“Discreta Caritas” – Đức ái có nhận định

(dongten.net) 24/08/2012

“DISCRETA CARITAS” (ĐỨC ÁI CÓ NHẬN ĐỊNH) [Peter-Hans Kolvenbach S.J. “Discreta Caritas” in Review of Ignatian Spirituality, XXXVII,3. 2006. N.113, pp 9-21].

Trong cuốn Linh Thao, thánh I-nhã đã phác họa ra một con đường giúp đạt đến tình yêu. Trong bản Hiến pháp, ngài mời gọi những người được tình yêu thôi thúc, hãy dấn thân sống tình yêu ấy bằng một sứ vụ tông đồ, hoàn toàn do đức ái tinh tuyền nhất dành cho Thiên Chúa và tha nhân thúc đẩy. Tuy nhiên, ngay trong Linh Thao, thánh I-nhã cũng đã lưu ý rằng thứ tình yêu ấy có thể mang tính cách vị kỷ và thế tục. Ngay cả khi đó là thứ tình yêu dành cho Thiên Chúa đi nữa, thì chúng ta đều rất dễ có nguy cơ chỉ dừng lại ở mức độ từ ngữ mà thôi. Vì vậy, bản Hiến pháp cũng dạy ta một cách nhận định hầu gột sạch khỏi tình yêu của chúng ta mọi quyến luyến lệch lạc, mọi cường điệu thái quá, hay mọi thái độ hấp tấp, thiếu suy xét. Lý do đòi hỏi thứ đức ái này “phải luôn được nhận định,” dĩ nhiên không phải vì muốn giới hạn mức độ nồng nhiệt của nó. Đức ái này vẫn phải luôn có tính cách vô giới hạn; nó giả thiết ta phải dâng hiến trọn vẹn con người mình – “hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và trí khôn” (Lc 10,27). Và nếu ta học được cách phân biệt cho rõ mọi loại thần khác nhau (spirits) hằng bám sát chúng ta trong bước đường hướng đến việc phụng sự Thiên Chúa trong “tình yêu tinh tuyền,” thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt đến tình trạng có thể sống chỉ dưới ảnh hưởng của thứ lề luật nội tâm. Đó là luật của bác ái và yêu thương; luật mà Thần Khí viết và khắc sâu trong các tâm hồn. Lấy các thuật ngữ được dùng trong bản Hiến pháp làm khởi điểm chính yếu, bài viết này cố gắng nêu bật và làm sáng tỏ hơn đặc tính hết sức tiêu biểu này của linh đạo I-nhã.

Phạm vi ngữ nghĩa của thuật ngữ discreta caritas xoay quanh các từ như: discernir, discreción, di­s­­cr­e­tio. Động từ “nhận định” (discern) ngày nay có vẻ rất phổ biến, chỉ xuất hiện ba lần trong bản Hiến pháp. Và chỉ có một lần duy nhất (ở số 729), bản văn này dùng cụm từ ‘nhận định các loại thần khác nhau.’ Bề trên Cả Dòng Tên nhất thiết phải là người luôn tìm tòi học hỏi (a man of learning), bởi vì ngài có nhiệm vụ phải lãnh đạo một đoàn ngũ đông đảo những người có học thức. Còn cần thiết hơn nữa, ngài phải là con người có tính thận trọng, giàu kinh nghiệm về các vấn đề thiêng liêng để có thể phân biệt (dis­cri­mi­nate) rõ các loại thần khác nhau và đưa ra chỉ dẫn cho một đoàn ngũ đông đảo những con người đang có các nhu cầu thiêng liêng khác nhau. Bởi vì sẽ phải gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều hạng người khác nhau – ở trong nội bộ cũng như bên ngoài dòng Tên – và sẽ phải đối diện với vô số các loại vấn đề khác nhau (chứ không chỉ các vấn đề thuộc phương diện thiêng liêng mà thôi), nên ngài cần phải có khả năng discreción – tức là khả năng nhận định (dis­ce­r­­n­ment) hay phân biệt (discrimination). Mối liên kết ấy – giữa khả năng nhận định và tính thận trọng – được đề cập đến, khi có một vấn đề cần được giải quyết liên quan đến việc thu nhận một ứng viên tuy đang gặp ngăn trở nghiêm trọng, nhưng lại có những khả năng trổi vượt. Trong trường hợp đó, xử lý thế nào ‘là tùy nơi discreción của người có thẩm quyền thu nhận.’ Một vấn đề khác – liên quan đến việc nhận định/ discréción của người thu nhận người vào Dòng – đó là trường hợp đã quyết định thu nhận các học viên mà trước đó đã không thận trọng cân nhắc cho kỹ lưỡng. Bản văn nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có một sự hiểu biết đầy đủ để có thể nhận định xác đáng hơn về vấn đề là liệu việc quyết định giữ lại những học viên thuộc trường hợp nêu trên có phù hợp với mục đích “ngợi khen và làm sáng danh Thiên Chúa và Chúa chúng ta hơn” hay không. Ba trường hợp bản Hiến pháp dùng đến từ discernir (nhận định) – như vừa đề cập đến trên đây – cho thấy rõ ràng là hoạt động nhận định không bị gói gọn vào việc phân biệt các thúc đẩy nội tâm khác nhau như được mô tả trong cuốn Linh Thao; đúng ra mà nói, hoạt động nhận định có tính cách mở rộng bao quát đến bất kỳ một hoàn cảnh sống nào của con người, vào bất cứ khi nào một tình trạng khác biệt nào đó xuất hiện và đặt ra những phương án lựa chọn liên quan đến những gì góp phần vào việc làm sáng danh Thiên Chúa hơn. Thái độ thận trọng (prudence) được coi là tiêu chuẩn cốt yếu trong hoạt động nhận định, cốt yếu hơn cả đức ái nữa. Thiếu thận trọng, thì đức ái sẽ chỉ là caritas indiscreta – tức, đức ái thiếu nhận định – mà thôi.

Từ discreción được dùng đến bốn mươi lần trong bản Hiến pháp. Trong một nửa số lần đó, bản văn dùng từ này để đề cập đến hoạt động nhận định của người bề trên, coi đó như là yếu tố quan trọng trước hết trong trách nhiệm của ngài. Việc quyết định phải làm điều này hay điều kia như thế nào, chủ yếu tùy thuộc vào sự nhận định của “người có trách nhiệm trên những người khác.” Bản Hiến pháp không gán quyền nhận định cho những người khác ngoài các bề trên, mặc dù một cách thoáng qua, bản văn có đề cập rằng “đối với những việc phải làm,” người ứng sinh dòng Tên cần có “khả năng discreción, hoặc chứng tỏ có óc phán đoán tốt là nền tảng để đạt đến khả năng này.” Cả đến khái niệm về dạng hoạt động nhận định tập thể – tức nhận định cộng đoàn – cũng hoàn toàn không thấy được đề cập trong bản Hiến pháp.

Bản Hiến pháp nêu bật hết sức rõ ràng sự cần thiết của hoạt động nhận định trong các quyết định liên quan đến nơi chốn, thời gian, và con người.” Cả trong những lãnh vực như việc hoạch định thời gian biểu ngủ nghỉ chẳng hạn, “không thể có một qui định chi ly được”, bởi vì mỗi người mỗi tâm tính khác nhau. Bởi thế, bản Hiến pháp để rộng đường cho discreción của các vị Bề trên trong việc quyết định rút ngắn hay kéo dài khoảng thời gian ngủ nghỉ của người dưới quyền. Cũng trong một ngữ cảnh tương tự, bản văn dùng từ prudencia (thận trọng) thay cho từ discreción. Ở một đoạn văn then chốt – trong đó đề ra những chỉ dẫn, cho hết thảy mọi người đang thi hành sứ vụ trong Dòng, về cung cách “liên kết cộng tác với vô số những con người khác nhau ở khắp mọi miền,” cũng như về việc tận dụng mọi phương tiện có thể được nhằm phụng sự Thiên Chúa cho hữu hiệu hơn – thánh I-nhã đã nhấn mạnh rằng cung cách hành xử (comportment) này “chỉ có thể đạt được nhờ tác động xức dầu của Thánh Thần và nhờ sự khôn ngoan mà Thiên Chúa thông ban cho những ai tin cậy vào Quyền Năng Chí Tôn của Người.” Đề cập đến một người làm việc (worker) đặc biệt quan trọng trong Dòng, tức bề trên cả, bản Hiến pháp đòi hỏi vị này phải để ý trông coi việc tuân giữ các khoản hiến luật này “trong khi vẫn xét đến bối cảnh con người, nơi chốn, thời gian, cùng những hoàn cảnh khác.” Ngài sẽ thực thi bổn phận này với khả năng discreción mà Đấng là Ánh sáng Vĩnh cửu sẽ trao ban cho ngài.

Phiên dịch từ discreción là “thận trọng” (prudence) thay vì “nhận định” (discernment) không phải là sai. Đây là cách dịch đã có ngay từ thuở ban đầu. Ở một đôi chỗ, danh từ discreción trong tiếng Tây Ban nha được dịch bằng từ prudentia trong bản dịch chính thức bằng tiếng Latinh. Bởi đó, không có gì là lạ khi song song với thuật ngữ discreta caritasđức ái có nhận định – bản Hiến pháp còn dùng đến thuật ngữ prudenta caritasđức ái có thận trọng – khi bàn về thái độ hành xử mà bề trên cả phải có trong trường hợp ngài ra việc đền tội, dựa theo những bối cảnh về con người và theo các hoàn cảnh khác, nhưng bao giờ thì cũng luôn nhắm đến mục đích làm sáng danh Thiên Chúa. Có những chỗ ta chờ gặp từ discreción thì lại thấy thánh I-nhã dùng từ prudencia . Chẳng hạn, khi đề cập đến vấn đề lựa chọn các giáo sư giảng dạy, thì bản văn nói rõ là sự thận trọng (prudence) là yếu tố quyết định vấn đề– dựa vào những hoàn cảnh về nơi chốn và con người, và với cái nhìn hướng đến việc phụng sự Thiên Chúa cho hữu hiệu hơn –. Soạn thảo bản Hiến pháp, thánh I-nhã không nhắm đến việc cho ra đời một cuốn cẩm nang về linh đạo với một thứ luận thuyết nhất quán được xây dựng trên những khái niệm rành mạch và từ ngữ chính xác. Đúng hơn, ngài đã khai thác tính cách đa nghĩa của một số thuật ngữ nhất định để có thể vạch ra một con đường tiến về phía Thiên Chúa, ngang qua hết mọi cảnh huống phức tạp của cuộc nhân sinh vốn đòi hỏi con người phải tự mình chọn lựa, quyết định, phán đoán. Từ discreción vẫn tiếp tục mang lấy ý nghĩa chỉ về mọi hoạt động liên quan đến việc nhận định thần loại; và như thế, discreta caritas – đức ái có nhận định – là dạng đức ái có thể giúp “điểm mặt” được các loại “thần” đang tác động trên chúng ta: điều tốt và điều xấu, điều ít tốt và điều tốt hơn, tình yêu hướng về lợi lộc của bản thân (amour-propre, lòng tự ái) và vinh quang cả sáng hơn của Thiên Chúa. Ý nghĩa đặc thù ấy của từ discreción làm nên – hoặc đúng hơn, xác nhận cho thấy – mối dây liên kết giữa hai bản văn là Linh thaoHiến pháp. Chính sự đề cập đến hoạt động nhận định, khiến cho bản Hiến pháp được coi như là bản văn diễn dịch có tính định chế (institutional translation) của bản Linh Thao. Trong tiến trình nhận định như thế, đo lường (measuring) là một yếu tố đặc trưng quan trọng. Trong một tiến trình nhận định, đương sự dĩ nhiên cần phải đo lường khả năng và năng lực của bản thân mình, hay là của những người khác. Bản Hiến pháp đề ra quy định không được kéo dài thời gian thể thao, “vượt quá chừng mực theo sự nhận định (discreción).” Nhận định ra được hướng đi đúng đắn thường đồng nghĩa với việc tìm được điểm trung dung vàng ngọc – sự chừng mực – ở giữa các thái cực khác nhau. Ta có thể thấy khía cạnh này của discreta caritas ở một đoạn viết gây tranh cãi trong bản Hiến pháp. Trong phần thứ sáu, chương thứ ba đã trình bày cho các thành viên trong Dòng những công việc họ nên làm và những công việc họ phải tránh xa. Không được để các cá nhân tùy sở thích lựa chọn sắp đặt về thời giờ dành cho việc cầu nguyện, học tập, và đền tội. Sự sắp đặt các giờ giấc đó phải thích ứng với mỗi người tuỳ theo hoàn cảnh và nhu cầu cá nhân của họ dưới sự hướng dẫn của bề trên, phù hợp với tinh thần discreta caritas mà chính thánh I-nhã đã giải thích cách minh bạch. Bởi tiêu đích mà thánh I-nhã nhằm đến qua tinh thần discreta caritas chính là một tình trạng quân bình: không nên có sự thái quá để làm suy giảm sức lực của người tông đồ và làm mất đi nghị lực để dấn thân phục vụ tha nhân; đồng thời phải làm sao vừa giữ cho nhiệt huyết trong tâm hồn không nguội đi, vừa ngăn những đam mê thấp hèn của con người đừng sôi dậy. Discreta caritas là vấn đề trạng thái trung dung vàng ngọc: một sự chừng mực thích hợp giữa sự nhiệt thành quá mức và sự trở nên nguội lạnh trong đời sống của một người tông đồ, và – cũng thế – một sự chừng mực giữa một lối sống theo sở thích cá nhân và một quy luật có tính cách bắt buộc đối với tất cả mọi người, bởi chẳng thể nào đưa ra được những quy định cụ thể tương hợp với mọi mức độ của khả năng thể lý và hết mọi công việc chung có liên quan đến bác ái và vâng phục. Trong khi mạnh mẽ xác quyết về nhu cầu phải có một tinh thần discreta caritas nhằm tìm ra con đường thích hợp giúp tiến về với Thiên Chúa qua công tác phục vụ tha nhân, thánh I-nhã đã giả thiết là phải có một mức độ trưởng thành thiêng liêng nào đó. Rõ ràng là Ngài chỉ nói về quy tắc discreta caritas với những Giêsu hữu đã trưởng thành về mặt thiêng liêng, và đã tiến bộ đủ trên con đường bước theo Đức Kitô đến mức có thể chạy được trên con đường đó.

Như thế, thánh I-nhã đã không nói với những ai vẫn còn đang ở trong quá trình thụ huấn khi ngài tiên liệu khả năng thực tế là một người có thể đạt tới một tầm mức trưởng thành thiêng liêng, đến độ không còn cần phải truyền dạy người ấy một quy tắc nào khác ngoài quy tắc do chính đức ái có nhận định chỉ dạy. Và ngay cả đối với những người đã hoàn tất quá trình thụ huấn xét theo luật Dòng, vẫn cần phải áp dụng lưu ý sau của Tổng hội 31: “chúng ta vẫn là những tội nhân, và đối với chúng ta, quá trình tiến lên trên con đường bước theo Đức Kitô vẫn là một cuộc hoán cải liên tục.” Như thế, vị bề trên có thể sẽ phải đặt ra quy định về thời gian cầu nguyện cho một số người nào đó – ở đây, thánh I-nhã không phân biệt những Giêsu hữu đã thụ huấn xong với những người còn đang ở trong quá trình thụ huấn – nếu thấy rằng đó là điều cần thiết nhằm giúp họ loại bỏ được tình trạng thực hành các việc thiêng liêng ở mức độ quá nhiều hay quá ít.

Trong lịch sử Dòng Tên, nhất là trên phương diện đời sống cầu nguyện của cá nhân và cộng đoàn, không thiếu những trường hợp có Giêsu hữu nại quy tắc discreta caritas làm cơ sở để gạt bỏ mọi quy định; họ cho rằng quy định là đi ngược lại với đặc sủng I-nhã. Đặc biệt là vào thế kỷ thứ mười sáu, các vị bề trên cả đã không ngần ngại ban hành các quy định về cách thức và thời gian cầu nguyện, áp dụng cho toàn Dòng, chính là nhằm tránh tình trạng thái quá hoặc bất cập trong sinh hoạt cầu nguyện. Trong bản Hiến pháp, thánh I-nhã đã không loại trừ khả năng hành động như thế trong những trường hợp xét thấy là thích đáng; tuy nhiên, mặc dù như thế, ngài cũng đã mở ra chân trời của một thứ discreta caritas mà không quyền bính nào trong Dòng sẽ bãi bỏ hoặc thay đổi. Nhờ đó mà Tổng hội 31 (1965-1966), trong một sắc lệnh về cầu nguyện, đã có thể tuyên bố rằng mình không muốn áp đặt lên mọi người một luật phổ quát về hình thức và thời gian cầu nguyện. Tổng hội 31 đã để tâm lưu ý đến sự thay đổi về nhận thức của người thời nay, tuy vẫn quả quyết nhấn mạnh đến tính cách tuyệt đối cần thiết của đời sống cầu nguyện cá nhân. Quy tắc về một giờ cầu nguyện phải được áp dụng cách mềm dẻo với từng người, tuỳ theo hoàn cảnh và nhu cầu của họ, dưới sự hướng dẫn của bề trên và phải phù hợp với quy tắc discreta caritas mà chính thánh I-nhã đã vạch ra cách minh bạch trong bản Hiến pháp. Qua mấy thế kỷ, tuy chưa bao giờ bị gạt bỏ hay lên án, discreta caritas đã từng bị coi như là một lý tưởng không thể đạt tới của linh đạo I-nhã, và đôi khi cũng bị coi như chỉ làm cớ chữa mình cho những con người có lối sống tự do thái quá và vô trách nhiệm. Tổng hội 31 đã phác họa discreta caritas như là một nét đặc trưng nổi bật của linh đạo I-nhã, một sự kết hợp hài hoà giữa tình yêu và lý trí, giữa lòng nhiệt thành và thái độ thận trọng, giữa tình trạng tự do thiêng liêng và mọi quy định cần thiết. Tổng hội đã quyết định giữ nguyên thuật ngữ Latinh discreta caritas để không làm mất đi ý nghĩa phong phú và đa năng của nó qua những cách dịch khác nhau vốn không biểu đạt được trọn vẹn ý nghĩa của lý tưởng thiêng liêng này. Những cách dịch đó có thể là: “đức ái sáng suốt” (en­ligh­­­tened charity), “đức ái thận trọng” (prudent charity), “đức ái chừng mực” (moderated charity), hay “đức ái có hiểu biết” (intelligent charity). Tương tự như thế, cả cách dịch được coi là rõ nghĩa và chuẩn xác như “đức ái thận trọng,” (discreet charity) cũng có xu hướng giảm thiểu ý nghĩa của discreta caritas thành mối bận tâm làm sao tránh được những nguy hiểm và, trên hết, những nguy cơ rủi ro. Quả là discreta caritas có bao hàm sự chừng mực, việc tránh thái quá và bất cập, việc duy trì sự trung dung giữa các thái cực khác nhau. Tuy nhiên, điều này không mâu thuẫn với tinh thần magis của thánh I-nhã, hay với bậc khiêm nhường thứ ba, theo đó, “tôi ước ao bị coi là dại dột và điên rồ vì Chúa Kitô, Đấng đã bị coi như thế trước, hơn là được coi như người khôn ngoan và cẩn trọng ở thế gian này.” Chính đức ái thúc đẩy niềm khao khát này của Kitô giáo. Discreción ở đó không nhằm để hãm đà của đức ái, hay để làm cho nó nhạy bén hơn, nhưng là để đặt niềm khao khát này vào trong thánh ý Chúa, vì tôi phải được Chúa chọn “để tôi có thể noi gương và phụng sự Chúa hơn, nếu vì thế mà Danh Chúa chí tôn được cả sáng hơn.” Caritas được coi như là hoa trái của hoạt động phân biệt thần loại.

Thế hệ các Giêsu hữu đầu tiên đã có xu hướng thiên về việc thực hành các hoạt động khổ chế và sám hối, các hình thức đạo đức và cầu nguyện lâu giờ. Điều này đã khiến thánh I-nhã phải tiết chế lại lòng nhiệt thành quá mức của các anh em mình; và do đó, ngài đã mặc cho discreta caritas một ý nghĩa phụ là sự quân bình, không đi quá đà “đến chỗ khắc khổ thái quá hoặc đến chỗ buông thả quá mức.” Tuy nhiên, trong công tác huấn luyện học viên, luôn với một tinh thần nhận định, Viện trưởng phải phán đoán xem từng học viên phải được chỉ định làm gì để đạt đến mức “hơn” trong các việc thiêng liêng của họ. Nhằm có khả năng giúp ích nhiều hơn cho tha nhân mình trong tương lai, các học viên được đòi hỏi phải tìm cách xa tránh bất kỳ điều gì gây trở ngại và làm xao nhãng tinh thần học tập, chẳng hạn như các thực hành đạo đức và khổ chế. Các việc đạo đức và khổ chế này, học viên sẽ phải làm với một lòng ao ước không ngừng lớn dần lên, nhắm đến việc phụng sự và làm vinh danh Thiên Chúa, nhưng “ người có trách nhiệm chính phải cân nhắc, với discreción, xem học viên nên làm tới mức nào.” Một điều có ý nghĩa là khi ra khỏi mục bàn về huấn luyện, bản Hiến pháp ít sử dụng từ discreción hơn. Việc huấn luyện được trình bày như là một tiến trình học hỏi nghiêm túc, nhằm tới việc thủ đắc được tinh thần discreta caritas.

Đến đây, bài khảo luận này đã trình bày về discreta caritas trong bối cảnh đời sống cá nhân của các Giêsu hữu. Tuy nhiên, bản Hiến pháp dùng đến thuật ngữ này hai lần khi bàn đến vấn đề sa thải người ra khỏi Dòng. Chính trong tinh thần discreta caritas mà vị bề trên cần phải thận trọng cân nhắc trước mặt Chúa những lý do của việc thải hồi. Một tinh thần discreta caritas được vận dụng thích hợp, sẽ giúp đề ra được những biện pháp cần thực hiện nhằm giải quyết trường hợp những người muốn rời bỏ nhà Dòng để đi vào một dòng tu khác. Khi đề ra những phẩm tính mà vị bề trên cả cần phải có, bản Hiến pháp coi khả năng nhận định là “cực kỳ cần thiết” trong các vấn đề bên ngoài, trong cách thức tiếp cận và xử lý các vấn đề hết sức đa dạng, cũng như trong cung cách liên hệ với rất nhiều loại người khác nhau, cả bên trong lẫn bên ngoài Dòng. Cũng thế, khi có ai đó mong muốn đảm nhiệm các “công tác bác ái phần xác,” thì vị bề trên phải dùng đến discreción của mình mà định đoạt những gì cần được ưu tiên – với giả định rằng những việc thiêng liêng thì “quan trọng hơn”; và trong khi tiến hành việc nhận định như thế, thì vị bề trên “sẽ luôn hướng cái nhìn của mình về mục đích phụng sự Thiên Chúa nhiều hơn, cũng như về ích lợi phổ cập,” coi đó như thước đo giúp đánh giá xem “nên làm những việc đó tới mức nào.” Hoạt động nhận định như thế cũng được áp dụng để xem xét việc đảm nhiệm các “công tác bác ái” tuy không thuộc lãnh vực của Dòng nhưng lại có tầm quan trọng đối với vịêc phụng sự Thiên Chúa. Chính tinh thần discreción sẽ dạy chúng ta biết nên chọn điều gì. Và tất nhiên, chúng ta thường thấy thánh I-nhã nhắc đến tinh thần discreta caritas trong các thư của ngài. Một trong rất nhiều thí dụ điển hình là trường hợp thánh I-nhã đã viết một bức thư khá dài (20.02.1555), đề ra những chỉ dẫn định hướng cơ bản về sứ vụ truyền giáo tại Ethiopia, một sứ vụ tông đồ mà ngài thiết tha yêu mến. Bởi vì không nắm rõ hoàn cảnh thực tế ở đó, nên thánh I-nhã nhấn mạnh rằng các chỉ dẫn ngài đưa ra chỉ là những lời khuyên gợi ý mà thôi, và rằng cha Nunes Barreto đừng nên buộc mình phải nhất nhất tuân theo các chỉ dẫn đó: “đúng hơn, với ý thức về hoàn cảnh thực tế, [cha Nunes Barreto] cần tuân theo những gì mà discreta caritas và tác động xức dầu của Chúa Thánh Thần – Đấng phải được coi là người hướng dẫn chính yếu cho cha trong mọi sự – sẽ chỉ dạy” Mối liên kết nêu ở đây, giữa discreta caritas và tác động xức dầu của Thần Khí, tuy cũng xuất hiện trong bản Hiến pháp, nhưng ít gặp hơn. Thánh I-nhã ý thức rất rõ rằng “những sứ vụ viên của Dòng” sẽ phải đối diện với những hoàn cảnh bất ngờ và không thể lường trước. Đương nhiên, ít nhất thì ngài cũng có thể đưa ra một số lời khuyên về cách hành động trong một lãnh vực hoạt động tông đồ hoàn toàn mới mẻ; tuy vậy, mục đích thánh I-nhã nhắm đến khi đưa ra những lời khuyên như thế, là để giúp chúng ta biết lưu tâm lắng nghe những điều mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể chỉ dạy, dựa vào khả năng prudencia mà Thiên Chúa thường ban cho những ai đặt lòng tin cậy vào Quyền Năng Chí Tôn của Người.

