Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân (BÀI 5)

PHẦN TU ĐỨC

SỐNG MẦU NHIỆM RỬA CHÂN:

MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG (Ga 13,1-20)

***

Xây dựng cộng đoàn Kitô hữu sống “yêu thương nhau”, đó là một sứ mạng lớn lao mà hẳn là từng thành viên Hội đồng mục vụ chúng ta cảm nghiệm được sức nặng và tính thách đố. Hành trình dựng xây cộng đoàn như thế chỉ có thể được thực hiện trong năng động yêu thương và cung cách phục vụ của chính Đức Giêsu, cách đặc biệt qua mầu nhiệm rửa chân.

Vì sao lại rửa chân? Hình ảnh bàn chân gợi lên cho chúng ta nhiều ý nghĩa. Chúng ta thường dùng “đôi chân” để làm gì? Bàn chân mang ý nghĩa nào? Đó là nơi thấp nhất, bẩn-nặng mùi, và mang nhiều dấu ấn cuộc đời. Bàn chân đưa chúng ta đi trên mọi ngõ ngách đời sống, đến mọi nơi, thánh thiêng và phàm tục…

Việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ được hiểu như bài học thực hành về việc phục vụ khiêm tốn. Người rửa chân cho từng môn đệ của Người; Người tự làm lấy tất cả. Nhưng không chỉ như thế, chúng ta được mời gọi hiểu mầu nhiệm rửa chân dưới ánh sáng mầu nhiệm Thánh Thể; và trong ánh sáng này, chúng ta nhận ra rửa chân là một hành động mang tầm mức Thánh Thể. Cả hai cử hành đều diễn tả tình yêu tuyệt đỉnh: “Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (c. 1).

Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14, 22);

Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ …” (Ga 13, 4-5).

Hành động rửa chân của Đức Giêsu tương ứng với hành động “trao Bánh” cho các môn đệ Người. Qua mầu nhiệm Thánh Thể, Đức Giêsu trở nên Bánh trao ban sự sống; qua mầu nhiệm rửa chân, Người trở nên người phục vụ bàn ăn, trao ban chính mình, hành động đưa đến hiệu quả “chung phần với Thầy”. Như thế, việc Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ không chỉ là một mẫu gương phục vụ, nhưng còn là một hoạt động đưa đến mầu nhiệm hiệp thông với Người: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (c. 8). Như chính hành vi rửa sạch gợi ra, qua hành động rửa chân, Đức Giêsu làm cho các môn đệ trở nên thanh sạch, làm cho chúng ta nên công chính, bằng chính ngôi vị của Người, bằng sự sống-bằng chính Thánh Thể Người.

Không dễ dàng gì khi để Đức Giêsu rửa chân cho mình như thế. Thánh Phêrô cũng gặp thách đố này, vì ông khép kín trong cách hiểu của mình. Đức Giêsu mặc khải cho ông lời hứa chung phần, dầu vậy, việc rửa chân và hiệu quả “chung phần” này vẫn khó hiểu, khó đón nhận. Vì thế, Đức Giêsu nói với Phêrô: “việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”.

Như thế, rửa chân không chỉ mang ý nghĩa hạ mình phục vụ, nhưng còn mang ý nghĩa đưa đến hiệp thông-“chung phần” với Đức Giêsu. Chính vì thế, từng người chúng ta phải được Đức Giêsu rửa chân, phải kinh nghiệm mình được Đức Giêsu đích thân “rửa chân” như thế nào, khi đó chúng ta mới có lòng ước ao và có sức mạnh nội tâm để “rửa chân” cho nhau, nghĩa là phục vụ và xây dựng cộng đoàn hiệp thông. Chớ gì chúng ta được chinh phục bởi “tình yêu đến cùng” của Đức Giêsu, để Người rửa chân cho mình, nhờ đó chúng ta có thể rửa chân cho nhau qua việc phục vụ.

Hồi tâm.

Tôi cần thay đổi trong điều gì trong đời sống và công việc cá nhân?

Trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và trong giáo xứ, những lãnh vực nào hay những tương quan-mối liên hệ nào tôi cần quyền năng Chúa chữa lành, cần Đức Giêsu “rửa chân”-thanh tẩy và biến đổi?

Tôi có dự tính như thế nào để canh tân đời sống-cung cách ứng xử cá nhân và tương quan mục vụ, để nỗ lực phục vụ?

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

“GỌI THỢ LẠI MÀ TRẢ CÔNG CHO HỌ…”

***

“Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất’” (Mt 20,8)

Dẫn vào

Ngày 24-9-2018 vừa qua, tại Trung tâm Mục Vụ Giáo Phận Mỹ Tho, dịp Hội nghị Thường Niên của Hội đồng Giám Mục Việt Nam Kỳ II Năm 2018, trong diễn từ chào mừng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, đồng thời là Đại diện Không Thường Trú tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giu-se Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã phát biểu: “Sự hiện diện của Đức Tổng là một bằng chứng cho mối dây hiệp thông hữu hình giữa Tòa Thánh và Giáo hội Việt Nam…”.[1]

Trong phần cuối của diễn từ, Đức Tổng Giám mục Giu-se cũng thưa với các thành viên của hội nghị về vai trò của các ngài, những mục tử, những “nhà quản lý”: “… điều chắc chắn là tất cả những gì chúng ta sẽ thảo luận và quyết định trong kỳ họp này đều nhằm mục đích lợi ích của Dân Chúa trên quê hương Việt Nam. Cũng vì thế, hội nghị của chúng ta mang chở niềm hy vọng cho các Ki-tô hữu Việt Nam, cho các giáo phận và cho các dòng tu nam nữ”.[2] Theo đó, chúng ta có thể suy luận về lãnh đạo mục vụ, về quản trị trong Giáo hội từ việc “… gọi thợ lại mà trả công” và “bắt đầu từ những người vào làm sau chót”.[3]

Gọi thợ lại mà trả công cho họ…

“Gọi thợ lại mà trả công cho họ…” được trình bày trong tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ của Ủy ban Giáo Dân (HĐGMVN) (2010), nhắc đến Thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi Ti-mô-thê.[4] Theo đó, người phục vụ Nước Chúa không mong chờ bổng lộc trần gian như danh vọng, chức quyền…. Người phục vụ Tin Mừng cần có tinh thần vô vị lợi và biết kiên trì hoạt động theo gương Thánh Tông Đồ Phao-lô.[5] Tuy nhiên, để có thể: (1*) nắm bắt tình hình chung của giáo xứ, nhất là hiện trạng đời sống đức tin và phong hóa trong giáo xứ; (2*) cộng tác chặt chẽ và thường xuyên với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ; (3*) có uy tín phục vụ và hứng khởi tham gia công việc Hội Thánh, các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ có thể được hưởng một số quyền lợi khi còn sống và khi qua đời.

Quyền lợi khi còn sống

Các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ khi còn sống, được: (1) học hỏi, huấn luyện, bồi dưỡng cách hệ thống qua tập huấn, thường huấn, chuyên huấn… nhằm nâng cao tinh thần và năng lực phục vụ; (2) bồi dưỡng cách riêng qua các dịp tĩnh tâm, đặc biệt là dịp nhận chức và chuẩn bị mừng trọng thể lễ bổn mạng hội đồng mục vụ giáo xứ; (3) linh mục chính xứ dâng lễ cầu nguyện cho dịp lễ bổn mạng hội đồng mục vụ giáo xứ;[6] (4) cộng đoàn giáo xứ bày tỏ thái độ trân trọng, biết ơn, cầu nguyện và chung tay cộng tác để xây dựng Giáo hội Chúa; (5) cấp vi bằng, khi hoàn thành nhiệm vụ cách mỹ mãn, theo quy định của giáo phận.[7]

Quyền lợi khi qua đời

Vì các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đã từng cộng tác chặt chẽ và thường xuyên với linh mục chính xứ trong việc quản trị giáo xứ, khi: (1) đến dịp lễ các linh hồn (2-11), các thành viên đã qua đời có quyền được giáo xứ trích quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ để xin một thánh lễ cầu nguyện cho; (2) một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời: * Thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và trưởng các giáo họ: (1*) trong giáo xứ: (1**) ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. * Thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ: (1*) trong giáo xứ: (1**) các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện; (3) người bạn đời của một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời:[8] * Người bạn đời của thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và của trưởng các giáo họ: (1*) trong giáo xứ: (1**) ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. * Người bạn đời của thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ: (1*) trong giáo xứ: (1**) đại diện hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác, (2**) hội đồng mục vụ giáo xứ trích quỹ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ xin một thánh lễ và thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. (4) cha hoặc mẹ của một thành viên đương nhiệm hoặc đã mãn nhiệm qua đời: * Cha hoặc mẹ của thành viên ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ và của trưởng các giáo họ: (1*) trong giáo xứ: ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác và dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. * Cha hoặc mẹ của thành viên khác thuộc hội đồng mục vụ giáo xứ: (1*) trong giáo xứ: thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ đến viếng xác và dự lễ an táng; (2*) ngoài giáo xứ (ở xa): hội đồng mục vụ giáo xứ thông báo cho cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.[9]

Câu hỏi giúp thảo luận

Bạn nghĩ thế nào về ý tưởng “làm việc Nhà Chúa và được trả công”?

Theo bạn, “… trả công… từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất” (Mt 20,8) nghĩa là làm sao?

28-9-2018, GTHH

PHẦN HUẤN GIÁO

Phần II: GIÁO DÂN TRONG LÒNG HỘI THÁNH

 

GIÁO DÂN TRONG CHIỀU KÍCH ÂN ĐIỂN CỦA GIÁO HỘI

1- Hội Thánh là Cộng Đoàn của Thần Khí

Hội Thánh toàn cầu đã vậy, huống hồ chi Hội Thánh địa phương (Giáo Phận và Giáo Xứ) không chính yếu hệ tại ở cơ cấu tổ chức hay địa giới hay cơ sở, nhưng là “gia đình của Thiên Chúa, gồm các phần tử được nung đốt bằng Thần Khí liên kết”, “một mái ấm gia đình niềm nở”, hay “cộng đoàn các tín hữu” như tông huấn Người Kitô Hữu Giáo Dân số 26 xác định.

