CUỘC CHUYỂN HƯỚNG CỦA THÁNH PHAOLÔ

(giaolyductin.org 03/10/11, 12:52 am)

 

Cứ nói tới thánh Phaolô, thì ai cũng nghĩ ngay tới cuộc trở lại hay còn gọi là cuộc chuyển hướng kỳ diệu của người. Đâu là nguyên nhân của cuộc chuyển hướng? Và ta phải làm gì để cũng có được một cuộc đổi đời như người?

I.   CUỘC CHUYỂN HƯỚNG CỦA THÁNH PHAOLÔ

1.   Cuộc đời của thánh Phaolô

Dựa vào sách Công Vụ và các thư của người, ta biết rằng thánh Phaolô sinh tại Tarsô, Cilicia nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ (Cv 22, 26 – 28; x. 16, 37). Tarsô là một thành phố lớn, nổi tiếng về văn hoá, khoa học và nhất là triết học, có thể cạnh tranh với AthensAlexandria[1]. Thánh nhân xuất thân từ một gia đình có truyền thống đạo đức (2 Tim 1, 3), và gắn bó với truyền thống Pharisiêu, “nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính với Lề Luật, thì chẳng ai trách vào đâu được” (Pl 3, 5 – 6).

Gia đình thánh nhân rất đạo đức, nên dù xa quê vẫn giữ luật cách nghiêm minh nên đã gửi thánh nhân lên Giêrusalem để thụ giáo với Rabbi Gamaliel[2]. Thánh nhân nói với người Do Thái: “Tôi là người Do Thái, sinh ở Tarsô, miền Cilicia, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Gamaliel, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm nhặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay” (Cv 22, 3).

Người được gửi lên Giêrusalem với hy vọng sẽ trở thành Rabbi và người rất hãnh diện về trường phái Gamaliel (Cv 22, 3; 26, 4). Theo chương trình truyền thống đào tạo Rabbi, thì 5 tuổi, cậu bé phải học Kinh Thánh; khoảng 10 tuổi phải học Mischna; 13 tuổi phải tuân giữ các qui luật; 15 tuổi phải học Talmud, cách giải thích Lề Luật[3]. Như thế, có thể thánh Phaolô đã học xong chương trình căn bản này lúc 13 hoặc 14 tuổi, và sau đó người đã được gửi lên Giêrusalem[4].

Tại Giêrusalem, thánh Phaolô đã phải:

a) Học thần học của Do Thái giáo, và những phương pháp chú giải Kinh Thánh, phải đọc qua các sách chú giải Kinh Thánh của các Rabbi tên tuổi, gọi chung là Midraschim.

b) Học cách đọc Sách Thánh, nghĩa là ngoài ý nghĩa mặt chữ, còn phải hiểu được ý nghĩa mầu nhiệm, ý nghĩa kín ẩn và các ý nghĩa biểu trưng.

c) Ngoài ra còn phải học kể chuyện, cách làm diễn văn…

Khi ở Giêrusalem, thánh Phaolô còn học thêm  nghề làm lều (Cv 18, 3), chính nhờ nghề này mà người đã có thể tự túc về mọi mặt (x. 1 Cr 4, 12), và đã không thành  gánh nặng cho người khác (1 Tx 2, 9).

Học xong, thánh nhân trở về Tarsô và lúc ấy có lẽ là lúc Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai của Người, nên thánh  nhân đã không biết Chúa Giêsu trong cuộc đời tại thế của Người[5].

2.  Phaolô là một tín đồ Do Thái giáo cuồng nhiệt đến độ bắt bớ Hội Thánh

Thánh Phaolô là một Rabbi Do Thái rất nhiệt thành, vượt xa những người cùng trang lứa, và sống công chính với lề luật đến độ vô phương trách cứ. “Trong việc giữ đạo Do thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi ; hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gl 1, 13). “Giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đen mức ngược đãi Hội thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi(Pl 3,5-7). Chính vì tha thiết với Do Thái giáo như thế nên thánh nhân đã bắt bớ Hội Thánh, đã “không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi”(Cv 22,3-5). Giết chết các tín hữu ở Giêrusalem thôi chưa đủ, ông còn muốn giết hại cả các tín hữu tại những nơi khác (Cv 9,1-2).

Hai lý do khiến thánh Phaolô bắt bớ các Kitô hữu, đó là:

- Người không thể chấp nhận một tôn giáo mới, một tôn giáo không coi lề luật của Thiên Chúa mà lại đặt một người tên là Giêsu, chịu đóng đinh và đã sống lại làm trọng tâm. Nơi thánh và Lề luật là nền tảng của nhóm Pharisiêu và Rabbi, đụng đến hai điều ấy là đụng đến chính lý tưởng của họ. Đây là điều không những không thể chấp nhận được mà còn gây gương mù, gương xấu nên thánh Phaolô thấy mình  có nhiệm vụ phải tiêu diệt gương xấu này[6].

- Thánh Phaolô muốn chứng minh sự chính thống của mình. Tuy là một Pharisiêu, nhưng người lại nói tiếng Hy Lạp và chịu ảnh hưởng  của tôn giáo ngoại đạo, nên luôn bị mọi người nghi kỵ, vì thế người đã mạnh tay bách hại các Kitô hữu gốc Hy Lạp[7].

Rất nhiều lần trong sách Công Vụ cũng như trong các thư của người, thánh Phaolô cứ nhắc đi, nhắc lại cuộc bách hại này như một bằng chứng cho thấy lòng nhiệt thành của người đối với Do Thái giáo (1 Cr 15, 9; Gl 1, 23; Cv 9, 1). Vậy cái gì đã khiến thánh Phaolô chuyển hướng?

3.  Cuộc chuyển hướng của thánh Phaolô

Chắc chắn phải có một cái gì đó rất thật, rất cụ thể, và rất lớn đã xảy ra, đảo lộn tất cả mọi nấc thang giá trị của cuộc đời thánh Phaolô, đã khiến người vứt bỏ tất cả sự nghiệp người đã chắt chiu xây dựng suốt đời, đôi khi còn xây dựng cả trên xương máu đồng loại; đã khiến người chuyển hướng hoàn toàn, như thể bỏ hàng ngũ của mình mà sang phía địch vậy. Biến cố ấy đã được thánh Luca mô tả trong (Cv 9, 1 – 18; 22, 6 – 16  và 26, 9 – 23). Đó là biến cố Chúa Giêsu phục sinh hiện ra và kêu gọi người làm tông đồ, một biến cố người mô tả là “người đã được Đức Kitô chiếm đoạt” (Pl 3, 12). Trong khi thánh Luca kể lại sự kiện với nhiều tình tiết như ánh sáng của Chúa Giêsu phục sinh đã chạm đến và hoàn toàn biến đổi người, thì các thư của thánh nhân lại chỉ nói đến thị kiến (x. 1 Cr 9, 1), đến một sự soi sáng (x. 2 Cr 4, 6), việc Chúa phục sinh hiện ra với người (x. 1 Cr 15, 8) và nhất là một mạc khải và một ơn gọi tông đồ (Gl 1, 15 – 16)[8].

Việc Chúa phục sinh hiện ra cho thánh Phaolô được giải thích bằng hai cách khác nhau:

- Nhóm thứ nhất theo thuyết duy lý, phủ nhận mọi khả năng siêu nhiên, và sự can thiệp có tính quan phòng của Thiên Chúa, coi việc chuyển hướng và giáo lý của thánh Phaolô chỉ là một quá trình biến đổi nội tâm lâu dài. Họ cho rằng thánh Phaolô đã trở thành một Kitô hữu từ lâu, trước cả thị kiến tại Damas, nên đã coi sự chuyển hướng ấy chỉ là một quá trình tự nhiên diễn ra nơi người.

- Trái với nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai chấp nhận tất cả những gì Tân Ước viết, coi sự chuyển hướng của thánh Phaolô là một “mạc khải của Thiên Chúa cho người” (1 Cr 2, 10), là một hồng ân cao cả (x. 2 Cr 12, 2 -4) để người “làm chứng cho Chúa phục sinh” (Cv 23, 11). Thánh Phaolô không ngần ngại nói về biến cố ấy như sau: “Thiên Chúa đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1,15-16)[9].

Bất kể người ta có giải thích thế nào đi nữa, thì thị kiến trên đường Damas đã biến đổi tất cả quan niệm của thánh Phaolô về Thiên Chúa, về Đức Kitô, về ơn cứu độ, đã hoàn toàn biến đổi cả cuộc sống của người.

Có lẽ nhận thức đầu tiên của Người chính là Thiên Chúa không chỉ yêu thương, tha thứ cho kẻ tội lỗi mà còn là một Thiên Chúa biến thù thành bạn. “Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta… nếu khi chúng ta còn là thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cho Con của Người phải chết để ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy…”(Rm 5, 6 -11).

Đây không phải là một ân sủng dành riêng cho người thôi, mà cho mọi người. “Đây là lời đáng tin, đáng nhận mọi đàng, là Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi mà người thứ nhất là tôi. Sở dĩ tôi được xót thương như thế là vì Thiên Chúa muốn đưa tôi ra làm gương cho tất cả những ai tin vào Người” (1 Tim 15, - 16).

4. Các giá trị mới theo quan điểm của thánh Phaolô

Thiên Chúa không còn tiếc gì ta nữa: Thiên Chúa chỉ có một người con duy nhất và đã phó nộp cho ta, thì Thiên Chúa còn tiếc gì ta nữa và còn gì trên trần gian này có thể tách ta ra khỏi Thiên Chúa được nữa. “Nếu Thiên Chúa phò ta, ai sẽ chống lại ta? Người đã không tha cho chính Con Một, nhưng đã phó nộp vì chúng ta hết thảy…” nên “Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mên của Thiên Chúa trong Đức Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 31 – 39).

Từ biến cố quan trọng trên, thánh Phaolô đã thiết lập một nấc thang giá trị mới.

- Giá trị tuyệt đối và cũng là cùng đích của cuộc sống con người từ nay không phải là Do Thái hay Hy Lạp, cắt bì hay không cắt bì mà là được ở với Đức Kitô, và ở trong Đức Kitô. “Tôi coi tất cả là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của tôi… được ở trong Người, … được nên đồng hình, đồng dạng với cái chết của Người với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết…” (Pl 3, 5 – 14).

-  Sống, chết bây giờ cũng còn không quan trọng nữa, vì với người, “Sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi. Tôi hăm hở muốn chết để được ở với Đức Kitô” (Pl 1, 20), “tôi cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 19 – 20).

- Chỉ mình Đức Kitô là quan trọng: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá.”(1 Cr 2,2 ).

- Vui mừng được chịu khổ vì Đức Kitô: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi muốn mang vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24; 2 Tim 2, 9). Người lại còn “cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô” (2 Cr 12, 10).

Như thế, với tất cả những thay đổi đột ngột này nơi thánh Phaolô, ta phải khẳng định rằng chắc chắn thánh Phaolô đã gặp, đã có kinh nghiệm về Chúa phục sinh. Chính kinh nghiệm nghiệm này chứ không phải cái gì khác đã khiến người “hăm hở muốn chết để được ở với Đức Kitô” (Pl 1, 20), đã khiến người trở thành một con người khác hẳn.

Tất cả chúng ta với tư cách là Kitô hữu, ta cũng muốn thuộc hẳn về Đức Kitô như Phaolô, vậy ta phải làm gì ?

II.  TA PHẢI LÀM GÌ?

Để được thuộc hẳn về Chúa Giêsu, ta cần:

1. Có được một kinh nghiệm sống động về Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đang sống với ta và trong ta.

2. Kinh nghiệm này luôn phát xuất từ việc đọc Kinh Thánh. Rất nhiều người Công Giáo đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện, tham dự các bí tích, nhưng tất cả những việc ấy không để lại gì nơi họ. Lý do chính là vì họ không quan tâm tới Lời Chúa. Nên cần nghe, nhớ, cầu nguyện và sống Lời Chúa.

3. Để sống lời Chúa, mỗi ngày ta nên đọc một đoạn Lời Chúa; mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chú ý lắng nghe các bài đọc, nhớ lấy một câu nào đó, về nhắc đi, nhắc lại với mình, sống và cầu nguyện với câu Lời Chúa ấy.

Sống được như thế, chắc chắn ta sẽ có kinh nghiệm về Chúa phục sinh và chính Người sẽ biến đổi ta.

Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR.


[1]Ibid., tr. 122.

[2]Gamaliel là một Rabbi nổi tiếng. Ông biết tiếng Hy Lạp và yêu cầu đệ tử của ông cũng phải học tiếng văn minh này, nên thất khó có thể bảo rằng ông nghi kỵ người ngoại quốc.

[3]Charles, The Apocrypha and Pseudepigrapha of The Old Testament, Oxford 1913 tập II, tr. 710.

[4]Hội Đồng giám mục Đức, Tài Liệu Học Hỏi về Thánh Phaolô, bản dịch của linh mục Augustinô Nguyễn Văn Trinh, nhà xuất bản tôn giáo 2008, tr. 128.

[5]Ibid., 129.

[6]Benedictô XVI, Bài Nói Chuyện trong buổi triều yết ngày 25. 10. 2006.

[7]Ibid., 137.

[8]Benedictô XVI, ngày 25. 10. 2006

[9]Ibid., 143 – 144.