Trong các thư liên quan tới các bối cảnh tông đồ mà khó có thể đoán trước hoặc tiên lượng về những gì phải làm hay phải chọn, khi thánh I-nhã nhắc tới discreta caritas là Ngài liên kết chặt chẽ giữa một bên là tác động xức dầu của Thần Khí, Đấng chỉ dạy mọi điều (x. 1Ga 2:27), với bên kia là hoạt động nhận định hay thái độ thận trọng. Khi ngỏ lời với các bạn đồng hành được gửi đi vào sứ vụ (ngày 08.10.1552), thánh I-nhã nói rằng tinh thần nhận định vượt khỏi mọi quy luật, bởi vì có nhiều hoàn cảnh khác nhau cả về thời gian, nơi chốn lẫn con người. Do đó, các anh em này cần phải để tác động xức dầu của Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình. Nhờ chú tâm suy tư và quan sát, họ có thể học được cách hành động trong sự liên kết phối hợp với tác động xức dầu ấy. Ở đây, chính thuật ngữ discreta caritas không được nêu lên, nhưng nội dung lại được phác họa một cách đầy đủ. Cũng có thể thấy được điều này trong bức thư mà Juan de Polanco đã nhân danh thánh I-nhã viết cho viện trưởng trường đại học Coimbra (01.06.1551). Thánh I-nhã thừa nhận rằng ngài không ở vị trí có thể đưa ra các phương châm hành động để giúp vị viện trưởng kia trong công tác quản trị, hay để xử lý cách chi tiết các vấn đề. “Trái lại, vị thầy hướng dẫn anh sẽ là Chúa Thánh Thần, Đấng dùng tác động xức dầu của mình mà chỉ dạy về hết thảy mọi điều cho những ai sẵn lòng đón nhận ánh sáng thánh thiêng của Người, và đặc biệt là về những phận sự mà mỗi người phải làm do trách nhiệm của mình đòi hỏi.” Trong một bức thư Juan de Polanco biên soạn để gửi cho Arnold van Hus (25.05.1551), tuy thuật ngữ discreta caritas không được nhắc đến nhưng một số nét đặc trưng của nó lại được mô tả rõ ràng. Huấn thị này nhắm đến một số Giêsu hữu đang bị một thứ “đức ái chân thành” (sincere charity) thôi thúc, dấn mình vào những thực hành khổ chế thái quá gây tổn hại đến sức khỏe và nhiệt tâm tông đồ của họ. Vì lẽ đó, họ cần “suy xét trong Chúa” điều cần làm, để đức ái này được hướng dẫn và được điều tiết bởi nhận định. Một trong hai Giêsu hữu được đề cập đến ở đây gặp phải một vấn đề trong việc học hành. “Đức ái và tác động xức dầu của Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn người này” cách giải quyết nỗi khó khăn ấy. Ở phần kết bức thư gửi đến Adrian Adrianenssens (12.05.1556) – với nội dung đề ra một số chỉ dẫn về việc chăm sóc các bệnh nhân trong cộng đồng người nghèo ở Leuven – chính thánh I-nhã đã tóm tắt cách ngài thực hành discreta caritas như sau: “tất cả những gì được nói ở trên chỉ là những hướng dẫn tổng quát. Chính sự nhận định mới có thể đi vào các vấn đề chi tiết, và phân biệt được đâu là điều thích hợp, sau khi xem xét các hoàn cảnh.”

Những gì nêu lên ở đây, liên quan đến thư từ của thánh I-nhã, là điều quan trọng cần lưu ý. Trong bản Hiến pháp, thỉnh thoảng lại có sự trượt nghĩa của từ discreción để chỉ còn nghĩa là sự kín đáo hay cẩn trọng; và điều này có thể làm cho nhiều người nghĩ rằng discreción chỉ có nghĩa là “biết suy xét theo lẽ thường” (com­mon sense), “có óc thực tế” (savoir fai­re), hoặc một khả năng phán đoán tốt, giữ được sự trung dung vàng ngọc, không thái quá cũng không bất cập. Nói cho cùng thì chẳng phải thánh I-nhã được nhìn nhận là một bậc thầy về nhận định, theo nghĩa là một tấm gương về khả năng tự chủ và quân bình hoàn hảo đó sao? Tuy nhiên, cách hiểu như thế về discreción lại bỏ sót một yếu tố quan trọng trong tinh thần discreta caritas: luật nội tâm của đức ái và của tình yêu Chúa mà Chúa Thánh Thần hằng ghi khắc trong các tâm hồn. Yếu tố này biến đổi sự phán đoán hợp lẽ trong hoạt động nhận định thành một con đường tình yêu hướng về Thiên Chúa. Chính vì thế mà hoạt động nhận định mới là thánh thiêng, và là một ân huệ của Đấng là Ánh sáng vĩnh cửu. Những ai gia nhập Dòng Tên, cần phải gác bỏ một bên “tất cả những gì là cảm tính thuần túy tự nhiên” và phải nhận định để làm sao biến đổi mọi tình cảm con người tự nhiên của mình thành lòng mến thiêng liêng, và phải làm sao để yêu mến những người thân thiết với mình chỉ với tình yêu theo đòi hỏi của đức ái có trật tự – một thứ đức ái cốt ở thái độ chết đi đối với thế gian và đối với tình yêu vị kỷ, để chỉ còn sống cho Đức Kitô Chúa chúng ta, Đấng thế chỗ cha mẹ, bạn bè và mọi sự đối với họ. Để làm sáng tỏ ý nghĩa của hình ảnh (kim của bàn cân) mà chính thánh I-nhã đề nghị trong cuốn Linh thao, discreción là tìm kiếm con đường thích hợp phải đi giữa những ao ước và những sợ hãi, giữa những gì có thể làm được và những gì không thể làm được, giữa những khả năng và các giới hạn, giữa thần tốt và thần xấu. Việc ấy đòi phải biết để tâm cân nhắc các bối cảnh con người, thời gian, nơi chốn và các hoàn cảnh khác. Và tất cả những điều này cốt nhắm đạt tới một tình trạng cân bằng, như chiếc kim trỏ vào vị trí chính giữa bàn cân, mọi sự đều được sắp đặt đâu vào đó để sẵn sàng đón nhận sự can thiệp của “đức ái,” hầu nhờ đó một người có thể theo đuổi, với tinh thần discreta caritas, những gì mình cảm thấy là thích hợp hơn cho việc tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa Chúa chúng ta. Người đó sẽ trở nên “bình tâm,” theo nghĩa của thánh I-nhã, trong một hoạt động nhận định vốn giả thiết phải có một thái độ thực sự tự do cũng như một mối thân tình đích thực với Thiên Chúa, để rồi chính Thiên Chúa là Đấng giúp họ phân biệt các khả thể khi phải chọn lựa trong các tình huống cụ thể của thực trạng cuộc sống ngày hôm nay.

Thánh Phanxicô Xaviê cũng đã phải đưa ra những quyết định lựa chọn thuộc dạng này. Trong các thư từ của mình, mặc dù không nhắc đến thuật ngữ discreta caritas, nhưng ngài cho thấy là đã sống trọn vẹn tinh thần này. Ngài đã đưa ra một quyết định quan trọng là rời bỏ Ấn độ để chuyển đến Nhật bản; và ngài đã trình bày về quyết định này trong bức thư đề ngày 20 tháng 06 năm 1549, gửi đến Vua Gioan III của Bồ Đào nha, và trong một bức thư khác, gửi đến thánh I-nhã, đề ngày 12 tháng 01 năm 1549. Có tinh thần Caritas trong các bức thư này, bởi vì thánh Phanxicô thừa nhận là “Chúa Chí tôn đã vui lòng làm cho tôi cảm nhận được trong tâm hồn mình rằng tôi đi Nhật bản là phụng sự Người.” Việc thực hành discreta caritas ấy của ngài dựa trên “vô số những thông tin tôi có được, về đất nước Nhật bản,” và với ý thức về những nguy cơ rủi ro của thực tế là “cứ bốn chiếc thuyền, thì có đến hai chiếc khởi hành mà không bao giờ đến được nơi đó.” Dẫu tình hình là thế, nhưng “tôi sẽ không từ bỏ ý định đến Nhật, xét vì những gì tôi cảm nhận dạt dào trong tâm hồn mình, cả khi tôi biết chắc là mình sẽ gặp phải những nguy hiểm ác liệt hơn những gì tôi đã từng trải qua.” Tuy ngài có cái nhìn thực tế như thế, nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng can thiệp để đưa đến sự khác biệt trong một tiến trình nhận định đã có cân nhắc đến những thuận lợi và bất lợi, những lý lẽ đưa ra cho các phương án lựa chọn với “cái nhìn nhằm đến việc tôn vinh Thiên Chúa hơn, cũng như hướng đến ích lợi chung.” Khi đứng trước những giao lộ gay go nghiêm trọng, theo bước chân thánh I-nhã, thánh Phanxicô đã triệt để dấn thân vào tiến trình hết sức phức tạp mà tinh thần discreta caritas đòi hỏi – thực ra, những lời lẽ đơn sơ và cung cách biểu đạt nhẹ nhàng về tinh thần này, đã phần nào làm che khuất đi tính cách phức tạp tiềm tàng bên dưới. Làm cách gì để đạt đến được một thái độ hoàn toàn bình tâm như thế, đến mức độ một ngừơi dấn thân trọn vẹn – đặc biệt là đối với một con người hằng sục sôi trong mình nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, như thánh Phanxicô? Thánh nhân có thể làm được như thế là vì ở phía bên kia giao lộ là chính Chúa đang đứng đợi ngài. Trong tiến trình nhận định, Chúa cho con người được tự do để tìm kiếm và nhận ra, để thuận theo thánh ý Người hoặc không, bằng một “lựa chọn có suy xét”; dù vậy, Chúa cũng là Đấng mà tôi phải xin ơn được biết lựa chọn điều gì qui hướng nhiều hơn về vinh quang Chúa Chí tôn và về phần rỗi linh hồn mình.

Tính cách phức tạp của tiến trình nhận định theo tinh thần discreta caritas cũng lộ hiện rõ ràng trong các thư từ và trong bản Memoriale của Chân phước Phêrô Favre. Ấn tượng nổi bật khi đọc bản Memoriale là về việc tinh thần discreta caritas được nhắc đến liên tục. Favre không ngừng đưa vào trong hoạt động nhận định tông đồ của mình những lựa chọn thực tế. Trong khi thực hành các việc đạo đức và cầu nguyện, Ngài luôn cảm thấy nhu cầu cần phải có một ý hướng tinh tuyền, và cần phải nỗ lực thanh luyện các thái độ của mình. Phêrô Favre đã rất hạnh phúc mà thừa nhận rằng điều ngài yêu thích hơn cả chính là thái độ tuân phục như là điều mang lại sự thánh thiện và tinh tuyền nhiều hơn: đây là sự vâng nghe thụ động những khi mà dis­creta caritas đòi hỏi một sự dấn thân tích cực và chủ động vào việc tìm kiếm ý Chúa. Trong bức thư ngài gửi đến thánh I-nhã, đề ngày 27.04.1542, có một đoạn viết rất khó dịch: mô tả về thái độ tuân phục, Favre đã dùng đến các từ “pru­den­­ce” (thận trọng) và “dis­creción” vốn là những từ có liên quan đến discreta caritas. Và Phêrô Favre sốt ruột chờ đợi bức thư phản hồi kèm theo quyết định từ thánh I-nhã. Ngài muốn biết mình nên làm gì, bởi vì – như ngài nhấn mạnh – có một sự khác biệt giữa việc hành động theo ý thích cá nhân và việc hành động dưới sự dẫn dắt của tuân phục. Trong đoạn viết ấy, đề cao thái độ tuân phục như là lời khuyên phúc âm hoàn hảo, ngài nhận định qua câu kết như sau: đó là thái độ thận trọng đích thực và, trên hết, là “discreción trọn vẹn.” Phải chăng đây chỉ là cách nói bóng bẩy của văn chương hùng biện? Có lẽ không phải như thế. Trong một huấn thị gởi đến các học viên ở đại học Coimbra – có lẽ là vào tháng 12.1544 – Favre đã trình bày vấn đề theo cách sau đây: Hãy hình dung ra tình huống một Giêsu hữu đang khát khao dấn thân vào một dự án tông đồ hữu ích, và nhận thấy rằng niềm khát khao ấy của anh là từ Chúa mà ra; rồi hãy tưởng tượng rằng điều mà cũng vị Chúa ấy thực sự muốn anh thực hiện lại là điều mà bề trên của anh vạch ra, và điều này chẳng phù hợp chút nào với những gì anh đang khát khao, mong muốn. Vậy thì, trong trường hợp này, Phêrô Favre đang mặc nhiên thừa nhận là có sự hiện diện của tinh thần discreta caritas, bởi vì chính Chúa là Đấng đang thôi thúc người Giêsu hữu kia hướng về điều tốt. Tuy nhiên, khước từ mọi cảm giác cho đó là mâu thuẫn, Phêrô Favre kết luận rằng sự tuân phục làm cho ta nghe được tiếng Chúa hòan tòan, là một sự vâng phục “mù quáng”, đó là phương thế giúp ta gạt bỏ hết mọi ước muốn, khả năng, và ý riêng, để vác lấy thập giá khi chấp hành trọn vẹn ý muốn và ý kiến của các bề trên. Thái độ tuân phục triệt để ấy cũng được bản Memoriale đề cập đến, trong đó, có vẻ như nó chính là mức độ tuyệt đỉnh của tinh thần dis­creta caritas. Hồi ấy, Đức Giám mục giáo phận Mainz, Đức quốc, có ý muốn gửi Phêrô Favre đi tham dự Công đồng Trentô (22.10.1542). Cũng như thường lệ, lúc này, Favre cảm thấy nhiều loại tâm trạng khác nhau đang thúc đẩy mình và nhất là nhiều thứ nỗi buồn khác nhau đang xâm chiếm hồn mình, bởi vì ngài chưa bao giờ coi mình như một thần học gia đáng giá, và ngài cũng ý thức rất rõ là một thần học gia tham dự Công đồng cần phải có năng lực cao như thế nào. “Nhưng Chúa đã kéo tôi ra khỏi hết thảy mọi lo lắng đó nhờ vào sức mạnh của một thái độ tuân phục thánh thiện và triệt để, bất kể sự bất tài của cá nhân tôi, cũng như tầm quan trọng và sức nặng của công việc tôi được yêu cầu.” Trong tiến trình thực hành discreta caritas, mọi sự diễn ra như thể có trước tiên một hoạt động xuất phát từ bên dưới, qua đó hết thảy mọi tài năng trí tuệ của chúng ta được huy động nhắm đến một lựa chọn – một discreción – và tiếp đến, có một tác động xuất phát từ trên cao, giao thoa và kết hợp làm một với hoạt động thứ nhất kia, biến đổi nó thành một tình trạng buông bỏ hoàn toàn để thuận theo ý định tốt lành của Thiên Chúa, với kết quả cuối cùng là một quyết định mang tính cách hiệp lực (synergy) thực sự, một tình trạng phối kết giữa tác động thần linh với hoạt động con người. Chính Phêrô Favre đã quả quyết điều này khi ngài viết rằng: “Và hết thảy những gì tốt đẹp phát sinh nhờ hoạt động suy xét thận trọng ấy – hay đúng hơn là nhờ thái độ tuân phục – sẽ phải được nhìn nhận là xuất phát từ 11.000 đấng đồng trinh (sau Tam Vị Chí Thánh, Đức Kitô Phục Sinh, và Đức Maria, đấng thánh Đồng trinh của hết mọi kẻ đồng trinh).” Bởi vì Thiên Chúa là caritas, nên lẽ nào chúng ta lại không xem thực hành discreta caritas như là một hành động tuân phục theo mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa, một kiểu tuân phục của Con đối với Cha, của một người tôi tớ đối với Con, và của một môn đồ đối với Thần Khí (02.07.1542), một kiểu tuân phục chúng ta có được qua việc lắng nghe tiếng nói của “các bề trên” – trước hết là tiếng nói của vị đại diện Đức Kitô trên trần gian “vốn là tiếng nói rõ ràng nhất trong các lời gọi” (06.1542), và kế đến là tiếng nói của I-nhã – để nối gót theo Người trong một lối sống khó nghèo? Ở đây, không nhắm tới làm khảo luận thần học xác định mối liên hệ giữa discreta caritas và hành động tuân phục đối với các vị bề trên, nhưng đối với Phêrô Favre, rõ ràng là trong lãnh vực nhận định, vị bề trên giữ một tiếng nói có thẩm quyền, góp phần làm cho hoàn thiện việc thực hành discreta caritas khi ngài đưa ra những phán đoán “trong Chúa.” Như đã lưu ý, hễ đề cập đến discreta caritas, thì hiếm khi nào bản Hiến pháp lại không nhắc đến các người giữ vai trò bề trên. Nhiều khi discreción được trao cho vị bề trên. Ở đây, có thể nhận thấy một lời mời gọi tiến đến một mức độ tuân phục triệt để theo kiểu Phêrô Favre; nhưng đây không phải là kiểu tuân phục khóa miệng người bạn đồng hành (companion) nhằm dập tắt tiếng nói của discreta caritas. Bởi vì nếu “các ứng viên liên tục cảm thấy mình cần phải làm một điều gì đó cho vinh danh Thiên Chúa, Chúa chúng ta hơn, thì sau khi cầu nguyện, họ có thể đơn sơ đề xuất điều này với bề trên và hoàn toàn trao phó vấn đề ấy cho nhận định phán đoán của ngài, mà không tìm kiếm thêm bất kỳ điều gì sau đó nữa.”

Chủ đề này còn trở lại trong phần sau của bản Hiến pháp: “Được phép tự do trình bày những tư tưởng cùng điều xảy đến trong lòng. Tuy nhiên, như đã được bàn đến trong Bản Khảo Sát, người đó phải sẵn sàng trong mọi sự để nhận là tốt hơn, điều mà bề trên của người đó coi là tốt hơn.” Khi được bề trên sai đi sứ vụ, sau khi đã làm cuộc nhận định, nếu một Giêsu hữu bị tác động bởi “những thúc giục hoặc tư tưởng có tính cách trái ngược với mệnh lệnh đã nhận.”, thì có thể bày tỏ cho bề trên thấy rõ kết quả cuộc nhận định của mình. Tuy nhiên, người Giêsu hữu này sẽ phải “đặt hết thảy mọi phán đoán và ý muốn của mình dưới sự phán đoán và ý muốn của bề trên mình là người thay mặt Đức Kitô Chúa chúng ta.”

Khi đó, xung đột có thể nảy sinh, và Tổng hội 32 đã xem xét vấn đề vấn nạn lương tâm có thể xảy ra (conscientious objection). Qua những tuyên bố của mình về vấn đề này, Tổng hội 32 dự kiến là phải có những cuộc đối thoại, tham khảo ý kiến và sự can thiệp của những người trung gian, cũng như không loại trừ khả năng là sẽ có một sự chia tay để mỗi bên liên quan có thể tôn trọng lương tâm đã được soi sáng của nhau. Những nét đặc trưng của tinh thần discreta caritas không bị mất đi trong một cuộc xung đột dạng này. Sở dĩ thế là vì nếu tinh thần discreta caritas thực sự được áp dụng trong trường hợp này, nó sẽ giúp duy trì được – ngay trong cuộc xung đột – cả tình bạn lẫn thái độ tuyệt đối tôn trọng tự do của nhau giữa đôi bên. Tình trạng xung đột ấy chẳng qua là một dạng nỗ lực mới mẻ trong việc tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa. Không loại trừ khả năng xảy ra tình huống xung đột như thế, bản Hiến pháp khuyến khích đương sự hãy chủ động và tích cực dự phần vào hoạt động discreta caritas của bề trên mình. Nếu cảm thấy “một điều gì đó khác” là cần thiết hơn điều mà bề trên đã quyết định, thì sau quá trình cầu nguyện và hồi tâm suy ngẫm, đương sự nên trình bày vấn đề cho bề trên hoặc cho người mà bề trên chỉ định, với thái độ xác tín rằng “những gì bề trên quyết định sau khi đã nghe trình bày về vấn đề, là thích hợp hơn cả cho việc phụng sự Thiên Chúa, và vì ích lợi lớn lao hơn cho đương sự, trong Chúa chúng ta.”

Chỉ nguyên mức độ xuất hiện của những cách biểu đạt như “phán đoán trong Chúa,” cũng đã nêu bật được tầm ý nghĩa quan trọng thực sự của “tính cách thận trọng,” “thái độ nhận định,” tinh thần dis­cre­­tiodiscreta caritas trong bản Hiến pháp cũng như trong các tác phẩm của những Giêsu hữu đầu tiên. Sau hết, có lẽ có người sẽ để ý nhận ra và lấy làm lạ về việc không hề đọc thấy trong bản Hiến pháp các cụm từ như “khôn ngoan” và “sự khôn ngoan” (wisewisdom), ngoài các cụm từ “thận trọng” và “sự thận trọng” (prudent prudence). Khi soạn thảo bản Hiến pháp, thánh I-nhã quan niệm sự khôn ngoan như một phẩm tính dành riêng cho Thiên Chúa. Chính đức khôn ngoan của Thiên Chúa, ở mức độ tuyệt hảo tối cao, đã đoái nhìn để cho Dòng được khởi sự; chính đức khôn ngoan ấy mới duy trì, hướng dẫn và làm cho Dòng tiến bước được; đức khôn ngoan kêu gọi, hoặc không kêu gọi người ta vào Dòng; và đức khôn ngoan ấy giúp sọan thảo bản Hiến pháp, để ngợi khen và làm sáng danh Người hơn nữa. Quan trọng hơn cả, chỉ nhờ ánh sáng toả xuống từ Đấng là Sự Khôn ngoan đệ nhất và tối cao, mà một người mới có thể nhận định được điều mình phải quyết định. Chính vì lý do này mà hoạt động nhận định qua cầu nguyện được coi là điều tất yếu. Tinh thần discreta caritas phải mặc lấy cùng phản chiếu hình ảnh và dung mạo của Đấng Tốt lành và Khôn ngoan vĩnh cửu, để khi một người đón nhận ý muốn và phán đoán của bề trên như là quy luật cho ý muốn và phán đoán của riêng mình, là người ấy đang khuôn mình sát hơn theo quy luật đệ nhất và tối cao điều khiển tất cả mọi ý muốn tốt lành cũng như hết thảy mọi phán đoán: quy luật ấy là chính Đấng Tốt lành và Khôn ngoan vĩnh cửu. Bởi đó, discreta caritas xuất hiện trong bản Hiến pháp như là chuẩn mực mà một người phải lo tuân giữ trong hết mọi sự: chuẩn mực đó là tác động xức dầu của đức Khôn ngoan thần linh, là đức Khôn ngoan sẽ dạy dỗ cho những ai đã nhận bổn phận ấy nhằm phụng sự và ngợi khen Người hơn. Và giờ đây, chúng ta đã hiểu được vì sao tình yêu (caritas) khôn ngoan của Thiên Chúa có thể thúc bách discreta caritas để làm cho người ta trở nên những kẻ điên dại vì Đức Kitô.

Giang Trung Kiên, S.J và các bạn chuyển dịch

 


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục