ĐỨC ÁI VÀ CÁC NHÂN ĐỨC KHÁC

 

(Hướng dẫn sống đạo cho giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân)

 

(Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc)

 

 

Mục Lục

ĐỨC ÁI

 

I.                  BÁC ÁI LÀ YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ THIÊN CHÚA

 

II.               BÁC ÁI TRONG TÂM TÌNH

 

A.     CÁC CẤP ĐỘ BÁC ÁI TRONG TÂM TÌNH

1.      Chấp nhận.

2.      Kính trọng.

3.      Đón nhận.

4.      Dâng hiến.

 

               B. THIỆN CẢM, ÁC CẢM, TÌNH CẢM LỆCH LẠC

 

III.           BÁC ÁI TRONG TƯ TƯỞNG

 

IV.             BÁC ÁI TRONG LỜI NÓI

 

A.     LỖI ĐỨC ÁI TRONG LỜI NÓI

1.      Hữu ý.

2.      Vô tình.

3.      Lời nói đùa.

4.      Lời nói sau lưng.

5.      Cử chỉ.

 

B.     XÂY DỰNG TÌNH BÁC ÁI BẰNG LỜI NÓI

1.      Lời khích lệ.

2.      Lời an ủi.

3.      Lời thông cảm hay chia sẻ.

4.      Lời nói làm vui lòng người khác.

5.      Lời nói xây dựng.

6.      Cử chỉ.

 

V.                 BÁC ÁI TRONG HÀNH ĐỘNG

 

A.     NGHĨA RỘNG

 

B.     NGHĨA HẸP

1.      Hành vi hòa giải.

a.      Hành vi hòa giải với tha nhân.

b.      Hành vi hòa giải người khác.

c.      Hành vi tha thứ.

2.      Hành vi phục vụ.

a.      Hành vi giúp đỡ.

b.      Hành vi phục vụ.

3.      Hành vi chia sẻ.

4.      Các hành vi tốt.

 

CÁC NHÂN ĐỨC KHÁC

 

I.                  KHÔN NGOAN

 

II.               CÔNG BÌNH

 

III.           DŨNG CẢM

A.     MẠNH DẠN

B.     CAO THƯỢNG

C.     KIÊN TÂM

D.    NHẪN NHỤC

 

IV.             TIẾT ĐỘ

A.     TIẾT DỤC

B.     RỘNG RÃI

C.     HIỀN LÀNH

 

 

 

ĐỨC ÁI

 

I. BÁC ÁI LÀ YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ THIÊN CHÚA.

 

Thiên Chúa là “Lòng Mến”, Thiên Chúa là “Tình Yêu”. Ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa (1Ga 4, 7).

 

Nếu chúng ta không yêu thương, thì chúng ta không biết Thiên Chúa và không có sự sống đời đời.

 

Nhưng tình yêu nơi chúng ta không bắt nguồn từ chúng ta, mà bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước và đã sai Con của Người đến làm lễ hy sinh vì chúng ta (1Ga 4, 10).

 

1Ga 4, 11 nhấn mạnh : “Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta như thế, thì chúng ta cũng phải yêu mến nhau”. Nếu chúng ta yêu mến nhau, Thiên Chúa mới lưu lại trong chúng ta. Dấu hiệu chúng ta lưu lại trong Người, và Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta (1Ga 4, 12 – 13).

 

Phaolô cũng khẳng định : “Lòng Mến của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta” (Rm 5, 5).

 

1. Yêu thương như Thiên Chúa (1Ga 4, 11), yêu thương như Đức Giêsu (Ga 15, 12) là những đòi hỏi quá lớn đối với chúng ta. Chúng ta không cách nào thực hiện được. Chỉ có một cách duy nhất là nhờ Chúa Thánh Thần, là “sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa”, của Đức Kitô, ở trong chúng ta, yêu mến trong chúng ta. Chúng ta yêu mến nhờ Thánh Thần, bằng tình yêu của Thánh Thần. Đó mới là “đức ái siêu nhiên”. Và đó là điều Thiên Chúa muốn.

 

2. Chỉ khi nào có một cái nhìn siêu nhiên như thế về đức ái, chúng ta mới hiểu được Bài Ca Đức Ái trong 1Cr 13, 1 – 13.

 

Trong bài ca này, một đàng Phaolô dùng ngôn ngữ rất siêu nhiên, phải có quan điểm siêu nhiên mới hiểu được :

 

Nếu có mọi thứ tài, mà không có lòng mến, thì chỉ như thùng rỗng kêu to (c. 1).

 

Nếu có nhiều ơn, cả những ơn trọng đại, mà không có lòng mến, thì vẫn là số không.

 

Nếu cho đi tất cả, hy sinh mạng sống, mà không có lòng mến, cũng chỉ là hư vô.

 

Lòng mến ở đây phải hiểu theo nghĩa hoàn toàn siêu nhiên, và đó là Tình Yêu của Thiên Chúa trong chúng ta, là Thánh Thần của Thiên Chúa trong chúng ta.

 

3. Nhưng đàng khác, khi kê khai những đặc tính của lòng mến (khoan dung, không ghen tuông, không ích kỷ, không tự mãn, kính tin, trông cậy, kiên nhẫn, không chấp nhất, không ba hoa, không khiếm nhã, biết chia vui … (c. 4 – 7), chúng ta thấy một ngôn ngữ hết sức tự nhiên, gần gũi, thực tế.

 

Ngôn ngữ tự nhiên không đi ngược với ngôn ngữ siêu nhiên, nhưng hài hòa với ngôn ngữ siêu nhiên, được lồng vào ngôn ngữ siêu nhiên. Nhiều yếu tố tự nhiên tốt đẹp nơi chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chúa, và phải luôn bắt nguồn từ đó.

 

4. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần, Vị Thầy dạy yêu mến, làm việc nơi con người chúng ta bằng những đường lối nhân bản, phù hợp với con người chúng ta. Chúa Thánh Thần, tác giả của biến cố nhập thể, sẽ làm cho chúng ta nên người giống Đức Giêsu Kitô, hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên những người con, giống Con Yêu Dấu của Thiên Chúa.

Muc luc

 

II. BÁC ÁI TRONG TÂM TÌNH.

 

A. CÁC CẤP ĐỘ BÁC ÁI TRONG TÂM TÌNH.

 

Yêu thương là hành vi của trái tim, nên khởi sự trong tâm tình.

 

Chưa có tâm tình yêu thương là chưa yêu thương.

 

1. Chấp nhận.

 

Mức tối thiểu, điều kiện tối thiểu để có tâm tình yêu thương là chấp nhận con người tha nhân, dù tha nhân làm những điều mà mình không thích, có những cái không phù hợp với mình.

 

Có khi, theo tự nhiên, hai người không sống với nhau được. Nhưng với lòng bác ái siêu nhiên, thì được.

 

Tâm tình bác ái chính là tình yêu của Thánh Thần, ở trong tâm hồn chúng ta, thánh hóa biến đổi tâm tình chúng ta.

 

2. Kính trọng.

 

Mức độ thứ hai cao hơn mức độ chấp nhận là sự kính trọng. Yêu thương là kính trọng, không chỉ kính trọng bên ngoài, mà kính cẩn thẳm sâu trong tâm hồn. Người nào cũng sung sướng khi được kính trọng. Một con người bác ái không bao giờ coi thường ai cả, không bao giờ khinh dể ai cả. khinh dể là thái độ hoàn toàn trái ngược với yêu thương.

 

3. Đón nhận.

 

Yêu thương là đón nhận : đón nhận tình yêu, lời nói, cử chỉ, con người của tha nhân vào trong tâm hồn. tha nhân như người khách quý chúng ta đón vào nhà. Thái độ từ khước và lãnh đạm hoàn toàn trái ngược với đức ái (có thể từ chối nhưng đừng từ khước).

 

4. Dâng hiến.

 

Mức độ cao nhất của tình yêu là dâng hiến. Dâng hiến cuộc đời cho Chúa, cho Giáo Hội, cho Hội Dòng, cho anh chị em, vì tha nhân là Chúa Kitô.

 

Kết luận : Bác ái là của một khoa học yêu thương. Nhưng đây không phải là bài học của trí tuệ, mà là bài học của trái tim.

 

B. THIỆN CẢM, ÁC CẢM, TÌNH CẢM LỆCH LẠC

 

Có cảm tình với ai là một điều tốt, càng có nhiều cảm tình càng tốt. Dễ có cảm tình với người khác là bằng chứng tình yêu dào dạt nơi con người của mình. Tình yêu đang triển nở, đang sống nơi con người của mình. Và tình yêu ấy cần phải lớn lên. Con người của chúng ta phải càng ngày trở nên dễ thương hơn. Ít hoặc khó có cảm tình với tha nhân là dấu hiệu không lành mạnh.

 

+ Học yêu thương là nỗ lực không ngừng biến ác cảm thành thiện cảm. Đây là lãnh vực cần chiến đấu nhiều hơn cả để chế ngự bản năng ganh ghét trong con người của mình.

 

+ Tình cảm lệch lạc là một tình cảm không trong sáng, không bình thường, chi phối tâm hồn và làm cho mất tự do.

Muc luc

 

III. BÁC ÁI TRONG TƯ TƯỞNG

 

Tư tưởng và tâm tình là hai lãnh vực rất gần nhau, nhưng phân biệt với nhau. Có khi tâm tình chi phối tư tưởng, có khi ngược lại. Sự chi phối này có khi tích cực và tốt đẹp, nhưng cũng có khi rất tiêu cực và gây nhiều thiệt hại. Những khi ấy, phải cố gắng tách riêng tâm tình và tư tưởng.

 

a. Người ta thường lỗi đức ái rất nhiều trong tư tưởng, vì hay xét đoán người khác. Đó là điều Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại không ngừng, và đôi khi Người còn nhấn mạnh nữa : Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Có khi Người dùng lời lẽ rất nặng để nói về những ai hay lên án kẻ khác : “Đồ giả hình”. Theo các sách Tin mừng, hạng người đáng ghét nhất là hạng người này.

 

Vậy sự xét đoán ấy là gì ?

 

Không gì khác hơn là một “phán đoán” tiêu cực, khắc khe, bất công trong tư tưởng chúng ta về một người. Phán đoán xấu ấy sẽ ảnh hưởng trên tâm tình chúng ta, làm cho chúng ta không yêu được người ấy. Phán đoán xấu có khi chi phối cả lời nói và hành động của chúng ta.

 

b. Muốn có bác ái trong tư tưởng, phải không ngừng điều chỉnh phán đoán của chúng ta về người khác. Đừng tuyệt đối hóa phán đoán của mình nhưng phải khiêm nhường nhận thức giới hạn của nó.

 

Sự khiêm nhường sẽ dẫn tới xét lại phán đoán nhờ tìm hiểu, đối thoại, nhờ thực tại khách quan.

 

Có những phán đoán rất khó sửa đổi và gây ra rất nhiều thiệt hại và đau khổ cho người khác, đó là những thành kiến. Thành kiến là phán đoán xấu và sai, giống như một cây xấu đã mọc rễ trong đầu óc chúng ta, khó mà nhổ đi được. Nhưng muốn sống đức ái trong tư tưởng, phải mạnh dạn nhổ bỏ thành kiến.

 

Con người chỉ có thể xóa bỏ thành kiến khi có đức ái siêu nhiên cao độ, có một khát vọng yêu thương làm cho con người vượt ra khỏi chính mình. Khi đã xoá bỏ được thành kiến, con người đạt tới sự gặp gỡ, sự hiệp thông chân thật với tha nhân.

 

Một khía cạnh tích cực khác của việc tập sống đức ái trong tư tưởng là tập “phê phán bao dung”. Phải không ngừng chiến đấu chống lại khuynh hướng khắt khe trong con người chúng ta : - thường xuyên nghĩ tới sự yếu đuối của bản thân - không ngừng suy niệm về lòng nhân từ của Thiên Chúa.

 

Ngoài ra, thái độ tin tưởng sáng suốt vào con người (lòng tin) là nền tảng cho một phán đoán vừa khách quan, vừa bao dung. Thái độ tin tưởng của chúng ta có thể làm cho người khác sung sướng và triển nở tốt đẹp.

Muc luc

 

IV. BÁC ÁI TRONG LỜI NI

 

A. LỖI ĐỨC ÁI TRONG LỜI NÓI

 

Cổ nhân có câu : “Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy”  (một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp).

 

Lời nói của con người có thể có hậu quả rất lớn và rất phức tạp ; có thể ích lợi hay tai hại, xây dựng hay phá đổ. Chính vì thế, bác ái rất cần trong lời nói.

 

Muốn bác ái trong lời nói, trước hết phải tế nhị, tránh những lời nói làm thiệt hại hay gây buồn phiền. Có thể đó là những lời nói hữu ý hay vô tình.

 

1. Hữu ý

 

Đức ái đòi buộc chúng ta đừng bao giờ có ý xúc phạm hay làm phiền lòng người khác bằng lời lẽ của mình :

 

+ Lời nói “khó chịu” phản ảnh bản năng gây hấn của con người. Chúng ta không thể hoàn toàn chế ngự bản năng gây hấn, nhưng có thể làm cho dịu bớt.

 

+ Lời chọc tức có thể đưa tới những hậu quả xấu, trầm trọng hơn cả là làm cho tha nhân mất bình an nội tâm.

 

+ Lời nói sỉ nhục thì hoàn toàn đi ngược với tinh thần Phúc Âm, ngược với thái độ kính trọng mà mỗi người Kitô hữu phải có đối với tha nhân (Mt 5, 22).

 

2. Vô tình

 

Đôi khi những lời nói vô tình cũng gây thiệt hại trầm trọng cho kẻ khác.

 

Có những lời nói vô tình làm cho người khác phiền muộn lâu dài, nhất là những lời nói phản ảnh phán đoán tiêu cực của chúng ta. Chúng ta không thể tránh hết các lời nói vô tình gây thiệt hại cho người khác, nhưng đức ái đòi chúng ta phải cảnh giác tối đa để khỏi làm phiền lòng họ. Ăn nói tế nhị vừa là một bài học nhân bản tự nhiên, vừa là một bài học bác ái siêu nhiên. Những người hay va chạm với người khác trong lời nói, cần phải ở khiêm nhường, tập uốn nắn và điều chỉnh cách ăn nói của mình.

 

3. Lời nói đùa

 

Cần tránh những lời nói nửa đùa nửa thật để nhạo báng người khác. Vì là nửa đùa nửa thật, những lời nói này đã hàm ý đánh giá, biểu lộ một phần tâm tư người nói.

 

Những lời nói thuần túy bông đùa có thể tạo niềm vui cho kẻ khác, đánh tan bầu khí giá lạnh. Nhưng chúng cũng có giới hạn mà mỗi người phải nhận ra, để tránh gây thiệt hại uy tín cho người khác, khỏi làm phiền lòng người khác cách vô lý.

 

4. Lời nói sau lưng

 

Nói hành, nói xấu, làm thiệt hại uy tín và danh dự người khác, là điều lỗi đức ái nặng. Ganh tỵ là nguyên nhân chính gây ra nói hành nói xấu.

 

Có những người, do tính tự nhiên, nghiêng về việc nói xấu. Tính tình này là một nết xấu phải sửa đổi.

 

Chúng ta lỗi đức ái nặng nề nhất, khi lời nói sau lưng hoàn toàn đi ngược với lời nói trước mặt. Khuynh hướng này biểu lộ sự hèn nhát, không xứng với người Kitô hữu là con cái sự thật.

 

5. Cử chỉ

 

Chúng ta cần lưu ý những cử chỉ đi ngược với đức ái :

 

+ Ẩu đả, vũ phu.

+ Những cử chỉ xua đuổi, xa lánh.

+ Những cử chỉ bực dọc quá đáng.

 

B. XÂY DỰNG TÌNH BÁC ÁI BẰNG LỜI NÓI

 

Chúng ta thường lỗi đức ái trong lời nói nhiều hơn cả, ngược lại cũng có thể xây dựng tình bác ái bằng lời nói nhiều hơn cả. Điều này đòi hỏi một ý thức mãnh liệt và thường xuyên. Nhờ ý thức mà chúng ta khám phá cơ hội thi hành bác ái bằng lời nói.

 

Bác ái trong lời nói không là ăn nói đưa đẩy hay tìm cách lấy lòng người khác bằng lời xu nịnh, cũng không phải là lời nói suông trên môi miệng, miễn trừ hành động thực tế. Nhưng là dùng lời nói như một yếu tố quan trọng để biểu lộ và xây dựng điều cốt yếu mà Đức Kitô dạy là tình yêu không giả dối.

 

Việc xây dựng tình bác ái bằng lời nói rất đa dạng, tùy người và tùy môi trường, nhưng cũng có những nét lớn căn bản :

 

1. Lời khích lệ

 

Lời nói khích lệ là lời nói tạo phấn khởi cho người khác, khi người ấy đang nỗ lực thi hành một công việc gì, hay đang cố gắng theo đuổi một chương trình gì.

 

Lời nói khích lệ có thể là lời khen chân thật, lời cổ võ, bày tỏ sự tin tưởng, lời biểu lộ cảm tình (những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn cần lời khích lệ hơn cả).

 

Lời khích lệ thực sự phải là lời chuyên chở ý muốn thăng tiến người khác, không mang màu sắc mỉa mai hay ghen tỵ, là lời chứa đựng tình yêu và biểu lộ tình yêu đối với người được khích lệ.

 

2. Lời an ủi

 

Lời an ủi là lời thông cảm với người khác, xoa dịu nỗi buồn hay sự thất bại của người khác. Lời an ủi càng cần thiết khi người khác đang đau khổ. Trong một vài trường hợp, lời an ủi được thay thế bằng sự hiện diện, một sự hiện diện chứa đầy tình thương.

 

3. Lời thông cảm hay chia sẻ

 

Có những trường hợp con người cần sự thông cảm hơn những thứ khác. Thông cảm là biểu lộ sự rung động của mình trước nỗi khổ của người khác. Lời nói thông cảm biểu lộ tâm hồn mở rộng đón nhận đau khổ của tha nhân (vui với người vui, khóc với người khóc).

 

4. Lời nói làm vui lòng người khác

 

Người ta có thể làm vui lòng nhau bằng quà tặng, cử chỉ, hành vi hay lời nói. Trong thực tế, lời nói là điều con người dễ xử dụng nhất để làm vui lòng người khác. Phải lựa lời nói để đẹp lòng nhau (bộ mặt nhân bản của đức ái).

 

5. Lời nói xây dựng

 

Lời nói xây dựng là lời bày tỏ sự thật để góp ý thăng tiến người khác hay xây dựng lợi ích chung.

 

Tùy cương vị mỗi người mà lời nói xây dựng mang sắc thái khác nhau :

 

- Lời của người trên phải đầy tình thương (đừng phẫn nộ) : khi lòng phẫn nộ, đừng nói, nên để lúc khác.

 

- Lời nói xây dựng của người dưới phải khiêm nhường : trình bày hay góp ý, chứ không dạy đời.

 

- Lời nói xây dựng của người ngang hàng phải là lời thân thiện (chia sẻ trong tình bạn).

 

 

6. Cử chỉ

 

- Thân thiện.

 

- Hòa giải.

 

- Phục vụ, giúp đỡ.

Muc luc

 

V. BÁC ÁI TRONG HÀNH ĐỘNG (Hành vi bác ái – 1Ga 3, 18).

 

Hành vi đức ái là bộ mặt thực tế của tình yêu Kitô giáo, nhờ đó sứ điệp Tin Mừng không còn thuần túy lý thuyết, hay là tình cảm suông, nhưng trở thành đời sống.

 

A. NGHĨA RỘNG

 

Bất cứ hành vi nào có động lực là lòng bác ái yêu thương, đều là hành vi bác ái. Theo nghĩa này,  mỗi người chúng ta đều được mời gọi sống đức ái tối đa. Đức ái dần dần phải trở nên linh hồn của mọi hành vi. Chúng ta luôn hành động vì yêu thương. Yêu thương trở thành hơi thở, sự sống, lương thực cần thiết cho người Kitô hữu. Con người thánh thiện là con người thấm nhuần tình yêu thương trong tư tưởng, lời nói, việc làm.

 

B. NGHĨA HẸP

 

Hành vi có nội dung bác ái, không những do động lực bác ái, mà còn biểu lộ lòng bác ái. Không phải lúc nào chúng ta cũng bó buộc làm những hành vi bác ái theo nghĩa hẹp, nhưng chắc chắn chúng ta bị đòi buộc phải làm khi có cơ hội. Những hành vi này bao gồm nhiều loại khác nhau, liên hệ tới cuộc sống thực tế và biểu lộ các khía cạnh khác nhau của đòi hỏi Tin Mừng.

 

1. Hành vi hòa giải

 

a. Hành vi hòa giải với tha nhân

 

Khi có xung đột với tha nhân, chúng ta phải tìm cách làm hòa với họ ; đức ái Kitô giáo đòi hỏi chúng ta đi bước trước (Mt 5, 23 – 25).

 

b. Hành vi hòa giải người khác

 

Khi có xung đột giữa những người có quan hệ với chúng ta, Tin Mừng đòi hỏi chúng ta tìm cách hòa giải họ với nhau, vì Tin Mừng muốn cho người Kitô hữu trở nên khí cụ bình an (đem yêu thương vào nơi oán thù).

 

c. Hành vi tha thứ

 

Khi có người xúc phạm đến chúng ta, chúng ta phải tha thứ, dù người ấy có xin lỗi hay không (đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn !).

 

2. Hành vi phục vụ

 

a. Hành vi giúp đỡ

 

Tùy trường hợp, tùy khả năng, chúng ta bị đòi buộc phải giúp đỡ những người thiếu thốn, hoạn nạn, những người cần đến chúng ta. Phải tập đức tính “hay giúp đỡ người khác”, vì đức tính này rất gần với Tin Mừng.

 

b. Hành vi phục vụ

 

Phục vụ là đòi hỏi của Tin Mừng, là ơn gọi của chúng ta. Đức Giêsu đã nêu gương phục vụ và đã yêu cầu theo gương Người (Ta đến để phục vụ). Công việc phục vụ có thể thuộc bình diện tinh thần hay vật chất.

 

3. Hành vi chia sẻ

 

Chia sẻ là hành vi đức ái có quan hệ tới tinh thần khó nghèo. Chỉ con người khó nghèo mới có thể từ bỏ một phần của cải để chia cho người khác (vật chất + tinh thần).

 

4. Các hành vi tốt

 

Các hành vi tốt nhằm làm vui lòng người khác là những hành vi bác ái tham gia vào tình yêu của Thiên Chúa, có thể làm nảy sinh tình yêu nơi người khác, có giá trị cứu thế, khi được thực hiện với tâm tình của Chúa.

Muc luc

 

 

CÁC NHÂN ĐỨC KHÁC

 

Nhân đức là một thứ tập quán tốt làm cho con người thực hiện những việc lành cách dễ dàng và tốt đẹp.

 

Nhân đức còn là một thứ sức mạnh nội tâm giúp con người vượt qua những trở ngại để đạt tới sự thiện trong đời sống.

 

Nhân đức được định nghĩa là cách sống, cách cư xử hay thái độ tốt đẹp, phù hợp với đạo lý làm người. Do đó khi nói đến nhân đức Kitô giáo, phải hiểu là cách sống phù hợp với đạo lý làm người theo nghĩa Kitô giáo. Nhân đức Kitô giáo là nhân đức của Tin Mừng, cách sống đạo làm người theo Tin Mừng. Nền tảng của cách sống này là đức ái hay lòng mến, phản ảnh lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

 

Tin Mừng không tách rời tự nhiên với siêu nhiên, nên khoa thần học luân lý hôm nay cũng không muốn tách rời tự nhiên với siêu nhiên khi bàn về các nhân đức.

 

Nhân đức không gì khác hơn là những quan năng tự nhiên của con người đã được thanh luyện, được Phúc Âm hóa, hướng về những giá trị cao cả của Tin Mừng.

 

Vì cuộc sống con người có nhiều mặt, nhiều thứ quan hệ, nhiều loại sinh hoạt, nên cần có nhiều loại “sức mạnh tinh thần”, nhiều thứ “tập quán tốt” biểu hiện và phát huy các tiềm năng, làm cho con người triển nở đích thực, hướng về hạnh phúc viên mãn của mình và tha nhân.

 

Nói theo kiểu Aristote và thánh Thomas, con người là tiềm thể hướng về hiện thể, cần được trang bị các nhân đức, để cho hành trình hay biến chuyển này là một hành trình và biến chuyển theo chiều hướng tốt. Nhân đức giúp cho hành trình được mau lẹ, không chậm trễ, và chắc chắn đạt mục tiêu.

 

Thần học luân lý cổ điển phân biệt nhân đức làm hai loại tự nhiên và siêu nhiên (loại một do sức tự nhiên của con người nhằm đạt cứu cánh tự nhiên, loại hai do ơn siêu nhiên nhằm mục tiêu siêu nhiên). Nhân đức tự nhiên thường là đắc thủ, nghĩa là do con người gầy dựng, do tập luyện mà có, còn nhân đức siêu nhiên do thiên phú.

 

Thần học hôm nay ít thích kiểu phân biệt này, vì coi cái tốt “tự nhiên” cũng là hồng ân, và năng lực siêu nhiên bao hàm nỗ lực đáp trả của con người.

 

Thần học cổ điển có ưu điểm làm nổi bật những “nhân đức tự nhiên” có thể có ngay cả nơi những người không tin Chúa Kitô, và đôi khi còn trổi vượt hơn những người Kitô hữu. Điểm yếu là khuynh hướng tách rời Tin Mừng và rơi vào lý luận thuần túy nhân bản, khiến luân lý Kitô giáo không còn là “cách sống Tin Mừng” nữa. Vả lại những điều tốt “tự nhiên” không hẳn là thuần túy đắc thủ.

 

Đức ái là con đường siêu vời, là đặc sủng lớn nhất, mà Phaolô đã ca ngợi bằng những lời đẹp nhất trong Bài Ca Đức Ái 1Cr 13. Cũng chính Phaolô kê ra những đặc tính của đức ái như khoan dung, nhân hậu, không ghen tương, không tự mãn … Những đặc tính có thể một phần do tự nhiên, một phần do đắc thủ bằng những cố gắng thường nhật, nhưng chúng được bao hàm trong một quan hệ “siêu nhiên” với Thiên Chúa và tha nhân.

 

Đức ái là hoàng hậu các nhân đức, nhưng không lấn át làm lu mờ các nhân đức khác. Có người chủ trương cách sai lầm rằng hễ có đức ái, thì không cần nhân đức gì khác nữa. Trái lại, đức ái đòi hỏi nhiều nhân đức, đề cao các nhân đức và muốn cho các nhân đức ấy triển nở không ngừng. Đức ái là linh hồn các nhân đức, điều khiển và sử dụng các nhân đức như phương tiện cho sự sống của chính mình, đồng thời bồi dưỡng và làm nền tảng cho các nhân đức. Nhưng ngoài đức ái, đức tin và đức cậy là ba nhân đức đối thần, bao hàm tất cả đời sống Kitô giáo và có quan hệ chặt chẽ với nhau, còn một số nhân đức nền tảng khác, được gọi là “bản đức”.

Muc luc

 

I. KHÔN NGOAN

 

Khôn ngoan là một nhân đức thực tế, là nhân đức của hành động. Trong đời sống luân lý, có những nguyên tắc phổ quát cần phải được ứng dụng vào cuộc đời thực tế và muôn mặt, phức tạp và biến chuyển không ngừng. Con người phải có khả năng vận dụng sáng tạo trong từng hoàn cảnh. Khả năng thực tiễn ấy là nhân đức khôn ngoan. Người khôn ngoan thường là người quyết định đúng, hành động đúng , dù  hoàn cảnh tế nhị và khó khăn, dù phải ứng phó với những vấn đề gai góc và những quan hệ đa diện.

 

Có người coi khôn ngoan như một sự thận trọng theo nghĩa xấu, một sự tính toán dè dặt, không dám liều mình dấn thân. Nhưng đó chỉ là hình ảnh méo mó của nhân đức khôn ngoan.

 

Đức khôn ngoan Kitô giáo không bị trói buộc trong hạn giới tự nhiên, bằng không sẽ trở thành khôn ngoan theo kiểu thế gian, và đôi khi trở nên một sự đắn đo, cân nhắc ích kỷ. Đức khôn ngoan Kitô giáo phải dìm mình trong “cảnh vực thần linh”, bám rễ vào sự “khôn ngoan của thập giá” để khỏi trở nên sự khôn ngoan của xác thịt, của “con cái đời này”. Chính vì thế mà động lực của khôn ngoan là đức ái. Khôn ngoan Kitô giáo là bộ mặt thực tiễn của đức ái, là sự tính toán cân nhắc của đức ái. Sự khôn ngoan còn được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện làm cho con người trở nên sáng suốt, bình tĩnh, tin tưởng, và đó là điều quan trọng cốt yếu cho bất cứ quyết định hay hành động khôn ngoan nào.

 

Nhân đức khôn ngoan gắn liền với ơn khôn ngoan và ơn hiểu biết do Chúa Thánh Thần. Chúng ta nhận ra nơi những con người thánh thiện, đầy Thần Khí, những quyết định hay hành động rất khôn ngoan và sáng suốt trong những hoàn cảnh phức tạp, với một thời gian suy nghĩ ngắn ngủi. Tình yêu của thánh nhân đối với Thiên Chúa và tha nhân làm cho thánh nhân có “đôi mắt sáng”. Khả năng khám phá và sáng tạo của tình yêu Kitô giáo là vô hạn. Khả năng ấy là một hồng ân, vì chính đức ái cũng là hồng ân.

 

Nhưng vì đức ái, hay các ơn khác của Chúa Thánh Thần không là những sự vật từ trời rơi xuống trên ai thì người ấy hưởng nhờ, mà vừa là hồng ân, vừa là hoa quả của sự gặp gỡ tiếp xúc giữa Thiên Chúa và con người, nên đức ái và các ơn, đặc biệt là ơn khôn ngoan, không cho phép ỷ lại, lười suy nghĩ và cân nhắc. Nại vào sự quan phòng và hướng dẫn của Thiên Chúa mà không thực hiện những cố gắng cần thiết là coi thường công trình của Người, và đôi khi là thử thách Người.

 

Không vị thánh nào mà không có ơn Chúa. Cũng không vị thánh nào mà không nỗ lực và hy sinh. Trong lãnh vực hành động, thánh nhân thường suy nghĩ đắn đo, trao đổi và bàn hỏi với một tâm hồn khiêm nhu và rộng mở.

 

Nhân đức khôn ngoan thường được định nghĩa là “một khả năng đắc thủ của trí tuệ”, quen tìm ra những phương thế phù hợp để ứng dụng các nguyên tắc luân lý vào trong đời sống thực tế, nhưng không có nét nào của đức khôn ngoan mà không được đức ái “biến đổi”, khi tình yêu thnầ linh ấy bắt đầu tác động.

 

Nghe, nhìn, suy nghĩ, phán đoán rồi mới hành động là những chặng đường của nhân đức khôn ngoan. Kiên nhẫn trải qua các chặng đường này, con người sẽ tập được đức khôn ngoan và thường xuyên hành động đúng. Người Kitô hữu khôn ngoan là người biết cộng tác với ơn Chúa trong khi hành động. Càng trông cậy vào ơn Chúa, con người càng vận dụng trí tuệ mà Thiên Chúa ban. Càng dùng trí tuệ để nghiên cứu và phân tích, Kitô hữu càng tin tưởng vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.

 

Trong một hành vi khôn ngoan, ân sủng và tự nhiên quyện lấy nhau, con người và Thiên Chúa kết hiệp với nhau bằng thực tiễn. Người Kitô hữu sử dụng cả những nguyên liệu tự nhiên lẫn siêu nhiên để sống và hành động. Ở đây, chúng ta có thể phân biệt các phương thế hành động, nhưng không tách biệt. Có lúc phương tiện tự nhiên, lúc khác phương tiện siêu nhiên nổi bật hơn, nhưng chúng không bao giờ khai trừ nhau, trái lại bao hàm lẫn nhau trong tâm hồn Kitô hữu.

 

Sự khôn ngoan của người Kitô hữu, kể cả về phương diện tự nhiên, có mục tiêu cuối cùng hoàn toàn siêu nhiên là làm sáng danh Thiên Chúa, làm vui lòng Ngài như Thánh Têrêsa Giêsu Hài Đồng đã nói, vì động lực căn bản này hành động trong tâm hồn Kitô hữu, sự khôn ngoan đích thực cuối cùng trở nên sự đơn sơ chân thành kết hợp chân lý và tình yêu trong mỗi hành động : Kitô hữu thi hành sự thật trong lòng mến.

Muc luc

 

II. CÔNG BÌNH

 

Hơn bất cứ lãnh vực nào, lãnh vực công bằng được các nhà luân lý coi như lãnh vực thuần túy tự nhiên.

 

Nhân đức công bằng được định nghĩa là “chấp nhận và tôn trọng quyền lợi của người khác”. Mỗi người đều là “hình ảnh của Thiên Chúa”, là chủ vị tự do, nên có những quyền lợi vật chất và tinh thần bất khả xâm phạm. Mọi người đều bình đẳng, có quyền sống xứng đáng và được kính trọng.

 

Mới nghe qua, nhân đức công bằng được coi như một nhân đức tối thiểu cần phải có, dù là đối với Kitô hữu hay đối với người ngoại đạo. Vì quan niệm này mà nhiều người ít để ý đến sự công bằng, và hậu quả là công bằng bị quên lãng, quyền lợi con người bị chà đạp.

 

Sự bất mãn, đặc biệt là của những người nghèo đã nhiều lần bùng nổ dữ dội trong lịch sử loài người. Bài học lịch sử bó buộc người Kitô hữu phải đặt lại vấn đề công bằng. Không thể rao giảng tình thương nhẫn nhục, chịu đựng, để kiềm hãm sự phẫn uất của bao nhiêu người chưa được coi là người.

 

Đức ái không bị giới hạn trong công bằng, nhưng bao hàm và đòi hỏi công bằng. Yêu thương một người đòi hỏi trước tiên phải kính trọng người ấy. Và kính trọng một người đòi buộc phải tôn trọng những quyền lợi của người ấy cách thực tế.

 

Tôn trọng quyền lợi của một con người trong một xã hội luôn luôn có tranh chấp không phải là một chuyện đơn giản. “Ý thức tối thiểu” về sự công bằng không đủ để cho người Kitô hữu cư xử đúng đắn trong một xã hội đầy dẫy những biến chuyển phức tạp. Cần phải có một ý thức tối đa về công bằng, vì không bao giờ chúng ta có thể khám phá hết các quyền lợi của con người. Phẩm giá của con người, với những tiến bộ của xã hội và lịch sử, càng ngày càng bao hàm thêm nhiều yếu tố mà trước đây người ta chưa nhận ra.

 

Về phương diện này, phải công nhận tính xúc tác của đức ái Kitô giáo đối với những khám phá mới mẻ và đúng đắn về công bằng. Tình yêu đích thực cho chúng ta “đôi mắt sáng” để nhận ra những đòi hỏi của phẩm giá con người, đặc biệt là nơi tha nhân.

 

Có người nói rằng điều hôm qua là bác ái, hôm nay là công bằng, và điều hôm nay là bác ái sẽ là công bằng đối với những thế hệ mai sau. Khẳng định này có hơi quá đáng, nhưng có một ý nghĩa sâu xa. Những cải cách xã hội đều tuân theo quy luật này, dù nhiều khi không có ý thức minh nhiên. Thực ra, đó là ảnh hưởng tiềm tàng nhưng mãnh liệt của “men trong bột”. Người ta không thấy men, mà chỉ nhận ra đấu bột mỗi ngày một lớn thêm. Lãnh vực công bằng mỗi ngày một nới rộng, và hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, khi đề cập đến công bằng, người ta không thể bỏ qua “công bằng xã hội”.

 

Ngày trước, người ta quan niệm “của ai trả cho người đó” là công bằng. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Ngày nay, người ta khẳng định mỗi người phải có phần của mình trong xã hội, để sống xứng đáng là con người. Xã hội phải được tổ chức cách nào để bảo đảm cho con người quyền sinh tồn và phát triển. Thần học luân lý phân biệt công bằng giao hoán và công bằng phân phối. Ngày nay, hai thứ công bằng này phải đi đôi, không thể tuyệt đối hóa một thứ và tách rời khỏi thứ công bằng kia. Tuyệt đối hóa công bằng giao hoán mà không để ý đến hoàn cảnh nghèo đói của tha nhân là xúc phạm công bằng. Tuyệt đối hóa công bằng phân phối và coi thường công bằng giao hoán cũng là bất công, vì khuyến khích sự lười biếng, và do đó làm cho con người và xã hội chậm phát triển.

 

Đối với người Kitô hữu, công bằng là lãnh vực tự nhiên, nhưng không tách rời khỏi siêu nhiên. Trong những hoàn cảnh phức tạp và có nhiều cám dỗ về tiền bạc, người Kitô hữu phải có “khả năng từ bỏ” để có thể thực thi công bằng đúng mức. Vả lại sự công bằng đôi khi rất khó và đòi hỏi một đức ái mãnh liệt mới làm nổi.

 

Khi đề cập đến nhân đức công bằng, phần nhiều người ta chỉ nghĩ đến phương diện vật chất, mà không nghĩ đến phương diện tinh thần cũng rất quan trọng. Người ta xúc phạm danh dự nhau cách dễ dàng bằng những hành vi như bôi nhọ, nói xấu, làm sỉ nhục. Sự tôn trọng nhân phẩm con người thuộc phạm vi công bằng. Tích cực hoạt động bênh vực nhân phẩm con người là tích cực hoạt động cho công lý.

 

Khi nói đến công bằng, người ta cũng hay quên các loại nghĩa vụ của mình đối với tha nhân, đối với gia đình, xã hội và tổ quốc. Một người thực hiện đến nơi đến chốn lòng hiếu thảo đối với cha mẹ già là một con người yêu thương thực tiễn, chứ không bằng môi miệng. Bác ái và công bằng đối với cha mẹ là bổn phận của mỗi người con. Một người thiết tha xây dựng công ích là một con người hiểu và sống đức công bằng trên bình diện rộng lớn. Yêu mến tổ quốc cũng là một nghĩa vụ thiêng liêng đối với người Kitô hữu. Phản bội tổ quốc vì quyền lợi riêng tư là vi phạm đức công bằng trầm trọng, là một hành vi đáng nguyền rủa trên bình diện tự nhiên cũng như siêu nhiên.

Muc luc

 

III. DŨNG CẢM

 

Dũng cảm là một nhân đức luân lý tự nhiên, nhưng đối với người Kitô hữu, nó còn là một ơn siêu nhiên.

 

Dũng cảm là một sức mạnh tinh thần, là sự can đảm thi hành điều thiện, dù có nhiều khó khăn, ngăn trở đe dọa, hay phải chấp nhận một sự thiệt hại trước mắt.

 

Dũng cảm một phần là bẩm sinh, một phần do tập luyện. Rất nhiều người, ngoại đạo cũng như Kitô hữu, thiếu hẳn nhân đức này. Phần đông chúng ta mềm yếu, dễ thụt lùi trước những khó khăn, dễ lay chuyển trước những đe dọa hay áp lực bên ngoài. Hơn nữa, vì thiếu quảng đại hy sinh, chúng ta rất ngại thiệt thòi. Nhưng ơn gọi làm người rất cao cả và nhiều khi đòi hỏi con người phải can đảm mới có thể làm người đến nơi đến chốn. Ơn gọi bước theo Chúa Kitô còn đòi một sự can đảm lớn hơn. Như Chúa đã nói : kẻ nào mất mạng sống mình vì Ngài thì sẽ được lại (Mt 16, 25).

 

Dũng cảm không chỉ là sự gan dạ bẩm sinh. Một con người nhút nhát có thể dần dần trở nên dũng cảm nhờ tập luyện, nhờ lý tưởng cao thượng, nhờ ơn can đảm Chúa ban.

 

Dũng cảm là nhân đức vừa sâu, vừa rộng hơn sự gan dạ tự nhiên, bao hàm nhiều đức tính như mạnh dạn, cao thượng, kiên tâm, nhẫn nhục.

 

A. MẠNH DẠN

 

Sự mạnh dạn cần thiết cho thiện ích bản thân và tha nhân. Nếu phần đông chúng ta không mạnh dạn thực hiện một công việc, một chương trình, thì công việc và chương trình ấy không bao giờ thành đạt. Vĩ nhân thường là con người mạnh dạn, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Sự can đảm hành động phát  xuất từ nhiều động lực. Nếu động lực xấu hay mục tiêu xấu, thì hành vi của con người không thể gọi là dũng cảm. Con người dũng cảm vì lý tưởng, vì tình yêu, vì niềm tin.

 

Sự mạnh dạn vừa do sức mạnh nội tâm vừa do cái nhìn rộng rãi, muốn cho bản thân và tha nhân vươn lên và hưởng nhờ loợi ích công việc mình làm. Dấn thân là một hình thái mạnh dạn đưa tới những hành động đôi khi quyết liệt nhằm đạt mục tiêu. Kitô hữu được mời gọi dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

 

B. CAO THƯỢNG

 

Người ta thường ngưỡng mộ những tâm hồn cao thượng. Còn người cao thượng không có ý nghĩ nhỏ nhen, tầm thường, nhưng có cái nhìn quảng đại, rộng lớn. Cao thượng không phải là tham vọng, mà là sống tối đa giá trị làm người của mình, là vươn lên, là rộng mở, là khao khát và thực thi những giá trị chân thiện mỹ. Đức ái đòi hỏi sự cao thượng, và cũng làm cho tâm hồn con người dần dần trở nên cao thượng. Suy nghĩ về sự cao cả của con người, nhiều triết gia đã phải thốt lên những lời tán tụng. Platon nói : “Đẹp thay con người đích thực là người”. Psichari : “Cái quyền được làm người thực là kỳ diệu”. Sự vĩ đại của con người hệ tại ở tình yêu và tự do, và thể hiện bằng quan hệ với Thiên Chúa và tha nhân. Đức ái làm cho con người có khả năng vượt qua mọi giới hạn.

 

Cao thượng là hòa điệu giữa ân sủng và tự do, giữa tình yêu của con người và tình yêu của Thiên Chúa, giữa nỗ lực tự nhiên và ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Theo Pascal, dấu chỉ tâm hồn cao thượng nơi người Kitô hữu là : “Làm những việc nhỏ một cách cao cả, vì sự vĩ đại của Đức Kitô, Đấng đang sống và hành động trong chúng ta ; làm những việc lớn mà coi như nhỏ và dễ dàng, vì tin vào sự toàn năng của Người”. Người Kitô hữu vĩ đại do sự hiện diện của Chúa Kitô trong mình. Khả năng ngưỡng mộ người khác cũng là một dấu chỉ cao thượng, dấu chỉ một tâm hồn sống rộng mở, biết chimê ngưỡng, đón nhận những giá trị đến từ bất cứ nơi nào.

 

C. KIÊN TÂM

 

Thời gian là một yếu tố quan trọng trong đời sống con người. Thời gian cần thiết để cho con người lớn lên và trưởng thành, nhưng thời gian cũng có thể làm tiêu tan những khát vọng, những quyết tâm, làm phai nhạt những tâm tình và tư tưởng cao thượng. Vì thời gian gắn liền với con người, sự dũng cảm của con người phải đảm nhận chiều dài của thời gian. Con người không sợ thời gian, không lùi bước trước thời gian, nhưng kiên tâm bền vững voới thời gian. Kiên trì là một nhân đức biểu lộ sự vững chắc của con người. Nhờ kiên trì, con người thành đạt cả về phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, như Chúa đã nói, ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi (Mt 10, 22). Kiên trì biểu lộ ý thức sâu xa về thời gian và vĩnh cửu. Mỗi Kitô hữu đều thông phần vào vĩnh cửu ngay trong thời gian.

 

Kiên trì là chiến thắng bản thân và thời gian. Mỗi người đều có nội thù trong tâm hồn mình, đó là những khuynh hướng xấu, là sức ì làm tê liệt những dự tính, những chương trình hay quyết định tốt lành. Kẻ nội thù này sử dụng thời gian để ngăn chặn sự vươn lên không ngừng của con người. Ngoại cảnh là đối thủ đáng sợ khi có kèm theo thời gian. Vậy kiên trì là sức mạnh bền bỉ chiến thắng thời gian, vượt qua thời gian để đi về vĩnh cửu. Đối với người Kitô hữu, sức mạnh này ví như nhựa sống, chỉ có được khi con người không ngừng tiếp xúc với Nguồn Sự Sống là Thiên Chúa.

 

D. NHẪN NHỤC

 

Nhẫn nhục là một nhân đức mà thế giới hôm nay có khuynh hướng coi thường, vì người ta coi đó như là một thái độ mềm yếu, thụ động, từ khước quyền làm người.

 

Thực ra “nhẫn nhục” là một nhân đức của người có “chí lớn”, người không chạy theo hư danh, không cần thành công trước mắt. Con người nhẫn nhục là con người không để cho tâm hồn mình bị kích động, bị khiêu khích và lay chuyển bởi những sự dữ và những con người xấu. Nhẫn nhục còn phát xuất từ một tâm hồn dịu dàng, mà không mềm yếu. Con người nhẫn nhục là con người không muốn tranh chấp hơn thua, không vì lười biếng hay sợ thua, nhưng vì hiền lành và khiêm tốn. Nhẫn nhục là sự hài hòa giữa cứng rắn và dịu dàng. Một khiên thuẫn không rắng chắc sẽ không chịu đựng được tên bắn hay gươm đâm từ nhiều phía. Một con người không có tình yêu dịu dàng, thì dễ phẫn nộ và bất chấp.

 

Nhẫn nhục là sức mạnh nội tâm chữa lành các vết thương do tha nhân và hoàn cảnh gây ra cho mình, không để cho các vết thương lan rộng và giết chết tâm hồn mình. Nhẫn nhục là một nhân đức của trí tuệ chế ngự nỗi buồn và thậm chí chiến thắng sự chết. Nhẫn nhục là khả năng của ý chí khước từ cácm dỗ biểu dương sức mạnh, cám dỗ rời bỏ con đường tình yêu của Đức Giêsu. Nhẫn nhục là sức mạnh của thập giá, là sức mạnh vô biên trong cái vỏ bên ngoài yếu đuối, và sức mạnh ấy là sức mạnh của tình yêu. Ngoài logích của tình yêu, nhẫn nhục chỉ là đầu hàng hay là tính toán hơn thiệt, là hạ thấp phẩm giá mình để cầu lợi hay yên thân.

Muc luc

 

IV. TIẾT ĐỘ

 

Tiết độ là một nhân đức phần lớn được coi là do giáo dục. Châm ngôn “nhân đức đứng chỗ trung dung” ứng dụng đúng hơn cả cho nhân đức này. Tiết độ là một sự kiềm chế cần thiết những bản năng xấu nơi con người, để cho “lý trí được làm chủ và con người được tự do”. Con người có một khía cạnh sinh vật, nhưng khía cạnh ấy cũng phải được nhân bản hóa. Tiết độ là nhân đức giúp con người “sống cho ra cái giống người”.

 

Tiết độ trong vấn đề ăn uống là một việc xem ra rất nhỏ, nhưng sẽ đưa tới những kết quả lớn như sự tự chủ của bản thân, và sự kính trọng của tha nhân. Trên bình diện siêu nhiên, tiết độ là một sự hy sinh nâng cao phẩm giá con người, đồng thời đưa đến cho con người nhiều ân sủng.

 

Tiết độ không ngăn cấm con người ăn ngon mặc đẹp, vì đó cũng là những giá trị trang điểm cho cuộc đời, những giá trị có thể trở nên yếu tố của văn hóa và văn minh nhân loại. Nhưng sự chừng mực bao giờ cũng mang lại cho con người sự vui sướng và sự trang nhã của kiếp người.

 

Sự tiết độ giải thoát con người khỏi nô lệ của cải vất chất, và do đó đi đôi với đức khó nghèo. Kitô hữu không quá bận tâm ngày mai mình sẽ ăn gì, uống gì, nhưng bận tâm tìm Nước Trời trước đã. Tiết độ là một nhân đức tự nhiên có âm vang siêu nhiên.

 

A. TIẾT DỤC 

 

Trong lãnh vực đời sống vợ chồng, tiết độ là dấu chỉ của một tình yêu cao cả, không giới hạn vào bản năng xác thịt, một tình yêu được thánh Phaolô so sánh với tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Tiết độ không phủ nhận bản năng tính dục, trái lại còn thăng hoa bản năng, làm cho bản năng góp phần vào hạnh phúc chân chính của đôi vợ chồng. Tiết độ không ngăn cấm vợ chồng hưởng niềm vui xác thịt, nhưng mang đến cho lạc thú ấy phúc lành của Thiên Chúa.

 

Ở đây luân lý Kitô giáo vừa lý tưởng, vừa thực tế, lý tưởng vì con người là tinh thần, thực tế vì con người là thể xác. Luân lý Kitô giáo theo quy luật tín lý của mầu nhiệm nhập thể, không coi thường thân xác, nhưng đề cao thân xác đúng mức, không để cho thân xác chế ngự tinh thần, làm cho nhân tính trở nên thú tính. Nhân đức tiết độ biểu lộ sự tự do của con người và củng cố sự tự do ấy ngay cả trong bản năng có khía cạnh sinh vật. Tiết độ là sự hài hòa kỳ diệu giữa trí tuệ và bản năng, làm cho sự phối hợp vợ chồng có giá trị biểu tượng sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Hai trở nên một, một mà vẫn là hai. Tiết độ vừa giúp cho tình yêu vợ chồng triển nở, vừa làm tăng truởng tình yêu của vợ chồng đối với Chúa Kitô. Chúa Kitô là người bạn của cả vợ lẫn chồng, không tranh cướp tình yêu vợ chồng, nhưng chúc phúc và nuôi dưỡng tình yêu ấy.

 

Nhân đức tiết độ còn có quan hệ với tình yêu con cái, với sự sinh đẻ có trách nhiệm. Người con sinh ra từ hành vi phối hợp vợ chồng không cho phép hành vi ấy là một hành vi thuần túy sinh vật. Người con sinh ra là hoa quả, là mục tiêu của hành vi ấy, nên đòi hỏi hành vi ấy phải là một hành vi tự do, một hành vi yêu thương đích thực, một tác động được cử hành xứng đáng với phẩm giá con người.

 

Nhân đức tiết độ trong đời sống vợ chồng sẽ giúp cho họ hiểu sâu xa giá trị cao cả của sự trinh khiết vẹn toàn trong bậc sống tu trì.

 

Sự tiết dục hoàn toàn là dấu chỉ của sức mạnh tinh thần chế ngự những bản năng xác thịt một cách hữu hiệu và bền bỉ. Sự chế ngự này hoàn toàn có tính chất tự do và tự nguyện. Con người khiết tịnh không là một người bất lực, nhưng là người có ơn gọi đặc biệt, tự do đáp trả ơn gọi ấy. Đó là ơn gọi biểu lộ trong đời sống dâng hiến của mình bộ mặt của thế giới cánh chung, một thế giới tuyệt đối vĩnh hằng không khai trừ những cái tương đối, nhưng không bị ràng buộc vào tương đối. Cùng một tình yêu,  nhưng tình yêu này chọn một con đường khác, con đường đặc thù mang màu sắc phổ quát, con đường phục vụ tha nhân và Thiên Chúa, con đường xả thân trọn vẹn, không vì một người, nhưng vì nhiều người, con đường hy tế tuyệt đối, con đường lễ vật toàn thiêu. Cuộc sống hoàn toàn tiết dục chỉ có ý nghĩa trong cái “logích” của tình yêu tuyệt đối.

 

Bậc hôn nhân và bậc đồng trinh không chống đối nhau, nhưng bổ túc cho nhau, làm nổi bậc giá trị của nhau, giá trị của tình yêu quá lớn lao, không trói buộc vào một cách sống duy nhất. Nhà Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu có nhiều chỗ ở, chỗ dành cho tình yêu vợ chồng, chỗ dành cho tình yêu tân hiến. Cùng một tình yêu chứa đựng và nuôi dưỡng các hình thái yêu thương khác nhau của loài người.

 

B. RỘNG RÃI

 

Trong lãnh vực của cải, đức tính “rộng rãi” là một hình thái tiết chế sự tham lam. Rộng rãi không phải là “hoang phí”, là vung tiền mua hết các thú vui ở đời. Nhưng rộng rãi là một sự tự do đối với tiền bạc. Con người rộng rãi làm chủ, chứ không làm tôi tiền bạc. Rộng rãi đối nghịch với hà tiện là thói tham lam, bủn xỉn, ham mê tiền bạc đến nỗi làm nô lệ cho nó.

 

Người rộng rãi là người nhận định đúng giá trị của tiền bạc, biết xử dụng nó khi cần, biết dùng cho công ích, biết xử dụng cho công việc bác ái từ thiện. Nhiều chỗ trong Tin Mừng nói về của cải, yêu cầu con người đừng bám vào của cải, đừng tôn thờ của cải, vì không ai có thể làm tôi hai chủ. Tính rộng rãi có thể đi đôi với sự nghèo khó về vật chất, như trường hợp bà góa được Chúa Giêsu ca ngợi trong sách Tin Mừng. Người rộng rãi là người biết ban phát, biết cho đi mà không hối tiếc. Sự rộng rãi về vật chất biểu lộ một phần nào sự quảng đại của tâm hồn. Nhưng quan tọng hơn cả là tinh thần khó nghèo của Tám Mối Phúc Thật. Người nghèo theo Kinh Thánh là người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, và do đó hoàn toàn tự do đối với của cải vật chất. Rộng rãi còn đi đôi với vị tha. Người rộng rãi ít tiêu xài cho mình, nhưng sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn, thậm chí tất cả những gì mình có vì mục tiêu bác ái, hay để xây dựng những giá trị thiêng liêng cho bản thân và tha nhân. Chúa Giêsu đã mời gọi người thanh niên trẻ tuổi bán hết của cải lấy tiền cho kẻ khó và bước theo Người. Anh đã buồn rầu từ chối, vì tâm hồn của anh chưa đạt đến mức tự do hoàn toàn.

 

C. HIỀN LÀNH

 

Hiền lành không phải là lù đù, là yếu mềm hay lãnh đạm, ít nhạy cảm trước sự dữ. Nhân đức hiền lành là biết tiết chế sự giận dữ, làm chủ sự phẫn nộ của mình. Phẫn nộ trước sự dữ, nhưng không phẫn nộ đối với con người là dấu chỉ sự hiền lành sâu thẳm. Hiền lành là một đặc tính của đức ái sáng suốt phân biệt tội lỗi và tội nhân. Chúa Giêsu tự xưng là người hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Người thương yêu các tội nhân và những người yếu đuối nghèo khổ. Người mời gọi chúng ta noi gương Người. Nhưng Người đã tỏ ra cứng rắn với sự giả hình và sự cứng lòng.

 

Đối với đa số chúng ta, hiền lành là kết quả của một sự chiến thắng không ngừng những bực tức nảy ra trong lòng. Người hiền lành đích thực là một tâm hồn luôn hướng về sự thiện, là một tâm hồn dào dạt tình yêu, chỉ muốn sự lành cho người khác, không bao giờ muốn làm hại ai, không muốn cho người khác buồn phiền đau khổ vì mình, nhưng sẵn sàng chịu đau khổ vì kẻ khác. Hiền lành cũng là một nhân đức nằm trong Tám Mối Phúc Thật, phản ánh lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Người hiền lành không phải là người không bao giờ mất lòng kẻ khác, vì thiếu can đảm nói lên sự thật, hay vì một nhu cầu tình cảm bệnh hoạn, nhưng là một người tử tế, dễ thương, biết sống, biết ăn ở, là một người tế nhị biết để ý tới nhu cầu của người khác, biết làm đẹp lòng tha nhân trong những điều lành mạnh.

 

Muc luc

HẾT

 

 

 

 

 

 

 


Trở Về Trang Mục Lục Giáo Dục
Trở Về Trang Nhà