Chia sẻ về cầu nguyện (2)
(tiếp theo)

 

Nguyễn Chính Kết

 

Điều quan trọng của cầu nguyện là «từ bỏ chính mình»

 

Khi cầu nguyện, nhiều khi ta tỏ ra vị kỷ (égoiste) và quy kỷ (égocentrique) hơn lúc nào hết. Ta quan tâm đến bản thân ta nhiều hơn đến Thiên Chúa, coi trọng những điều ta muốn ta cần hơn điều Thiên Chúa muốn và cần nơi ta. Ta coi Thiên Chúa như một ông chủ nhà băng, ta cần gì là đến xin ông cung cấp cho ta, phục vụ ta. Ta coi Thiên Chúa như một phương tiện phục vụ ta mỗi khi ta cần đến. Ta muốn Thiên Chúa phải theo ta, phải tùy thuộc vào ta, chứ không phải ta theo Chúa và tùy thuộc vào Ngài.

Đúng ra, cầu nguyện phải là lúc ta thể hiện tinh thần «theo Chúa» hơn lúc nào hết. Có «theo Chúa» trong lúc cầu nguyện thì mới có thể «theo Chúa» đích thực trong cuộc sống được. Mà «theo Chúa» nghĩa là gì? Đức Giêsu nói: «Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo» (Mt 16,24). Vì thế, cầu nguyện phải là lúc ta thực hiện việc «từ bỏ chính mình» và sẵn sàng «vác thập giá mình» hơn lúc nào hết. Khi cầu nguyện mà ta không thực hiện được tinh thần «theo Chúa», thì trong đời sống thực tế, làm sao ta thực hiện được tinh thần ấy cách đúng nghĩa? Khi cầu nguyện mà ta không thực hiện được tinh thần «từ bỏ chính mình», «quên mình», «tự xóa mình», mà lúc nào cũng chỉ biết quan tâm đến «cái tôi» của ta, những nhu cầu, những ước muốn của ta, thì trong đời sống thực tế, làm sao ta thực hiện nổi tinh thần «quên mình» ấy của Ngài? Nếu ngay khi cầu nguyện mà ta đã không chấp nhận «vác thập giá mình», không sẵn sàng chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi vì yêu thương, làm sao ta có thể thực hiện được điều ấy trong đời sống thực tế? Nếu ta cứ quan tâm đến ý muốn của ta chứ không phải của Chúa, cứ nài nỉ Chúa lắng nghe ta chứ chẳng quan tâm đến việc lắng nghe Ngài, thì rõ ràng ta muốn Ngài theo ta, chứ đâu phải ta theo Ngài! Do đó, cứ xét xem cách ta cầu nguyện thế nào thì ta có thể tự biết mình có thật sự theo Ngài hay không.

 

Đời sống thực tế luôn luôn là tấm gương phản ảnh cách cầu nguyện của ta. Nếu đời sống của ta còn vị kỷ, còn ngại dấn thân, ngại hy sinh cho tha nhân, thì điều đó chứng tỏ rằng cách cầu nguyện của ta vẫn còn đầy tính vị kỷ, đầy tinh thần muốn «Chúa theo ta» chứ không phải muốn «ta theo Chúa». Chắc chắn cách cầu nguyện ấy không đẹp lòng Thiên Chúa và không đem lại sức mạnh và ân sủng như ta mong muốn. Nó chỉ đào tạo nên những Kitô hữu vị kỷ chứ không phải những Kitô hữu vị tha hay thật sự sống vì Thiên Chúa.

 

Nếu ta sống tinh thần «theo Chúa» ngay trong khi cầu nguyện, nghĩa là sống tinh thần «từ bỏ chính mình», sẵn sàng chấp nhận «vác thập giá mình hằng ngày mà theo» ngay trong khi cầu nguyện, thì cầu nguyện chính là một trường đào tạo những người theo Chúa đích thực. Nếu ta «từ bỏ chính mình» trong khi cầu nguyện, làm sao «cái tôi» của ta có thể phình to lên được trước mặt tha nhân? Làm sao ta có thể nổi giận được khi có ai nói động đến một khiếm khuyết nào đó của ta? Làm sao ta có thể cứ ham thích được mọi người đề cao, ca tụng và muốn sống trên đầu trên cổ người khác? Nếu ta sẵn sàng «vác thập giá» để theo Chúa ngay trong khi cầu nguyện, làm sao ta lại có thể ngại hy sinh, ngại chấp nhận thiệt thòi, ngại phải chịu đau khổ vì tình yêu tha nhân được?

 

Một người cầu nguyện trong tinh thần «theo Chúa» thì cũng sẽ thật sự theo Chúa trong đời sống thực tế của mình. Người không theo Chúa trong đời sống thực tế thì ắt hẳn họ đã không thực hiện tinh thần ấy ngay trong khi cầu nguyện. Đời sống thực tế và việc cầu nguyện không thể mâu thuẫn lẫn nhau, mà chỉ có thể là phản ảnh trung thực của nhau. Còn cầu nguyện theo kiểu «chỉ muốn Chúa theo mình» thì có cầu nguyện chưa chắc đã tốt hơn không cầu nguyện, hoặc nếu có thì chẳng tốt hơn bao nhiêu. Vì cầu nguyện kiểu này sẽ biến mình thành những kẻ thích áp đặt, thích có quyền hành để áp đặt, và khi có quyền hành trong tay thì chắc chắn sẽ trở thành kẻ độc tài, chỉ muốn áp đặt người khác làm theo ý mình, không bao giờ muốn nghe ai! Nói ngược lại, những kẻ không muốn nghe ai, cứ muốn người khác phải nghe theo ý mình, chắc chắn cách cầu nguyện của người ấy chỉ là cách cầu nguyện kiểu vị kỷ, chỉ muốn Chúa theo mình chứ không phải muốn mình theo Chúa.

Cầu nguyện bằng cách ý thức sự hiện hữu của Thiên Chúa trong bản chất của ta

 

Khi còn nhỏ, tôi thường quan niệm Thiên Chúa là Đấng ngự tuốt trên trời cao. Trong kinh «Lạy Cha», tôi vẫn đọc «Lạy Cha chúng con “ở trên trời”». Từ ngữ «ở trên trời» khiến tôi có cảm tưởng Thiên Chúa ở một nơi rất xa phía trên đầu mình. Lớn lên, học được chút ít giáo lý thì tôi biết rằng Chúa ở khắp mọi nơi, không có chỗ nào mà không có sự hiện diện của Ngài, cho dù tôi không thấy, vì Ngài thiêng liêng, vô hình. Vì thế, Ngài cũng ở trong tôi như trong tất cả mọi vật khác. Do đó, tôi nói gì Ngài cũng nghe được hết, dù nói thầm hay chỉ nói bằng tư tưởng. Nhưng Ngài vẫn là một «người», một «nhân vật», một «Đấng» khác với chính bản thân tôi. Ngài là một «cái tôi» khác với «cái tôi» của tôi. Do đó tôi với Ngài khá độc lập với nhau: Ngài là Ngài, còn tôi là tôi. Dù Ngài có ở trong tôi đi nữa thì Ngài cũng chỉ lồng vào trong tôi như không khí lồng trong một cục bông gòn, hay như chất nước thấm vào chiếc áo bị ướt, ngấm vào từng sợi vải thôi. Nhiều lắm là như chất muối và chất nước hòa hợp với nhau thành một hỗn hợp duy nhất là dung dịch nước muối. Nhưng muối vẫn là muối còn nước vẫn là nước.

