CHIA SẺ VỀ CẦU NGUYỆN

(Tiếp theo)

Joan Nguyễn Chính Kết

Cầu nguyện trong «thần khí và sự thật»

Cầu nguyện chính là thờ phượng Thiên Chúa. Nếu đó là cầu nguyện đúng nghĩa, nghĩa là đúng với bản chất của cầu nguyện – là thật sự gặp gỡ hay kết hợp với Thiên Chúa – thì người cầu nguyện sẽ nhận được từ Thiên Chúa sự bình an đích thực và nhiều sức mạnh tâm linh. Vì Thiên Chúa chính là nguồn bình an và sức mạnh. Nếu cầu nguyện nhiều mà vẫn không bình an, vẫn luôn sống trong lo lắng và sợ sệt, không nhận được sức mạnh của Thiên Chúa, khiến đời sống tâm linh mình không thăng tiến được, thì đó là dấu hiệu cho thấy ta chưa cầu nguyện đúng nghĩa. Ta mới chỉ làm những hình thức bên ngoài của cầu nguyện thôi, chứ chưa thực hiện nội dung của cầu nguyện.

Nếu trên đời có những thứ dân chủ hình thức, tự do hình thức, đạo đức hình thức, vui vẻ hình thức, v.v… thì cũng có thứ cầu nguyện hình thức. Cầu nguyện hình thức là hành động mang hình thức cầu nguyện như đọc kinh, dâng lễ, rước lễ, suy gẫm, tĩnh tâm, hát thánh ca, dâng lời ca tụng Chúa, ai nhìn thấy cũng đều nghĩ đó là cầu nguyện, nhưng người cầu nguyện kiểu hình thức không gặp gỡ được Thiên Chúa. Rất nhiều Kitô hữu lầm tưởng thứ cầu nguyện hình thức này là cầu nguyện đích thực, kể cả một số giáo lý viên. Những giáo lý viên này chỉ có thể dạy người khác cầu nguyện kiểu hình thức mà thôi, không dạy họ cầu nguyện đích thực được, vì đôi khi chính bản thân họ cũng không biết cầu nguyện đích thực. Cầu nguyện hình thức và cầu nguyện đích thực xem ra bề ngoài có nhiều điểm rất giống nhau, nhưng thực chất không giống nhau chút nào. Giá trị và hiệu quả của hai thứ cầu nguyện đó khác nhau rất xa. Tương tự như một trái trứng đích thực và một trái trứng bị rút ruột. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì chẳng mấy ai phân biệt được, có cầm hai trái trên tay thì ai mới phân biệt được. Tuy nhiên, người cầu nguyện hình thức thường «có vẻ cầu nguyện» nhiều hơn là người cầu nguyện đích thực. Tương tự như câu của một nhà tu đức nọ: «Người có vẻ thánh thiện thì không phải là thánh thiện, người thánh thiện thì lại không ra vẻ thánh thiện» (Sanctus videtur sed non est, sanctus est sed non videtur). Vì trong thứ cầu nguyện hình thức, việc cầu nguyện được thể hiện chủ yếu qua những gì thấy được bên ngoài là cầu nguyện, còn việc cầu nguyện đích thực chủ yếu xảy ra trong nội tâm, việc biểu lộ ra ngoài là do có thực ở bên trong nên tự nhiên thể hiện ra bên ngoài.

Thời Đức Giêsu, Ngài nhận thấy các Pharisêu thích phô trương sự cầu nguyện của mình (x. Mt 6,5). Việc cầu nguyện của họ – vốn là hình thức – chỉ là việc của thân xác thấy được bên ngoài chứ không phải là việc của tâm hồn thầm kín bên trong. Và Ngài yêu cầu các môn đệ và những ai theo Ngài đừng cầu nguyện theo kiểu bên ngoài ấy, mà cầu nguyện theo cách thầm kín trong tâm hồn (x. Mt 6,6). Và cầu nguyện kiểu hình thức như vậy thì những lời nói, cử chỉ, hành động thấy được bên ngoài không phản ảnh đúng tâm tình hay thực trạng bên trong. Vì thế, cầu nguyện kiểu hình thức ít nhiều mang tính giả dối, không chân thật.

Ngay từ thời của Ngài, Ngài đã chỉnh đốn lại lối cầu nguyện hình thức của người cùng thời – tức chỉ bằng thể xác và mang tính giả dối – khi Ngài nói chuyện với người phụ nữ Samari. Ngài nói: «Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. (24) Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,23-24). Thờ phượng hay cầu nguyện trong thần khí là cầu nguyện chủ yếu bằng tâm hồn chứ không phải bằng thể xác. Đó là một hành vi chủ yếu xảy ra trong nội tâm (= trong thần khí) chứ không chỉ xảy ra bên ngoài. Thờ phượng hay cầu nguyện trong sự thật là những gì biểu hiện ra ở bên ngoài phải phản ảnh trung thực những gì xảy ra trong nội tâm. Rất tiếc, Ngài nói điều đó cách đây đã 2000 năm, nhưng rất nhiều Kitô hữu thời nay vẫn thờ phượng và cầu nguyện theo truyền thống xa xưa của thời trước Ngài. Nhiều người coi truyền thống của người xưa quan trọng hơn cả tinh thần mới mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã phải xuống trần để truyền đạt. Cũng không nên trách họ vì chẳng mấy ai chỉ cho họ cách cầu nguyện đích thực. Theo Đức Giêsu, Thiên Chúa Cha chỉ «tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế», nghĩa là những người thờ phượng hay cầu nguyện «trong thần khí và sự thật».

theo lời ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa rất ngán ngẩm thứ thờ phượng hay cầu nguyện theo kiểu hình thức chủ bề ngoài như rất nhiều người vẫn còn đang làm hiện nay: «Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bò mập, Ta đã ngấy (…) Thôi đừng đem những lễ vật vô ích ấy đến nữa. Ta ghê tởm khói hương, ta chịu không nổi những ngày đầu tháng, những ngày sabát, ngày đại lễ, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình (…) Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn, vì tay các ngươi đầy những máu…» (Is 1,11-15. Đặt mình trong địa vị của Chúa, ta mới hiểu được «nỗi khổ tâm» và sự «ngán ngẩm» của Thiên Chúa đối với cung cách thờ phượng hay cầu nguyện như vậy. Thật vậy, nếu con cháu của ta đến với ta chỉ nói toàn những lời nịnh hót, giả dối, mang đến những lễ vật mà ta đã có thừa mứa trong nhà, chỉ với mục đích cầu cạnh, xin xỏ hết điều này đến điều kia, chứ chẳng phải vì yêu thương quý mến ta, thì ta sẽ ngán ngẩm khi chúng đến thế nào? Điều ta muốn chúng làm – là yêu thương giúp đỡ lẫn nhau – thì chúng chẳng thèm quan tâm chút nào, chúng chỉ muốn ta quan tâm đến những nhu cầu của chúng và những gì chúng ham muốn thôi. Ta cần nhất là lòng thành thật, trong lòng có gì thì nói ra đúng như vậy, chỉ cái ấy mới là quý giá nhất đối với ta, thì chúng lại chỉ dâng lên ta những lời giả dối và những thứ mà ta đã thừa mứa và vô dụng đối với ta. Thế mà rất nhiều khi chúng ta đối xử với Thiên Chúa y hệt như thế khi thờ phượng và cầu nguyện với Ngài! Lời của ngôn sứ Isaia cách đây khoảng 2500 năm dường như vẫn rất thời sự đối với cuộc sống Kitô hữu của ta ngày nay!

Nói như trên không có nghĩa là chúng ta phải bài trừ hình thức. Nếu trái trứng đích thực cần có vỏ để được bảo vệ, thì việc cầu nguyện cũng cần có ít nhiều hình thức bên ngoài để dễ thành hình và duy trì, nhất là khi cầu nguyện cộng đồng. Nhưng giá trị của cầu nguyện hệ tại thực chất, nội dung chứ không tại hình thức. Có biết bao Kitô hữu đơn sơ chỉ biết cầu nguyện bằng cách đọc kinh; nhưng khi đọc kinh, tâm tình đích thực của họ – là quên mình trước Thiên Chúa, lòng trí thật sự hướng về Thiên Chúa và yêu mến Ngài – nhờ nương theo lời kinh ấy mà phát sinh ở bên trong. Chính vì có những tâm tình đích thực ấy – tức việc làm của thần khí mỗi người – mà việc đọc kinh trở thành cầu nguyện. Thiếu những tâm tình ấy, việc đọc kinh không còn là cầu nguyện nữa.

Chuyển đổi từ thờ phượng hay cầu nguyện kiểu thường tình thành thờ phượng hay cầu nguyện «trong thần khí và sự thật» đòi hỏi một sự thay đổi. Sự thay đổi quan trọng và sâu xa nào cũng là một cuộc cách mạng bản thân, bắt nguồn từ một sự giác ngộ. Con người có quán tính rất mạnh, thay đổi một thói quen lâu đời không phải chuyện dễ. Nhưng nếu không thay đổi, chúng ta sẽ không thăng tiến được. Để trưởng thành thành người lớn, đứa trẻ không thể cứ bú sữa mãi được, nó phải tập ăn đồ cứng (cơm, thịt, cá, rau, đậu…) mới có đủ sức để làm những công việc nặng nhọc của một người trưởng thành. Cũng vậy, để thực hiện những công trình tâm linh của một người trưởng thành tâm linh, ta không thể không thay đổi cách thờ phượng hay cầu nguyện được. Phải cầu nguyện «trong thần khí và sự thật» ta mới thật sự trưởng thành về tâm linh.

(Còn tiếp)