Một trong các chiều kích chính yếu của cộng đoàn ân điển này chính là:Hội Thánh (cả cấp giáo phận và giáo xứ) được trình bày cách sống động, dựa trên  nền tảng thần học vững chắc, như một “cộng đoàn Thánh Thể”. Điều đó có nghĩa là Hội Thánh, nhất là trong cơ cấu gần gũi nhất là Giáo Xứ, phải được hiểu và biểu hiện như một cộng đoàn thích hợp nhất cho việc cử hành Lời Chúa và Thánh Thể. Đó chính là nguồn mạch xây dựng cộng đoàn, sợi giây liên kết bền chặt giữa các phần tử và cột chặt nó trong sự hiệp thông toàn cầu. Hội Thánh toàn cầu và Giáo Phận có thể thực hiện được điều cơ bản này khi làm cho Giáo Xứ được toàn thể các phần tử của mình tích cực coi nó như một cộng đoàn đức tin có tổ chức xây dựng vững chắc trên nền tảng Lời Chúa Thánh Thể.

2- Vai trò của Chủ Chăn trong Gia Đình ân điển này

Chắc chắn trong Gia Đình ân điển này, hàng Giáo Sĩ giữ một vai trò then chốt như tông huấn CFL số 22 xác định: vai trò này làm họ được tham dự vào chính chức linh mục tư tế của Đức Kitô Giêsu, là tác vụ không chỉ khác về cấp độ và còn trong nội dung với sự tham dự được ban cho mọi Kitô hữu thông qua Phép Rửa và Thêm Sức. Mặt khác, như Công Đồng Vatican II nhắc nhở, tác vụ linh mục này phải hoàn toàn hướng về và phục vụ cho tác vụ linh mục vương giả của tất cả mọi tín hữu. (Lumen Gentium 10)

3- Vai Trò và Công Tác của Kitô hữu Giáo dân trong Gia Đình Thánh Thể

Như vậy, vai trò của người Kitô hữu Giáo dân bên trong Hội Thánh (cụ thể là Hội Thánh địa phương) chính là xây dựng để biến giáo xứ mình trở thành một “Cộng đoàn – Gia đình Thánh Thể trong Thần Khí”. Cho dầu không phải là phần tử đứng đầu với chức thánh, tất cả mọi Kitô hữu giáo dân đều phải là các chi thể tích cực của cộng đoàn này, tùy theo khả năng, tuổi tác và địa vị của mình.  Điều này phải được biểu lộ cách đặc biệt trong các hoàn cảnh, khi nào và nơi đâu, vì một lý do nào đó, tác vụ của giáo sĩ nhất thiết cần phải có sự hỗ trợ đắc lực của giáo dân .Giáo Luật 230 khẳng định: “Ở đâu nhu cầu Hội Thánh đòi hỏi vì thiếu thừa tác viên giáo sĩ, các giáo dân dù không có tác vụ chính thức đọc sách hay giúp lễ, cũng có thể làm thay, cụ thể là thực thi thừa tác viên Lời Chúa, chủ tọa các buổi đọc kinh phụng vụ, ban Phép Rửa và cho rước lễ, theo các qui định của giáo luật”.

Ở đây không có vấn đề một năng quyền đặc biệt nào được ban cho người tín hữu, mà chỉ là xác định sự chuẩn bị xứng đáng của một số phần tử nào đó trong cộng đoàn đứng ra đảm trách công khai thi hành các việc phục vụ liên quan tới cộng đoàn Thánh Thể và thực hành tác vụ linh mục chung của mọi người. Công Đồng Vatican II gọi điều này trong ngôn ngữ thần học là ‘tham dự vào nhiệm vụ tư tế của Đức Kitô” (xem CFL 21). Các xác định trên là nền tảng cho tất cả mọi sinh hoạt giáo dân đóng góp vào việc xây dựng giáo xứ, nhất nhất xoay quanh cử hành Thánh Thể và Lời Chúa, từ các tác vụ liên quan trực tiếp tới các phục vụ gián tiếp hơn như ca đoàn, giúp lễ, quét đọn nhà thờ, phòng thánh, và còn xa hơn nữa cho tới mọi trang hoàng, rước sách và lễ hội v.v… của cộng đoàn này.Tất cả các sinh hoạt này chỉ có ý nghĩa một khi giáo dân thi hành trong ý thức xây dựng gia đình Thánh Thể và Lời Chúa của Giáo Hội Địa Phương (Giáo Xứ).

Trong quá trình lịch sử, Giáo Hội Việt Nam đã sớm khai thác và triển nở một dạng phục vụ cộng đoàn Thánh Thể và Lời Chúa cách rất đa dạng và độc đáo. Do nhiều hoàn cảnh xui khiến, cũng như do lòng quảng đại của các giáo dân mà nhiều hình thức tham gia phục vụ rất sáng tạo và quan trọng được hình thành. Thời xưa‘Thầy Giảng’ chính là trường hợp các giáo dân tích cực nhất được chọn lọc tham gia vào công tác này; các thày làm thay cho giáo sĩ trong mọi sự, trừ cử hành thánh lễ, khi các ngài vắng mặt. Ngày nay, nhất là tại nhiều vùng truyền giáo, đặc biệt giữa các anh chị em dân tộc, các Giáo Phu cũng là các giáo dân tích cực cũng cống hiến một sự phục vụ quảng đại và hữu hiện thuộc dạng này. Họ không thể được coi như một thứ bán giáo sĩ, nhưng phải được nhìn nhận là các Kitô hữu giáo dân đích thực nhất trong cộng đoàn, hầu xây dựng Gia Đình Thánh Thể tại một Hội Thánh địa phương. Chúng ta cần cảm tạ Chúa và nỗ lực vun trồng truyền thống tốt đẹp đáng tự hào này của Hội Thánh Việt Nam chúng ta.

4- Vai trò và Công tác của Giáo Dân trong việc xây dựng Cộng Đoàn Ân Điển

Ngoài ra Kitô Hữu Giáo Dân cũng nhận được trực tiếp từ Chúa Thánh Thần rất nhiều ân điển phong phú hầu đóng góp xây dựng Cộng Đoàn Ân Điển. Các ân điển này được gọi là ‘đoàn sủng’ (charisms) như CFL 24 giải thích như sau: “Chúa Thánh Thần, trong khi ban phát nhiều tác vụ khác nhau trong Hội Thánh hiệp thông, còn không ngừng tô điểm Hội Thánh bằng những ân huệ đặc biệt dưới tác động của ơn thánh; điều này được gọi là ‘đoàn sủng’. Các đoàn sủng này mang nhiều hình thức rất khác nhau, vì biểu hiện sự tự do tuyệt đối của Thánh Thần, Đấng hằng cung cấp các đoàn sủng này cách phong phú hầu đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của lịch sử Giáo Hội. (xin tham khảo1 Cr 12:7-10; 1 Cr 12:4-6, 28-31; Rm 12:6-8; 1 Pr 4:10-11, cũng xem Apostolicam Actuositatem, số 3). Hội Thánh có bổn phận nhìn nhận và tôn trọng các ân điển này, không những trên bình diện cá nhân, mà cả trên bình diện tập thể. Riêng trên bình diện tập thể dưới dạng dòng tu, hiệp hội và hội đoàn, Hội Thánh có vai trò  và thẩm quyền minh định rõ nguồn gốc Thần Khí, cũng như định hướng qui về và phục vụ Nhiệm Thể của Đức Kitô của các tổ chức ấy, qua việc phê chuẩn cách chính thức.

Nếu ‘đoàn sủng’ được hiểu theo nội dung trên, thì mỗi Kitô hữu bất luận giáo sĩ hay giáo dân đều có trách nhiệm tối đa cổ súy đoàn sủng mình nhận được vì lợi ích chung của toàn Hội Thánh Chúa, đồng thời họ có thể liên kết với những người khác hầu phát huy đoàn sủng này cách mạnh mẽ hơn (xem CFL 29). Ta gọi việc liên kết này là quyền thiết lập và tham gia vào các hiệp hội và hội đoàn, mà mọi phần tử Kitô hữu, bất luận Giáo sĩ hay Giáo dân đều có.  Cũng trong nội dung này ta mới hiểu được ý nghĩa và vai trò của các hội dòng, các hiệp hội và đoàn thể do bất kì Kitô hữu nào sáng lập trong Hội Thánh. Thật vậy Giáo luật số 215 khẳng định: “Các Kitô hữu Giáo dân hoàn toàn tự do trong việc thành lập và điều hành các hội đoàn, đoàn thể mang mục đích bác ái và tôn giáo hay để khích lệ ơn gọi Kitô hữu trên thế giới. Họ hoàn toàn tự do tham dự các buổi họp hầu theo đuổi mục đích chung đã đề ra”. Cũng trong nội dung này ta hiểu được sự tại sao các ‘dòng tu’, trong tư cách là một tập thể đoàn sủng trong Hội Thánh, có thể dung nạp được cả hai thành phần giáo sĩ và giáo dân trong số các thành viên của mình.

Câu hỏi gợi ý:

Bạn có thấy nhu cầu thống nhất tầm nhìn của nhiều hoạt động đa diện trong giáo xứ, để mọi ban ngành cùng chung một chí hướng phục vụ Gia đình Thánh Thể không?

Bạn quan niệm gì về Thầy Giảng hay Giáo Phu? Các sinh hoạt này nói lên điều gì cho nội dung phục vụ của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ (Ban Hành Giáo) chúng ta?

Cha xứ có trách nhiệm nào trong việc thiết lập hay sinh hoạt của một hiệp hội hay đoàn thể đã được Đấng Bản Quyền công nhận cách chính thức? Khi nào thì ngài có quyền câm đoán hay ngăn cản các đoàn thể – hiệp hội đó?