Nhưng khi đọc những tác phẩm tu đức, thần học, thần bí, tôi mới biết Ngài chính là sự sống của tôi, là cái gì thân thiết nhất với tôi. Tôi rất tâm đắc với lời của thánh Âu Tinh: «Thiên Chúa còn thân thiết với tôi hơn chính bản thân tôi (thân thiết với tôi)» (Deus intimior intimo meo). Một cách nào đó Ngài còn «là tôi» hơn chính tôi «là tôi» nữa. Ngài là nền tảng sự hiện hữu của tôi. Không có Ngài thì không có tôi, và không một cử động, một hơi thở, một cái nhắm mắt nào của tôi mà không nhờ tới Ngài. Ngài không chỉ hiện hữu trong tôi, mà Ngài hiện hữu trong chính sự hiện hữu của tôi. Như thế, tự bản chất, giữa tôi và Ngài đã có một sự gắn bó thân thiết, sâu xa hơn bất cứ ai, bất cứ sự gì trên đời, kể cả chính tôi, tâm hồn tôi. Vậy thì tôi không cần gì phải cố gắng kết hiệp với Ngài một cách tâm lý như thể tôi kết hiệp với những người thân yêu nhất của tôi, vì giữa Ngài và tôi đã có sẵn một sự kết hiệp sâu xa – một cách «hữu thể học» (ontologiquement) – từ trong bản chất của tôi. Vấn đề là tôi có ý thức được sự kết hiệp vốn có sẵn ấy hay không. Ý thức được sự kết hiệp ấy làm tôi cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy sức mạnh, vì Ngài chính là nguồn hạnh phúc, nguồn sức mạnh bao la. Dần dần tôi hiểu ra rằng ý thức sự kết hiệp có sẵn ấy chính là cầu nguyện, một thứ cầu nguyện rất cao cấp, đem lại sức sống rất phong phú cho tôi.

Câu chuyện Đức Giêsu ngủ trong thuyền của các môn đệ giữa cơn phong ba bão táp (x. Mc 4,35-41) giúp tôi phân biệt được hai tình trạng khác nhau giữa một người ý thức và không ý thức về sự kết hiệp vốn có giữa Thiên Chúa và bản thân mỗi người. Khi Ngài ngủ trong thuyền thì Ngài vẫn hiện diện bên các môn đệ, nhưng lúc ấy Ngài hiện diện mà như không hiện diện. Ngài chẳng giúp ích gì cho các ông giữa cơn phong ba bão táp đầy nguy hiểm trên biển. Các ông đã đối phó với phong ba như thể không có Ngài. Nhưng khi các môn đệ đánh thức Ngài dậy, thì Ngài làm cho sóng gió lặng yên. Chỉ lúc đó Ngài mới hiện diện đúng với bản chất một Thiên Chúa đầy quyền năng của Ngài.

 

Không ý thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa trong ta, trong chính sự hiện hữu của ta sẽ làm cho sự hiện hữu ấy trở nên thụ động, hiện hữu mà như không hiện hữu, tương tự như sự hiện hữu của Đức Giêsu đang ngủ trong thuyền của các môn đệ giữa phong ba. Ý thức thường xuyên về sự hiện hữu và quyền năng vô biên của hiện hữu ấy chính là làm cho sự hiện hữu của Ngài trong ta trở thành năng động. Chỉ lúc ấy ta mới thấy quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa trở thành cụ thể và thực tế nơi ta, có thể biến đổi ta nên một con người mới mạnh mẽ, có thể vượt qua dễ dàng mọi sóng gió cuộc đời. Ý thức thường xuyên như vậy, sức mạnh của Thiên Chúa sẽ dần dần trở thành sức mạnh của chính bản thân ta.

Viết tới đây, tôi nghĩ đến một hình ảnh tương tự minh họa cho sự việc trên. Một người nọ có một kho vàng rất lớn ở trong nhà – được chôn dưới nền nhà hoặc dấu kín trong một bức tượng nào đó – mà cha ông để lại, nhưng lại không biết mình có. Mặc dù người ấy rất giàu một cách vô ý thức, nhưng trong đời sống thực tế người ấy rất nghèo, thậm chí thiếu thốn cùng cực. Vì thế, cuộc sống của người ấy vô cùng vất vả, phải xin xỏ hay năn nỉ sự giúp đỡ của người khác. Khi biết được mình có kho tàng ấy, lập tức người ấy đào lên và trở nên giàu có một cách ý thức. Chỉ lúc ấy kho vàng kia mới bắt đầu trở nên hữu ích cho người ấy.

Một minh họa khác: có thời tôi rất khốn khổ vì máy vi tính của tôi bị nhiễm virus khiến máy chạy chậm kinh khủng. Tôi muốn diệt virus và đề phòng virus nhưng không biết làm sao. Một hôm, anh bạn của tôi đến chơi, nghe tôi than phiền, anh vào máy của tôi và khám phá ra trong máy của tôi đã cài sẵn một chương trình diệt và phòng chống virus tối tân nhất. Nhưng vì tôi không biết “chạy” (run) hay “kích hoạt” (activate) chương trình này, nên dù nó có sẵn trong máy nhưng chẳng hề hoạt động chút nào. Từ khi anh bạn làm cho chương trình ấy tự động chạy ngay khi khởi động máy, thì máy vi tính của tôi lại hoạt động rất nhanh, hữu hiệu và không còn một con virus nào tồn tại được trong máy nữa. Hóa ra máy của tôi đã có sẵn một chương trình phòng và diệt virus rất tuyệt vời mà tôi không biết, không ý thức rằng mình có để kích hoạt nó. Chính vì vậy mà tôi phải khốn khổ trong thời gian chưa ý thức ấy.

Cũng vậy, chúng ta có Thiên Chúa – một kho tàng sức mạnh, trí tuệ, tình yêu, sự sống – ở ngay trong bản thân mình, thậm chí ngay trong bản thể mình, trong chính sự hiện hữu của mình, thế mà ta chẳng biết, chẳng ý thức điều đó. Vì thế, Thiên Chúa ấy đã chẳng đem lại sức mạnh, sự khôn ngoan, tình yêu, sức sống và bình an hạnh phúc cho ta bao nhiêu. Ta luôn luôn cảm thấy mình yếu đuối, hèn hạ, ích kỷ, vụ lợi, bất an, và cứ phải tìm cách bù đắp sự hèn kém ấy bằng cách chiếm hữu cho bằng được những thứ ngoài mình – của cải, danh vọng, quyền lực, lạc thú, tiện nghi – để có cảm tưởng mình có sức mạnh, có phẩm giá, được bình an. Sức mạnh, phẩm giá, bình an ấy là thứ gì ở ngoài mình, do người khác ban cho mình, và có thể mất bất cứ lúc nào. Còn sức mạnh, phẩm giá và sự bình an hạnh phúc của một người ý thức được Thiên Chúa ở với mình, ở ngay trong bản thể mình, là những thứ nội tại trong bản thân mình, do chính Thiên Chúa ban. Thứ bình an hạnh phúc này không ai có thể ban cho ta hay lấy mất của ta được (x. Ga 16,22): «Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian» (Ga 14,27). Chúng ta thường xin xỏ Thiên Chúa và người khác ban cho mình những thứ bên ngoài ấy đang khi bên trong chúng ta đã có sẵn tất cả những thứ quý giá ấy – quý giá nhất là chính Thiên Chúa – mà chúng ta không hề biết, nên những thứ quý giá có sẵn ấy chẳng đem lại ích lợi gì cho ta.

Sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa chỉ trở thành sức mạnh và tình yêu của ta khi ta để sự hiện hữu của Ngài tràn ngập con người ta, và không còn chỗ cho «cái tôi» của ta nữa. «Cái tôi» của ta càng nhỏ bé đi, càng tiêu tan đi, thì «cái tôi» của Ngài ở trong ta càng lớn lên cùng với sức mạnh của Ngài: «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30). Làm cho «cái tôi» của mình nhỏ bé đi chính là thực hiện việc «từ bỏ chính mình» (Mt 16,24). Chừng nào ta còn coi «cái tôi» của mình là quan trọng, còn muốn được nổi bật, được ca tụng, đề cao thì chỉ làm cho «cái tôi» của Ngài cùng với sức mạnh của Ngài ở trong ta mãi nhỏ bé, không lớn lên được. Người nào hoàn toàn «từ bỏ chính mình», trong cầu nguyện cũng như trong đời sống thực tế, người ấy tự nhiên sẽ tràn đầy Thiên Chúa và sức mạnh của Ngài.

 

Nền tảng Kinh Thánh của việc Thiên Chúa hiện hữu trong bản chất của ta

 

Ý thức Thiên Chúa ở trong ta, hay hơn nữa, Ngài là nền tảng hiện hữu của ta, Ngài là cái gì sâu thẳm nhất trong hiện hữu của ta, đồng thời ý thức Ngài là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu, nguồn của Chân Thiện Mỹ… là một yếu tố rất quan trọng trong đời sống cầu nguyện. Ý thức như thế cũng chính là cầu nguyện. Lúc đó, ta chẳng cần xin Thiên Chúa ban sức mạnh cho ta như ban một cái gì từ bên ngoài, mà ta thấy sức mạnh của Ngài đã có sẵn trong bản thân ta, ngay trong bản chất của ta. Vì Ngài hiện hữu trong bản chất của ta, mà Ngài chính là sức mạnh vô biên. Điều này rất quan trọng, nên đối với những ai chưa cảm nghiệm được điều này, cần phải có những lý chứng nền tảng từ Kinh Thánh.

«Thiên tính» của con người hay sự hiện hữu của Thiên Chúa không chỉ ở nơi mỗi người mà còn ở ngay trong chính bản chất của mỗi người. Điều này đã được Kinh Thánh xác nhận rất rõ ràng:

– Con người là «hình ảnh Thiên Chúa»: Sách Sáng Thế viết: «Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa» (St 1,27; 9,6). Thánh Phaolô cũng đã nhắc lại và nhấn mạnh như vậy (x. Ep 4,24). Giữa hình ảnh và người hay vật trong hình ảnh ấy phải có sự giống nhau đặc biệt trong những nét cơ bản nhất, thì hình ảnh ấy mới được gọi là hình ảnh của người hay một vật ấy. Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, ắt con người phải rất giống Thiên Chúa – sách Sáng Thế cũng xác nhận sự giống nhau ấy (x. St 1,26; 5,1) – và phải giống ở những yếu tố cơ bản, nghĩa là về bản chất, chứ không phải ở những thứ râu ria, phụ thuộc, thuộc bình diện hiện tượng. Thật vậy, nếu xét về mặt hiện tượng, con người giống thú vật gấp hàng tỷ lần giống Thiên Chúa. Do đó, nếu con người giống Thiên Chúa như Kinh Thánh đã xác định thì chỉ có thể giống về bản chất mà thôi. Nghĩa là Thiên Chúa và con người có bản chất giống nhau, đó là bản tính Thiên Chúa. Điều này chính thánh Phêrô đã xác nhận trong thư gửi các tín hữu của ngài ở Tiểu Á (xem đoạn sau). Nếu có sự khác biệt giữa Thiên Chúa và con người, thì sự khác biệt ấy chỉ có thể nằm trên bình diện hiện tượng mà thôi.

– Con người có bản tính Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã xác nhận điều ấy: «Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa» (2Pr 1,4). Như vậy, bản tính của Thiên Chúa đã nằm sẵn trong bản chất của con người từ khi con người được tạo dựng, và bản tính này là phần quan trọng nhất cấu tạo nên bản chất con người. Chính vì thế, con người mới có thể được nâng lên hàng «con cái Thiên Chúa» (x. Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10). Không một người nào có thể nâng một con vật lên làm con cái mình để sau này con vật đó có thể thừa hưởng sản nghiệp của mình, vì con vật rất khác con người về mặt bản chất. Con vật không thể nào trở nên giống như con người được, không thể hoàn hảo bằng con người được. Nếu có ai nói với một con vật mình yêu quý rằng: «Mi hãy trở nên hoàn hảo giống như ta» thì người ấy sẽ bị coi là mất trí hoặc thiếu trí, vì điều ấy rõ ràng không thể thực hiện được (impossible). Vì con vật không bao giờ có thể trở thành con người, vì nó không cùng một bản chất với con người.

 

Nhưng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã yêu cầu con người một điều mà chúng ta không thể coi là bất khả thi: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5,48). Con vật không thể trở nên hoàn thiện bằng con người được, vì con vật khác con người về bản chất. Nhưng con người có thể trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa, vì con người giống Thiên Chúa về bản chất, bản tính. Không phải ngạo mạn mà vua Đa-Vít nói: «Ta đã phán : Hết thảy các ngươi đây đều là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao» (Tv 82,6). Chính Đức Giêsu cũng xác nhận bản tính thần thánh của con người: «Lề luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh thì không thể bị hủy bỏ» (Ga 10,35). Vì thế, phẩm giá của con người rất cao cả, con người mang trong người bản chất của thần thánh.

Quả thật, nghe nói như thế, chắc chắn nhiều Kitô hữu sẽ ngạc nhiên vì thấy rất lạ tai và khó hiểu, nên cho rằng nói như thế là quá đáng và sai sự thật, vì có mấy ai cảm thấy mình là thần thánh đâu? Nhưng chứng cứ của Kinh Thánh quả rất rõ ràng không thể chối cãi.

 

Tôi xin đưa ra một minh họa để vấn đề trở nên dễ hiểu hơn.

 

Câu chuyện dụ ngôn của Ấn Độ

 

Là con cái Thiên Chúa, được tạo dựng nên giống như Ngài, và mang trong mình bản tính của Ngài, nhưng hiện nay, chúng ta vẫn sống như thể mình không phải là như vậy, thậm chí không hề ý thức hay biết mình là như vậy. Chúng ta sống y hệt con sử tử nai trong dụ ngôn sau đây: nó cứ tưởng mình là nai, chứ không biết bản chất của mình là sư tử:

«Một con sư tử có thai sắp tới ngày sinh con. Hôm đó vì mải đuổi theo một con mồi, nó phải nhảy qua một con suối rộng mà nó đã từng nhảy qua hàng trăm lần. Nhưng lần này vì có thai và đã đến ngày sinh, nên khi ráng sức nhảy qua dòng suối, nó bị động thai, và liền sau đó phải sinh ra một con sư tử con rồi chết.

Sư tử con được một bầy nai đem về nuôi, nó lớn lên giữa bầy nai và sinh hoạt y như những con nai khác: cũng ăn cỏ, cũng kêu be be. Sư tử con càng ngày càng lớn, nhưng không hề biết bản chất đích thực của mình là sư tử, nó tưởng nó cũng là nai như những con nai trong bầy.

Một hôm, một con sư tử khác từ trên đồi nhìn xuống đồng cỏ, thấy con sư tử nai cũng to như mình, nhưng lại hiền lành ăn cỏ giữa bầy nai, nó rất ngạc nhiên bèn chạy tới xem sao. Sư tử nai thấy sư tử thực tới thì cũng sợ hãi chạy bán sống bán chết như những con nai khác. Con sư tử thực bèn bắt cho bằng được con sư tử nai, và chỉ cho nó thấy rằng nó là sư tử chứ không phải nai. Con sư tử nai mới đầu hết sức ngạc nhiên, không thể tin được. Nhưng khi con sư tử thật cho nó nhìn thấy bóng mình dưới mặt hồ trong, tập cho nó ăn thịt uống máu những con thú khác, và tập cho nó gầm lên, bấy giờ nó mới hoàn toàn nhận ra nó là sư tử.

Từ lúc biết chắc chắn mình là sư tử, con sư tử nai bỗng nhiên cảm thấy như sức mạnh, sự oai vệ hùng hổ của một con sư tử đến với mình. Thế là từ đó, nó là sư tử, nó không còn sống cái kiếp nai như trước nữa».

 

Qua câu chuyện trên, ta thấy: Một con nai thuần túy sẽ mãi mãi là nai, không bao giờ trở thành sư tử được. Dù có tập luyện cách mấy, nó không bao giờ gầm lên được như sư tử, không bao giờ mạnh mẽ, bạo dạn và oai vệ được như sư tử. Nhưng con sư tử nai (là sư tử mà cứ ngỡ mình là nai) thì có thể trở thành sư tử thật, vì bản chất của nó vốn là sư tử. Nhưng nếu con sư tử nai cứ tưởng mình là nai, không hề biết bản chất thật của mình là sư tử, nó sẽ mãi mãi là sư tử nai, không thể trở thành sư tử thật được. Nó chỉ trở thành sư tử thật sau khi biết mình là sư tử, đồng thời biết tập luyện để hành xử đúng như một con sư tử thật.

Tương tự, chúng ta không phải là một phàm nhân thuần túy: một phàm nhân thuần túy không bao giờ nên «hoàn thiện như Cha trên Trời là Đấng hoàn thiện» được (Mt 5,48), hay trở thành con cái Thiên Chúa được (x. Lc 20,36). Tuy nhiên, chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống Ngài, theo hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính của Ngài, nghĩa là tự bản chất chúng ta đã là thần, là thánh. Nhưng chúng ta mới chỉ là thánh hay thần linh trong tiềm năng, nghĩa là có thể trở nên thần thánh, chứ chưa phải là thần thánh trong hiện thực. Nói cách khác, chúng ta chưa sống cho ra thần thánh đúng với bản chất của mình, tương tự như con sư tử nai trong dụ ngôn trên mới chỉ sống như một con nai, chứ chưa sống cho ra một con sư tử đích thực.

Cốt yếu của việc cầu nguyện chính là thường xuyên ý thức về bản chất đích thực của mình là thần linh, là giống Thiên Chúa, là con cái Ngài, đồng thời nhận ra Ngài chính là cái gì thâm sâu nhất trong bản chất của mình, và Ngài chính là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu, nguồn trí tuệ, nguồn phát sinh tất cả những gì tốt đẹp nhất. Nhờ đó, ta không còn cảm thấy thiếu thốn gì cả, không cần phải xin Ngài điều gì cả, vì có Ngài trong bản thân mình là có tất cả rồi. Tất cả những gì mà ta có thể xin Ngài ban cho ta chẳng đáng giá gì so với chính bản thân Ngài, thế mà Ngài đang ở trong ta, và ta đang có Ngài!

Người không ý thức được Thiên Chúa là bản chất sâu thẳm nhất của mình, giống y hệt người có cả một kho tàng lớn trong nhà, nhưng không biết mình có, nên cứ phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề, cứ phải xin xỏ hết người này đến người kia, hết điều này đến điều nọ, mà không chắc có được thỏa mãn hay không. Thật đáng thương! Nhiều khi chúng ta hành xử y hệt các môn đệ Đức Giêsu xưa: Thầy của mình vẫn còn ngủ trong thuyền, nhưng các ông lại cứ sợ phong ba bão tố bên ngoài làm con thuyền bị chìm. Vì thế, khi tỉnh dậy, Ngài trách các ông: «Sao nhát thế! Hỡi những người kém lòng tin!» (Mt 8,26). Chúng ta cũng rất thường tỏ ra thiếu đức tin như thế, nên lúc nào chúng ta cũng thấy mình hèn hạ, yếu kém, thiếu thốn, tội lỗi, khốn nạn và chúng ta thường tự biến mình thành những kẻ «ăn mày» sự thương hại, «ăn xin» lòng thương xót  suốt cả đời sống chúng ta, khao khát những thứ tầm thường bên ngoài ta.

Não trạng ấy xem ra đi ngược lại với phẩm giá cao quý của mình vốn là «con cái Thiên Chúa»«được thông phần bản tính Thiên Chúa». Và đó cũng là một cách vô tình vũ nhục Thiên Chúa. Đường đường là một hoàng tử, con của một vị vua giàu sang quyền thế mà cứ hành xử như một tên ăn mày thì chẳng là làm xấu hổ hay nhục mạ vị vua ấy sao? Nếu chúng ta có đức tin và nếu đức tin ấy dựa trên nền tảng Kinh Thánh, chúng ta sẽ cảm thấy phẩm giá của mình rất cao cả, vì còn phẩm giá nào cao cả hơn phẩm giá của con cái Thiên Chúa? Nếu chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ cảm thấy mình không thiếu thốn điều gì, vì Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài rất giàu có, yêu thương và luôn quan tâm đến mọi nhu cầu của đời sống chúng ta. Có đứa con nhà giàu nào mà lại phải lo lắng vì sợ thiếu thốn điều này điều kia chăng? Là Kitô hữu, chúng ta cần ý thức mình là con cái Thiên Chúa chứ không phải là con cái ma quỷ, là con cái của sức mạnh chứ không phải của sự yếu đuối, là con cái của tình thương chứ không phải của hận thù ghen ghét. Đừng nhục mạ Thiên Chúa bằng mặc cảm tự ty của mình.

(Còn tiếp)


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà