CHIA SẺ VỀ CẦU NGUYỆN

(TIẾP THEO)

Nguyễn Chính Kết

Những hình thức cầu nguyện khác nhau

Bản chất của cầu nguyện là kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Và việc kết hợp này có thể thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy trình độ tâm linh của mỗi người.

Cách sơ đẳng nhấtđọc kinh: người mới tập cầu nguyện đọc những lời kinh hay những công thức có sẵn để nương theo những tâm tình trong đó mà dần dần biết tự mình cầu nguyện. Tương tự như một em bé mới tập viết phải tô lên những chữ mờ mờ bằng viết chì mà thầy giáo đã viết sẵn, hoặc viết theo những mẫu chữ ở mỗi đầu trang. Như thế mới chỉ là tập viết chứ chưa phải là viết thật sự. Một người viết thật sự là người viết ra những tư tưởng phát sinh trong đầu óc mình để người khác hiểu mình nghĩ gì, muốn gì. Những công thức chung và có sẵn ấy không phải lúc nào cũng phù hợp với tâm trạng cá biệt của mỗi người trong những hoàn cảnh hay tình huống rất khác biệt nhau trong cuộc đời người ấy. Những mẫu kinh có sẵn ấy nhiều khi cũng có tác dụng như những bài giáo lý được soạn dưới hình thức kinh nguyện. Chúng có tác dụng kép là vừa giúp những Kitô hữu mới (tân tòng) nắm vững giáo lý trong đạo, vừa tập cho họ biết cách cầu nguyện. Nhưng đến một lúc nào đó họ phải tự cầu nguyện tương tự như em bé tập viết phải tự mình viết chính ý tưởng của mình chứ không phải cứ viết tô hay viết theo mẫu của người khác mãi được.

– Cách cao hơn là cầu nguyện tự phát: Người cầu nguyện tự nói với Thiên Chúa – cách âm thầm trong tư tưởng hay phát ra thành lời ngoài miệng – chính những suy nghĩ, tâm tình, ước nguyện có thực bên trong tâm hồn mình. Nếu lại chỉ nói những tư tưởng hay tâm tình đã được khuôn đúc do mình hay người khác tạo sẵn thì việc cầu nguyện sẽ có ít nhiều tính giả tạo trong đó.

– Cao hơn nữa là cầu nguyện bằng tâm tình tự phát: Người cầu nguyện tự đặt mình trước Thiên Chúa, hoặc ý thức Thiên Chúa ở trong mình, Ngài luôn yêu thương, che chở, bao bọc mình, biết tất cả mọi tư tưởng, tâm tình, ước muốn, nhu cầu của mình. Vì thế, họ cứ để chúng tự phát sinh và dâng trào lên trong lòng mình, không nhất thiết phải nói lên thành lời với Ngài.

– Cao hơn nữa là lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa trong lòng mình, qua lời của Ngài trong Kinh Thánh, qua những lẽ phải mình nhận thấy trong lời nói của người chung quanh (cha mẹ, con cái, vợ chồng, thầy giáo, học trò, bề trên, bề dưới, v.v…), qua những biến cố trong cuộc đời mình, trong thiên nhiên, trong lịch sử, qua những dấu chỉ của thời đại (signa temporum)… Lắng nghe Ngài để biết được quan niệm của Ngài mà chỉnh lại quan niệm của mình, biết được ý Ngài mà tuân phục, hầu quan niệm của mình hoàn toàn phù hợp với quan niệm của Ngài, ý của mình hoàn toàn giống với thánh ý của Ngài.

     Cao hơn nữa là ý thức được Thiên Chúa luôn ở với mình, trong mình, chi phối con người mình, và Ngài chính là một yếu tố cấu tạo nên sự hiện hữu của mình, cảm nghiệm được mình với Ngài vốn là một. Ý thức Ngài chính là cái gì sâu thẳm nhất, nền tảng nhất của bản thân mình, và Ngài cũng là nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, là sự sống của mình. Mình với Ngài «tuy hai mà một», «tuy một mà hai»… Phần nào tương tự như vàng trong một chiếc nhẫn: Ngài là vàng, ta là nhẫn. Vàng vừa là một mà cũng vừa là hai với nhẫn. Vàng vốn không phải là nhẫn, và nhẫn vốn không phải là vàng. Nhưng trong chiếc nhẫn vàng, thì vàng với nhẫn là một thực thể duy nhất: chiếc nhẫn vàng. Như đã nói ở một phần trước, con người giống Thiên Chúa không phải ở mặt hiện tượng, vì xét mặt này, con người giống thú vật và vật chất hơn giống Thiên Chúa hàng tỷ lần. Mà con người giống Thiên Chúa ở mặt bản chất, vì Thiên Chúa đã «thông phần bản tính của Ngài» cho con người (2Pr 1,4). Bản chất của Thiên Chúa là thần linh, và của con người cũng là thần linh (x. Ga 10,35; Tv 82,6). Tương tự như chiếc nhẫn vàng, về mặt hiện tượng, rất giống những chiếc nhẫn giả vàng nhưng làm bằng những chất khác (sắt, nhôm, đồng, nhựa, gốm, vải, bông… ), nhưng về bản chất thì rất khác với chúng. Chính nhờ giống Ngài về mặt bản chất mà con người có thể kết hợp mật thiết với Ngài đến độ có thể nói như thánh Phaolô: «Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Thiên Chúa sống trong tôi» (Gl 2,20).

Bản chất của cầu nguyện

Bản chất của cầu nguyện là gặp gỡ, kết hợp với Thiên Chúa chứ không phải là xin Thiên Chúa hay nói với Ngài điều này điều này điều khác. Khi cầu nguyện, người ta có thể xin Thiên Chúa hay nói với Ngài, nhưng xin hay nói với Ngài không hẳn đã là kết hợp với Ngài. Sự gặp gỡ hay kết hợp giữa hai người đòi hỏi phải có một sự đồng cảm nào đó. Cổ nhân có câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng» (có duyên với nhau thì dù xa cách ngàn dặm vẫn có thể gặp nhau, còn không có duyên với nhau thì dù có đối diện với nhau, có nói chuyện với nhau đi nữa, cũng chẳng thể gặp nhau thật sự). Muốn gặp Chúa, kết hiệp hay nên một với Ngài thì phải có «duyên» với Ngài, nghĩa là phải có một sự đồng cảm hay một sự giống nhau nào đấy với Ngài. Ta thấy dầu và nước không thể hòa tan với nhau được, vì hóa tính của hai chất không giống nhau. Hai chất muốn hòa tan với nhau cần phải có những hóa tính căn bản giống nhau mới hòa được. Người Pharisêu xưa tranh luận với Chúa hằng ngày mà có bao giờ thật sự gặp được Chúa đâu! («gặp» ở đây hiểu theo nghĩa tinh thần). Thiên Chúa thì vị tha, nên nếu ta vị kỷ, nếu khi nói chuyện với Ngài, ta chỉ nghĩ đến ta, đến ý muốn của ta, nhu cầu của ta, mà không hề nghĩ đến Ngài, đến chuyện Ngài cần gì, muốn gì nơi ta, thì làm sao ta gặp gỡ hay kết hợp với Ngài được? Trái lại, nếu ta với Ngài đều vị tha, đều yêu thương nhau, đều quan tâm đến nhau, đến ý muốn hay nhu cầu của nhau, thì dù không nói chuyện với nhau, hai bên vẫn có thể gặp gỡ nhau, kết hợp với nhau. Không thể dùng thuần túy những hình thức bên ngoài mà cầu nguyện hay kết hợp với Thiên Chúa được. Chúa Giêsu nói: «Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24). Do đó cầu nguyện chủ yếu phải là một hành vi hay thái độ nội tâm.

Hai người cùng quan niệm giống nhau, muốn những điều như nhau, cùng hướng về một mục đích, thì dù xa nhau, không có dịp nói chuyện với nhau, cũng vẫn là gặp nhau, kết hợp với nhau trong tinh thần (hay «thần khí»). Gặp nhau, kết hợp với nhau trong tinh thần mới thật sự là gặp nhau, kết hợp với nhau. Do đó, điều kiện để gặp gỡ hay kết hợp với Thiên Chúa chính là cùng một quan niệm, cùng một ý muốn với Thiên Chúa. Do đó ta có thể kết hợp với Thiên Chúa bằng quan niệm và hành động. Đó là một cách thức cầu nguyện rất có giá trị.

 

Kết hợp với Thiên Chúa bằng quan niệm và hành động

Hai người quan niệm khác hẳn nhau làm sao có thể gặp gỡ, đồng cảm với nhau? Hai vợ chồng, một người chỉ biết có vật chất, đánh giá mọi sự theo của cải vật chất, theo những gì bên ngoài, còn người kia chỉ thiên về tinh thần, coi trọng «cái là» bề trong hơn những «cái có» ở bên ngoài, thì làm sao có thể sống hòa hợp với nhau được? Họ như dầu và nước không bao giờ kết hợp với nhau thành một dung dịch được. Cũng vậy, khi ta quan niệm khác hẳn Thiên Chúa, thì việc kết hợp với Ngài là chuyện khó có thể được. Muốn kết hợp với Thiên Chúa, cần phải quan niệm giống như Ngài. Muốn quan niệm giống như Ngài, cần phải đọc Kinh Thánh, lắng nghe Ngài, hiểu đúng ý Ngài. Muốn hiểu đúng ý Ngài, phải có một cái tâm giống như Ngài, là tâm xả kỷ, quên mình, và biết yêu thương. Thánh Gioan viết: «Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu» (1 Ga 4,7-8).

Quan niệm giống Thiên Chúa chưa đủ, để kết hợp với Thiên Chúa trọn vẹn hơn, ta còn phải hành động theo ý Thiên Chúa nữa. Đức Giêsu nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi» (Mt 7,21). Có những người nói mình yêu Thiên Chúa, tỏ ra sẵn sàng làm theo ý Ngài khi cầu nguyện, nhưng trong đời sống thực tế lại không chịu hy sinh ý riêng mình cùng những lợi lộc riêng tư của mình để làm theo ý Ngài. Đức Giêsu đã ám chỉ họ qua dụ ngôn hai người con: một người hứa đi làm vườn nho cho cha nhưng cuối cùng lại không đi, còn người kia ban đầu từ chối nhưng cuối cùng lại đi. Người con sau mới được coi là hiếu thảo (Mt 21,28-32). Để dễ hiểu dụ ngôn này trong chủ đề cầu nguyện, ta có thể dùng một dụ ngôn khác với ý nghĩa tương tự.

Một người cha kia có hai đứa con. Đứa thứ nhất thường xuyên gặp cha, kể lể đủ chuyện với ông, hứa với ông đủ điều, nhất là thường xin ông hết điều này đến điều nọ, nhưng nó không hề quan tâm tới những gì ông nhờ nó làm. Còn đứa kia ít khi gặp ông, không hứa gì với ông, cũng chẳng xin ông điều gì, nhưng lúc nào cũng nghĩ đến ông, sẵn sàng làm theo ý ông. Bất kỳ ông nhờ nó làm gì, nó cũng làm đến nơi đến chốn. Trong hai đứa ấy, ông sẽ cho đứa nào là hiếu thảo hơn, yêu thương ông hơn? Đương nhiên là đứa thứ hai. Đứa thứ nhất chỉ yêu thương ông bằng miệng lưỡi. Hai đứa ấy tượng trưng cho hai cách cầu nguyện: cầu nguyện bằng lời nói và cầu nguyện bằng hành động. Cầu nguyện bằng hành động bao giờ cũng thực tế và có giá trị hơn rất nhiều.

Mark Twain viết: «Action speaks louder than words» (hành động thì nói mạnh hơn là ngôn từ). Thật vậy, hai người yêu thương nhau bằng hành động, bằng sự hy sinh xả thân cho nhau, thì tình yêu ấy được coi là chân thực hơn tình yêu của hai người khác chỉ biết tỏ tình yêu cho nhau đơn thuần qua lời nói. Người luôn luôn quan tâm tới thánh ý Thiên Chúa và cố gắng thực hiện đúng ý Ngài trong mọi giây phút cuộc đời mình, người đó chính là người cầu nguyện bằng hành động, kết hiệp với Ngài bằng ý chí của mình.

Người nào tập quan niệm theo quan niệm của Thiên Chúa và cố gắng hành động đúng theo ý muốn của Thiên Chúa, người ấy ngày càng trở nên giống Ngài, hoàn hảo như Ngài (x. Mt 5,48), và thành hình ảnh trung thực của Ngài. Điều đó tương tự như con sư tử nai (trong dụ ngôn đã nói trước đây) đang tập sự trở thành sư tử thật, bằng cách tập gầm, tập săn mồi, tập ăn thịt, v.v… theo đúng mẫu của một con sư tử thật. Và một ngày nào đó, nó sẽ trở thành một con sư tử thật đúng với bản chất của nó. Khi thực hành như vậy, thì việc thực hành ấy chính là một hình thức cầu nguyện, một hình thức kết hiệp với Thiên Chúa thực tế nhất. Con sư tử nai nếu chỉ ý thức được bản chất sư tử của mình mà không chịu tập luyện để trở thành con sư tử thật, bằng cách bắt chước và hành xử như một con sư tử thật, thì nó vẫn chưa thể trở thành sư tử đích thật. Cũng vậy, giác ngộ và ý thức được bản chất thần linh của mình mà không tập sống giống như thần linh, nghĩa là tập quan niệm và hành động như Thiên Chúa, thì tính thần linh – tức hình ảnh của Thiên Chúa, sự giống Thiên Chúa, sự thông phần bản tính Thiên Chúa – vẫn chỉ là một tiềm năng chứ chưa thành hiện thực.

Người quan niệm và hành động giống Thiên Chúa sẽ trở thành hình ảnh trung thực của Ngài. Lúc đó người ấy sẽ cảm nghiệm được câu: «Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy» (Mt 16,19; 18,18). Lúc đó người ấy sẽ tương tự như một cái phong vũ biểu phản ảnh trung thực nhiệt độ của thời tiết bên ngoài. Phong vũ biểu chỉ thế nào thì ngoài trời đúng y như vậy. Nghĩa là người ấy quan niệm hay ước muốn ra sao và hành động thế nào, thì Thiên Chúa cũng quan niệm, ước muốn và hành động như vậy. Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa thay đổi theo quan niệm, ước muốn hay hành động của người ấy, mà người ấy đã quan niệm, ước muốn và hành động giống y như Thiên Chúa. Không bao giờ có chuyện Thiên Chúa lại phải thay đổi theo những quyết định bất thường của con người cả, bất kỳ người đó là ai, thánh thiện đến cỡ nào, vì điều đó hoàn toàn phi lý và không thể chấp nhận được. Cũng như không bao giờ có chuyện thời tiết bên ngoài lại thay đổi theo cái phong vũ biểu ở trong nhà cả.

Có thể nói khi đã ý thức được bản chất thần linh của mìnhthường xuyên sống với ý thức ấy, thì không có cách cầu nguyện hay kết hiệp với Thiên Chúa nào cao cả và thực tế bằng việc tập quan niệm, ước muốn và hành động giống như Thiên Chúa, theo mẫu gương của Ngài. Đó là con đường bảo đảm và chắc chắn nhất để trở nên thánh thiện, hoàn hảo.

(Còn tiếp)


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà