2. NHƯ NƯỚC CHO CÁ – TINH THẦN GIA ĐÌNH

 

Nếu gia đình hạnh phúc là một trò chơi ghép hình thì mảnh ghép được tạo nên từ điều gì? Hay có thể hỏi tương tự: viên gạch để xây nên một gia đình hạnh phúc là gì? Tinh thần gia đình là một thành ngữ tiêu biểu mà Don Bosco dùng làm nền tảng cho hệ thống giáo dục của ngài.

Don Bosco muốn rằng các Học viện của ngài được gọi là “nhà” và trong tập sách Hệ thống Dự phòng ngài đã viết: các nhà giáo dục phải là “những người cha nhân ái”. Ngài đã cố gắng dùng thành ngữ này để diễn tả một bầu khí, tuy khó diễn tả và khó định nghĩa nhưng lại lột tả cách sáng sủa điều gì đó giống như nước cần cho cá vậy. Bầu khí gia đình là điều gì đó khiến người ta thốt lên cách chân tình: “Ở đây thật thoải mái”. Yếu tố nào tạo nên tinh thần gia đình? Don Bosco đã linh cảm cách sáng tỏ rằng gia đình không được thiết lập do quan hệ huyết thống, do động lực kinh tế, tài chính, pháp lý hoặc xã hội. Và thậm chí tôn giáo cũng không. Mối dây độc nhất “làm nên” gia đình là tình nghĩa, tình yêu.

Chính tình yêu là mảnh đất duy nhất cung cấp cho trẻ thơ và thanh thiếu niên dưỡng chất nhân bản, đạo đức, tâm lý và văn hóa, điều cho phép chúng nên người. Tình yêu là đá tảng vững chắc trên đó người ta có thể xây dựng ngôi nhà của mình.

Có thể định nghĩa gia đình là cái nôi phát sinh tình cảm. Gia đình hạnh phúc là một gia đình sống trong bầu khí yêu thương chân tình, yêu hết mình, yêu sâu xa và yêu bền bỉ. Cái nôi vững chắc này là nền tảng khởi đầu cho việc xây dựng một cái tôi giá trị.

Và tình yêu được cụ thể hóa trong một loạt nhân tố quan trọng: những nhân tố tạo nên “tinh thần” đích thực của gia đình.

Sự tham gia. Đó là việc tham dự và o, việc “muốn làm”, việc đầu tư thời gian, năng lực, ý chí, cống hiến, hy sinh: nói cách khác, những điều mà chính cá nhân trao tặng cho gia đình. Gia đình là ưu tiên số một. Quá nhiều gia đình “chết dần chết mòn” chỉ vì sự chểnh mảng.

Gia đình là một thể thống nhất, là nơi mà trước hết không một ai bị loại trừ, không một ai là khán giả thụ động, không một ai có thể nói “Tôi chẳng có liên quan gì”. Trong mối liên hệ tuần hoàn mỗi phần tử vừa là điểm khởi đầu vừa là điểm tới, vừa là người lãnh nhận vừa là người trao ban, trong hệ thống tuần hoàn của gia đình, mỗi người có chỗ đứng độc đáo, khiến cho nếu thiếu vai trò đó thì toàn bộ cơ cấu gia đình sẽ ra khác, nó sẽ là một gia đình “khác”. Bất cứ điều gì xảy ra trong gia đình mình, không ai có thể bàng quan nói được rằng: “Tôi đứng ngoài cuộc”, “không dính líu gì đến tôi”. Ngay cả những ai cố tình trốn tránh, những ai ăn càn nói dỡ cũng không thể nói: “Biết rồi ! Khổ lắm! Nói mãi!” và nghĩ rằng cách hành xử của mình không ảnh hưởng và không bị ảnh hưởng bởi người khác, hoặc từ bất cứ điều gì mình làm, giả sử cả khi mình ngủ suốt ngày, hoặc như muốn nói “Tôi chẳng dính líu gì cả” khi mình say bí tỉ; mọi toan tính trốn chạy thực tế là chuyện vô ích, bởi ngay khi phủ nhận” không có tôi” thì tôi đã chứng tỏ sự có mặt của tôi. Trong gia đình, mỗi người đều biết có hàng trăm ngàn cách thức mà mình đã mưu toan (hoặc mong muốn) để nói: “không có tôi”.

Tình tương thân tương ái (và nói về nó!). Tình yêu một chiều là điều vô lý và không bền lâu. Mỗi người có trách nhiệm về hạnh phúc gia đình mình.

Cùng làm. Khi được hỏi: “Để có một gia đình hạnh phúc theo bạn người ta cần điều gì?”, câu trả lời của 1500 thanh thiếu niên cho biết không phải là tiền bạc hay nhà lầu xe hơi, mà là “khả năng để cùng nhau làm điều gì đó”. Một người mẹ đã viết: “Chúng tôi sống bên nhau khi làm việc cũng như khi giải trí. Chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau hơn khi cùng nhau làm việc”.

Chuyện trò. Một ông bố kể rằng: “Chúng tôi dành nhiều thì giờ để trò chuyện với nhau cho thỏa thích. Và đôi khi chuyển sang một vấn đề, một tâm trạng hoặc một giá trị nào đó thúc đẩy chúng tôi nhập cuộc và thảo luận. Nhưng nếu con trai tôi không thích nói về xe cộ hay thể thao, thì tại sao tôi không nói về vấn đề thời sự như việc buôn bán thuốc phiện trong trường học?”. Trên hết, các bậc cha mẹ cần học cách nói chuyện với con cái chứ không phải nói cho con cái.

Đánh giá cao. Cảm thấy được người khác quý trọng và đánh giá cao là một nhu cầu thiết yếu của con người. Trong các gia đình hạnh phúc, mỗi người được đánh giá và được quý trọng ở mức cao nhất. Một người mẹ viết: “Chúng tôi vào phòng con cái mỗi tối, ôm chúng vào lòng, hôn lên trán và nói với chúng : “Các con là những đứa trẻ thật đáng khen và ba mẹ rất yêu chúng con”. Chúng tôi tin rằng việc truyền đạt thông điệp này vào cuối mỗi ngày là điều quan trọng”.

Truyền thông. Gia đình là phương tiện đầu tiên để nhận biết thế giới: nơi truyền đạt các giá trị, luyện óc phán đoán, thu thập các khái niệm và các ý tưởng. Đây là nơi tốt nhất để cùng “thăng tiến”. Cách riêng việc truyền đạt tri thức được giao phó cho cha mẹ, nhưng phần cha mẹ cũng học được những điều quan trọng nơi con cái, các thông tin và xu hướng mới mà con cái mang về nhà. Điều quan trọng cần nhớ là con người học biết từ những kiểu mẫu. Người ta chẳng học một điều gì chỉ vì nó được nói cho biết. Người ta học bằng cách quan sát, nhận xét, nắm bắt một điều gì đó, đem nó vào thử nghiệm. Vì thế, người ta học tập trong gia đình.

Trợ giúp. Ở đâu người ta có thể tìm gặp người giúp đỡ và an ủi trong những lúc khó khăn nếu không phải ở trong gia đình? Gia đình lành mạnh là nơi mà người ta vào để tìm kiếm sự an ủi, để lớn lên và tái sinh, một nơi mà khi từ đó ra người ta được đổi mới và được tràn đầy sinh lực, được trang bị sức mạnh cần thiết để đương đầu với cuộc đời bằng cái nhìn tích cực.

Thử nghiệm. Gia đình là đất dụng võ trong đó người ta thử nghiệm những ý tưởng và cách hành xử. Để rồi họ nhận “sự phản tỉnh” hay sự phản hồi từ đó. Điều này giúp cá nhân điều chỉnh hình ảnh trung thực của bản thân. Chẳng hạn trẻ nhỏ có nhu cầu thử nghiệm những ý tưởng và cách hành xử của mình như trước gương soi chúng thử áo quần. Với những người yêu thương chúng, họ sẽ sẵn lòng làm gương soi cho chúng. Và khi cần họ sửa dạy chúng với lòng tốt.

Giải quyết vấn đề. Gia đình đoàn kết cũng có những vấn đề của nó, nhưng khi vấn đề xảy ra, họ có khả năng vượt qua khó khăn không thể tránh khỏi từng bước một. Đứng trước mỗi vấn đề đừng ai hỏi: “Lỗi tại ai?” và đừng mất thời gian tái lập hiện trường hoặc xét nét người liên can. Câu họ hỏi bao giờ cũng là : “Ta có thể giải quyết vấn đề bằng cách nào?”.

Đồng tâm nhất trí. Như cây sống còn nhờ chiếc rễ cái, cũng vậy gia đình không thể tồn tại mà thiếu tình yêu. Những gia đình hạnh phúc diễn tả chiều kích tâm linh của họ cách cụ thể trong đời sống hàng ngày. Họ chia sẻ không chỉ nơi ăn chốn ở hay đồ ăn thức uống mà trên hết là những giá trị chân thật. Gia đình cùng nhau cầu nguyện dần dà sẽ trổ sinh hoa trái là sự đồng tâm nhất, sự tế nhị, ơn tha thứ, sự cảm thông và Thiên Chúa.

Tha thứ. Một nhà hiền triết nói rằng: “Khi cuộc cãi vã đã qua, ta nên quên nó”. Tình yêu gia đình thì luôn luôn khoan dung. Con cái bị trách mắng cách nào đừng để có chút nghi ngờ về tình yêu của cha mẹ.

Kỷ niệm. Những gia đình hạnh phúc “tôn vinh” sự hạnh phúc của họ. Với mọi ngày lễ và ngày kỷ niệm có thể có, nhưng vẫn thường với một bầu khí vui tươi và lạc quan.

 

Với vai trò làm cha làm mẹ và với tất cả những gì tôi làm hôm nay, tôi muốn “hiện diện” trong đời sống hàng ngày của gia đình mình.