PHẦN MỤC VỤ

Nền văn hoá toàn diện và liên đới

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Kể từ Công đồng Vaticanô II (1962-1965) cho đến nay, từ “văn hoá” được nhắc đến nhiều lần trong các văn kiện chính thức và quan trọng của Giáo hội Công giáo[10]  vì văn hoá bao gồm hầu như mọi sinh hoạt thường ngày của con người. Vì thế chúng ta cần tìm hiểu xem văn hoá là gì, Giáo hội muốn chúng ta xây dựng loại văn hoá nào và xây dựng nó bằng cách nào?

1- Văn hoá là gì?

Từ văn hoá có nhiều nghĩa. Theo nghĩa chữ, văn là vẻ đẹp do mầu sắc tạo ra, là hình thức đẹp trong nghi lễ, nghệ thuật, ngôn ngữ, trong cách cai trị, cư xử…; hoá có nghĩa là dạy dỗ, làm cho hình thành. Trong Từ điển Tiếng Việt, ta thấy có 5 ý nghĩa khác nhau, nhưng ý nghĩa rộng nhất: “Văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”. Ví dụ: kho tàng văn hoá dân tộc[11].

Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 53, đã xác định văn hoá gắn kết chặt chẽ với bản tính con người: “Một đặc điểm của con người là bản ngã nhân vị chỉ có thể đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hoá, nghĩa là nhờ việc trau giồi những phẩm chất thiện hảo và giá trị tự nhiên. Vì thế, cuộc sống con người bao giờ cũng gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên và văn hoá”.

Công đồng cũng mở rộng nội dung của văn hoá: “Theo nghĩa tổng quát, từ “văn hoá” chỉ tất cả những gì con người có thể sử dụng để trau giồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; để tìm cách  chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; để làm cho đời sống xã hội, cả trong đời sống gia đình cũng như nơi cộng đồng chính trị, trở thành nhân bản hơn, nhờ vào sự tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau cùng, để diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của con người trải qua các thời đại, để giúp cho nhiều người, thậm chí cho toàn thể nhân loại, tiến bộ hơn”.

Trong Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á công bố năm 1999, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gián tiếp nhắc đến các yếu tố cơ bản về văn hoá để chúng ta nhận thức được nội dung lớn lao của văn hoá. Ngài xác nhận: “Châu Á có nhiều nền văn hoá”, được hiểu như là những hệ thống giá trị.

Ngài nhắc nhở: “Văn hoá là kết quả xuất phát từ cuộc sống và sinh hoạt của một tập thể nhân loại, thì đối lại những con người thuộc tập thể này lại được khuôn đúc trong một phạm vi rộng bởi chính nền văn hoá mà họ đang sinh sống. Nếu con người và xã hội thay đổi, văn hoá cũng sẽ thay đổi theo. Ngược lại, nếu văn hoá đổi thay thì con người và xã hội cũng được văn hoá ấy biến đổi theo[12].

2- Giáo Hội đang muốn xây dựng nền văn hoá nào?

Trong lịch sử nhân loại, người ta đã biết đến nhiều nền văn hoá khác nhau như văn hoá bái vật hoặc bái thần, văn hoá duy vật hoặc duy tâm, văn hoá sự sống hoặc sự chết, văn hoá hữu thần hay vô thần, văn hoá xã hội chủ nghĩa hoặc cá nhân chủ nghĩa….

 2.1. Văn hoá nhân bản

Giáo hội Công giáo cổ vũ nền văn hoá nhân bản. Đây là một hệ thống giá trị bao gồm các suy tư và hành động, lấy con người làm gốc, làm nền tảng, thay vì lấy vật chất hay thần linh. Hệ thống suy tư giúp ta có những nhận thức đúng đắn về chính mình, về con người, về vạn vật cũng như về Thiên Chúa. Hệ thống hành động bao gồm những hành vi và kỹ năng sống để ta thể hiện tốt đẹp và hiệu quả những nhận thức trên.

Từ Công đồng Vaticanô II, Giáo hội Công giáo đã bắt đầu xây dựng một nền nhân bản dựa vào Chúa Kitô để làm sáng tỏ mầu nhiệm về con người và mời gọi mọi người cùng tìm giải đáp cho những vấn đề chính yếu của thời đại [13].

Giáo hội Công giáo đã xác định rằng con người là con đường của Giáo Hội [14] và cũng là con đường của Thiên Chúa, vì “Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người” trở thành Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1,14). Người sống với con người để làm cho tất cả những giá trị của con người thành cao cả vô biên vì “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ nơi Đức Giêsu Kitô”[15] .

2.2. Mục đích của nền nhân bản mới

Nền nhân bản này nhằm mục tiêu là đổi mới và xây dựng mỗi tín hữu thành hiện thân sống động của Đức Giêsu Kitô. Người là con người mới, con người hoàn hảo, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15), là Adam mới (x. Rm 5,14) vì nhờ Người mà “bản tính nhân loại của chúng ta đã được nâng lên một phẩm giá siêu việt qua mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người” [16].

Người tín hữu nhờ kết hợp với Đức Kitô sẽ nhận được “những hoa trái đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23, để trở thành con người mới có khả năng chu toàn luật yêu thương mới (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Rm 8,1-11), xây dựng được nền văn minh tình yêu[17] cho cộng đồng nhân loại vì Đức Giêsu Kitô là nguyên mẫu và là nền tảng của nhân loại mới này [18] .

2.3. Con người  toàn diện bao gồm các lĩnh vực nào?

Nền văn hoá nhân bản toàn diện bao gồm mọi lĩnh vực của con người như thể chất và tinh thần, cá nhân và tập thể, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới. Công đồng Vaticanô II đã lưu ý đến những lĩnh vực này trong các văn kiện, nhất là trong Hiến chế Gaudium et Spes. Công đồng lưu tâm đến thân phận con người trong thế giới ngày nay, đến phẩm giá cao cả, đến cộng đồng nhân loại và sinh hoạt của con người trong thế giới và vũ trụ. Công đồng cũng lưu ý đến một số vấn đề khẩn thiết như hôn nhân và gia đình, giáo dục và văn hoá, kinh tế và chính trị, chiến tranh và hoà bình, đối thoại liên tôn và các phương tiện truyền thông xã hội.

Bốn mươi năm sau Công đồng, Giáo hội Công giáo tổng hợp những vấn đề của con người trong cuốn Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo, công bố năm 2004, thành một nền văn hoá nhân bản đúng đắn và toàn diện. Nền văn hoá này còn được xác nhận qua cuốn Docat, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi tặng các bạn trẻ thế giới năm 2016.

2.4. Con người liên đới có các mối tương quan nào?

Con người toàn diện có 4 mối quan hệ căn bản với 4 tinh thần phải tập luyện để thể hiện tốt đẹp các tương quan ấy:

Trong tương quan với Thiên Chúa, con người giữ tinh thần thảo hiếu, vì Ngài là nguồn của mọi hiện hữu, của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên.

Trong tương quan với mọi người sống trên trái đất và cả trong vũ trụ, con người giữ tinh thần huynh đệ, đối xử với nhau như anh em trong cùng một đại gia đình, không kỳ thị vì bất cứ khác biệt nào.

Trong tương quan với vạn vật, con người giữ tinh thần huynh trưởng vì Thiên Chúa Tạo Hoá đã giao phó vạn vật trên trái đất cho con người để thay Ngài quản trị muôn loài (x. St 1,26-28; Kn 2,23) và loan báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15).

Trong tương quan với chính mình, con người giữ tinh thần tự chủ:  Tinh thần này nhắc nhở mọi người cố gắng làm chủ bản thân, tình cảm, thời giờ, tài năng, ân huệ và cả những tham vọng, dục vọng để trở thành một con người tự do thật sự trước mọi ràng buộc của cuộc sống.

3- Giáo Hội xây dựng nền văn hoá bằng cách nào?

Phương cách quan trọng được Giáo Hội cổ vũ là hội nhập văn hoá (HNVH)[19].

Hội nhập là hoà mình vào trong một cộng đồng lớn. Ví dụ: Việt Nam hội nhập vào khối ASEAN. HNVH là hoà mình vào trong nền văn hoá hay đúng hơn là chấp nhận một hệ thống giá trị mới.

Chủ thể hội nhập ở đây được xác định là một cá nhân hay một tập thể (cộng đồng Giáo Hội) tiếp nhận một phần hay toàn bộ hệ thống giá trị đã có sẵn của một dân tộc nào đó. Ví dụ các thừa sai nước ngoài đến giảng đạo đã học tiếng Việt, ăn mặc như người Việt, trình bày giáo lý theo cách hiểu của người Việt. Như thế là họ đã hội nhập vào nền văn hoá Việt Nam.

Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc đưa đức tin Kitô Giáo HNVH vào châu Á[20]. “Thánh Thần đã cho chúng ta hiểu biết chân lý toàn diện, thì cũng có thể giúp chúng ta đối thoại với các giá trị văn hoá và tôn giáo của các dân tộc được kết quả[21] .

Ngoài tác nhân chính là Chúa Thánh Thần, chủ thể hội nhập chính là Giáo Hội được hiểu như là cộng đồng Kitô hữu. Những con người này, có một nền văn hoá riêng, nghĩa là có cả một hệ thống giá trị vật chất cũng như tinh thần được sáng tạo và tích luỹ qua dòng lịch sử. Bây giờ Giáo Hội gặp gỡ và đối thoại với một nền văn hoá nào đó, “trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo Hội chẳng những truyền đạt các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hoá ấy từ bên trong, mà còn thu dụng nhiều yếu tố tích cực có sẵn từ các nền văn hoá khác nhau ấy[22].

Hơn nữa, việc HNVH bao gồm nhiều giá trị trên các lĩnh vực khác nhau, nên chủ thể hội nhập có thể trao đổi, gặp gỡ và đón nhận các giá trị trên nhiều bình diện khác nhau. Vì thế, ĐTC nói đến việc đưa Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, hay đưa những giá trị về đức tin, thần học, phụng vụ, linh đạo, huấn giáo của Kitô giáo hội nhập vào một nền văn hoá nhất định[23].

Kết luận

Nhìn vào cộng đồng xã hội Việt Nam, người Công giáo chúng ta không thể không ưu tư vì số người biết Đức Giêsu hãy còn quá ít sau hàng trăm năm loan báo Tin Mừng cũng như tình trạng suy thoái về văn hoá và đạo đức của dân tộc. Chúng ta chỉ có thể cải thiện tình trạng này bằng cách xây dựng nền văn hoá toàn diện và liên đới với những cố gắng hội nhập văn hoá của mọi thành phần dân Chúa.

Câu hỏi gợi ý

1) Giáo Hội muốn xây dựng nền văn hoá với những đặc điểm nào nào?

2) Việc hội nhập văn hoá được diễn tả qua những mối tương quan nào?

**************************************************************

[1] Nguyễn Chí Linh, Diễn từ chào mừng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski (24-9-2018).

[2] Ibid.

[3] X. Mt 20,8.

[4] 2 Tm 4,7-8.

[5] X. BGL, đđ. 305; 536.

[6] Linh mục chính xứ cầu nguyện cho tất cả các vị phục vụ giáo xứ ở các cấp, đương nhiệm và đã mãn nhiệm.

[7] Tòa giám mục cấp cho các thành viên ban thường vụ và các trưởng ban chấp hành các giáo họ (theo đề xuất của linh mục chính xứ). Linh mục chính xứ cấp cho các thành viên khác.

[8] Tương tự như số (2) của điều này.

[9] X. Ta, “Điều 19-21: Quyền lợi – Quyền lợi khi còn sống – Quyền lợi khi qua đời” trongThần học mục vụ… (TP. HCM, Nxb. Tôn Giáo, 2015), 768-773.

[10] Xem Mục lục phân tích chủ đề, mục từ Văn hoá, cúa sách Công đồng Chung Vaticanô II, năm 2012, tr 1025; sách Giáo Lý Hội Thánh công Giáo, năm 2010, tr 1063; sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, năm 2007, tr 686-689; sách Docat, năm 2017, tr 112,242,76,155,243,45,102,277-278.

[11] Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2013, tr 1409

[12] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21

[13] X. CĐ. Vat.II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 10

[14] X. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo,  xuất bản năm 2007, số 62

[15] Sách Công đồng Chung Vaticanô II, Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2012, số 22

[16] X. Sách Công đồng Chung Vaticanô II, Hội đồng Giám mục Việt Nam, xuất bản năm 2012, số 22

[17] X. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo,  năm 2007, số 575-580

[18] X. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, năm 2007, số 431

[19] X. Như được nói đến trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 13; Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 20; Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ, số 52. Trong tông huấn Giáo hội tại Châu Á, ĐTC Gioan Phaolô II nhắc đi nhắc lại từ này nhiều lần, đặc biệt ở số 21 (4 lần) và 22 (10 lần).

[20] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21

[21] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21

[22] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 21

[23] X. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 22

Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân (BÀI 6)

UBGD-HĐGM. VN

Ban Nghiên Huấn

 

PHẦN TU ĐỨC

CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤC VỤ

 

Đức Giêsu diễn tả sống động chân dung người phục vụ, cách đặc biệt trong bữa tiệc ly. Người mời gọi và trao ban lệnh truyền cho tất cả chúng ta, những người tiếp tục diễn tả chân dung người phục vụ trong đời sống thường ngày: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, hẳn là mỗi người chúng ta đều trải nghiệm những thách đố trong việc phục vụ, những cản trở nơi bản thân hoặc nơi tha nhân: bao lần chúng ta gặp những anh chị em tự thấy mình thật cao, đến độ không đón nhận sự phục vụ của chúng ta; bao lần chúng ta theo đuổi tham vọng cho mình “cao hơn một chút”, một chút hư danh hay một chút uy quyền, thay vì âm thầm và khiêm tốn phục vụ một cách vô vị lợi và trong sáng… Để phục vụ cộng đoàn, chúng ta cần có tâm thế và cung cách ứng xử của Đức Giêsu. Trở về với Người để được chinh phục bởi “tình yêu đến cùng” của Người và sống những giá trị nền tảng của đời phục vụ: quảng đại, cảm thông, và khiêm nhường…

 Khi phục vụ cộng đoàn, không ít lần chúng ta thấy mình quá bé nhỏ giữa những người tự phụ. Dụ ngôn của Đức Giêsu về người Pharisêu và người thu thuế phác hoạ hai hình ảnh đối nghịch nhau: người Pharisêu tự thấy mình thật cao và người thu thuế tự thấy mình thật bé nhỏ (Lc 18, 9-15). Người Pharisêu hài lòng với chính mình, vâng phục lề luật, thi hành bổn phận tôn giáo… nhưng ông ta thiếu hiểu biết, thiếu cảm thông, thiếu khiêm nhường…; ông ta tự thấy mình thật cao, hài lòng với vị thế của mình và khinh chê người khác. Trong khi đó, người thu thuế, khi đối diện với Thiên Chúa, chỉ thấy mình tội lỗi và bất xứng, nên không ngừng kêu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con”. Đức Giêsu khẳng định: “Tôi nói cho các ông biết: người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không”. Khiêm tốn sống sự nhỏ bé và bất xứng của mình trước Thiên Chúa, đó là đường nét căn bản phác hoạ chân dung người phục vụ.

 Tiếp đến, trong hành trình phục vụ cộng đoàn, không ít lần chúng ta gặp những rào cản hay trở ngại gặp Chúa, như Da-kêu (Lc 19,1-10). Nhiều lúc chúng ta thấy mình quá nhỏ bé, muốn mình “cao hơn một chút” để có thể lấn lướt những khó khăn và trở ngại nơi cộng đoàn; nhiều lúc chúng ta thấy mình đơn độc và kiệt sức giữa vô vàn việc phục vụ, giữa vô vàn những người tự nhận là “đang đi theo Đức Giêsu” nhưng chính họ lại đang che khuất Đức Giêsu khỏi chúng ta; bao lần cộng đoàn giáo xứ mà chúng ta phục vụ đã che khuất Chúa Giêsu khỏi mắt chúng ta bởi những ghe tương, ích kỷ, căng thẳng… Da-kêu đã vượt qua những rào cản ấy bằng sáng kiến trèo lên cây. Khi Đức Giêsu đi ngang qua, Người nhìn lên và nói với ông: “Da-kêu xuống mau, vì hôm nay tôi phải ở nhà của ông”. Da-kêu được chinh phục bởi thái độ của Đức Giêsu, ông đón rước Người vào nhà mình; được Đức Giêsu cảm hoá, ông thay đổi đời sống: “Đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Tấm lòng người phục vụ theo phong cách Đức Giêsu luôn quảng đại và bao dung, có khả năng chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.

 Sau cùng, trước tình yêu “đến cùng” của Đức Giêsu, người phục vụ theo phong cách của Người cũng quảng đại phục vụ đến cùng (Mc 12,41-44). Đức Giêsu ở cửa đền thờ, Người thấy người đàn bà tới, khiêm tốn, đơn sơ, lén lút… và bỏ vài đồng trinh vào hòm tiền dâng cúng trong đền thờ. Bà nghĩ rằng không ai nhìn thấy, nhưng có một người nhìn thấy bà, đó là Đức Giêsu. Không chỉ nhìn thấy, Người còn gọi các môn đệ lại nhìn và nói với họ: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”. Người giàu huyênh hoang bỏ vào thùng số tiền có vẻ nhiều, có thể đó cũng là cách họ bố thí cho người nghèo, nhưng Đức Giêsu nhận ra và khen ngợi bà goá nghèo. Tôi đã và đang phục vụ như thế nào: có dâng cho Chúa cái dư thừa và muốn phô trương? có tính toán thiệt hơn với Chúa, dâng thật nhiều nhưng cũng mong thật nhiều cho mình được “cao hơn một chút”, được nhận biết và tán dương hơn một chút? Tôi có quảng đại với Chúa như bà goá nghèo: dâng cho Chúa điều tôi có-điều tôi được Chúa ban, vì sự sống còn của chính mình? có quảng đại với Chúa, để dâng cho Ngài chính bản thân, thời gian và tâm sức, để phục vụ cộng đoàn, một cách vô vị lợi và trong sáng?

 

Lm Gioan Vũ Ngọc Tín, SJ.

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

MỖI NGƯỜI MỘT QUAN TIỀN

 

“Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền”. (Mt 20,9-10)

Dẫn vào

Từ ngày 18 tháng 10 đến 24 tháng 10 năm 2018 vừa qua, tại Batam của Inđônêxia, Tổng hội AsIPA VIII (VIII AsIPA General Assembly) với sự hiện diện các đại biểu của 11 nước Châu Á và một nước Châu Âu đã diễn ra theo trù định...[1] – bao gồm cả tín hiệu về sự nâng cấp từ AsIPA Desk[2] thành BEC Office[3] trong tương lai trước mắt (không còn xa) – với rất nhiều cảm xúc tốt đẹp.

Chủ đề “Các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ Phúc âm hoá các gia đình hướng đến hiệp thông và sứ vụ”[4] mà Văn phòng “Giáo Dân và Gia Đình” của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC) trước đó đã gửi đến các hội đồng giám mục các nước thành viên, đã được triển khai rất cụ thể.[5] Theo tôi, đó cũng là cách thể hiện những quan tâm chung, chia sẻ công việc với ý thức đồng trách nhiệm: không mơ tưởng “... sẽ được lãnh nhiều hơn..”. nhưng sẵn lòng để được nhận lãnh “mỗi người một quan tiền”.[6]

Không mơ tưởng “… sẽ được lãnh nhiều hơn…”

Được sắp xếp theo thứ tự alphabet, Phái đoàn Việt Nam hầu như luôn luôn ở vị trí cuối trong mọi “xuất hiện” (ngay sau Thái Lan) – những người mới vào làm lúc “giờ thứ mười một” – theo thứ tự sinh hoạt của tổng hội.[7] Tuy nhiên, nội dung trình bày và những phát biểu của Phái đoàn Việt Nam rất nồng nhiệt, tích cực, hội nhập...[8] chan hoà với những thành viên khác cùng đến làm việc trong vườn nho của Chúa ở những thời điểm khác nhau. Có thể nói, đó cũng là một phản ánh cách thể hiện mới của Giáo hội Chúa tại Châu Á, một cách thế mới của “mỗi người được một quan tiền”.[9] Rất chan hoà.  

 

Không mơ tưởng “… sẽ được lãnh nhiều hơn…” là bầu khí chan hoà huynh đệ của những anh chị em dấn thân phụng sự Chúa trong Giáo hội. Bởi lẽ, trong Giáo hội, quyền bính là để phục vụ chứ không phải để được người ta phục vụ:[10] quyền lợi phải được sở đắc để biểu hiện sự bình đẳng trong phẩm giá và trong hành động của con người;  nâng cao phẩm giá của người tín hữu và luôn luôn nhằm đến sự thăng tiến ngày càng cao hơn; xác định ý nghĩa tự do Kitô giáo.[11] Khái niệm về bổn phận, nghĩa vụ, quyền và quyền lợi có ý nghĩa đặc biệt dưới ánh sáng mục đích siêu nhiên của Giáo hội. Bổn phận, nghĩa vụ, quyền và quyền lợi là những phương tiện giúp định hướng việc đạt đến mục đích siêu nhiên của Giáo hội. Hoạt động tông đồ, một nghĩa vụ và quyền của người giáo dân phải được nhìn trong ý nghĩa này: “Mỗi người một quan tiền”.

 

Mỗi người một quan tiền

Khi trình bày về “nhiệm vụ và quyền lợi”, Chương II tập Gợi ý cho một quy chế hội đồng mục vụ giáo xứ của Ủy ban Giáo Dân (HĐGMVN) (2010) đã dành 12 điều để linh hoạt thích ứng với ý nghĩa của “mỗi người được một quan tiền”: (1) Điều 10. Nhiệm vụ của linh mục chính xứ đối với hội đồng mục vụ giáo xứ;[12] (2) Điều 11. Nhiệm vụ của hội đồng mục vụ giáo xứ; (3) Điều 12. Nhiệm vụ của ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ; (4) Điều 13. Nhiệm vụ của chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ; (5) Điều 14. Nhiệm vụ của phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, đặc trách nội vụ; (6) Điều 15. Nhiệm vụ của phó chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ, đặc trách ngoại vụ; (7) Điều 16. Nhiệm vụ của thư ký hội đồng mục vụ giáo xứ; (8) Điều 17. Nhiệm vụ của thủ quỹ hội đồng mục vụ giáo xứ; (9) Điều 18. Nhiệm vụ của các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ; (10) Điều 19. Quyền lợi;[13] (11) Điều 20. Quyền lợi khi còn sống; (12) Điều 21. Quyền lợi khi qua đời.

 

Để kết

“Mỗi người một quan tiền..”.. Hoà vào rất nhiều hoạt động phong phú của Tổng hội AsIPA VIII, Phái đoàn Việt Nam tích cực góp phần vào “mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ” này của AsIPA. Theo đó, chủ đề “Các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ Phúc âm hoá các gia đình hướng đến hiệp thông và sứ vụ”[14] có thể được triển khai thành: “Các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ Phúc âm hóa từng cá vị để Phúc âm hóa các gia đình, để Phúc âm hóa các giáo xứ, để Phúc âm hóa các giáo phận... hướng đến hiệp thông và sứ vụ”.[15]

 

Câu hỏi giúp thảo luận

Bạn nghĩ thế nào về định hướng Tin Mừng: không mơ tưởng “… sẽ được lãnh nhiều hơn…” khi làm việc Nhà Chúa và được trả công”?

Bạn đang sống và dấn thân làm việc tông đồ: hãy giữ tâm tình an vui, sống hài lòng với nguyên tắc “mỗi người một quan tiền”.  Tại sao?

28-10-2018, GTHH

 

GIÁO DÂN TRONG CHIỀU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CỦA HỘI THÁNH

PHẦN HUẤN GIÁO

Phần II:

GIÁO DÂN TRONG LÒNG HỘI THÁNH

 

1/ Rao giảng Tin Mừng là chiều kích chính của Hội Thánh

 Lệnh truyền của Đức Kitô “anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15) nhắm tới mọi phần tử của Hội Thánh, và như thế xác định đây là một trong các bổn phận chính của toàn thể Hội Thánh, nhất là các Hội Thánh cấp địa phương. Thật vậy Tông huấn CFL số 33 đã khẳng định: “Giáo Dân trong tư cách là thành phần của Hội Thánh nên mang sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Các bí tích khai tâm Kitô giáo và các ân huệ của Chúa Thánh Thần đã trang bị khả năng cho họ, và thúc giục họ thi hành sứ mạng này”. Dựa vào 1 Ga 1:3, chúng ta phải hiểu như sau: một khi đã được hiệp thông với Đức Kitô, mọi Kitô hữu bất luận là ai, đều phải nhận thức rõ ràng rằng: mang hồng ân này chia sẻ cho người khác là một bổn phận bó buộc (xem Tông Huấn CFL số 34).

 2/ Rao giảng Tin Mừng là tác vụ chuyên của Kitô hữu Giáo Dân

 

Tuy nhiên nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh này có lẽ lại được trao phó cách đặc biệt cho các Kitô hữu Giáo Dân sống giữa trần thế, như Hiến Chế Lumen Gentium số 30 của Công Đồng Vaticanô II đã xác định: “Các chủ chăn nhận thấy rõ sự đóng góp lớn lao của giáo dân cho lợi ích của Hội Thánh. Các ngài biết rằng Đức Kitô đã không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Hội Thánh đối với thế giới, nhưng nhiệm vụ cao cả của các ngài là chăn dắt tín hữu và nhận biết các phận vụ và đoàn sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình”. Ta có thể nói rằng: rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật là mục tiêu tối hậu của mọi mục vụ trong Hội Thánh mà hàng giáo sĩ phải thực hiện, hầu giúp cho giáo dân chu toàn được trách nhiệm chuyên trong sứ mạng Đức Giêsu đã trao phó. Vì thế ta có thể gọi ‘rao giảng Tin Mừng’ chính là tác vụ chuyên biệt của Giáo Dân trong Hội Thánh Chúa Kitô; và khi thi hành nhiệm vụ này người Kitô hữu Giáo Dân xác định được vai trò ưu tuyển của mình trong Hội Thánh. Giáo sĩ có tác vụ chính là cai quản và thánh hoá các phần tử bên trong Hội Thánh nhờ ban các phép Bí Tích, nhưng chính các Kitô hữu Giáo Dân mới là những phần tử, vì sự hiện diện mọi lúc và mọi nơi của họ trong mọi lãnh vực trần thế đa dạng, nên mới có điều kiện nhất trong việc không ngừng thực thi mệnh lệnh “hãy đi rao giảng” mà Đức Kitô đã để lại cho Hội Thánh trước khi về trời.

 3/ Nội dung việc Rao Giảng Tin Mừng

 Trước hết ta tạm phân biệt nội dung ‘Rao Giảng Tin Mừng’ mà ta đang đề cập tới ở đây khác với việc truyền giáo, tức truyền đạo, tức gầy dựng một cộng đoàn gồm các kẻ tin và chịu phép rửa, tức thiết lập cũng như bồi đắp ở đó sự hiện diện của Giáo Hội địa phương vững chắc(như một cơ cấu đạo giáo). Ở đây ta hiểu rao giảng Tin Mừng trong nội dung của việc nhập thể của chính Đức Giêsu Kitô, là đưa tình yêu Thiên Chúa và các giá trị của nó thâm nhập sâu xa vào mọi thực tại của cuộc sống loài người, tới mọi nền văn hoá, mọi sinh hoạt trần thế, mọi tri thức và tinh thần, thậm chí mọi niềm tin tiềm tàng trong tâm khảm mỗi con người và mỗi dân tộc. Tông Huấn Người Kitô Hữu Giáo Dân đã nói tới điều này trong số 34, khi giải thích: “Mở toang cánh cửa đón Đức Kitô vào, việc đón nhận Ngài vào khoảng trống của cuộc sống con người không mang chút đe doạ nào cho con người và xã hội, trái lại là lối duy nhất, nếu người ta muốn nhận ra từng con người trong sự thật trọn vẹn của nó, và độ cao của con người trong những giá trị đích thực của nó”.

Như vậy chấp nhận Tin Mừng không phải là một điều gì thêm thắt vào cuộc sống con người trong tư cách cá nhân cũng như tập thể, nhưng là một điều mà con người mọi nơi và mọi thời đại đều rất cần, hầu làm cho cuộc sống của họ đạt được sự phong phú và tròn đầy đích thực. Đức Gioan Phaolô II đã tóm kết nhiệm vụ cao đẹp này dành cho các Kitô hữu Giáo Dân trong những lời rất thống thiết sau đây: “Tôi hết lòng khiêm tốn và tin tưởng nài xin anh chị em hãy để cho Đức Kitô nói với nhân loại. Vâng, chỉ có Ngài mới có những lời ban sự sống, hơn nữa một sự sống dồi dào và vịnh cửu”.

 4/ Các lĩnh vực chính mà Tin Mừng cần cho con người và nhân loại

 Tin Mừng không chỉ cần thiết cho con người và nhân loại vì mang lại cho họ cuộc sống đời đời (theo nghĩa cứu vớt linh hồn họ), nhưng ngay từ đời này và ngay từ bây giờ, như Đức Kitô không ngừng minh định ‘để cho được sống, và sống dồi dào’ (Ga 10:10). Tông Huấn CFL số 34 tiếp tục chỉ cho thấy: để có thể rao giảng Tin Mừng cách hữu hiệu, người giáo dân trước hết phải xoá bỏ được khoảng cách giữa Tin Mừng với cuộc sống hằng này trong chính đời sống của họ; họ sẽ “sáng tạo được một thể thống nhất trong cuộc sống, trong các sinh hoạt thường nhật, nơi bản thân, trong gia đình, nơi xã hội… nhờ được Tin Mừng gợi hứng và giúp sức thể hiện cách đầy đủ”. Từ đó trong cuộc tham gia cách đầy đủ vào cuộc sống cá nhân, gia đình, và mọi hình thái xã hội dưới mọi phương diện, người Giáo Dân sẽ làm cho Tin Mừng có dịp được rao giảng và loan truyền trong toàn thể mọi thực tại của trần thế. Trước khi cứu vớt họ cách vĩnh viễn cho cuộc sống đời đời, Tin Mừng qua cuộc nhập thể và cứu độ của Đức Giê-su, đã đi vào trong thế giới và biến đổi nó ngay giữa các thực tại trần thế.

 

Như vậy chúng ta có thể liệt kê ra đây cách tổng quát các lĩnh vực chính của thực tại chúng ta cần đưa tới Tin Mừng (hay đúng hơn Tin Mừng được đưa tới nó) hầu được biến đổi và làm cho cho các thực tại đó trở nên phong phú:

Lĩnh vực nhân bản với tất cả mọi chiều kích con người đã được Đức Kitô tiếp nhận lấy cho mình khi nhạp thể, cả về thể lý, tri thức và tinh thần, cũng như những gì chân chính trong niềm tin của các tôn giáo và văn hoá truyền thống của họ.

Lĩnh vực gia đình với tất cả chiều kích sâu xa của nó, như tôn trọng sự sống, tình yêu hôn nhân, quên mình để sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau, và nhất là tha thứ và chấp nhận nhau trong cuộc sống thường ngày.

Lĩnh vực xã hội trong tất cả mọi chiều kích đa diện và phức tạp của nó, nhất là trong thế giới ngày nay. Một số lĩnh vực nổi cộm như văn hoá, kinh tế, chính trị, di dân, hay truyền thông… hiện đang có nhu cầu cao cần phải được Phúc Âm hoá cấp thời, và kêu gọi các Giáo Dân khẩn trương mang Tin Mừng tới cho chúng.

Ta sẽ triển khai các lĩnh vực này cách chi tiết hơn trong chương IV của chương trình này.

 Sau hết, Tông Huấn cũng không quên đề cập tới trường hợp, một số giáo dân nào đó lãnh nhận được ơn gọi đặc biệt là lên đường ra đi tới  các vùng đất xa lạ để rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc chưa hề biết tới Đức Kitô (thường được gọi là truyền giáo ad gentes). “Lệnh truyền của Đức Kitô: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ” vẫn được rất nhiều giáo dân quảng đại hưởng ứng. Họ sẵn sàng từ giã môi trường sống, công ăn việc làm, quê hương sứ sở mình, để đến phục vụ trong những miền truyền giáo, ít là trong một thời gian nhất định” (CFL số 35).

 Câu hỏi gợi ý:

Có bao giờ bạn coi ơn gọi giáo dân của mình chính là nhận lãnh một tác vụ chuyên biệt trong Hội Thánh là rao giảng Tin Mừng cho thế giới không?

Bạn có thấy chính các giáo dân trong môi trường bạn đang sống phải là cộng sự hay tác nhân của việc rao giảng Tin Mừng cho những người khác không? Lĩnh vực nào mà bạn cho là thiết yếu nhất phải được Tin Mừng hoá trong điều kiện sống cụ thể của bạn?

Làm từ thiện tự nó đã phải là rao giảng Tin Mừng chưa? Nếu có hay không thì tại sao?

Lm Gioan Nguyn Văn Ty 

 

PHẦN MỤC VỤ

Cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Lời mở

Văn hoá của một dân tộc là kết tinh của nhiều nền văn hoá trong suốt dòng lịch sử của dân tộc đó. Rồi khi nhiều người đón nhận những giá trị mới qua cuộc hội nhập văn hoá, họ lại tạo nên một nền văn hoá mới để truyền lại cho thế hệ mai sau. Từ trước đến nay, chưa có nhiều người tìm hiểu về những giá trị của các nền văn hoá khác nhau đã hội nhập và kết tinh thành nền văn hoá Việt Nam hiện nay như thế nào. Vì thế, qua bài này, chúng ta muốn tìm hiểu cách khái quát cuộc hội nhập của văn hoá trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam để có thể xây dựng những giá trị mới và đẩy lùi những nét tiêu cực có thể có trong cuộc hội nhập này khi so sánh với nền văn hoá toàn diện và liên đới của đạo Công giáo mà chúng ta tìm hiểu ở bài 5. Chúng ta tạm chia lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam thành 4 thời kỳ.

 

1. Thời kỳ đầu tiên từ đời vua Hùng đến năm 111 TCN

1.1. Văn hoá thị tộc

Trên đất nước Việt Nam hiện nay, các nhà khảo cổ học phát hiện những di tích và hoá thạch người “Homo erectus” khoảng 500 ngàn năm thuộc thời Đồ Đá Cũ [16]. Cách ngày nay khoảng 4.000 năm đến 5.000 năm, các lớp cư dân nguyên thuỷ từ miền đồi núi tiến xuống khai phá các vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và các đồng bằng ven biển, phát triển nền nông nghiệp lúa nước. Nền văn hoá bộ tộc thiểu số trải dài trên những núi đồi chuyển thành nền văn hoá làng xã với những ruộng vườn cố định.

 Thời kỳ Hồng Bàng, theo truyền thuyết và dã sử, bắt đầu từ năm 2879 TCN cho đến năm 258 TCN với 18 đời Vua Hùng [17]. Từ đầu thiên niên kỷ II TCN, Việt Nam bước vào thời đại kim khí, từ đồ đồng đến đồ sắt. Đó là văn hoá Đông Sơn với nhà nước Văn Lang-Âu Lạc, văn hoá Sa Huỳnh với nhà nước Champa ở miền Trung và văn hoá Óc Eo với nhà nước Phù Nam ở miền Nam. Ba dòng văn hoá này đã dần dần giao lưu và hội nhập vào nhau tạo thành văn hoá nguyên thuỷ của Việt Nam.

 Văn hoá thị tộc là nền văn hoá cơ sở của xã hội nguyên thuỷ, bao gồm nhiều gia đình lớn, có cùng một tổ tiên và có nền kinh tế chung: có chung tư liệu sản xuất, lao động tập thể và hưởng chung thành quả lao động. Các thị tộc của người Bách Việt sống theo tổ chức xã hội này. Hạt nhân của chế độ công xã nguyên thuỷ này là thị tộc mẫu quyền, được gặp thấy trong cả 3 nền văn hoá Bắc Trung Nam, cho đến khi người Việt sống dưới chế độ Bắc thuộc mới đổi sang chế độ phụ quyền. Nền văn hoá thị tộc ngoài việc đề cao sức mạnh cơ bắp để lao động kiếm ăn, còn mang đặc tính đề cao sự sinh sản để bảo tồn thị tộc, do đó ta thấy người Việt cả 3 miền đều có tín ngưỡng phồn thực, thờ sinh thực khí (linga và yoni) và thờ hành vi giao phối[18].

 Văn hoá thị tộc theo mẫu quyền còn nổi bật với tín ngưỡng thờ thần Mẫu. Các vị thần ở Việt Nam chủ yếu là nữ giới. Đạo Mẫu này càng phát triển hơn trong nền văn hoá nông nghiệp (các bà thần Mây, Mưa, Sấm chớp), sau này hoà nhập cả với đạo Lão và đạo Phật du nhập từ Trung Hoa. Các vị thần Mẫu được nhiều nơi tôn kính: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải ở miền Bắc; Tứ Vị Thánh Nương, Bà Ngũ Hành, Thiên Y A Na ở miền Trung; Bà Chúa Động, Bà Chúa Xứ, Bà Đen ở miền Nam. Ngày 1/12/2016, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, đại diện của nhân loại[19].

 1.2. Nền văn hoá Nông nghiệp

Trong khi những bộ tộc người Việt ở vùng núi còn giữ nét văn hoá thị tộc thì những người Việt ở vùng đồng bằng hình thành nên nền văn hoá nông nghiệp với một số giá trị mới. Nền văn hoá này tồn tại hầu như trong suốt dòng lịch sử dân tộc cho đến năm 1945, khi làn sóng đô thị hoá và những ý thức hệ mới tràn vào nước ta.

Những giá trị của nền văn hoá nông nghiệp:

 - Trọng tĩnh: nghề trồng trọt buộc con người sống định cư, chờ một thời gian lâu để cây trồng sinh hoa, kết trái và thu hoạch, nên con người trọng đời sống an tĩnh (an cư lạc nghiệp), nhà cửa ổn định, không thích di chuyển.

- Hoà hợp với thiên nhiên: nghề trồng trọt phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào thiên nhiên (mưa thuận, gió hoà, mưa nắng nhờ Trời) nên con người tôn thờ các sức mạnh  thiên nhiên, rút ra nhiều kinh nghiệm từ thiên nhiên (được mùa lúa, úa mùa cau; nhiều nắng tốt dưa, nhiều mưa tốt lúa)…

- Trọng đức, trọng tình, trọng nghĩa, trọng văn: do sống chung với nhau thành từng làng, trong một không gian tương đối hẹp, có luỹ tre bao bọc cũng như cùng làm việc chung với nhau, đổi công cho nhau, nên cộng đồng trọng những người có đức hạnh, có tình nghĩa để bảo đảm cho đời sống chung được tốt đẹp. Nhờ sống gần nhau, dễ dàng bảo vệ lẫn nhau nên người ta trọng những nét đẹp của văn hoá hơn võ thuật, tài trí. So với những người dân tộc sống theo kiểu du mục: từng gia đình sống riêng rẽ, để đưa đoàn gia súc của mình đi từ đồng cỏ này sang đồi núi khác, hằng ngày phải đối mặt với thú dữ, bất kể thời tiết nắng mưa, sống thế nào cũng không bị ai kết án nên người dân du mục trọng võ, trọng tài, trọng lý, trọng vật.

 Thật ra, những giá trị của văn võ, tài đức, lý tình, nghĩa vật đều lệ thuộc vào nhận thức của con người về giá trị của chúng. Khi có một nhận thức đầy đủ và toàn diện về nền văn hoá, người ta sẽ thấy cần phải văn võ song toàn, tài đức trổi vượt, tình lý trọn vẹn, nghĩa vật cân bằng.

 - Ứng xử linh hoạt và khoan dung: do không thể chống lại thiên nhiên và cộng đồng bằng sức mạnh cá nhân và tài trí, nên người theo văn hoá nông nghiệp thường ứng xử linh hoạt (ở bầu thì trọn, ở ống thì dài), dễ bị hùa theo đám đông (xấu đều hơn tốt lỏi), âm thầm chịu đựng những chướng ngại vật trên đời (tránh voi chẳng xấu mặt nào), nhẫn nại làm việc và hy vọng sẽ qua được cơn hoạn nạn, thiên tai (ngày mai trời lại sáng).

 - Văn hoá nông nghiệp dễ tiếp nhận sự khác biệt của các ý thức hệ, các tôn giáo như đã quen chịu đựng nắng mưa, bão lụt của trời đất. Nhưng thái độ linh hoạt này lại có thể dẫn đến thái độ ứng xử ba phải (cái gì cũng đúng), thiếu chính xác trong giờ giấc vì đã quen hành động theo con nước hay theo mùa mỗi năm, đối xử với nhau theo tình cảm nên thiếu khách quan, thiếu nguyên tắc trong tổ chức, thiếu tôn trọng pháp luật (một bồ cái lý không bằng một tí cái tình; yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười; yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng).

 2. Văn hoá thời kỳ Bắc thuộc (111 TCN-938)

Năm 179 TCN, nước Âu Lạc do An Dương Vương lập nên bị Triệu Đà, vua nước Nam Việt xâm chiếm, rồi bị nhà Hán độ hộ từ năm 111 TCN cho đến khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 và lập chủ quyền cho đất nước.

 2.1. Văn hoá nông nghiệp với tinh thần phản kháng

Người Việt liên kết với nhau trong các cộng đồng làng xã, bảo tồn tiếng Việt và các phong tục trong cộng đồng (phép vua thua lệ làng), chống lại các chính sách đồng hoá của người Trung Quốc.

- Người Việt giữ nguyên những nét căn bản của nền văn hoá nông nghiệp vì hầu hết vẫn sinh sống trong những làng xã và hành nghề nông với đời sống tự cung, tự cấp. Với ý thức phản kháng người Trung Quốc, người Việt vẫn giữ cách ăn mặc, nói năng của mình.

- Tổ chức gia đình và xã hội có sự thay đổi lớn: văn hoá dần dần nghiêng về chế độ phụ hệ, người cha là rường cột trong gia đình, gia đình trọng nam khinh nữ, xã hội theo chế độ đa thê cho phép người đàn ông có nhiều thê thiếp. Xã hội nông nghiệp cần nhiều nhân công để lao động, nên dễ dàng đón nhận các giá trị văn hoá mới này.

- Thái độ ứng xử cá nhân: chính quyền dùng chính sách chia để trị, nên gây chia rẽ giữa các địa phương, dòng họ, cá nhân với nhau khiến người Việt thường nghi ngờ, ngại ngùng với người lạ, không dám bày tỏ hay đóng góp ý kiến của mình, im lặng trước bất công khiến người khác tưởng lầm họ là kẻ đồng loã, thường tỏ thái độ bên ngoài hoà hoãn, chịu đựng, nhưng bên trong chỉ muốn ăn tươi, nuốt sống quân thù. Họ có thói quen giả vờ đồng thuận, không nói thật lòng mình, nói xấu kẻ thù vắng mặt, bao che cho đồng bào trước nỗi bất công, cùng giúp nhau lấy cắp của công vì tất cả tài sản công đều do chính tay họ làm ra. Họ thường tỏ vẻ chăm chỉ làm việc trước mắt kẻ xâm lược, nhưng khi kẻ thù quay lưng là họ ngưng làm hay chỉ làm việc cầm chừng vì không muốn làm lợi cho kẻ thù.

 Nét văn hoá ứng xử này trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ đã tạo thành bản sắc của người Việt, nên khi không còn sống dưới ách kẻ xâm lăng, nhiều người Việt vẫn giữ bản sắc đó. Thái độ này cần được sửa sai bằng những nhận thức mới về giá trị con người, về công bằng xã hội, bằng những kỹ năng làm việc chung và hợp tác với nhau vì công ích, và bằng nhận thức về một Thiên Chúa, một ông Trời nhìn thấu mọi sự và xét xử công minh.

 2.2. Đón nhận một số giá trị mới của văn hoá Trung Quốc

Qua việc tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với người Trung Quốc, người Việt nhận ra nhiều giá trị mới của văn hoá Trung Quốc.

Trước hết là sức mạnh quân sự với chiến lược, vũ khí, hoả pháo, chiến thuyền khiến người Trung Quốc thắng được Việt Nam. Tiếp theo là chữ viết và văn hoá Trung Quốc trổi vượt so với tiếng Việt còn non trẻ. Trước khi bị người Trung Quốc đô hộ, nước Văn Lang thời Hùng Vương đã có chữ viết riêng, gọi là chữ Khoa Đẩu, giống hình con nòng nọc[20]. Tuy nhiên, các giá trị văn hoá mới này bị người Việt nghi ngờ, nhiều làng xã tẩy chay, vì người Việt vẫn ý thức về ý đồ bành trướng, đồng hoá của người Trung Quốc.

 3. Văn hoá thời kỳ quân chủ độc lập (938-1945)

3.1. Lịch sử: thời kỳ này kéo dài 10 thế kỷ, từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, với ba triều đại nhỏ: Ngô (939-965), Đinh (968-979), Tiền Lê (980-1009); 4 triều đại lớn: Lý (1009-1225), Trần (1226-1400), Lê (1428-1788), Nguyễn (1802-1945); xen kẽ với 3 triều đại nhỏ là Hồ (1400-1407), Hậu Trần (1407-1414), Tây Sơn (1788-1802).

Từ thế kỷ XVI, quan hệ giao thương với nước ngoài phát triển mạnh, dẫn đến sự phồn vinh của nhiều đô thị, cảng biển. Văn hoá dân tộc phát triển và giao lưu với các nước trong khu vực và một số nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh , Pháp. Đây cũng là thời kỳ Thiên Chúa giáo bắt đầu được truyền bá tại Việt Nam. Các làng nghề thủ công phát triển ở miền Bắc với nghề ươm tơ tằm, dệt lụa và ở miền Trung, miền Nam với nghề làm đồ gốm. Đây là những sản phẩm để trao đổi với nước ngoài.

 Triều đại Tây Sơn, với vua Quang Trung Nguyễn Huệ, có nhiều chính sách cải cách về ruộng đất và văn hoá (coi trọng chữ Nôm) có lợi cho người dân, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Chúa Nguyễn Ánh, với sự giúp đỡ của người Pháp, đã đánh bại nhà Tây Sơn, mở đầu triều đại nhà Nguyễn khi lên ngôi vua năm 1802, đóng đô ở Phú Xuân, Huế, đặt quốc hiệu là Việt Nam. Trước sức mạnh quân sự, kỹ thuật vượt trội của phương Tây, triều Nguyễn không có những cải cách để khắc phục tình trạng lạc hậu của đất nước, dùng chính sách bế quan toả cảng và hệ tư tưởng Nho giáo chống lại hệ tư tưởng Thiên Chúa giáo nên dẫn đến cuộc xâm lược của thực dân Pháp (1858-1884) và nước ta rơi vào vòng nô lệ phương Tây (1884-1945).

 3.2. Văn hoá

Người Việt vẫn giữ được những nét tiêu biểu của nền văn hoá nông nghiệp nhưng  nhận ra giá trị cao cả, linh thiêng của đất nước vì đã phải trả giá đắt cho nền độc lập và tự do của dân tộc qua các cuộc chiến tranh. Do phải chịu những cuộc nội chiến giữa các triều đại, người Việt thấy đời sống có vẻ tạm bợ, nặng nề, nên thường có tâm trạng bi quan, thiếu vẻ dấn thân, yêu đời.

Phật giáo chiếm địa vị độc tôn về tín ngưỡng trong dân chúng, nhất là trong 2 triều Lý Trần. Những giá trị văn hoá của Phật giáo để lại là thái độ bi quan, yếm thế, cho đời là vô thường, là bể khổ và giữ cho con người ăn ngay ở lành để được đầu thai vào kiếp sau tốt đẹp hơn. Vì được quần chúng tôn trọng và chính quyền ưu đãi, nên nhiều vị tu hành đánh mất tư cách đạo đức. Do đó, đại đa số dân chúng quay trở về với việc thờ cúng ông bà tổ tiên, đạo Mẫu và thờ các vị Thành Hoàng.

 Nhà nước phong kiến đã chọn Khổng giáo làm quốc giáo để bảo đảm quyền lực, nhằm tổ chức một xã hội ổn định, trật tự, kỷ cương ở trần thế, chứ không quan tâm đến những chuyện thần thánh ở thế giới mai sau. Nho giáo chiếm lĩnh đời sống tinh thần qua những văn thơ, kinh sách được phổ biến trong dân chúng và dần dần chiếm thế độc tôn từ thế kỷ XV trở đi. Hệ thống tư tưởng Nho giáo tuy giữ cho dân tộc ổn định trong thời đại nhiễu nhương nhiều thế kỷ, nhưng lại kìm hãm sự phát triển, đổi mới, mở ra cho khoa học tiến bộ. Những nhà trí thức thường chỉ quanh quẩn với những vần thơ, bài phú ca tụng dòng họ, tìm danh lợi trong chốn quan trường.

 

Bắt đầu từ thế kỷ XVI, những giá trị mới của Kitô giáo bắt đầu được truyền bá ở Việt Nam tạo nên những xung đột dữ dội với hệ thống tư tưởng của Khổng giáo. Nhờ thông thạo tiếng Việt và sáng chế ra cách ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh thay cho chữ Nôm, các nhà truyền giáo dòng Tên từ năm 1615-1665 đã giới thiệu những giá trị nền tảng của Kitô giáo về nền dân chủ, về gia đình một vợ một chồng sống chung thuỷ với nhau suốt đời, về sự bình đẳng nam nữ vì đều có nhân phẩm như nhau, về những khoa học thường thức để giúp cho đời sống khoẻ mạnh và tươi đẹp nên được nhiều người Việt đón nhận.

 Sau khi quân đội Pháp bắn thị uy vào cảng Đà Nẵng năm 1847 và nhanh chóng chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1862, cuộc bách hại người Công giáo trở nên hết sức khốc liệt vì vua quan đổ tội cho người Công giáo theo gót kẻ xâm lăng. Nhiều đám dân chúng cũng hùa theo quân lính triều đình cướp phá các làng trù phú của người Công giáo với khẩu hiệu “bình Tây sát Tả”. Tuy nhiên nhiều nhà Nho nổi tiếng yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ ngoại hầu Cường Để, Lương Văn Can, qua các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, đã minh oan cho người Công giáo và hô hào toàn dân hãy đón nhận những giá trị mới về dân chủ, bình đảng nam nữ, hôn nhân một vợ một chồng, chữ Việt và tinh thần cởi mở với khoa học kỹ thuật của người Công giáo[21]. Những giá trị của nền văn hoá Công giáo đã được toàn dân Việt đón nhận để bước vào một giai đoạn mới của đất nước.

 4. Văn hoá thời kỳ phát triển và hội nhập với thế giới (1945- nay)

4.1. Lịch sử.  Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, qua Hiệp định Genève, quân Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Việt Nam được chia thành 2 miền theo hai ý thức hệ khác nhau: miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng Sản, miền Nam theo chủ nghĩa Tư bản với tên nước là Việt Nam Cộng Hoà. Hai miền lại bắt đầu chiến tranh khốc liệt cho đến ngày 30/4/1975. Cuộc hội nhập vào nền văn hoá thế giới của dân tộc Việt Nam bắt đầu từ 1986 khi Đảng Cộng Sản Việt Nam công bố thời kỳ đổi mới và kéo dài đến ngày nay. Việt Nam gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) vào ngày 7-11-2006, và được công nhận là thành viên chính thức của tổ chức này vào ngày 11-1-2007. Việc gia nhập WTO đã mở ra cơ hội lớn người Việt hoà nhập vào nền văn hoá thế giới với xu hướng đô thị hoá, hiện đại hoá nhờ khoa học kỹ thuật và mở ra với mọi nguồn văn hoá đại chúng nhờ sách báo, phim ảnh, truyền hình, intrenet và điện thoại thông minh.

 4.2. Văn hoá.

Những giá trị văn hoá được tạo nên trong thời kỳ xung đột mãnh liệt giữa các ý thức hệ khi hai miền Nam Bắc trở thành tiền đồn của hai thế giới Tư bản và Cộng sản, cũng như những giá trị văn hoá của các dân tộc phản ánh tâm tư của nhân loại trong một giai đoạn nhất định của lịch sử, đều đáng trân trọng. Chúng giống như những chất liệu đường, chanh, muối, nước, tự bản thân và để riêng rẽ thì rất tốt, nhưng khi hoà trộn vào nhau mà không được điều chỉnh định lượng cho phù hợp thì không thể trở thành ly nước chanh ngon ngọt, bổ dưỡng, trái lại, còn làm nguy hại đến sức khoẻ con người. Đấy là trường hợp của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển với thế giới hiện nay khi có quá nhiều những giá trị đối chọi nhau.

 Nhiều giá trị trong nền văn hoá truyền thống bị loại bỏ như niềm tin vào Trời, giá trị của các tôn giáo, vì một số người quá say mê cái mới, nhất là khi chính quyền công khai loại bỏ chúng ra khỏi chương trình giáo dục, đào tạo con người. Nhiều người trẻ choáng ngợp trước vẻ hào nhoáng của khoa học hiện đại nên bỏ hết những kinh nghiệm ngàn đời của tổ tiên. Người ta bị cuốn hút vào cơn lốc xoáy của việc hưởng thụ vật chất, đánh giá nhau theo những phương tiện, bằng cấp, tài sản bên ngoài, nên không còn trọng tình nghĩa, đức hạnh, từ đó gây nên sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình, suy thoái trầm trọng đạo đức xã hội. Tội ác, tham nhũng, bất công và nhiều tệ nạn xã hội tràn lan khắp nơi. Vấn đề cần giải quyết là chính quyền cũng như mỗi người dân nhận thức được giá trị của việc hội nhập văn hoá và thực hiện việc hội nhập này như thế nào cho có kết quả tốt đẹp.

 Lời kết

Vì thế, khi tìm hiểu về cuộc hội nhập văn hoá trong lịch sử dân tộc Việt Nam và kết quả hiện nay của nền văn hoá dân tộc, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm phân định những giá trị nào cần tiếp tục gìn giữ và phát huy, giá trị nào nên loại bỏ hoặc điều chỉnh mức độ hợp lý tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Dù đây là trách nhiệm nặng nề của chính quyền và những người lãnh đạo trong cộng đồng xã hội, nhưng cá nhân mỗi người, như một thực thể chịu ảnh hưởng của văn hoá, vẫn là chủ thể tác động vào nền văn hoá và thay đổi được những giá trị cho thế hệ tương lai. Như thế chúng ta vẫn có quyền sống trong niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp cho từng người cũng như cho dân tộc Việt Nam.

 

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn đã thu nhận được những giá trị nào trong dòng lịch sử văn hoá của dân tộc?

2.Bạn hãy liệt kê những giá trị lỗi thời mà hiện nay người Việt đang nắm giữ và đề nghị sửa đổi bằng giá trị nào của nền văn hoá Công giáo?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

 


[1] Có 12 nước tham dự: Băng-la-đét (Bangladesh), Đức Quốc (Germany), Hàn Quốc (Korea), Ấn Độ (India), In-đô-nê-xi-a (Indonesia), Mã-lai (Malaysia), Mi-an-ma (Myanmar), Phi-líp-pin (Philippines), Xing-ga-po (Singapore), Xri Lan-ka (Sri Lanka), Thái Lan (Thailand), Việt Nam (Vietnam).

[2] AsIPA Desk (Asian Integral Pastoral Approach Desk): Bàn làm việc của AsIPA. Đây là cơ quan giúp hiện thực hoá một trong những những định hướng đậm tính “Giáo hội học” và “Sứ vụ học” của FABC về những công đoàn thời Giáo hội sơ khai: một cách thức “mới” để thể hiện niềm tin-cậy-mến của Giáo hội tại Châu Á (a new way of being Church in Asia), phát triển chương trình “Tiếp cận mục vụ toàn diện tại Châu Á” (Asian Integral Pastoral Approach Desk).

[3] BEC Office (Basic Ecclesial Community Office): Văn phòng Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản (CĐGHCB).

[4] “Small Christian communities (SCCs) evangelize families towards communion and mission”.

[5] Office of Laity and Family Federation of Asian Bishop’s Conferences – Snehalaya Family Centre, Victoria School Campus, L. J. Road, Mahim, Mumbai; India – 400 016.

[6] Mt 20,9-10.

[7] ĐGM. Louis Nguyễn Anh Tuấn hướng dẫn đoàn.

[8] Gồm: “(1) Sharing and networking on SCCs/BECs promoting the New Way of Being Church in Asia; (2) Building fraternal communion among participants; (3) Publishing General As-sembly documentation and introducing available texts based on the theme. Specific objectives of the GA VIII”.

[9] Gồm: “(1) To discover how SCCs, nourished by the Word of God, can be instruments to live the Gospel of love in families; (2) To find ways and means for families to be involved in the mission of the church in the neighbourhood through SCCs; (3) To explore how SCCs/BECs can promote the fuller growth of children, youth, men, women and the elderly, as a family of families”.

[10] X. Mc 10,45.

[11] X. G. Aranha, The mission of the family in the Church in the light of can. 226§1 (Rô-ma 2002), 123.

[12] X. BGL, đđ. 515-552.

[13] X. BGL, đđ. 305; 536.

[14] Nguyên văn: “Small Christian communities (SCCs) evange-lize families towards communion and mission”.

[15] Nghĩa là, “Small Christian communities evangelize the individuals to evangelize families to evangelize parishes to evangelize dioceses... towards communion and mission”.

[16] X. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn, Từ điển Bách khoa Việt Nam, Mục từ Việt Nam, NXB TĐBKVN, 2005, tr. 890-892.

[17] X. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, đôi khi gọi tắt là Toàn thư, là bộ quốc sử viết bằng văn ngôn của Việt Nam, viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê.

[18] X. Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, Quyển Thượng,  NXB Tp.HCM.

[19] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên giám 2016 Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2017, tr.470.

[20] X. Văn Lang thời Hùng Vương đã từng có chữ viết riêng? Internet, 16/4/2016, về nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền.

[21] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Niên giám 2016 Giáo hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, tr. 178-185

 

 


Trang Giáo Dục