, nó sẽ thể hiện ra trong đời sống xã hội, nhiều hay ít tùy từng người, từng hoàn cảnh, nhất là khi họ có quyền trên người khác. Do đó, có thể nói: «Hãy cho tôi biết cách bạn cầu nguyện, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người thế nào». Một người luôn quan tâm lắng nghe tiếng Chúa, coi ý muốn của Thiên Chúa quan trọng hơn ý mình, người ấy cũng sẽ quan tâm lắng nghe người khác, và coi ý muốn của tha nhân quan trọng hơn ý muốn của mình. Do đó, lắng nghe tiếng Chúa khi cầu nguyện chính là một phương cách tuyệt vời để tập tính vị tha.

 

Thánh Kinh hay sách đạo đức

giúp ta dễ nghe được tiếng Chúa nói

 

Việc cầu nguyện theo kiểu nghe nhiều hơn nói ban đầu quả là khó vì ta chưa quen, vì tâm hồn ta chưa đủ thanh tĩnh để nghe rõ ràng tiếng Chúa. Lúc đó, ta nên đọc một đoạn Kinh Thánh hay một đoạn sách tu đức nào đó, và lắng nghe tiếng Chúa nói và dạy bảo ta qua đoạn sách ấy. Cứ kiên trì cầu nguyện như thế, với thời gian, ta sẽ nghe thấy tiếng Chúa rõ ràng hơn. Về sau, ta có thể nghe được tiếng Chúa khi đọc bất kỳ loại sách nào, khi nghe bất kỳ người nào nói chuyện, khi gặp bất kỳ tình huống hay biến cố nào xảy ra mà ta biết được. Để đạt được điều này, ta cũng phải tập nghe Chúa nói, nhận ra Ngài muốn gì khi lắng nghe người khác trong những cuộc gặp gỡ thường ngày. Rất nhiều trường hợp Chúa nói với ta qua miệng người khác (“ý dân ý Trời” – Vox populi vox Dei), qua những biến cố xảy ra (“dấu chỉ thời đại” – Signum temporum). Khi một biến cố xảy ra, nếu ta luyện tập, ta sẽ nhận ra ngay điều Chúa muốn ta làm trước biến cố ấy. Một khi đã nghe được tiếng Chúa, nếu ta quyết tâm thực hành, thì tiếng nói của Ngài sẽ ngày càng rõ rệt hơn. Ngược lại, nếu ta bỏ qua, không làm theo ý Ngài, tiếng Ngài sẽ dần dần yếu đi và có thể mất hẳn.

 

Trong đoạn Tin Mừng (Lc 10,29-37) về người Do Thái bị cướp đánh dọc đường nửa sống nửa chết, trước biến cố ấy, thầy tư tế và thầy lêvi không hề nghe thấy Chúa nói gì với mình, hoặc có nghe nhưng lờ đi, nên đã bỏ đi, mặc kệ nạn nhân ra sao thì ra. Nhưng người Samari khi gặp cảnh ấy lại nghe thấy Ngài nói qua lương tâm mình và ông đã hành động theo tiếng của Ngài. Chắc chắn trong đời sống thường nhật, vị tư tế và thầy lêvi đã dành nhiều thì giờ để cầu nguyện hơn người Samari rất nhiều, nhưng có thể họ chỉ cầu nguyện theo kiểu nói nhiều với Chúa hơn là lắng nghe tiếng Ngài. Còn người Samari có thể đã cầu nguyện rất ít – hoặc đã cầu nguyện mà không biết rằng mình cầu nguyện – nhưng ông đã cầu nguyện theo kiểu lắng nghe hơn là nói, và đã nhiều lần quảng đại thi hành những gì ông nghe được. Nhờ đó, khi gặp chuyện xảy ra, ông đã nhận ra ngay tiếng Chúa nói với mình và thực hành điều Ngài muốn.

 

Hiện nay, biết bao Kitô hữu đang sống trong một thế giới đầy dẫy bất công, tệ nạn và đau khổ, bên cạnh họ có biết bao nạn nhân đang rên siết cần được cứu giúp. Nhưng vẫn có biết bao Kitô hữu chẳng hề nghe thấy tiếng Chúa nói với mình, thúc giục mình làm một điều gì đó, cho dù ngày nào họ đều dành khá nhiều thì giờ để cầu nguyện. Phải chăng khi cầu nguyện, họ chỉ nói với Chúa thật nhiều về những nhu cầu và ước muốn của họ? Đối tượng đã thu hút toàn bộ tâm trí họ khi cầu nguyện quanh quẩn chỉ là bản thân họ. Họ chỉ quan tâm đến những điều họ mong Chúa ban hay làm cho họ, chứ chẳng quan tâm chút nào đến điều Chúa muốn nói với họ, muốn họ làm trong hoàn cảnh cụ thể đời sống họ. Chính vì thế, đời sống tâm linh của họ năm này qua năm khác vẫn dậm chân tại chỗ, thay vì phải tiến bộ xứng với số giờ họ đã bỏ ra để cầu nguyện. Cầu nguyện kiểu vị kỷ như thế đâu ích lợi bao nhiêu! Thánh Phaolô đã trách cứ những người này như sau: «Đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại cần phải dùng sữa» (Dt 5,12).

 

Trước mặt Chúa, kiểu cầu nguyện lắng nghe có giá trị gấp nhiều lần kiểu cầu nguyện nói nhiều nghe ít. Vì cầu nguyện theo kiểu nói nhiều nghe ít khó dẫn đến hành động cụ thể, còn cầu nguyện theo kiểu lắng nghe dễ dẫn đến hành động hơn.

 

Cầu nguyện bằng tâm tình hơn là bằng lời nói

Lời nói dùng để diễn tả tư tưởng, bộc lộ tâm tình có thực bên trong. Nếu không có tư tưởng và tâm tình đích thực bên trong, mà cứ nói theo một công thức nào đó như một con vẹt, thì đó chưa phải là cầu nguyện đúng nghĩa. Nếu lời cầu nguyện không phù hợp với tư tưởng và tâm tình bên trong, thì lời cầu nguyện đó là giả dối. Trừ trường hợp những người còn trong thời gian tập cầu nguyện, họ cần cầu nguyện theo những công thức có sẵn. Họ dựa vào những công thức có sẵn đó để có được những tâm tình do công thức ấy gợi lên. Nhưng những người đã từng cầu nguyện lâu năm không nên làm giống như kẻ tập viết, cứ «viết tô», «viết theo hàng kẻ», hay viết do người khác cầm tay mãi suốt đời như thế.

 

Thiên Chúa rất ghét giả dối. Cầu nguyện như vậy chẳng đem lại ích lợi tâm linh bao nhiêu ngoài tác dụng tâm lý như một hình thức tự kỷ ám thị. Cầu nguyện như vậy ít nhiều mang tính vô tình giả dối với Thiên Chúa. Thật vậy, một thanh niên không hề yêu cô gái nọ, nhưng lần nào gặp cô cũng đều nói: «anh yêu em, anh yêu em nhất trên đời», thì lời nói của anh có khác gì lời một chàng sở khanh? Do đó, điều quan trọng là ta phải có những tâm tình đích thực bên trong: tâm tình thờ phượng, tin tưởng, kính phục, mến yêu, phó thác, biết ơn, dâng hiến… Nếu thật sự có những tâm tình ấy thì Thiên Chúa đã hài lòng rồi, cho dù có nói hay không nói ra. Còn không có những tâm tình ấy mà lại nói như thể là thật sự có thì có khác gì kẻ giả dối? Đức Giêsu đã từng đả phá lối cầu nguyện giả dối ấy: «Dân này thờ Ta bằng môi miệng, còn lòng trí họ thì xa Ta lắm!» (Mc 7,6). Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận dạy về cầu nguyện như sau: «Chúa dạy đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: “Khi con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự sẽ nghe lời con”. Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử» (Đường Hy Vọng, Chương 7: Cầu nguyện).

 

Vì thế, khi cầu nguyện, tôi thường đặt mình trước Thiên Chúa, ý thức Ngài là bản chất sâu thẳm nhất của bản thân mình, rồi để những tâm tình phát sinh ra trào dâng lên trong lòng mình. Cứ để chúng trào dâng lên một cách tự nhiên. Những tâm tình ấy nhiều khi tự bật thành lời một cách không gượng ép, không cần phải suy nghĩ hay tìm lời để diễn tả. Khi cầu nguyện, nếu ta quen nói với Chúa những lời nói trống rỗng, không thật sự xuất phát từ đáy lòng, thì trong đời sống thực tế, làm sao có thể bảo đảm rằng ta sẽ luôn luôn thành thật trong những lời mình nói với tha nhân? Đối với Chúa là người biết rõ lòng ta hơn ai hết mà ta còn nói không thật lòng, thì lấy gì bảo đảm rằng ta sẽ luôn thật lòng với người khác? Phải chăng ta đã vô tình huân tập sự giả dối ấy ngay trong khi cầu nguyện?

(Còn tiếp)

Trích báo Sứ mệnh Giáo dân
Số ra ngày 9-1-2006
sumenhgiaodan@gmail.com


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà